BBC 100 Phụ Nữ 2024: Ai Có Tên Trong Danh Sách Năm Nay?

BBC đã công bố danh sách 100 phụ nữ truyền cảm hứng và có ảnh hưởng trên khắp thế giới năm 2024.

Trong số đó có nhà hoạt động đoạt giải Nobel Hòa bình Nadia Murad, nạn nhân bị hiếp dâm và nhà vận động Gisèle Pelicot, nữ diễn viên Sharon Stone, các vận động viên Olympic Rebeca Andrade và Allyson Felix, ca sĩ Raye, nghệ sĩ thị giác Tracey Emin, nhà vận động khí hậu Adenike Oladosu và nhà văn Cristina Rivera Garza.

Trong danh sách năm nay có người phải đối mặt với các cuộc xung đột chết người và khủng hoảng nhân đạo ở Gaza, Lebanon, Ukraine và Sudan, có người chứng kiến sự phân cực trong các xã hội sau một năm có số lượng bầu cử trên thế giới nhiều kỷ lục. Những sự kiện đó đã khiến những người phụ nữ phải cố gắng và đạt tới mức độ kiên cường mới.

BBC 100 Women ghi nhận những tổn thất mà phụ nữ phải gánh chịu trong năm nay bằng cách tôn vinh những người – thông qua sự kiên cường của mình – đang thúc đẩy sự thay đổi, khi thế giới xung quanh họ thay đổi. Danh sách này cũng tìm hiểu tác động khẩn cấp của biến đổi khí hậu, nêu bật những người phụ nữ đang nỗ lực giúp cộng đồng của họ giải quyết vấn đề và hành động để thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu.

Tên nhân vật được liệt kê không theo thứ tự cụ thể.

Inna Modja

Inna Modja, Mali: Nghệ sĩ, kiêm nhà hoạt động khí hậu

Nhà vận động công lý khí hậu, nhạc sĩ và nhà làm phim Inna Modja là một người phụ nữ dám đương đầu với nhiều thách thức – từ vận động chống lại tục cắt âm vật cho đến đấu tranh đòi bền vững.

Cô là nhà sản xuất kiêm diễn viên chính trong bộ phim The Great Green Wall (Tạm dịch: Vạn lý trường thành xanh), một bộ phim tài liệu nêu bật những nỗ lực đầy tham vọng của châu Phi nhằm ngăn ngừa sa mạc hóa lan rộng và phục hồi đất bị thoái hóa ở Sahel, một khu vực nằm ở phía nam sa mạc Sahara trải dài từ đông sang tây qua 12 quốc gia.

Trong vai trò là đại sứ thiện chí của Công ước Chống Sa mạc hóa của Liên Hợp quốc, Modja giúp nâng cao tiếng nói của những cộng đồng bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu.

Cô cũng là nhà đồng sáng lập Code Green, một tổ chức phi lợi nhuận kết hợp công nghệ sáng tạo và các trò chơi nhằm truyền cảm hứng thực hiện những hành động tích cực.

“Sự kiên cường là việc rèn giũa khả năng của phụ nữ và bé gái để dẫn dắt những giải pháp mang tính chuyển đổi.” (Inna Modja)

Rebeca Andrade

Rebeca Andrade, Brazil: Vận động viên thể dục dụng cụ

Vận động viên thể dục dụng cụ Rebeca Andrade đã giành được tổng cộng sáu huy chương, trở thành vận động viên Olympic được vinh danh nhiều nhất của Brazil. Cô cũng có chín danh hiệu tầm cỡ thế giới.

Cô đã giành huy chương vàng nội dung thi trên sàn tại Paris 2024, chiến thắng vận động viên thể dục dụng cụ được vinh danh nhiều nhất thế giới là Simone Biles. Trong lễ trao huy chương, Biles và đồng đội người Mỹ Jordan Chiles đã cúi chào vận động viên Brazil, cử chỉ được lan truyền rộng rãi và trở thành biểu tượng của Olympics năm nay.

Sinh ra trong một gia đình có tám người con, cho đến năm 10 tuổi, Andrade tự đi bộ đến nơi tập luyện từ ngôi nhà ở khu ổ chuột ngoại ô Sao Paulo, trong khi mẹ cô, người mẹ đơn thân, phải đi lau dọn thuê cho các gia đình khác để trang trải chi phí tập luyện cho cô.

Để có thành tựu như hôm nay, Andrade đã phải vượt qua nhiều chấn thương nghiêm trọng. Cô cũng từng chia sẻ một cách cởi mở về việc ưu tiên chăm sóc sức khỏe tinh thần.

“Sự kiên cường liên quan đến cách chúng ta xử lý những điều xảy đến với mình và giúp đồng đội nhìn thấy mặt tốt ngay cả khi mọi thứ thực sự tồi tệ.” (Rebeca Andrade)

Anat Hoffman

Anat Hoffman, Israel: Nhà vận động tôn giáo

Anat Hoffman dành nhiều thập kỷ để vận động cho quyền cầu nguyện bình đẳng cho phụ nữ Do Thái.

Trong nhiều năm, bà đã đấu tranh chống lại các quy định cấm phụ nữ mang khăn choàng cầu nguyện, cầu nguyện và đọc kinh Torah tập thể.

Bà đã phục vụ trong 20 năm với tư cách là giám đốc điều hành của Trung tâm Hành động Tôn giáo Israel, bộ phận pháp lý và vận động của Phong trào Cải cách.

Trước đó, bà đã giữ một ghế trong Hội đồng Thành phố Jerusalem, nơi bà thách thức các chính sách cực đoan của Do Thái Chính thống giáo. Bà cũng là thành viên sáng lập của nhóm Phụ nữ của Bức tường, với mục tiêu đạt được bình đẳng giới tại Bức tường than khóc ở Thành phố Cổ Jerusalem.

Ann Chumaporn (Waaddao)

Ann Chumaporn (Waaddao), Thái Lan: Nhà vận động vì quyền LGBTQ+

Khi Thái Lan ký dự luật bình đẳng hôn nhân thành luật trong năm nay và trở thành quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á công nhận các cặp đồng giới, bà Ann ‘Waaddao’ Chumaporn có lý do để ăn mừng.

Bà đã tiên phong trong các nỗ lực đưa dự luật này qua quốc hội, với tư cách là ủy viên rà soát pháp lý tại cả Hạ viện và Thượng viện.

Là người đồng sáng lập Bangkok Pride và là nhà hoạt động nữ quyền đồng tính nữ đến từ vùng nông thôn miền nam Thái Lan, bà Chumaporn đã đấu tranh cho quyền con người và quyền của cộng đồng LGBTQ+ trong hơn một thập niên.

Trong các cuộc biểu tình của thanh thiếu niên Thái Lan năm 2020, bà đã nổi lên như một nhà lãnh đạo trong Mặt trận Giải phóng Nữ quyền ủng hộ dân chủ; và đã phải đối mặt với tám cáo buộc chính trị vì hoạt động của mình.

Joan Chelimo Melly

Joan Chelimo Melly, Kenya/Romania: Vận động viên chạy đường dài

Được tôn vinh với những thành tích trong môn chạy đường dài, vận động viên Olympic người Romania gốc Kenya Joan Chelimo đã giành huy chương bạc tại giải bán marathon Vô địch châu Âu năm nay.

Ngoài thể thao, cô là người sống sót sau khi bị bạo lực giới và muốn dùng trải nghiệm cá nhân để phơi bày những mối đe dọa mà các vận động viên thường phải đối mặt.

Cô đồng sáng lập Tirop’s Angels, một tổ chức của các vận động viên Kenya được thành lập sau vụ sát hại người bạn chạy bộ và là người giữ kỷ lục thế giới, Agnes Tirop, vào năm 2021, tổ chức này đấu tranh chống lại bạo lực giới thông qua nhiều hoạt động khác nhau.

Năm nay, vụ vận động viên điền kinh Olympic Rebecca Cheptegei bị bạn trai cũ sát hại đã một lần nữa khơi dậy lời kêu gọi hành động chống lại nạn giết hại phụ nữ ở Kenya.

“Tôi tin rằng sự thay đổi thực sự bắt đầu khi chúng ta quyết định rằng nỗi đau không phải là kết thúc lịch sử của bản thân, mà là khởi đầu của một điều gì đó lớn lao hơn.” (Joan Chelimo Melly)

Elaha Soroor

Elaha Soroor, Afghanistan: Ca sĩ và nhạc sĩ

Vào thời điểm tiếng nói của phụ nữ ở Afghanistan đang bị xóa bỏ khỏi đời sống công cộng, ca sĩ Elaha Soroor đã viết bài hát Naan, Kar, Azadi! (Bánh mì, Công việc, Tự do!) để phản đối sự đàn áp này và gửi đi thông điệp động viên.

Bài hát được công bố lần đầu vào tháng 10 tại Hội nghị thượng đỉnh Phụ nữ toàn Afghanistan chưa từng có ở Albania.

Trong sự nghiệp trải dài trên nhiều lĩnh vực như phim ảnh, sân khấu và âm nhạc, nghệ sĩ từng đoạt giải thưởng này thường sử dụng không gian và các công cụ của mình để đấu tranh cho quyền của phụ nữ.

Soroor, người thuộc nhóm dân tộc thiểu số Hazara, được phát hiện trong chương trình tìm kiếm tài năng nổi tiếng Afghan Star vào năm 2009. Nhưng cô đã phải đối mặt với phản ứng dữ dội vì theo đuổi sự nghiệp âm nhạc và rời khỏi đất nước vào năm 2010.

Hamida Aman

Hamida Aman, Afghanistan: Doanh nhân truyền thông và giáo dục

Khi các bé gái Afghanistan bị Taliban từ chối quyền học tiếp lên trung học, doanh nhân truyền thông Hamida Aman đã quyết định ra mắt Begum Academy, một không gian trực tuyến cung cấp các khóa học đa phương tiện miễn phí cho những học sinh không thể đến trường.

Trong năm ngoái, nền tảng giáo dục này đã cung cấp hơn 8.500 video bằng tiếng Dari và tiếng Pashto, bao gồm chương trình giảng dạy ở trường từ lớp 7 đến lớp 12.

Vào tháng Ba, bà Aman đã ra mắt Begum TV, một kênh giáo dục phát sóng các khóa học của Begum Academy qua vệ tinh.

Dịch vụ này tiếp nối dự án Radio Begum của bà, một đài phát thanh do phụ nữ tạo ra, dành cho phụ nữ, được thành lập sau khi Taliban tiếp quản vào năm 2021.

Pooja Sharma

Pooja Sharma, Ấn Độ: Người thực hiện nghi thức lễ tang

Trong ba năm qua, Pooja Sharma đã thực hiện nghi thức tang lễ cho những thi thể không có người nhận ở Delhi.

Cô có động lực làm việc này sau trải nghiệm của bản thân, khi cô lần đầu thực hiện nghi lễ cuối cùng cho anh trai mình sau khi người anh bị sát hại và không có ai đến giúp tổ chức tang lễ.

Sharma phải đối mặt với sự phản đối từ các linh mục và cộng đồng đông đảo hơn, vì theo truyền thống, vai trò này chỉ dành cho nam giới theo đạo Hindu.

Bất chấp sự phản đối, cô vẫn thực hiện nghi thức tang lễ cho hơn 4.000 người thuộc nhiều tín ngưỡng và tôn giáo khác nhau, chia sẻ công việc của mình trên mạng xã hội và đấu tranh cho mục đích mang lại cho mọi người danh dự mà họ xứng đáng có được khi qua đời.

Feng Yuan

Feng Yuan, Trung Quốc: Người ủng hộ quyền phụ nữ

Là người kiên trì ủng hộ quyền phụ nữ tại Trung Quốc, Feng Yuan là giám đốc, nhà sáng lập của Equality Beijing (Bình đẳng Bắc Kinh). Thành lập vào năm 2014, tổ chức này tập trung về vấn đề cải cách pháp luật, xây dựng năng lực và chống lại bạo lực giới thông qua đường dây nóng.

Trong những năm gần đây, bà đã hỗ trợ những nạn nhân trong phong trào MeToo của Trung Quốc và cung cấp dịch vụ đào tạo cho các nhà tuyển dụng để ngăn chặn quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

Bà Feng từng là một nhà báo từ năm 1986 đến năm 2006, chuyên về các vấn đề của phụ nữ.

Kể từ giữa những năm 1990, bà đã giúp thiết lập nhiều sáng kiến ​​phi chính phủ khác nhau về phụ nữ và phương tiện truyền thông, HIV/AIDS, lãnh đạo và khuyến khích thanh thiếu niên. Bà đã biên soạn và biên tập các ấn phẩm tại Trung Quốc cũng như nhiều nơi khác.

Naomi Watanabe

Naomi Watanabe, Nhật Bản: Diễn viên hài

Là một trong những người có ảnh hưởng nổi tiếng nhất Nhật Bản, Naomi Watanabe đã mở đường cho thế hệ nữ nghệ sĩ hài mới ở đất nước này.

Bà đã phá vỡ những rào cản trong làng hài kịch Nhật Bản, vốn chủ yếu do nam giới thống trị, bằng cách đóng vai chính nữ và tạo ra các chương trình hài kịch ăn khách.

Bà Watanabe cũng đang góp phần thay đổi những định kiến về cơ thể ở Nhật Bản, dẫn đầu phong trào tích cực về cơ thể mang tên pochakawaii, có nghĩa là “mũm mĩm và dễ thương”. Bà đã cho ra mắt một trong những thương hiệu đầu tiên của Nhật Bản chuyên cung cấp quần áo cỡ lớn.

Sau khi đạt được thành công lớn trên các chương trình truyền hình và điện ảnh ảnh Nhật Bản, bà hiện đã chuyển đến Mỹ để đột phá vào sân khấu hài kịch toàn cầu.

“Làm thế nào để giữ được sự kiên cường? Tôi luôn nghĩ, ‘Bạn không thích tôi, không sao đâu. Hãy cho tôi một năm và có thể tôi sẽ thay đổi suy nghĩ của bạn’. Đây là tư duy mà tôi luôn giữ trong lòng.” (Naomi Watanabe)

Sharon Stone

Sharon Stone, Mỹ: Diễn viên

Ngôi sao Hollywood Sharon Stone đã để lại nhiều dấn ấn trên phim ảnh và ngoài đời thực trong ba thập niên qua.

Nữ diễn viên trở nên nổi tiếng vào đầu thập niên 90 với bộ phim nổi tiếng Basic Instinct (Tạm dịch: Bản năng gốc), đóng vai chính trong các bom tấn như Total Recall (Truy tìm kí ức) và Casino (Sòng bài) giúp bà đã giành được Quả cầu Vàng và được đề cử Oscar.

Bên cạnh sự nghiệp diễn xuất sôi động, bà Stone đã có nhiều công tác thiện nghiện ủng hộ nhiều mục đích khác nhau. Hội nghị các giải Nobel đã vinh danh bà với giải thưởng Hòa bình (Peace Summit Award) cho những hoạt động ủng hộ người nhiễm HIV.

Đầu năm nay, những thành tựu của bà tiếp tục được tôn vinh với giải thưởng Biểu tượng Quốc tế Quả cầu Vàng đầu tiên.

“Chúng ta có thể chọn than vãn, hoặc chúng ta có thể chọn niềm vui. Tôi nghĩ bạn chỉ cần tiếp tục chọn niềm vui… nhìn ra cửa sổ và chọn nhìn lên bầu trời.” (Sharon Stone)

Madison Tevlin

Madison Tevlin, Canada: Người dẫn chương trình tọa đàm và người mẫu

Với vai trò là người dẫn chương trình trong chiến dịch Assume That I Can, video được chia sẻ rộng rãi của Madison Tevlin đã gây bão trên toàn thế giới trong năm nay, khi phá vỡ định kiến ​​về những người mắc hội chứng Down.

Chiến dịch nâng cao nhận thức của cô đã thu hút hơn 150 triệu lượt xem và giành được nhiều giải thưởng vì tác động tích cực, bao gồm giải Sư tử vàng danh giá tại Liên hoan Cannes Lions.

Nữ diễn viên kiêm người mẫu Tevlin đã xuất hiện tại Tuần lễ thời trang New York, phát biểu về sự hòa nhập tại Sáng kiến ​​toàn cầu Clinton và nhận giải Quincy Jones Exceptional Advocacy.

