Nguyễn Ý Đức: Bệnh Loét Dạ Dày

Bao tử và ruột là hai bộ phận quan trọng trong hệ tiêu hóa.
Cơ quan tiêu hóa là để tiêu hóa thực phẩm nhằm cung cấp cho cơ thể các chất bổ dưỡng và năng lượng. Nếu chẳng may mà hệ tiêu hóa bị tổn thương thì toàn bộ cơ thể bị ảnh hưởng. Con người sẽ bị suy dinh dưỡng với nhiều hậu quả trầm trọng khác.
Bệnh của hệ tiêu hóa có thể là ở miệng, thực quản, bao tử, ruột non, ruột già.
Vì tính cách quan trọng và phổ biến của bệnh bao tử – ruột, dưới đây chúng ta sẽ tìm hiểu về mối quan hệ giữa chế độ dinh dưỡng với bệnh của hai cơ quan này.
Loét bao tử là bệnh rất phổ biến. Có ước tính cho thấy cứ mười người thì một người bị bệnh (10%).
Bệnh xuất hiện ở thành mọi phần xã hội, nhiều nhất vào độ tuổi 50 – 70. Bệnh thường xẩy ra cho nhiều người trong một gia đình, nên có vẻ như có tính chất di truyền.

Nguyên nhân

Trước kia, hầu hết mọi người, trong cũng như ngoài y giới, đều cho rằng loét bao tử là do ăn nhiều đồ chua, uống nhiều aspirin, ăn uống quá vội vàng, suy nghĩ quá độ hoặc do căng thẳng. Có giả thuyết còn cho là hút quá nhiều thuốc lá cũng là một nguy cơ.
Nhưng đến năm 1983, tại châu Úc, bác sĩ Barry J Marshall, chuyên về bệnh bao tử và ruột, đã tìm ra thêm một nguyên nhân của bệnh. Đó là vi khuẩn Helicobacter pylori. Để kiểm chứng, ông ta bèn nuốt mấy chú vi sinh vật này và quả nhiên sau đó ông ta mắc bệnh. Khám phá này đã thay đổi hẳn phương thức điều trị cũng như cách định bệnh loét bao tử.
Sau nhiều nghiên cứu, các bác sĩ cho là có đến 90% các trường hợp loét bao tử do vi khuẩn gây ra, vì khi trị với thuốc kháng sinh thì dứt bệnh. Tuy nhiên, nguyên nhân đầu tiên đưa đến nhiễm vi khuẩn cũng như cơ chế lây lan của vi khuẩn vẫn chưa được hiểu rõ.
Trong bao tử luôn luôn có dịch vị và nước acid rất mạnh do bao tử tiết ra để tiêu hóa thức ăn. Bình thường, các chất này không gây ra vấn đề gì cho bao tử, bởi vì bao tử có một lớp niêm mạc che chở và vì luôn luôn có một sự cân bằng giữa acid và dịch vị. Khi vì một lý do nào đó mà sự cân bằng này bị xáo trộn thì màng niêm bị ăn mòn và tạo ra những vết loét.
Có giải thích cho là vi khuẩn Helicobacter pylori và thuốc giảm đau nhức làm rối loạn sức đề kháng của niêm dịch, mở đường cho acid làm mòn màng niêm này.
Ngoài phần trên của bao tử, bệnh có thể xảy ra ở đoạn đầu của ruột tá (duodenum) hay phần dưới của dạ dày.

Triệu chứng

Người bị loét bao tử thường thấy đau ngầm ngầm ở bụng trên hay dưới ngực. Cảm giác đau này như đang bị gặm nhấm, nóng rát rất khó chịu. Nhưng khi uống một chút sữa, ăn một ít thức ăn hay uống viên thuốc chống acid là giảm liền. Nhưng với một số người, thức ăn lại làm tăng cơn đau.
Bệnh nhân có thể đi ra phân có máu đen, cảm thấy đầy bụng sau khi ăn, đôi khi ói mửa.
Khi loét ruột tá thì cơn đau thường xẩy ra ban đêm, đánh thức người bệnh dậy; ăn vào thì bớt đau nhưng vài giờ sau đau trở lại.
Bệnh có thể đưa đến một vài biến chứng như xuất huyết, thủng bao tử, nghẹt bao tử. Mà khi xuất huyết nhiều thì bệnh nhân bị bệnh thiếu máu hồng cầu.
Chụp X quang và nội soi bao tử là hai phương pháp thường dùng để xác định bệnh.

