Bà Hoàng Nguyễn, nữ dân biểu gốc Việt đầu tiên của Quốc Hội Utah. (Hình: Hoàng Nguyễn cung cấp)
SALT LAKE CITY, Utah – Bà Hoàng Nguyễn, con của một gia đình tị nạn, là người Mỹ gốc Việt đầu tiên được bầu vào Quốc Hội tiểu bang Utah, đại diện cho Quận 23 tại Hạ Viện tiểu bang, với chiến thắng vang dội 71% số phiếu.
Bà không sinh trưởng trong một gia đình chính trị truyền thống nên chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ có một thời điểm trong cuộc đời mình, bà rẽ bước trở thành một chính khách. Bà và gia đình là chủ nhiều lĩnh vực kinh doanh thuận lợi như nhà hàng, quán bar, tiệm bánh, công ty sản xuất cần sa dùng trong y tế.
Vì một cộng đồng đa sắc tộc
Chia sẻ với phóng viên nhật báo Người Việt, từ Utah, Dân Biểu Hoàng Nguyễn nói: “Tranh cử và đắc cử không phải là một công việc kiếm tiền. Tôi không làm điều này vì quyền lợi hay lợi ích của cơ sở thương mại của tôi. Tôi có kinh nghiệm là một chủ doanh nghiệp, tôi sẽ bảo vệ các chính sách kinh tế một cách hợp lý hơn.”
“Suốt 4, 5 năm làm kinh doanh, tôi thấy người phụ nữ không hiện diện nhiều (trong chính trường.) Tiểu bang không có các tiếng nói đa dạng. Phần lớn các nhà lập pháp ở Utah không đại diện cho các giá trị khác nhau, các dân tộc khác nhau, các trải nghiệm sống khác nhau mà chúng ta có ở Utah,” bà nói.
Bà nhấn mạnh thêm lý do chính để bà rời khỏi doanh nghiệp gia đình bước vào cuộc tranh cử vì không có nhiều những nhà lập pháp xuất thân từ những người di dân, tị nạn như bà.
“Khi tôi nhìn thấy cơ hội tranh cử ở cấp độ tiểu bang và thực sự ảnh hưởng đến chính sách, tôi biết sẽ giúp ích cho tất cả các cộng đồng khác nhau. Đó là điều quan trọng đối với tôi,” Dân Biểu Hoàng Nguyễn nói. “Chúng tôi lớn lên ở Salt Lake, ở phía Tây Salt Lake, nơi tập trung những cộng đồng đa sắc tộc, nghèo hơn, nhiều thử thách hơn về kinh tế.”
Trong cuộc bầu cử sơ bộ, đối thủ của nữ dân biểu gốc Việt là ông Jeff Howell, đảng Dân Chủ, một người đàn ông da trắng, chiếm ưu thế hơn bà, vì cha của ông ấy là một cựu thượng nghị sĩ.
“Còn tôi, tất cả những gì tôi đạt được là nhờ vượt qua những khó khăn từ xuất thân của mình, một người tị nạn lớn lên trong cảnh nghèo khó với gia đình đông con với mẹ đơn thân. Tôi đã vượt qua mọi thử thách đó, và giờ đây, tôi đã tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn người dân Utah, đóng góp rất nhiều cho cộng đồng, không chỉ là doanh thu thuế cho tiểu bang mà còn qua các dịch vụ tại những hội đồng quản trị mà tôi đã tham gia,” bà Hoàng nói.
“Trong suốt chiến dịch tranh cử, tôi thường nghe người ta nói rằng: ‘Chúng ta thật may mắn khi có hai ứng viên xuất sắc.’ Nhưng khi bạn so sánh những gì tôi đã làm được với đối thủ của tôi trong vòng sơ bộ, hồ sơ của chúng tôi không hề tương xứng. Danh sách những đóng góp của tôi cho cộng đồng nhiều hơn so với ông ấy, không thể so sánh được,” bà cho hay.
Điều bà muốn nói, có một sự không công bằng khi so sánh hai ứng cử viên, một người da trắng con trai của cựu thượng nghị sĩ và một phụ nữ gốc Việt con của một gia đình tị nạn.
