Lương Thư Trung: Đọc Lại Vài Bài Thơ Của Thi Sĩ Hoa Văn

Nhắc đến nhà thơ Hoa Văn, không thể không nhắc đến bài thơ

“ĐÊM BUỒN UỐNG RƯỢU MỘT MÌNH”:

Đêm nay uống rượu sầu ly xứ
Rượu đắng hay lòng ta đắng cay
Bạn cũ còn ai đâu nữa nhỉ
Ta buồn nhớ lại những cơn say

Và nhớ thuở nào mang súng trận
Đêm đêm khói lửa mịt mù bay
Nghe đời thương gọi lên vàng sắc
Trên áo thời gian dấu bụi đầy

Quên làm sao được thời gian ấy
Mưa nắng đầy khung tình thoáng bay
Lại nhớ những ngày yêu mến cũ
Nghe bâng khuâng cả lối hoa gầy

Đã biết chuyện đời cơm với áo
Thì vinh hay nhục có ra gì
Bao nhiêu rồi cũng phù hư cả
Sau trước rồi ra cũng biệt ly

Thương cho những bạn bè năm cũ
Sớm phải nằm yên dưới mộ sâu
Nỗi hận thù này còn mãi mãi
Bạn ta ơi ! thắng bại ai cầu

Ở đây xứ lạ buồn ghê gớm
Có những người quen muốn lạ dần
Có những tâm hồn như lá cỏ
Chuyện còn chuyện mất cũng bâng khuâng

Tình đời vẫn lạnh như mưa gió
Một nỗi sầu riêng một nỗi mình
Vui cứ ra đi buồn cứ lại
Ly đầy đong cạn rượu phù sinh.”

Qua những vần thơ chan chứa  biếtbao nỗi niềm về mình, về người, về những thăng trầm trong dòng đời rồi phải trôi giạt nơi xứ người làm nên mối cảm thán của thi nhân vừa buồn vừa lãng mạn! Thân phận của một người xa xứ dưới ngòi bút của Hoa Văn là cô đơn, là lẻ loi, chỉ một mình một bóng  với “một nỗi sầu riêng một nỗi mình”; nhưng có lẽ bốn câu thơ tả nỗi buồn thê thiết nhất của chính tác giả mà mỗi lần nhớ đến Hoa Văn , ai đã từng đọc thơ ông rồi, đều không thể không nhắc đến những vần thơ này:

“Ở đây xứ lạ buồn ghê gớm
Có những người quen muốn lạ dần
Có những tâm hồn như lá cỏ
Chuyện còn chuyện mất cũng bâng khuâng”

Nhà thơ Hoa Văn làm thơ từ những ngày còn rất trẻ qua bút hiệu Anh Hoa với hai tác phẩm xuất bản từ những năm 1964, 1965, và mãi đến sau khi sang định cư tại Boston, thành phố mà tác giả tự xem như quê hương thứ hai của mình với biết bao kỷ niệm, nhưng nhà thơ của chúng ta vẫn không quên nhìn lại những năm tháng tuổi thơ của mình.qua bài thơ “TÔI” , theo thiển ý của tôi, đây quả là một hồi ức bằng thơ vô cùng cảm động:

“Tôi ngủ ổ rơm hồi tuổi nhỏ
Đông về áo mỏng rét căm căm
Áo tơi lá mặc khi mưa đổ
Nhà dột loanh quanh chạy chỗ nằm

Anh chị mỗi người đi mỗi ngả
Vì nghèo nên sớm phải xa nhau
Kiếm manh áo vá ngoài thiên hạ
Tôi tuổi còn non chửa biết sầu

Thương Mẹ chân trần đi bán bánh
Mẹ buồn sợ nhất những ngày mưa
Vẫn nuôi tôi đến ngày khôn lớn
Áo tứ thân phai lạt bốn mùa

Hi vọng mai này nuôi được Mẹ
Nào ngờ đất nước lại chia đôi
Mẹ tôi bóng xế chiều miền Bắc
Tôi xuống phương Nam đổi cuộc đời

Cho đến một ngày thôi khói lửa
Mới hay Mẹ chết tự lâu rồi
Mẹ tôi lúc sống mù đôi mắt
Suốt một đời buồn chẳng thấy tôi

Giờ muốn về thăm mộ Mẹ tôi
Để nhìn được Mẹ một lần thôi
Cho dù dưới mộ Mẹ nằm đó
Nhưng núi sông ngăn cách biệt rồi

Tôi ở đây mượn nắng mượn mưa
Mượn mùa xuân mới mượn lời thơ
Gửi về quê Mẹ tình yêu nước
Xin hẹn về thăm lúc đổi cờ”

Dường như trong suốt nhiều tập thơ của nhà thơ Hoa Văn mà tôi được đọc lúc sau này thì cái ý tưởng chính của ông chính là cuộc đời và ông chấp nhận nó như một đặc ân mà Trời đất đã ban tặng cho mình và ý hướng ấy làm đời ông lại lạc quan hơn


“Đời đẹp lắm cứ thơ thơ phú phú
Tuổi mấy mươi ta vẫn mến yêu đời
Và cùng nhau ta thảnh thảnh thơi thơi
Trời cho vậy cần gì than với thở

Cuộc sống hôm nay Trời ban ta đó
Thẩn thẩn thơ thơ xin tạ ơn đời
Nghĩ làm gì chuyện bèo giạt hoa trôi
Sầu nhân thế muôn đời như thế cả”

(Vạt nắng bên đời)


Trong thế gian này, bất cứ ai viết ra một điều gì, văn hoặc thơ, đều có người đồng cảm hoặc không đồng cảm với mình; nhưng với nhà thơ Hoa Văn, ông không coi trọng điều đó, vì một lẽ:


Ta và bạn yêu cuộc đời tha thiết
Thơ dở hay cũng làm đẹp cuộc đời
Người khen chê mình chỉ cúi tạ thôi
Trước sau vẫn những vần thơ thương cảm”
(Vạt nắng bên đời)


Đọc lại vài bài thơ của thi sĩ Hoa Văn, tôi muốn thưa cùng thi sĩ là với tấm lòng của một bạn đọc, tôi muốn kính gởi đến tác giả lời cảm ơn chân thành của tôi về những áng thơ mà thi nhân đã miệt mài sáng tác chẳng những chỉ dành riêng cho mình  mà còn mang tặng cho bạn đọc, cho đời nữa, làm nên những món ăn tinh thần vừa lãng mạn mà trong sáng, vừa triết lý mà đầy tình người như những đóa hoa đầy hương thơm  sắc thắm trong khu vườn văn học hiện đại này, rất bổ ích vậy!


Lương Thư Trung

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*