Người dân ăn mừng sự sụp đổ của Bachar Al Assad ở Manbij, Syria, ngày 08/12/2024. (Nguồn hình ảnh: AP – Ugur Yildirim)
Ban chỉ huy quân đội Syria thông báo rằng chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad đã chấm dứt sau đợt tấn công thần tốc của lực lượng nổi dậy, một sĩ quan Syria được thông báo về việc này nói với Reuters.
Chiều 8/12, Bộ Ngoại giao Nga thông báo Tổng thống Bashar al-Assad đã ra nước ngoài.
Trước đó, quân nổi dậy Syria tuyên bố “Damascus đã thoát khỏi Assad”.
Hàng ngàn người, đi xe ô tô và đi bộ, đã tới tập trung tại một quảng trường lớn ở Damascus, vẫy tay và hô vang “Tự do”, Reuters dẫn thông tin từ những người chứng kiến sự việc cho biết.
Trước đó, lực lượng nổi dậy Syria cho biết họ tiến vào thủ đô nước này mà không vấp phải sự kháng cự từ phía quân đội. Đồng thời, hai nguồn tin quân đội cấp cao nói rằng Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã lên máy bay để tới một địa điểm bí mật.
Trước đó trong ngày, phía quân nổi dậy Syria tuyên bố họ đã kiểm soát hoàn toàn thành phố chiến lược Homs sau một ngày giao tranh. Động thái đã được cho là đẩy thời kỳ 24 năm cầm quyền của ông Assad đến bờ vực sụp đổ, đặc biệt là khi quân nổi dậy đang tiến về thủ đô Damascus.
Tại Damascus, hai người dân cho biết họ nghe thấy âm thanh dữ dội của tiếng súng ở trung tâm thành phố. Hiện chưa xác định được nguồn gốc và nguyên nhân của tiếng súng.
Một tuần qua, quân nổi dậy ngày càng tăng nhuệ khí khi quân đội của chính quyền rút khỏi các thành phố trọng yếu.
Tại các khu vực nông thôn ở phía tây nam Damascus, thanh niên và cựu tay súng nổi dậy đã lợi dụng khoảng trống quyền lực để ra đường thực hiện các hành động thách thức chế độ độc tài của gia đình Assad.
Homs thất thủ
Sau khoảng một ngày giao tranh, quân nổi dậy Syria tuyên bố đã chiếm được Homs.
Quân nổi dậy Syria tuyên bố rằng “Damascus giờ đã thoát khỏi Assad”, ảnh chụp ở thành phố Homs vào ngày 8/12/2024. (Nguồn hình ảnh: Getty Images)
Theo Reuters, đã có hàng ngàn người dân đổ ra đường sau khi quân đội của chính quyền rút khỏi trung tâm Homs. Họ vừa nhảy múa vừa hô vang: “Assad đã ra đi, Homs được tự do” và “Syria muôn năm, đả đảo Bashar al-Assad”. Các tay súng nổi dậy bắn chỉ thiên ăn mừng, nhiều người trẻ xé bỏ các tấm áp phích in hình Tổng thống Assad.
Chiếm được Homs, quân nổi dậy nắm quyền kiểm soát trái tim chiến lược của Syria cùng một ngã ba đường cao tốc quan trọng, cắt đứt liên lạc giữa Damascus và khu vực ven biển – nơi được xem là thành trì của phái Alawite của Assad và cũng là địa điểm đặt căn cứ hải quân và không quân của đồng minh Nga.
Chiến thắng này cũng là một biểu trưng mạnh mẽ cho sự trở lại đầy kịch tính của phong trào nổi dậy trong cuộc xung đột kéo dài 13 năm qua. Nhiều khu vực của Homs từng bị phá hủy trong những trận chiến vây hãm khốc liệt giữa quân nổi dậy và quân đội cách đây nhiều năm. Cuộc chiến khi đó đã khiến phe nổi dậy kiệt quệ và buộc phải rút lui.
Abu Mohammed al-Golani, chỉ huy nhóm Hayat Tahrir al-Sham (HTS) và là lãnh đạo chính của phe nổi dậy, gọi việc chiếm được Homs là một thời khắc lịch sử, đồng thời kêu gọi các chiến binh không làm hại “những người đã buông vũ khí”.
Quân nổi dậy đã giải phóng hàng ngàn tù nhân khỏi nhà tù thành phố.
Lực lượng an ninh đã vội vã rút đi sau khi tiêu hủy tài liệu.
Chế độ lụi tàn, khu vực bất ổn?
Việc Homs thất thủ và mối đe dọa đối với Damascus đang gây ra một mối đe dọa trực tiếp đến sự tồn vong của triều đại Assad, vốn đã cai trị Syria trong năm thập niên, cũng như sức ảnh hưởng lâu nay của Iran, đồng minh chính trong khu vực của chính quyền Assad.
Các quan chức nước ngoài nói rằng chính quyền Syria có lẽ đang ở ngay trên bờ vực sụp đổ.
Một quan chức Mỹ ước tính thời gian còn lại là từ 5 đến 10 ngày. Một người khác cho rằng ông Assad có thể bị lật đổ trong tuần tới.
Diễn biến của mọi chuyện đã khiến một số quốc gia Ả Rập lo lắng và dấy lên mối lo về một làn sóng bất ổn trong khu vực.