“Điều này không có nghĩa là ông ấy không làm việc chăm chỉ. Ông ấy đã làm, và tôi cũng vậy. Nhưng tôi đã cố gắng hơn nhiều và vượt qua những định kiến,” bà tâm sự.
Cộng đồng nơi bà Hoàng Nguyễn sinh sống 20 năm qua là một thành phố chủ yếu là người da trắng, giàu có, trình độ học vấn cao. Người gốc Á, trong đó cả gốc Việt, chiếm chưa đến 5% dân số. Khi tranh cử, điều mà người phụ nữ này mong muốn là xây dựng những chính sách ảnh hưởng đến tất cả người dân của tiểu bang Utah.
“Tôi nói rất rõ trong chiến dịch vận động tranh cử, đó là tôi lớn lên ở bờ Tây Utah. Tôi sẽ làm việc chăm chỉ để đại diện cho những giá trị mà chúng ta chia sẻ và những điều chúng ta ưu tiên trong cộng đồng của mình. Lúc đó, tôi nhớ đến nguồn gốc của mình. Tôi nhớ mẹ tôi đã khó khăn như thế nào có thể kiếm sống và vì sao tôi muốn vận động tranh cử dựa trên những vấn đề quan trọng đó. Tôi tin rằng sẽ dẫn đến một cộng đồng tốt đẹp hơn, thành công hơn, thịnh vượng hơn khi giáo dục công được tài trợ hợp lý,” bà nói.
Gia đình nhỏ của Dân Biểu Hoàng Nguyễn. (Hình: Hoàng Nguyễn cung cấp)
Chính sách, khó khăn và thách thức
Khi được hỏi, chính sách quan trọng nhất mà bà sẽ tập trung để phát triển sức mạnh cộng đồng gốc Á ở Utah là gì, nữ dân biểu trả lời: “Tôi nghĩ điều lớn nhất là điều có hiệu quả với bất kỳ dân tộc nào. Con em chúng ta hiện đang phải vật lộn sau đại dịch COVID-19. Chúng ta cần chuẩn bị cho con em mình những công việc trong tương lai. Mọi thứ đang thay đổi. Utah hiện tại có cái gọi là Thung Lũng Silicon, nơi có rất nhiều công ty công nghệ đã đến và đặt trụ sở chính, bởi vì Utah nhiều ưu đãi để thu hút các công ty công nghệ đó.”
Nữ dân biểu Hoàng Nguyễn sẽ bước vào nhiệm kỳ hai năm ở Hạ Viện tiểu bang với tư cách là một đảng viên Dân Chủ.
“Đó là nhóm thiểu số,” bà nói. “Đảng Cộng Hòa chiếm đa số, điều đó có nghĩa là bất kỳ chính sách nào chúng ta đưa ra, bỏ phiếu, trừ phi có sự ủng hộ của lưỡng đảng, các dự luật của đảng Dân Chủ sẽ không được thông qua. Tất cả đều là không khí chính trị và thời điểm.”
Một trong những chính sách bà nhấn mạnh trong lúc tranh cử là quyền sinh đẻ của người phụ nữ – vấn đề gây tranh cãi trong cuộc bầu cử liên bang và bầu cử tổng thống. Là một dân biểu đảng Dân Chủ, bà ủng hộ quyền quyết định của người phụ nữ.
“Tôi sống ở Salt Lake City, thủ phủ của Utah, là một nơi rất tiến bộ. Vì vậy, tôi được tổ chức Planned Parenthood – một tổ chức bảo vệ phụ nữ của Utah hỗ trợ. Khi nói về quyền phá thai chính là nói đến quyền tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ. Và chúng ta đã thấy trên khắp cả nước, từ khi luật Roe v. Wade bị lật ngược, nhiều phụ nữ đã chết vì họ không nhận được phương pháp điều trị y tế đúng lúc vì các bác sĩ sợ phạm luật,” bà giải thích.
“May mắn ở Utah, phụ nữ trong tiểu bang vẫn có thể tiếp cận dịch vụ chăm sóc sinh sản. Tôi nghĩ rằng những gì chúng ta sẽ tiếp tục thúc đẩy thông điệp về sự lựa chọn. Người dân Utah có cách suy nghĩ rất độc lập,” bà nói thêm.
