Báo Cáo Đã Phân Tích 105 Mẫu Gạo Từ Các Thương Hiệu Lớn Ở Mỹ Chứa Arsenic Và Kim Loại Nặng

Tóm tắt bản tin về kim loại nặng trong gạo tại Mỹ:

Một báo cáo mới từ tổ chức Healthy Babies, Bright Futures – chuyên tập trung vào việc bảo vệ trẻ sơ sinh khỏi các hóa chất độc hại – đã tìm thấy rằng tất cả các mẫu gạo được thu thập từ các cửa hàng trên toàn nước Mỹ đều chứa arsenic, một kim loại nặng có hại cho sức khỏe. Đáng chú ý, 1 trong 4 mẫu gạo vượt quá giới hạn 100 phần tỷ (ppb) arsenic vô cơ do FDA đặt ra cho ngũ cốc gạo dành cho trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, hiện chưa có quy định tương tự đối với các loại gạo dùng cho cả gia đình, dù trẻ nhỏ cũng thường xuyên ăn gạo.

Báo cáo đã phân tích 105 mẫu gạo từ các thương hiệu lớn như Trader Joe’s, Ben’s và Goya, được mua ở 20 thành phố lớn, bao gồm New York, Los Angeles và Miami. Kết quả cho thấy ngoài arsenic, các kim loại nặng khác như cadmium, chì và thủy ngân cũng xuất hiện, với tổng hàm lượng dao động từ 63 đến 188 ppb. Trong đó, arsenic được phát hiện ở mức cao nhất, theo sau là cadmium; chì và thủy ngân ở mức thấp hơn.

Liên đoàn Gạo Hoa Kỳ, trong phản hồi gửi CBS News, cho biết họ hiểu mối lo ngại của người tiêu thụ và sẽ tiếp tục hợp tác với FDA để đảm bảo an toàn thực phẩm, dù cho rằng lượng arsenic nhỏ hiện nay không gây ra vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe cộng đồng.

Để giảm thiểu nguy cơ phơi nhiễm arsenic, tổ chức Healthy Babies, Bright Futures đưa ra một số khuyến nghị:

– Nấu cơm như mì ống: Dùng 6–10 cốc nước cho mỗi cốc gạo, sau đó chắt bỏ nước thừa sau khi nấu để loại bỏ một lượng lớn arsenic. (HCD: Ngày xưa tôi nấu cơm nồi đất và chắc nước cơm như ở đây nói, ngày nay thì không thực tế).

– Chuyển sang thực phẩm thay thế: Quinoa, lúa mạch và couscous có hàm lượng kim loại nặng thấp hơn gạo.

– Chọn gạo thông minh: Gạo Calrose, sushi và gạo trắng trồng tại California, gạo Jasmin từ Thái Lan và Basmati từ Ấn Độ thường có mức kim loại nặng thấp hơn. Ngược lại, nên hạn chế tiêu thụ gạo lứt, gạo trắng trồng ở vùng Đông Nam nước Mỹ và gạo arborio (dùng làm risotto) từ Ý do chứa hàm lượng cao hơn.

FDA cũng xác nhận rằng arsenic vô cơ độc hại hơn nhiều so với các dạng arsenic khác và đã được EPA phân loại là chất gây ung thư. Do đó, việc kiểm soát lượng arsenic trong chế độ ăn, đặc biệt đối với trẻ nhỏ, là rất cần thiết.

HCD: Bài báo chỉ có vậy làm các bạn hoang mang. Dưới đây là tóm tắt tất cả những gì mà email MTC đã nói trước đây có thêm một ít chi tiết mới: Thưa các bạn chuyện nầy email MTC đã nhắc ít ra là mươi lần, nay tình cờ gặp lại bản tin của Jordan Freiman (CBS News) Ngày 15 tháng 5 năm 2025 / nên nhắc lại.

