50 Năm Kết Thúc Chiến Tranh: Hai Việt Nam – Từ Xa Cách Đến Gắn Kết Qua Ký Ức Gia Đình

Christina Võ và cha, ông Nghĩa M. Võ, đồng tác giả sách Việt Nam của Con, Việt Nam của Cha. (Nguồn hình ảnh: Christina Võ)

Chiến tranh đã để lại những vết thương khó lành cho đất nước. Vết thương ấy cũng hằn sâu trong mỗi cá nhân, mỗi gia đình. Bài viết của Christina Võ kể về những dư chấn thời hậu chiến và hành trình thấu hiểu, xích lại gần nhau giữa hai cha con, đại diện cho hai thế hệ.

Tôi và cha tôi vừa cùng dự hội thảo 50 năm kết thúc Chiến tranh Việt Nam tại Trung tâm Việt Nam và Lưu trữ, Đại học Texas Tech, Lubbock. Một lần nữa sự kiện này nhắc tôi rằng tôi và cha tôi khác nhau trong tình yêu rất riêng của chúng tôi đối với Việt Nam, khác nhau trong cách thấu hiểu, khác nhau ở sự kết nối của chúng tôi với Việt Nam. Mặc dù chúng tôi cùng có mặt chung trong một nhóm thảo luận, nhưng cách chúng tôi kết nối với Việt Nam, với lịch sử của nó, khác nhau.

Cha tôi sinh tại Sài Gòn vào năm 1947, học trường y khoa, gặp mẹ tôi ở đấy, rồi sau đó làm bác sĩ trong quân đội miền Nam Việt Nam. Ngay trước ngày 30/4/1975, trong một dịp may tình cờ, ông được điều đến đảo Phú Quốc, nên ông có cơ hội chạy thoát khỏi Việt Nam. Ông sống mấy tháng ở trại tỵ nạn Indiantown Gap ở Pennsylvania, trước khi được một người bảo trợ đến một bệnh viện ở Connecticut. Rồi ông bắt đầu một thời gian dài đi học lại, xây dựng cuộc sống mới ở Mỹ. Hành trình đó đưa ông qua Utah, Tennessee, Illinois, trước khi ổn định cuộc sống tại miền Nam Indiana, nơi gia đình chúng tôi sống nhiều năm.

Khi lớn lên, tôi và chị tôi không được cha mẹ chia sẻ nhiều về Việt Nam và phần đời của họ trước kia. Tôi hình dung một xứ sở khác, với những hàng dừa, như trong những bức ảnh trắng đen trong một cái hộp bị cất giấu dưới tầng hầm nhà chúng tôi. Cha mẹ không nói tiếng Việt với chúng tôi, không chia sẻ về cuộc đời của họ, cũng như về cái xứ mà họ đã rời xa.

Phải đến khi tốt nghiệp đại học và trải qua một năm làm việc nơi công sở, tôi mới phát hiện rằng còn có nhiều thứ trong cuộc đời ngoài chuyện thăng tiến trong sự nghiệp. Trong một khoảnh khắc nào đấy, tôi quyết định đi Việt Nam, nhưng không phải Sài Gòn mà là Hà Nội, một lựa chọn có vẻ như, trong mắt cha tôi, là một sự phản bội lại chính ông.

Bên cạnh sự xa cách của tôi đối với đất nước mà cha mẹ tôi phải bỏ ra đi, tôi cũng cảm thấy rõ ràng sự hiện hữu của một sự xa cách với chính cha tôi. Ông rất ít lời, và tôi chẳng nhớ gì về cuộc chuyện trò nào với ông. Ký ức sớm nhất của tôi về ông chính là sự xa cách ấy. Ông đứng trên một chiếc thuyền, trong khi tôi và chị tôi chơi trên bãi cát có những vệt sóng nhè nhẹ. Tôi nhìn ông – lẻ loi trước đại dương thanh bình – và thấy ông dường như rất bình an. Không phải tôi nghĩ cha tôi nóng nảy hay là xấu tính, nhưng ngay từ lúc lên ba, tôi đã cảm nhận có một điều gì đó không với được giữa chúng tôi. Cảm xúc đó định hình nên mối quan hệ của chúng tôi, ít nhất trong mắt tôi và ký ức của tôi.

