Nữ Sĩ Quỳnh Dao
(20 tháng 4 năm 1938 – 4 tháng 12 năm 2024)
Đài Bắc, Đài Loan – Hôm Thứ Tư, 11 Tháng Mười Hai, nữ văn sĩ Quỳnh Dao, tác giả của những tiểu thuyết ngôn tình, đã được an táng trên núi Dương Minh Sơn, Đài Bắc, theo tờ TVBS của Đài Loan đưa tin.
Nữ văn sĩ Quỳnh Dao. (Hình: CNA/AFP via Getty Images)
Trước đó, vào chiều 4 Tháng Mười Hai, nhà văn Quỳnh Dao đã chọn cách từ bỏ 86 năm bà ở trọ trần gian và những năm tháng dài chống chọi với bạo bệnh.
Video cuối cùng của bà xuất hiện trên danh khoản Facebook có tên “Chiung Yao” sau khi cái chết được loan báo. Nữ văn sĩ trong bộ trang phục màu đỏ rực rỡ, nhìn thẳng vào máy quay, gương mặt bình thản, mỉm cười, từ tốn nói: “Ngày này cuối cùng cũng đến… Cuộc sống không thể tốt hơn.”
Đối với những ai yêu thương nhà văn Quỳnh Dao, thường dõi theo cuộc đời và công việc của bà, dù đau buồn nhưng sẽ không bàng hoàng trước tin bà chủ động từ giã cõi tạm. Vì bảy năm trước, bà đã từng gửi một lá thư cho con trai và con dâu, đăng tải rộng rãi trên Facebook, bày tỏ nguyện vọng một ngày nào đó được ra đi theo cách bà mong muốn.
Nhà văn đã gọi lá thư này là “lá thư quan trọng nhất” trong cuộc đời bà: “Chuẩn bị cho cuộc chia tay tốt đẹp.”
“Tôi đã 79 tuổi, năm sau tôi sẽ 80 tuổi. Trong cuộc đời dài này, tôi đã không tiến thêm một bước nào vì chiến tranh, đói nghèo, tai nạn, thiên tai và thảm họa do con người gây ra, bệnh tật và đau đớn… Sống đến tuổi này đã là một phước lành của đất trời. Vì vậy, từ bây giờ, tôi sẽ cười khi nghĩ đến cái chết. Lời khuyên của tôi như sau:
Bất kể tôi mắc bệnh gì, điều quan trọng nhất là hãy để tôi chết nhanh mà không cần làm đại giải phẫu. Hãy để tôi làm chủ khi tôi có thể quyết định. Trong trường hợp tôi không thể làm chủ, hãy làm theo lời tôi!
Đừng đưa tôi vào ‘phòng chăm sóc đặc biệt.’
Trong mọi trường hợp, đừng đưa ‘ống thông mũi dạ dày’ vào cơ thể tôi! Bởi vì nếu tôi mất khả năng nuốt, tôi cũng sẽ mất đi niềm vui ăn uống. Tôi không muốn sống như vậy!
Tôi không cần ‘các biện pháp sơ cứu.’ Giúp tôi không chết trong dịu êm có ý nghĩa hơn nhiều với việc khiến tôi sống trong đau đớn về mọi mặt! Đừng bị nhầm lẫn bởi huyền thoại về ‘sự sống và cái chết!’”
Trong suốt bảy năm sau đó, đúng như điều mong mỏi trong lá thư, bà từ chối mọi cuộc giải phẫu lớn nhỏ, chăm sóc đặc biệt và đặt nội khí quản, bất kể sức khỏe của bà ra sao. Nỗi sợ lớn nhất, hãi hùng nhất của nữ văn sĩ không phải là cái chết mà là viễn cảnh mất trí nhớ, mất khả năng tự sinh hoạt – như những năm cuối đời mà người chồng thứ hai của bà, ông Ping Hsin-tao, đã gặp phải.
Một ngày đầu Tháng Mười Hai, thế giới nhận được lá thư thứ hai của nhà văn:
“Bạn bè thân mến và những người thân yêu,
Đừng khóc, đừng buồn, đừng thương hại tôi. Tôi đã ‘bay đi’ rồi!
‘Bay đi’ là cụm từ tôi thích nhất, vì nó đại diện cho sự độc lập, thảnh thơi và bay bổng – duyên dáng và nhẹ nhàng. Tôi đã trút bỏ cơ thể đang ngày càng hành hạ tôi, và trong sự tao nhã vô ngần, tôi đã biến thành một bông tuyết và bay đi…”
Theo một nghĩa nào đó, quyết định “bay đi” của nhà văn Quỳnh Dao là sự phản ảnh triết lý sống sâu sắc của bà. Sự sống và cách sống mãnh liệt không chỉ hiển hiện trong tác phẩm của Quỳnh Dao, mà bà đã thật sự sống theo cách đó. Bà chỉ ra vẻ đẹp của cuộc sống ở khả năng yêu, ghét, cười, khóc, hát, nói, chạy, di chuyển, tìm bạn đồng hành trong thế giới trần tục, và sống tự do và không bị ức chế.