Cô đã dẫn chương trình tọa đàm được đề cử giải thưởng Who Do You Think I Am? và podcast 21 Questions.

“Sự kiên cường là không bao giờ từ bỏ ngay cả khi tôi bị phán xét, bỏ mặc hoặc đánh giá thấp… Đó là bảo vệ những gì tôi tin tưởng và không bao giờ từ bỏ bản thân hoặc cộng đồng của mình.” (Madison Tevlin)

Plestia Alaqad

Plestia Alaqad, Lãnh thổ Palestine: Nhà báo và nhà thơ

Plestia Alaqad, 22 tuổi, vừa mới tốt nghiệp đại học khi cuộc chiến ở Gaza bắt đầu. Vào những ngày đầu của cuộc chiến, cô đã đăng một đoạn video về chính bản thân trong căn hộ của mình trong các cuộc không kích dữ dội của Israel.

Đoạn video đã lan truyền rộng rãi và cô đã thu hút được bốn triệu người theo dõi trên Instagram với các bài đăng cập nhật, bài thơ và nhật ký về Gaza sau đó. Cuốn hồi ký của cô dựa trên các nội dung này, có tên “Eyes of Gaze” (Đôi mắt của Gaza), sẽ sớm được xuất bản.

Alaqad được chọn Nhà báo của năm 2024 của One Young World, tổ chức phi lợi nhuận được khởi xướng tại hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới. Cô cũng đã vận động cho người Palestine tại các diễn đàn nổi tiếng như Hội nghị thượng đỉnh Chính phủ Thế giới.

Alaqad rời Gaza vào tháng 11/2023. Cô đã được trao học bổng thạc sĩ về nghiên cứu truyền thông tại Beirut.

Zhina Modares Gorji

Zhina Modares Gorji, Iran: Nhà vận động quyền phụ nữ

Nhà báo và nhà hoạt động người Kurd Zhina Modares Gorji là đồng sáng lập Hiệp hội Phụ nữ Zhivano vào năm 2019, tổ chức này sử dụng giáo dục, biểu tình và các nỗ lực hỗ trợ để chống lại bạo lực đối với phụ nữ.

Bị bắt hai lần kể từ khi phong trào Phụ nữ, Cuộc sống, Tự do ở Iran nổ ra, Modares Gorji bị kết án 21 năm tù với các tội danh bao gồm “tuyên truyền chống lại chế độ”. Hiện tại, cô đang thụ án 2 năm 4 tháng.

Modares Gorji là thành viên của One Million Signatures (Tạm dịch: Một triệu chữ ký), một chiến dịch nhằm thu thập sự ủng hộ của công chúng để thúc đẩy cải cách các quy định pháp luật phân biệt đối xử phụ nữ ở Iran.

Cô là người đứng sau một nhóm nhiếp ảnh phụ nữ Kurd, một chương trình podcast dành cho phụ nữ và một cuốn sách thiếu nhi giới thiệu những phụ nữ Kurd truyền cảm hứng.

Zakia Khudadadi

Zakia Khudadadi, Afghanistan: Vận động viên taekwondo tham dự Paralympic

Là thành viên đầu tiên của Đội tuyển người tị nạn Paralympic giành huy chương, Zakia Khudadadi đã làm nên lịch sử tại Thế vận hội Người khuyết tật Paris 2024.

Vận động viên này, người sinh ra không có một cánh tay, bắt đầu bí mật luyện tập taekwondo khi 11 tuổi trong một phòng thể dục bí mật ở quê nhà Herat, miền Đông Afghanistan.

Ban đầu, cô không được trao cơ hội thi đấu tại thế vận hội Paralympic tại Tokyo năm 2020 sau khi Taliban quay trở lại nắm quyền năm 2021.

Nhưng với sự can thiệp của Ủy ban Paralympic Quốc tế và sự hỗ trợ của Pháp, cô đã rời Afghanistan an toàn và trở thành nữ vận động viên đầu tiên của Afghanistan tham gia vào một sự kiện thể thao quốc tế sau khi Taliban tiếp quản.

“Hành trình tới huy chương Olympic của tôi nói lên sức mạnh quật cường của phụ nữ Afghanistan, của phụ nữ là người tị nạn. Bằng cách không từ bỏ, chúng tôi tiếp tục cho thấy rằng không có gì mà phụ nữ không thể làm được.” (Zakia Khudadadi)

Olga Rudnieva

Olga Rudnieva, Ukraine: Người sáng lập, Trung tâm Siêu nhân

Sau khi Nga xâm lược Ukraine, bà Olga Rudnieva cảm thấy bản thân phải làm gì đó để giúp đỡ những người bị thương trong cuộc chiến.

Những người bị mất tay chân trên chiến trường được nhiều người coi là nạn nhân, nhưng đối với bà Rudnieva, họ là những ‘siêu nhân’ xứng đáng nhận mọi sự hỗ trợ.

Bà đã thành lập Trung tâm Điều trị Chấn thương Siêu nhân ở Lviv, nơi bà là giám đốc điều hành cùng với một nhóm các chuyên gia. Trung tâm này cung cấp chân tay giả và gần đây đã vận hành một trung tâm phục hồi chức năng.

Hơn 1.000 người đã được trung tâm trợ giúp thông qua các dịch vụ được cung cấp trong hai năm chiến tranh.

“Sự kiên cường là khả năng thức dậy vào mỗi sáng bởi tiếng còi báo động và tiếp tục tranh đấu cho đất nước. Đó là việc lại khám phá mục đích cuộc đời bạn là gì, thay vì chỉ mắc kẹt ở việc ‘tại sao lại là tôi?’ Đó là việc tìm cách để làm nhiều, sở hữu ít, mỗi ngày.” (Olga Rudnieva)

Safa Ali

Safa Ali: Bác sĩ sản khoa

Khi giao tranh dữ dội nổ ra gần bệnh viện nơi bà làm việc ở Sudan vào năm 2023, Tiến sĩ Safa Ali đã từ chối di tản cùng đồng nghiệp, mặc dù pháo kích diễn ra liên tục.

Là một chuyên gia tư vấn sản phụ khoa, bà đã giúp sơ tán nhân viên tình nguyện và phụ nữ mang thai đến nơi an toàn, trong bối cảnh xảy ra các cuộc đụng độ dữ dội giữa quân đội và nhóm bán vũ trang Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (Rapid Support Forces).

Tại Bệnh viện Phụ sản Al Saudi hiện nay, bác sĩ sản khoa này đang thực hiện các ca mổ đẻ và chữa trị bệnh cho phụ nữ trong hoàn cảnh rất khó khăn do cuộc xung đột đang diễn ra.

Bà cũng tiếp tục đào tạo khoảng 20 bác sĩ sản khoa mới tốt nghiệp để giúp giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân sự ngành y.

“Tôi tin rằng thông qua sự phản kháng của phụ nữ, ta sẽ có cơ hội hàn gắn, công lý và tương lai, khi đó chúng ta không còn phải sống trong sợ hãi nữa. Chính vì sức mạnh của họ nhắc nhở tôi rằng hy vọng vẫn còn, ngay cả trong những thời khắc đen tối nhất.” (Safa Ali)

Svetlana Anokhina

Svetlana Anokhina, Nga: Nhà vận động nhân quyền

Svetlana Anokhina đã dành nhiều năm giúp đỡ các nạn nhân bạo lực gia đình trốn thoát khỏi vùng Bắc Caucasus của Nga, một khu vực có đa số dân là người Hồi giáo, nằm giữa Đông Âu và Châu Á.

Cùng với những tình nguyện viên khác, bà đã thành lập dự án Marem vào năm 2020. Sáng kiến ​​này giúp những phụ nữ có nguy cơ từ Dagestan, Chechnya và các nước cộng hòa Bắc Kavkaz khác tổ chức sơ tán và tìm nơi ở tạm thời, cũng như cung cấp cho họ sự hỗ trợ về mặt pháp lý và tâm lý.

Bản thân bà Anokhina đã quyết định rời khỏi Nga vào năm 2021, sau khi lực lượng an ninh Chechnya và Dagestan tấn công vào nơi trú ẩn của phụ nữ do bà điều hành.

Năm ngoái, bà đã bị chính quyền Nga điều tra hình sự với cáo buộc “làm mất uy tín quân đội Nga.”

Firda Marsya Kurnia

Firda Marsya Kurnia, Indonesia: Nghệ sĩ nhạc rock

Firda Marsya Kurnia cảm thấy được là chính mình khi thách thức các chuẩn mực về giới tính và tôn giáo, với tư cách là ca sĩ chính và nghệ sĩ guitar trong ban nhạc rock heavy metal mang tên Voice of Baceprot, quy tụ chỉ toàn nữ đội khăn hijab.

Hát bằng tiếng Anh và tiếng Sundan, một trong những ngôn ngữ được sử dụng phổ biến nhất ở Indonesia, tam ca này đã dùng lời ca để thể hiện sự phản kháng của họ đối với chế độ gia trưởng.

Khi thử sức với dòng nhạc heavy metal, ban nhạc đã vấp phải phản ứng dữ dội từ những người Hồi giáo bảo thủ hơn, với những phản ứng không tốt.

Thế nhưng ban nhạc đã trải qua một chặng đường dài kể từ khi khởi đầu cách đây 10 năm tại ngôi trường làng của mình ở Garut, tỉnh Tây Java của Indonesia. Năm nay, họ đã trở thành ban nhạc Indonesia đầu tiên trong 54 năm lịch sử của Glastonbury biểu diễn tại lễ hội âm nhạc này.

Samia

Samia, Syria: Chuyên gia tư vấn tâm lý

Samia – một chuyên gia tâm lý học (BBC giữ kín danh tính để bảo vệ an toàn cá nhân), đã hỗ trợ người dân Syria đối mặt với những thương tổn tinh thần do nhiều năm xung đột gây ra.

Cuộc nội chiến kéo dài đã khiến hàng trăm ngàn người thiệt mạng, và nhiều người sống sót phải chịu đựng cuộc sống khốn khó và đối mặt với các vấn đề sức khỏe tâm thần như trầm cảm và chứng lo âu.

Làm việc tại một phòng khám sức khỏe tâm thần do Ủy ban Cứu trợ Quốc tế (IRC) quản lý, Samia tổ chức các buổi tư vấn cho những người phải rời bỏ nhà cửa và gia đình hiện đang sống tại một trại tị nạn ở đông bắc Syria.

Dù nguồn lực hạn chế, Samia vẫn tận tâm giúp nâng cao sức khỏe tinh thần cho bệnh nhân của mình và kiên trì thúc đẩy nhận thức về những bệnh tâm lý trong bối cảnh khủng hoảng.

Olivia McVeigh

Olivia McVeigh, Vương quốc Anh: Nghệ sĩ trang điểm

Sau khi được chẩn đoán mắc chứng rụng tóc từng mảng, Olivia McVeigh bắt đầu khám phá thế giới tóc giả. Cô đã thử nghiệm nhiều kiểu tóc mới và thử nghiệm nhiều kiểu tóc khác nhau, xây dựng một nền tảng trực tuyến để khuyến khích và trao quyền cho những phụ nữ đang phải đối mặt với tình trạng rụng tóc.

Với gần nửa triệu người theo dõi, cô đã bình thường hóa việc đội tóc giả cùng với việc nâng cao nhận thức về chứng rụng tóc từng mảng và sức khỏe của phụ nữ.

McVeigh, một nghệ sĩ trang điểm và người có sức ảnh hưởng đến từ Bắc Ireland, bắt đầu rụng tóc khi còn là thiếu niên.

Cô hiện đang tổ chức các buổi hội thảo về tóc giả và chia sẻ hành trình tìm lại sự tự tin, tạo ra một không gian an toàn để những người phụ nữ bị rụng tóc có thể ngồi lại và bình thường hóa các cuộc trò chuyện về tình trạng này.

“Sự kiên cường chính là vương miện mà phụ nữ chúng ta đội. Chúng ta luôn có thể thích nghi, biến đổi và học cách phát triển trong môi trường xung quanh, bất kể trong hoàn cảnh nào.” (Olivia McVeigh)

Katalin Karikó

Katalin Karikó, Hungary: Nhà sinh hóa học và người đoạt giải Nobel

Nghiên cứu nổi tiếng của nhà sinh hóa học người Hungary Katalin Karikó về RNA thông tin (mRNA) đã được BioNTech/Pfizer và Moderna sử dụng để tạo ra vaccine phòng Covid-19.

Nghiên cứu này đã giúp bà cùng được trao giải Nobel chung với đồng nghiệp Drew Weissman vì những đóng góp của đối với “tốc độ phát triển vaccine chưa từng có đối với một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe con người trong thời hiện đại”.

mRNA, chất liệu chịu trách nhiệm chuyển đổi DNA của chúng ta thành protein, cực kỳ mỏng manh và khó sử dụng, nhưng bà Karikó tin rằng mRNA có thể đóng vai trò quan trọng trong y học.

Công nghệ này đã được thử nghiệm trước khi xảy ra đại dịch Covid, nhưng hiện đã được giúp cho hàng triệu người trên khắp thế giới được bảo vệ trước căn bệnh này.

“Hãy hoàn thành mục tiêu bằng cách luôn tập trung vào những gì bạn có thể làm chứ không phải những gì người khác nên làm. Nếu gặp thất bại, bạn hãy học từ đó. Đứng lên và tiếp tục với cùng lòng nhiệt thành không thay đổi.” (Katalin Karikó)

Lourdes Barreto

Lourdes Barreto, Brazil: Nhà vận động cho quyền lợi của lao động tình dục

Lourdes Barreto, người tiên phong trong nhiều chiến dịch, đã dành cả đời vận động để những người lao động tình dục ở Brazil được hưởng những quyền lợi tốt hơn.

Bà bắt đầu hoạt động xã hội ở Belém do Pará, khu vực thuộc Amazon, trước khi đồng sáng lập Mạng lưới Lao động Tình dục Brazil vào thập niên 1980 – một trong những phong trào tổ chức mang tính tiên phong của lao động tình dục ở khu vực Mỹ Latinh.

Hiện đã ở tuổi 80, Barreto là người đương đầu với các định kiến trong suốt nhiều thập kỷ.

Bà đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập các chính sách phòng ngừa HIV tại Brazil và dẫn dắt các chiến dịch ngăn ngừa sự lây lan HIV trong các cộng đồng khai thác vàng. Năm 2023, bà xuất bản cuốn tự truyện của mình.

“Hãy để câu chuyện của chúng ta được xem trọng và không rơi vào im lặng. Vai trò của phụ nữ trên thế giới, với khả năng vô tận để mơ ước, có được thành tựu, suy nghĩ và biến đổi xã hội.” (Lourdes Barreto)

Adenike Titilope Oladosu

Adenike Titilope Oladosu, Nigeria: Nhà hoạt động vì công lý khí hậu

Adenike Titilope Oladosu, hoạt động theo chủ thuyết sinh thái học nữ quyền người Nigeria, là người sáng lập I Lead Climate Action – một sáng kiến cộng đồng dành cho phụ nữ và thanh niên nhằm chống lại biến đổi khí hậu.

Cô đã nỗ lực nâng cao nhận thức về cuộc khủng hoảng môi trường đang ảnh hưởng đến hồ Chad – nơi giao nhau giữa Nigeria, Niger, Chad và Cameroon – nơi mà nguồn nước ngày càng cạn kiệt khiến cho các cuộc xung đột gia tăng.

Công việc của Oladosu không chỉ tập trung vào các vấn đề môi trường mà còn cả về xã hội, đặc biệt là những vấn đề ảnh hưởng đến phụ nữ châu Phi. Cô đã trang bị cho họ các kỹ năng canh tác có tính bền vững ở những khu vực đang chịu sa mạc hóa đe dọa trực tiếp đến an ninh lương thực.

Tham gia nhiều Hội nghị về Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp quốc từ năm 2019, cô đã thúc giục giới hoạch định chính sách cần ưu tiên vấn đề phục hồi khí hậu ở châu Phi.

