Tiểu Tử, Nhà Văn Gìn Giữ Hồn Quê Tây Ninh

Sau Hòa Ước năm Nhâm Tuất (1862) đến Hòa Ước Giáp Thân (1884) hay Hòa Ứớc Patenôtre, chia nước Việt Nam (thuộc Liên Bang Đông Dương) ra làm ba xứ: Bắc Kỳ (Tonkin), Trung Kỳ (Annam), Nam Kỳ (Cochinchine). Tuy đất nước thuộc triều đình nhà Nguyễn trên danh nghĩa nhưng Bắc Kỳ và Trung Kỳ là xứ bảo hộ, Nam Kỳ là xứ thuộc địa Pháp. Vì vậy ngoài những lãnh vực khác, nền giáo dục xứ thuộc địa, Pháp đã thành lập một số trường theo kiểu Pháp nhiều hơn xứ bảo hộ đã có trước đó.

Năm 1906, Toàn Quyền Đông Dương P. Beau đưa ra kế hoạch cải cách giáo dục với hệ thống trường Pháp – Việt và sau đó tiếp tục thay đổi trường cấp một 5 năm (primier degré), cấp hai 4 năm (second degré) và cấp ba 3 năm (troisième degré). Các trường mở rộng ở Sài Gòn, Gia Định, Chợ Lớn, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bà Rịa, Thủ Dầu Một, Hà Tiên, Châu Đốc…

Tuy là xứ thuộc địa nhưng người dân Nam Bộ, Nam Kỳ Lục Tỉnh vẫn giữ được bản sắc dân tộc, phong tục tập quán… và cả ngôn ngữ dân gian từ giao tiếp trong đời sống đến văn chương.

Các bậc tiền bối tiêu biểu như Trương Vĩnh Ký (1837-1898), Huỳnh Tịnh Của (1830-1908), Hồ Biểu Chánh (1884-1958)… đều học và thông thạo tiếng tiếng Pháp nhưng đã quảng bá nền văn học Việt Nam đặc biệt với ngôn ngữ Nam Kỳ Lục Tỉnh.

Nhà văn Hồ Biểu Chánh với tác phẩm đầu tay Ai Làm Được năm 1912 với phong thái phương ngữ bình dân Nam Bộ. Tác phẩm Cay Đắng Mùi Đời (1923) phỏng theo tiểu thuyết Không Gia Đình của Hector Malot. Tác phẩm Ngọn Cỏ Gió Đùa (1926) phóng tác theo Les Misérables của Victor Hugo, nhưng câu chuyện xảy ra đầu thế kỷ 20, ở một làng quê nghèo ở Nam Bộ bị nạn đói hoành hành  nên lâm vảo hoàn cảnh của Những Người Khốn Khổ. Tác phẩm Cay Đắng Mùi Đời xảy ra trong bối cảnh quê hương Gò Công của cụ…

Tác giả Nguyễn Văn Sâm, GS Đại Học Văn Khoa Sài Gòn trong quyển Văn Chương Nam Bộ… đã dành 26 trang (từ trang 23 đến trang 38) liệt kê các tác phẩm trên nhiều lãnh vực (loại xuất hiện ở thành và bưng) với sự đóng góp quan trọng vào việc gìn giữ và phát triển văn chương Nam Bộ. Theo tác giả giải thích về hai chữ Nam Bộ: “Dùng danh từ Nam Bộ chúng tôi muốn gắn liền tên gọi với thời đại. Tiếng Nam Bộ được sử dụng chánh thức trong dụ số 108 của Quốc Trưởng Bảo Đại xung chức Khâm Sai Nam Bộ cho Nguyễn Văn Sâm vào tháng 8/1945” (Ghi chú: ông Khâm Sai Nam Bộ Nguyễn Văn Sâm trùng tên với tác giả Nguyễn Văn Sâm (sinh năm 1940). Sáu tỉnh đó là Biên Hòa, Gia Định (có phủ Tây Ninh), Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên.

Ngoài ra, quyển Văn Chương Nam Kỳ Lục Tỉnh của ông là công trình nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, xã hội, đời sống của người dân vùng đất nầy…

Những nét đặc trưng của văn hóa Nam Bộ ảnh hưởng sâu đậm, bản chất, lối sống, ngôn ngữ, trang phục, tôn giáo và các truyền thống văn nghệ dân gian với các tầng lớp trong xã hội. Đồng thời các nhân vật lịch sử và văn học của các bậc tiền nhân như Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), Sương Nguyệt Anh (1864-1921, con gái cụ Nguyễn Đình Chiểu), Phan Văn Trị (1830-1910), Bùi Hữu Nghĩa (1807-1872)… đã ảnh hưởng cho hậu thế.

Nhà thơ Du Tử Lê trong loạt bài Vài Nét Đặc Thù Của Dòng Văn Chương Nam Bộ, trong đó qua nhận định của nhà thơ Trần Tuấn Kiệt, khoảng từ 1950 đến 1975, có 4 nhà văn nổi tiếng được mệnh danh là Tứ Đại Văn Hào Nam Bộ: Hồ Hữu Tường, Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc và Lê Xuyên.

