Chuyện Vãn: Bốn Cái Ngu, Xưa & Nay

Trong cuộc đời con người từ khi sinh ra cho đến chết có hàng trăm, hàng ngàn cái ngu bị vấp phải, chưa có ai tự hào chưa bị lần nào.

Triết gia La Rochefoucauld cho rằng: “Có ba thứ ngu dốt: không biết điều phải biết, biết không đúng điều đáng biết và biết điều không nên biết” trong đó bao hàm nhiều cái ngu xảy ra do đầu óc thiếu suy nghĩ chín chắn, thực hư, đúng sai và ôm đồm vượt khả năng, nhận thức.

Nói đến khôn/dại thì thiên hình vạn trạng, khi dấn thân vào công việc nào được thành công thì cho rằng khôn, nếu thất bại thì cho rằng dại, không biết đâu mà lường! Nhan nhản nhiều câu chuyện khôn/dại hằng ngày vẫn bắt gặp… Câu nói “Thất bại là mẹ thành công” thì ngược lại, cho thấy thất bại cũng là bài học để rút lấy kinh nghiệm để thành công. Vì vậy không nên võ đoán quá sớm việc xảy ra.

Nếu luận về dại/khôn theo từng quan niệm của mỗi người. Ngày xưa cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) với bài thơ Dại Khôn:

“Ở đời có dại mới có khôn,
Chớ dại ngu si, chớ quá khôn.
Khôn được ích mình, đừng để dại,
Dại thì giữ phận, chớ tranh khôn.
Khôn mà hiểm độc là khôn dại,
Dại ấy hiền lành, ấy dại khôn.
Chớ cậy mình khôn cười kẻ dại
Gặp thời dại cũng hoá nên khôn…”

Nhà thơ Trần Tế Xương (1870-1907) trong bài thơ Dại Khôn cho thấy:

“Thế sự đua nhau nói dại khôn
Biết ai là dại biết ai khôn?
Khôn nghề cờ bạc là khôn dại
Dại chốn văn chương ấy dại khôn
Này kẻ nên khôn đều có dại
Làm người có dại mới nên khôn
Cái khôn ai cũng khôn là thế
Mới biết trần gian kẻ dại khôn”

Trong tục ngữ ca dao ta từ xưa đã đề cập nhiều về chuyện khôn/dại trong đời sống, tình yêu, dựng vợ gả chồng…

Trở lại câu ca dao ngày xưa:

“Ở đời có bốn cái ngu
Làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu”

Trong cuộc đời này có tới hàng nghìn, hàng vạn cái ngu nhưng tại sao ca dao chỉ nhắc tới có 4 cái ngu: Làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu? Trong 4 cái ngu nầy xưa nay đã bàn luận nhiều rồi. Mà tại sao trong 4 cái ngu đó, đàn bà chỉ có 2 cái ngu (làm mai, lãnh nợ), đàn ông lãnh đủ cả 4 cái ngu với gác cu, cầm chầu.

Làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu

Làm mai thì dễ hiểu là làm mối cho người này lấy người khác. Khi vợ chồng hạnh phúc thì không sao, nhưng nếu lục đục, đổ vỡ thì họ thường lấy người làm mai làm mối ra mà trách mà chửi. Đúng là làm ơn mắc oán!

Ngày nay ở trong nước dịch vụ “làm mai, làm mối” ăn nên làm ra. Ông/bà mai mối như cáo già săn lùng với gái quê, gả cho tứ xứ cả đui què sứt mẻ cho hôn phu (điển hình như Tàu, Hàn, Đài Loan…) trong hoàn cảnh khôn cùng nhằm thoát khỏi nơi “bùn lầy nước đọng” sống chết mặc bay miễn là thu lợi nghề mai mối. Thành ngữ ta có câu “trai khôn dựng vợ, gái lớn gả chồng” nhưng trong môi trường ở trong nước thì trai khôn ở Hoa Lục, Hàn Quốc, Đài Loan… thì khôn lỏi vì họ (già, trẻ) không đủ điều kiện về tài chánh, công ăn việc làm và có khi thân thể bị khiếm khuyết nên không thể nào lấy được vợ bản xứ.