“Cuộc khủng hoảng khí hậu là một vấn đề về khả năng chống chịu và chúng ta không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải chiến thắng. Để vượt qua cuộc khủng hoảng này, chúng ta cần đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ và đổi mới sáng tạo.” (Adenike Titilope Oladosu)

Maria Teresa Horta

Maria Teresa Horta, Bồ Đào Nha: Nhà thơ

Cây viết, nhà báo Maria Teresa Horta là một trong những nhà nữ quyền nổi tiếng nhất của Bồ Đào Nha và là tác giả của nhiều cuốn sách đoạt giải thưởng, nhưng có lẽ bà được biết đến nhiều nhất với tư cách là đồng tác giả của Novas Cartas Portuguesas (Những lá thư Bồ Đào Nha mới) nổi tiếng trên toàn thế giới.

Tuyển tập gồm tiểu thuyết, thơ và nghệ thuật khiêu dâm này đã nhanh chóng bị chính quyền độc tài của Bồ Đào Nha cấm đoán vào năm 1972 và Horta cùng các đồng tác giả của bà đã bị đưa ra xét xử vì tội khiêu dâm và “lạm dụng quyền tự do báo chí”.

Vụ án Three Marias (Ba Bà Maria), khi được biết đến, đã được báo chí đăng tải rầm rộ và truyền cảm hứng cho các cuộc biểu tình trên khắp thế giới.

Phiên tòa xét xử họ kết thúc sau khi Cách mạng Hoa cẩm chướng vào năm 1974 lật đổ chế độ độc tài – và năm nay 2024 đánh dấu kỷ niệm 50 năm thời khắc lịch sử đó.

Xuân Phượng

Xuân Phượng, Việt Nam: Đạo diễn phim, tác giả, chủ phòng trưng bày

Sắp bước sang tuổi 95, nhà văn kiêm đạo diễn Xuân Phượng đã sống một cuộc đời viên mãn.

Bà đã trải qua hai cuộc chiến tranh ở Việt Nam và tham gia kháng chiến chống Pháp khi mới 16 tuổi.

Tốt nghiệp y khoa, bà từng kinh qua các nghề như bác sĩ trưởng khoa, phóng viên chiến trường và đạo diễn phim cho Đài truyền hình Việt Nam, chứng kiến ​​những thời khắc lịch sử như sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn.

Ở tuổi 62, thay vì nghỉ hưu, bà lập Phòng tranh Lotus (Hoa sen) – một trong những phòng trưng bày tranh tư nhân đầu tiên tại Thành phố Hồ Chí Minh – với mục tiêu đưa nghệ thuật Việt Nam ra thế giới. Bà tiếp tục ủng hộ các nghệ sĩ trong nước để họ được biết đến rộng rãi hơn.

Naomi Chanda

Naomi Chanda, Zambia: Nông dân và huấn luyện viên

Là một hướng dẫn viên nông nghiệp tại một trang trại dạy nghề, Naomi Chanda đang mang trên mình sứ mệnh giúp cộng đồng của mình làm việc bằng những phương pháp thân thiện và mang tính bảo tồn đất đai.

Cô tập trung vào các kỹ năng “thích ứng với khí hậu” – như tưới nhỏ giọt sử dụng ít nước hơn hoặc cây trồng ngắn ngày – đặt phụ nữ vào trung tâm của các giải pháp cho biến đổi khí hậu.

Với tổ chức phi chính phủ giáo dục phụ nữ Camfed, Chanda đã giúp dạy khoảng 150 phụ nữ trẻ cách thích ứng với các kỹ thuật canh tác và giúp họ chống chịu với cuộc khủng hoảng khí hậu ở miền đông bắc Zambia – nơi hạn hán kéo dài và những thay đổi mùa vụ đột ngột đã gây ra tác động tàn khốc cho các hộ nông dân nhỏ.

Hala Alkarib

Hala Alkarib, Sudan: Nhà hoạt động chống bạo lực tình dục trong chiến tranh

Trên cương vị giám đốc khu vực của Sáng kiến Chiến lược cho Phụ nữ ở khu vực Sừng châu Phi (SIHA), nhà hoạt động và là cây viết nổi tiếng Hala Alkarib dẫn dắt nhiều sáng kiến tập trung vào vấn đề bạo lực giới tính trong khu vực rộng lớn hơn.

Từ khi chiến tranh nổ ra ở Sudan vào tháng 4/2023, SIHA đã theo dõi các vụ bạo lực tình dục liên quan đến cuộc xung đột và hỗ trợ nhiều phụ nữ và bé gái.

Một báo cáo của Liên Hợp Quốc vào tháng 10/2024 đã cảnh báo về quy mô “khủng khiếp” của vấn đề, cáo buộc Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF) bán quân sự thực hiện “những tội ác tàn bạo”. RSF đã phủ nhận những cáo buộc này.

Báo cáo này ước tính, tới tháng 7/2024, ít nhất có 400 người sống sót sau bạo lực tình dục liên quan đến cuộc xung đột đã được giới thiệu nhận hỗ trợ, đồng thời mô tả đây chỉ là “bề nổi của tảng băng chìm”.

Danielle Cantor

Danielle Cantor, Lãnh thổ Israel/Palestine: Nhà hoạt động vì hòa bình

Cùng với các thành viên khác của nhóm Women Peace Sit-In, Danielle Cantor đã tham gia vào các cuộc biểu tình trên khắp Israel kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức ở Trung Đông và đề nghị một thỏa thuận hòa bình lâu dài.

Trong những năm gần đây, bà Cantor đã khởi xướng các sáng kiến ​​hỗ trợ những người gặp khó khăn ở Tel Aviv và các khu vực khác.

Là đồng sáng lập của Culture of Solidarity, một dự án tương trợ lẫn nhau bắt đầu từ đại dịch, bà đã cung cấp thực phẩm cho các gia đình địa phương và tổ chức các sự kiện văn hóa và hội thảo.

Gần đây, bà đã viết lời và chụp ảnh cho Spreads, một cuốn sách nghệ thuật sử dụng văn hóa ẩm thực để khám phá những sắc thái của chính trị bản sắc của các cộng đồng ở Israel và các vùng lãnh thổ Palestine.

“Khi phụ nữ mở lòng trắc ẩn vốn có của mình, chúng ta có thể thực sự nhận ra các hệ thống bất công và tái định hình lại con đường phía trước.” (Danielle Cantor)

Tracey Emin

Tracey Emin, Vương quốc Anh: Nghệ sĩ

Vào những năm 1990, Tracey Emin nổi tiếng với những tác phẩm khiêu khích như My Bed và The Tent, mời gọi mọi người suy ngẫm về những trải nghiệm tình dục của họ.

Kể từ đó, bà đã trở thành một cái tên quen thuộc trong giới nghệ thuật, được tôn vinh nhờ phong cách tự thuật và mang tính thú nhận.

Đã 25 năm trôi qua kể từ khi tác phẩm My Bed của bà lần đầu được triển lãm ở London, khơi mào nhiều cuộc tranh luận trên truyền thông. Từng được mô tả là “đứa con ngỗ ngược” của nghệ thuật Anh, năm nay bà Emin đã được Vua Charles phong tước Dame (Quý bà) nhờ những đóng góp cho nghệ thuật thị giác.

Nữ nghệ sĩ này cũng đã thành lập Quỹ Tracey Emin tại Margate, Anh, để hỗ trợ các tài năng trẻ.

“Là một người phụ nữ ở hiện tại, tôi nghĩ chúng ta cần phải có nhiều sự kiên cường nhất có thể… Tôi nghĩ bây giờ là thời điểm cần phải có sự đoàn kết lớn hơn và đấu tranh mạnh mẽ hơn cho phụ nữ.” (Tracey Emin)

Gabriela Salas Cabrera

Gabriela Salas Cabrera, Mexico: Lập trình viên và nhà khoa học dữ liệu

Ngôn ngữ mẹ đẻ của cô, Náhuatl, không có trên nền tảng dịch thuật phổ biến của Google cho đến khi đích thân Gabriela Salas Cabrera tham gia vào dự án.

Nữ kỹ sư đã hợp tác với gã khổng lồ công nghệ Google trong các dự án ngôn ngữ học để tích hợp Náhuatl và các ngôn ngữ bản địa khác của Mexico vào Google Dịch. Trình dịch Náhuatl đã được ra mắt công chúng vào đầu năm nay.

Công việc của Salas tận dụng sức mạnh của trí tuệ nhân tạo (AI) để tăng cường tiếng nói của các ngôn ngữ ít được đại diện, đồng thời thúc đẩy sự hiện diện của phụ nữ bản địa trong ngành công nghệ.

Cô chuyên về lập trình hướng đối tượng và lập trình AI, hiện cô đang theo học ngành khoa học dữ liệu tại Đại học Bách khoa, Madrid, Tây Ban Nha.

“Sự kiên cường của phụ nữ là ngọn lửa không bao giờ tắt, biến đau thương thành mục đích và soi sáng con đường cho những người theo sau.” (Gabriela Salas Cabrera)

Katherine Martínez

Katherine Martínez, Venezuela: Luật sư nhân quyền

Nhiều bệnh nhân trẻ tuổi tại bệnh viện nhi José Manuel de Los Ríos ở Caracas, Venezuela, đến từ các hộ gia đình có thu nhập thấp và chỉ có một cha hoặc một mẹ.

Prepara Familia, một tổ chức phi chính phủ do bà Katherine Martínez thành lập, cung cấp cho họ những nhu yếu phẩm – quần áo, vật tư y tế và thực phẩm – và hỗ trợ tâm lý.

Là một luật sư nhân quyền, bà Martínez lưu giữ hồ sơ về những gì mà bà và đội ngũ coi là vi phạm nhân quyền đối với trẻ em và những người chăm sóc phụ nữ trong bệnh viện, nhằm giúp các nạn nhân tìm cách đòi bồi thường.

Đối mặt với tỷ lệ suy dinh dưỡng cao ở Venezuela, bà Prepara Familia cũng đã mở một trung tâm cung cấp miễn phí các chất bổ sung dinh dưỡng và vitamin cho trẻ em và phụ nữ mang thai.

Olga Olefirenko

Olga Olefirenko, Ukraine: Nông dân

Khi cha cô mất năm 2015, Olga Olefirenko muốn thực hiện ước mơ của ông là xây một trang trại. Sau khi mua gia súc, cô bắt đầu làm việc nhưng sớm gặp khó khăn về tài chính và phải bán hết bầy gia súc đó.

Tuy nhiên, cô không muốn từ bỏ khát vọng của cha mình – người đã hy sinh trên tiền tuyến ở Donbass khi đang làm nhiệm vụ với tư cách là chỉ huy lực lượng mục tiêu đặc biệt của hải quân.

Năm ngoái, cô đã lập một kế hoạch kinh doanh để đấu thầu tài trợ từ Quỹ Cựu chiến binh Ukraine và đã thành công.

Olefirenko bắt đầu điều hành lại trang trại của mình, tập trung vào hiện đại hóa, sử dụng các công nghệ canh tác mới và tạo việc làm cho cộng đồng địa phương, nơi cô được coi là nguồn cảm hứng cho sáng kiến ​​và khả năng lãnh đạo của mình.

Johana Bahamón

Johana Bahamón, Colombia: Nhà hoạt động xã hội

Chuyến thăm nhà tù Colombia đã thay đổi cuộc đời của nữ diễn viên Johana Bahamón, truyền cảm hứng cho bà làm việc vì những người cần “cơ hội thứ hai”.

Năm 2012, bà chuyển hướng sự nghiệp từ diễn xuất sang vận động cải cách nhà tù và thành lập Fundación Acción Interna, một tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ các tù nhân ở Colombia và những người đã được thả.

Quỹ này được cho là đã tiếp cận được hơn 150.000 người và 132 trại giam trên khắp cả nước.

Nhà hoạt động xã hội này cũng là người thúc đẩy Luật Cơ hội thứ hai năm 2022, được gọi là dự luật Johanna Bahamón, thiết lập các ưu đãi kinh tế để tăng cường khả năng tiếp cận việc làm và đào tạo cho những người mãn hạn tù.

“Sự kiên cường không chỉ dừng lại ở việc đứng dậy và tiến về phía trước sau một khó khăn; mà còn là quyết định biến nó thành cơ hội để phát triển bản thân.” (Johana Bahamón)

Zhanylsynzat Turganbaeva

Zhanylsynzat Turganbaeva, Kyrgyzstan: Quản lý bảo tàng

Việc gìn giữ và trùng tu di sản văn hóa của Kyrgyzstan là ưu tiên hàng đầu của Zhanylsynzat Turganbaeva.

Bà điều hành một bảo tàng dân tộc học ở thủ đô Bishkek nơi trưng bày các hiện vật độc đáo của quốc gia, thu hút đông đảo khách.

Một phần trong công tác thiện nguyện của bà là việc bảo tồn văn học Kyrgyzstan, bao gồm Sử thi Manas – một tác phẩm được UNESCO công nhận kể về một chiến binh được cho là đã thống nhất 40 bộ tộc của vùng Kyrgyzstan.

Một phiên bản của trường ca đồ sộ này dài khoảng 500.000 dòng và được coi là sử thi dài nhất thế giới (dài gấp 20 lần Odyssey của Homer). Những điều Turganbaeva làm giúp tạo ra cơ hội và nguồn lực cho “manaschi” – những nghệ nhân biểu diễn thuật lại kiệt tác văn học Kyrgyzstan này.

Nejla Işık

Nejla Işık, Thổ Nhĩ Kỳ: Trưởng thôn và nhà vận động chiến dịch bảo vệ rừng

Mới được bầu làm trưởng thôn khu vực İkizköy ở miền tây Thổ Nhĩ Kỳ, người nông dân Nejla Işık đã lãnh đạo cuộc đấu tranh chống nạn phá rừng trong suốt 5 năm qua.

Khi khu rừng Akbelen bên cạnh bị đe dọa do các đề xuất khai thác mỏ than, bà Işık cùng những người phụ nữ địa phương khác đã đấu tranh bằng cách kiện tụng và tổ chức biểu tình để ngăn việc chặt phá rừng, làm sạch đất cho các dự án khai thác mỏ.

Đôi khi chiến dịch bảo vệ môi trường của họ dẫn đến những cuộc đụng độ dữ dội giữa cảnh sát và những người biểu tình đứng gác để bảo vệ khu rừng, nhưng bà Işık và những dân làng khác đã thề sẽ kiên định bất chấp những thách thức và mối đe dọa mà họ phải đối mặt, bao gồm cả việc bị phạt vì vào rừng mà không được phép (sau đó khoản tiền phạt đã được hủy bỏ).

“Phụ nữ ở nhà, trên những cánh đồng, trên các đường phố, trong cuộc đấu tranh… họ là những người làm đẹp cho đời và chắc chắn họ sẽ là người bảo vệ thế giới này.” (Nejla Işık)

Margarita Barrientos

Margarita Barrientos, Argentina: Người sáng lập bếp ăn từ thiện

Từ khi bắt đầu một bếp ăn từ thiện chỉ dành cho 15 người, cho đến nay cung cấp thức ăn cho hơn 5.000 người mỗi ngày, bà Margarita Barrientos được biết đến với sự tận tụy của mình trong cuộc chiến chống lại nạn đói ở Argentina, nơi 53% trong số 46 triệu dân hiện đang sống trong cảnh nghèo đói.

Sinh ra ở một trong những vùng nghèo nhất của đất nước, bà Barrientos đã phải đối mặt với nghịch cảnh từ khi còn nhỏ. Bà đã thành lập bếp ăn từ thiện Los Piletones vào năm 1996, phát triển thành một tổ chức từ thiện hiện đang điều hành một trung tâm chăm sóc trẻ em, trung tâm y tế, xưởng may và thư viện.

Hoạt động phục vụ cộng đồng của bà đã nhận được sự hỗ trợ từ nhiều doanh nghiệp và người nổi tiếng – cầu thủ bóng đá Lionel Messi gần đây đã tặng bà một chiếc áo đấu có chữ ký để đấu giá.

Aruna Roy

Aruna Roy, Ấn Độ: Nhà hoạt động xã hội

Là một nhà vận động vì quyền của người nghèo ở Ấn Độ, bà Aruna Roy đã từ bỏ vị trí công chức để dấn thân trực tiếp hơn vào các cộng đồng ở nông thôn.

