Nguyễn thị Lộc-Tưởng: Mùa Thu Vùng Đông Bắc

Gần hai tháng tin buồn cứ dồn dập, người quen biết lần lượt ra đi, có người đã chuẩn bị hành trang, có kẻ ra đi đột ngột bỏ lại vợ dại con thơ như Châu Văn Xuân gốc gác “Ngã Ba Voi” Chi Lăng, từ lúc phát hiện bịnh đến khi lìa đời không đầy hai tháng, một thanh niên trẻ đầy nhiệt tâm, cố gắng làm việc để lo cho gia đình cho bà con nghèo khổ ở quê nhà, rồi tới anh Lưu Nhơn Nghĩa, Đỗ Thị Trang . Có lẽ trên thiên đàng thiếu người đánh cờ nên thượng đế hết gọi người này tới mời người khác, còn địa ngục không còn chổ chứa hay Diêm Vương ăn hối lộ đổi tên hoặc làm lơ nên mấy tên “ác ôn” vẫn sống hại đời. Để thoát khỏi cái không khí sầu thảm, vợ chồng tôi lên xe làm một cuộc hành trình ngắn, đi coi “lá vàng”. Vùng Đông Bắc Mỹ quê hương thứ hai của  gia đình tôi nổi tiếng về cái đẹp của “mùa lá rụng”. Ở đây mấy chục năm cứ quần quật lo ăn lo mặc chưa một phút sống như “văn nhân thi sĩ “, ngắm lá vàng rơi.

Tám giờ sáng chúng tôi đã rời nhà. Sau khi đi thăm vùng biển phụ cận, nơi lá vẫn còn xanh nhưng nước thì lạnh buốt mà người lại đông như nem (vì là cuối tuần của ngày lễ Columbus Day), chúng tôi dừng chân nơi phòng hướng dẫn (Information center) bên cạnh xa lộ, vì trời cũng sắp về chiều cần phải nghĩ ngơi luôn tiện hỏi đường và địa điểm ngắm cảnh mùa thu. Nhân viên nơi phòng hướng dẫn trả lời:

– Ông bà đang ở exit 20, nếu muốn ngắm cảnh, trở lên xa lộ 93, xuống exit 32 quẹo trái, trên con đường đó có nhiều cảnh đẹp, nhiều trạm nghỉ chân, nhà hàng, sau đó qua đường 16 trở về Boston.

Tôi nói:

– Chúng tôi ở lại vài đêm, nhưng chưa có nhà trọ.

Anh ta lắc đầu:

– Ở vùng này đây là giờ cao điểm, tôi nghĩ ông bà không có chỗ ở đâu?.

Tôi nghĩ thầm: “lại thêm một tên tự kiêu tự đại, ở cái xứ buồn chán này làm gì không còn phòng trống, khi ở nhà tôi có lên mạng nên biết mấy khách sạn có tiếng không còn phòng, nhưng trên xa lộ nhà ngủ mọc như nấm, chẳng lẽ không có chỗ nghỉ chân?”.  Trở lên xa lộ đi thêm mấy exit theo máy dẫn đường (Navigation), chúng tôi rời xa lộ vào một nhà ngủ gần nhất, tới nơi tôi mới giật mình, cái nhà ngủ không ra hồn mà chỉ còn một phòng giá 180 đô một đêm, nhưng đã có người đặt, họ dặn để lại số điện thoại, vì sau nửa giờ nếu khách không tới họ sẽ cho chúng tôi thuê. Thế là lá vàng đâu chưa thấy chỉ thấy mặt trời bị che bởi đám mây đen, rồi cơn mưa như thác đổ, vợ chồng đành ngồi trong xe nhìn mưa rơi lòng buồn vô hạn, càng buồn hơn khi nhà ngủ gọi cho biết phòng đã có người.  Nghe tiếng mưa rơi không hiểu sao tôi trở thành thi sĩ miệng lẩm bẩm như người lên cơn:

Có hai con cóc,

đang ngồi chông ngốc,

mưa rơi như khóc,

trong cơn gió lốc,

thương hai con cóc,

vẫn ngồi chông ngốc.

Nhà tôi hỏi:

– Cằn nhằn gì đó bà?.

-Tui đang làm thơ ông làm tui mất hứng .

-Trời thần ơi!  bà mà làm thơ hèn chi không có chỗ ngủ.

– Đừng nói giởn nhe, tại tui hổng may mắn nên không quen biết với mấy anh văn nghệ sĩ cỡ lớn, chớ tui mà bắt mánh được với mấy ảnh nhờ “lăng xê” nổi tiếng mấy hồi.

– Bà mà văn sĩ, lòi sĩ thì có thôi làm ơn kiếm thêm coi có cái nhà ngủ hay khách sạn nào trống, nếu không thì trở về nhà cho chắc ăn.

