Đỗ Dzũng: Thi Sĩ Du Tử Lê, Tác Giả ‘Khúc Thụy Du,’ Qua Đời, Hưởng Thọ 77 Tuổi

Cố thi sĩ Du Tử Lê. (Hình: Uyên Nguyên)

GARDEN GROVE, California (NV) – Thi sĩ Du Tử Lê vừa qua đời lúc 8 giờ 6 phút tối Thứ Hai, 7 Tháng Mười, tại tư gia ở Garden Grove, hưởng thọ 77 tuổi.
Tin này được cô Orchid Lâm Quỳnh, ái nữ của ông, cho nhật báo Người Việt biết lúc 11 giờ tối Thứ Ba.
Cô kể: “Em báo tin này hơi trễ vì bây giờ mọi việc mới xong. Thực ra, tim bố ngừng đập lúc 8 giờ 6 phút tối Thứ Hai. Lúc đó, em vẫn gọi 911 và đưa bố vào bệnh viện. Bây giờ thì bố đã thật sự vĩnh viễn ra đi.”
Theo trang nhà dutule.com, nhà thơ Du Tử Lê, tên thật là Lê Cự Phách, sinh năm 1942 tại Hà Nam. Năm 1954, ông theo gia đình di cư vào miền Nam.
Ông là cựu học sinh trường Chu Văn An, Trần Lục, rồi đại học Văn Khoa Sài Gòn, nguyên sĩ quan QLVNCH. Ông làm việc tại Cục Tâm Lý Chiến trong vai trò phóng viên chiến trường, trước khi làm thư ký tòa soạn nguyệt san Tiền Phong.
Năm 1969, ông theo học khóa tu nghiệp báo chí tại thành phố Indianapolis, tiểu bang Indiana.
Năm 1973, ông được trao giải Văn Học Nghệ Thuật Toàn Quốc, bộ môn Thi Ca, với thi phẩm: “Thơ Du Tử Lê 1967-1972.”
Ông định cư tại Hoa Kỳ sau biến cố 30 Tháng Tư, 1975.