Đọc các tác phẩm tiêu biểu của 4 nhà văn trên, từ lời văn, cấu trúc đến các mẩu đối thoại… “rất Nam Bộ” và sau đó xuất hiện nhiều tác giả, tác phẩm. Vì vậy cần phân biệt văn chương Nam Bộ với văn chương Miền Nam trong hai thập niên giữa 1950′ và 1970′ với giới cầm bút di cư vào Nam và miền Trung…

Đề cập khái quát về văn chương Nam Bộ để nói về nhà văn Tiểu Tử, người con của đất Tây Ninh khi xa xứ khi viết văn vẫn giữ được cái gốc thuần túy văn chương Nam Bộ.

* * *

Từ khi du học ở Pháp vào đầu thập niên 1950’, trở về Việt Nam làm việc cho hãng Shell rồi sang Pháp làm việc cho đến khi về hưu và định cư cho đến nay… cả cuộc đời nhà văn Tiểu Tử gắn bó với tiếng Pháp nhưng khi cầm bút nơi xứ người với văn phong đặc biệt “miền Nam”, giản dị, ngắn gọn, chân chất, dí dỏm từ giọng văn và các mẩu đối thoại.

Về tiểu sử cũng ngắn gọn: Tiểu Tử tên thật là Võ Hoài Nam, sinh năm 1930 tại Gò Dầu, Tây Ninh. Ông là con trai duy nhứt của nhà giáo Võ Thành Cứ, giáo sư trường trung học Pétrus Trương Vĩnh Ký, Sài Gòn. Tốt nghiệp Kỹ sư, Marseille năm 1955. Dạy lý hoá trung học ở ngôi trường nầy niên khóa 1955-1956. Tháng 10/1956 làm việc cho hãng dầu Shell Việt Nam từ năm tháng 10 1956 đến 30/4/1975.

Trong 3 năm (1975-1978) được trưng dụng làm việc cho hãng nầy. Trong thời gian đó, vượt biên 3 lần nhưng thất bại. Vượt biên cuối năm 1978. Định cư ở Pháp từ đầu năm 1979. Làm việc cho hãng đường mía của Côte d’ Ivoire (Phi Châu) 1979-1982. Làm việc cho hãng dầu Shell Côte d’ Ivoire 1982-1991 về hưu ở Pháp.

Trước 1975, Tiểu Tử giữ mục biếm văn Trò Đời của nhật báo Tiến. Bắt đầu viết truyện ngắn khi sống ở Côte d’Ivoire, Châu Phi (trước kia thuộc địa của Pháp, sau khi tuyên bố độc lập vẫn ảnh hưởng nhiều của Pháp). Thời gian ông làm việc ở Côte d’Ivoire, để vơi bớt nỗi buồn ông mới sáng tác. Từ đó cho đến khi trở lại Pháp, qua mấy thập niên, ông tiếp tục sáng tác khoảng một trăm bài, trong đó có hồi ký và truyện ngắn. Ông đã ấn hành 5 tuyển tập: Những Mảnh Vụn (Làng Văn Toronto xuất bản 2004), tuyển tập Bài Ca Vọng Cổ ấn hành năm 2006, tuyển tập Chị Tư Ù ấn hành năm 2013, tuyển tập Chuyện Thuở Giao Thời (2015), Tuyển Tập Tiểu Tử (Người Việt năm 2016), ngoài ra có tuyển tập Tiểu Tử (quyển thượng và hạ)… Tác giả chọn truyện ngắn đầu tiên làm tựa đề tác phâm.

Tuyển tập Những Mảnh Vụn, dày 250 trang, gồm 14 truyện ngắn: Những Mảnh Vụn, Câu Chuyện Của Tình Yêu, Người Đàn Ông Sống Ở Vùng Ngoại Ô, Một Chiếc Nhẫn, Những Ký Ức Không Quên, Giấc Mơ, Cánh Đồng Xanh, Thời Gian, Sống Trong Ký Ức, Con Đường Cũ, Mùa Hè Sôi Động, Chia Ly, Đêm Mưa, Người Mẹ Gần Gũi

Mỗi truyện ngắn là “mảnh vỡ” ký ức lồng trong bối cảnh đó với bản thân hay nhân vật khác, phản ảnh sự kiện và cuộc sống của con người bình dị trong đời sống từ trong nước và hải ngoại.

Tuyển tập Chị Tư Ù ấn hành năm 2013 dày 200 trang, gồm 16 truyện ngắn: Chị Tư Ù, Người Đàn Bà Mất Chồng, Mùa Xuân Của Mẹ, Thời Gian Đã Qua, Bến Sông Cũ, Cơn Mưa Bất Chợt, Hạnh Phúc Trong Tầm Tay, Lời Hứa, Dòng Ký Ức, Hồn Ma Sông Nước, Tình Yêu Nơi Đất Khách, Ký Ức Quê Hương, Giấc Mơ, Những Mảnh Đời, Chuyện Của Năm Trước, Cuộc Gặp Gỡ Định Mệnh.