Bà là đồng sáng lập của tổ chức cộng đồng Mazdoor Kisan Shakti Sangathan (MKSS) tập trung vào việc trả lương công bằng và minh bạch, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong quá trình ban hành một luật mang tính bước ngoặt năm 2005, cho phép công dân yêu cầu chính phủ phải chịu trách nhiệm giải trình.

Trong hơn bốn thập niên, bà Roy đi đầu trong các sáng kiến do người dân làm chủ, mang về cho bà nhiều giải thưởng, trong đó có giải thưởng Ramon Magsaysay, thường được gọi là “Giải Nobel của châu Á”.

Bà là chủ tịch của Liên đoàn Quốc gia Phụ nữ Ấn Độ và vừa xuất bản hồi ký của mình vào năm nay, quyển sách có tên “The Personal is Political” (Tạm dịch: Cá nhân là chính trị).

“Nếu bị ám ảnh với những thiết kế hoành tráng, chúng ta thường không nhận ra giấc mơ nằm trong cánh cửa bên cạnh.” (Aruna Roy)

Sara Berkai

Sara Berkai, Anh/Eritrea: Nhà thiết kế bộ dụng cụ khoa học DIY

Nhà thiết kế bộ dụng cụ khoa học tự làm (DIY) cho trẻ

Sara Berkai, người Eritrea sinh ra ở Sudan và lớn lên ở London, là người đầu tiên trong gia đình theo học đại học, chuyên ngành phát triển trẻ em.

Cô là người sáng lập Ambessa Play, một doanh nghiệp xã hội chuyên thiết kế các bộ dụng cụ giáo dục DIY (tự làm) cho trẻ em và khuyến khích trẻ tham gia thiết kế đồ chơi.

Công việc của Berkai mang đến cho trẻ em thất học ở các quốc gia khác nhau cơ hội tiếp cận giáo dục thông qua các trò chơi. Cô đã nảy ra ý tưởng này khi dạy các lớp STEM cho trẻ em tị nạn ở Ethiopia và Eritrea vào năm 2019.

Những ý tưởng sáng tạo của cô đã được ghi nhận bằng việc lọt vào danh sách Forbes Under 30, giải thưởng dành cho các thanh niên dưới 30 tuổi có tác động xã hội, cũng như nhiều giải thưởng khác.

“Kiên cường là sự lạc quan trong việc thực hành – một cam kết kiên định với một tương lai tươi sáng hơn, khởi nguồn từ tình yêu thương.” (Sara Berkai)

Christina Assi

Christina Assi, Lebanon: Phóng viên ảnh

Phóng viên ảnh Christina Assi lớn lên ở Lebanon vào những năm 1990, một thời kỳ đầy bất ổn với các hậu quả của cuộc nội chiến và chính điều này đã thúc đẩy cô ghi chép lại những cuộc xung đột và kể những câu chuyện chưa từng được kể đến về chiến tranh.

Cuộc đời cô rẽ sang một ngã rẽ bi thảm vào tháng 10 năm 2023, khi cô bị thương nặng trong một cuộc tấn công của Israel nhắm vào miền nam Lebanon.

Vụ nổ đã cướp đi mạng sống của đồng nghiệp cô – phóng viên Issam Abdallah. Năm đồng nghiệp khác bị thương và Assi sau đó phải chịu cảnh cắt cụt một chân.

Trải nghiệm đau thương này đã khiến cô đấu tranh cho sự an nguy của các phóng viên và cô đã dùng dịp tham gia lễ rước đuốc Olympic 2024 tại Paris để tưởng nhớ tất cả các phóng viên đã hy sinh trong khi tác nghiệp.

Hana-Rawhiti Maipi-Clarke

Hana-Rawhiti Maipi-Clarke, New Zealand: Chính trị gia

Ở tuổi 22, Hana-Rawhiti Maipi-Clarke đã trở thành người phụ nữ Māori trẻ nhất từng được bầu vào quốc hội New Zealand.

Trong bài phát biểu đầu tiên của mình, bà đã biểu diễn điệu haka, điệu nhảy theo nghi lễ của người Māori và kêu gọi tăng cường tiếng nói của người bản địa. Gần đây, bà đã lĩnh xướng nhảy điệu haka để phản đối một dự luật gây tranh cãi khiến quốc hội New Zeland phải dừng họp.

Maipi-Clarke ủng hộ mạnh mẽ cho quyền của người Māori, bảo tồn văn hóa và các vấn đề môi trường. Năm 17 tuổi, bà đã xuất bản cuốn sách đầu tiên của mình về lịch của người Māori.

Năm nay, bà đã nhận được giải thưởng danh giá “Chính trị gia trẻ thế giới của năm” vì những nỗ lực nâng cao tiếng nói của người bản địa trẻ trong chính trị.

“Phụ nữ phải mạnh dạn đập bỏ mọi rào cản để bước vào những nơi mà họ biết mình không được chào đón, dù đó là chính trị ở cấp địa phương, quốc gia hay trên toàn cầu.” (Hana-Rawhiti Maipi-Clarke)

Ruth López

Ruth López, El Salvador: Luật sư

Đam mê luật pháp và công lý, bà Ruth López là giám đốc pháp lý tại Cristosal, một tổ chức hoạt động vì mục tiêu thúc đẩy nền dân chủ trên khắp Trung Mỹ.

Bà tập trung vào chống tham nhũng, luật bầu cử và bảo vệ nhân quyền tại El Salvador.

Là một nhà phê bình chính phủ và các thể chế của đất nước, bà đã vận động rộng rãi trên mạng xã hội để thúc đẩy minh bạch chính trị và trách nhiệm giải trình trước công chúng do chính người dân giám sát.

Công việc của bà trở nên nổi bật hơn khi đầu năm nay, El Salvador đã bầu lại tổng thống Nayib Bukele cho nhiệm kỳ thứ hai. Bukele, người có tỷ lệ ủng hộ tăng vọt sau cuộc đàn áp tội phạm, đã tự mô tả mình là “nhà độc tài tuyệt vời nhất thế giới”.

Nadia Murad

Nadia Murad, Iraq: Người được trao Nobel Hòa bình

Hiện là một nhà vận động hàng đầu cho những người từng bị bạo lực tình dục, nhà hoạt động nhân quyền và người được trao giải Nobel Hòa bình Nadia Murad đã trải qua nạn diệt chủng Yazidi tại Iraq do nhóm tự xưng là Nhà nước Hồi giáo (IS) thực hiện vào năm 2014.

Bà bị các chiến binh IS bắt giữ, ép làm nô lệ và phải chịu bạo hành, cưỡng hiếp. Bà Murad đã trốn thoát sau ba tháng và dũng cảm kể lại bi kịch của mình trước thế giới nhằm nâng cao nhận thức về bạo lực tình dục liên quan đến xung đột.

Bà đã hợp tác với luật sư nhân quyền Amal Clooney để buộc IS chịu trách nhiệm và sáng lập tổ chức Nadia’s Initiative nhằm giúp tái thiết cộng đồng và vận động bồi thường cho những người sống sót.

Mười năm sau cuộc thảm sát Yazidi, bà Murad vẫn là biểu tượng toàn cầu của sự kiên cường.

“Chúng ta phải sử dụng điều mà tôi gọi là ‘vũ khí tinh thần’ để đấu tranh cho bình đẳng và công lý: sự thật, hy vọng và lòng trắc ẩn.” (Nadia Murad)

Shireen Abed

Shireen Abed, Lãnh thổ Palestine: Bác sĩ nhi

Bom đạn và sự thiếu hụt trầm trọng các nguồn lực không ngăn cản được Shireen Abed công việc chăm sóc trẻ sơ sinh ở Gaza.

Bà đã phải di tản sau khi chiến tranh Israel-Gaza nổ ra vào năm 2023 vì căn hộ của mình bị phá hủy, nhưng vị chuyên gia về trẻ sơ sinh này vẫn tiếp tục công việc chăm sóc trẻ nhỏ tại các trại sơ tán gần đó.

Với nhiều năm kinh nghiệm trong các khoa về trẻ sơ sinh tại các bệnh viện chính của Gaza – gần đây nhất là giám đốc Trung tâm phụ sản tại Khu phức hợp y tế Al-Shifa – bà đã thiết lập các giao thức khẩn cấp để giúp các bác sĩ có khả năng cung cấp các phương pháp điều trị cứu sống trong điều kiện nguồn lực rất hạn chế. Bà cũng đào tạo, huấn luyện cho các bác sĩ khác.

Hoàn cảnh buộc bà phải rời Gaza cùng hai cô con gái vào đầu năm nay, nhưng Abed vẫn tiếp tục hỗ trợ các bác sĩ từ xa.

Gisèle Pelicot

Gisèle Pelicot, Pháp: Nạn nhân hiếp dâm và nhà vận động

Bằng cách từ bỏ quyền ẩn danh và đồng ý kể câu chuyện của mình với thế giới, bà Gisèle Pelicot đã trở thành biểu tượng của lòng dũng cảm và sự kiên cường.

Chồng cũ của bà đã thừa nhận hành vi đánh thuốc mê và cưỡng hiếp bà trong thời gian họ còn kết hôn, không chỉ thế mà còn rủ hàng chục đàn ông khác cùng tham gia cưỡng hiếp bà. Phần lớn các cáo buộc hiếp dâm này đã được quay phim.

Theo luật, bà Pelicot có quyền giấu kín danh tính, nhưng bà đã yêu cầu mở phiên tòa và cho công bố các video với mong muốn chuyển sự “xấu hổ” trở lại cho những kẻ bị buộc tội. Trong số khoảng 50 người đàn ông liên quan đến vụ án, một số đã thừa nhận hành vi hiếp dâm, nhưng phần lớn khẳng định họ chỉ tham gia vào các hành vi tình dục.

Khi phiên tòa bước vào giai đoạn cuối, bà Pelicot đã truyền cảm hứng cho phụ nữ trên khắp thế giới. Bà cụ U80 này hy vọng rằng vụ án của mình sẽ thay đổi luật pháp và thái độ của nước Pháp về vấn đề hiếp dâm và sự đồng thuận.

Allyson Felix

Allyson Felix, Mỹ: Vận động viên điền kinh

Với kỷ lục 20 huy chương vô địch thế giới và 11 huy chương Olympic, Allyson Felix là vận động viên điền kinh được vinh danh nhiều nhất trong lịch sử.

Sau khi bị tiền sản giật và sinh non một bé gái, bà đã trở thành người ủng hộ mạnh mẽ cho quyền chăm sóc sức khỏe bà mẹ. Hiện bà đã nhận được khoản tài trợ 20 triệu USD từ quỹ từ thiện Melinda French Gates để thúc đẩy chăm sóc sức khỏe bà mẹ cho phụ nữ da đen tại Mỹ.

Vận động viên đã giải nghệ này cũng đóng vai trò quan trọng trong việc khai trương nhà trẻ đầu tiên tại Làng Olympic, trong kỳ Thế vận hội Paris 2024.

Cũng trong năm nay, bà được bầu vào Ủy ban vận động viên của Ủy ban Olympic quốc tế và thành lập công ty quản lý thể thao của riêng mình, tập trung hoàn toàn vào thể thao dành cho phụ nữ.

“Sự kiên cường là việc tìm thấy sức mạnh và vẻ đẹp để đối mặt trực diện với những tình huống khó khăn, và sử dụng mỗi lần thất bại như một nguồn động lực để tiếp tục tiến về phía trước.” (Allyson Felix)

Lilia Chanysheva

Lilia Chanysheva, Nga: Nhà hoạt động chính trị và cựu tù nhân

Là một trong 26 tù nhân được trả tự do vào tháng 8 năm nay trong khuôn khổ một cuộc trao đổi tù nhân quốc tế lớn, nhà hoạt động chính trị Lilia Chanysheva đã rời Nga sau khi được tự do.

Bà Chanysheva từng là chánh văn phòng của chính trị gia đối lập quá cố – Alexei Navalny tại khu vực Bashkortostan của Nga. Công việc của bà bao gồm điều tra tham nhũng và vận động cho các cuộc bầu cử công bằng cũng như tự do ngôn luận.

Là một chuyên gia tài chính thành công, trước khi làm việc cho ông Navalny, bà đã làm tư vấn thuế cho các công ty quốc tế tại Moscow.

Năm 2021, bà bị bắt vì các cáo buộc chủ nghĩa cực đoan và bị kết án chín năm rưỡi tù giam. Bà đã thụ án hai năm chín tháng trước khi được trả tự do.

Enas Al-Ghoul

Enas Al-Ghoul, Lãnh thổ Palestine: Kỹ sư nông nghiệp

Khi nước trở nên khan hiếm ở Gaza do chiến tranh, bà Enas Al-Ghoul thấy mình cần phải tìm ra một giải pháp.

Nữ kỹ sư nông nghiệp này đã dùng các vật liệu tái chế như gỗ, thủy tinh và bạt nhựa để chế ra một thiết bị khử muối chạy bằng năng lượng mặt trời có khả năng chuyển nước biển thành nước uống được.

Thiết bị này từ đó đã trở thành phao cứu sinh cho nhiều người sinh sống trong lều trại ở khu vực Khan Younis ở phía nam Dải Gaza, vì các cơ sở cung cấp nước và vệ sinh đã bị hư hại hoặc phá hủy kể từ tháng 10/2023.

Quyết tâm sử dụng các kỹ năng của mình để giúp đỡ những người Palestine phải di dời, bà Al-Ghoul cũng đã tạo ra một chiếc bếp chạy bằng năng lượng mặt trời và học cách tái chế vật liệu để tạo ra các vật dụng như nệm và túi.

Annie Sinanduku Mwange

Annie Sinanduku Mwange, Cộng hòa dân chủ Congo: Thợ mỏ

Là một phụ nữ làm việc trong ngành khai thác mỏ ở Congo, Annie Sinanduku Mwange lãnh đạo một phong trào quần chúng để đấu tranh chống sự bất bình đẳng và quấy rối tình dục trong ngành này, nơi một nửa số công nhân trong các hầm mỏ khai thác thủ công là phụ nữ.

Là lãnh đạo của Mạng lưới khai thác mỏ quốc gia dành cho phụ nữ Renafem, bà khẳng định mình là một ‘bà chủ’, trao quyền cho phụ nữ phụ trách các điểm khai thác mỏ như một cách để ngăn chặn tình trạng bóc lột tình dục từ các đồng nghiệp nam.

Bằng cách đầu tư vào sinh kế của phụ nữ, bà cũng hy vọng sẽ giảm lao động trẻ em trong lĩnh vực này, khi nhu cầu toàn cầu về cobalt và các khoáng chất khác cần thiết cho các sản phẩm năng lượng sạch như ô tô điện tăng lên.

Tăng Chí Anh (Tania)

Tăng Chí Anh (Tania), Chile: Vận động viên bóng bàn

Vận động viên bóng bàn người Chile gốc Trung Quốc Tăng Chí Anh – hay Tania – đã lần đầu tiên tham dự Olympic tại Thế vận hội Paris 2024 ở tuổi 58.

Đó là một hành trình dài: với mẹ là huấn luyện viên, bà đã trở thành vận động viên chuyên nghiệp khi mới 12 tuổi. Bà hội đủ điều kiện tham gia đội tuyển quốc gia Trung Quốc nhưng sau đó chuyển đến Chile, từ bỏ môn thể thao này trong 30 năm để tập trung cho công việc kinh doanh.

Đại dịch Covid đã giúp bà Tăng Chí Anh quay trở lại với bộ môn bóng bàn.

Đến năm 2023, bà là nữ vận động viên có thứ hạng cao nhất trong môn thể thao này tại Chile, đại diện tham dự Giải vô địch Nam Mỹ và Đại hội thể thao toàn châu Mỹ trước khi thực hiện “giấc mơ trọn đời” của mình là giành quyền tham dự thế vận hội.

Harbia Al Himiary

Harbia Al Himiary, Yemen: Kỹ sư bảo tồn di sản

Với nhiều công trình mang ý nghĩa lịch sử bị hư hại sau nhiều năm chiến tranh ở Yemen, kỹ sư Harbia Al Himiary đã khởi xướng một sứ mệnh trùng tu các di tích này.

Bằng việc hợp tác với các tổ chức khác như UNESCO – cơ quan văn hóa của Liên Hợp quốc, bà đã phục hồi hàng chục nhà dân và di sản ở Old Sana’a cũng như trên khắp đất nước. UNESCO đã khảo sát mức độ hư hại tại hơn 16.000 địa điểm.

