Máy bay Boeing 787-10 Dreamliner do Vietnam Airlines thuê của ALC. Photo Boeing
Tin tức hồi tuần trước cho hay hãng hàng không Vietnam Airlines đã trở thành hãng hàng không đầu tiên của Việt Nam được cấp giấy phép bay thẳng đến Mỹ.
Đến bao giờ Vietnam Airlines mới chính thức khai trương chuyến bay đầu tiên còn phụ thuộc thời gian đáp ứng các thủ tục pháp lý và an ninh khắt khe của các cơ quan thẩm quyền liên quan phía Mỹ, còn phần mình, Vietnam Airlines cùng các các hãng hàng không Việt Nam khác có lẽ cần phải chuẩn bị và tìm hiểu nhiều hơn về trách nhiệm pháp luật của mình trước cơ hội này. Bởi vấn đề được đặt ra ở đây không chỉ là những tiêu chuẩn kỹ thuật và an toàn hàng không mà các hãng hàng không Việt Nam ắt đã chuẩn bị cẩn thận một khi được cấp giấy phép hay một chiến dịch kinh doanh như thế nào để cạnh tranh với các hãng nước ngoài đang hoạt động xưa nay, cũng như hành khách có tin tưởng đủ để sử dụng dịch vụ của mình, mà còn là việc đối diện với vô số những luật lệ, quy định nghiêm ngặt theo luật pháp Hoa Kỳ cùng những hành khách được liên bang và hệ thống pháp lý này bảo vệ.
Một trong những điều thông thường có thể kể ra như tình trạng hành khách gốc Việt từ Mỹ hay các nước khác về thăm nhà và hành lý bị rạch nát, bị mất cắp tại phi trường Tân Sơn Nhất.
Thay vì thực tâm ngăn chận vấn đề này, phía Việt Nam thường bào chữa bằng cách đưa các tin tức hành lý bị mất cắp tại các phi trường Mỹ để cho rằng “Mỹ cũng vậy” như trong vô số vấn đề khác.
Họ không đưa thêm tin tức rằng, các phi trường và giới hữu trách Mỹ cam kết tấn công quyết liệt với dạng tội phạm này và những kẻ bị bắt giữ có thể bị án tù đến ba năm, tùy theo giá trị của hàng hóa đánh cắp.
Còn với các hành khách Việt, họ chỉ biết giận dữ, kể lể hay bất quá quay phim đưa lên Facebook rồi bấm bụng mang kiện hành lý bị rạch ra về. Lẽ ra họ cũng đã có thể và có quyền khiếu nại, buộc các hãng hàng không nước ngoài mà họ sử dụng phải bồi thường. Những luật lệ, thủ tục với các hãng hàng không trung gian chưa thuận tiện để kéo nhiều hành khách tham gia vào các vụ khiếu nại, nhưng một khi sử dụng các hãng hàng không Việt Nam cùng các hãng liên danh (codeshare) trên các chuyến bay thẳng trong tư cách một hành khách Mỹ, họ có quyền khiếu nại thẳng tới các cơ quan hàng không Hoa Kỳ liên quan như Bộ Giao Thông Vận Tải DOT, Cơ Quan Hàng Không Liên Bang FAA và An Ninh Giao Thông Vận Tải TSA … nếu không được hãng hàng không này giải quyết và bồi thường thỏa đáng. Vì đây là một trong những quyền khi bay (Fly Rights) được luật pháp bảo vệ và các hãng hàng không phải có trách nhiệm bồi thường một khi hành lý bị hư hỏng, thất lạc hay mất cắp …
Cũng vậy, nếu có một vụ sàm sỡ, tấn công tình dục hành khách trên đường đến Mỹ, như đã xảy ra trong vụ “đại gia” địa ốc Vũ Anh Cường trên một chuyến bay của Vietnam Airlines hồi tháng trước, thì chắc chắn người đàn ông này chẳng những bị còng tay và đối diện bản án vài ba năm tù, mà hãng hàng không này đã bị kiện vì không bảo vệ an toàn đủ cho hành khách, như vô số các vụ kiện của các hành khách Mỹ đang diễn ra trong các vụ việc tương tự.