Tuyển tập Chuyện Thuở Giao Thời, ấn hành năm 2015 dày 200 trang, gồm 12 truyện ngắn: Chuyện Thuở Giao Thời, Nơi Đất Khách, Người Đàn Ông Mất Dạy, Cô Gái Bán Chân Vịt, Chuyến Tàu Về Quê, Chiếc Vòng Cổ, Bài Học Đắt Giá, Mùa Hè Năm 1975, Dòng Sông Bạc, Những Đứa Trẻ Bên Bờ Sông, Mẹ Tôi, Người Về Từ Nước Ngoài

Tuyển Tập Tiểu Tử (Người Việt năm 2016) dày 260 trang, gồm 12 truyện ngắn: Bà Chúa Nước, Ký Ức, Những Đứa Trẻ Bên Bờ Sông, Chiếc Bánh Mì, Chỉ Cần Có Thế, Dòng Ký Ức, Mưa Nắng, Tình Yêu Đầu, Lá Số, Cô Gái Trên Đường, Người Đàn Ông Mất Chồng, Mùa Xuân Đã Về.

Qua các truyện của ông, nói về bản thân trong 3 năm (1975-1978) trong cuộc đổi đời với bao nghịch cảnh, nỗi đau cùng với những gì “mắt thấy tai nghe” với người dân cũng lâm vào cùng cảnh ngộ. Những thập niên sống ở hải ngoại từ xứ khỉ ho cò gáy Côte d’Ivoire ở Châu Phi đến thủ đô Paris vẫn mang tâm trạng và nỗi lòng người vong quốc.

Vào đầu năm 2000, tôi phụ trách vài tờ báo, các truyện ngắn của ông được phổ biến, khi đọc tôi thích lối viết, giọng văn, diễn đạt chân thật, ngắn gọn nhưng gợi lên hình ảnh khó quên…

Vì ông ở Paris nên các văn hữu ở đó đã viết nhiều về ông. Trong buổi ra mắt sách Chuyện Thuở Giao Thời ngày 3 tháng 1 năm 2015 tại Eglise Sainte Hippolyte, Paris. Các diễn giả đã giới thiệu về tác giả, tác phẩm như Nguyễn Văn Trần, Từ Thức, Trần Thanh Hiệp…

Theo nhà nghiên cứu, dịch giả Nguyễn Văn Trần nhận xét và đánh giá tác phẩm và văn chương của Tiểu Tử.
Ai cũng nhìn nhận văn và truyện của Tiểu Tử rất đặc biệt, nó dành cho Tìểu Tử một chỗ đứng nhất định trong văn học Việt Nam. Ông viết về đời sống thực tế của Nam Kỳ, nhân vật đặc sệt Nam kỳ, khung cảnh xã hội cũng Nam Kỳ… Nó như mang hơi hướng một Sơn Nam, một Bình Nguyên Lộc, một Lê Xuyên…

Nhà báo Từ Thức đánh giá:
“Văn của Tiểu Tử bình dị, mộc mạc của người miền Nam, dù độc giả chai đá tới đâu, khi đọc Tiểu Tử cũng không cầm được nước mắt. Người ta khóc, nhưng sau đó thấy ấm lòng, vì thấy trong xã hội đảo lộn, vẫn còn tình người, vẫn còn đầy thương yêu, vẫn còn nghĩa đồng bào và thấy đời còn đáng sống. Văn chương, trước hết là xúc động. Trong truyện ngắn của Tiểu Tử, sự xúc động hầu như thường trực”.

LS Trần Thanh Hiệp, chủ trương tạp chí Sáng Tạo ở Sài Gòn, Chủ Tịch sáng lập Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, phát biểu:
“… Những diễn giả vừa phát biểu đã lấy hết suy tư của tôi, mỗi người mỗi ý quá phong phú, riêng tôi muốn đề cập một khung cửa Văn học, sử học và hiện tượng sống qua ngôn ngữ, rung cảm trong một tác phẩm văn học quốc ngữ Việt Nam, từ văn viết đến văn nói… Tôi tin rằng ngôn ngữ Việt Nam vẫn còn tồn tại bởi trong ngôn ngữ Việt có sự tiếp nối và gắn sâu liền cuộc sống như sự trưởng thành của cây Bần, cây Đước bám sâu vào đất, trong đó có Tiểu Tử”…

Nhà văn Tiểu Tiểu Tử chia sẻ:
“Tôi xin kể chuyện đời của tôi vừa trải qua 84 năm. Tôi bị bệnh tim, sau đó thay “van” động mạch chủ, phải giải phẫu mổ lòng ngực, cũng may tôi qua khỏi bệnh, rời giường bệnh về nhà. Nhớ lại thuở ấu thơ, tôi bật tiếng cười… khi mình còn nhỏ cha mẹ dìu dắt từng bước một, tập đi chập chững, mỗi bước đi cả nhà đều vui mừng, vỗ tay khuyến khích. Và sau 84 năm, tôi cũng bắt đầu tập đi từng bước một như thời thơ ấu, lần này vợ con tôi dìu dắt tập tôi đi từng bước một, cho đến nay đi khá vững và ngồi được lâu, trong ngày giới thiệu sách Chuyện Thuở Giao Thời. Như vậy tôi đã có hai lần tập đi trong đời, rất lý thú”.

