
Fresno của tiểu bang California nổi tiếng là vùng đất nóng với những nông trại trái cây bạt ngàn nhưng ít có người biết đến khu vườn độc đáo Forestiere Underground Gardens – Vườn địa đạo Forestiere.
Có thể nói Forestiere Underground Gardens là một viên ngọc tiềm ẩn của vùng Fresno. Đó là một lâu đài dưới lòng đất gồm có phòng ngủ, phòng tắm, nhà nguyện, phòng khiêu vũ, hồ cá và rất nhiều khu vườn nhỏ trồng các loại cam, quít, bưởi, lựu và nho nằm bên dưới các cửa sổ xuyên qua lòng đất tràn ngập ánh sáng mặt trời. Vườn địa đạo là tác phẩm 40 năm của một di dân gốc Sicily: Baldassare Forestiere. Điểm du lịch độc đáo này đã được New York Times, CNN, NPR…. tường thuật như là một tác phẩm nghệ thuật dưới lòng đất của California.
Ông Baldassare Forestiere sinh năm 1879 ở Sicilia. Thân phụ ông là người khá giả, có vườn nho và hầm rượu. Trong một lần cãi nhau với cha, Forestiere nóng giận bỏ nhà sang Mỹ năm 1901 với giấc mơ lập trang trại cam quýt (citrus).
Đến Boston của nước Mỹ ông làm thợ đào đường ngầm. Có lẽ những kinh nghiệm này giúp ông xây vườn địa đạo sau này. Khoảng hai năm sau, ông sang California, là thiên đường của những nông gia thời bấy giờ. Ông tìm mua đất ở Orange County nhưng phải bỏ ý định đó vì không đủ tiền. Ông tìm về San Joaquin Valley, nơi trồng rất nhiều loại cây ăn trái.
Năm 1905, Forestiere mua được 70 acres đất ở Fresno với giá rất rẻ, 70 đôla. Nhưng khi ông đào lên thì thấy toàn là đất hardpan, loại đất sét trộn lẫn với cát sỏi. Lớp đất này dày 6 feet không thể trồng được gì cả. Ông phải đi làm công để sống qua ngày trong cái nóng có khi lên đến 115 độ vào mùa hè ở Fresno.
Thay vì cay đắng với miếng đất mua nhầm, ông nảy ra ý định biến nó thành những căn phòng dưới lòng đất giống như những hầm rượu mát mẻ của cha ông ở quê nhà. Thế là ông bắt đầu đào đất vào ban đêm sau những giờ làm công ban ngày với những dụng cụ đơn sơ trong hình bên dưới.
Đầu tiên ông đào một phòng ngủ có giường được khoét sâu trong tường đất. Ông còn đắp thêm một cái bàn nhỏ làm một chỗ để chiếc đèn đầu giường. Ông trang trí phòng ngủ bằng cách chà láng tường và sơn bên ngoài. Sau đó ông đào thêm một phòng ngủ nữa, rồi nhà bếp, phòng khách và phòng tắm.
Dụng cụ đào đất của chính ông Forestiere (trái) và lối vào vườn địa đạo. (Hình: Thủy Như)
Có lẽ việc xách nước vào trong nhà tắm bất tiện nên ông đào một cái giếng nước và xây thành giếng bằng những miếng gạch làm từ đất sét trong vườn. Ông khoét đất từ dưới địa đạo đi thẳng lên làm những lỗ thông hơi rộng để cho có ánh sáng vào ngôi nhà dưới lòng đất.
Thành công trong việc đó, ông làm thêm những “cửa sổ trời” – skylight rộng hơn. Lợi dụng thời tiết nóng ở Fresno, ông để cái bồn tắm dưới khoảng sân đó và đổ nước vào để ánh nắng làm nước nóng lên ban ngày. Đêm về, ông ngâm mình trong bể nước ấm sau một ngày làm việc mệt mỏi.
Ông trồng thêm cây ăn trái chung quanh khu nhà tắm đó. Những cây ăn trái này thuộc loại nhỏ (semi-dwart) có lẽ là để dễ hái trái. Sau đó ông tiếp tục đào thêm nhiều đường hầm ra các hướng khác nhau. Trong 17 năm đầu ông đào khoảng cỡ 65 phòng trong đó có có hai phòng ngủ, phòng tắm, nhà nguyện, phòng khách, phòng khiêu vũ, hồ cá, rất nhiều khu vườn nhỏ và có cả một đường hầm cho xe hơi vào ra. Các kiến trúc này được đào với ba tầng độ sâu khác nhau, một tầng sâu 10 feet (3m), một tầng sâu 20 feet (6.1m), và một tầng sâu 23 feet (7m). Ông chỉ sơn phòng ngủ và một vài mảnh tường nhưng hầu hết địa đạo đều là tường đất.
Nhà bếp. (Hình: Thủy Như)
Để tiết kiệm tiền, ông dùng nhiều vật dụng phế liệu như thanh sắt phế thải, bánh xe kéo và ngay cả lò xo của những tấm nệm cũ để làm ngạch cửa và mái vòm. Điều đặc biệt là lâu đài này rất thoáng, sáng và mát bởi những vòm cửa thông lên trời.
Ban ngày mặt trời làm nước ấm để tắm về đêm. (Hình: Thủy Như)
Khi chúng tôi đến thăm vườn, nhiệt độ bên ngoài là 104 độ nhưng trong phòng kế bên cái giếng chỉ có 69 độ. Dưới các vòm cửa skylight, ông trồng các loại cam, quít, bưởi, lựu, đào, nho và các loại rau thơm. Thường thì những cây cam cho trái trong vòng 40-50 năm. Nhưng những cây trong vườn này đã gần 100 năm vẫn còn đầy những trái ngọt. Những vườn cam thì ông làm thêm ban công vòng quanh để dễ dàng hái trái.
