Vào ngày 12-8 vừa qua Sở Quốc Tịch và Di Trú Hoa Kỳ (US Citizenship & Immigration Service – USCIS) đã chính thức thông báo luật lệ hành chánh mới để xin thẻ xanh và nhập quốc tịch Hoa Kỳ. Luật lệ hành chánh mới này sẽ được áp dụng vào ngày 15/10/2019. Vì là luật lệ hành chánh nằm trong phạm vị trách nhiệm của hành pháp cho nên chánh quyền của Tổng Thống Trump không phải trình Quốc Hội Hoa Kỳ cứu xét mới được thi hành. Luật lệ mới sẽ không có tính cách hồi tố. Điều này có nghĩa là không áp dụng cho những người đã có thẻ xanh.
Luật lệ hành chánh mới đưa ra những đòi hỏi chi tiết mới để xin thẻ xanh và nhập tịch Hoa Kỳ mà trước đây không có. Do đó việc xin thẻ xanh và nhập tịch sẽ khó khăn hơn trước. Những điều kiện mới bao gồm lợi tức, trình độ học vấn, trình độ Anh ngữ, kỹ năng chuyên môn, sức khỏe, tuổi và tình trạng gia đình.
Thực ra trước đây luật di dân đầu tiên của Hoa Kỳ 1882 đã đòi hỏi những người muốn trở thành thường trú nhân phải chứng minh rằng họ sẽ không trở thành gánh nặng xã hội (public charge). Đến năm 1952 và sau đó vào năm 1996, Quốc Hội Hoa Kỳ đã tái xác nhận qui luật này. Theo tiêu chuẩn áp dụng từ 1999, gánh nặng xã hội được định nghĩa là chủ yếu phụ thuộc vào trợ cấp tiền mặt, trợ cấp của chính phủ. Nhưng luật lệ mới chi tiết hóa và mở rộng những điều kiện để có thể làm cho những ứng viên này trở thành không đủ tiêu chuẩn. Định nghĩa mới quy định rằng người nào rất có thể nhận trợ cấp của chính phủ trên 12 tháng trong khoảng thời gian 36 tháng, sẽ là gánh nặng xã hội. Nếu một người nhận hai trợ cấp sẽ tính thành hai tháng.
Chương trình di dân trước đây nhấn mạnh về liên hê gia đình như những trường hợp di dân bảo lãnh cho cha mẹ, con cái và anh chị em. Khoảng 2/3 trường hợp trước đây nằm trong diện này. Chương trình di dân mới căn cứ vào khả năng tự lập, trách nhiệm cá nhân và sẽ không chấp nhận người nào hiện nay là hay có tiềm năng trở thành gánh nặng cho xã hội trong tương lai.
Điều kiện quan trọng nhất xem ra là tiêu chuẩn lợi tức. Ở Mỹ, mức lợi tức dưới $64,000 / năm cho một gia đình bốn người được xếp vào nghèo (federal poverty guidelines). Theo luật lệ di trú mới, người có lợi tức gia đình chỉ bằng 250% hay thấp hơn mức nghèo liên bang, tức là khoảng $25,600 / năm sẽ không đủ điều kiên để di dân vào Mỹ. Con số cho 2019 là $25,750.
Để chứng minh lợi tức những người muốn xin thẻ xanh sẽ phải nộp giấy khai thuế lợi tức trong ba năm và liệt kê những việc đã làm.
Trong quá khứ, 78% gia đình mà người đứng đầu không phải là công dân Hoa Kỳ chỉ có trình độ trung học trở xuống. Do đó, luật lệ mới đòi hỏi trình độ học vấn của di dân phải cao hơn.
Những di dân từng nhận trợ giúp của chính phủ liên bang, tiểu bang và địa phương sẽ gặp nhiều khó khăn để xin trở thành người thường trú. Trợ giúp của chính phủ liên bang bao gồm phiếu thực phẩm (food stamp hay tên chính thức là Supplemental Nutrition Assistance Program), trợ cấp nhà ở (Housing Assistance), bảo hiểm y tế Medicaid, Trợ Cấp Tạm Cho Những Gia Đình Nghèo (Temporary Assistance for Needed Families – TANF) trong khi tìm việc làm, Phụ Cấp Lợi Tức (Supplemental Security Income – SSI) hay còn gọi là trợ cấp tiền mặt cho những người già hay tàn tật, Hoàn Trả Thuế Lợi Tức (Earned Income Tax Credit) bớt thuế cho những người có lợi tức thấp hoặc trung bình, đặc biệt cho những gia đình có con.
Chính phủ liên bang cung cấp ngân khoản cho sáu chương trình an sinh xã hội kể trên. Các tiểu bang quản trị những chương trình này và có thể có thêm vài chương trình an sinh xã hội của tiểu bang.
Tuy nhiên có một số chương trình an sinh xã hội không bị chi phối bởi luật lệ di dân mới. Những chương trình ngoại lệ này gồm có trợ giúp người tị nạn (refugee), người tị nạn chính trị (asylum seeker), quân nhân, trẻ em, phụ nữ mang thai, sinh viên vay nợ để đi học, ăn trưa ở trường học, bảo hiểm sức khỏe cho trẻ em, ngân hàng thực phẩm (Food Pantries), nhà trú cho người vô gia cư, bảo hiểm y tế cho trẻ em (Medicare for Minors), trợ giúp bảo hiểm y tế khẩn cấp (Emergency Medicare Assistance) và trợ cấp tai họa (Disaster Refief).