Năm trước, cơ quan FBI đưa ra một biểu ngữ với dòng chữ cảnh cáo hành khách rằng, “Tấn công tình dục trên phi cơ là tội hình liên bang” sau khi báo cáo chỉ ra rằng đã có 63 vụ tấn công tình dục được tường trình. So với hàng trăm triệu hành khách hàng năm, con số này chỉ rất nhỏ, chỉ hơn một vụ mỗi ngày, nhưng các hãng hàng không cùng giới chức an ninh liên bang và phi trường đều xem đây là điều hết sứ nghiêm trọng. FBI cho rằng “chỉ một vụ cũng không thể chấp nhận” được.
Vài tháng trước, văn phòng biện lý liên bang tại Michigan bố cáo bản án chín năm tù dành cho một người đàn ông Ấn Độ đang làm việc tại Mỹ là Prabhu Ramamoorthy, 35 tuổi vì đã sàm sỡ một phụ nữ khi cô này đang ngủ trên chuyến bay từ Las Vegas đến Detroit. Prabhu cũng sẽ bị trục xuất sau khi thụ án. Một bản án nặng nề để cảnh cáo cho những kẻ có thái độ tương tự, không phải chỉ có 10 triệu đồng tiền phạt như Vũ Anh Cường đã nhận.
Về phần mình, hầu hết các nạn nhân trong những vụ tương tự này đều nộp đơn kiện các hãng hàng không vì thiếu trách nhiệm bảo vệ hành khách, như vụ một phụ nữ tại Texas hiện đang kiện hãng American Airlines với số tiền đòi bồi thường đến sáu triệu đô vì bị sàm sỡ trên phi cơ.
Có thể kể thêm vô số các tình huống khác mà hành khách có thể kiện hãng hàng không như ngộ độc thực phẩm, té ngã trong máy bay, hành lý rơi trúng đầu… Không chỉ được luật pháp liên bang bảo vệ, mà với hàng trăm, hàng ngàn văn phòng tổ hợp luật sư tư nhân vốn chuyên nghiệp và sẵn sàng nhập cuộc trong việc kiếm tiền cho thân chủ trước những điều như vậy, buộc các hãng hàng không phải tìm cách dàn xếp. Phần lớn các vụ kiện đều với lý do lỗi tắc trách (negligence) của hãng hàng không. Đúng hay sai, thắng hoặc bại, có sơ sở pháp lý hay không thì các vụ kiện này sẽ có luật pháp phân xử, chỉ biết rằng các vụ kiện nhắm vào các hãng hàng không vẫn xảy ra thường xuyên tại Mỹ với vô vàn lý do. Xem thường các án lịnh của các tòa án nước sở tại sẽ dẫn đến hậu quả như thế nào, các hãng hàng không Việt Nam cần xem lại bài học trong vụ án Vietnam Airlines bị buộc phải bồi thường 5.2 triệu Euro theo như phân xử của tòa án Ý và Pháp hồi mười mấy năm về trước.
Có những vấn đề thuộc trách nhiệm của mình và vô số tình huống xảy ra ngoài dự liệu nhưng khi đối diện với một hệ thống pháp luật chặt chẽ và những hành khách được bảo vệ đúng mực như tại Mỹ, việc khai thác đường bay thẳng đến Mỹ có thể là cơ hội với ngành hàng không Việt Nam, đồng thời cũng là một thách thức cho các hãng này. Thái độ tùy tiện, qua loa hay trốn tránh trách nhiệm và xem thường hành khách như đối với thị trường nội địa có thể sẽ phải trả một giá rất đắt nếu phạm phải với các hành khách tại Mỹ.
Đinh Yên Thảo
Theo VOA Tiếng Việt ngày 09/09/2019
Be the first to comment