Song, tôi luôn ngưỡng mộ ông một cách thầm lặng. Tôi nhớ là ông thường xuyên thu mình trong phòng riêng. Có một thời gian, mẹ tôi, tôi, và chị tôi ở chung trong một phòng khác. Mỗi buổi chiều, ông đọc hoặc ngồi trầm ngâm tại bàn. Khi ông vắng nhà, tôi hay lục lọi đồ đạc của ông, nhất là những ghi chép chứa trong cái hộp màu xanh của nhà binh. Có khi là những thuật ngữ y khoa, nhưng phần lớn là những câu trích dẫn những suy nghĩ sâu sắc, trăn trở như thể ông đang tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời. Dù còn nhỏ, tôi đã cảm nhận rằng cha tôi là một người đang đi tìm. Tìm gì? Tôi không biết.

Gia đình Christina Võ nằm trong số hàng trăm ngàn người đã chạy khỏi Việt Nam sau khi chiến tranh kết thúc (ảnh minh họa: thuyền nhân Việt Nam năm 1978)Gia đình Christina Võ nằm trong số hàng trăm ngàn người đã chạy khỏi Việt Nam khi chiến tranh kết thúc (Ảnh minh họa: thuyền nhân Việt Nam năm 1978. Nguồn hình ảnh: Getty Images)

Nhìn lại, tôi thấy mình cũng luôn đi tìm – có thể là những cái mà cha tôi từng tìm kiếm theo cách im lặng của ông, chẳng hạn như là một cảm xúc được thuộc về nơi nào đó.

Ba năm trước, cha rủ tôi dự hội thảo của Đại học Texas Tech với ông, tại quận Cam, Nam California. Gần như suốt quảng đời trưởng thành của tôi, chúng tôi không sống gần nhau, thường chỉ gặp nhau mỗi năm một lần, và ông chẳng bao giờ yêu cầu tôi làm cái gì cho ông cả. Từ đó, tôi tạo cho mình một sự độc lập rất nghiêm. Và khi ông hỏi tôi về việc tham gia hội thảo, tôi cảm nhận một điều vô cùng có ý nghĩa, và tôi đồng ý không chút do dự.

Khi tôi nghe cha tôi nói về Việt Nam, ở những tiểu ban hội thảo, tôi thấy một người đàn ông nhiệt thành hiện lên từ cái vẻ trầm lặng mà tôi từng biết. Một người bạn mới quen ở hội thảo nói với tôi về ông: “Ít ra thì ông ấy là một người nhiệt thành, chứ còn ba tôi chả nhiệt thành về cái gì cả.” Tôi nhớ lại một vài lần tôi thấy cha tôi phát biểu ở nơi công cộng, để lại trong tôi một ấn tưởng sâu sắc. Tôi nhớ vì cái khác biệt của ông khi ra ngoài công chúng, với nhiều xúc cảm và nhiều khẳng định, đối lập quá rõ với người cha ít nói mà tôi lớn lên cùng. Tôi nhớ cách ông phát biểu ở đám tang của mẹ tôi, lúc tôi 14 tuổi, khi ông kể lại cuộc đời mẹ với những lời ấm áp làm tôi bật khóc. Sau đó, khi còn ở đại học, tôi thấy ông nói với bạn bè cũ từ trường Y Sài Gòn, trong một lần tụ tập ở Bắc Virginia. Một lần nữa, tôi lại xúc động khi ông nói về hành trình chung của họ, rằng ông không thể tưởng tượng được họ có thể đi xa đến thế kể từ khi cuộc chiến kết thúc.

Tại cuộc hội thảo ấy ở quận Cam, tôi lại thấy một con người khác ở cha tôi, làm tôi tự hỏi, rằng người đàn ông khí chất và nhiệt thành bên trong vỏ bọc trầm lặng ấy là ai!

Năm sau đó, tôi lại cùng cha tham dự một hội thảo khác của Texas Tech, lần này tại Lubbock. Tôi nghĩ, biết đâu cuộc hội thảo thường niên này sẽ trở thành một thói quen lặng lẽ để kết nối hai chúng tôi. Những ký ức có thể nằm mãi trong tâm tôi một khi ông ra đi. Trong cuộc hội thảo ấy, ông nói về hai Việt Nam, về lịch sử và về những phân cắt đã ám ảnh đất nước suốt hàng bao thế kỷ, từ lâu trước cái mà ta gọi là Chiến tranh Việt Nam.