Theo báo chí trong nước cho biết trong các năm 2017-2022, tại Việt Nam có hơn 84,600 trường hợp kết hôn với người nước nước ngoài, trong đó Cần Thơ được ghi nhận xếp đầu danh sách tỉnh, thành trong 10 tỉnh ở miền Nam. Hầu hết các cuộc hôn nhân nầy qua mai mối… Báo chí cũng loan tin nhiều trường hợp lấy chồng ở những nơi nầy rơi vào tình trạng “nô lệ tình dục” và những tổ chức mai mối nầy thì “sống chết mặc bay”! Đây cũng là thảm trạng cho gái quê, gái nhà nghèo nghe lời dụ dỗ, hứa hẹn để thoát khỏi “ao tù nước đọng!”

Lãnh nợ là việc làm nghĩa, trung gian giữa người vay mượn và thân chủ cho vay như sự “bảo chứng” vô vụ lợi để có sự tin tưởng cho nhau… Người lãnh nợ thông thường là người có uy tín, có tài sản ở địa phương. Chẳng may con nợ không có điều kiện trả nợ hay con nợ tráo trở quỵt thì “trăm dâu đổ đầu tằm” lên người lãnh nợ vì vậy nên bị cho là ngu! Với hành động này hàm ý muốn nói đừng bao giờ nên dại dột vì cả nể mà tự dưng lãnh nợ cho người khác, các cụ ngày xưa xếp vào cái ngu thứ hai.

Ngày nay lãnh nợ được coi như “dịch vụ” ăn nên làm ra với ngân hàng, các tay trùm làm ăn… họ nắm cái cán với người vay nợ phải có tài sản (bất động sản, ruộng vườn…) thế chấp, nếu trễ nợ sẽ bị tăng tiền lời, không trả được thị siết nên không bị liệt vào ngu.

Ngày nay ở trong nước xảy ra nhan nhản trường hợp cho vay mà con nợ “dở khóc dở cười” trước thảm cảnh thế chấp!

Gác cu ngày xưa là thú vui bẫy và chơi chim cu. Để bẫy được chim cu, phải tốn nhiều công sức và thời gian để chọn, nuôi và thuần dưỡng con chim mồi để làm mồi bẫy con chim khác. Nuôi chim cu cũng xem tướng chim như gà đá từ hàng cườm trên cổ để đến tiếng gáy “đầu nhỏ, mỏ cong, cườm cao, giao cánh, ức nở.” Giọng chim cu gáy có 4 âm chính: âm thổ, âm đồng, âm son, âm kim. Lúc đầu tập gù, gáy cho chim từ miệng rồi sau đó dùng tiếng tiêu tập cho chim gáy bình thường và thúc “giục” khi có đối tượng.

Cầm chầu là người thủ vai đánh cái trống chầu trước sân khấu để khen, chê khi gánh hát bội trình diễn. Hát bội (hát bộ trong văn hóa nghệ thuật tuồng cổ Việt Nam xuất hiện vào thế kỷ thứ XIII đời nhà Trần). Vào thời triều Nguyễn, cụ Đào Tấn (1845-1907) nhà thơ, nhà từ khúc, nhà soạn tuồng xuất sắc của đất Bình Định, được sân khấu hát bộ cả nước tôn vinh là Hậu Tổ.

Thông thường người cầm chầu là người có chức sắc hay địa vị ở địa phương. Người cầm chầu chi trả số thẻ (lớn, nhỏ) để ban thưởng cho diễn viên trên sân khấu. Nếu cầm chầu đánh đánh “cắc” bên thùng trống có nghĩa là chê hát dở, còn nếu đánh nhiều nhịp “tùng” là khen hát tốt. Nếu người cầm chầu khen nhiều quá thì tung nhiều thẻ, chi nhiều tiền thưởng, nếu khen ít thì lại bị diễn viên (thường gọi là con hát cả nam – kép hát, lẫn nữ – đào hát) chê trách và cho là keo kiệt. Đôi khi diễn viên tinh ý, linh động trong vai diễn châm biếm đả kích người cầm chầu. Cầm chầu như “làm dâu trăm họ!”

