Tin Vắn Thế Giới Ngày 24 & 25/3/2025

Ngày 24/3/2025

Ekrem Imamoglu, đối thủ chính của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, đã chính thức bị bắt giam ngay sau khi đảng của ông xác nhận ông là ứng viên tranh cử tổng thống năm 2028 vào Chủ nhật. Hôm thứ Tư, cảnh sát đã bắt giữ vị thị trưởng nổi tiếng của Istanbul với cáo buộc tham nhũng, làm bùng nổ làn sóng biểu tình lớn. Ông Imamoglu phủ nhận các cáo buộc. “Tôi sẽ không bao giờ khuất phục”, ông viết trên X từ trong tù.

Nội các Israel đã thông qua một kiến nghị bất tín nhiệm đối với tổng chưởng lý Gali Baharav-Miara, chỉ vài ngày sau khi sa thải lãnh đạo cơ quan an ninh. Đây là bước đầu tiên trong quá trình bãi nhiệm bà. Đáp lại, bà Baharav-Miara cáo buộc chính phủ đang tìm cách đứng “trên pháp luật”. Trong khi đó, thân nhân của các con tin đã biểu tình phản đối việc chính phủ nối lại không kích ở Gaza. Giới chức Palestine cho biết hơn 50.000 người đã thiệt mạng tại đây trong 18 tháng qua.

Thủ tướng Canada Mark Carney đã kích hoạt một cuộc bầu cử sớm bằng cách giải tán Quốc hội. Đảng Tự do cầm quyền dự kiến sẽ giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu ngày 28 tháng 4. Đảng này thăng tiến mạnh trong các cuộc thăm dò kể từ khi lãnh đạo không được lòng dân của họ, Justin Trudeau, tuyên bố từ chức thủ tướng vào tháng 1. Các mức thuế và lời mỉa mai từ Donald Trump cũng giúp Đảng Tự do lấy lại sự ủng hộ của người dân.

Giáo hoàng Francis đã lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng kể từ khi nhập viện hơn năm tuần trước vì viêm phổi nguy hiểm đến tính mạng. Vị giáo hoàng 88 tuổi vẫy chào đám đông và ban phước ngắn gọn từ ban công bệnh viện ở Rome. Sau đó ông được xuất viện để nghỉ ngơi và hồi phục tại Vatican trong ít nhất hai tháng.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường cho biết nước ông đang chuẩn bị đối phó với những “cú sốc bất ngờ” từ cuộc chiến thương mại ngày càng căng thẳng với Mỹ. Ông Lý nói với các lãnh đạo doanh nghiệp toàn cầu tại Bắc Kinh rằng triết lý của Trung Quốc khác với Mỹ: các quốc gia nên “mở cửa thị trường” và các công ty nên “chia sẻ nguồn lực” nhiều hơn. Donald Trump dự kiến sẽ công bố thêm thuế vào ngày 2 tháng 4.

Anh đã mở điều tra về sự cố cháy trạm biến áp gây mất điện khiến sân bay Heathrow phải đóng cửa vào thứ Sáu. Bộ trưởng năng lượng Anh, Ed Miliband, cho biết đơn vị vận hành lưới điện quốc gia cần rút ra bài học về “khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng quốc gia quan trọng”. Sân bay lớn nhất nước Anh đã hoạt động trở lại vào thứ Bảy, nhưng tình trạng gián đoạn đi lại dự kiến sẽ kéo dài trong vài ngày.

Donald Trump đã thu hồi quyền tiếp cận thông tin mật và giấy phép an ninh đối với một số đối thủ chính trị, bao gồm Kamala Harris, Hillary Clinton, và Joe Biden. Tổng thống cũng đã tước bỏ quyền truy cập của các quan chức cấp cao trong chính quyền Biden, bao gồm cựu ngoại trưởng Antony Blinken. Ông Biden từng thu hồi quyền truy cập an ninh của ông Trump ngay sau khi ông rời nhiệm sở vào năm 2021.

