(Hình minh họa)
LẠI CHUYỆN CÁI ĐẦU
Tôi có một ông bạn mỗi năm về VN một lần, thăm quê hương là phụ, đi hớt tóc có ráy tai là chính.
Ông là người đã từng tuyên-bố sau Tứ-khoái, ráy tai xứng đáng được xếp vào hạng ngũ-khoái. Người nói, “Được nghe nhạc hay, được nghe ai khen mình đến sướng cả tai thì cái sướng đó là cái sướng thuộc về tâm-hồn. Còn được một sư-tổ chuyên ráy tai phục-vụ cái lỗ tai của mình thì cái sướng đó là cái sướng thuộc về thể-chất.”
Hoá ra, lỗ tai là bộ phận duy nhất trên cơ thể của chúng ta có được khả năng sướng cả hai mặt vừa phần hồn lẫn phần xác.
Khi tôi đang viết những dòng này thì ông bạn của tôi đang ở Saigon để cho cái lỗ tai của mình được hưởng cái sướng về phần xác.
Còn cái khổ về phần hồn thì phải chờ ngày ông về lại Mỹ gặp vợ rồi sẽ biết. Bà đã ghi vào sổ tay là ông về VN lo đám tang cho cha lần này là lần thứ ba.
Xin trở lại chuyện tóc tai của tôi.
Tôi phải cám ơn vợ tôi rất nhiều đã chăm sóc cho cái đầu tóc của tôi trong suốt gần bốn mươi năm chung sống với nhau.
Nàng là người đã cắt tóc cho tôi.
Tôi vốn bị dị ứng với các tiệm hớt tóc, sau một lần xui xẻo bị cái tondeuse điện của một bác thợ hớt tóc lên cơn suyễn gọt mất đi một mảng tóc lớn trên cái đầu của một thằng nhỏ ngây thơ vừa bước chân vào bậc trung học kia.
Lần đó tôi đã phải bỏ học một ngày ở nhà, cứ nhìn vào gương là khóc thét lên, và sau đó đã phải đội nón suốt ngày hơn một tháng trời để chờ cho tóc mọc lại.
Vợ tôi không dùng tondeuse, chỉ tỉa tóc tôi bằng kéo, rất an toàn. Nàng biết tôi và tondeuse không thể ở chung một nhà.
Khi đi uốn tóc, chỉ ngồi nhìn các cô thợ hớt tóc chuyên nghiệp dùng kéo tỉa tóc cho khách thôi mà vợ tôi học được cách cắt tóc cho tôi.
Chỉ quan sát không thôi mà bắt chước làm được thì phải công nhận vợ tôi giỏi thật.
(Rất tiếc nàng không thấy có cô thợ hớt tóc chuyên nghiệp nào ở Mỹ ráy tai cho khách cả, cho nên tôi phải tự ráy tai lấy.)
Vợ tôi cắt tóc tôi theo góc nhìn thẩm mỹ của nàng, không đẹp lắm theo ý muốn của riêng tôi.
Tôi có than phiền một đôi lần.
Nàng trêu tôi người xấu trai thì hớt kiểu nào cũng xấu thôi. Tôi trêu nàng thiếu óc thẩm mỹ. Vợ tôi ngồi chịu chết không cãi lại được.
Cãi sao được khi tôi nói quá đúng, “Nếu em có óc thẩm mỹ, em đã không chọn tôi.”
Một anh bạn khuyên tôi nếu thật tình muốn vừa ý một trăm phần trăm với cái đầu tóc của mình, chính mình phải tự cắt tóc cho mình.
Tôi nghe rất có lý. (Riêng “Nghiệp đoàn thợ hớt tóc toàn cầu” thì phản đối kịch liệt.)
Anh bạn tôi giới thiệu tôi với thằng em trai của anh, người tự mình cắt tóc cho mình.
Vừa thoạt nhìn, phải giật mình công-nhận thằng này có mái tóc tự cắt rất đẹp.