Thuở nhỏ, tôi cùng bạn bè vì ham vui nên vài lần xem hát bội. Trên sân khấu có ban nhạc cổ truyền như chiêng, trống cơm, đàn nhị, đàn bầu, lục huyền cầm, sáo trúc, phách, chập chõa… Sân khấu lộ thiên có mái che ở giữa chợ được vây quanh hàng rào. Bọn tôi thường lân la nơi vị cầm chầu và  chỉ thích khi vai hề xuất hiện nên cũng hiểu đôi chút về bộ môn nầy.

Cách đây khoảng hai thập niên, khi đọc bài viết của nhà báo bàn luận dông dài nhưng thiếu thực tế, tôi viết phản hồi (feedback) về gác cu và cầm chầu.

Thuở nhỏ, vào dịp hè được về quê nên có dịp biết về gác cu và cầm chầu. Cạnh làng tôi có cụ Lê, ông có nhiều ruộng vườn giao cho tá điền canh tác, tuổi già tìm thú vui với gác cu. Ông dùng hai cây trúc lớn, gấp lại làm đòn gánh mang 4 cái bẫy (lồng cu). Ông cao lớn, trông rất quắc thước, khi vào làng tôi, tụi nhỏ chúng theo theo ông, ông vui vẻ cho đi theo và căn dặn nhớ ở xa xa, đừng gây tiếng động làm chim sợ. Khi ông nối hai cây trúc lại thành sào dài để treo 4 bẫy chim trên cây cao, lựa địa điểm kín đáo nhâm nhi rượu, trà. Khi nghe tiếng chim cu bên ngoài, ông dùng ống tiêu thổi cho chim cu trong lồng gáy, giục, Cũng như gà “ghét nhau vì tiếng gáy,” chim cu cũng vậy cho đến khi xáp lại vĩ sụp bẫy. Làm gì có chuyện gặp phải ổ kiến phải ráng chịu để cho kiến đốt, quên nắng tối, mặc cho muỗi đốt, quên ăn mất ngủ… như ông nhà báo vẽ vời cho cái ngu. Có lẽ người xưa cho rằng nghề gác cu tốn nhiều công sức, mất nhiều thời gian mà thu nhập chẳng bao nhiêu (?). Với tôi, đó cũng là thú tiêu khiển vì đó không phải là nghề kiếm sống, điển hình như cụ Lê. Ở làng quê có nhiều người chơi chim cu mồi làm bẫy, chim cu mồi tốt giá khá cao. Họ rất quý cu mồi như gà trống đá.

Đề cập loài chim cu rất dài, chỉ đơn cử có: Cu cườm, còn gọi là cu đất, có cườm ở cổ. Cu ngói, cổ không cườm, có một vạch đen quanh cổ. Cu xanh, còn gọi là cu rừng, vì toàn thân lông màu xanh lá cây. Đặc biệt cu gáy cổ có cườm bao hết vòng giáp cổ thì gọi là cườm liên hoàn, rất hiếm vì cả trăm con mới có được một con.

Dân chơi gác cu còn phân biệt: Nhất huỳnh kiên (chim có cườm màu vàng), nhì liên giáp (chim giống như một cái bắp chuối, hai đầu nhỏ, giữa phình ra, trông rắn chắc, gọn chặt), tam quá khóe (có chỉ màu đen chạy dưới khóe mắt), tứ chân khô (chân chim phải vuông cạnh và khô, vảy đóng hai hàng trơn, đóng chặt, nổi mốc lên), ngũ liên hoàn (cườm phải đóng giáp vòng hết cổ mới thật tốt) và lục cườm rựng (có thêm cườm lót, chim có gù hậu, gáy dai dẳng). Với giọng gáy cũng có các loại: Giọng trơn (cúc cu cu, mỗi lần gáy chỉ thốt lên 3 tiếng), giọng một (cúc cu cu… cu, có thêm một tiếng cu hậu), giọng hai (cúc cu cu… cu cu (có thêm hai tiếng cu hậu), giọng ba (cúc cu cu… cu cu cu (có thêm ba tiếng cu hậu ở đằng sau)… Cu mồi còn khả năng thúc (giục) khi nghe tiếng cu gáy bên ngoài nên khiêu khích “cu, cu… cu cu” cho đối tượng bay vào xáp chiến rồi sụp bẫy.