Nga và Mỹ đàm phán ở Ả-rập Saudi

Vào thứ Hai, các nhà đàm phán của Mỹ tại Ả Rập Saudi sẽ tìm cách hoàn tất chi tiết của thỏa thuận ngừng bắn một phần trong 30 ngày do tổng thống Donald Trump đề xuất. Họ dự kiến bắt đầu đàm phán với phái đoàn Nga, sau các cuộc thương lượng với phái đoàn Ukraine đã bắt đầu hôm Chủ nhật. Nhiệm vụ chính là lập danh sách các cơ sở cần được bảo vệ. Điện Kremlin muốn danh sách này chỉ bao gồm cơ sở hạ tầng năng lượng theo nghĩa hẹp; trong khi Ukraine và Mỹ khẳng định cần bao gồm cả những cơ sở khác như cảng, tòa nhà dân sự, và đường sắt.

Nga vẫn chưa thể hiện cam kết thực sự với một thỏa thuận ngừng bắn. Hôm 18 tháng 3, sau cuộc điện đàm với ông Trump, tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố đã ra lệnh ngừng tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng. Song Nga ngay lập tức nuốt lời và cho phóng hàng trăm máy bay không người lái cũng như tên lửa vào các cơ sở năng lượng của Ukraine. Steve Witkoff, đặc phái viên của ông Trump phụ trách liên lạc với Nga, cho biết ông tin rằng ông Putin sẽ hành động “với thiện chí”. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thì hoài nghi hơn: “Mỗi lần phóng tên lửa là một lần người Nga bộc lộ thái độ thật sự của họ đối với hòa bình”, ông nói.

Trung Quốc lôi kéo các lãnh đạo doanh nghiệp nước ngoài

Đối với các giám đốc điều hành toàn cầu mong muốn kết nối với lãnh đạo Trung Quốc, giai đoạn này là thời điểm khá bận rộn. Sau Diễn đàn Phát triển Trung Quốc tại Bắc Kinh cuối tuần qua, một số người sẽ tiếp tục tham dự một hội nghị thường niên lớn khác ở miền nam — Diễn đàn Bác Ngao vì châu Á, khai mạc vào ngày 25 tháng 3.

Các quan chức Trung Quốc đang tích cực truyền đạt thông điệp của họ tới các CEO đang bị ảnh hưởng bởi chính sách kinh tế thất thường của Donald Trump: rằng Trung Quốc là vùng đất ổn định trong một thế giới đầy biến động. Hôm Chủ nhật, thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã tuyên bố giữa lúc “bất ổn và bất định gia tăng”, các nước cần mở cửa thị trường, còn các công ty nên “chia sẻ nguồn lực” nhiều hơn. Ông cũng đã gặp thượng nghị sĩ Cộng hòa Steve Daines, người từng làm trung gian trong nhiệm kỳ đầu của Trump. Ông Daines nói với New York Times rằng ông muốn đặt nền móng cho một cuộc gặp giữa ông Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Song khi căng thẳng do chính sách thuế quan của Trump ngày càng gia tăng, Trung Quốc có thể sẽ thận trọng hơn.

Vấn đề bản đồ khu vực bầu cử Louisiana lên Tòa án Tối cao Mỹ

Vào thứ Hai, Tòa án Tối cao Mỹ sẽ xét xử vụ Louisiana kiện Callais, vốn có thể quyết định quyền kiểm soát Hạ viện trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm tới. Sau cuộc điều tra dân số năm 2020, cơ quan lập pháp Louisiana đã vẽ bản đồ bầu cử với chỉ một trong sáu khu vực có đa số cử tri da đen. Một tòa án cho rằng bản đồ vi phạm Đạo luật Quyền Bầu cử năm 1965 và yêu cầu cơ quan lập pháp thêm một khu vực đa số da đen nữa. Nhưng bản đồ mới lại bị nguyên đơn phản đối, cho rằng khu vực mới có hình thù “ngoằn ngoèo và méo mó”, gây chia rẽ chủng tộc và vi phạm Tu Chính án thứ 14.