Có vài chuyện nên chú ý:

– Gạo lức chứa nhiều kim loại nặng hơn gạo trắng. Chủ truơng ăn gạo lức cho bỗ khỏe của ngày xưa giờ đây có kết quả ngược lại (không phải tôi nói đâu nghe, bài trên cũng có nhắc các bạn đó). Ăn gạo trắng vừa ngon vừa ít “bịnh hậu” hơn. (HCD : Các nghiên cứu quốc tế cho thấy gạo lứt có mức kim loại nặng cao hơn gạo trắng, đặc biệt là asen. Điều này xảy ra vì asen tích tụ ở lớp cám, phần nầy bị loại bỏ khi giả hay chà thành gạo trắng. Một nghiên cứu từ Michigan State University cho thấy gạo lứt chứa khoảng 40% asen vô cơ nhiều hơn gạo trắng. Đối với người trưởng thành, mức độ này không quá nguy hiểm, nhưng trẻ em dưới 5 tuổi có thể bị ảnh hưởng nhiều hơn)

– Nấu cơm chắt nước kiểu ngày xưa thì nước dư lấy bớt kim loại nặng ra. (HCD : không thực tế cho ngày nay)

– Chỉ có gạo trồng tại California mới ít kim loại nặng, nói hoài nhưng các bạn đâu có tin. Gạo Mỹ trồng ở các tiểu bang miền đông thì là “vua” chứa nhiều kim loại nặng

—–===o0o===—–

Nhìn tổng quát

Có nhiều nghiên cứu quốc tế về kim loại nặng trong gạo, giúp so sánh với tình trạng tại Việt Nam:

– Malaysia: Một nghiên cứu trên MDPI cho thấy gạo Malaysia có thể bị nhiễm cadimi (Cd), asen (As) và chì (Pb) do hoạt động khai thác mỏ, tưới tiêu và sử dụng phân bón hóa học.

– Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan: Theo nghiên cứu của Tsinghua University, các nước này có mức ô nhiễm cadimium cao nhất trong đất canh tác, gây rủi ro ung thư và các bệnh liên quan. Việt Nam có mức ô nhiễm thấp hơn so với các nước này.

– Bangladesh: Một nghiên cứu từ University of Rajshahi cho thấy việc sử dụng phân bón và nước tưới bị ô nhiễm đã làm tăng mức kim loại nặng trong đất và gạo, vượt quá giới hạn an toàn của WHO và EU.

Nhìn chung, mức độ ô nhiễm kim loại nặng trong gạo phụ thuộc vào điều kiện môi trường và phương pháp canh tác. Việt Nam có mức ô nhiễm thấp hơn một số nước sản xuất gạo lớn, nhưng vẫn cần giám sát chặt chẽ để đảm bảo an toàn thực phẩm.

Vì gạo ảnh hưởng tới người Việt Nam mình nhiều nên xin lập lại những email MTC trước đây để các bạn khỏi tìm mất công:

Các khu vực trồng lúa chứa ít arsenic và cadmium:

1. California (Hoa Kỳ)

Lý do: Đất ít bị ô nhiễm bởi thuốc trừ sâu chứa arsenic (vốn được sử dụng nhiều ở các tiểu bang miền Nam trước đây).

Loại gạo: Gạo Calrose, gạo trắng sushi.

Hàm lượng arsenic và cadmium: Thấp hơn so với mặt bằng chung ở Mỹ.

2. Ấn Độ (Basmati) & Thái Lan (gạo hoa lài – Jasmine rice)

Lý do: Các vùng núi và cao nguyên có nguồn nước tưới tự nhiên và đất ít nhiễm arsenic.

Loại gạo: Basmati (Ấn Độ, Pakistan), Jasmine (Thái Lan).

Đặc điểm: Hạt dài, thơm, hấp thụ ít kim loại nặng.

3. Một số vùng ở Châu Âu (ví dụ: Tây Ban Nha, Pháp)

Lý do: Quy định nông nghiệp chặt chẽ, đất ít bị ô nhiễm kỷ nghệ. (thực phẩm Âu châu nói chung an toàn hơn ở Mỹ)

Loại gạo: Arborio từ các vùng sạch có thể chứa mức cadmium thấp (tùy vùng).

Các vùng trồng lúa chứa nhiều arsenic và cadmium:

1. Miền Đông Nam Hoa Kỳ (ví dụ: Arkansas, Louisiana, Mississippi, Texas)

Lý do: Đất bị tồn dư arsenic từ thuốc trừ sâu chứa chì-arsenate từng dùng cho cây bông.

Loại gạo: Gạo trắng hoặc lứt sản xuất nhiều nhất.

Hàm lượng arsenic: Cao nhất ở Mỹ, đặc biệt là gạo lứt.

