
Ngày 9/4/2025
Nhà Trắng cho biết mức thuế bổ sung 50% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc — cộng thêm với mức 34% mà tổng thống Donald Trump công bố vào tuần trước — sẽ có hiệu lực từ thứ Tư. Như vậy, tổng mức thuế của Mỹ cho hàng hóa Trung Quốc sẽ lên đến 104%. Trước đó, Trung Quốc đã tuyên bố trả đũa bằng cách áp dụng mức thuế 34% lên hàng nhập khẩu từ Mỹ, và cam kết sẽ “chiến đấu đến cùng.”
Khi thời hạn áp thuế của ông Trump đến gần, chỉ số S&P 500 trên sàn Phố Wall đã giảm 1,6% vào thứ Ba, xóa sạch các mức tăng trước đó. Thị trường chứng khoán toàn cầu phục hồi một phần sau ba ngày bán tháo kịch tính, với cổ phiếu Mỹ tăng hơn 4%. Trước đó, bộ trưởng tài chính Mỹ Scott Bessent đã bày tỏ lạc quan về các cuộc đàm phán thuế, nói rằng “chúng ta có thể đạt được những thỏa thuận tốt.”
Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky, cho biết các lực lượng của ông đã bắt giữ hai công dân Trung Quốc đang chiến đấu cùng quân đội Nga ở miền đông Ukraine. Ông cho biết có thể còn những tay súng khác từ Trung Quốc đang hoạt động tại tiền tuyến và ông đã yêu cầu Trung Quốc giải thích. Trung Quốc phủ nhận việc trực tiếp hỗ trợ nỗ lực chiến tranh của Nga. Trước đó, ông Zelensky xác nhận binh lính Ukraine đang hoạt động ở Belgorod, một vùng của Nga nằm sát biên giới.
Tòa án Tối cao Mỹ đã cho phép chính quyền ông Trump tạm thời tiếp tục kế hoạch sa thải 16.000 nhân viên thử việc tại sáu cơ quan chính phủ. Một thẩm phán cấp dưới trước đó đã ra phán quyết các nhân viên này nên được phục chức, sau khi các công đoàn và tổ chức phi lợi nhuận khởi kiện; trong khi chờ xét xử, họ vẫn đang được nghỉ có lương. Đây là lần thứ ba trong những ngày gần đây Tòa án Tối cao đứng về phía ông Trump.
Meta thông báo sẽ yêu cầu người dùng Instagram dưới 16 tuổi phải có sự cho phép của phụ huynh để sử dụng một số tính năng livestream. Nền tảng chia sẻ hình ảnh này cũng sẽ làm mờ những hình ảnh được cho là có nội dung khỏa thân trong tin nhắn gửi tới người dùng dưới 16 tuổi. Meta cũng cho biết sẽ mở rộng các tính năng “tài khoản dành cho thanh thiếu niên” — vốn giúp lọc nội dung và hạn chế danh sách liên hệ — sang Facebook và Messenger.
Chính phủ Tây Ban Nha cho biết sẽ chi thêm 2 tỉ euro (2,2 tỉ USD) cho quốc phòng trong năm nay, trong bối cảnh châu Âu đang tìm cách tái vũ trang. Nước này hiện chỉ chi 1,3% GDP cho quốc phòng, mức thấp nhất trong NATO; chính phủ nói họ sẽ nâng con số này lên 2% “càng sớm càng tốt”, dù hạn chót chính thức là năm 2029. Các thành viên châu Âu trong liên minh đang chịu áp lực từ Mỹ phải đóng góp nhiều hơn cho an ninh của lục địa.
Ít nhất 44 người thiệt mạng và 160 người bị thương sau khi mái của một hộp đêm ở Santo Domingo, thủ đô Cộng hòa Dominica, bị sập vào sáng thứ Ba. “Chúng tôi vô cùng tiếc thương cho thảm kịch này,” tổng thống Luis Abinader nói và cho biết các cơ quan cứu trợ đang “làm việc không ngừng nghỉ” để cứu người sống sót. Thống đốc tỉnh Monte Cristi của nước này nằm trong số những người thiệt mạng.