Cu trống và mái khó phân biệt nhau, chỉ có những người rành chơi về loại chim nầy mới phân biệt được.

Khác với làm mai, lãnh nợ, cầm chầu vì gác cu chỉ đơn thuần cá nhân, không liên quan, tai tiếng đến đối tượng thứ hai, thứ ba. Mỗi khi có người gác cu đến nơi nào sẽ có tiếng cu kêu cũng vui mà dân gian có câu:

“Cu kêu ba tiếng cu kêu.
Trông mau tới Tết dựng nêu ăn chè”.

Nếu gọi là nghề bắt cu thật sự (ngoài gác cu) còn có:

Bẫy úp là một cái vòm bằng lưới, bên trong nhốt con cu mồi và rải lúa, đậu để dụ chim sà xuống ăn. Con chim tham mồi nên mới vướng giò.

Bẫy dò là loại bẫy đơn sơ, một đòn tre ngắn như chiếc đũa vót rất mảnh, một đầu cắm xuống đất đầu kia làm một cái thòng lọng bằng sợi chỉ nhỏ mà bền. Không cần cu mồi, nếu có trong lồng cạnh bẫy thì càng tốt. Chim sà xuống ăn mồi bị vướng cổ hay chân không thoát ra được. Dò còn là loại bẫy cũng làm bằng que tre nhỏ, mỗi một đầu cắm xuống đất còn đầu kia trét nhựa dính, chim say mồi dính vào que nhựa.

Bẫy rập dùng hai tấm lưới dài lợp banh ra hai bên, ở giữa thì rải lúa, đậu và gài vài con chim mồi. Cu thấy thức ăn sà xuống cả bầy, người đánh bẫy lừa thế giật dây cho hai tấm lưới úp lại là bắt được tất cả.

Bẫy úp và bẫy dò không cần người phải rình rập nên rất thông dụng. Những người chơi chim cu cũng như vài loại chim khác trong lồng, treo ở hiên nhà có tiếng gáy, kêu, hót cũng vui cửa vui nhà. Có được vài cu mồi cho vào bẫy đi gác cu. Không hiểu người xưa lại khắt khe liệt vào 4 cái ngu ở đời?

Làm mai, lãnh nợ, cả tin, học đòi

Như đã đề cập ở trên, ngày nay làm mai, lãnh nợ không còn liệt kê vào 2 cái ngu như người xưa mà trở thành “dịch vụ” làm ăn của những kẻ khôn ngoan lọc lừa, tinh ranh để hưởng lợi. Riêng về hát bội thì nay không còn phổ biến trong nước. Nghệ thuật truyền thống nầy ngày càng mai một. kể từ thời tuổi thơ hơn sáu thập niên rồi chưa xem nên không biết có cầm chầu hay không?

Nay thì lạm bàn về cả tin, học đòi phù hợp với hiện tình xã hội.

Cả tin là nhẹ dạ, tin ngay một cách dễ dãi mà không cần suy xét. Trường hợp nầy nhan nhản xảy ra trong xã hội với nhiều khía cạnh. Ngoài trường hợp thiếu suy nghĩ chín chắn, cả nể bạn bè, người thân… hùn hạp làm ăn, đầu tư còn có vì lòng tham.

Cả tin thể hiện tư tưởng non kém để tin vào những thứ mơ hồ, không đúng, thiếu thực tế. Nhẹ dạ trước những lời cám dỗ, chiêu bài mánh mung mà không tiên đoán được hậu quả xảy ra như thế nào. Câu nói thông dụng nhất với người dân nghèo thành phố và người dân quê khi bị bệnh phải chữa trị “tiền mất tật mang” vì cả tin vào lời thầy lang, bùa chú, mê tín dị đoan rồi đành than thở!

Trong bài nầy đề cập đến sự việc xảy ra trong nước, điển hình như trường hợp bất động sản, nhiều công ty xây nhà, chung cư, quảng cáo rùm beng dự án để chiêu dụ thân chủ. Thủ tục đầu tiên thỏa thuận về các điều khoản ban đầu. Đặt cọc, tiền trả trước (down payment) tùy theo ấn định của chủ đầu tư, khách hàng đôi khi phải vay ngân hàng… Thế nhưng việc xây cất cứ ì ạch kéo dài, bỏ hoang; khách hàng mất cả chì lẫn chài, nếu có kiện tụng thì “bắt thang lên hỏi ông trời,” đôi khi họ khai phá sản thì đành ngậm bồ hòn!

