Tuấn Khanh: I Have A Dream*

Nhà báo tự do Tuấn Khanh: “Chúng ta chọn lên đường chứ không chỉ yên lặng nuôi một giấc mơ.” (Ảnh: Uyên Nguyên)

Hơn 50 năm trước, vào những ngày này, nước Mỹ và thế giới sục sôi vì bài diễn văn của Martin Luther King với tiêu đề “Tôi có một giấc mơ”*.

Bài diễn văn được đọc trước hơn 200.000 con người, đại diện cho một xã hội người da đen đang khát khao quyền bình đẳng và tình thương, đại diện cho một xã hội đang chực chờ bùng nổ thành cơn giận dữ và một cuộc đại hỗn loạn. Nhưng bằng sự bao dung và vĩ đại, Martin Luther King đã biến mọi thứ thành bàn tay chìa ra, hóa giải sự thấp hèn, định kiến và ca ngợi tự do, biến mọi thứ thành khát vọng của một quốc gia.
Bài diễn văn có đoạn “Hôm nay, chúng ta tập hợp ở nơi đây để đòi một món nợ… chúng ta từ chối tin rằng ngân hàng công lý đã phá sản. Chúng ta từ chối tin rằng không đủ ngân quỹ bên trong những kho tàng cơ hội của đất nước. Vì vậy chúng ta đã tới để rút khoản nợ này – khoản nợ sẽ trao cho chúng ta sự giàu có của tự do và sự an toàn của công lý, như chúng ta mong đợi…”
Hơn 50 năm sau, hơn 2 triệu người Hồng Kông cũng tập hợp xuống đường để đòi một món nợ như vậy, họ kêu gọi sự đổi thay, kêu gọi lột bỏ những âm mưu và giới thiệu khát vọng dân chủ của một thế hệ Trung Hoa mới: rất no đủ nhưng khát khao tự do hơn bao giờ hết.
Hơn bao giờ hết, thế hệ mới người Trung Hoa muốn đòi món nợ lớn mà chế độ cộng sản đã vay, đã giật từ tay đất nước vĩ đại này: tự do và dân chủ.
Đổi lại, nhà cầm quyền Cộng sản phát xít đã dùng bạo lực, biến ôn hòa thành khói đạn, máu và sự căm giận của nhân dân. Biến yêu thương thành thù ghét.
Martin Luther King đã cùng thế hệ người Mỹ da đen hy sinh một cuộc nội chiến tiềm ẩn, và tạo cơ hội cho Hoa Kỳ trở thành một quốc gia của nhiều giấc mơ, thậm chí là giấc mơ của cả thế giới, nhiều hơn những gì mà Martin Luther King đã mơ.
Hôm nay, người Hồng Kông cũng đã hy sinh cả cuộc sống bình an và ổn định thịnh vượng của mình để đánh thức cả thế giới, để khơi dậy lương tâm của nhân loại đang bị che lấp bởi quyền lợi và toan tính.
Người Hồng Kông nhắc rằng, chỉ nửa thế kỷ thôi. Nhân ái bị xô ngã, sự cao đẹp bị vùi giập. Loài người chỉ là một đám đông bị lừa gạt và lợi dụng bởi các lề lối trí xảo ngoại giao, của những âm mưu thỏa hiệp tầm thế giới.
Chỉ nửa thế kỷ thôi, chủ nghĩa cộng sản trong cơn giãy chết của mình, đã kịp lai sinh thành loài quái vật ghê sợ nhất của nhân loại: Cộng sản phát xít – Communazi.
Câu chuyện Hồng Kông hôm nay, đã vạch bức màn tương lai cho chúng ta thấy – rằng phần nhân loại vẫn luôn cả tin vào những điều cao đẹp sẽ đến – không còn cơ hội để chờ và nuôi một giấc mơ như của Martin Luther King nữa.
Thế giới đã biến dạng, và con người đang bị buộc phải chấp nhận loại giấc mơ nô lệ an toàn.
Bài học lớn từ Hồng Kông là hoặc hôm nay, chúng ta chọn lên đường, và cần thì đánh đổi cả mạng sống để đòi hiện thực, và thực hiện từ giấc mơ cho chúng ta, cho thế hệ mai sau của chúng ta. Chứ không chỉ là yên lặng nuôi một giấc mơ.
Mọi thứ đã thay đổi trong thế giới này, và vì vậy chính chúng ta cũng phải thay đổi.
Cám ơn những người bạn Hồng Kông đã thức tỉnh phần ngủ mê của nhân loại. Thức tỉnh tôi.

Tuấn Khanh
(Facebook Tuấn Khanh)
Ngày 5/9/2019

*Bài diễn văn I Have A Dream diễn ra tại đài tưởng niệm Tổng Thống Abraham Lincoln, thủ đô Hoa Kỳ, ngày 28-8-1963.

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*