Khi nghe ông nói, một ý nghĩ chợt lóe lên trong tôi. Tôi nhớ đến những gì mình từng viết về Việt Nam, rút ra từ những trải nghiệm sống và làm việc nơi đó trong ba lần trở về khi ở độ tuổi đôi mươi. Bản thảo đã gần hoàn tất, nhưng tôi cảm thấy nhàn nhạt, không có cảm hứng gì. Ở một mức độ nào đó, nó chỉ là một câu chuyện quen thuộc và có phần tầm thường về một người Mỹ gốc Việt trở về để tìm cội rễ của cô ấy. Trong những năm sống ở Việt Nam, tôi gặp vô số người như tôi, những nhà nghiên cứu, giáo viên, nhân viên quốc tế, nhà văn, sinh viên mới tốt nghiệp, tất cả đều đang đi tìm điều gì đó bên ngoài ranh giới đất nước họ đang sinh sống. Cuộc hành trình ngược của tôi, so với họ, cũng chẳng có gì là đặc biệt.

Nhưng khi tôi nghe cha tôi nói về khái niệm hai Việt Nam, tôi nhận ra rằng Việt Nam là một lực nối kết chúng tôi. Bằng những cách khác nhau, chúng tôi đều yêu và hoài nhớ một phiên bản Việt Nam nào đó gắn với quá khứ của chúng tôi. Với tôi đó là Việt Nam của những năm 2000, rất khác với Việt Nam mà cha tôi biết. Với ông, đó là miền Nam Việt Nam trước 1975. Và chính lúc ấy ý tưởng bỗng hiện lên: rằng có lẽ câu chuyện Việt Nam của gia đình tôi sẽ mãi không hoàn tất và trọn vẹn cho đến khi câu chuyện của mỗi chúng tôi chưa quyện vào nhau.

Sau hội thảo, về lại Santa Fe, tôi bắt đầu đọc cuốn sách của cha tôi, một tác phẩm nửa hồi ký, nửa ghi chép lịch sử, kể về cuộc đời của ông ở Việt Nam, trải nghiệm rời bỏ đất nước, và những thách thức ông gặp phải khi xây dựng cuộc sống ở Mỹ. Ông đã tự xuất bản cuốn sách ấy vào cuối những năm 1990. Đồng thời tôi cũng quay lại với những gì tôi viết, hầu hết được hoàn thành trong lần thứ ba và cũng là lần gần đây nhất tôi sống ở Việt Nam, khi tôi ở độ tuổi hơn 30, trùng vào dịp thành phố Hà Nội kỷ niệm 1.000 năm lịch sử, một thời khắc trọng đại của lịch sử thành phố này.

Hình ảnh Việt Nam nơi người cha và con gái có nhiều điểm không tương đồngHình ảnh Việt Nam nơi người cha và con gái có nhiều điểm không tương đồng. (Nguồn hình ảnh: Getty Images)

Khi lần lượt đọc qua cả hai mạch viết, tôi nhận thấy những chủ đề chung: rời bỏ, trở về, căn tính, sự thuộc về và, dĩ nhiên, Sài Gòn. Và đó là sự khởi đầu cho quyển hồi ký đôi, Việt Nam của Con, Việt Nam của Cha (My Vietnam, Your Vietnam). Tôi bắt đầu đan cài những gì chúng tôi viết, cố tình sắp đặt những chương sách để cho những trải nghiệm riêng của mỗi chúng tôi có thể trò chuyện với nhau, phản chiếu lẫn nhau.

Điển hình, trong một phần của quyển sách, ông viết về Sự hấp dẫn của miền Nam, của Sài Gòn. Tôi đặt bài viết ấy bên cạnh đoạn tôi viết về thành phố này khi lần đầu tiên tôi đến. Lúc tôi mới tới Việt Nam, tôi hạ cánh ở Hà Nội và ngay lập tức tôi phải lòng yêu thành phố ấy. Dần hồi, tôi cũng yêu Sài Gòn. Sài Gòn, sức sống của nó tràn ngập các con đường, sự rung động của thành phố dường như định hình nó một cách liên tục. Đến cuối thời gian ở Việt Nam, tôi yêu cả Sài Gòn và Hà Nội, mỗi nơi có một phối cảnh đặc biệt của đất nước. Ở một góc nào đó, tôi cảm thấy điều đó giống như là một sự phản bội âm thầm đối với cha tôi, một người miền Nam. Nhưng bằng cách quyện những câu chuyện vào nhau như vậy, tôi mới dần thấy được bức chân dung đầy đủ hơn về ông.