Qatar, Ả Rập Xê Út, Jordan, Ai Cập, Iraq, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã ra một tuyên bố chung nhận định rằng tình hình khủng hoảng là một diễn biến nguy hiểm và kêu gọi tìm kiếm một giải pháp chính trị.
Tuy nhiên, không có dấu hiệu nào cho thấy các quốc gia này đồng thuận về phương thức cụ thể, khi mà bối cảnh ở Syria thay đổi từng giờ.
Nội chiến ở Syria, bùng phát vào năm 2011, dưới hình thức một phong trào nổi dậy chống lại chế độ Assad, đã lôi kéo các thế lực ngoại bang vào cuộc, tạo ra không gian cho các phần tử thánh chiến lên kế hoạch tấn công khắp thế giới và khiến hàng triệu người phải tới các quốc gia lân cận tị nạn.
Lâu nay, ông Assad dựa vào các lực lượng đồng minh để dẹp quân nổi dậy.
Máy bay chiến đấu Nga đã tiến hành các cuộc không kích trong khi Iran đã gửi các nhóm đồng minh, bao gồm Hezbollah và các lực lượng dân quân Iraq, để hỗ trợ quân đội Syria và tấn công các thành trì của quân nổi dậy.
Hayat Tahrir al-Sham (HTS), nhóm nổi dậy mạnh nhất, từng là một nhánh của al Qaeda tại Syria và bị Mỹ và nhiều quốc gia khác coi là tổ chức khủng bố.
Nhiều người Syria vẫn lo sợ rằng nhóm này sẽ áp đặt chế độ Hồi giáo hà khắc.
Ông Golani đã cố gắng trấn an các nhóm thiểu số rằng ông sẽ không can dự tới họ, đồng thời nói với cộng đồng quốc tế rằng ông phản đối các cuộc tấn công Hồi giáo ở nước ngoài.
HTS đã dẫn đầu cuộc tấn công vào Aleppo. (Nguồn hình ảnh: Reuters)
Tại thành phố Aleppo mà lực lượng nổi dậy chiếm được một tuần trước, chưa có thông tin gì về việc có các hành động trả đũa.
Vào ngày 7/12, khi được hỏi liệu có tin tưởng ông Golani hay không, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trả lời: “Muốn biết món ăn có ngon không, phải nếm trước đã.”
Nhóm Hezbollah do Iran hậu thuẫn tại Lebanon đã rút khỏi thành phố Qusayr của Syria, gần biên giới Lebanon, trước khi lực lượng nổi dậy chiếm được nơi này, các nguồn tin từ quân đội Syria tiết lộ hôm 8/12.
Các nguồn tin cho biết đã có ít nhất 150 xe bọc thép chở hàng trăm tay súng Hezbollah rời khỏi Qusayr – vốn là điểm trung chuyển quan trọng cho các tuyến vận chuyển vũ khí và chiến binh vào ra Syria.
Một trong những nguồn tin nói rằng Israel đã tấn công một đoàn xe rời đi nói trên.
Bộ Ngoại giao Nga thông báo Tổng thống Bashar al-Assad đã ra nước ngoài. (Nguồn hình ảnh: Getty Images)
Lực lượng Hayat Tahrir al-Sham
Hayat Tahrir al-Sham được thành lập vào năm 2011 với tư cách là một nhánh trực thuộc Al Qaeda.
Tên gọi khi đó của lực lượng này là Jabhat al-Nusra.
Thủ lĩnh của nhóm tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS), Abu Bakr al-Baghdadi, cũng tham gia vào việc thành lập nói trên.
Nhóm này được coi là một trong những lực lượng hiệu quả và nguy hiểm nhất chống lại Tổng thống Assad.
Tuy nhiên, thay vì nhiệt huyết cách mạng, hệ tư tưởng thánh chiến dường như là động lực chính của nhóm. Vào thời điểm đó, nhóm này được coi là có sự mâu thuẫn với liên minh nổi dậy Giải phóng Syria.
Tới năm 2016, lãnh đạo của nhóm này, Abu Mohammed al-Jawlani, công khai cắt đứt quan hệ với Al Qaeda, giải thể Jabhat al-Nusra và thành lập một tổ chức mới, sau đó lấy tên Hayat Tahrir al-Sham khi sáp nhập với một số nhóm tương tự khác sau đó một năm.
Trong thời gian qua, HTS đã thiết lập căn cứ quyền lực tại tỉnh Idlib ở tây bắc Syria. Tại đây, HTS vận hành như một chính quyền địa phương, mặc dù những nỗ lực hướng đến tính hợp pháp của tổ chức này đã bị hoen ố bởi các cáo buộc vi phạm nhân quyền.
HTS cũng đã tham gia vào một số cuộc giao tranh gay gắt với các nhóm khác.
Kể từ khi cắt đứt quan hệ với Al Qaeda, mục tiêu của nhóm giới hạn ở việc cố gắng thiết lập một chế độ Hồi giáo cơ bản tại Syria, thay vì một caliphate (vương triều Hồi giáo) to lớn như IS từng cố gắng nhưng đã thất bại.
Nhóm này hầu như không cho thấy có nỗ lực khơi lại cuộc xung đột ở Syria trên quy mô lớn và thách thức quyền cai trị của Assad tại phần lớn lãnh thổ – cho tới thời điểm hiện tại.
Theo BBC tiếng Việt ngày 8 tháng 12, 2024
Be the first to comment