Khởi sự làm thơ rất sớm, từ năm 1953 tại Hà Nội, với nhiều bút hiệu khác nhau, bút hiệu Du Tử Lê được ông dùng chính thức từ năm 1958 trên tạp chí Mai.
Thơ của ông xuất hiện trên nhiều tạp chí trong và ngoài nước. Ông có thơ đăng trên nhật báo Los Angeles Times, 1983, và New York Times, 1994.
Năm 1993, Giáo Sư Neil L. Jaimeson chọn dịch và phân tích một bài thơ của Du Tử Lê in trong cuốn “Understanding Vietnam,” do hai đại học UC Berkeley và UCLA và nhà xuất bản London ấn hành, là sách giáo khoa về văn học Việt Nam cho nhiều đại học tại Hoa Kỳ và Âu Châu.
Vẫn theo tác giả này, cùng với Nguyên Sa, sự đóng góp trí tuệ của Du Tử Lê cũng như Linh Mục Thanh Lãng và Nhất Linh-Nguyễn Tường Tam là điều không cần phải hỏi lại (Understanding Vietnam, trang 344).
Du Tử Lê là một trong sáu nhà thơ Việt Nam thuộc thế kỷ thứ 20, có thơ được chọn in trong tuyển tập “Thi Ca Thế Giới Từ Thời Thượng Cổ Tới Ngày Nay” (World Poetry – An Anthology of Verse from Antiquity to Our Time) do nhà xuất bản W.W. Norton New York, New York, ấn hành năm 1998.
Thơ của ông cũng được một số đại học dùng để giảng dạy cho sinh viên từ năm 1990.
Ký giả Jean Claude Pomonti, một nhà báo hàng đầu của tạp chí Le Monde của Pháp, đã chọn một bài thơ của Du Tử Lê để dịch sang Pháp ngữ và phê bình trong tác phẩm “La Rage D’Être Vietnamien” do Seuil de Paris xuất bản năm 1975.
Du Tử Lê là một trong bảy nhà thơ miền Nam, được cố nhà văn Mai Thảo chọn là “Bảy Vì Sao Bắc Đẩu” của nửa thế kỷ thi ca Việt Nam. Sáu người kia là Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Bùi Giáng, Nguyên Sa, Thanh Tâm Tuyền, và Tô Thùy Yên.
Du Tử Lê là tác giả của trên 70 tác phẩm đã xuất bản.
Thi phẩm đầu tiên của ông xuất bản năm 1964.
Tùy bút của ông bao gồm “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời,” do công ty Văn Hóa Cổ Phần Phương Nam, Sài Gòn, ấn hành Tháng Tư, 2017; “Mẹ về Biển Đông,” do Hội Nhà Văn Việt Nam, Hà Nội, xuất bản Tháng Sáu, 2017; Tuyển tập thơ “Khúc Thụy Du,” do Phanbook, Sài Gòn, xuất bản Tháng Sáu, 2018; Tuyển tập thơ “Trên Ngọn Tình Sầu” và truyện dài “Với nhau, một ngày nào” (in lần thứ ba), do Saigon Books xuất bản Tháng Bảy, 2018.
Nếu không kể những tác phẩm được tái bản thì tuyển tập thơ “Trên Ngọn Tình Sầu” là tác phẩm thứ 73 của họ Lê, tính đến Tháng Bảy, 2018.
Là một trong những nhà thơ lớn của văn học Việt Nam, thơ của ông cũng được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc và trở thành những bài nhạc nổi tiếng như “Đêm Nhớ Trăng Sài Gòn,” “Hạnh Phúc Buồn (Trong Tay Thánh Nữ Có Đời Tôi),” “Giữ Đời Cho Nhau (Ơn Em),” “Khi Tôi Chết Hãy Đem Tôi Ra Biển,” “Khúc Thụy Du,” “K Khúc Của Lê,” “Khi Cuộc Tình Đã Chết,”….
Từ năm 1981 tới nay, nhà thơ Du Tử Lê có nhiều buổi thuyết trình tại một số đại học tại Hoa Kỳ, Pháp, Đức, và Úc. Ông từng hai lần được mời đến Harvard University để nói chuyện về thơ của mình.
Từ năm 2009 tới 2012, mỗi năm Du Tử Lê đều có ít nhất một lần thuyết trình về thơ tại đại học UC Berkeley và đại học Cal State Fullerton.
Ngoài thi ca, Du Tử Lê còn là một họa sĩ.
Kể từ Tháng Bảy, 2011, nhiều tranh của ông được dùng làm bìa sách cũng như in nơi trang bìa của một số tạp chí xuất bản tại Hoa Kỳ.
Tính tới 2012, ông đã có hai cuộc triển lãm cá nhân, một tại Houston, Texas, và một tại Seattle, Washington. Cuộc triển lãm cá nhân lần thứ ba của Du Tử Lê, vào Thứ Bảy, 30 Tháng Ba, 2013, tại Virginia, là triển lãm mở đầu cho năm.
Và năm 2014 của họ Lê được đánh dấu bằng cuộc triển lãm bỏ túi ở Coffee Lover, San Jose, California, với bảy tác phẩm hội họa, được bán hết trong vòng 45 phút.
Cuối năm 2012, với sự hướng dẫn của Giáo Sư Diêu Thị Lan Hương, cô Trần Thị Như Ngọc, cư dân Hà Nội, đã chọn thơ Du Tử Lê cho luận văn tốt nghiệp thạc sĩ, chuyên ngành Lý Luận Văn Học, với tựa đề “Thơ Du Tử Lê Dưới Góc Nhìn Tư Duy Nghệ Thuật,” được hội đồng giám khảo chấm đậu và được phép dùng để giảng dạy. Luận văn này hiện được lưu trữ tại Đại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn, thuộc Đại Học Quốc Gia Hà Nội, mã số: 60 22 01 20.
Chưa hết, thi sĩ Du Tử Lê còn viết văn và biên khảo văn học.
Bước vào năm 2015, tác phẩm truyện dài “Với nhau, một ngày nào” (tái bản lần thứ nhất) của nhà thơ, và bộ sách dầy 700 trang, tựa đề “Sơ lược 40 năm văn học nghệ thuật Việt 1975-2015” – tập 1, được cơ sở H.T. Productions xuất bản, công ty Amazon in và phát hành. Ngoài ra, bộ sách “Sơ lược 40 năm văn học nghệ thuật Việt 1975-2015” – tập 2, đầu sách thứ 67, của nhà thơ Du Tử Lê cũng được công ty Amazon in và phát hành giữa Tháng Chín.
Riêng năm 2018, tại Sài Gòn, đã có bốn đầu sách của Du Tử Lê được xuất bản cũng như tái bản, trong số đó, có các tuyển tập như:
– Tuyển tập thơ “Khúc Thụy Du,” tác phẩm thứ 72, do PhanBooks, Sài Gòn, xuất bản Tháng Sáu, 2018.
– Tuyển tập thơ “Trên Ngọn Tình Sầu,” tác phẩm thứ 73, do Saigon Books xuất bản Tháng Bảy, 2018.
– Tuyển tập tùy bút “Giữ Đời Cho Nhau” II, do PhanBooks, Sài Gòn, xuất bản Tháng Sáu, 2018.

Đỗ Dzũng
Theo Người Việt Online ngày 9/10/2019

Liên lạc tác giả: dodzung@nguoi-viet.com

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*