Nguyễn Văn Đích: Sức Khoẻ Và Bệnh Tật Của Người Lớn Tuổi

Ông Warren Manchess, 74 tuổi (trái) chăm sóc cho ông Paul Gregoline, 92 tuổi, ở Noblesville, tiểu bang Indiana.

Số người lớn tuổi tăng nhanh ở khắp nơi trên thế giới, nhất là ở các nước đang phát triển,. Ở Hoa kỳ hiện có 52 triệu người trên 65 tuổi, chiếm 16% dân số. Tuổi tác tăng kèm theo những thay đổi về sức khỏe khiến cho nhóm những người lớn tuổi là một thành phần đáng chú ý trong xã hội.

1. Suy giảm chức năng

Ngay cả những người được coi là khỏe mạnh cũng có những suy giảm về chức năng: thị lực giảm, mắt thường có cườm, nhìn không rõ, nhất là khi lái xe ban đêm, hoặc khi trời mưa hoặc khi đèn của xe đi ngược chiều chiếu vào mắt nên dễ bị tai nạn. Họ cần mổ cườm khi có trở ngai, cũng như khám mắt hàng năm để ngừa các bệnh khác.
Sức nghe của người lớn tuổi giảm nhất là đối với giọng cao, người nói quá nhỏ, nói quá nhanh. Họ nghe được nhưng không hiểu được, có khi người nói nói một câu dài, tiếng to tiếng nhỏ làm cho người lớn tuổi nghe tiếng được tiếng không nên dễ bị nhầm lẫn. Do đó khi nói với người lớn tuổi, cần đứng trước mặt họ, nói chậm và lớn tiếng, rành rọt từng tiếng thì họ dễ nghe được hơn. Các máy nghe ngày nay tuy khá tốt nhưng chưa hoàn chỉnh lại đắt tiền nên người lớn tuổi không cung ứng được. Dù vậy họ vẫn cần có máy nghe vì mất liên lạc với thế giới bên ngoài, bị hạn chế thông tin làm cho ho dễ bị trầm cảm và suy giảm trí tuệ.
Họ biết là nghe kém nhưng vẫn chủ quan, một ông trách vợ: “Sao ngày xưa em nói dịu dàng như thế mà bây giờ em la lớn tiếng như thế?!”. Ông quên rằng vì ông bị điếc nên bà vợ phải nói lớn tiếng, không phải vì bà không dịu dàng như trước!
Ngoài thính giác và thị giác, vị giác cũng thay đổi, họ mất dần cảm giác ngon ngọt vì những đầu thần kinh tiếp nhận cảm giác ngon ngọt mất đi, chỉ những đầu thần kinh tiếp nhận cảm giác đắng còn tồn tại nên họ thấy đắng miệng, ăn không ngon, phải dùng nhiều gia vị để tăng khẩu vị.
Thêm vào đó răng bị mòn, thường bị bệnh cổ chân răng, bị sâu răng, có mủ ở chân răng, phải rút tuỷ hoặc phải nhổ, do đó không nhai tốt, không ăn được thịt và các đồ ăn cứng nên sự nuôi dưỡng giảm, làm cho xuống cân và yếu sức. Cần phải cho họ răng để ăn.
Trong khi đó tóc rụng làm cho đầu hói tóc thưa, bạc, da dăn deo, khô, ngứa nhất là khi thời tiết lạnh do mất chất mỡ dưới da nên người lớn tuổi cảm thấy lạnh hơn người trẻ. Diện mạo thay đổi, đúng là “cái răng, cái tóc là gốc con người”.
Các khớp xương thoái hoá, lưng còng và đau, đi lom khom, đầu gối biến dạng và đau, bắp thịt teo nhỏ, chân tay run rẩy, dễ bị té ngã. Té ngã là tai nạn hay xẩy ra nhất ở người lớn tuổi ở Hoa kỳ, từ 30-40% người lớn tuổi bị té ngã mỗi năm. Một cái té nhẹ trong nhà tắm hoặc bước hụt có thể làm gẫy cổ xương đùi hoặc chấn thương sọ não làm chẩy máu não, phải nhập viện để mổ. Người lớn tuổi nằm bệnh viện dễ bị nhiễm trùng, viêm phổi, suy tim, biến chứng này dẫn đến biến chứng khác nên dễ bị tử vong. Cần khuyến khích vật lý trị liệu, tập tài chi để giữ thăng bằng, xếp đặt phòng ốc, lối đi, hành lang có tay vịn để tránh vấp ngã, cung cấp gậy, xe lăn, ghế tắm v..v..