Nó nói, “Tự cắt tóc cho mình không phải là dễ, nhưng cũng không phải là khó lắm. Chỉ cần một cái kéo loại để cắt tóc thật bén, một cái lược và hai cái gương: một gương lớn nhà nào cũng có đã gắn sẵn trên tường để chúng ta nhìn vào đó mà cắt tóc phía trước, và mua thêm một cái gương nhỏ cầm tay, đứng xoay lưng lại gương lớn và nhìn vào gương nhỏ để thấy tóc phía sau của mình hiện lên gương lớn mà cắt. Đây là phần khó nhất vì phải đưa ngược tay ra phía sau, lại phải nhìn vào cả hai gương mới thấy được tóc ở phía sau của mình, và cắt rất trái tay nên không cẩn thận cắt trật như chơi.”
Tôi khen tóc cậu em cắt đẹp.
Sung sướng vì được khen (lỗ tai cậu đang sướng phần hồn), nó đề nghị hướng dẫn cho tôi cách tự cắt tóc, chỉ nửa giờ thực tập là có thể tự cắt được.
Với tôi, đây là giây phút sống chết. Cuộc đời tôi có thể thay đổi, bước qua một khúc quanh khác. Tôi phải thật bình tỉnh.
Tôi hít một hơi thật sâu và mạnh, nhìn thật thẳng vào hai mắt nó, không dám nhìn chệch đi một li, sợ phải nhìn thấy cái lỗ tai đầy sẹo của nó, cương-quyết trả lời, “Cám ơn em, nhưng rất tiếc anh không được khéo tay.”
Quí độc giả cũng sẽ từ chối như tôi thôi. Thằng này chỉ còn đúng có một cái lỗ tai. Đầy cả sẹo.
Quay lưng lại gương lớn, nhìn vào gương nhỏ để tìm thấy mái tóc phía sau của ta hiện trên gương lớn là một việc dễ làm. Nhưng quặt ngược một tay còn lại để cầm kéo tỉa tóc phía sau là một việc làm ngược hướng, trái tay, khó và nguy hiểm. Không nguy hiểm thì thằng em của bạn tôi đã không mất đi một cái lỗ tai.
Viết đến đây, tôi sực nhớ đến một điều. Đâu phải tự nhiên mà ông bà chúng ta mỗi khi nói đến tóc là luôn kèm thêm chữ tai. Thí dụ như, “Tóc Tai đàng hoàng, Tóc Tai bù xù, Tóc Tai dị hợm, Tóc Tai gọn gàng v..v..”
Cứ có chữ tóc là có chữ tai. Tại sao? Có thể ngày xưa cũng đã có những cái tai bị rơi rụng khi các cụ cắt tóc. Thiệt đúng là chuyện Tóc với Tai.
Từ sau lần gặp gỡ người chỉ còn một cái lỗ tai đầy sẹo đó, tôi hoàn-toàn giao cái đầu tóc của mình cho vợ lo, không đòi hỏi khen chê gì nữa.
Đầu tóc có không vừa ý một chút cũng không sao, miễn là tóc tai đàng hoàng, và nhất là hai tai còn đầy đủ để đeo kính, không phải mang contact lenses là được rồi.
* * *
Cả tháng không ăn ngoài, sáng nay tôi đưa vợ đi tìm phở để lót lòng.
Chắc chắn không phải loại “Phở” mà các ông thường tìm khi chán cơm. Ăn “Phở” loại này không ai đưa vợ đi theo. No exceptions!
Vừa ngồi vào bàn, một chị bồi bàn trông khoảng trên dưới 50 đến hỏi ngay vợ tôi,
“Chị dùng gì?”
Xong quay qua tôi,
“Bác dùng gì?”
Tôi đoán ra ngay vì sao tiệm phở này ngon mà lại vắng khách.
Phải cố-gắng khéo léo cho chị bồi bàn này một bài học mới được. Tôi ôn-tồn,
“Làm ơn cẩn thận trong việc xưng hô nghe! Chị gọi ai là bác?”