Báo chí trong nước đã từng đề cập đến bong bóng bất động sản, sụp đổ đã gây ra hiệu ứng domino trong nền kinh tế.

Với thị trường chứng khoán ở VN sinh sau đẻ muộn vào năm 2000, được 6 năm thì năm 2008 thị trường chứng khoán thế giới sụp đổ kéo theo VN sụp trong vũng lầy!

Ở VN đã một thời gây xôn xao trong lãnh vực nầy, nhiều công ty thổi phồng doanh thu vì thiếu kiểm chứng, có lúc trở thành phong trào cả những người chẳng biết gì cũng nhảy vào đầu tư, đem bất động sản thế chấp rồi hậu quả với hai bàn tay trắng.

Trong bài viết gần đây của tôi về ca sĩ, minh tinh Doris Day:

“Năm 1951, Doris kết hôn lần thứ ba đúng sinh nhật tuổi 29. Chồng mới của bà là Martin Melcher, nhà sản xuất phim nổi tiếng. Ông hỗ trợ nhiều bộ phim thành công của Doris Day trong giai đoạn này. Martin cũng là người nuôi dưỡng và hướng Terry Melcher (con riêng của Doris Day với người chồng trước) trở thành ca sĩ vì vậy bà cả tin tấm lòng của người chồng.

Thế nhưng, sống cùng nhau tới khi Martin qua đời vào năm 1968. Đây cũng là cuộc hôn nhân dài nhất của Doris. Tuy nhiên, sau khi Martin mất, bà phát hiện chồng và đồng nghiệp đã mưu toan chiếm đoạt các khoản tiền cát-xê của bà trong suốt 17 năm chung sống. Lúc Martin còn sống, ông đầu tư làm ăn thất bại nhưng không cho vợ hay biết, ông cũng không nộp thuế thu nhập dù là nhà quản lý chính thức, do vậy Doris Day vào năm 45 tuổi lại lâm vào cảnh nợ nần chồng chất”.

Dẫn chứng trường hợp nầy, với người Việt ở Mỹ, vợ/chồng vì tin tưởng nên cả tin giao phó cho vợ/chồng mọi thu nhập, chi tiêu… chẳng may một trong hai mê đỏ đen rút hết tiền ở ngân hàng, cầm nhà, ly dị! Ở Việt Nam thì xảy ra như cơm bữa, ngoài cờ bạc còn ngoại tình để nuôi người khác!.

Có những mẫu chuyện phổ biến nhiều trên internet “cười ra nước mắt,” là cả tin, nhẹ dạ hay ham hố với mấy lão ông “trâu già gặm cỏ non” bảo lãnh sang Mỹ vài năm rồi nàng ẵm gói sang ngang, nhiều nhất là quy cố hương, gom góp tiền của dành dụm mua nhà, xe với chủ quyền của nàng rồi nàng de số lui đành chui vào gác trọ!

Với câu chuyện có thật dân Nha Trang đều biết và đồng nghiệp (nhà giáo & đồng môn SPQN) ở Mỹ cũng biết nên ghi ra đây. Có ông nhà văn, năm nay cũng trên tám bó, khi ông ở tù, 5 đứa con đi học, trong số đó có học sinh của cô giáo. Khi cô biết hoàn cảnh quá tội nghiệp nên đến nhà thân mẫu ông, tình nguyện đem các cháu về nuôi nấng, dạy dỗ. Sau khi ra tù, ông cảm kích tấm lòng nhân hậu của người mẹ nuôi và thành vợ chồng.