2. Suy giảm tinh thần

Ngoài sự suy giảm về cơ thể, tinh thần người lớn tuổi cũng thay đổi dù không có bệnh tâm trí. Họ có những thói quen khó bỏ, hay quên những việc mới xẩy ra, có thể quên tên của một người bạn nhưng một lúc sau lại nhớ lại được, đây không phải là bệnh, chỉ là lão hoá.
Họ vẫn xử dụng được các dụng cụ quen dùng nhưng khó học các kiến thức mới, khó học được cách dùng các dụng cụ phức tạp. Đứng trước một tình huống phức tạp họ bối rối, không biết cách xử trí. Đến một quang cảnh lạ họ bị lạc hướng, không biết tìm lối ra nên dễ bị lạc. Đó là sự lão hoá bình thường. Họ cũng dễ bị dụ dỗ, lừa gạt, dễ nghe theo những lời dụ dỗ bởi những quảng cáo, và của những người muốn làm tiền vì họ không suy xét được.
Họ thường có một số bệnh mãn tính như cao huyết áp, tiểu đường, bệnh tim mạch, suy thận hoặc ung thư và thường phải uống nhiều thứ thuốc do đó dễ bị nhầm lẫn cũng như bị tác dụng phụ của thuốc làm cho chóng mặt, buồn ngủ v..v… Ngày trước họ là chủ gia đình, chỉ bảo con cái, bây giờ phải nhờ con cái đưa đi khám bệnh, dẫn đường, khai bệnh với bác sĩ, và nghe chỉ dẫn của bác sĩ vì họ không lái xe được, không nói năng mạch lạc, không nghe được đầy đủ, hay nhầm lẫn và dễ quên. Bác sĩ muốn được việc và nhanh chóng cũng muốn nói thẳng với con cái và không để ý đến đương sự là người bệnh làm cho họ cảm thấy yếu kém, bị gạt sang bên lề, bị loại ra khỏi số người bình thường.
Một số người buồn bã chán nản, bị trầm cảm, chán ăn, khó ngủ, không thiết sống, do đó không điều trị tốt. Một số khác, nhất là phụ nữ có thể bị sa sút trí tuệ, không những quên những việc mới xẩy ra nhưng quên dần về quá khứ, quên tên con cháu, quên ngày sinh tháng đẻ, đến lúc không còn biết mình là ai. Những người này cần sự săn sóc toàn diện, gồm ăn ngủ, tiêu tiểu, tắm rửa vệ sinh cơ thể. Họ không khổ vì không còn biết gì nhưng con cháu khổ không những vì phải săn sóc cơ thể nhưng khổ vì bố mẹ không nhận ra mình mà có khi ngược lại bố mẹ tưởng nhầm rằng mình là bố hay là mẹ!

3. Sự cô độc

Ngày nay con cái đi làm xa, phải lo sinh kế và lo cho vợ con riêng của mình nên ít có khả năng thăm hỏi chăm sóc cho bố mẹ như trước.
Một ông trên 70 tuổi, góa vợ, bị ung thư đại tràng đã được giải phẫu, mở hậu môn ra thành bụng, phải mang túi chứa phân ở thành bụng. Ông đã được hóa trị nhiều lần vì ung thư di căn, với nhiều tác dụng phụ, ăn không được, ngủ không được, chân tay tê cứng. Ông sống một mình, tự săn sóc, cố theo đuổi sự điều trị. Ông nói: “Tôi có 6 người con nhưng cả năm đến ngày sinh nhật chỉ có một người gọi điện thoại hỏi thăm!”. Tuy vậy trong thực tế vẫn có nhiều người con rất tốt, bỏ công ăn việc làm, ở nhà săn sóc bố mẹ. Một ông có mẹ bị bệnh sa sút trí tuệ. Bà bị hoang tưởng nghi là có người theo dõi hãm hại mình, nghi con dâu bỏ thuốc độc cho mình, lấy trộm tiền của mình. Cô con dâu không chịu nổi, đòi ly dị. Ông đành thuê nhà ở riêng với mẹ để nuôi mẹ!

4. Biện pháp giúp người lớn tuổi

Báo cáo cho biết ngưòi Mỹ lớn tuổi, nhất là những người ở nông thôn gặp khó khăn trong việc đi lại, làm cho họ không đi khám chữa bệnh thường xuyên được do đó không được điều trị tốt, ảnh hưởng bất lợi cho sức khoẻ.
Ngoài những biện pháp giúp người lớn tuổi phục hồi một phần chức năng bị suy giảm như đã nói ở trên, ở Mỹ có tổ chức bảo vệ người lớn tuổi, tránh cho họ bị bỏ rơi, bị ngược đãi hoặc bị lạm dụng về thể xác cũng như về tiền bạc. Nhân viên y tế và mọi người có trách nhiệm phát hiện và báo cáo những trường hợp ngược đãi người lớn tuổi với cơ quan chức năng để có biện pháp bảo vệ. Nếu người đó không tự săn sóc và bị suy giảm trí tuệ đến mức không còn hiểu biết để tự quyết định, sẽ có phán quyết của tòa án, cử người bảo trợ và xếp đặt để người đó được săn sóc chu đáo. Ngoài ra để giúp đỡ những người không tự săn sóc được, có tổ chức gọi là ”Săn sóc tại Nhà” đưa nhân viên đến nhà, để giúp đỡ người lớn tuổi trong sinh hoạt hàng ngày thay cho thân nhân, đưa họ đi khám bệnh, mua thuốc, nhắc nhở uống thuốc, đi chợ, coi sóc việc ăn uống. Săn sóc tại Nhà cũng tổ chức các buổi hội họp sinh hoạt để người lớn tuổi gặp nhau chuyện trò, ca hát và khiêu vũ…
Nghiên cứu cho thấy những việc này nếu làm đúng giúp cho người lớn tuổi được điều trị tốt hơn, giảm bớt số người phải nhập viện, giảm bớt chi phí về y tế.
Một điều đáng khích lệ là hiện nay 20% người Mỹ trên 65 tuổi vẫn còn làm việc để tăng thu nhập và đóng thuế. Số này tăng gấp đôi so với năm 1985.
Tóm lại có nhiều biện pháp giúp cho người lớn tuổi sống khoẻ mạnh và sống lâu, vui hưởng tuổi già, thu ngắn lại thời gian bị tàn phế.

Bác sĩ Nguyễn Văn Đích
Theo VOA Tiếng Việt ngày 13 tháng 9 năm 2019

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*