– Ông thấy đó tôi đã gọi 5 cái nhà ngủ trong danh sách cái máy đưa ra, không có cái nào trống. Cứ theo ý trời tui gọi thử cái nhà ngủ này nếu còn thì ở không thì “ta về ta tắm ao ta”.

Đúng là ý trời, cái nhà ngủ cuối cùng lại còn căn nhà nhỏ (cottage), người đàn bà trên điện thoại, yêu cầu tôi “hold one minute” sau đó bà nói tiếp “Bà có muốn mướn không, để tôi trả lời với người khách đầu dây kia”  Dĩ nhiên tôi nói “Yes” . Khi nghe tôi hỏi phòng ốc như thế nào bà thao thao bất tuyệt căn nhà nhỏ tôi thuê đêm nay ở được 4 người và 2 em bé, nó có phòng khách, nhà bếp  v.v…  Từ địa điểm xe đang đậu đến nhà ngủ, theo người đàn bà trên điện thoại,  khoảng 35 dậm, xe chạy khoảng 45 phút, khi đánh địa chỉ vào máy dẫn đường có bốn cách tới nơi, thứ nhất “đi ngắn giờ”, thứ hai “đi đường ngắn”, thứ ba “đi trên xa lộ”, thứ tư ” không nhớ ??”, dĩ nhiên tôi chọn “ngắn giờ”, có lẽ trình độ anh văn của vợ chồng quá giỏi nghe không kịp “turn left, turn right”  quẹo phải quẹo trái, quẹo một lúc cái máy lại nói “nếu được xin quay đầu trở lại”, tôi chán nản đổi qua “đường ngắn” nó chỉ cũng y như trước, sau vài lần xoay đầu (U turn) chúng tôi mới tìm được con đường nhỏ mà nó muốn chỉ, trời tối lại mưa to gió lớn đường trơn trợt vận tốc cho chạy 30 dậm 1 giờ nhưng chỉ chạy 20 là đã chùn chân, hai bên đường chỉ thấy mấy cái bảng cảnh cáo đường cong, đường đèo, không có một ngọn đèn, năm khi mười họa mới có một chiếc xe chạy ngược chiều, hơn một giờ chúng tôi mới qua khỏi con đường “chết” tới thành phố, đến khi tìm được nhà ngủ cũng mất gần 2 tiếng đồng hồ, nếu ngay lúc đầu về nhà có lẽ gần và an toàn hơn. Khi vào motel người chủ chỉ bản đồ mới biết mình đã đi đường tắc băng qua núi như cái máy nói “đi đường ngắn”, còn bị bà ta chọc quê:

– Hê, dù sao ông bà cũng đi chơi tốn thêm chút thời giờ nhưng bớt được tiền xăng.

Thế là hết một ngày đi làm văn nhân thi sĩ, cũng được an ủi, căn nhà trọ buổi sáng thật nên thơ, nằm sát bờ hồ, ngồi trong nhà uống cà phê cũng thấy được màu đỏ, màu vàng xen lẫn màu xanh của lá. Nhưng khi nhìn những chiếc lá đổi màu lại thấy chạnh lòng cho cái tuổi về già của mình, rồi nghĩ tới bè bạn, tới đời người sao ngắn ngủi quá, lúc sống tranh giành hơn thua, có người cho mình là tài là giỏi, kẻ thì quá khiêm nhường mặc ai chê dại chê khờ nhưng dù có khôn có dại khi nằm xuống cũng như chiếc lá, nếu may mắn trôi theo giòng nước đến phương trời vô tận, chẳng may rớt bên lề cũng bị người đời chà đạp, có vui sướng gì mà ngắm với nhìn, thế là chúng tôi trả phòng, không tiếp tục cuộc hành trinh. Lúc đó tôi mới thắm thía với câu nói của Tiên Điền Nguyễn Du, “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.

 

2 Comments

  1. Mùa thu lá bay,con nai vàng ngơ ngác đạp trên lá vàng khô,thu đi cho lá vàng bay.39 năm sống và làm việc tại miền đông bắc HK,tôi cảm nhận được mùa thu đông bắc quyến rũ, rất thơ và lãng mạng,tức cảnh sinh tình là hứng thú của Trời đất và con người của mọi thời đai . . . .Vàng và đỏ bao trùm khắp miền đông bắc HK tạo lên bức tranh vĩ đại và tuyệt tác làm say đắm không biết bao danh nhân thư họa năm châu bốn biển.Nhìn lá vàng rơi nhớ về cố quốc mà đau nát tim gan vì lũ cọng sản vô thần hèn với giặc mà ác với dân,còn đâu cảnh thanh bình nhìn lá vàng rơi,ngắm trăng thu,con nai vàng ngơ ngác của thời đệ nhất và nhị Việt nam cộng hòa.Mùa thu luyến tiếc Boston 2018 . . . ./-

Leave a Reply to Đảm Phạm Cancel reply

Your email address will not be published.


*