Trong buổi ra mắt sách tuyển tập Những Mảnh Vụn ngày 5 tháng 6 năm 2016 tại Paris. GS Trần Văn Cảnh giới thiệu từng mẩu chuyện trong tác phẩm, trong đó đề cập đến văn phong của Tiểu Tử:
“Tất cả 14 truyện ngắn này đều xoay quanh một đề tài chung là “Nước Việt, Người Việt và Tiếng Việt”…
Tiểu Tử là nhà văn có biệt tài viết truyện ngắn, với nét văn phong độc đáo.
Thứ nhất là dùng từ ngữ bình dân chân thật Miền Nam. Ngôn ngữ bình dân này đã được nhận ra ngay từ các tên đề truyện, cho thấy rõ nét sống động, thực tế, khách quan của hết các truyện ngắn của Tiểu Tử.
Thứ hai là sự giản dị, nhưng đầy đủ của các tình tiết trong truyện kể, khiến người đọc có cảm tưởng rằng những sự kiện thực tế hằng ngày đã được một cái óc phân tích hóa học phân tích ra và thâu thập được hết các yếu tố cần thiết.
Thứ ba là sự tổng hợp minh bạch của cấu trúc mạch lạc rõ ràng dễ hiểu của truyện viết. Độc giả nhận ra đâu đây có một bộ óc tổng hợp vật lý đã theo dõi các biến chuyển rồi thâu nhận, ghi nhớ, xếp đặt, tổng hợp và trình bày ra trong các truyện ngắn được viết.
Thứ tư là cái tâm hồn nhân hậu, nhậy cảm, đầy tình người có giọng văn chân thành, giản dị, gợi cảm làm nhiều độc giả xúc động không cầm được nước mắt…
Nhưng những truyện kể của Tiểu Tử là những truyện thật, viết ra từ chính cuộc sống thực mà ông đã nhìn thấy, nghe được, cảm nhận được…”

Nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên, giáo sư, hội viên Viện Hàn Lâm Viện Khoa Học hải ngoại của Pháp du học Pháp (cùng thời điểm với nhà văn Tiểu Tử), chưa về Việt Nam, chia sẻ cảm nghĩ lý thú khi đọc những bài viết của Tiểu Tử về quê hương trước và sau năm 1975 về tình đời, tình người trong bối cảnh thay đổi chế độ, xã hội và con người.
Với nhà văn Tiểu Tử, trích dẫn đơn cử những nhận xét ghi trên cũng nhận chân được giá trị trong sự nghiệp cầm bút của ông. Mỗi truyện ngắn (tróng có một phần của hồi ký) là một bức tranh mà câu “Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương” trích từ bài Cảm Hoài của danh tướng Đặng Dung (1373-1414), thời nhà Trần. Nguyên câu thơ “Thế sự du du nại lão hà? Vân cẩu chi đồ lão thán đa”. Hình ảnh “bức tranh vân cẩu” gợi lên sự thay đổi, biến hóa con người bị vùi dập cuốn theo dòng đời, không thể chống đỡ, vô thường của cuộc sống và vận mệnh con người, không còn những gì họ trân quý. Sau nầy nhà thơ Ôn như hầu Nguyễn gia Thiều viết: “Lò cừ nung nấu sự đời. Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương”.

* * *

Nay trích 3 bài viết của ông, (theo tôi) tiêu biểu cho truyện ngắn, hồi ký, tùy bút. Tuyển tập Bài Ca Vọng Cổ với bài viết đầu tay khi ở nơi khỉ ho cò gáy tận Phi châu lúc tị nạn sang làm việc nơi đây, (trích):

“Tôi vượt biên một mình rồi định cư ở Pháp. Năm đó tôi mới 49 tuổi, vậy mà đi tìm việc làm, đến đâu người ta cũng chê là tôi già!…

Một người bạn làm việc lâu năm ở Côte d’Ivoire (Phi châu) hay tin tôi đã qua Pháp và vẫn còn thất nghiệp, bèn giới thiệu cho tôi công ty Đường Mía của nhà nước. Không biết anh ta nói thế nào mà họ nhận tôi ngay, còn gửi cho tôi vé máy bay nữa!…

Nơi tôi làm việc tên là Borotou, một cái làng nằm cách thủ đô Abidjan gần 800km! Vùng nầy toàn là rừng là rừng. Không phải rừng rậm rì cây cao chớn chở như ở Việt Nam. Rừng ở đây cây thấp lưa thưa, thấp thấp cỡ mười, mười lăm thước… coi khô khốc. Không có núi non, chỉ có một vài đồi trũng nhưng đồi không cao và trũng, không sâu…

Ở đây, thiên hạ gọi tôi là “le chinois” – thằng Tàu. Suốt ngày, suốt tháng tôi chỉ nói có tiếng Pháp. Cho nên, lâu lâu thèm quá, tôi soi gương rồi… nói chuyện với tôi bằng tiếng Việt, trông giống như thằng khùng! Chưa bao giờ tôi thấy tôi cô đơn bằng những lúc tôi đối diện tôi trong gương như vậy…

