Trần Nguyên: Khúc Quanh Lịch Sử – Đặc Khu Trưởng Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga Muốn Từ Chức

Điểm Nóng Thời Cuộc

I/ Tin chấn động

Thông tấn xã Reuters vừa tung tin nóng bỏng về “khủng hoảng” Hồng Kông của Trung Cộng qua bản ghi âm.

1/ Theo đó Đặc khu trưởng Hồng Kông / bà Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga) nói rằng, bà đã gây ra “sự tàn phá không thể tha thứ” bởi đã châm ngòi cuộc khủng hoảng chính trị đang nhấn chìm thành phố, và bà sẽ từ chức nếu bà có một sự lựa chọn.
Xem: Special Report: Hong Kong leader says she would ‘quit’ if she could, fears her ability to resolve crisis now ‘very limited’
https://www.reuters.com/article/us-hongkong-protests-carrielam-specialre/special-report-hong-kong-leader-says-she-would-quit-if-she-could-fears-her-ability-to-resolve-crisis-now-very-limited-idUSKCN1VN1DU
Nhìn lại các diễn tiến xảy ra cho thấy rất có thể đây là “khúc quanh lịch sử” cho Hồng Kông và cho cả Trung Cộng.

2/ Tại sao Trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga muốn từ chức ?
Ai cũng biết trên chính trường khó biết đâu là giả đâu là thực. Chính vì vậy khi tin tức qua băng ghi âm được Thông tấn xã Reuters đưa ra đã tạo ra 3 giả thuyết có thể xảy ra với những lý do sau:

a) Giả thuyết 1: Trung Cộng đã “đạo diễn”
– Trung Cộng muốn thay thế bà này để tìm một giải pháp ôn hoà làm dịu lại cuộc phản kháng tại Hồng Kông. Nhứt là trước ngày lễ Quốc Khánh mùng 1 tháng 10 sắp gần tới nơi, Bắc Kinh không muốn “mất mặt” khi kỷ niệm 70 năm lập quốc. Nếu vậy thì phe chủ hoà trong Đảng Cộng Sản Trung Hoa đang thắng thế.
– Cũng có thể Trung Cộng muốn đối phó cứng rắn hơn nên đang tìm cách sửa soạn dư luận để ra quyết định “bỏ rơi” bà này thay thế bằng một nhân vật khác có khả năng hơn, kể cả dùng biện pháp mang quân đội trấn áp như đã xảy ra tại Thiên An Môn vào tháng 6 năm 1989.

b) Giả thuyết 2: Chính bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã “đạo diễn”
Rất có thể chính bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã “đạo diễn” ra vụ này, tại vì bà này từ từ tự thấy sợ hãi trước sức mạnh kinh khủng của làn sóng phản kháng tại Hồng Kông nên muốn bắn tin rút lui để an toàn tính mạng cho bản thân và cho gia đình trong tương lai. Nhứt là nếu xảy ra một thảm sát Thiên An Môn thứ 2 thì bà này và gia đình sẽ bị coi là kẻ tử thù của Hồng Kông và bị nguyền rủa mang tiếng xấu ngàn đời.

c) Giả thuyết 3: Phe phản kháng đã “xí gạt” được bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga
Được biết là cuộn băng ghi âm “lén” trong một phiên họp “kín” giũa bà và một số doanh nhân. Khi tin tức tung ra đã được 3 doanh nhân hiện diện trong phiên họp xác nhận tính chất thực sự của cuộn băng ghi âm nên khiến bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga không thể chối cải được. Tuy nhiên bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga tỏ vẻ ra trách móc vì đã bị lén lút ghi âm trong phiên họp. Điều này cho thấy rất có thể phong trào phản kháng đã gài được người vào phiên họp hoặc đã được giới doanh nhân gián tiếp giúp đỡ ghi âm lén để xử dụng làm chia rẻ hàng ngũ chánh quyền tay sai Hồng Kông.
Dù muốn như thế nào đi nữa, Trung Cộng đứng trong khủng hoảng trầm trọng vì Lễ Quốc Khánh mùng 1 tháng 10 sắp tới gần và sẽ có thể là ngòi nổ cho phong trào phản kháng tại Hồng Kông và lan rộng qua biên giới Trung Cộng .

II / Sự khác biệt giữa cuộc phản kháng năm 2014 và năm 2019

Dĩ nhiên có nhiều khác biệt, nhứt là sau khi thất bại với phong trào phản kháng “ô dù” vào năm 2014.