Hai phòng ngủ nhìn từ bên ngoài. (Hình: Thủy Như)
Khi đã thành công với căn nhà và những khu vườn, ông dự định mở quán ăn trong khu vườn độc đáo của mình. Ông tự chế tất cả vật liệu để xây dựng nhưng ông mua xi-măng để làm một mặt bàn tròn. Giữa bàn này trồng một cây cam tí hon để khách hái dùng tráng miệng.
Bên trong một phòng ngủ. (Hình: Thủy Như)
Thời đó cư dân Fresno cũng đã biết đến công trình địa đạo của ông. Họ gọi ông là moleman (ông chuột nhủi) vì ông đào hang dưới lòng đất nhưng những con chuột nhủi. Nhiều người muốn đến thăm địa đạo của ông lúc đó. Bởi vậy ông làm một tháp chuông để khách rung và ông có thể nghe từ bất cứ nơi nào trong địa đạo. Nhưng không phải khách nào ông cũng tiếp. Ông đục một ống nhòm từ một phòng ngủ ra phòng chuông. Ông có thể nhìn thấy khách nhưng khách không thể thấy ông. Nhìn thấy khách nào quen biết, ông mới ra đón tiếp.
Ông Forestiere là một người Công giáo ngoan đạo, biết Kinh Thánh. Trong vòng 40 năm, ông đã đào đào địa đạo và phòng ốc dưới lòng đất trong một chu vi khoảng 10 acres rộng bằng 5 cái sân bóng đá. Với một công trình đồ sộ như vậy, ông đào một phòng dành làm nhà nguyện. Không chỉ vậy, có nhiều phòng được thiết kế với những con số và hình ảnh trong Kinh Thánh, ví dụ như số 3 cho ba ngôi Đức Chúa Trời. Số 7 trong Kinh Thánh tượng trưng cho sự hoàn thiện, hoàn hảo, và trọn vẹn của Chúa.
Ông Foresiere “trang trí” nhiều phòng với số 3 và số 7. Một vườn nhỏ có ba cây cam. Một vườn nhỏ khác có ba băng ghế. Kệ sách có ba ngăn. Cây cam có bảy loại…
Dây nho trĩu trái. (Hình: Thủy Như)
Quýt chín vàng trên cây. (Hình: Thủy Như)
Tour tham quan vườn dài một tiếng đồng hồ nhưng chúng tôi cũng không đủ thì giờ để ngắm cặn kẽ và chụp hình tỉ mỉ từng phòng như mong muốn. Khi chúng tôi đến thì một số phòng đang tu bổ nên không được vào.
Cả lâu đài kết nối với nhau như một ma trận. Từ phòng ngủ, nhà bếp, phòng khách ra chỗ hang đậu xe. Tất cả nối kết với những khu vườn nhỏ đầy ánh nắng. Không có người dẫn đường chắc chắn không biết đường ra. Vì ông không có bản vẽ của địa đạo, nên không ai biết khu địa đạo này thực sự rộng bao nhiêu. Có người tìm thấy địa đạo trong những lô đất gần đó. Người ta tin chắc rằng ông Forestiere đã đào những đường hầm này vì nó có chiều cao như những địa đạo trong lâu đài của ông, 5-foot-6 tức là khoảng 170 cm, là chiều cao của Forestiere. Ông tiếp tục đào những đường hầm cho đến khi ông bị bịnh và qua đời vào năm 1946, thọ 67 tuổi. Ông không có vợ con và cũng không để lại di chúc. Khi ông chết, vườn địa đạo được sung vào tài sản của nhà nước. Sau này anh em của ông mua lại và cho du khách tham quan. Thật đáng nể phục cho tính kiên định và sự sáng tạo của Forestiere. Một công trình xây dựng trong 40 năm với đôi bàn tay của chính mình.
Sau khi đi thăm vườn địa đạo Forestiere, cậu con trai lớn của tôi bảo: “Mình cũng có thể đào một đường hầm như vậy xuyên qua cái đồi sau nhà mình. Đất chỗ nhà mình cũng giống như đất chỗ này.” Thằng em nó chêm thêm: “Con sẽ đi học làm kiến trúc sư. Con muốn xây những đường hầm với những cửa bí mật. Mình vô đó đóng cửa lại thì sẽ tuột qua một phòng khác dẫn qua một đường hầm khác…” Chúng nó lao nhao với những dự định lấy từ ý tưởng của khu vườn địa đạo đó. Ông xã tôi cũng say sưa tán theo những dự định của hai thằng con. Chẳng biết đến bao giờ tụi nó làm được giấc mơ đó. Nhưng dầu tụi nó có làm được hay không, tôi vẫn vui vì chuyến tham quan đã truyền cho các con tôi những cảm hứng và ước mơ.
CNN xếp Forestiere Underground Gardens là một trong những vườn địa đạo mát nhất thế giới. Hè này mời bạn đến thăm Forestiere Underground Gardens để thưởng ngoạn vẻ đẹp bình yên nhưng sang trọng với kiến trúc La mã. Bạn sẽ ngây người chiêm ngưỡng một khu vườn địa đạo tuyệt đẹp chứ không phải như cái địa đạo giết người ở Củ Chi.
Nếu chưa có dịp đến tận nơi, mời bạn xem đỡ vài cảnh của khu vườn độc đáo này qua ống kính của HGTV’s Xtreme Gardens.
Nhưng bạn hãy đến xem! Cảnh thiệt đẹp hơn trong hình rất nhiều!
Thủy Như
Nguồn: https://saigonnhonews.com/ ngày 30/5/2025
Be the first to comment