Trong khoảng hai năm qua, sau khi bản thảo luật lệ mới được phổ biến nhiều người lớn trong những gia đình di dân đã không xin trợ cấp xã hội của chính phủ trong năm 2017 và 2018 vì sợ không xin được thẻ xanh. Theo cuộc nghiên cứu của Urban Institute, khoảng 14% trong số gia đình di dân đã không xin trợ cấp dù họ đủ tiêu chuẩn để xin hưởng an sinh xã hội.
Trên thực tế số công dân Mỹ xin trợ cấp chính phủ, đặc biệt người da trắng vì số người da trắng chiếm trên 72% tổng số dân Mỹ, nhiều hơn số di dân. Thật vậy, tài liệu nghiên cứu của Associated Press, số di dân xin trợ cấp chỉ chiếm 6.5% số người xin Medicaid và 8.8% số người nhận trợ cấp thực phẩm.
Theo thống kê của Kaiser Family Foundation, trong số 59,121,200 người được hưởng Medicaid vào 2015, người da trắng chiếm 42.2%, Hispanic chiếm 30.6%, da đen 18.9% và các sắc dân khác 8.4%.
Chi tiêu về an sinh xã hội đã chiếm một tỉ lệ rất cao trong ngân sách liên bang Hoa Kỳ, khoảng 48%.
Khoảng 4 triệu người hiện đang sống trên đất Mỹ sẽ bị ảnh hưởng của luật lê di dân mới. Những người sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi điều kiên di trú mới là những người gốc Phi Châu, Trung và Nam Mỹ và Á Châu.
Trong quá khứ, khoảng 69% số người đã có thẻ xanh đã vi phạm một trong những điều kiện di dân mới và 43% vi phạm hai điều kiện. Nói về xuất xứ, 27% người Âu châu vi phạm hai hay ba điều kiện, trong khi đó con số của người Mễ Tây Cơ và Trung Mỹ là 60% và người Á châu là 41%.
Dân số nước Mỹ vào 2018 là 329.3 triệu người. Người da trắng chiếm 72.4%, da đen chiếm 12.6%, Á châu 4.8%, thổ dân 1.1%, số người lai nhiều sắc tộc 2.9%, số người khác 6.2%. Số người gốc Tây Ban Nha (Hispanic) nằm trong cả ba sắc dân trắng, đen và Á châu, chiếm 16.3% tổng số dân Hoa Kỳ.
Số người sống ở Mỹ nhưng sanh đẻ ở ngoại quốc là 43.5 triệu người. Trong đó có 11.1 triệu người bất hợp pháp, 1.7 triệu người tạm hợp pháp, 11.7 triệu người có thể xanh và 19 triệu người là công dân Hoa Kỳ. Những người hợp pháp tạm và những người có thẻ xanh, tổng cộng là 13.4 triệu, sẽ chịu ảnh hưởng của luật lệ mới.
Trong 2018, USCIS đã cấp 638,000 thẻ xanh và các tòa đại sứ Hoa Kỳ đã cấp 533,000 hộ chiếu di dân. Sau khi luật lệ mới có hiệu lực các con số này sẽ giảm đáng kể.
Có một số tổ chức phi chánh phủ phản đối luật lệ di dân mới vì nó trao cho các viên chức di dân quá nhiều quyền hành để quyết định xem di dân có trở thành gánh nặng xã hội hay không.
Luật sư di trú đồng thời là một cựu viên chức lãnh sự quán của Hoa Kỳ trong thời gian 2011-2018 Christopher Richardson vừa góp ý trên tờ Washington Post rằng nên hủy bỏ luật lệ di trú về gánh nặng xã hội vì trong quá khứ nó đã bị lạm dụng như một võ khí để loại trừ những nhóm người vào nước Mỹ như những người Công Giáo Irish vào các thập niên 1840 và 1850, những người Đông Âu và Nam Âu vào thập niên 1880 và những người Do Thái vào thập niên 1930.
Tổ chức Catholic Legal Immigration Network nói rằng “Chính quyền Trump đang tìm cách qua mặt Quốc Hội để thực hiện một hệ thống di dân dựa trên giá trị. Đây là cách gián tiếp để cấm đoán những người có lợi tức di cư đến Hoa Kỳ.”
Trung Tâm Luật Di Trú Toàn Quốc (National Immigration Law Center) đặt trụ sở tại Los Angeles tuyên bố sẽ kiện chính phủ ra tòa vì luật lệ mới có thể thay đổi hệ thống di dân hợp pháp, làm giảm số di dân luật pháp cho phép mà không thông qua Quốc Hội và “để tước quyền công dân của những cộng đồng da mầu và ưu đãi người giầu.”
Tiểu bang California, cùng với District of Columbia, Maine, Pennsylvania và Oregon đã khởi đơn kiện chính phủ Trump về luật lệ di trú mới cũng vì những lý do vừa nêu. California là một tiểu bang có số di dân đông nhất nước Mỹ vào khoảng 10 triệu người. Khoảng 50% số di dân ở California đã trở thành công dân Mỹ. Khoảng 5 triệu người còn lại sẽ bị ảnh hưởng của luật mới. Trong khi đó Texas có 3 triệu người sẽ bị chi phối bởi chính sách di trú cứng rắn của Tổng Thống Trump, so với New York và Florida mỗi nơi có 2 triệu người
Nguyễn Quốc Khải
Theo VOA tiếng Việt ngày 23/8/2019
Be the first to comment