Louisiana nói bản đồ mới là nhằm cân bằng giữa nghĩa vụ tuân thủ Đạo luật Quyền Bầu cử và Hiến pháp. Họ khẳng định mục tiêu chính không phải là sắc tộc mà là chính trị: nhằm bảo vệ ghế của một số nghị sĩ Cộng hòa, bao gồm ghế của chủ tịch Hạ viện Mike Johnson.

Doanh nghiệp Đức bắt đầu lạc quan trở lại

Trong hai ngày tới, hai chỉ số quan trọng về tình hình kinh tế Đức sẽ được công bố: chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) của Ngân hàng Thương mại Hamburg vào thứ Hai và chỉ số niềm tin doanh nghiệp của Viện Ifo vào thứ Ba. Cả hai được dự đoán sẽ cho thấy mức cải thiện so với tháng trước. Còn nhớ chỉ số Ifo của tháng 2 không thay đổi so với tháng 1, phản ánh tâm lý hoài nghi của giới doanh nghiệp về triển vọng tăng trưởng kinh tế.

Nhưng gần đây tâm lý đã tích cực hơn. Các lãnh đạo doanh nghiệp được khích lệ bởi các bước đi táo bạo của Friedrich Merz, người sắp trở thành thủ tướng. Cải cách lớn nhất của ông — miễn trừ chi tiêu quốc phòng khỏi giới hạn ngân sách nghiêm ngặt theo hiến pháp Đức và thành lập quỹ đầu tư hạ tầng trị giá 500 tỷ euro — đã được thông qua ở cả hai viện quốc hội vào tuần trước. Họ hy vọng các cải cách cơ cấu cần thiết khác sẽ sớm được tiến hành và nước Đức cuối cùng sẽ thoát khỏi suy thoái. Chính phủ liên minh của ông Merz dự kiến sẽ sẵn sàng nhậm chức ngay sau lễ Phục Sinh.

Ngày 25/3/2025

Nga đã tấn công vào một bệnh viện nhi ở miền bắc Ukraine, làm bị thương 28 người, gồm 4 trẻ em, theo lời các quan chức địa phương. Vụ tấn công xảy ra khi các quan chức Mỹ và Nga đang họp tại Ả Rập Saudi để thảo luận về một kế hoạch tạm dừng tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine và một thỏa thuận ngừng bắn tiềm năng ở Biển Đen nhằm cho phép nối lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc và nhiên liệu.

Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ đã bắt giữ hơn 1.100 người trong năm ngày biểu tình rầm rộ phản đối việc bỏ tù Ekrem Imamoglu, thị trưởng Istanbul và lãnh đạo phe đối lập. Chính phủ đã cấm tụ tập nơi công cộng tại nhiều thành phố, song hàng trăm nghìn người vẫn xuống đường biểu tình. Trong số những người bị bắt có 10 nhà báo. Phe đối lập cho rằng việc bắt giữ ông Imamoglu mang động cơ chính trị.

Donald Trump cho biết ông sẽ áp thuế 25% đối với các quốc gia mua dầu hoặc khí đốt từ Venezuela. Ông Trump nói ông đưa ra mức thuế này một phần vì Venezuela đã “cố tình và gian dối” gửi “tội phạm” đến Mỹ. Các mức thuế mới dự kiến sẽ có hiệu lực vào tháng tới. Trung Quốc và Ấn Độ là hai trong số những nước nhập khẩu dầu thô Venezuela nhiều nhất.

Hoạt động kinh doanh ở khu vực đồng euro tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong bảy tháng qua vào tháng 3, theo một khảo sát đáng chú ý do S&P Global thực hiện. Chỉ số quản lý mua hàng (PMI) tăng lên 50,4 từ mức 50,2 của tháng 2, trên ngưỡng tăng trưởng. Sản lượng công nghiệp tăng lần đầu tiên trong hai năm, bù đắp cho sự chững lại trong ngành dịch vụ. Thị trường đang lạc quan trở lại nhờ các kế hoạch tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng và quốc phòng của Đức.

