
Thực phẩm bị nhiễm bẩn từ McDonald’s, Boar’s Head và nhiều nơi khác đang khiến người dân Mỹ bị bệnh. (Hình của Michael M. Santiago/Getty Images)
Vi khuẩn E. coli liên quan đến McDonald’s Quarter Pounders đã lan rộng ra 10 tiểu bang và khiến 49 người bị bệnh — mặc dù CDC cho biết con số thực tế có thể cao hơn. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) đang điều tra hamburger Quarter Pounder của McDonald’s sau khi có báo cáo rằng đợt bùng phát vi khuẩn E. coli liên quan đến loại bánh mì này khiến người dân Mỹ bị bịnh. Cuộc điều tra hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm liên quan đến thịt nguội, bánh quế, trứng (deli meat, waffles, eggs) và các loại thực phẩm khác bị nhiễm vi khuẩn E. coli, listeria và salmonella đã gây ra tình trạng thu hồi sản phẩm, hàng trăm ca nằm bịnh viện và thậm chí tử vong trên khắp Hoa Kỳ.
Có hai lý do chính cho sự gia tăng gần đây trong các thông báo về thực phẩm bị nhiễm độc.
Một là, hệ thống thực phẩm của Hoa Kỳ đã trở nên rất phức tạp trong những thập niên gần đây: Hiện nay có nhiều thực phẩm nhập cảng cũng như nhiều thực phẩm chế biến cao hơn, tạo ra nhiều cơ hội hơn cho bệnh tật xâm nhập vào hệ thống thực phẩm.
Thứ hai, chính phủ có khả năng truy xét tốt hơn và nhanh hơn, nhờ vào luật hiện đại hóa an toàn thực phẩm. Điều đó giúp Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (Food and Drug Administration) và Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, hai cơ quan điều tra các đợt bùng phát như vậy, dễ dàng hơn trong việc theo dõi các vấn đề đến tận nguồn gốc của chúng. Nó cũng giúp các công ty dễ dàng thu hồi (recall) các sản phẩm bị nhiễm độc trước khi chúng lan rộng hơn vào hệ thống thực phẩm và gây bệnh cho nhiều người.
Sau đây là những điều bạn cần biết về các trường hợp ngộ độc thực phẩm gần đây nhất và lý do tại sao các đợt bùng phát này lại xảy ra.
Những bệnh nào đang làm ô nhiễm thực phẩm và ở đâu?
Vấn đề mới nhất về thực phẩm bị nhiễm bẩn là ở McDonald’s, nơi vi khuẩn E. coli liên quan đến hamburger Quarter Pounders đã lan sang 10 tiểu bang và khiến 49 người bị bệnh — mặc dù theo CDC , số người thực sự bị bệnh có thể cao hơn nhiều. Nguồn gốc chính xác của đợt bùng phát đang được điều tra, nhưng CDC tin rằng hành tây hoặc thịt bò được sử dụng trong hamburger có thể là nguyên nhân.
E. coli, một loại vi khuẩn, tự nó không nguy hiểm. Như Amesh Adalja, học giả cao cấp tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins, đã nói với Vox, “Bạn có E. coli trong cơ thể. Tôi có E. coli trong cơ thể” (trong đường tiêu hóa). Vấn đề là, một số chủng vi khuẩn khiến con người bị bệnh và đặc biệt nguy hiểm khi chúng xâm nhập vào nguồn nước. Nước bị ô nhiễm được sử dụng để tưới có thể làm ô nhiễm thực phẩm. Các chủng vi khuẩn gây chết người cũng có thể xâm nhập vào các sản phẩm thịt, đặc biệt là thịt bò xay. E. coli cũng có thể lây lan qua tiếp xúc giữa người với người.