Thuế quan và các công ty công nghệ Mỹ
Khi Google Cloud tổ chức sự kiện thường niên “Next” tại Las Vegas vào thứ Tư, câu hỏi lớn nhất trong đầu mọi người sẽ là: cuộc chiến thuế quan của Mỹ sẽ ảnh hưởng như thế nào đến chi tiêu cho điện toán đám mây liên quan đến AI. Amazon, Microsoft, Google và Meta trước đó đã báo hiệu họ sẽ chi hơn 300 tỷ USD tổng cộng cho cơ sở hạ tầng đám mây trong năm 2025. Những cam kết chi lớn như vậy đã góp phần thúc đẩy cơn sốt cổ phiếu AI trong những năm gần đây.
Nhưng rồi tổng thống Donald Trump ban hành các mức thuế mới. Cho đến nay, ngành bán dẫn dường như vẫn được miễn trừ. Nhưng chi phí xây dựng trung tâm dữ liệu cũng như các thành phần như máy chủ, thiết bị làm mát, và thiết bị mạng có thể tăng vọt. Nỗi lo ngành công nghệ chậm lại đã làm gia tăng những e ngại về bảy ông lớn công nghệ Mỹ. Apple bị ảnh hưởng vì các mức thuế mới có thể khiến giá iPhone tại Mỹ tăng. Cả Apple và Tesla đều có thể bị người tiêu dùng Trung Quốc tẩy chay để đáp trả. Bộ trưởng tài chính Scott Bessent gọi sự sụt giảm của thị trường chứng khoán là “vấn đề của nhóm Bộ Thất, chứ không phải của MAGA (Make America Great Again).” Chính quyền Trump vẫn chưa nhỏ giọt nước mắt nào cho các ông lớn công nghệ.
Ấn Độ nhìn thấy lợi ích trong khó khăn
Các quan chức Ấn Độ tỏ ra lạc quan về làn sóng thuế quan mới của Mỹ. Bộ trưởng thương mại Piyush Goyal cho biết: “Các ngành công nghiệp của Ấn Độ nhìn thấy cơ hội,” bởi mức thuế mà Mỹ áp lên Ấn Độ – 26% – thấp hơn so với các nước châu Á khác như Trung Quốc (34% trở lên) và Việt Nam (46%). Các quan chức cũng hy vọng Ấn Độ có thể đạt được miễn trừ thông qua đàm phán song phương với Mỹ. Một vòng đàm phán đầu tiên đã diễn ra vài ngày trước thông báo của ông Trump.
Song đằng sau vẻ mặt dũng cảm là sự lo lắng. Ông Trump có thể yêu cầu nhượng bộ ở các lĩnh vực như thương mại điện tử và nông nghiệp – điều có thể làm mất lòng các khối cử tri như nông dân. Và các mức thuế của ông có thể gây tổn hại đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Để hỗ trợ nền kinh tế, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ dự kiến sẽ công bố cắt giảm lãi suất khi cuộc họp ba ngày của ủy ban chính sách tiền tệ khép lại vào thứ Tư. Quyết định này được dễ dàng hơn bởi hai tác động phụ từ thuế của ông Trump: giá dầu giảm giúp hạ áp lực lạm phát, và đồng đô la suy yếu giúp ngăn đà trượt giá của đồng rupee.
Mỹ Latin chia rẽ trước thách thức
Hội nghị thượng đỉnh của Cộng đồng các Quốc gia Mỹ Latinh và Caribe (CELAC) sẽ thu hút sự chú ý hiếm hoi vào thứ Tư. Khi khu vực đang chật vật ứng phó với các mức thuế mới của ông Trump và quan điểm cứng rắn của ông về di cư, các lời kêu gọi đoàn kết và cùng ra phản ứng chung của 33 quốc gia thành viên lại dâng cao. Tổng thống Mexico, Claudia Sheinbaum, và người đồng cấp Brazil, Luiz Inácio Lula da Silva, sẽ tham dự hội nghị tại Tegucigalpa, thủ đô Honduras.