Giữa năm 1990, gia đình ông được tỵ nạn tại miền Đông Hoa Kỳ. Sau thời gian hưởng trợ cấp, với số tiền bán căn nhà ở Nha Trang để mua nhà ở Mỹ. Vì cả tin chồng nên tất cả mọi việc chi thu đều giao phó cho ông. Thỉnh thoảng vợ chồng về thăm quê, sau đó bà bị bệnh tim và đau cột sống nên chỉ có ông thường về Nha Trang. Lần sau cùng, ông rút hết tiền từ căn nhà về ở Nha Trang, lấy cô vợ bán cà phê cóc ở góc đường, nhà văn làm bồi bàn. Sau khi nhận được thông báo của ngân hàng bà sững sờ, hụt hẫng. Các con của ông rất quý ân tình của mẹ nuôi nên muốn đem bà về nhà tịnh dưỡng nhưng bà từ chối, đành share căn phòng của người bạn. Bệnh tình của bà ngày càng trầm trọng nên các em bà yêu cầu bà về lại Nha Trang chung sống nhưng thời gian ngắn đã qua đời.

Học đòi là bắt chước, a dua, theo đòi trong cuộc sống xã hội. Trong triết học đề cập đến mặc cảm tự ti (inferiority complex) cảm thấy bản thân thua kém, hèn yếu và mặc cảm tự tôn (inferiority complex) cao ngạo, xem mục hạ vô nhân. Những kẻ bị mặc cảm tự ti khi có cơ hội may mắn thay đổi cuộc đời thường tự tôn, không khiêm nhượng mà khoa trương, khoác lác.

Văn hào Moliere Pháp (1622-1673) trong vở kịch ngụ ngôn Le Bourgeois gentilhomme (Trưởng Giả Học Làm Sang) phê phán thói rởm đời, a dua của người có chút tài sản muốn đổi đời nên “bắt chước làm sang” tự xếp mình vào hàng danh giá. Tác giả phác họa hình ảnh kẻ học đòi nầy trở thành trò cười cho thiên hạ.

Nhà văn Huy Phương viết: “Thời nay, trong xã hội Việt Nam, bọn “trưởng giả học làm sang” này xuất hiện đầy dẫy. Chúng ở trên rừng về, tuy còn “nón cối dép râu,” ngồi kiểu nước lụt, nhưng nghênh ngang chẳng xem ai ra gì! Đi “ô tô con” thì phía trong cửa xe giăng một sợi dây để treo chiếc khăn lau mặt “màu cháo lòng.” Ăn uống thì phải chọn thứ đắt nhất, “thuốc lá có cán, cà phê sữa đá, soda hột gà…” Vào tiệm ăn, thì phải chọn thứ đắt nhất, không cần biết đến ngon dở, tìm những thứ quý hiếm như trăn, nhím, mễn… rượu bào thai, rượu rắn. Có người thường dùng phở với trứng gà, nhưng bọn trưởng giả này, bún bò cũng có trứng gà vào cho sang.

Sau này cứ nhìn vào những biệt phủ sang trọng, có cái kiểu Pháp, có cái kiểu Ý…, càng “ngoại” càng sang. Cách trang trí trong nhà thì kệch cỡm, quê mùa, với những bộ bàn ghế thật đắt làm bằng gỗ quý, chạm trổ rồng phượng công phu…

Một quan chức lớn là gương xây biệt phủ, xe đắt tiền, trang trí trong nhà không thua gì các cung điện, thì hàng quan chức có quyền lực cũng không chịu thua. Mà khổ một nỗi, cái khiếu thẩm mỹ của các ngài cán bộ đỏ vừa “nhà quê,” vừa rẻ tiền, trông kệch cỡm. Một bộ bàn ghế phải là từ thứ gỗ quý, do tay những người thợ cao cấp, đẽo gọt, chạm trổ, ngồi hẳn là đau lưng, đau đít, nhưng khiếu thẩm mỹ của thủ trưởng hẳn là xứng đáng với chức vụ, bổng lộc…

Phong cách, lối sống không phải là cái gì trừu tượng, khó hiểu, mà nó được thể hiện, bộc lộ từ trang phục, đồ dùng sinh hoạt cá nhân đến thái độ, hành vi ăn, mặc, ở, nói năng, đi lại, tiêu dùng, giải trí chẳng giống ai…”

Trong khi ở Nhật, có nhiều đại gia khi sống chung với hàng xóm, nhà cửa vẫn vậy để hòa đồng với nhau. Trường hợp ở Mỹ như David Green – sáng lập kiêm CEO của hãng bán lẻ đồ mỹ nghệ Hobby Lobby, tài sản có $6 tỷ. Ông vẫn thích đi máy bay hạng bình dân. Thay vì vung tiền để sống cho ra vẻ thượng lưu thì dành phần lớn tài sản của mình vào các hoạt động từ thiện.