Một hôm, sau hơn tám tháng “ở rừng”, tôi được gọi về Abidjan để họp…

Không khí nóng bức. Mấy cái quạt trần quay vù vù, cộng thêm mấy cây quạt đứng xoay qua xoay lại, vậy mà cũng không đủ mát. Thiên hạ ngủ gà ngủ gật, tôi cũng ngã người trên lưng ghế, lim dim…

Trong lúc tôi thiu thiu ngủ thì loáng thoáng nghe có ai ca vọng cổ. Tôi mở mắt nhìn quanh rồi thở dài, nghĩ: “Tại mình nhớ quê hương xứ sở quá nên trong đầu nghe ca như vậy.” Rồi lại nhắm mắt lim dim… Lại nghe vọng cổ nữa. Mà lần nầy nghe rõ câu ngân nga trước khi “xuống hò”:

“Mấy nếp nhà tranh ẩn mình sau hàng tre rũ bóng… đang vươn lên ngọn khói… á… lam… à… chiều….”

Và, câu chuyện tiếp theo khi tác giả gặp người da đen trẻ tuổi Jean… cha gốc Phi phục vụ trong lính Pháp ở Việt Nam và mẹ là người Nha Trang.

“Rồi tôi bỗng nghe một xúc động dâng tràn lên cổ. Thân đã lưu vong, lại “trôi sông lạc chợ” đến cái xứ “khỉ ho cò gáy” nầy mà gặp được một người biết nói tiếng Việt Nam và biết nhận mình là người Việt Nam, dù là một người đen, sao thấy quý vô cùng. Hình ảnh của quê hương như đang ngời lên trước mặt…

Tôi vừa nhả khói thuốc vừa gật đầu. Đó là loại quẹt máy Việt Nam, nho nhỏ, dẹp lép, đầu đít có nét cong cong. Muốn quẹt phải lấy hẳn cái nắp ra chớ nó không dính vào thân ống quẹt bằng một bản lề nhỏ như những quẹt máy ngoại quốc. Hắn cầm ống quẹt, vừa lật qua lật lại vừa nhìn một cách trìu mến:
– Của ông ngoại con cho đó! Ông cho hồi ổng còn sống lận.

Rồi hắn bật cười:
– Hồi đó ông gọi con bằng “Thằng Lọ Nồi”.

Ngừng một chút rồi tiếp:
– Vậy mà ổng thương con lắm à bác!

Hắn đốt điếu thuốc, hít một hơi dài rồi nhả khói ra từ từ. Nhìn cách nhả khói của hắn, tôi biết hắn đang sống lại bằng nhiều kỷ niệm…

Giọng của hắn như nghẹn lại:
– Má con chết rồi. Chết ở Nha Trang hồi năm 1975.
– Còn ba của cháu?
– Ổng hiện ở Paris. Tụi nầy nhờ có dân Tây nên sau 1975 được hồi hương. Con đi quân dịch cho Pháp xong rồi, về đây ở với bà nội. Con sanh ra và lớn lên ở Sài Gòn, về đây, buồn thúi ruột thúi gan luôn!

Tôi nhìn hắn một lúc, cố tìm ra một nét Việt Nam trên con người hắn. Thật tình, hắn không có nét gì lai hết. Hắn lớn con, nước da không đến nỗi đen thùi lùi như phần đông dân chúng ở xứ nầy, nhưng vẫn không có được cái màu cà phê lợt lợt để thấy có chút gì khác. Tóc xoắn sát da đầu, mắt lồi, môi dầy…

Trong khoảnh khắc, tôi xúc động đến quên mất màu da đen của hắn, mà chỉ thấy trước mặt một thanh niên Việt Nam, Việt Nam từ cử chỉ tới lời lẽ nói năng…

Khi hắn buông tôi ra, tôi thấy hai má của hắn ướt nước mắt. Tôi quay đi, lầm lũi bước nhanh nhanh về nhà ga mà nghĩ thương cho “thằng Jean le Vietnamien”. Hồi nãy nó ôm tôi, có lẽ nó đã tưởng tượng như là nó đang ôm lại được một góc trời quê mẹ.

Trên máy bay, tôi miên man nghĩ đến “thằng Jean”, rồi tự hứa sẽ gặp lại nó thường. Để cho nó bớt cô đơn. Và cũng để cho tôi bớt cô đơn nữa!…”

Có lẽ tác giả với nhân vật Jean (hư cấu) cho câu chuyện thêm sinh động, và dù khác màu da nhưng cũng là hình ảnh giữa hai người khi “tha hương ngộ cố tri”.

Chuyện Thuở Giao Thời cũng là tựa đề tác phẩm đề cập đến giai đoạn khi tác giả sống trong nước trong năm 1975 (trích):

“Tháng 3, rồi tháng 4 năm 1975, thiên hạ chạy di tản rần rần từ miền Trung vào trong Nam, rồi từ đất liền “chạy” ra biển, nhốn nháo hỗn loạn chẳng biết “trời trăng” gì hết,… chỉ có một ý nghĩ rõ rệt ở trong đầu là “Ở lại với tụi nó là chết!”. Vậy rồi giai đoạn di tản đó chấm dứt vào ngày 30 tháng 4…

Giữa tháng 4, một thằng bạn gọi điện thoại cho tôi, nói: “Mầy đừng đi di tản. Ở lại đi! Không có sao hết! Tao bảo đảm”. Thằng nầy làm lớn trong “Tổng Nha”, nó nói “chắc như bắp”!

