Trọng Thành: Hiệp Định Mậu Dịch Với Liên Âu Giúp Hà Nội Độc Lập Với Bắc Kinh

Việt Nam – Liên Âu ký hiệp định thương mại ngày 30/06/2019

Les Echos có bài phân tích «Hiệp định tự do mậu dịch với Liên Âu: Một món quà trời cho với Việt Nam». Hiệp định thương mại tự do với Liên Hiệp Châu Âu là điều mà chính quyền Hà Nội chờ đợi từ lâu. Hiệp định tự do mậu dịch cho phép giảm đến 99% mức thuế nhập khẩu song phương, trong những năm tới (sau 7 năm nữa đối với hàng xuất khẩu Việt Nam). Việt Nam có thể tăng cường xuất khẩu nhiều mặt hàng có ưu thế, như hải sản, dệt may, hay nông phẩm.
Các đàm phán về mặt kỹ thuật đã hoàn tất từ năm 2015. Tuy nhiên, các cáo buộc về những vi phạm nhân quyền, quyền của người lao động, về bảo vệ môi trường tại Việt Nam đã làm chậm lại tiến trình phê chuẩn.
Theo nhà nghiên cứu Benoit de Tréglodé, giám đốc nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu chiến lược của trường Quân Sự Pháp (Irsem), hiệp định cho phép Hà Nội thoát khỏi thế kẹt trong cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Ngay trước thềm thượng đỉnh G20 ở Osaka, tổng thống Mỹ thậm chí còn lên án Việt Nam «còn tồi tệ hơn Trung Quốc về phương diện thương mại». Wahington cáo buộc Việt Nam là thủ phạm tình trạng nhập siêu trong thương mại song phương, với khoảng 4 tỉ đô la/tháng. Nhiều luồng hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ, mượn ngả Việt Nam, để tránh thuế, làm tăng vọt số lượng hàng Việt Nam xuất sang Mỹ trong những tháng gần đây.
Hiệp định tự do thương mại với Liên Âu rơi đúng vào một thời điểm quan trọng với Việt Nam. Năm 2020, Hà Nội sẽ trở thành thành viên không thường trực của Hội Đồng Bảo An, cùng lúc đảm nhiệm chức chủ tịch Hiệp Hội các Quốc Gia Đông Nam Á (Asean). Theo Les Echos, nhờ ở lợi thế này, Hà Nội có thể trụ được tốt hơn trước các áp lực từ Trung Quốc tại khu vực.

Hiệp định thương mại «tầm cỡ nhất» với một nước đang phát triển

Cũng về chủ đề này, Le Figaro có bài «Hiệp định mở cửa thị trường đầy hứa hẹn của Việt Nam cho châu Âu». Nhìn từ phía châu Âu, Le Figaro nhấn mạnh là cho dù Việt Nam vẫn được coi là «một nước nhỏ», nhưng «con hổ châu Á» này là đối tác thương mại thứ hai của Liên Âu tại khu vực, với khoảng 50 tỉ euro trao đổi thương mại năm 2017. Cùng với Singapore, Việt Nam là cánh cửa để châu Âu tiếp cận với các nước Asean. Ký kết hiệp định với Việt Nam là một giai đoạn quan trọng cho phép Liên Âu tính đến một hiệp định thương mại với toàn khối Asean.
Theo ủy viên thương mại châu Âu Cecilia Malmstrom, đây là «hiệp định thương mại tầm cỡ nhất được ký kết từ trước đến nay với một quốc gia đang phát triển». Cùng với hiệp định mậu dịch tự do, Bruxelles cũng sẽ ký kết với Hà Nội một hiệp định về bảo hộ đầu tư. Một khi được thông qua, hiệp định cho phép đầu tư châu Âu vào Việt Nam tăng vọt, trong đó đặc biệt đáng kể có các dự án cơ sở hạ tầng lớn.
Để đạt được một hiệp định với Liên Âu, Việt Nam đã phải cam kết phê chuẩn nhiều công ước quốc tế về quyền tổ chức nghiệp đoàn của người lao động, quyền thương lượng tập thể, cũng như tuân thủ các cam kết về Khí hậu.
Hai hiệp định nói trên còn phải đợi sự phê chuẩn của Nghị Viện Châu Âu (hiệp định mậu dịch tự do) hoặc của Quốc Hội từng quốc gia thành viên (hiệp định bảo hộ đầu tư). Hiện tại, chưa có thời điểm biểu quyết chính thức. Không ít dân biểu các nước châu Âu và thành viên Nghị Viện Châu Âu tuyên bố chống. Lý do là các nỗ lực không đủ về nhân quyền, cũng như về môi trường của Hà Nội. Nhiều người lo ngại, một khi các hiệp định kinh tế được thông qua, chính quyền sẽ không tiếp tục nỗ lực.

Trọng Thành
Theo RFI ngày 28-06-2019

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*