Nhưng đừng mong đợi nhiều hơn ngoài các tuyên bố biểu tượng về sự đoàn kết. Mỹ Latin – khu vực chịu tác động nhẹ hơn từ các mức thuế – vẫn còn chia rẽ về kinh tế, chính trị, và ngoại giao. Thương mại và hợp tác nội khối vẫn còn yếu, trong khi những vết nứt về chính trị và lợi ích quốc gia vẫn mạnh. Nhiều chính phủ tin rằng họ có thể đạt được lợi ích lớn hơn nếu đàm phán song phương với Mỹ – như bà Sheinbaum đang làm bằng cách trấn áp dòng người di cư, hay như tổng thống El Salvador, Nayib Bukele, vốn đã đồng ý tiếp nhận người bị trục xuất khỏi Mỹ vào các nhà tù của ông.
Congo đối thoại với lực lượng M23
Lực lượng nổi dậy M23, được Rwanda hậu thuẫn ở miền đông Cộng hòa Dân chủ Congo, đã rút khỏi thị trấn chiến lược Walikale vào tuần trước, sau khi chiếm giữ nơi này và đe dọa thành phố Kisangani cách đó khoảng 450 km. Cuộc rút lui, theo lời nhóm nổi dậy, là một cử chỉ thiện chí nhằm thúc đẩy đàm phán hòa bình. M23 đã chiếm giữ hai thành phố lớn nhất miền đông Congo kể từ tháng 1, giết chết hàng nghìn người và phá hủy lực lượng quân đội quốc gia trong khu vực.
Dù các quan chức Congo từ chối đàm phán trực tiếp với nhóm nổi dậy – mà họ coi là con cờ của Rwanda – các thất bại quân sự liên tiếp khiến họ không còn nhiều lựa chọn. Vào thứ Tư, đàm phán trực tiếp dự kiến sẽ bắt đầu tại Doha, thủ đô Qatar. Song các cuộc họp bí mật này có thể vẫn bị hủy. Những cuộc đàm phán trước đó đều thất bại. Tháng trước, nhóm nổi dậy đã rút khỏi cuộc gặp tại Angola vào phút chót, với lý do lệnh trừng phạt của phương Tây đối với lãnh đạo M23 đã phá vỡ nền tảng của đối thoại.
Ngày 10/4/2025
Donald Trump tuyên bố sẽ tạm hoãn áp thuế đối ứng trong 90 ngày đối với các nước không trả đũa các mức thuế của ông, nhưng vẫn duy trì thuế quan phổ quát 10%. Tuy vậy, tổng thống vẫn tăng thuế đối với Trung Quốc lên 125%, để đáp trả việc Trung Quốc nâng thuế cho hàng hóa Mỹ từ 34% lên 84%. Trước khi ông Trump đảo ngược quyết định, các thành viên Liên minh châu Âu đã thông qua thuế mới đối với khoảng 21 tỉ euro (23,2 tỉ USD) hàng hóa Mỹ, nhằm đáp trả thuế 25% của Mỹ đối với thép và nhôm.
Thị trường chứng khoán tăng vọt sau thông tin này. NASDAQ tăng 12,2% khi kết thúc phiên giao dịch hôm thứ Tư và S&P 500 tăng 9,5% — mức tăng trong ngày lớn nhất kể từ các năm 2001 và 2008. Chỉ số Dow Jones tăng khoảng 2.960 điểm, tương đương 7,9%. Lợi suất trái phiếu — vốn trước đó tăng mạnh sau khi các mức thuế có hiệu lực — đã hạ nhiệt. Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Mỹ giảm xuống khoảng 4,3%.
Khối trung hữu Dân chủ Cơ đốc của Đức đã đạt được thỏa thuận liên minh với đảng Dân chủ Xã hội trung tả. Friedrich Merz sẽ trở thành thủ tướng, sau khi ông lãnh đạo Liên minh Dân chủ Cơ đốc giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi tháng 2. Ông Merz đã thúc đẩy thông qua một dự luật chi tiêu lớn trong quốc hội, lách quy định hiến pháp về “giới hạn nợ” để bơm thêm ngân sách cho quốc phòng và cơ sở hạ tầng. Chi tiết về cơ cấu chính phủ sẽ được công bố trong ngày thứ Tư.