Tác phẩm Số Đỏ của nhà văn Vũ Trọng Phụng (1912-1939) đăng trên Hà Nội báo từ số 40 ngày 7 tháng 10 năm 1936 và được in thành sách lần đầu vào năm 1938, với 20 chương (Tác phẩm Số Đỏ bị cấm lưu hành ngoài miền Bắc trước năm 1975 và cả nước cho đến đến năm 1986 mới được tái bản).

(Hình: tác giả cung cấp)

Tác phẩm với nghệ thuật trào phúng xoay quanh nhân vật chính là Xuân – biệt danh là Xuân Tóc đỏ – từ chỗ là một kẻ bị coi là hạ lưu, đứa bé mồ côi cha mẹ từ nhỏ, phải kiếm sống bằng đủ thứ nghề như trèo me, trèo sấu, thổi kèn, quảng cáo thuốc lậu, nhặt banh ở sân quần vợt, bỗng chốc đã bước lên tầng lớp danh giá của xã hội nhờ trào lưu Âu hóa của giới tiểu tư sản Hà Nội khi đó. Theo Vũ Trọng Phụng:

“Lúc mới 9 tuổi, nó đã phải đi ở nhờ nhà một người bác họ, họ thúc bá. Bác nó nuôi nó thay đầy tớ và được cả họ khen là nuôi cháu bồ côi. Nhưng một hôm nó bị đánh một trận và bị đuổi đi. Bác gái nó tắm, nó đã khoét một chỗ phên nứa để nhìn! Từ đấy, thằng Xuân lấy đầu hè xó cửa làm nhà, lấy sấu ở các phố, cá hồ Hoàn Kiếm làm cơm. Nó đã bán phá xa [đậu phọng], bán nhật trình, làm chạy hiệu rạp hát, bán cao đơn hoàn tán trên xe lửa, và vài ba nghề tiểu xảo khác nữa”.

Câu chuyện bắt đầu khi bà Phó Đoan (sau lần bị lính Tây hiếp, bà trở thành “Me Tây” khi lấy ông phó nhà đoan chuyên đi bắt rượu lậu và cái tên Bà Phó Đoan bắt đầu từ đó) đến chơi ở sân quần vợt nơi Xuân tóc đỏ làm việc lượm banh. Vì Xuân tóc đỏ xem trộm cô đầm thay đồ nên bị cảnh sát bắt giam và được bà Phó Đoan bảo lãnh. Sau đó, bà Phó Đoan giới thiệu Xuân đến làm việc ở tiệm may Âu Hóa, từ đó Xuân bắt đầu tham gia vào việc cải cách xã hội. Nhờ thuộc lòng những bài quảng cáo thuốc lậu, hắn được vợ chồng Văn Minh gọi là “sinh viên trường thuốc,” “đốc tờ Xuân.” Hắn gia nhập xã hội thượng lưu, quen với những người giàu và có thế lực, quyến rũ được cô Tuyết và phát hiện cô Hoàng Hôn ngoại tình. Xuân còn được bà Phó Đoan nhờ dạy dỗ cậu Phước, được nhà sư Tăng Phú mời làm cố vấn cho báo Gõ Mõ. Hắn gây ra cái chết cho cụ cố tổ nên được mọi người mang ơn. Văn Minh vì nghĩ ơn của Xuân tóc đỏ nên dẫn đi xóa bỏ lý lịch trước kia rồi ghi danh đi tranh giải quần vợt nhân dịp vua Xiêm đến Bắc Kỳ. Bằng thủ đoạn xảo trá, hắn làm 2 vận động viên quán quân bị bắt ngay trước hôm thi đấu nên Xuân được dịp thi tài với quán quân Xiêm. Vì để giữ tình giao hảo, hắn được lệnh phải thua. Kết thúc trận đấu, khi bị đám đông phản đối, Xuân hùng hồn diễn thuyết cho đám đông dân chúng hiểu hành động “hy sinh vì tổ quốc của mình”, được mời vào hội Khai Trí Tiến Đức, được nhận huân chương Bắc Đẩu bội tinh và cuối cùng trở thành con rể cụ cố Hồng.