Tôi dần hiểu ra rằng một trong những tình yêu sâu đậm, và cũng là một trong những mất mát lớn nhất của cha tôi chính là Việt Nam. Trong những dòng viết của mình, ông hồi tưởng về những kỷ niệm thời thơ ấu, khi ông được gửi ra Vũng Tàu, nơi bà của ông có một vườn nhãn. Du khách từ Sài Gòn thường đến thuê nhà nghỉ mát trong khu vườn ấy. Ông nhớ về một người phụ nữ xinh đẹp đã mang ông ra biển và mua cho ông thức ăn và đồ chơi. Khi người phụ nữ đi rồi, ông thấy một nỗi buồn không tên, mà mãi sau đó mới nhận ra là nỗi nhớ mẹ. Một sự bối rối không thể giải thích tại vì sao là chính ông, cậu bé ấy, chứ không phải anh em nào khác, là người bị gửi đi.

Christina Võ và cha, ông Nghĩa M. Võ, cùng tham gia hội thảo về Chiến tranh Việt Nam tại Đại học Texas Tech vào tháng 4/2025Christina Võ và cha, ông Nghĩa M. Võ (giữa), cùng tham gia hội thảo về Chiến tranh Việt Nam tại Đại học Texas Tech vào tháng 4/2025. (Nguồn hình ảnh: Getty Images)

Qua câu chuyện ấy, tôi bắt đầu hiểu tại sao, sau khi mẹ tôi mất, ông không thể là bậc cha mẹ mà tôi mong đợi. Trước hết, ông không phải là người mẹ. Và có lẽ là vì ông chưa bao giờ thực sự nhận được sự nuôi dưỡng hay cảm giác an toàn tình cảm mà một đứa trẻ hy vọng có được từ cha mẹ mình. Mẹ ông từng phải rất vất vả kiếm sống, nuôi con ăn học, và khi chiến tranh kết thúc, lại phải tìm cách cho tất cả rời Việt Nam. Những vất vả ấy không giống những vất vả mà các bậc cha mẹ ngày nay phải đối mặt.

Suốt một quãng đời dài, tôi không biết làm cách nào hòa hợp được khoảng cách giữa hai cha con. Điều ấy cứ đeo bám tôi. Nó len lỏi vào nhiều mối quan hệ trong đời tôi. Nó làm tôi có cảm giác rằng tôi không hiểu ông, và ông không thật sự hiểu tôi. Chúng tôi không có những cuộc trò chuyện chân thành. Ông chỉ gửi cho tôi những email ngắn gọn, chia sẻ những bài báo mà ông nghĩ rằng quan trọng, nhưng hiếm khi có những cuộc trò chuyện cởi mở từ cõi lòng.

Thế nhưng khi tôi bắt đầu gõ lại những dòng chữ của ông và đặt chúng bên cạnh những câu từ của tôi, tôi bắt đầu thấy những điều khác. Theo cách riêng của mỗi người, chúng tôi cùng chia sẻ một tình yêu sâu đậm dành cho Việt Nam. Sợi dây kết nối của tôi là những năm 2000, khi tôi bắt đầu yêu đất nước ấy, nhưng nó rất khác đất nước ngày xưa mà cha tôi biết.

Quan trọng hơn, qua quá trình làm việc với bản thảo đó giúp tôi hiểu cha tôi một cách trọn vẹn hơn, hiểu cách ứng xử của ông, hiểu sang chấn tâm lý mà ông gánh chịu, nó không chỉ định hình người cha trong ông như thế nào, mà nó còn làm cho ông là ông trong thế giới này. Những oán trách của tôi trước kia rằng tại sao ông không phải là một người cha giàu chia sẻ dần tan biến khi tôi bắt đầu nhìn ông không chỉ là một người cha, mà còn là một nhân sinh chịu nhiều khổ đau. Ông là một người đàn ông đang chầm chậm chữa lành những vết thương của mình qua việc khám phá quá khứ của Việt Nam, một người đàn ông, nói một cách rất chân thành, đã làm tốt nhất những gì có thể.