Điều trị

Trước năm 1983, loét bao tử được chữa bằng các thuốc có chức năng làm giảm độ acid trong bao tử hay làm tăng sức chịu đựng của niêm bao tử, mục đích là chống lại sự tấn công của acid.
Có nhiều loại thuốc ngăn chặn tiết acid như Cimetidine, Ranitidine, Famotidine và thường được uống với liều lượng liên tục trong 6 tháng. Sau đó tiếp tục uống với liều lượng thấp hơn để ngăn ngừa tái phát.
Bệnh cũng có thể được giải phẫu để cắt dây thần kinh kích thích sự tiết acid trong bao tử.
Từ khi khám phá ra vai trò của vi khuẩn Helicobacter pylori trong việc gây bệnh, việc định bệnh và điều trị chuyển hướng sang chú ý nhiều tới “thủ phạm” này.
Sau khi thực hiện các xét nghiệm cần thiết để xác định được sự hiện diện của vi khuẩn Helicobacter pylori trong dạ dày, người bệnh sẽ được điều trị bằng thuốc kháng sinh với liều cao liên tục trong khoảng từ 10 đến 12 ngày. Thuốc thường được dùng là hỗn hợp của thuốc chống acid Lansoprazole 30 mg ngày 2 lần+ amoxicillin 1 g ngày 2 lần + clarithromycin 500 mg ngày 3 lần x 10 ngày.
Những trường hợp loét dạ dày do vi khuẩn Helicobacter pylori gây ra (chiếm tới 90%) thường được trị dứt bằng thuốc kháng sinh và ít khi tái phát.
Còn nếu xét nghiệm vi khuẩn Helicobacter pylori cho kết quả âm tính thì vẫn phải áp dụng các phương pháp điều trị truyền thống liên quan đến độ acid trong bao tử. Trong những trường hợp này, bệnh nhân ít có khả năng dứt hẳn bệnh, cũng như nguy cơ tái phát rất cao.

Dưới đây nói qua về các thuốc dùng trong điều trị bệnh loét bao tử.

a. Cimetidine, Ranitidine, Famotidine
Nhóm thuốc này chặn không cho acid tiết ra từ các tế bào trong bao tử. Thuốc không được dùng trong đau bao tử nhẹ như no hơi, ợ chua, khó chịu bao tử vì không có công hiệu. Khi uống thuốc này, cần lưu ý mấy điều sau đây:
– Thông báo ngay với bác sĩ hay nếu dị ứng với thuốc hay đang có các bệnh về thận, gan.
– Không uống rượu hay hút thuốc lá.
– Uống thuốc khi ăn và trước khi đi ngủ. Nếu quên một lần uống thì khi nào nhớ ra uống ngay; nhưng nếu đã gần đến giờ uống lần kế tiếp thì bỏ qua chứ đừng “uống bù” hai liều thuốc một lúc.
– Giữ thuốc nơi nhiệt độ vừa phải, không ẩm thấp, hay nhiều ánh sáng.
– Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi muốn uống các loại thuốc giảm đau nhức như aspirin, ibuprofen hay các thuốc chống viêm không steroid khác.
– Thuốc có thể gây ra ảo giác, làm mất định hướng, đau cuống họng, sốt, tim đập không đều, mệt mỏi, yếu sức. Trong những trường hợp này cần thông báo cho bác sĩ ngay.
– Người cao tuổi chuyển hóa thuốc chậm nên thường được cho uống liều lượng thấp hơn nhất là khi có bệnh về gan và thận.

b. Thuốc Mylicon, Mylanta, Riopan, Maalox
Các thuốc này được dùng để làm trung hòa acid đã có sẵn trong bao tử và thường là một hỗn hợp của các chất aluminum hydrochloride, magnesium hydrochloride.
Khi uống các thuốc này, cần lưu ý một số điểm sau đây:
– Aluminium có thể gây ra táo bón, magnesium gây tiêu chẩy, nhưng hỗn hợp hai chất thì quân bình không có ảnh hưởng gì tới đại tiện.
– Không uống thuốc này khi đã hoặc đang có bệnh thận, các bệnh chuyển hóa xương.
– Cần thông báo bác sĩ trước khi dùng thuốc nếu có các bệnh sau đây: dị ứng với thuốc, đau bụng nặng, viêm ruột, rối loạn đại tiện lâu ngày, nghẹt ruột;
– Uống thuốc 3 giờ sau khi ăn và khi đi ngủ; uống thật nhiều nước;
– Không uống loại thuốc nào khác trong vòng 1 hay 2 giờ sau khi uống các thuốc này;
– Cất giữ cẩn thận để tránh thuốc hư hao vì nóng quá hay ẩm quá;
– Nếu quên một lần uống thì khi nào nhớ ra cần uống ngay, nhưng nếu đã gần đến giờ uống lần kế tiếp thì bỏ qua chứ đừng “uống bù” hai liều thuốc một lúc.

Bác Sĩ Nguyễn Ý-Đức, MD

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*