Thành tựu của bà trong lĩnh vực bảo tồn di sản không chỉ góp phần gìn giữ các địa danh lịch sử mà còn cải thiện chất lượng sống của rất nhiều người.

Bà Al Himiary cũng đào tạo người dân địa phương về các nghề thủ công xây dựng truyền thống và truyền cảm hứng cho các cô gái trẻ tham gia vào ngành này.

Hinda Abdi Mohamoud

Hinda Abdi Mohamoud, Somalia: Nhà báo

Là một cây bút nhiệt huyết từ khi còn trẻ, bà Hinda Abdi Mohamoud đã viết nhật ký kể về những người chạy trốn bạo lực ở thị trấn Jigjiga đến Hargeisa.

Hiện nay, bà là tổng biên tập của Bilan, đội ngũ truyền thông đầu tiên và duy nhất toàn nữ tại đất nước này.

Tổ chức truyền thông này được thành lập để chống nạn quấy rối và phân biệt giới tính phổ biến mà phụ nữ Somalia phải đối mặt tại nơi làm việc – Liên Hợp Quốc mới đây đã có một báo cáo công nhận vấn đề này.

Bilan hướng đến việc làm nổi bật các vấn đề xã hội tại một trong những quốc gia nguy hiểm nhất thế giới đối với các nhà báo, với các câu chuyện như người Somalia sống lẩn trốn với HIV, trẻ mồ côi bị lạm dụng, và người bạch tạng bị cộng đồng xa lánh.

Chloé Zhao

Chloé Zhao, Vương quốc Anh: Đạo diễn phim

Đạo diễn và biên kịch từng đoạt giải Oscar Chloé Zhao (Triệu Đình) là người phụ nữ da màu đầu tiên – và là một trong ba người phụ nữ trong lịch sử – từng giành giải đạo diễn xuất sắc nhất của Viện hàn lâm Anh.

Sinh ra tại Bắc Kinh, bà Zhao đã chuyển đến sống tại Anh và Mỹ. Nữ đạo diễn tự mô tả mình là một người du mục – một chủ đề mà bộ phim Nomadland (2020) đoạt giải Oscar của bà tôn vinh.

Từ việc đại diện cho một cộng đồng bản địa trong những bộ phim đầu tay cho đến chỉ đạo dàn diễn viên đa dạng nhất cho đến nay trong Vũ trụ Marvel, bà Zhao cảm thấy say mê về những gì kết nối chúng ta như những con người với nhau.

Năm nay, bà đã có mặt trên phim trường trong vai trò đạo diễn bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết Hamnet nổi tiếng về thời Shakespeare của nữ nhà văn Maggie O’Farrell, sẽ được phát hành vào năm 2025.

“Nếu chúng ta không thay đổi cấu trúc của ngành nghề mà chúng ta đang làm việc, thì cũng chẳng khác gì chúng ta chỉ đang nói rằng phụ nữ cần phải trở nên giống đàn ông mới có giá trị. Tôi không nghĩ rằng sức mạnh của chúng ta nằm ở đó.” (Chloé Zhao)

Rikta Akter Banu

Rikta Akter Banu, Bangladesh: Y tá và người sáng lập trường học

Ở vùng xa xôi hẻo lánh phía bắc Bangladesh, nơi nữ y tá Rikta Akter Banu sinh sống, việc có một đứa con tự kỷ hoặc khuyết tật bị coi là một lời nguyền.

Khi con gái của bà, người mắc chứng tự kỷ và bại não, bị từ chối nhập học tại trường tiểu học địa phương, bà đã bán đất và xây dựng ngôi trường của riêng mình.

Trường khuyết tật học tập Rikta Akhter Banu hiện tuyển sinh 300 học sinh và đã tạo ra tác động tích cực đến quan điểm của cộng đồng về người khuyết tật.

Ban đầu ngôi trường được xây dựng dành cho trẻ em tự kỷ hoặc khuyết tật học tập, nhưng hiện nay trường phục vụ cho những học sinh nhỏ tuổi mắc nhiều loại khuyết tật về trí tuệ và thể chất.

Dilorom Yuldosheva

Dilorom Yuldosheva, Uzbekistan: Thợ may và nữ doanh nhân

Hai năm trước, Dilorom Yuldosheva bị tai nạn mất cả hai chân trong một vụ thu hoạch. Nhưng điều đó không thể ngăn bà nuôi dưỡng những ước mơ lớn.

Bà muốn học các kỹ năng mới đồng thời giúp các phụ nữ trẻ Uzbekistan có kế sinh nhai, vì vậy bà quyết định thành lập doanh nghiệp may mặc của riêng mình.

Bà học các kiến thức cơ bản về kinh doanh và quản lý nguồn lực, sau đó đã đào tạo hơn 40 học viên. Chỉ trong vài tháng, công ty của bà phát triển vượt bậc, tổ chức các hội thảo miễn phí và ký được hợp đồng sản xuất đồng phục cho công nhân và học sinh.

Hiện tại, doanh nghiệp của bà đã trở thành nguồn thu nhập của chính bà và hàng chục phụ nữ khác.

Hadiqa Kiani

Hadiqa Kiani, Pakistan: Ca sĩ kiêm nhạc sĩ

Là một trong những biểu tượng âm nhạc nổi tiếng nhất của Pakistan, Hadiqa Kiani được biết đến với chất giọng đa năng cùng những đóng góp nghĩa cử nhân đạo.

Nổi tiếng vào những năm 1990, bà đã trở thành một nhân vật được yêu mến trong làng nhạc pop nữ Nam Á, cũng như là đại sứ thiện chí của Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc.

Ứng phó với thảm họa lũ lụt tàn phá Pakistan vào năm 2022, bà Kiani đã khởi xướng dự án Vaseela-e-Raah hỗ trợ các nạn nhân ở các khu vực Balochistan và Nam Punjab.

Bà đã kêu gọi công chúng hỗ trợ các gia đình buộc phải di dời, và vào năm ngoái, dự án thông báo đã xây dựng được 370 ngôi nhà cùng các cơ sở khác tại những khu vực bị ảnh hưởng.

Vinesh Phogat

Vinesh Phogat, Ấn Độ: Đô vật

Với ba lần tham dự Olympic, Vinesh Phogat là một trong những đô vật được vinh danh nhiều nhất của Ấn Độ. Cô cũng là một người lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ sự phân biệt giới tính đối với phụ nữ trong thể thao. Cô đã giành nhiều huy chương tại Giải vô địch thế giới, Đại hội thể thao Khối thịnh vượng chung và Đại hội thể thao châu Á.

Năm nay, Phogat đã trở thành đô vật nữ đầu tiên của Ấn Độ lọt vào trận chung kết Olympic, nhưng đã bị loại sau khi không vượt qua được vòng cân trọng lượng. Sau đó, cô đã giải nghệ và tham gia chính trị.

Lên tiếng mạnh mẽ về định kiến giới, Phogat là gương mặt đại diện cho cuộc biểu tình kéo dài nhiều tháng của các vận động viên môn vật Ấn Độ chống lại chủ tịch Liên đoàn Vật Ấn Độ Brij Bhushan Singh, người bị cáo buộc quấy rối tình dục các vận động viên nữ – một cáo buộc mà ông này đã phủ nhận.

Cuộc biểu tình đã thu hút sự chú ý khi cảnh sát bắt giữ Phogat và những người khác trong một cuộc diễu hành.

“Khả năng tự vực dậy sau một ngày làm việc tồi tệ và tự cho mình sự khoan dung chính là bản chất của sự kiên cường.” (Vinesh Phogat)

Hoàng Thiệp

Hoàng Thiệp, Đài Loan: Chính trị gia

Được biết đến với tư cách là người đấu tranh cho bình đẳng giới, Hoàng Thiệp đã đi vào lịch sử vào tháng 1/2024 khi giành được một ghế trong Viện lập pháp và trở thành nhà lập pháp LGBTQ+ công khai đầu tiên của Đài Loan.

Bà Hoàng Thiệp đã giới thiệu những cải cách lớn trong sự nghiệp chính trị của mình, bao gồm đảm bảo quyền được điều trị hiếm muộn cho phụ nữ độc thân và các cặp đôi đồng tính nữ và yêu cầu chính phủ trợ cấp các sản phẩm chăm sóc trong chu kỳ kinh nguyệt cho phụ nữ thu nhập thấp và khuyết tật.

Sau khi công khai về giới tính của mình vào năm 2023, Hoàng Thiệp đã chia sẻ thẳng thắn về việc mình đã bị lạm dụng. Là nạn nhân của nội dung khiêu dâm deepfake, bà ủng hộ việc tăng cường luật pháp hiện hành để chống lại nạn bạo lực tình dục kỹ thuật số.

“Sự kiên cường thực sự nằm ở chỗ chấp nhận tính đa dạng. Càng có nhiều tiếng nói, chúng ta càng trở nên mạnh mẽ hơn – đặc biệt là những người từng bị xem là yếu đuối, phụ nữ và LGBTQ+.” (Hoàng Thiệp)

Angela Rayner

Angela Rayner, Vương quốc Anh: Phó Thủ tướng

Giữ một trong những vị trí cao nhất trong chính trường nước Anh, bà Angela Rayner đã trở thành phó thủ tướng sau cuộc tổng tuyển cử vào tháng 7/2024.

Sinh ra và lớn lên ở Stockport, bà Rayner chăm sóc cho mẹ từ khi còn nhỏ và bỏ học khi mang thai ở tuổi 16. Bà làm việc trong bộ phận chăm sóc xã hội cho hội đồng địa phương và thăng tiến để trở thành đại diện công đoàn.

Bà Rayner được bầu vào Quốc hội lần đầu tiên vào năm 2015 với tư cách là nghị sĩ Đảng Lao động đại diện cho khu vực Ashton-under-Lyne, và là người phụ nữ đầu tiên đại diện cho khu vực này. Sau đó bà giữ chức bộ trưởng phụ nữ và bình đẳng trong chính phủ đối lập, cùng nhiều vai trò khác.

Hiện tại, bà cũng là bộ trưởng phụ trách nhà ở, cộng đồng và chính quyền địa phương.

Eugenia Bonetti

Eugenia Bonetti, Ý: Tu sĩ

Sơ Eugenia Bonetti đã giúp quản lý hơn 100 nơi trú ẩn và thiết lập mạng lưới với các nữ tu ở Châu Phi để hỗ trợ những phụ nữ di cư là nạn nhân của nạn buôn người và bóc lột.

Sơ đã dành nhiều đêm để hỗ trợ những phụ nữ bị ép buộc vào ngành mại dâm ở Rome và sơ trở thành chủ tịch của Slaves No More (Tạm dịch: Không còn nô lệ nữa), một tổ chức nâng cao nhận thức về nạn buôn người.

Sơ Bonetti là một nhà truyền giáo ở Kenya trong hơn 24 năm, giúp đào tạo các quan chức ở nhiều quốc gia khác nhau trong việc thúc đẩy các sáng kiến ​​chống nạn buôn người.

Trước khi nghỉ hưu, Sơ được Đức Giáo hoàng Francis đề nghị viết Chặng Đàng Thánh Giá năm 2019, một sự sùng bái quan trọng thường niên dành cho tín đồ Kitô giáo nhằm đánh dấu Thứ Sáu Tuần Thánh tại Đấu trường La Mã.

Linda Dröfn Gunnarsdóttir

Linda Dröfn Gunnarsdóttir, Iceland: Quản lý nhà tạm lánh cho phụ nữ

Tại Trung tâm tạm lánh cho phụ nữ Iceland, bà Linda Dröfn Gunnarsdóttir giúp đỡ những người buộc phải rời bỏ nhà cửa vì bạo lực gia đình.

Iceland là quốc gia thường xuyên đứng đầu bảng xếp hạng là “nơi tốt nhất để là phụ nữ,” nhưng tỷ lệ bạo lực giới vẫn ở mức cao.

Là giám đốc điều hành của trung tâm, bà Dröfn Gunnarsdóttir đã lãnh đạo dự án mở một cơ sở mới, nơi sẽ là nơi trú ẩn đầu tiên được xây dựng có mục đích dành cho phụ nữ của Iceland.

Bà Dröfn Gunnarsdóttir cho biết, cách đây 20 năm, 64% phụ nữ đến ở nhà tạm lánh cuối cùng đã quay lại với người hành hạ họ, nhưng tỷ lệ này hiện nay đã giảm xuống còn 11% nhờ vào sự hỗ trợ và dịch vụ cải thiện.

Shahrnush Parsipur

Shahrnush Parsipur, Iran/Mỹ: Nhà văn và dịch giả

Một trong những nhà văn nổi tiếng nhất của Iran, tiểu thuyết gia Shahrnush Parsipur đã đề cập đến những vấn đề cấm kỵ trong tác phẩm của mình, chẳng hạn như sự áp bức và nổi loạn về tình dục của phụ nữ trong một xã hội gia trưởng.

Bà bắt đầu sự nghiệp của mình với tư cách là một nhà văn viết truyện hư cấu và nhà sản xuất trên Đài truyền hình và phát thanh quốc gia Iran, nhưng đã từ chức để phản đối việc hành quyết hai nhà thơ hoạt động trước cuộc cách mạng năm 1978. Điều này dẫn đến lần đầu tiên bà bị ngồi tù.

Kể từ cuộc cách mạng, tác phẩm của bà đã bị cấm phát hành rộng rãi ở Iran và Parsipur lại bị giam cầm một lần nữa vì công khai đề cập đến các vấn đề xung quanh sự trinh tiết trong tiểu thuyết Những người đàn bà không có đàn ông (Women Without Men) của bà. Sau đó, tác phẩm này đã được chuyển thể thành một bộ phim bên ngoài Iran.

Parsipur đã kể lại trải nghiệm bị giam cầm của mình trong tác phẩm và đã sống lưu vong ở Mỹ kể từ năm 1994.

Sharon Kleinbaum

Sharon Kleinbaum, Mỹ: Giáo sĩ

Là người tiên phong của cộng đồng Do Thái ở New York, giáo sĩ Sharon Kleinbaum đã dành ba thập niên để thúc đẩy những thay đổi giao thoa giữa quyền LGBTQ+ và tôn giáo.

Được bổ nhiệm vào năm 1992 làm giáo sĩ đầu tiên của Hội Thánh Beit Simchat Torah tại New York, bà đã dẫn dắt hội thánh này trong suốt 32 năm vượt qua những thăng trầm, trong đó có cả cuộc khủng hoảng AIDS vào những năm 1990.

Bà đã mở rộng việc tiếp nhận thành viên của hội thánh để chào đón cả người chuyển giới và phi nhị giới, biến nơi đây trở thành hội đường thân thiện với cộng đồng LGBTQ+ lớn nhất nước Mỹ hiện nay.

Bà Kleinbaum đã nghỉ hưu trong năm nay. Bà là động lực chính đứng sau nhiều dự án về công bằng xã hội và đã được Tổng thống Joe Biden bổ nhiệm vào Ủy ban Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế.

“Niềm vui đến từ sự kiên cường về thông linh và chính trị.” (Sharon Kleinbaum)

Maheder Haileselassie

Maheder Haileselassie, Ethiopia: Nhiếp ảnh gia

Làm việc trong một vùng đất khô cằn của những dòng sông cạn kiệt và mùa màng bị tàn phá, nhiếp ảnh gia người Ethiopia Maheder Haileselassie đã ghi lại cảnh hạn hán khiến các gia đình Ethiopia buộc phải chấp nhận tảo hôn cho con gái. Chủ đề này đã giúp cô giành được giải thưởng Nhiếp ảnh châu Phi đương đại năm 2023.

Các tổ chức nhân quyền dự đoán rằng số lượng bé gái có nguy cơ phải tảo hôn do ảnh hưởng của khủng hoảng khí hậu sẽ tăng khoảng 30% vào năm 2050.

Quá khứ và những trải nghiệm của bản thân và của những người Haileselassie gặp gỡ hằng ngày đã thổi hồn cho những bức ảnh của cô.

Những tác phẩm của Haileselassie được trưng bày tại nhiều địa điểm danh giá, bao gồm cả tại Liên hoan Nhiếp ảnh châu Phi năm nay.