2. Trung Quốc (một số vùng kỷ nghệ hóa cao)

Lý do: Đất và nước bị ô nhiễm cadmium từ hoạt động khai mỏ và kỷ nghệ nặng.

Ghi nhận: Một số báo cáo cho thấy gạo từ tỉnh Hồ Nam (Hunan) có thể chứa cadmium cao vượt ngưỡng an toàn.

3. Bangladesh & một số vùng Ấn Độ ven biển

Lý do: Nguồn nước ngầm chứa arsenic tự nhiên cao.

Đặc điểm: Gạo trồng ở đây có thể chứa arsenic ở mức gây rủi ro sức khỏe nếu tiêu thụ lâu dài.

Gạo trồng tại Việt Nam

Từ các nghiên cứu trong nước và quốc tế cho thấy:

Mức arsenic và cadmium trong gạo Việt Nam nhìn chung ở mức trung bình và an toàn.

Tuy nhiên, hàm lượng phụ thuộc rất lớn vào vùng trồng, nguồn nước tưới và loại đất.

A. Khu vực có nguy cơ thấp (ít arsenic và cadmium):

1. Đồng bằng sông Hồng (Hà Nam, Thái Bình, Nam Định…):

Đất và nguồn nước ít bị nhiễm kim loại nặng kỷ nghệ.

Hệ thống thủy lợi kiểm soát tốt.

Các giống gạo thường có mức kim loại nặng thấp, an toàn.

2. Vùng trung du và miền núi phía Bắc (Yên Bái, Sơn La…):

Gạo nương, gạo hữu cơ trồng theo kiểu truyền thống thường có mức ô nhiễm thấp.

Tuy nhiên sản lượng nhỏ, giá thành cao.

B. Khu vực có nguy cơ cao hơn (hàm lượng arsenic và cadmium có thể cao hơn):

Đồng bằng sông Cửu Long (Long An, An Giang, Đồng Tháp…):

Là vùng sản xuất gạo lớn nhất nước, nhưng một số khu vực:

Có thể sử dụng nguồn nước ngầm bị nhiễm arsenic tự nhiên, đặc biệt khi hạn hán, xâm nhập mặn làm thiếu nước mát.

Một số vùng gần khu kỷ nghệ hoặc vùng nhiễm phèn, nhiễm mặn có thể có mức cadmium cao hơn.

Tuy nhiên, không phải toàn vùng bị ảnh hưởng — nhiều cánh đồng vẫn sản xuất gạo sạch đúng tiêu chuẩn xuất khẩu sang EU, Nhật, Mỹ.

Theo một nghiên cứu trên PLOS One, gạo Việt Nam có sự khác biệt về mức độ tích tụ kim loại nặng tùy theo vùng trồng

– Cần Thơ: Một nghiên cứu trên IJEAB cho thấy gạo trồng gần bãi rác ở Đồng Thắng, Cờ Đỏ, Cần Thơ có sự tích tụ kim loại nặng như Mn, Zn, Cu, Cr, Ni, Pb và Cd. Tuy nhiên, mức độ ô nhiễm trong hạt gạo vẫn nằm trong mức an toàn

– Bến Tre, Mỹ Tho, Gò Công: Hiện chưa có nghiên cứu quốc tế cụ thể về mức độ kim loại nặng trong gạo từ các khu vực này. Tuy nhiên, theo các nghiên cứu chung về gạo Việt Nam, mức độ ô nhiễm phụ thuộc vào nguồn nước tưới, đất trồng và phương pháp canh tác

Kết luận: Có vai chuyện chúng ta có thể làm được:

Chọn mua loại gạo ít nhiểm kim loại nặng theo danh sách trên và tránh ăn gạo lức.

Nấu cơm chắc nước như bảy mươi năm trước thì không thực tế.

Câu cuối cùng: không đọc ráng chịu, đừng thấy bao gạo ghi chữ California mà tin (bán lúa giống) chỉ khi nào thấy chữ grown in California (hình thí dụ thôi, không phải quảng cáo đâu nghe bà con)

Huỳnh Chiếu Đẳng
Theo Quán Ven Đường ngày 16/5/2025

Nguồn tin và chi tiết: https://www.cbsnews.com/news/rice-contaminated-arsenic-cadmium-chemicals-report/?

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*