Bà cho biết trong chặng đường không dài hai năm tới, công việc của bà là “tiến về phía trước.” Bước đầu tiên, bà sẽ lắng nghe, quan sát, học hỏi và xây dựng các mối quan hệ ở khắp nơi. Chiến lược của bà là “nói chuyện với mọi người càng nhiều càng tốt, thuyết phục họ lý do vì sao phải thông qua một dự luật.”
“Một chính sách tốt không quan trọng đó là Cộng Hòa hay Dân Chủ điều hành dự luật, mà đó là một chính sách tốt và hữu ích. Bất kể dự luật nào, nó có làm cho kinh tế tốt không? Có dành cho giáo dục không? Có dành cho môi trường không? Có dành cho năng lượng không? Năng lượng hay tiện ích?” bà Hoàng Nguyễn giải thích rõ quan điểm.
Với 4, 5 năm kinh nghiệm của một người điều hành cơ sở thương mại, bà đã học được: “Khi bạn đặt quá nhiều cảm xúc vào một điều gì đó, nó sẽ bị phản tác dụng. Nó sẽ mất đi. Nếu có lý do chính đáng và bạn thực sự đam mê thì hãy đưa ra lập luận để tôi chứng minh tại sao lại có lợi ích cho cộng đồng, tại sao điều đó không chỉ ảnh hưởng đến bạn, điều đó tốt cho bạn mà còn tốt cho cả những người khác nữa.”
Đại gia đình của Dân Biểu Hoàng Nguyễn. (Hình: Hoàng Nguyễn cung cấp)
“Chúng ta là người tị nạn”
Khi đề nghị kể lại một chương đặc biệt, ấn tượng nhất trong cuộc đời, để dẫn đến một Dân Biểu Hoàng Nguyễn của ngày hôm nay, bà nói: “Tôi lớn lên trong một gia đình tị nạn, giai đoạn đáng nhớ nhất là khi cha tôi mất. Tôi là con kế út. Khi cha mất tôi chỉ mới 5 tuổi. Mẹ của tôi đơn thân nuôi dạy bảy chị em tôi, làm tất cả để chúng tôi không bị lạc lối, luôn kề cận bên nhau, giúp đỡ nhau và giúp đỡ gia đình, luôn lấy giá trị gia đình làm ưu tiên hàng đầu. Thời gian đó, tôi nghĩ là một chương đặc biệt của tôi.”
Kể thêm về gia đình, bà Hoàng nói cha mẹ bà đi vượt biên năm 1982. Khi đó mẹ bà đang mang thai, và bà được sinh ra ở Hồng Kông. Đến năm 1983, bà 1 tuổi, cả nhà định cư ở Hoa Kỳ. Cho đến nay, bà chỉ nói tiếng Việt với mẹ của mình vì: “Người khác nói tôi nói tiếng Việt khó nghe quá.”
“Tôi muốn chúng ta đừng bao giờ quên dòng máu trong người mình là dòng máu gốc Việt. Rất nhiều người đã hy sinh cho chúng ta có ngày hôm nay. Chúng ta không quên nguồn gốc và không quên đền đáp,” bà nhấn mạnh.
Chính vì thế, trong chiến dịch tranh cử, bà Hoàng Nguyễn tiếp cận nhiều gia đình lao động. Bà cảm thấy từ kinh nghiệm của mình, đó là những gì bà đã được trao tặng.
“Để có thể đạt được những gì chúng ta đang có hiện nay, đó là những chính sách phù hợp, thông qua giáo dục công mà chúng ta dựa vào để có thể làm được như bây giờ vì chúng ta đã từng nhận tem phiếu thực phẩm, chúng ta đã từng nhận nhà ở, chúng ta đã từng nhận phúc lợi, Medicaid. Chúng ta phải có những chính sách giúp lại người sau,” Dân Biểu Hoàng Nguyễn nói.
Kalynh Ngô
Theo Người Việt online ngày 7/12/2024
Liên lạc tác giả: ngo.kalynh@nguoi-viet.com
Be the first to comment