Lại một thằng bạn khác – thằng này người Pháp, làm việc ở sứ quán Pháp – nói trong điện thoại, giọng rất bình thản: “Mầy đừng đi đâu hết! Mọi việc đều đã thoả thuận trước rồi! Yên tâm!”

Riêng tôi, tôi nghĩ: “Mình làm việc cho hãng dầu ngoại quốc trực thuộc hãng quốc tế SIPC (Shell International Petroleum Company – Anh Quốc) chắc không sao!”. Vậy là tôi quyết định ở lại.

Ngày 30 tháng Tư năm 1975! Việt cộng vào “đớp” hết, công tư gì cũng đớp hết, thượng vàng hạ cám gì cũng đớp hết. Họ gọi hành động đó bằng một danh từ nghe cũng… văn chương: “Tiếp Quản”. Không biết hai thằng bạn tôi kể ở trên có… tức hộc máu hay không khi thấy mình bị gạt dễ dàng như con nít? Riêng tôi, tôi thấy như tôi từ trên trời rơi xuống, thấy những gì xưa nay mình học, mình hỏi, mình hiểu biết, mình suy luận v.v… đều sai bét đối với “cái gọi là cách mạng”!

Hãng dầu tôi làm việc bị tiếp thu bởi… “ê-kíp” có bí số K7… Đến kho, tôi được “ông” bộ đội xếp kho cho biết ông tướng là “xếp” cục hậu cần… “Phái đoàn” đi viếng gồm có ông tướng, hai người hộ vệ và xếp kho.

Vì kho dầu không làm việc nên tôi chỉ đưa họ đi… phớt phớt vòng ngoài các khu nhà máy. Tôi có ý đợi họ đặt câu hỏi, nhưng không nghe cha nào nói một tiếng. Sau nầy, tôi mới biết rằng ngoài Bắc không có những gì chúng tôi có ở trong Nam, cho nên họ không biết… khỉ gì để mà hỏi!…

… Tôi “chịu trận” với cái gọi là “cách mạng” hết ba năm. Vượt biên thất bại hết ba lần, qua lần thứ tư đi thoát…”

Đây chính là hồi ký ghi lại thời điểm tác giả được “trưng dụng” với công việc, tuy may mắn hơn nhiều người nhưng không chấp nhận với hiện tại nên bỏ nước vượt biên.

Bài viết Tôi Nằm Gác Tay Lên Trán của tác giả coi như tâm bút vì tâm trạng của ông cũng như nhiều người làm thân tị nan nơi xứ người (trích):

“Nằm một mình trong phòng, tôi gác tay lên trán hồi nào tôi không hay! Một cử chỉ rất tầm thường, ở quê tôi – Việt Nam – thiên hạ hay làm như vậy khi suy nghĩ chuyện gì hay khi gặp khó khăn gì. Và thường thì cử chỉ “gác tay lên trán” đó lâu lâu có kèm theo tiếng thở dài… làm như để trút ra một cái gì đang đè trong lồng ngực…

Tôi bỏ xứ đi chui từ cuối 1978. Bao nhiêu năm “trôi sông lạc chợ” ở nhiều nơi, tôi không thấy ai nằm gác tay lên trán hết! Và tôi cũng quên mất cái cử chỉ tầm thường đó, cho đến hồi nãy đây tôi bắt gặp lại “nó” trong lúc nằm một mình trong phòng. Thì ra “nó” đã theo tôi đi lưu vong, ẩn mình một cách khiêm nhường trong tiềm thức, để bây giờ “nó” cầm cánh tay tôi gác lên trán, tự nhiên như ngày xưa – ba mươi năm trước – khi tôi chưa rời khỏi quê hương…

Kể ra, từ ngày tôi vượt biên rồi định cư ở Pháp, chắc nhờ Ông Bà độ nên cuộc đời lưu vong của tôi đã không bị “ba chìm bảy nổi”. Có… lang bang ba tháng đầu đi tìm việc làm, nhờ tiền trợ cấp của nhà nước nên không đến nỗi te tua, mấy đứa con cũng có chỗ ăn chỗ học. Rồi duyên may đưa tôi qua Phi Châu làm việc hết mười mấy năm, khi về hưu ở Pháp thì con cái đã lập gia đình và “ra riêng” hết. Vợ chồng tôi thâu gọn lại, liệu cơm mà gắp mắm, nên cuộc sống cũng an bày. Lâu lâu chạy lại nhà con giữ cháu nội cháu ngoại, và lâu lâu đi “đổi gió” xa xa gần gần… Tóm lại, cuộc sống về già mà được như vậy là… “có phước rồi còn muốn gì nữa?” Vậy mà hồi nãy tôi đã nằm gác tay lên trán và lâu lâu lại thở dài…

Ờ… mùi quê hương! Có mùi bông lài, bông bưởi, bông cau… Có mùi lúa chín, mùi rơm mùi rạ… Rồi mùi đống un, mùi chuồng trâu, chuồng bò… Rồi mùi bùn non khi nước ròng bỏ bãi, v.v…