Nhà văn Quỳnh Dao, tác giả của những tiểu thuyết nổi tiếng như: “Hải Âu Phi Xứ,” “Dòng Sông Ly Biệt,” “Hoàn Châu Cách Cách,” “Một Thoáng Mộng Mơ”… Theo một dữ liệu do nhà báo Wu Haiyun trích dẫn trên tờ Sixth Tone: “Vào năm 1986, bạn không thể bước vào một hiệu sách ở Bắc Kinh mà không nhìn thấy những tác phẩm của Quỳnh Dao. Cùng năm đó, những cuốn sách của bà đã trở thành những loạt bài chính trên tạp chí học thuật uy tín của Trung Quốc là ‘Exploration and Debate.’”
Ngoài ra, rất nhiều những áng văn của bà đã được chuyển thể thành phim, những thiên tình sử, diễm lệ và bi ai. Tác phẩm của bà là tuổi trẻ, là hoài niệm của nhiều người Á Đông, từ những câu thoại sướt mướt cho đến những kết thúc lâm ly. “Tiểu thuyết Quỳnh Dao” đã trở thành một danh từ chung cho một thời đại đã qua, một thời đại dám yêu, dám sống, và dám từ bỏ giữa một xã hội phong kiến bảo thủ.
Nữ văn sĩ Quỳnh Dao được an táng trên núi Dương Minh Sơn, Đài Bắc, Đài Loan, hôm Thứ Tư, 11 Tháng Mười Hai. (Hình: Facebook Chiung Yao)
Cuộc đời của các nhân vật trong tác phẩm và cả đời thực của nhà văn Quỳnh Dao như một ngọn lửa. Đó là những ngọn lửa cháy đến giây phút cuối cùng của cuộc lữ hành.
“Tôi đang viết bức thư này với suy nghĩ tích cực. Tôi sẽ cố gắng hết sức để bảo vệ bản thân, sống tốt và bùng cháy như một tia lửa. Mặc dù tia lửa sẽ ngày càng nhỏ dần theo tuổi tác, nhưng tôi vẫn sẽ cháy cho đến khi nó tắt hẳn,” bà đã viết trong lá thư như thế.
Trong hầu hết tiểu thuyết của nữ văn sĩ Quỳnh Dao, những hỉ, nộ, ái ố đều đến tự nhiên, và ra đi mặc định. Bà cho nhân vật của mình đối diện với những đau khổ an nhiên như hạnh phúc. Tất cả đều là sự an bài. Không ngạc nhiên khi bà viết trong lá thư thứ nhất rằng: “Đừng buồn. Hãy vui mừng cho tôi! Cuối cùng tôi cũng hoàn thành hành trình khó khăn này! Hãy loại trừ nỗi đau mà tôi có thể phải chịu trước khi chết. Chủ nghĩa vô thần cũng giống như một tôn giáo. Đừng chế ngự tôi bằng các tôn giáo khác.”
Đối với bà, những thảm kịch trong cuộc sống như thiên tai, chiến tranh, bệnh tật, tai nạn… nên tránh càng nhiều càng tốt. “Nếu không thể tránh được, thì chúng là những bất hạnh lớn nhất của người sống và người chết! (Đây là lý do tại sao tôi không tin vào Chúa, vì loại bất hạnh này xảy ra liên tục),” bà viết trong lá thư thứ nhất.
Cái chết đối với bà là một điều hiển nhiên như lẽ sống. Có sinh, có tử. Do đó bà đã tha thiết gửi đến thế giới này lời nhắn nhủ:
“Tôi là một ‘đốm lửa,’ và tôi đã cháy sáng rực rỡ khi tôi có thể. Bây giờ, khi ngọn lửa sắp tắt, tôi chọn cách rời đi theo cách này – bay đi. Mọi thứ tôi muốn nói đã được ghi lại trong video ‘When Snowflakes Fall’ (Khi những bông tuyết rơi) của tôi. Tôi hy vọng bạn bè tôi sẽ xem nó thêm vài lần nữa để hiểu mọi thứ tôi muốn bày tỏ.”
“Các bạn thân mến, đừng buồn vì ‘cái chết’ của tôi, mà hãy vui mừng cho tôi! Cuộc sống đẹp ở khả năng ‘yêu, ghét, cười, khóc, hát, nói, chạy, di chuyển, đi khắp thế gian với bạn bè, sống tự do, nhã nhặn, căm ghét cái ác bằng một xúc cảm nồng nàn, và sống táo bạo đầy nhiệt huyết.’ Tôi đã có tất cả những điều này trong cuộc đời mình. Tôi đã ‘sống’ và không thất bại trong cuộc đời này,” bà viết.
Ở sân ga cuối của cuộc đời, nhà văn Quỳnh Dao được chọn để “chết” đúng như ước nguyện, như một bông hoa tuyết khi rơi xuống mặt đất. “Khi con người chết đi, sẽ giống như một bông tuyết, trôi nổi trên mặt đất rồi tan thành cát bụi. Hãy để tôi đạt được mong muốn của mình, chết như những bông tuyết,” bà viết.