Chị bồi bàn trợn mắt nhìn tôi kỹ hơn, xong hốt hoảng,
“Lạy ông, xin ông tha lỗi cho con. Hôm nay con đi làm vội quá, bỏ quên mắt kính ở nhà!”
Tôi giật mình, thật không ngờ mình già đến như vậy.
Xưa nay cứ mãi chúi đầu chúi mũi vào đàn địch, thơ văn, TV và Internet, lại ít nhìn vào gương, tâm hồn thì còn quá trẻ trung, yêu đời cho nên tôi cứ tưởng mình còn trẻ lắm. Ai ngờ?
Hôm đó chị bồi bàn được tiền tip rất khá từ vợ tôi.
Ôi! Women!
Tôi thì khi đi ăn tiệm chỉ cho tip khá hơn bình thường nếu người bồi bàn bận quá để tôi phải chờ lâu, lúc đó tôi sẽ được đói hơn, và sẽ có dịp ăn ngon miệng hơn.
Càng chờ lâu tip càng nhiều!
Nhưng chờ đến đói lã gần ngất xỉu thì vợ tôi phải sẳn sàng gọi 911.
Đói đến gần ngất xỉu mà thấy đồ ăn ngon được dọn ra, ăn ngấu ăn nghiến vào thì trước sau gì cũng bị trúng thực mà chết. Từ dân gian gọi là chết tươi, tức là chết khi quá no. Khác với chết héo tức là chết khi quá buồn.
Trở lại chuyện chị bồi bàn được tip khá.
Hôm đó tôi cũng học được một bài học đáng giá.
Làm gì thì làm, đi đâu thì đi, phải chịu khó nhuộm tóc, và luôn luôn nhớ mang denture vào.
Cái răng cái tóc là gốc con người.
Lười nhuộm tóc và quên đeo răng giả vào là trông già trước tuổi ngay.
Nhất là khi mình đang ở trong cái lứa “Thất thập cổ lai hy”.
Lần đầu tiên khi tôi tự nhuộm tóc lấy cho mình, thiên hạ tưởng tôi nhuộm tai.
Thế là lại phải nhờ vợ mình nhuộm tóc cho mình.
Riêng cái denture thì tôi tự đeo lấy, không nhờ ai!
Chỉ có một lần duy nhất tôi phải nhờ vợ khi một sáng kia thức dậy kiếm denture không thấy, không nhớ đêm hôm trước sau khi nhậu nhẹt với bè bạn xong, trước khi đi ngủ mình tháo denture ra cất ở đâu. Hai vợ chồng lục tung nhà, cùng nhau kiếm mãi gần nửa tiếng đồng-hồ mà vẫn không thấy cái denture duyên dáng kia rơi rớt chốn nào.
Đến lúc quá thất vọng, sắp sửa gọi điện thoại hẹn với nha sĩ để đi làm một cái denture khác thì chính cái lưỡi của tôi đã rà soát và khám phá ra tối hôm qua trước khi đi ngủ tôi quên không tháo denture ra cất. Người vẫn còn nằm trong miệng của tôi, im như thóc, trong khi mình tìm người gần chết.
Vợ tôi không im như thóc. Nàng ngồi nhìn tôi cười ngặt nghẽo. Nhưng tuyệt đối không trách chồng một tiếng.
Thanksgiving ai tạ ơn ai tôi không biết.
Tôi thì tạ ơn vợ tôi.
Không phải vì nàng lo cho tóc tai của tôi, hàng tháng cắt và nhuộm tóc cho chồng đàng hoàng.
Tôi tạ ơn nàng vì cái đức tính bao dung không trách móc khi chồng ngậm denture chặt cứng trong miệng mà bắt vợ mình phải đi tìm nó.
Happy Thanksgiving!
Lê Xuân Cảnh
Thanksgiving 2024
Be the first to comment