Doanh thu hàng năm của BYD lần đầu tiên vượt mốc 100 tỷ USD trong năm 2024, được thúc đẩy bởi nhu cầu mạnh mẽ cho các mẫu xe hybrid sạc điện. Lợi nhuận ròng của nhà sản xuất xe điện Trung Quốc tăng 34% so với cùng kỳ năm trước. Công ty đã xuất khẩu hơn 400.000 xe trong năm qua và đang xây dựng các nhà máy tại châu Âu và Nam Mỹ. Cổ phiếu của hãng đã tăng 50% tính đến thời điểm hiện tại chỉ trong năm 2025, vượt xa đối thủ Tesla đến từ Mỹ.

Cơ quan an ninh Áo đã bắt giữ một phụ nữ Bulgaria vì tham gia vào chiến dịch tuyên truyền sai lệch “quy mô lớn” của Nga nhằm làm suy giảm ủng hộ dành cho Ukraine. Người phụ nữ này thừa nhận làm việc cho một nhóm do Nga điều hành, giả danh là tổ chức thân Ukraine trong khi thực chất lại lan truyền thông tin sai lệch. Chiến dịch này bị phát hiện vào tháng 12 và đã nhắm vào các quốc gia nói tiếng Đức thông qua nội dung trực tuyến, hình vẽ graffiti, và nhãn dán.

Giá cổ phiếu của công ty xét nghiệm ADN23andMe đã giảm khoảng 60% chỉ một ngày sau khi công ty nộp đơn xin phá sản và Anne Wojcicki, CEO kiêm đồng sáng lập, từ chức. Ở thời kỳ đỉnh cao, 23andMe từng được định giá 6 tỷ USD, nhưng doanh số đã giảm sau vụ rò rỉ dữ liệu năm 2023 khiến thông tin của 7 triệu khách hàng bị đánh cắp. Tính đến thứ Hai, vốn hóa thị trường của công ty chỉ còn khoảng 19,5 triệu USD.

“Động đất chính trị” ở Thổ Nhĩ Kỳ và tác động lên thị trường

Làn sóng phẫn nộ vì vụ bắt giữ Ekrem Imamoglu, thị trưởng Istanbul và ứng viên đối lập cho chức tổng thống, tiếp tục lan rộng khắp Thổ Nhĩ Kỳ. Chính phủ của tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã cố gắng ngăn chặn biểu tình bằng cách ban hành lệnh cấm tụ tập nơi công cộng. Nhưng vào thứ Hai, hàng chục nghìn người vẫn đổ ra đường trong đêm thứ sáu liên tiếp.

Chính quyền cũng đang cố gắng hạn chế thiệt hại lên thị trường tài chính Thổ Nhĩ Kỳ. Để ngăn chặn một cuộc tháo chạy khỏi đồng tiền quốc gia, ngân hàng trung ương được cho là đã tiêu khoảng 26 tỷ USD dự trữ ngoại hối chỉ trong ba ngày. Họ cũng đã tăng lãi suất cho vay qua đêm. Trong khi đó, cơ quan quản lý thị trường vốn ra lệnh cấm bán khống tất cả các cổ phiếu.

Sau khi sụt giảm 16,3% trong ba ngày kể từ khi ông Imamoglu bị bắt, chỉ số chứng khoán chính của Thổ Nhĩ Kỳ tăng 3% vào thứ Hai, trong khi đồng lira giữ nguyên. Song các nhà đầu tư nước ngoài đang hoang mang. Trong vài năm qua họ đã bắt đầu quay trở lại Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng giờ đây lại phải tìm cách rút lui.

Đức có Quốc hội mới

Vào thứ Ba, Quốc hội mới của Đức (Bundestag) sẽ triệu tập phiên họp đầu tiên sau cuộc bầu cử hồi tháng 2. Olaf Scholz sẽ tiếp tục giữ vai trò thủ tướng lâm thời trong khi chờ Friedrich Merz được bổ nhiệm chính thức vào cuối tháng 4.