Một cuộc không kích của Israel vào thành phố Gaza đã khiến ít nhất 29 người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương, theo các quan chức Palestine. Israel cho biết không kích nhắm vào một tòa nhà dân cư ở vùng ven nhằm tiêu diệt một nhân vật cấp cao của Hamas, nhưng không công bố thêm chi tiết. Lực lượng vũ trang Israel đang mở rộng cuộc tấn công trở lại tại Gaza, nhằm thiết lập một “vùng an ninh” tại dải đất này.
Ngoại trưởng Iran tuyên bố nước này sẵn sàng “kết thúc thỏa thuận” với Mỹ về chương trình hạt nhân, nhưng sẽ “không bao giờ chấp nhận bị ép buộc.” Abbas Araghchi đưa ra tuyên bố này sau khi ông Trump tiết lộ Mỹ và Iran sẽ tổ chức “đàm phán trực tiếp” vào thứ Bảy. Ông Araghchi xác nhận cuộc gặp, nhưng cho biết đàm phán sẽ diễn ra một cách “gián tiếp,” và rằng đây vừa là “cơ hội vừa là thử thách.”
Tổng tư lệnh quân đội Ukraine, Oleksandr Syrsky, nói với hãng tin LB của Ukraine rằng Nga đã bắt đầu chiến dịch tấn công mùa xuân. Trước đó, tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết Nga đang chuẩn bị tấn công các khu vực Kharkiv và Sumy ở đông bắc Ukraine. Những bình luận này được đưa ra trong bối cảnh Mỹ và Nga tiếp tục đàm phán về việc bình thường hóa quan hệ.
Congo đã trao trả ba công dân Mỹ bị bỏ tù vì tham gia vào âm mưu đảo chính thất bại năm ngoái. Một tòa án Congo ban đầu tuyên án tử hình, nhưng tổng thống Félix Tshisekedi tuần trước đã giảm án xuống tù chung thân, và ba người đàn ông sẽ chấp hành bản án tại Mỹ. Động thái này diễn ra trong bối cảnh Mỹ đang đàm phán với quốc gia Trung Phi để tiếp cận các nguồn tài nguyên khoáng sản của nước này.
Mỹ và Trung Quốc leo thang thương chiến
Không có chuông báo hay còi hụ nào vang lên tại các cảng của Trung Quốc vào lúc 12 giờ 01 trưa (giờ địa phương) hôm thứ Tư, khi các mức thuế cao khủng khiếp của Mỹ — 84% — chính thức có hiệu lực. Nhưng đây chắc chắn là một tình trạng khẩn cấp về thương mại. Hầu hết hàng hóa Trung Quốc nhập vào thị trường lớn nhất thế giới giờ phải chịu mức thuế kết hợp ít nhất là 104%; hôm thứ Tư, Donald Trump tuyên bố sẽ còn tăng cao hơn nữa. Theo bộ tài chính Trung Quốc, đây là “một ví dụ điển hình của hành vi bắt nạt kinh tế.”
Vào 12 giờ 01 trưa thứ Năm (giờ địa phương), Trung Quốc sẽ tăng thuế đối với hàng hóa Mỹ cũng ở mức 84%. Hai bên đang ăn miếng trả miếng nhau. Sẽ không có bên thắng cuộc, nhưng liệu có nước nào sẽ nhượng bộ? Mỹ có sức mua lớn hơn Trung Quốc, nhưng thị trường tài chính của Mỹ nhạy cảm hơn và lãnh đạo Mỹ phụ thuộc nhiều hơn vào sự ủng hộ của người dân. Nói theo ngôn ngữ đấu vật: Mỹ đấm mạnh hơn, nhưng Trung Quốc chịu đòn tốt hơn.