Ở xứ người, mình vào ra dễ dàng – dĩ nhiên là đừng… mang dao hay mang bom, mang súng, cũng đừng mang bạch phiến cần sa! – còn mình về xứ mình, mặc dầu trong thông hành có “Giấy Miễn Thị Thực – Certificate Of Visa Exemption” do Đại Sứ Quán VN tại Pháp cấp, mình vẫn gặp khó khăn trắc trở bất ngờ mà mình không bao giờ được biết lý do!…

Tôi trở mình nhìn lên trần nhà, miên man nghĩ về quê hương, hay nói cho rõ hơn, tôi nhớ về cái làng quê của tôi nằm bên sông Vàm Cỏ. Không biết cái “Chợ Nhỏ” bây giờ còn đó hay đã bị “di dời” đi nơi khác, theo… truyền thống đổi đời của cách mạng? (Trong làng chỉ có một cái chợ, vậy mà thiên hạ gọi là Chợ Nhỏ, làm như còn một cái chợ nào khác lớn hơn vậy!) Còn “Ngã Ba Cây Trôm” nằm trên con lộ cái, chỗ có bãi đất trống để xe đò tấp vô rước khách, chỗ có cây trôm mà dân trong làng hay đem dao đến chém vào thân cây để lấy mủ đem về pha nước đường uống giải khát giải nhiệt… không biết có nằm trong một “quy hoạch cải cách đô thị có trình độ khoa học cao” của nhà nước?

Còn cái đình làng, bây giờ đã thành một cơ quan gì chưa? Cái bến cát nằm dài theo ven sông, chỗ mà ngày xưa – thuở nhỏ – tụi tôi kéo nhau một lũ cởi truồng tắm giỡn đùng đùng… bây giờ vẫn còn là bến cát hay đã bị chiếm dụng để mấy “ông lớn” xây dinh thự với tường rào kiên cố và nhà thủy tạ có cầu tàu nằm trườn ra sông ngạo nghễ?

Cái lò đường trong Xóm Mới, vào mùa mía chạy che ép mía ngày đêm nghe trèo trẹo, nấu đường làm mùi thơm ngọt lịm bay trùm cả xóm… bây giờ còn là “Lò Đường Ông Út K” hay đã… biến thành “Nhà Máy Đường của nhà nước”? Trường tiểu học mà thời tôi còn đi học, ông đốc H cho gắn trên trụ cổng tấm bảng “Cấm Trâu Bò Vào Trường” vì mấy ông chủ bò hay thả bò vào ăn cỏ dọc hàng rào bông bụp… bây giờ đã thành… cái gì rồi? Và nghĩa địa của làng, thường gọi là “gò đồng mả”, nằm một bên con đường đất đỏ dẫn vào Xóm Trong, cái gò đó – cả trăm năm – là nơi an nghỉ cuối cùng của dân trong làng, không phân biệt lớn nhỏ giàu nghèo… vẫn còn đó hay đã nhường chỗ cho những “Công Trình Văn Hóa Phục Vụ Nhân Dân”?…

… Nhớ đến đó, tự nhiên tôi thở dài… Rồi tự nhiên tôi gác tay lên trán… Tôi vẫn nhìn lên trần nhà: trần nhà trắng phau, ở đó không hiện lên được một nét nào của quê hương tôi hết. Rồi tôi nghĩ: nếu tôi có trở lại VN, có “được phép” đặt chân lên vùng đất mẹ, chắc chắn tôi sẽ không tìm lại được những hình ảnh cũ. Bởi vì quê hương tôi đã bị “họ” bôi xóa trắng như trần nhà tôi đang nhìn, để thay vào đó một cái gì không ra một cái gì hết, mang nhãn hiệu “Dân giàu nước mạnh xã hội công bằng dân chủ văn minh”, nghe mà… điếc con ráy!

Bây giờ, tôi hiểu tại sao tôi đã nằm gác tay lên trán mà thở dài…”

Với hình ảnh thân mẫu, ông viết:

“Tôi biết: Má tôi là cây cau già – quá già, quá cỗi – nhưng vẫn cố bám lấy đất, chỉ vì trên thân cây còn mấy dây trầu… Hình ảnh đó bỗng làm tôi ứa nước mắt. Thương má tôi và nhớ cả quê hương.

Cái quê hương tuyệt đẹp của tôi, mà Việt Cộng đã cướp mất. Cái quê hương mà trên đó tôi không còn quyền sống như ý mình muốn, phát biểu những gì mình nghĩ, ca tụng những gì mình thích. Ở đó, ở quê hương tôi, tôi còn bà mẹ già, bà mẹ tám mươi đã cắt ruột đuổi con đi, bỏ quê hương mà đi, để bà còn chút gì hy vọng sống thêm vài ba năm nữa! Bây giờ, vợ con tôi cũng đã đi hết. Má tôi còn lại một mình. Thân cây cau giờ đã nhẵn dây trầu, thêm tuổi đời một nắng hai mưa. Tôi biết! Má ơi! Con biết: Cây cau già bây giờ đang nhớ thắt thẻo mấy dây trầu non…”

Theo nhà báo Từ Thức:

“Ngay cả tên những nhân vật cũng đặc miền Nam, không có Lan, Cúc, Hồ Điệp, Giáng Hương như trong tiểu thuyết miền Bắc, không có Nga My, Diễm My, Công Tằng Tôn Nữ như Huế, chỉ có những con Huê, con Nhàn, con Lúa, thằng Rớt, thầy Năm Chén, thằng Lượm, bà Năm Chiên, bà Năm Cháo lòng. Các địa danh cũng đặc Nam Kỳ, không có Cổ Ngư, Vỹ Dạ, Thăng Long, chỉ có những Nhơn Hòa, Cồn Cỏ, Bò Keo, Bình Quới, những tên, những địa danh rất ‘miệt vườn’, chỉ đọc cũng đã thấy dễ thương, lạ tai, ngồ ngộ. Âm thanh như một câu vọng cổ ai ca bên bờ rạch…

Truyện ngắn Tiểu Tử, với lối hành văn bình dị, linh động là một cuốn tự điển sống của ngôn ngữ miền Nam thời chưa loạn. Đó là kho tàng quý; trong khi ở hải ngoại, chữ Việt càng ngày càng lai Tây, lai Mỹ; trong nước càng ngày càng lai Tầu, với những chữ, những lối nói ngớ ngẩn, đôi khi kỳ quái, khiến tiếng Việt không còn là tiếng Việt, báo hiệu một ngày người Việt không còn là người Việt. Và, từ đó, nước Việt không còn là nước Việt”.

Ông Vương Văn Ký, người cùng sanh trưởng tại quận Gò Dầu với Tiểu Tử, đã viết tặng ông câu đối, như sau:

“Cố quốc đậm đà tình Tiểu Tử
Trời tây thắm thía điệu Hoài Nam”

* * *

Tên gọi văn chương Nam Bộ, văn chương Nam Kỳ Lục Tỉnh ở trong nước bị phôi phai theo thời gian. Nay gọi là văn chương miệt vườn và bị lạm dụng thái quá, trong sinh hoạt, điều gì xảy ra cũng gọi là miệt vườn! Như vậy nơi thành phố, cao nguyên, miền rừng núi… nếu có nơi đó sáng tác, viết văn sẽ gọi là gì, chẳng lẽ gọi văn chương thị thành, văn chương cao nguyên, văn chương rừng núi? Ngộ quá ta!

Nhà văn Tiểu Tử chưa khoác áo lính nhưng ông viết vinh danh người lính VNCH, trong đó với chân dung người lính VNCH sau những năm tháng chiến đấu nhưng bất hạnh khi tàn cuộc chiến, trở về quá bi thương với sự mất mát cả về tinh thần lẫn thể chất… Sau năm 1975 sống lầm than khổ cực bị đọa đày trong các trại tù. Trải qua một thời binh nghiệp phải cam chịu bao đắng cay, bất hạnh… tuy nhiên vẫn kiên cường giữ vững lý tưởng của mình, cố gắng tồn tại trong xã hội đối nghịch với cuộc sống.

Truyện ngắn Ngụy với lối viết dí dỏm, ví von:

“Sau tháng Tư 1975, tiếng “ngụy” đã theo gót… dép râu, quân nón cối và quân mũ tai bèo vào Nam làm cách mạng…

Thành ra nhân dân miền Nam hiểu tiếng “ngụy” một cách rất… tự do, và sử dụng tiếng “ngụy” rất… rộng rãi. Thôi thì cái gì của miền Nam cũng đều biến thành “ngụy” ráo… Thằng ngụy, vợ ngụy, con ngụy, lính ngụy, chánh quyền ngụy, cơ sở ngụy, xí nghiệp ngụy, công nhân ngụy, “hàm-bà-lằng” ngụy… Và người ta nghĩ một cách rất đơn giản, rất thật thà: “Hễ thấy không có đóng con dấu ngôi sao đỏ thì cứ xếp vào đồ ngụy, là ăn chắc!”…

Và đoạn kết:

“Mấy năm sau, ông H vẫn “còn được cải tạo”, bà H lâu lâu vẫn lặn lội đi thăm nuôi chồng, hai thằng con lớn vượt biên rồi định cư ở Úc, đứa con gái lấy chồng đánh cá ở Minh Hải, thằng con út cặp với con bạn cùng xóm mở quán cà phê vỉa hè cạnh hàng cháo của bà Năm. Còn bà Năm vẫn bán cháo lòng, lâu lâu vẫn chửi thằng con mà giống như bà chửi Nhà Nước!…”

Thân phụ nhà văn Tiểu Tử dạy ở trường trung học Pétrus Trương Vĩnh Ký, ông xuất thân cũng ở trường nầy, du học Pháp nhưng không ảnh hưởng chút nào về văn hóa Pháp và sống ở hải ngoại lâu năm hơn quê nhà, nhất là nơi cố hương thời trẻ nhưng khi viết văn gìn giữ hồn quê Tây Ninh, ngôn ngữ văn chương của thời xa xưa như các tác giả đã đề cập ở trên làm sống lại một thời trong dĩ vãng.

Little Saigon, October 2024

Vương Trùng Dương

Theo https://vietbao.com ngày 3/10/2024

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*