Noella Wiyaala Nwadei

Noella Wiyaala Nwadei, Ghana: Nghệ sĩ nhạc Afro-pop

Ca sĩ kiêm nhạc sĩ Noella Wiyaala Nwadei được biết đến rộng rãi với nghệ danh Wiyaala, có nghĩa là “người hành động” trong tiếng Sissala của cô.

Được công nhận là có khiếu thời trang và phong cách độc đáo, nghệ sĩ này tự thiết kế trang phục biểu diễn và phụ kiện để giới thiệu văn hóa và tập tục của quê hương của cô ở phía bắc Ghana.

Nhiều ca từ của cô làm sáng tỏ tình trạng bóc lột phụ nữ châu Phi. Wiyaala hợp tác chặt chẽ với các cơ quan của Liên Hợp Quốc và chính quyền Ghana để chống lại nạn tảo hôn

Cô cũng đã xây dựng một trung tâm nghệ thuật, một đài phát thanh cộng đồng và một nhà hàng nhằm tạo công ăn việc làm và thúc đẩy tính sáng tạo tại quê hương Funsi.

Sunita Williams
Sunita Williams, Mỹ: Phi hành gia

Khi phi hành gia của NASA Sunita Williams lên tàu vũ trụ Boeing Starliner vào ngày 5/6/2024, bà dự kiến ​​sẽ bắt đầu nhiệm vụ kéo dài tám ngày tới Trạm vũ trụ quốc tế (ISS).

Tuy nhiên, sau một loạt sự cố kỹ thuật trên tàu, bà Williams và đồng nghiệp Barry Wilmore được thông báo rằng họ sẽ chưa thể quay trở lại Trái Đất cho đến tháng 2/2025.

Bà Williams, một cựu phi công trực thăng Hải quân Mỹ và từng giữ kỷ lục là người phụ nữ có số lần đi bộ ngoài không gian nhiều nhất, đã trở thành người đầu tiên chạy marathon trong không gian vào năm 2007.

Mặc dù hiện tại đang ở cách bạn bè và gia đình 400 km ở phía trên Trái Đất, nhưng bà Williams đã đón nhận thời gian lưu lại không gian kéo dài với sự kiên cường và thái độ lạc quan, mô tả con tàu là “nơi hạnh phúc” của mình.

Sasha Luccioni
Sasha Luccioni, Canada: Nhà khoa học máy tính

Trong một thế giới đang thích ứng với sự phát triển nhanh chóng của Trí tuệ nhân tạo (AI), lượng khí thải carbon của ngành này thường bị bỏ qua.

Nhà khoa học AI hàng đầu Sasha Luccioni đã giúp tạo ra một công cụ để các nhà phát triển có thể định lượng lượng khí thải carbon của họ khi họ chạy mã. Ứng dụng này đã được tải xuống hơn 1,3 triệu lần.

Bà Luccioni là lãnh đạo phong trào khí hậu của Hugging Face, một công ty khởi nghiệp toàn cầu làm việc với các mô hình AI nguồn mở và muốn “dân chủ hóa ứng dụng máy học chất lượng cao”.

Trọng tâm của bà là cải thiện tính bền vững của AI và bà đang hướng tới việc phát triển một ‘hệ thống xếp hạng sao năng lượng’ mà các công ty khởi nghiệp AI có thể sử dụng để so sánh tác động của họ đối với khí hậu.

Kauna Malgwi

Kauna Malgwi, Nigeria: Lãnh đạo công đoàn của những người kiểm duyệt nội dung

Kauna Malgwi là một nhà hoạt động vì quyền của người lao động trong ngành công nghệ và trí tuệ nhân tạo (AI). Nhà tâm lý học lâm sàng này lãnh đạo Liên đoàn Người kiểm duyệt nội dung tại Nigeria và nâng cao nhận thức về tất cả những công việc vô hình trong quá trình đào tạo hệ thống AI.

Malgwi cho biết trong vai trò trước đây là người kiểm duyệt nội dung cho Facebook, cô đã tiếp xúc với các video về hiếp dâm, tự tử và lạm dụng trẻ em, khiến cô chịu đựng chứng mất ngủ và hoang tưởng.

Cô là một trong 185 cựu quản lý đã kiện công ty mẹ của Facebook là Meta ở Kenya vì sa thải nhân viên trái luật, sau khi một người tố giác lên tiếng về điều kiện làm việc kém.

Cô đã làm chứng tại Nghị viện Châu Âu để bảo vệ quyền của người kiểm duyệt nội dung.

“Phụ nữ có thể thách thức và thay đổi thực tế của thế giới đầy chia rẽ này bằng cách mang đến góc nhìn toàn diện coi trọng cả tiến bộ công nghệ lẫn sức khỏe tinh thần.” (Kauna Malgwi)

Shilshila Acharya

Shilshila Acharya, Nepal: Nhà khởi nghiệp bền vững

Shilshila Acharya điều hành một trong những mạng lưới tái chế nhựa lớn nhất ở Nepal. Doanh nghiệp quản lý rác thải của bà, Avni Ventures, tuyển dụng nhân viên từ các cộng đồng yếu thế và tập trung vào việc thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực xanh.

Bà Acharya đóng vai trò tiên phong trong chiến dịch “Không, Cảm Ơn, Tôi Mang Túi Riêng Của Mình” vào năm 2014, kết quả là chiến dịch này giúp dẫn đến lệnh cấm sử dụng túi nhựa trong mua sắm.

Bà đồng thời là một nhà giáo dục về khí hậu và rác thải, đứng sau sự kiện quy mô lớn được tổ chức hàng năm ở dãy Himalaya nhằm dọn sạch rác thải do các nhà leo núi để lại, với 119 tấn rác đã được thu gom kể từ năm 2019.

Thông qua công việc của mình, một phần rác thải được các phụ nữ bản địa tái sử dụng để làm giỏ, thảm và trang sức thủ công, góp phần hỗ trợ sinh kế của họ.

Fawzia al-Otaibi

Fawzia al-Otaibi, Ả Rập Xê Út/Anh: Nhà vận động quyền phụ nữ

Lâu nay, Fawzia al-Otaibi đã tận dụng mạng xã hội để công khai tiếng nói của bản thân nhằm vận động chấm dứt hệ thống giám hộ nam giới ở Ả Rập Xê Út.

Tuy nhiên, sau khi bị chính quyền triệu tập và thẩm tra, cô đã quyết định chạy trốn khỏi đất nước.

Chị gái của cô, Manahel al-Otaibi – cũng là một nhà vận động vì quyền phụ nữ – đã bị bắt và bị kết án 11 năm tù vào đầu năm nay, sau khi bị buộc tội liên quan đến cách ăn mặc và những quan điểm cô đã bày tỏ trên mạng, theo các tổ chức nhân quyền.

Fawzia al-Otaibi đã không ngừng vận động để đòi tự do cho chị gái mình. Trong bối cảnh đàn áp bất đồng chính kiến gần đây, nhiều người ở Ả Rập Xê Út đã bị bỏ tù chỉ vì những bài đăng trên mạng xã hội.

Susan Collins

Susan Collins, Mỹ: Thượng nghị sĩ

Hiện đang trong nhiệm kỳ thứ năm đại diện cho tiểu bang Maine, Susan Collins là người phụ nữ Cộng hòa phục vụ lâu nhất tại Thượng viện Mỹ.

Bà thường xuyên làm việc với lưỡng đảng để đưa ra những luật quan trọng. Bà là một trong sáu thượng nghị sĩ chịu trách nhiệm đưa ra Đạo luật Thúc đẩy Sức khỏe Phụ nữ Tuổi trung niên và Thời kỳ mãn kinh, đạo luật này sẽ đầu tư 275 triệu USD vào nghiên cứu, điều trị và nâng cao nhận thức của công chúng về thời kỳ mãn kinh trong năm năm tới.

Bà Collins cũng là tác giả của Đạo luật Dự án Alzheimer Quốc gia, đạo luật này điều phối một kế hoạch quốc gia nhằm ngăn ngừa và điều trị bệnh Alzheimer. Bà đã nỗ lực đảm bảo tài trợ cho dự án cho đến năm 2035 và dự án này sẽ xem xét đến các nhóm dân số chưa được phục vụ rộng rãi hơn, bao gồm cả những người mắc hội chứng Down.

Roxy Murray

Roxy Murray, Vương quốc Anh: Người ủng hộ quyền của người khuyết tật

Nói một cách cởi mở về những trải nghiệm của mình với tư cách là một người toàn tính luyến ái sống chung với bệnh đa xơ cứng (MS), Roxy Murray sử dụng không gian của mình để trao quyền cho những người mắc bệnh mãn tính và đấu tranh chống sự loại trừ trong các lĩnh vực y tế, từ thiện và doanh nghiệp.

Murray sử dụng nền tảng thời trang của cô, giúp mọi người chuyển đổi sang các thiết bị hỗ trợ di chuyển có phong cách và thúc đẩy sự hiện diện của những người khuyết tật từ các nhóm thiểu số và đa dạng về sắc tộc.

Cô là người sáng lập podcast The Sick and Sickening, nơi chia sẻ những câu chuyện chân thực về cuộc sống của những người khuyết tật và bệnh tật, từ việc kiểm soát cơn đau đến sức khỏe tình dục và tình dục an toàn.

Murray muốn cho thế giới thấy nhiều hình ảnh chân thực hơn về người khiếm thính và cô hy vọng sẽ mở phòng khám của riêng mình để đào tạo thêm nhiều y tá khiếm thính.

“Là một người phụ nữ đồng tính, da nâu và khuyết tật, sự kiên cường vừa mang tính cá nhân sâu sắc vừa mang tính tập thể sâu sắc. Đó là sức mạnh để thách thức các hệ thống đã gạt những người như tôi ra bên lề.” (Roxy Murray)

Hend Sabry

Hend Sabry, Tunisia: Diễn viên

Nữ diễn viên Hend Sabry là một trong những người phụ nữ nổi tiếng nhất của nền điện ảnh Ả Rập. Vai diễn đột phá của bà trong bộ phim nữ quyền The Silences of the Palace (1994) (Tạm dịch: Sự yên lặng ở cung điện) đã soi rọi vào những bóc lột tình dục và xã hội mà phụ nữ ở Tunisia phải đối mặt.

Vào năm 2019, bà trở thành người phụ nữ Ả Rập đầu tiên làm giám khảo tại Liên hoan phim Venice.

Gần đây, bà đóng vai chính trong bộ phim Olfa’s Daughters (Tạm dịch: Con gái của Olfa) – bộ phim được chọn làm đại diện cho Tunisia tham dự Giải Oscar năm 2024 và nhận đề cử Phim tài liệu hay nhất.

Vào tháng 11, bà Sabry đã từ chức đại sứ thiện chí ở Liên Hợp Quốc để phản đối điều mà bà gọi là sử dụng nạn đói như một loại vũ khí chiến tranh ở Gaza.

“Không chỉ là sinh tồn; mà còn là tái thiết và tìm kiếm mục đích qua việc đấu tranh… biến nỗi đau thành hành động.” (Hend Sabry)

Helen Molyneux

Helen Molyneux, Vương quốc Anh: Đồng sáng lập Monumental Welsh Women

Trước năm 2021, không có bức tượng nào dành riêng cho các phụ nữ Wales được đặt tên ở xứ Wales.

Để đáp ứng nhu cầu này, luật sư Helen Molyneux đã đồng sáng lập Monumental Welsh Women, một tổ chức phi lợi nhuận với mục tiêu cải thiện sự hiện diện công cộng của phụ nữ xứ Wales và vinh danh những đóng góp cũng như thành tựu của họ.

Dựa trên các đề xuất từ các thành viên cộng đồng, Molyneux và đội ngũ của bà đã lên kế hoạch xây dựng tổng cộng năm bức tượng của phụ nữ nhằm giữ cho câu chuyện của họ không bị trôi vào lãng quên.

Tính đến nay, nhóm đã dựng được bốn bức tượng, trong đó bức tượng đầu tiên là của bà Betty Campbell, hiệu trưởng người gốc Phi đầu tiên của xứ Wales, tại Cardiff, tiếp theo là bức tượng của Elaine Morgan ở Mountain Ash, tượng Cranogwen ở Llangrannog, và tượng Lady Rhondda ở Newport.

Su Min

Su Min, Trung Quốc: Phượt thủ và người có sức ảnh hưởng

Ở tuổi 50, sau khi thoát khỏi một cuộc hôn nhân bạo hành, Su Min đã bắt đầu chuyến đi phượt vòng quanh Trung Quốc, chỉ mình bà với chiếc xe hơi, một chiếc lều và tiền lương hưu của mình.

Kể từ khi bắt đầu lái xe vào năm 2020, hành trình của bà đã đi qua hơn 100 thành phố tại hơn 20 tỉnh thành.

Su Min đã ghi chép lại toàn bộ hành trình của mình và câu chuyện của bà đã khuấy động nên các cuộc thảo luận sôi nổi trên mạng xã hội. Bà đã truyền cảm hứng cho nhiều phụ nữ trung niên, thường được gọi là “các bà cô” trong xã hội, bằng sự bất tuân hiện trạng.

Hiện tại, bà có sáu triệu người theo dõi trên các nền tảng mạng xã hội và cuộc đời bà đã được chuyển thể thành bộ phim Like a Rolling Stone (Như hòn đá lăn), ra mắt trong năm nay.

Silvana Santos

Silvana Santos, Brazil: Nhà sinh vật học

Nhà sinh vật học tiên phong Silvana Santos cho rằng khám phá mang tính đột phá của bà trong lĩnh vực di truyền học hoàn toàn là do may mắn – bà đã gặp một gia đình mắc một căn bệnh chưa rõ nguyên nhân ngay trên chính con phố nơi bà sống.

Bà tiếp tục xác định hội chứng SPOAN (liệt cứng nửa người, teo cơ thị giác và bệnh thần kinh), một chứng rối loạn thoái hóa thần kinh di truyền hiếm gặp gây ra chứng liệt tiến triển ở vùng đông bắc Brazil.

Trong 20 năm kể từ khi bắt đầu nghiên cứu tại thị trấn Serrinha dos Pintos, bà Santos đã giúp những người dân bị ảnh hưởng bởi căn bệnh này có được chẩn đoán quan trọng.

Bà nghiên cứu về sự xuất hiện của các căn bệnh di truyền hiếm gặp và mối quan hệ của chúng với hôn nhân giữa những người có quan hệ họ hàng gần ở những vùng nông thôn nghèo của Brazil.

“Làm thế nào để chúng ta chứng minh sức mạnh của sự kiên cường? Nhận ra rằng cuộc sống là một chu kỳ. Trong thời kỳ hạn hán khắc nghiệt, chúng ta chỉ cần sống sót. Vào mùa mưa, chúng ta phát triển mạnh mẽ và trồng cây trái.” (Silvana Santos)

Shin Daewe

Shin Daewe, Myanmar: Nhà làm phim

Nhà làm phim tài liệu từng đoạt giải Shin Daewe bị bắt khi người ta tìm thấy một chiếc drone trong hành lý của bà.

Bà phải ra tòa năm nay ở Myanmar – đất nước hiện đang nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền quân sự – bị cáo buộc vi phạm các quy định về chống khủng bố. Tại một phiên tòa xử kín, luật sư của bà không được tham dự và bà lãnh án chung thân.

Nhà làm phim này đã phản đối chế độ quân sự từ năm 1988 và không còn lạ gì với án tù.

Bà đã đạo diễn hàng loạt phim tài liệu, nhiều phim trong số đó thu hút sự chú ý của quốc tế, trong đó có phim về các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ năm 2007, khi hàng ngàn nhà sư tham gia biểu tình phản đối chính quyền quân phiệt.

Raye

Raye, Vương quốc Anh: Ca sĩ

Ca sĩ kiêm nhạc sĩ Raye đã làm nên lịch sử tại lễ trao giải Brit Awards năm nay, giành chiến thắng ở sáu trên bảy hạng mục mà cô được đề cử và trở thành người phụ nữ đầu tiên nhận giải Nhạc sĩ của năm.

Năm 2021, Raye từng chia sẻ trên mạng xã hội về cuộc chiến kéo dài bảy năm với hãng đĩa Polydor để phát hành album của riêng mình.