Khi trở thành bông tuyết, mong mỏi cuối cùng của Quỳnh Dao là “đến lúc đó, nhân loại sẽ tìm ra những cách nhân đạo hơn để giúp những người ‘già’ rời khỏi thế giới này một cách vui vẻ.”
“Các bạn thân mến, hãy can đảm, hãy là chính mình và đừng thất bại trong hành trình của bạn trên thế giới này! Mặc dù cuộc sống không hoàn hảo, có nhiều niềm vui, nỗi buồn và cảm xúc bất ngờ, nhưng đừng bỏ lỡ những khoảnh khắc tuyệt vời vốn dĩ thuộc về bạn.”
Một ước muốn sau cùng vẫn rất Quỳnh Dao, đậm chất bao dung và dịu dàng.
Kalynh Ngô
Theo Người Việt online ngày 12/12/2024
Liên lạc tác giả: ngo.kalynh@nguoi-viet.com
* * *
Di Thư Của Nữ Sĩ Quỳnh Dao:
“Các bạn và bằng hữu tâm tình thân mến,
Đừng khóc, đừng buồn, đừng thương hại tôi. Tôi đã đi rồi. “Phiên nhiên” là từ yêu thích của tôi. Nó có nghĩa là bay lượn đầy tự do và thoải mái. Tôi thoát khỏi cơ thể đang dần đau đớn hơn và “phiên nhiên” biến thành những bông tuyết bay đi.
Đây chính là tâm nguyện của tôi. Cái chết là con đường duy nhất cho tất cả mọi người, cũng là công việc lớn cuối cùng phải hoàn thành. Tôi không muốn phó mặc đời mình cho số phận, cũng không muốn ngày càng héo mòn. Tôi muốn mình được tự đưa ra quyết định cho sự kiện cuối cùng này.
Thiết kế của Thượng đế cho quá trình sống không tốt lắm. Khi con người già đi, họ phải qua giai đoạn rất đau đớn là suy nhược, thoái hóa, bệnh tật, đi bệnh viện, chữa trị và chết đi. Chắc chắn sẽ chết già. Nếu không may thì các bạn sẽ trở thành cụ già nằm liệt giường, phải nhờ đến đặt nội khí quản để duy trì sự sống. Tôi đã chứng kiến bi kịch đó và không muốn chết theo kiểu đó.
Tôi là ngọn lửa và tôi đã đốt cháy hết sức lực của mình. Bây giờ, trước khi ngọn lửa bị dập tắt, tôi chọn con đường này để về nhà một cách duyên dáng. Những điều tôi muốn nói đều được ghi lại trong video Khi Bông Tuyết Rơi. Tôi mong các bạn của tôi sẽ xem video nhiều lần và hiểu được điều tôi muốn bày tỏ.
Các bạn ơi, đừng tiếc thương cho cái chết mà hãy mỉm cười với tôi nhé. Vẻ đẹp của cuộc sống nằm ở chỗ có thể yêu, ghét, cười, khóc, hát, nói, chạy, di chuyển, hòa nhập với thế giới phàm trần, sống một cuộc sống vô tư, ghét cái ác nhiều như hận thù, sống một cách mạnh mẽ… Những thứ này, tôi đã sở hữu tất cả chúng trong đời! Tôi đã sống và chưa bao giờ để cuộc đời này làm thất vọng!
Thứ tôi không thể buông bỏ nhất chính là gia đình và các bạn. Tình yêu đã buộc chặt vào trái tim tôi và họ là người tôi sẽ nhớ nhất. Để linh hồn tôi (không biết con người có linh hồn hay không) có thể bay đi, hãy cười với tôi, hát cho tôi, nhảy nữa nhé! Linh hồn tôi trên thiên đường sẽ nhảy múa cùng mọi người.
Tạm biệt! Người yêu dấu của tôi! Tôi rất vui vì đã gặp và quen biết tất cả các bạn trong cuộc đời này.
Lưu ý rằng cách tôi chết được thực hiện vào cuối đời. Các bạn trẻ ơi, đừng dễ dàng từ bỏ cuộc đời. Thất bại nhất thời có thể chỉ là cơn giận của một cuộc đời tươi đẹp. Tôi mong các bạn có thể vượt qua thử thách và sống đến 60, 70, 80 tuổi như tôi. Khi không còn sức mạnh thể chất nữa mới chọn cách đối mặt với cái chết. Mong rằng đến lúc đó con người sẽ tìm ra cách thật nhân văn để giúp đỡ những người già ra đi vui vẻ.
Các bạn ơi, hãy dũng cảm lên, sống với “cái tôi” mạnh mẽ, xứng đáng với chuyến hành trình trong thế giới này! Thế giới này tuy không hoàn hảo nhưng cũng có đủ loại niềm vui, nỗi buồn và sự bất ngờ! Đừng bỏ lỡ những điều tuyệt vời thuộc về bạn!
Có quá nhiều điều để nói.
Cuối cùng, tôi chúc các bạn sức khỏe, hạnh phúc và sống một cuộc đời vô tư, không gò bó!”
Be the first to comment