Việc ông Merz được xác nhận làm thủ tướng còn phụ thuộc vào các cuộc đàm phán thành lập liên minh giữa đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo trung hữu và đảng Dân chủ Xã hội trung tả. Nếu đạt được thỏa thuận, đây sẽ là lần thứ năm hai đảng trung dung này thành lập liên minh — một lần vào những năm 1960 và ba lần dưới thời Angela Merkel, người giữ chức thủ tướng suốt 16 năm cho đến năm 2021.

Một số người lo ngại hai đảng sẽ quá do dự trong việc thực hiện những cải cách cấu trúc cần thiết cho nước Đức. Ông Merz đã khởi đầu mạnh mẽ khi quốc hội thông qua gói chi tiêu lớn cho quốc phòng và cơ sở hạ tầng — nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi nan giải về cách hồi sinh nền kinh tế và đối phó với đảng cực hữu AfD, vốn về thứ hai trong cuộc bầu cử.

Ngân sách trước bầu cử của Úc

Chính phủ Lao động trung tả của Úc sẽ công bố ngân sách cuối cùng vào thứ Ba trước khi kêu gọi tổng tuyển cử vào tháng 5. Mối quan tâm chủ đạo của người dân Úc hiện nay là tình hình kinh tế; với lạm phát tăng lên mức cao nhất ba mươi năm kể từ khi đảng Lao động lên nắm quyền năm 2022. Bộ trưởng ngân khố Jim Chalmers sẽ chi tiêu mạnh tay để hỗ trợ các hộ gia đình, bao gồm chi 1,8 tỷ AUD (1,1 tỷ USD) tiền trợ cấp năng lượng. Ông tin rằng tình hình kinh tế đang dần được cải thiện. Hồi tháng 2, ngân hàng trung ương đã thực hiện đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên trong chu kỳ này.

Song phe đối lập có lý do để chỉ trích. Tăng trưởng kinh tế đang chững lại, trong khi chi tiêu của chính phủ đã tăng mạnh dưới thời đảng Lao động. Sau khi giá hàng hóa, mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Úc, giảm xuống, ngân sách đã rơi vào tình trạng thâm hụt. Đảng Tự do bảo thủ phàn nàn rằng Úc “không thể chịu thêm ba năm Lao động nữa”. Nhiều người dân đồng tình, nhưng lãnh đạo đảng Tự do, Peter Dutton, cũng không nhận được nhiều cảm tình. Các cuộc thăm dò cho thấy không đảng nào sẽ giành được đa số, khiến Úc có thể phải có một quốc hội treo.

Cuộc nội chiến tàn khốc ở Myanmar

Năm ngoái, chính quyền quân sự Myanmar đã phải hứng chịu nhiều thất bại đáng xấu hổ trong cuộc nội chiến kéo dài từ năm 2021. Các nhóm nổi dậy đã chiếm được nhiều vùng lãnh thổ, đặc biệt là ở khu vực biên giới phía tây. Hồi tháng 12, lực lượng nổi dậy Quân đội Arakan (AA) đã chiếm được tiền đồn cuối cùng của quân đội tại biên giới với Bangladesh ở bang Rakhine. Hiện tại ở Rakhine quân đội chỉ còn kiểm soát thủ phủ Sittwe và một số thị trấn lân cận, bao gồm cảng Kyaukphyu — một đầu mối quan trọng cho vận chuyển dầu khí từ Ấn Độ Dương. Nếu những nơi này thất thủ, AA sẽ tước đi nguồn thu lớn của chính quyền quân sự — và trở thành nhóm nổi dậy đầu tiên kiểm soát toàn bộ một bang.

Nhưng đà tiến của phe nổi dậy có lẽ sẽ chững lại. Chính quyền quân sự đang mở rộng việc sử dụng máy bay không người lái và không kích để ngăn chặn đà tiến của đối phương. Dù đang bị dàn trải trên nhiều mặt trận, quân đội vẫn đang đẩy mạnh việc bắt lính và cân nhắc một cuộc phản công. Cục diện của cuộc chiến có lẽ sẽ không xoay chuyển quá nhiều, và các bên sẽ tiếp tục chìm trong chiến tranh tiêu hao khốc liệt.

Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Nguồn: The Economist
Theo https://nghiencuuquocte.org

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*