Cách đây 4 năm về trước, vào mùa hè năm 2015, chúng tôi ghé qua Thái Lan và có dịp được gặp một số giáo dân Cồn Dầu, Đà Nẵng vượt biên sang Bangkok vì đất đai của họ bị nhà nước Việt Nam cưỡng chiếm. Số người Việt tị nạn vào lúc đó vào khoảng trên 1,000 người. Năm nay tôi lại ghé Thái Lan để tìm hiểu thêm về tình trạng người tị nạn hiện nay. Được biết dân số tị nạn nay đã gia tăng lên rất nhiều, xấp xỉ 3,000 người. Môt số bà con may mắn xin được quy chế tị nạn của Liên Hiệp Quốc (LHQ) nhưng vẫn chưa được định cư tại nước thứ ba, trong khi số người vượt biên từ Việt Nam sang Thái ngày càng tăng vì sự trấn áp nhân quyền và tự do tôn giáo của Cộng Sản Việt Nam ngày thêm khốc liệt. Đa số những người tị nạn cư trú bất hợp pháp tại các vùng ngoại ô của thủ đô Bangkok. Họ không được phép đi làm, cho dù đã được LHQ cấp quy chế tị nạn; con cái thì tuỳ theo khu vực, một số khu vực chấp thuận cho các em đi học và số khác lại không chấp thuận. Chúng tôi muốn trực tiếp gặp mặt những người tị nạn để tìm hiểu về cuộc sống khốn khó của họ hầu trình bày với các mạnh thường quân tại Oklahoma City nói riêng, và và các nơi tại Hoa Kỳ nói chung, đã từng hỗ trợ cho các cuộc gây quỹ do chúng tôi tổ chức hàng năm tại địa phương. Nhân viên phục vụ cho cơ quan Boat People SOS (BPSOS) tại Bangkok đã hướng dẫn chúng tôi đến tiếp xúc với hai cộng đồng tị nạn: một của người H’Mong (Mường) và một của đồng hương Việt Nam; và sau đó gặp đại diện cộng đồng người Thượng (Ê Đê và J’rai) tại văn phòng BPSOS. Dưới đây là những trao đổi và tâm tình giữa chúng tôi với những nhân chứng sống đã bỏ nhà cửa, ruộng vườn, quê hương vì hai chữ TỰ DO.
* * *
Trong một căn nhà chật hẹp khoảng 3m x 4m, ở sâu trong khu xóm, chúng tôi gặp khoảng 15 người dân tộc H’Mong, trong đó có một mục Sư Tin Lành; họ đại diện cho 3 nhóm H’Mong khác nhau. Có người đã ở Thái trên 5 năm, có người mới đến và đa số chưa được LHQ cấp quy chế tị nạn, một số đã bị LHQ từ chối cấp quy chế và đóng hồ sơ. Họ không dám đi làm vì sợ bị bắt bớ đưa vào nhà Giam (Immigration Detention Center, viết tắt là IDC: Trại Giam Di Dân Bất Hợp Pháp); một số nhỏ may mắm đi làm (làm chui) tạm thời, lấy tiền mặt với lương thật thấp để kiếm sống qua ngày. Kinh tế gia đình của họ rất là yếu kém. Đa số các gia đình tìm nơi cư trú tại các nơi gần chợ họp ngoài trời; cứ đến cuối ngày, khi mà số rau, củ… không bán hết sẽ phải đổ đi, thì người tị nạn đến để lấy các loại rau, củ… này về để nấu ăn độ nhật. Họ chia sẻ với chúng tôi các nguyện vọng của họ, mà thiết tha nhất là xin được quy chế tị nạn do LHQ cấp và được đi định cư tại nước thứ ba. Cả hai nguyện vọng này đều khó thực hiện và họ đang ở trong tình trạng khá bấp bênh trên đất Thái. Tuy nhiên, khi được hỏi là nếu nhà Nước Việt Nam cho phép họ về lại quê hương và hứa không bắt họ đi tù hay bị bách hại; thì tất cả đều không tin lời hứa này, và khẳng định là thà chết hay bị tù tên đất Thái chứ không về lại Việt Nam. Họ đã bị CSVN lừa nhiều lần; trước đây họ ở miền thượng du Bắc Việt, sau khi CS cưỡng chiếm miền Nam vào năm 1975, một số người H’Mong đã di cư vào lập nghiệp ở các tỉnh thuộc miền Cao Nguyên Trung Phần như Dak Nong, Dak Lak… CSVN đã không cho họ theo đức tin Thiên Chúa, đã bắt bớ và tra tấn họ, buộc họ phải bỏ đạo!