Đến năm 2023, cô đã trình làng album phòng thu đầu tay My 21st Century Blues với tư cách nghệ sĩ độc lập, và gặt hái thành công cả về mặt chuyên môn và thương mại.

Raye cũng thẳng thắn chia sẻ về những khó khăn cô phải đối mặt trong ngành âm nhạc và trong cuộc sống cá nhân, bao gồm những vấn đề về tấn công tình dục, lạm dụng ma túy và chứng rối loạn hình thể, đồng thời kêu gọi cần trả thù lao công bằng hơn cho các nhạc sĩ sáng tác.

Gaby Moreno

Gaby Moreno, Guatemala: Ca-nhạc sĩ

Gaby Moreno, một ca sĩ kiêm nhạc sĩ nổi tiếng trong làng nhạc Latin, đã ghi dấu ấn ấn khi bước vào làng nhạc đại chúng bằng việc giành giải Grammy cho Album Pop Latin Hay Nhất vào năm 2024.

Được sáng tác bằng hai ngôn ngữ và lấy cảm hứng từ Americana, soul (nhạc của tâm hồn) và nhạc dân gian Latin, nhạc của cô cùng chất giọng truyền cảm truyền tải một di sản văn hóa phong phú.

Moreno cũng là người Guatemala đầu tiên trở thành đại sứ thiện chí của Unicef, vận động cho quyền trẻ em.

Gần đây, cô đã khởi động một chiến dịch nhằm tăng cường khả năng tiếp cận đến các trang bị giáo dục chất lượng tại Guatemala, quốc gia ước tính có khoảng 2,7 triệu trẻ em không được đi học.

Yasmeen Mjalli
Yasmeen Mjalli, Lãnh thổ Palestine
: Nhà thiết kế

Các sáng tạo của nhà thiết kế thời trang Yasmeen Mjalli được lấy cảm hứng từ cuộc sống và truyền thống của người Palestine.

Sau khi lớn lên ở miền Nam nước Mỹ, cô chuyển đến Ramallah ở Bờ Tây, nơi cô ra mắt thương hiệu Nöl Collective vào năm 2020.

Thương hiệu thời trang của cô hợp tác với các xưởng may gia đình, các cửa hàng gia vị địa phương cung cấp chất nhuộm tự nhiên, và các hợp tác xã phụ nữ để sản xuất quần áo tập thể. Các thợ may, dệt, thêu và khắc sử dụng các kỹ thuật truyền thống, một cách tôn vinh nghề thủ công của người Palestine trong việc tạo ra vải.

Mjalli đã sử dụng trang phục của mình để kể những câu chuyện về người Palestine. Cô cũng đã đề cập đến vấn đề quấy rối trên đường phố mà phụ nữ trên toàn cầu phải trải qua, viết cụm từ “not your habibti” (không phải người yêu của bạn) lên áo khoác denim và áo phông.

Kim Yeji

Kim Yeji, Hàn Quốc: Vận động viên bắn súng

Phong thái cuốn hút và thành tích ấn tượng của Kim Yeji trong năm nay đã thu hút sự chú ý của thế giới.

Tháng Bảy vừa rồi, cô đã giành huy chương bạc nội dung súng ngắn hơi nữ 10 m tại Olympic đầu tiên của mình. Chỉ vài tháng trước đó, Kim Yeji đã lập kỷ lục thế giới nội dung súng ngắn nữ 25 m.

Những video về Kim Yeji nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội, không chỉ khen ngợi tài năng của cô mà còn cả phong thái lạnh lùng ấn tượng, khả năng tập trung tuyệt đối và vẻ ngoài như bước ra từ những bộ phim khoa học viễn tưởng với cặp kính đặc biệt giúp hỗ trợ ngắm bắn.

Kim Yeji cũng cởi mở chia sẻ về trách nhiệm của bản thân với tư cách của một người mẹ. Hiện tại, cô đang tạm nghỉ thi đấu để dành thời gian cho cô con gái 6 tuổi.

“Thông qua thể thao, chúng ta thể hiện sự kiên cường, tinh thần đồng đội và quyết tâm – những giá trị mà theo tôi, không chỉ dừng lại ở lĩnh vực của mình mà còn truyền cảm hứng cho sự thay đổi rộng lớn hơn trong xã hội.” (Kim Yeji)

Idania del Río

Idania del Río, Cuba: Nhà khởi nghiệp thời trang

Clandestina là thương hiệu thời trang độc lập đầu tiên từ Cuba bán sản phẩm trực tuyến ra thị trường toàn cầu, do nhà thiết kế đồ họa Idania Del Río đồng sáng lập.

Công ty ra đời khi Chủ tịch Cuba Raúl Castro nới lỏng các quy định đối với doanh nghiệp và thương mại cho tư nhân.

Sản phẩm của Clandestina được tạo ra bởi đội ngũ thiết kế chủ yếu là phụ nữ, có trụ sở tại Havana, và các sản phẩm của họ tôn vinh văn hóa Cuba, đồng thời khích lý giá trị sáng tạo tại hòn đảo này. Bà Del Río áp dụng phương pháp tái chế vào quy trình sản xuất của công ty và chú trọng vào các thực hành bền vững.

Là một sinh viên tốt nghiệp Học viện Thiết kế Havana (ISDI), trước khi bắt tay vào sự nghiệp kinh doanh thời trang, bà đã thiết kế áp phích cho các phòng triển lãm, nhà hát và các lễ hội.

Tracy Otto

Tracy Otto, Mỹ: Vận động viên bắn cung

Bị bạn trai cũ tấn công tại nhà năm 2019, Tracy Otto bị liệt từ ngực trở xuống và bị mù mắt trái. Từng là một người mẫu thể dục truyền cảm hứng, cô quyết tâm quay lại tập luyện.

Tháng 3/2021, Otto thử bộ môn thể thao mà cô chưa từng thử trước đây – bắn cung. Cô bắn trúng mục tiêu từ mũi tên đầu tiên, và phải lòng bộ môn này từ đó.

Năm nay, Otto đã thi đấu ở Paris, thế vận hội Paralympic đầu tiên của cô. Do thương tật của mình, cô sử dụng miệng để phóng tên.

Gần năm năm trôi qua, Otto cũng sử dụng các trải nghiệm của mình để vận động cho các nạn nhân của bạo lực gia đình.

Lesley Lokko

Lesley Lokko, Ghana/Anh: Kiến trúc sư

Công trình “dân chủ hóa kiến ​​trúc” đã mang về cho bà Lesley Lokko huy chương vàng của Viện Kiến trúc Hoàng gia Anh năm 2024 – một trong những danh hiệu cao quý nhất thế giới trong lĩnh vực – giúp bà trở thành người phụ nữ da đen đầu tiên nhận được giải thưởng này kể từ khi viện được thành lập vào năm 1848.

Bà đã ủng hộ việc đưa những người trong nhóm yếu thế vào ngành kiến trúc trong hai thập niên qua.

Học giả người Ghana-Scotland này cũng trở thành người phụ nữ gốc Phi đầu tiên làm giám tuyển cho Triển lãm Kiến trúc Venice, nơi bà tập trung vào các chủ đề về khử cacbon và phi thực dân hóa.

Bà là người sáng lập Viện Tương lai châu Phi tại Accra, nơi khám phá mối quan hệ giữa kiến ​​trúc, bản sắc và chủng tộc.

“Sự kiên cường là khả năng vượt qua chặng đường dài – ngay cả khi đối mặt với sự thờ ơ, điều thường khó chịu đựng hơn cả sự phản đối.” (Lesley Lokko)

Cristina Rivera Garza

Cristina Rivera Garza, Mexico/Mỹ: Nhà văn

Tác giả nổi tiếng Cristina Rivera Garza đã được vinh danh với nhiều giải thưởng trong những năm qua, bao gồm Giải thưởng Pulitzer năm 2024 ở hạng mục hồi ký cho cuốn sách Liliana’s Invincible Summer, cuốn sách làm sáng tỏ vấn đề vấn đề femicide (giết hại phụ nữ).

Thông qua câu chuyện của chị gái mình, Liliana – bị bạn trai cũ sát hại vào những năm 1990 ở Mexico, người bạn trai sau đó đã trốn thoát và không bao giờ bị đưa ra xét xử – nhà văn đối diện với nỗi đau mất người thân và bắt đầu cuộc hành trình tìm kiếm công lý ở một quốc gia có tỷ lệ phụ nữ bị giết hại cao nhất thế giới.

Bà Rivera Garza cũng là người sáng lập và chủ nhiệm chương trình tiến sĩ về sáng tác văn học tiếng Tây Ban Nha tại Đại học Houston.

“Việc liên tục và triệt để “làm xáo trộn” ngôn ngữ để ngôn ngữ cuối cùng có thể chuyển tải được câu chuyện của phụ nữ có thể là nền tảng cho bất kỳ hình thức kiên cường nào.” (Cristina Rivera Garza)

Guerline M. Jozef

Guerline M. Jozef, Haiti: Nhà vận động cho quyền lợi người nhập cư

Hoạt động trong mối giao thoa giữa chính trị và sắc tộc ở Mỹ, Guerline M. Jozef là người đấu tranh cho quyền lợi của người nhập cư.

Bà là nhà sáng lập của Haitian Bridge Alliance, một tổ chức do giới nữ lãnh đạo, tập trung hỗ trợ những người có nhập cư gốc châu Phi.

Dưới sự dẫn dắt của bà Jozef, trong năm nay, tổ chức này đã đệ đơn lên tòa án kiện ông Donald Trump về tội hình sự liên quan đến những tuyên bố vô căn cứ về người nhập cư Haiti “ăn thịt thú cưng” khi phát biểu tại Springfield, Ohio, trong chiến dịch tranh cử tổng thống của ông.

Từ lâu nay, bà Jozef là người mạnh mẽ chỉ trích việc liên tục trục xuất người Haiti. Gần đây, tổ chức của bà đã hối thúc chính quyền Biden cần chấm dứt chính sách hồi hương những người tị nạn từ hòn đảo này chạy đến Mỹ để trốn khỏi nạn bạo lực băng đảng trên quê hương mình.

Brigitte Baptiste

Brigitte Baptiste, Colombia: Nhà sinh thái học

Là một nhà sinh học chuyển giới, Brigitte Baptiste khám phá những mô hình chung giữa đa dạng sinh học và bản dạng giới.

Bà sử dụng góc nhìn chuyển giới của mình để phân tích cảnh quan và các loài, nhằm mở rộng khái niệm “tự nhiên” để bảo vệ hệ sinh thái tốt hơn. Trong buổi nói chuyện TEDx năm 2018, bà dùng cây cọ sáp Quindío, quốc thụ của Colombia, làm ví dụ về cách “khoa học thường xuyên cho thấy sự thay đổi giới tính” trong suốt vòng đời của các loài.

Là một học giả danh tiếng, bà Baptiste đã giữ chức giám đốc Viện Alexander von Humboldt trong 10 năm và hiện là chủ tịch của Đại học EAN tại Bogota, một cơ sở giáo dục đại học tập trung vào khởi nghiệp bền vững.

Bà cũng đã vận động để tăng cường tài trợ, giúp đỡ nhiều người thuộc cộng đồng LGBTQ+ có cơ hội tiếp cận giáo dục đại học hơn.

Kemi Badenoch

Kemi Badenoch, Vương quốc Anh: Lãnh đạo Đảng Bảo thủ

Được bầu làm lãnh đạo của Đảng Bảo thủ vào tháng 11/2024, Kemi Badenoch là người phụ nữ da đen đầu tiên lãnh đạo một đảng chính trị lớn của Vương quốc Anh.

Bà hiện là Nghị sĩ Quốc hội đại diện cho vùng Tây Bắc Essex và trước đây là Bộ trưởng Kinh doanh và Bộ trưởng Phụ nữ và Bình đẳng.

Bà Badenoch sinh ra tại London với cha mẹ là người Nigeria. Bà lớn lên tại Lagos, Nigeria và Mỹ. Bà về Anh năm 16 tuổi do tình hình chính trị và kinh tế ngày càng tồi tệ ở Nigeria, và lấy bằng kỹ sư máy tính và luật.

Trước khi theo đuổi sự nghiệp chính trị, bà là phó giám đốc ngân hàng tư nhân Coutts và giám đốc kỹ thuật số của tạp chí The Spectator.

Rosmarie Wydler-Wälti

Rosmarie Wydler-Wälti, Thụy Sĩ: Giáo viên và nhà vận động khí hậu

Là đồng chủ tịch của tổ chức KlimaSeniorinnen – còn có tên gọi “Phụ nữ cao tuổi Bảo vệ Khí hậu” – bà Rosmarie Wydler-Wälti đã lãnh đạo cuộc chiến kéo dài chín năm chống lại chính phủ Thụy Sĩ để giành chiến thắng trong vụ kiện khí hậu đầu tiên tại Tòa án Nhân quyền châu Âu.

Cùng với 2.000 phụ nữ khác, giáo viên mẫu giáo kiêm cố vấn Wydler-Wälti lập luận rằng phản ứng của chính phủ Thụy Sĩ đối với đợt nắng nóng liên quan đến sự nóng lên toàn cầu đã gây hại đến quyền được chăm sóc sức khỏe của họ và với độ tuổi và giới tính của họ khiến họ đặc biệt dễ bị tổn thương.

Vào tháng 4, tòa án phán quyết rằng những nỗ lực của quốc gia này nhằm đạt được các mục tiêu giảm phát thải là không đủ.

Mặc dù sau đó quốc hội Thụy Sĩ đã bác bỏ phán quyết, nhưng vụ kiện đã tạo ra tiền lệ mới cho các vụ kiện về khí hậu.

Sneha Revanur

Sneha Revanur, Mỹ: Chuyên gia AI

Mới chỉ 20 tuổi, Sneha Revanur đã có bước tiến dài. Cô là người sáng lập Encode Justice, một phong trào thanh niên toàn cầu về trí tuệ nhân tạo (AI) an toàn và công bằng, với hơn 1.300 thành viên ở 30 quốc gia.

Công việc của Revanur là nhằm giảm thiểu những mối đe dọa do công nghệ mới nổi và đưa thanh niên vào những cuộc đối thoại quan trọng.

Cô là sinh viên tại Đại học Stanford và là nghiên cứu viên mùa hè tại Trung tâm AI và Chính sách Kỹ thuật số.

Mới đây, cô đã trở thành người trẻ tuổi nhất có tên trong danh sách đầu tiên của tạp chí Time về 100 tiếng nói có ảnh hưởng nhất trong lĩnh vực AI.

“Chúng ta có cơ hội đi trước những rủi ro của AI trước khi chúng làm lu mờ tiềm năng đổi mới của AI. Đối với tôi, đây chính là khả năng phục hồi: vượt lên trên quá khứ để hình dung lại tương lai.” (Sneha Revanur)

Mahrang Baloch

Mahrang Baloch, Pakistan: Bác sĩ y khoa và nhà hoạt động chính trị

Trong số hàng trăm phụ nữ tham gia các cuộc biểu tình trên khắp Pakistan, Mahrang Baloch là một người biểu tình chống lại các vụ cưỡng bách biến mất tại tỉnh Balochistan.

Lời kêu gọi công lý của bà được đưa ra sau khi cha bà bị các sĩ quan an ninh bắt giữ vào năm 2009 và được phát hiện đã chết hai năm sau đó với những dấu hiệu bị tra tấn.

Vào cuối năm 2023, bà Baloch đã dẫn đầu hàng trăm phụ nữ diễu hành 1.600 km đến thủ đô Islamabad để yêu cầu cung cấp thông tin về nơi ở của các thành viên gia đình họ. Bà đã bị bắt hai lần trong suốt hành trình.

Những người biểu tình từ tỉnh Balochistan, nơi nổ ra cuộc nổi loạn dân tộc chủ nghĩa kéo dài, cho biết những người thân yêu của họ đã bị lực lượng an ninh Pakistan bắt giữ và giết chết trong một chiến dịch chống nổi loạn. Chính quyền ở Islamabad phủ nhận những cáo buộc này.

Kể từ đó, vị bác sĩ y khoa này đã trở thành một nhà hoạt động nổi tiếng, dưới ngọn cờ của nhóm nhân quyền Baloch Yakjehti (Unity) Committee BYC của bà. Hoạt động của bà trong lĩnh vực nhân quyền đã được ghi nhận trong danh sách TIME100 Next 2024 dành cho những nhà lãnh đạo mới nổi.