Tại hội thảo năm nay, tôi không thể không nhận ra sự khác biệt giữa cách tôi và cha tôi hiện diện trong không gian ấy. Ông cố tham gia càng nhiều phiên thảo luận càng tốt, khát khao tiếp nhận mọi góc nhìn lịch sử. Còn với tôi, trải nghiệm đó là rất riêng tư và hướng về cộng đồng. Tôi thích học qua những cuộc đối thoại, nghe những câu chuyện, suy nghĩ của người trong cuộc, và những dự án làm cho họ hiểu cuộc chiến và hậu chiến. Đối với cha tôi, hội thảo là về lịch sử, còn với tôi, là sự kết nối.

Không khí của hội thảo năm nay cũng khác. Đánh dấu 50 năm chiến tranh kết thúc, các nhà tổ chức mong muốn đưa ra nhiều tiếng nói của người Việt, những cá nhân, với những ký ức và trải nghiệm hậu chiến đa dạng và riêng biệt. Và thật ấm lòng khi được thấy một gia đình khác, cả cha và con, tham dự hội thảo. Tôi không biết là họ có giống tôi không, có đang hòa giải mối quan hệ của họ thông qua không gian chung này không.

Khi cha tôi phát biểu tại hội thảo, sau phần trình bày của tôi, ông không đề cập đến quyển sách chung của chúng tôi, nhưng ông bình phẩm như sau: “Quý vị có thể thấy, có hai Việt Nam khác nhau trong gia đình chúng tôi.” Nhân cơ hội đó, tôi đi xa hơn, nói vì sao quyển sách ra đời, và có thể nó có tác động như thế nào, và những phản hồi mà tôi nhận được từ những người Việt trẻ tuổi, những người đã nhận thấy một phần của chính họ trong câu chuyện của tôi.

Biến cố 30/4: Vết thương khó chữa lành nhưng còn hi vọng

Như cách chúng tôi trình bày khác nhau ở hội thảo, chúng tôi cũng có những quan hệ khác nhau với nước Việt Nam. Cha tôi nói từ ký ức và mất mát. Ông muốn gìn giữ lịch sử, muốn giúp những người khác hiểu về một Việt Nam đã từng hiện hữu. Còn tôi, tôi thì kết nối với Việt Nam qua những người tôi gặp, những người giúp tôi đi qua công việc, và giúp tôi có một cảm giác thuộc về, thứ mà tôi không hoàn toàn tìm được ở Mỹ. Dù có những góc nhìn khác nhau về Việt Nam, tôi học được rằng có một con đường kết nối xuyên qua Việt Nam, như tôi có với cha tôi, nó gần như là một ngôn ngữ tình yêu.

Cuối cùng, mặc dù có hai Việt Nam giữa chúng tôi (và nhiều Việt Nam khác nữa ở cộng đồng người Việt hải ngoại), tôi thấy rằng qua đó, chính nhờ những khác biệt ấy mà tôi đạt được điều có ý nghĩa: một cảm xúc kết nối và thấu hiểu cha tôi. Và đó chính là món quà lớn nhất mà Việt Nam tặng cho tôi.

Christina Võ (viết); Joaquin Nguyễn Hòa (dịch)
Gửi cho BBC News Tiếng Việt từ New Mexico, Hoa Kỳ
Ngày 19 tháng 5, 2025

Tác giả Christina Võ là nhà văn sống tại Santa Fe, New Mexico, Mỹ. Bà viết về văn hóa, căn tính, về di sản xuyên thế hệ của chiến tranh, của di dân. Bà cùng với cha bà, Nghĩa M. Võ, vừa xuất bản cuốn sách Việt Nam của Con, Việt Nam của Cha  (My Vietnam, Your Vietnam, 2024), một cuốn hồi ký thể hiện sự khác biệt trong hai hành trình đi từ, và đi đến, thời hậu chiến ở Việt Nam. Cuốn sách này nằm trong danh sách 10 cuốn hay nhất về lữ hành của Smithsonian Magazine. Christina là tác giả sách Bức màn giữa hai thế giới (The Veil Between Two Worlds). Bà làm việc cho UNICEF và Diễn đàn Kinh tế Thế giới.

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*