* * *
Sau gần một giờ tâm sự với cộng đồng H’Mong, chúng tôi lại lên đường đến một khu ngoại ô khác, cách đó khoảng 45 phút lái xe; nơi đây chúng tôi được gặp trên 10 anh chị em đại diện người Việt cũng tại một căn nhà nhỏ hẹp. Gần giờ trưa nên các anh chị đã mời chúng tôi dùng cơm; tất cả khách và chủ ngồi trên sàn nhà xi măng của một căn phòng rộng khoảng 2.5 m x 2.5 m. Hai món ăn thuần tuý miền Nam với cá kho tộ và canh chua cá để trong hai tô lớn được dọn ra ăn chung. Vì không đủ đũa chén cho số đông nên mọi người dùng đủ loại chén, đũa khác nhau. Nơi đây tôi được tiếp chuyện với một cựu chiến binh Nhảy Dù thuộc quân lực VNCH, khoảng 70 tuổi; ông đã sang Thái Lan được trên 3 năm, và đã có quy chế tị nạn do LHQ cấp; nhưng chưa được đi định cư tại nước thứ ba. Vừa trông đứa cháu ngoại khoảng 3 tuổi, vừa chuyện trò với chúng tôi về những sự trù dập của chế độ CS với các chiến sĩ VNCH, nhất là với các quân nhân thuộc lực lượng tổng trừ bị. Ông tỏ ra rất bực bội với một số người Việt đã chạy trốn CSVN sang các bến bờ tự do, nay lại về nước để hưởng thụ hoặc xum xuê “áo gấm về làng”! Sau đó tôi tiếp xúc với một mục sư Tin Lành và một anh cựu quản đốc công trường Xây Cất Cầu Đường tại Việt Nam; hai vị này trạc tuổi trên dưới 50 và mới vượt biên qua Thái Lan hơn hai năm. Một bạn trẻ, khoảng dưới 40 tuổi, người miền Nam, ăn nói lưu loát, cho biết là trước đây anh chuyên về các công tác tu sửa máy móc, và đồng thời làm chủ một hãng sửa cơ khí tại Việt Nam; cuộc sống tương đối đầy đủ. Song, anh bất mãn với đường lối cai trị của chế độ, nên anh trốn sang đây chưa đầy một năm! Thực tế cho thấy là những người trung niên hay thanh niên lớn lên trong chế độ CS và bị tẩy não khi còn ở bậc tiểu và trung học; thế nhưng, họ đã nhìn ra và biết thế nào là “Thiên Đàng Mù”. Sống cuộc đời tị nạn khốn khó tại Thái, các anh em đang bàn tính phương cách để tự túc, tự cường; hy vọng là một ngày gần đây, BPSOS và cơ quan từ thiện bạn “All Charitable Funds” tại Dallas, Texas có thể giúp đỡ họ được phần nào nhằm thực hiện dự án này.
* * *
Về trở lại văn phòng BPSOS tại Bangkok vào lúc 2 giờ trưa, chúng tôi tiếp xúc với đại diện của người Thượng (J’rai, Ê Đê). Đồng bào Thượng ở rải rác tại nhiểu nơi, vì đường xá xa xôi nên đa số các đại diện không đến trụ sở BPSOS để gặp chúng tôi. Vấn đề chính mà Người Thượng gặp phải là CSVN không cho phép họ thực hành tôn giáo Tin Lành mà họ tin theo, cũng như Nhà Nước trưng thu đất đai mà họ khai thác để trồng trọt rồi giao lại cho các công ty lớn khai thác lâm sản. Họ luôn bị chế độ gán cho là hậu bối của Nhóm Fulro mà trước đây đã muốn biến một phần cao nguyên thành Khu tự trị. Bị kỳ thị đối xử và đàn áp tôn giáo, số người Thượng bỏ nước ra đi sang tị nạn tại Thái khá đông đảo. Nguyện vọng của họ là không bị Cảnh Sát Thái Lan bắt bớ đưa họ vào IDC hoặc tống xuất họ về nước. Nếu bị tống xuất về thì chắc chắn họ sẽ bị giam giữ, tra tấn và có thể bị sát hại.
* * *
Gần một thập niên qua, cơ quan BPSOS đã mở văn phòng tại Bangkok với các luật sư và trợ tá pháp lý hết lòng hỗ trợ người tị nạn lập thủ tục xin LHQ cấp quy chế tị nạn cho họ. BPSOS giúp can thiệp với Cảnh Sát địa phương khi họ bị bắt bớ. BPSOS còn trợ giúp một phần tài chánh khi người tị nạn gặp các trường hợp khẩn cấp liên quan đến y tế. Trong năm vừa qua và năm nay (2019) BPSOS và All Charitable Funds đã nộp tiền (thế chân) cho IDC để lãnh hàng chục người tị nạn ra khỏi nhà tù IDC. Cơ quan All Charitable Funds đã và sẽ hỗ trợ cho các dự án kinh tế nhỏ giúp cho người tị nạn có kế sinh nhai trong khi chờ đợi quy chế tị nạn và được định cư đến nước thứ ba. Sự ủng hộ tài chánh của đồng hương khắp nơi trên thế giới qua sự kêu gọi của Ban Giám Đốc, hay qua các cuộc gây quỹ tại địa phương đã giúp cho BPSOS có phương tiện duy trì trụ sở và nhân lực tại Bangkok để tiếp tục hỗ trợ người tị nạn và gia đình tại Thái được an toàn hơn và giúp đỡ họ có được một tương lai tốt đẹp hơn.
Việt Thanh
Tháng 8, 2019
Nguồn: http://www.machsongmedia.com/vietnam/bao-ve-nguoi-ti-nan/1483-2019-09-05-04-22-24.html
Be the first to comment