Nour Emam

Nour Emam, Ai Cập: Doanh nhân về công nghệ chăm sóc sức khỏe phụ nữ

Nhà giáo dục sức khỏe tình dục Nour Emam tập trung vào các chủ đề như vệ sinh kinh nguyệt, sức khỏe sinh sản và nhận thức tình dục, những điều vốn bị coi là cấm kỵ đối với phụ nữ ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi.

Emam là đồng sáng lập và giám đốc điều hành của Motherbeing, một công ty fem-tech (công nghệ chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ) cung cấp dịch vụ kết hợp thông qua một phòng khám tại Cairo và một nền tảng kỹ thuật số, với tham vọng cải thiện quyền tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe của phụ nữ thông qua công nghệ.

Cô mong muốn trao quyền cho phụ nữ với tri thức dựa trên bằng chứng về cơ thể của họ, đồng thời tạo điều kiện tiếp cận thông tin đáng tin cậy về biện pháp tránh thai và giúp họ giải quyết những vấn đề nhạy cảm mà không cảm thấy xấu hổ khi nói ra.

Yumi Suzuki

Yumi Suzuki, Nhật Bản: Nguyên đơn trong vụ kiện triệt sản cưỡng bức

Bị bại não ngay từ khi chào đời, Yumi Suzuki đã bị phân biệt đối xử từ khi còn nhỏ. Khi mới 12 tuổi, bà đã phải trải qua phẫu thuật cắt bỏ tử cung.

Từ những năm 1950 đến những năm 1990, một số người khuyết tật như bà Suzuki đã bị triệt sản cưỡng bức ở Nhật Bản vì luật ưu sinh chỉ bị bãi bỏ vào năm 1996.

Bà Suzuki và 38 nguyên đơn khác đã khởi kiện chính phủ và sau nhiều năm tại tòa án, bà đã thắng kiện. Vào tháng 7, Tòa án Tối cao Nhật Bản đã ra phán quyết hành vi này là vi hiến và yêu cầu chính phủ phải bồi thường cho các nạn nhân.

Chính quyền đã thừa nhận rằng 16.500 ca triệt sản đã được thực hiện mà không có sự đồng ý của nạn nhân.

Einav Zangauker

Einav Zangauker, Israel: Nhà vận động giải cứu con tin

Matan, con trai của nhà vận động, cũng là mẹ đơn thân, Einav Zangauker bị bắt làm con tin trong các cuộc tấn công do Hamas cầm đầu vào ngày 7/10/2023. Bạn đời của con trai bà, Ilana, cũng bị bắt cóc và cuối cùng đã được trả về trong một cuộc trao đổi tù nhân.

Kể từ đó, Zangauker đã lên tiếng chỉ trích chính phủ Israel vì không tìm được giải pháp đưa các con tin về nhà, dù rằng trước đó bà đã bỏ phiếu cho đảng cầm quyền của Thủ tướng Benjamin Netanyahu.

Bà liên tục hướng sự chú ý đến cuộc khủng hoảng con tin, kêu gọi giới lãnh đạo hành động và tập hợp quần chúng biểu tình tuần này qua tuần khác.

Bà đang yêu cầu một thỏa thuận ngừng bắn để đảm bảo sự trở về của những con tin còn lại.

Subin Park

Subin Park, Hàn Quốc: Nhà sáng lập, Dự án Stair Crusher Club

Khi Subin Park, một người đi xe lăn, phát hiện ra rằng nhiều nơi mà cô muốn đến ở Seoul không thể tiếp cận được, cô đã quyết định sử dụng các kỹ năng với tư cách là cựu quản lý dự án công nghệ thông tin để giải quyết vấn đề này.

Cô Park là đồng sáng lập Stair Crusher Club, một dự án phi lợi nhuận, hướng đến thu thập thông tin về các tuyến đường không thân thiện với xe lăn và những địa điểm không có bậc thang ở Hàn Quốc.

Dự án này nhằm mục đích tạo ra một bản đồ về những nơi có thể sử dụng xe lăn cho người dùng.

Cho đến nay, hơn 2.000 công dân đã đóng góp vào cơ sở dữ liệu của họ thông qua các sự kiện của Stair Crusher Club và 14.000 địa điểm trên khắp Hàn Quốc đã được đánh giá về khả năng tiếp cận đối với người đi xe lăn.

Rosa Vásquez Espinoza

Rosa Vásquez Espinoza, Peru: Nhà sinh hóa học

Được truyền cảm hứng từ sự thông tuệ của người bà là người chữa lành của mình, nhà khoa học Rosa Vásquez Espinoza đã dành cả sự nghiệp kết hợp khoa học tiên tiến với kiến ​​thức truyền thống để bảo vệ sự đa dạng sinh học ở khu vực rừng Amazon của Peru.

Là người sáng lập Tổ chức Nghiên cứu Amazon Quốc tế, bà làm việc với các cộng đồng bản địa để khám phá sự đa dạng sinh học chưa được khai thác của khu rừng rậm Amazon.

Thường xuyên di chuyển đến các hệ sinh thái xa xôi trên hành tinh, công việc của Espinoza bao gồm việc phát hiện ra vi khuẩn mới ở con sông Boiling huyền thoại của Amazon và điều hành các phân tích hóa học đầu tiên về loài ong không đốt và mật ong dược liệu ở Peru.

Bà cũng là đại sứ quốc tế của dân tộc Ashaninka, một trong những nhóm người bản địa lớn nhất ở Nam Mỹ.

Georgina Long

Georgina Long, Úc: Bác sĩ ung thư

Thông qua liệu pháp chữa trị nhắm trúng đích và miễn dịch ung thư, bà Georgina Long muốn nhìn thấy một thế giới không còn người chết do ung thư.

Với vai trò là đồng giám đốc của Viện Ung thư hắc tố da của Úc, bà Long trở nên nổi tiếng vào năm 2024 sau khi cùng thiết kế phương pháp điều trị đầu tiên trên thế giới giúp đồng nghiệp và bạn của bà, Richard Scolyer, thoát khỏi bệnh ung thư, mặc dù ông mắc phải một loại ung thư não đặc biệt ác tính.

Bà Long và đội ngũ – bao gồm chính cả bệnh nhân nói trên – đã phát hiện liệu pháp miễn dịch có hiệu quả hơn khi kết hợp nhiều loại thuốc trước ca phẫu thuật cắt bỏ khối u.

Công trình mang tính đột phá của họ bắt nguồn từ nhiều năm nghiên cứu về bệnh ung thư hắc tố da, cứu sống hàng ngàn bệnh nhân bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư da.

“Các nhà lãnh đạo của tương lai nên tôn vinh sự đồng cảm và nhân đạo, giúp mọi người mạnh mẽ thách thức các hệ thống lạc hậu và theo đuổi giải pháp sáng tạo khi giải quyết vấn đề.” (Georgina Long)

Latisha McCrudden

Latisha McCrudden, Ireland: Nhà hoạt động từ Phong trào Du lịch Ireland

Chỉ mới 20 tuổi nhưng Latisha McCrudden đã tự định vị mình là người ủng hộ mạnh mẽ cho cộng đồng du khách Ireland.

Với vai trò thành viên, cô muốn đấu tranh chống lại những điều cấm kỵ đối với các nhóm dân tộc thiểu số ở Ireland và sử dụng tiếng nói của mình với tư cách là nạn nhân của bạo lực gia đình để đấu tranh chống lại bạo hành nhằm vào phụ nữ và trẻ em gái.

Là sinh viên luật tại Đại học Galway, McCrudde là thành viên của Diễn đàn Thanh niên Quốc gia Phong trào Người di cư Ireland, Hội đồng Phụ nữ Quốc gia Ireland và nhóm hỗ trợ Người di cư Mincéirs Whiden.

Cô hy vọng sẽ ứng cử trong cuộc bầu cử tiếp theo ở địa phương vào năm 2029 và tạo nên sự khác biệt cho tương lai của Ireland.

Kasha Jacqueline Nabagesera

Kasha Jacqueline Nabagesera, Uganda: Người vận động cho tính đa dạng và hòa nhập

Các hành vi đồng tính bị xem là bất hợp pháp ở Uganda, có thể bị phạt tù – và người ủng hộ cộng đồng LGBTQ+ Kasha Nabagesera đang đấu tranh để thay đổi những luật lệ hà khắc này.

Là một người phụ nữ công khai đồng tính, bà đã có tác động sâu sắc trong chiến dịch chống lại sự kỳ thị đối với cộng đồng LGBTQ+ trên khắp châu Phi.

Bà Nabagesera đã kiện thành công các tờ báo và chính phủ Uganda vì những phát ngôn chống LGBTQ+; bà đã hai lần khiếu nại luật chống đồng tính tại tòa án Uganda và hiện đang khiếu nại một đạo luật ban hành hồi năm 2023.

Bà nhận bằng kinh doanh từ Đại học Nkumba ở Uganda, học bổng từ Đại học Stanford và các khoản đóng góp dành cho các sáng kiến ​​về đa dạng tại các diễn đàn cấp cao như Liên Hợp Quốc, Nghị viện châu Âu và Ủy ban châu Phi.

Amanda Zurawski

Amanda Zurawski, Mỹ: Người ủng hộ quyền sinh sản

Vào tháng 8/2022, Amanda Zurawski phát hiện ra nước ối của cô sớm bị vỡ. Các bác sĩ nói với cô rằng thai nhi sẽ không thể sống sót.

Zurawski sống ở Texas và đã bị từ chối không cho phá thai. Sau khi Tòa án Tối cao lật ngược phán quyết Roe vs Wade hai tháng trước đó, tiểu bang này đã cấm các biện pháp phá thai ngoại trừ những trường hợp tính mạng của bệnh nhân bị đe dọa. Ba ngày sau, cô bị sốc nhiễm trùng và khi tính mạng bị đe dọa, cuối cùng cô đã được phép phá thai.

Vào tháng 3/2023, Zurawski và 19 phụ nữ khác cùng hoàn cảnh tương tự, đã đệ đơn kiện tiểu bang – vụ kiện đầu tiên do những phụ nữ bị từ chối phá thai đệ đơn kể từ khi phán quyết Roe vs Wade bị đảo ngược. Tòa án Tối cao Texas đã bác bỏ đơn kiện lệnh cấm phá thai.

Hiện cô thề sẽ tiếp tục đấu tranh để “khôi phục và bảo vệ quyền sinh sản ở Mỹ”.

Hình ảnh một số nhân vật tham gia chương trình 100 Phụ nữ của BBC World Service mùa 2024.

100 Phụ nữ là gì?

BBC 100 Phụ nữ vinh danh 100 gương mặt nữ có nhiều ảnh hưởng và truyền cảm hứng trên toàn cầu hàng năm. Chúng tôi làm phóng sự, video ngắn và phỏng vấn về cuộc đời họ, những câu chuyện đặt phụ nữ ở vị trí trung tâm và sau đó đăng tải, phát sóng nội dung chương trình trên tất cả các nền tảng của BBC.

Theo dõi BBC 100 Phụ nữ trên Instagram và Facebook. Tham gia thảo luận bằng cách dùng hashtag #BBC100Women.

100 Phụ nữ được lựa chọn thế nào?

Đội ngũ sản xuất chương trình 100 Phụ nữ lên danh sách rút gọn từ các gương mặt được 41 ban ngôn ngữ BBC Thế giới vụ cũng như BBC Media Action giới thiệu, cũng như thông qua nghiên cứu.

Chúng tôi tìm kiếm các ứng viên xuất hiện nổi trội trong các câu chuyện, chủ đề lớn trong 12 tháng qua, và những người có những câu chuyện truyền cảm hứng mãnh liệt, hoặc đã đạt được những thành tích, hoặc có ảnh hưởng lớn tới cộng đồng theo những cách chưa chắc đã được lên bản tin.

Nhiều cái tên cũng được cân nhắc dựa theo tiêu chí phù hợp chủ đề của năm nay: sự kiên cường. Chúng tôi muốn ghi nhận những tác động mà phụ nữ trên toàn cầu phải đối mặt trong năm nay bằng cách lựa chọn những người – thông qua sự kiên cường của mình – đang thúc đẩy thay đổi và cải thiện cuộc sống ở cấp độ cộng đồng xung quanh hoặc toàn cầu. Chúng tôi cũng đánh giá tên tuổi của những phụ nữ làm việc trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, từ đó lựa chọn một nhóm những người tiên phong trong lĩnh vực khí hậu và các nhà lãnh đạo môi trường khác.

Chúng tôi đại diện cho tiếng nói từ khắp các chuyên ngành và từ mọi lĩnh vực trong xã hội, khai thác những cái tên xung quanh các chủ đề gây chia rẽ quan điểm.

Danh sách cũng tính đến sự đại diện cho các vùng miền và đảm bảo tính công bằng, trước khi danh sách cuối cùng được lựa chọn. Tất cả phụ nữ đều đồng ý có tên trong danh sách.

Theo BBC tiếng Việt ngày 3/12/2024

Sản xuất và biên tập bởi Đội ngũ sản xuất chương trình BBC 100 Phụ nữ: Valeria Perasso, Natalia Pianzola, Maria Zaccaro, Rebecca Thorn, Lara Owen, Natasha Fernandes, Niamh Hughes, Shaina Oppenheimer, Sarah Tiamiyu Rubab Batool.

Hỗ trợ sản xuất: Vandana Vijay, Kateryna Khinkulova, Mariam Aman, Vera Kwakofi, Mouna Ba, Rupa Jha, Julien El-Hajj, Mark Shea, Chris Clayton, Yuna Ku, Issariya Praithongyaem, Paula Adamo Idoeta, Laura García, Ana Pais, Zhanna Bezpiatchuk, Zlata Onufrieva, Berza Simsek, Farhat Javed, Anastasia Soroka, Thais Carranca, Shahnewaz Rocky, Khayrulla Ubaidullaev, Abdybek Kaziev, Katerina Tse, Sylvia Chang, Laura Bicker.

Chủ biên chương trình BBC 100 Phụ nữ: Golnoosh Golshani.

Biên tập viên thực hiện: Claire Williams.

Biên tập viên ủy nhiệm: Fiona Crack.

Sản xuất cho các ban ngôn ngữ: Rafael Chacón, Pip Joy Carol Olona.

Minh họa: Lily Huynh, Prina Shah, Jenny Law, Matt Thomas, Pauline Wilson Oli Powell.

Phát triển: Scott Jarvis, Arun Bhari, Alexander Ivanov, Matthew Taylor Preeti Vaghela.

Bản quyền hình ảnh: Getty Images, Lauren Hurley/No. 10 Downing Street, Tracey Emin, Yoshimoto Entertainment, United World Wrestling, Stephanie King, Derrick Evans, Asta Kristjans, Shahnewaz Rocky, Annette Hornischer, Farhio Mohamed Hussein, Billsatya, Mohanad Elhussein, Mataara Stokes, Joe O’Shaughnessy, Tapas Mallick, @KuchuTimes, Melanoma Institute Australia, Christopher Michel, LeYa, M. Sven Torfinn, Mundele Badimubungi Alain, USA Archery, Daryna Lavrenko, Ko Oo, Alix McIntosh, Steve Gerrard, Kellys Portillo, Bangkok Pride, Mariana Castiñeiras, Diaspora Arts Connection, Acción Interna, Juan Pablo Orellana, Jean Francois Carly for Kathrine Hamnett/Samsung Global series, Paige Censale/Haitian Bridge Alliance, Gonzalo Marroquín, Raj Kumar Shrestha, Ravshan Musaev, HK studio, Lisa Palomino, Harold Levine, Media Wales, Nensi Ragab, Alexandre Nunis, Manon Obel/Clandestina, Hila Shiloni/Women of the Wall, Felix Speller/Design Museum, Kazım Kızıl, Hugo Mathy, Dmitry Aychuvakov, Ula Osman, NASA, Peter Giodano, Yero Adugna, Gauri Gill, Jumadyl Tokkojoev, Marco Conti Sikic, François Barrère, Social Fund for Development, Membley Studios, Greg C. Holland, Ben Cohen, Hagar Bader/Laba Impact House, nhân vật cung cấp.

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*