Với bản chất láu cá, lưu manh nên Xuân tóc đỏ “có công” với cái chết của cụ cố tổ với tài sản kếch xù, những kẻ có quan hệ ruột rà với cụ chẳng làm cho con, cháu nào tiếc thương bởi đã từ lâu, họ mong cụ chết cho nhanh để chia gia tài. Thay vào sự tiếc thương, cái chết của cụ đã đem đến cho họ niềm vui to lớn không che giấu nổi: “Cái chết kia đã làm cho nhiều người sung sướng lắm. Bọn con cháu vô tâm ai cũng vui sướng thoả thích… Người ta tưng bừng vui vẻ đi đưa giấy cáo phó, gọi phường kèn, thuê xe đám ma…”

Đám tang được tổ chức chẳng khác nào một ngày hội nhố nhăng, hổ lốn. Đám ma được làm theo cả lối Ta, Tàu, Tây, có đủ cả kiệu bát cống, lợn quay… đi lọng, vài ba trăm câu đối, bức trướng, vòng hoa phúng điếu, vài trăm người đưa đám nghiêm nghị, thành kính đi sát ngay sau linh cữu cụ, trong đủ thứ tiếng kèn huyên náo: kèn ta, kèn Tây, kèn Tàu, có cả âm thanh chói tai, rộn rã…

Người dân hai bên đường đổ xô ra xem đám ma như xem một sự lạ. Đám ma to đến nỗi những người trong tang gia cảm thấy hết sức sung sướng và hàng phố nhốn nháo cả lên khen đám ma to như khoa trương sự giàu có với thiên hạ!

Xuân tóc đỏ xuất hiện, đẩy sự lố lăng, dị hợm của đám ma, hắn chọn đúng lúc để có mặt, trước sự chú ý của mấy trăm con người và gây chú ý với hai vòng hoa đồ sộ, sáu chiếc xe kéo sang trọng.

Xuân tóc đỏ có công “giết chết cụ cố tổ” và đem lại “hạnh phúc” cho con cháu của cụ. Bởi sau cái chết của cụ cố tổ, mọi thành viên trong gia đình ai cũng được hưởng lợi. Dòng cuối của tác phẩm với hình ảnh:

“Ông thầy số vô duyên cứ nói lè nhè cụ Hồng nhắm mắt lại, ho lụ sụ lên một cách cổ điển, ôm ngực mà khặc khừ:
– Biết rồi! Biết rồi! Khổ lắm!… Nói mãi!”
.

Đúng là chuyện đổi đời lố bịch chỉ làm trò cười cho thiên hạ.

Trước năm 1975, Số Đỏ phổ biến ở miền Nam VN nên rất quen thuộc vì vậy khi mỉa mai cá nhân nào “vô tài bất tướng” gặp thời rồi làm đởm nên gọi là “Xuân tóc đỏ”. Nói như nhà văn Huy Phương thì ngày nay ở trong nước nhan nhản loại nầy từ Bắc vô Nam. Với đàn ông gọi là vậy còn đàn bà hay đeo đòi, a dua…

Trong văn chương có nhiều tác phẩm đề cập đến cả tin và học đòi. Với cả tin, nhiểu mẩu chuyện vợ chồng, giao phó tài sản, tiền bạc cho người chồng, người vợ nhưng chẳng may, một trong hai người dối trá, biển lận như “giao trứng cho ác” rồi nhận lấy hậu quả thảm thương. Và thói a dua, học đòi theo thời thế cũng chẳng hay ho gì ở những kẻ ham hố chơi trội, ham hố chạy đua kiểu “thời thượng”… bị thiên hạ mỉa mai và xem thường.

Chuyện Vãn: Bốn Cái Ngu, Xưa & Nay… theo thời gian và hoàn cảnh xã hội đã thay đổi vì “sông có khúc, người có lúc” bởi chuyện đời là thế.

(Little Saigon, November 2024)

Vương Trùng Dương
Theo https://saigonnhonews.com ngày 6/11/2024

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*