Vào năm nay 2019, họ trưởng thành hơn biết rút kinh nghiệm qua bài học “thất bại là mẹ thành công” nên đã tổ chức tốt đẹp và đông đảo hơn xưa rất nhiều. Đáng kể là phong trào đã vận động và nhận được sự yểm trợ tích cực của quốc tế. Chẳng hạn:
1/ Chánh phủ Mỹ hiện nay đã hành xử đối phó với Trung Cộng như một đối thủ nguy hiểm. So sánh lại:
a) Vào năm 2914, Đảng Dân Chủ với chánh phủ TT Obama nhu nhược bị tài phiệt Mỹ thao túng chỉ muốn làm ăn với Trung Cộng nên làm ngơ, đã không ủng hộ mà còn “im lặng” trước cảnh Trung Cộng “đàn áp” phong trào phản kháng đến nỗi các lãnh tụ phản kháng phải ngồi tù cả đám.
b) Vào năm nay 2019, Đảng Cộng Hoà với chánh phủ TT Trump ngang tàng công khai “đánh và trị” Trung Cộng nên Bắc Kinh không còn dám tung hoành như trước đây. Phong trào phản kháng Hồng Kông đã nhìn thấy rõ nhược điểm này của Trung Cộng nên càng ngày càng đòi hỏi nhiều hơn vì đây đúng là cơ hội “ngàn năm một thuở” khó mà có được một chánh phủ Mỹ dám đương đầu Trung Cộng như bây giờ.
2/ Chánh phủ Đài Loan hành xử cũng tương tự như vậy:
a) Vào năm 2014, Trung Hoa Quốc Dân Đảng với TT Mã Anh Cữu có chủ trương thân Bắc Kinh nên không dám giúp đỡ phong trào phản kháng và không dám chống Trung Cộng gì cả.
b) Ngược lại vào năm nay 2019, TT Thái Anh Văn với đảng cầm quyền Dân Tiến có chủ trương chống Trung Cộng rõ rệt và không bỏ cơ hội giúp đở công khai & bí mật cho phong trào phản kháng Hồng Kông. Xem ra Đài Loan chính là căn cứ hậu cần vững chắc cho các lãnh tụ phản kháng vì sẵn sàng là nơi trú thân khi lỡ bị thất bại.
3/ Dư luận thế giới nghiêng về phía ủng hộ phong trào phản kháng Hồng Kông vì được giới truyền thông quốc tế thông tin đầy đủ. Từ khi Mỹ quyết tâm thay đổi chánh sách đối phó thẳng với Trung Cộng thì hầu hết các cường quốc Tây Phương “trở mặt” không còn nên sợ Bắc Kinh như trước đây. Nên đã xảy ra hiện tượng giới chánh trị gia Tây Phương đã dám chỉ trích và đe dọa mưu đồ Bắc Kinh muốn dùng quân đội đàn áp gây vụ Thiên An Môn thứ 2.

III/ Ảnh hưởng tới các quốc gia láng giềng

Chế độ độc tài Trung Cộng đang bị khủng hoảng lung lay tận gốc đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến các dân tộc láng giềng. Ngòi nỗ chính là chánh sách mới của Mỹ.
Đây cũng là lý do thầm kín cho thấy đại đa số các dân tộc bị đe dọa hoặc bị ách đô hộ cộng sản như Việt Nam, Cuba, Trung Hoa, Đài Loan, Tây Tạng, Tân Cương, Nội Mông … đều ủng hộ chánh phủ Mỹ trong chiến lược ngăn chận mưu đồ bành trướng của Bắc Kinh.

IV/ Kết luận

Khách quan mà nói rất khó tiên đoán được tương lai của Hồng Kông sẽ ra sao, bởi vì còn tùy thuộc rất nhiều yếu tố bên trong và bên ngoài.
Nói tới chuyện Hồng Kông, khiến chúng tôi chợt nhớ đến tài tiên đoán thời cuộc hiếm có của Cố Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy (1924-1990). Nhứt là về Hồng Kông mà tình hình trong thời gian qua đã cho thấy cái nhìn viễn kiến độc đáo của Giáo sư Huy.
Số là vào năm 1984, Trung Cộng đã thành công làm áp lực với Anh Quốc đòi lại được Hồng Kông và ký thoả ước chính thức thu nhận vào năm 1997. Lúc đó có dư luận cho rằng Trung Cộng lấy được Hồng Kông là thắng lợi lớn cho Bắc Kinh.
Nhưng riêng Giáo sư Huy đã phân tích cho rằng Hồng Kông là một tiềm ẩn cực kỳ nguy hiểm cho Trung Cộng và đưa ra câu chuyện trong Tây Du Ký việc Bà La Sát (còn gọi là Thiết Phiến Công Chúa với cây quạt Ba Tiêu) võ công tưởng chừng vô địch và đã đánh bại Tôn Ngộ Không tơi bời. Nhưng cuối cùng Tôn Ngộ Không nghĩ ra mưu kế hoá ra con bồ hong bay vào chén trà mà bà La Sát uống. Vào trong bụng, Tôn Ngộ Không hiện ra hình nhỏ, dùng cây thiết bảng đập phá ngũ tạng ruột gan của Bà La Sát và cuối cùng bà này đau quá phải chịu thua cho mượn cây quạt Ba Tiêu để quạt dập tắt Hỏa Diệm Sơn tiếp tục hành trình thỉnh kinh.
Giáo sư Huy tiên đoán Hồng Kông sẽ tương tự làm y như vậy đối với Trung Cộng. Mà quả thật sau 35 năm đã xảy ra đúng như Giáo sư Huy tiên đoán và Trung Cộng đang đứng bên bờ vực thẳm. Có thể so sánh khủng hoảng tương tự như Liên Sô chịu đựng sau khi Bức Tường Berlin sụp đỗ vào năm 1989.
Rất có thể tình hình biến chuyển cực kỳ nhanh chóng tương tự như năm 1989. Như vậy đó quả là tin mừng cho VN chúng ta có thể thoát được Đại Họa Mất Nước vào tay Trung Cộng!

Trần Nguyên / Người Xứ Bưởi
Ngày 2 Tháng 9, 2019

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*