Lạm phát quay trở lại nước Mỹ
Nhiều dữ liệu kinh tế hiện tại của Mỹ trông không khác gì những kỷ vật về một thời kỳ tươi đẹp. Các số liệu mới nhất về lạm phát, dự kiến công bố vào thứ Năm, được kỳ vọng cho thấy giá tiêu dùng trong tháng 3 chỉ tăng 0,1% so với tháng trước, tương đương với tốc độ năm 2,6%, gần trở lại mức 2% lý tưởng mà các nhà hoạch định chính sách thường hướng tới. Trong điều kiện bình thường, đó sẽ là một tin tuyệt vời.
Nhưng hiện nay chẳng có gì là bình thường. Với cuộc chiến thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc, cùng sự không chắc chắn về tương lai của các loại thuế toàn cầu do ông Trump áp đặt, người tiêu dùng có thể sẽ sớm thấy giá cả tăng trong các cửa hàng và ứng dụng trực tuyến. Đà giảm ổn định của lạm phát trong hai năm qua có thể bị đảo ngược. Ông Trump từng hứa sẽ đè bẹp lạm phát, nhưng giờ đây lại có thể đang làm nó sống lại.
Sudan cáo buộc UAE đồng lõa với tội ác diệt chủng
Từ khi bùng nổ vào tháng 4 năm 2023, cuộc nội chiến ở Sudan đã cướp đi hàng chục ngàn sinh mạng, khiến khoảng 15 triệu người phải di tản và đẩy đất nước vào nạn đói. Đây là cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng nhất thế giới hiện nay. Cả hai bên tham chiến đều bị cáo buộc phạm tội ác chiến tranh. Vào thứ Năm, vụ kiện pháp lý đầu tiên sẽ được đưa ra tòa: Chính phủ Sudan kiện Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) ra Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) với cáo buộc tiếp tay cho Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF) — một nhóm nổi dậy — thực hiện tội ác diệt chủng.
Các cáo buộc tập trung vào vụ giết hại hàng ngàn người thuộc nhóm sắc tộc Masalit ở Tây Darfur, nơi được xem là thành trì của RSF. UAE đã nhiều lần bị cáo buộc ủng hộ RSF, kể cả bởi Liên Hợp Quốc, nhưng họ bác bỏ vụ kiện tại ICJ là “một chiêu trò tuyên truyền xảo trá.” Nếu Sudan thắng kiện, họ hy vọng UAE sẽ bị buộc phải chấm dứt hỗ trợ, qua đó rút ngắn thời gian chiến tranh. Song điều đó khó xảy ra, vì phán quyết của ICJ không mang tính ràng buộc pháp lý. Kịch bản khả dĩ hơn là chiến tranh tiếp diễn và thêm nhiều người thiệt mạng.
Trí tuệ nhân tạo có ích cho khí hậu?
Năm 1999, không lâu sau khi Amazon bắt đầu bán sách trực tuyến, một bài báo trên tạp chí Forbes từng tuyên bố (sai lầm) rằng “mỗi lần mua sách tương đương một cục than bị đốt cháy.” Ngày nay, mối lo ngại nằm ở trí tuệ nhân tạo (AI), loại công nghệ tiêu thụ nhiều năng lượng hơn cả và đang phát triển rất nhanh. Vào thứ Năm, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) sẽ công bố báo cáo phân tích chi tiết về vấn đề này. Dự kiến họ sẽ cho rằng: dù cần xem xét kỹ lượng tiêu thụ điện của AI, công nghệ này cũng nên được xem như một công cụ quan trọng giúp cắt giảm khí thải toàn cầu.
Quan điểm đó phù hợp với các nghiên cứu khác. Goldman Sachs dự đoán AI sẽ khiến nhu cầu về trung tâm dữ liệu tăng 165% cho tới năm 2030, nâng mức tiêu thụ điện toàn cầu của chúng lên khoảng 3%. Đây là một con số đáng kể. Nhưng lợi ích gần đây của AI cũng đáng chú ý — ví dụ như giúp làm sạch các ngành khó cắt giảm khí thải như vận tải biển, hoặc phát hiện rò rỉ khí mê-tan, một loại khí nhà kính cực mạnh.
Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Nguồn: The Economist
Be the first to comment