Ngoài ra Listeria, loại vi khuẩn lây lan dễ dàng và nhanh chóng và chỉ có thể bị tiêu diệt bằng cách đun nóng thực phẩm ở nhiệt độ cao, đã dẫn đến việc thu hồi vào thứ sáu một loạt các loại bánh quế (waffles) được sản xuất cho các siêu thị. Điều này diễn ra sau khi một loạt các sản phẩm thịt gà tại các cửa hàng tạp hóa như Trader Joe’s và Aldi bị đánh dấu để thu hồi do lo ngại về vi khuẩn listeria liên quan đến BrucePac, một nhà sản xuất thịt đã nấu chín trước.
Cả hai đợt thu hồi đều diễn ra sau đợt bùng phát vi khuẩn listeria trong các sản phẩm thịt của Boar’s Head, bao gồm cả xúc xích gan, được sản xuất vào tháng 6 và tháng 7. Dịch bệnh bắt nguồn từ hãng Jarratt, Virginia của công ty ở 19 tiểu bang. Theo CDC, cho đến nay, dịch bệnh đã giết chết 10 người trong số 59 ca bệnh đã biết. Những lo ngại về điều kiện mất vệ sinh tại hãng, bao gồm nấm mốc, sâu bọ, và thịt và chất béo còn sót lại trên thiết bị, sàn nhà và tường đã có từ ít nhất hai năm trước.
Boar’s Head buộc phải thu hồi 71 sản phẩm và 7,1 triệu pound thịt nguội do hậu quả của đợt bùng phát. Công ty đã đóng cửa hãng Jarratt vô thời hạn và ngừng sản xuất xúc xích gan vĩnh viễn.
Vi khuẩn thứ ba đáng lo ngại, salmonella, làm ra một đợt thu hồi trứng vào tháng 9 cũng như một đợt thu hồi gần đây hơn đối với hành lá. Nó đến từ gia cầm, như gà và trứng, nhưng nó cũng có thể nhiễm trong các loại thực phẩm khác. Vào năm 2024, các đợt bùng phát salmonella có liên quan đến trứng, húng quế, thịt charcuterie và dưa chuột. Các đợt bùng phát liên quan đến trứng và thịt charcuterie có số ca nằm bịnh viện cao nhất và mỗi đợt lan rộng đến hơn 30 tiểu bang.
“Nếu bạn đến cửa hàng tạp hóa ngay bây giờ và mua một ít thịt gà, bạn sẽ tìm thấy vi khuẩn salmonella,” Adalja nói. “Nó có thể gây bịnh dễ dàng, nếu không nấu thức ăn đúng cách. Nó thậm chí có thể xảy ra trong chính ngôi nhà của bạn; bạn không nấu chín hoàn toàn hoặc bạn cắt gà trên thớt và sau đó bạn dùng cùng tấm thớt cắt rau diếp hoặc thứ gì đó. Đó là lây nhiễm chéo.”
Tại sao E. coli, listeria và salmonella lại là nguyên nhân gây lo ngại như vậy?
Nhiễm trùng Listeria, salmonella và E. coli đặc biệt đáng lo ngại đối với các nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ mang thai, trẻ em và người trên 65 tuổi. Những người khỏe mạnh ít cần điều trị.
Tuy nhiên, như dịch bệnh Boar’s Head đã chỉ rõ, những loại vi khuẩn này có thể dẫn đến các trường hợp nghiêm trọng hơn và thậm chí tử vong. Listeria gây ra khoảng 1.500 ca vô bệnh viện mỗi năm, salmonella gây ra khoảng 26.500 ca và E. coli gây ra khoảng 3.300 ca.
Listeria là mối quan tâm đặc biệt vì nó “chỉ là tác nhân gây bệnh độc hại hơn nhiều khi nói đến nhiễm trùng so với, ví dụ, vi khuẩn salmonella”, Adalja cho biết. “Nó phát tán rất nhanh và đôi khi không gây ra các dấu hiệu báo trước làm người ta nghĩ đến bệnh do thực phẩm gây ra: nôn mửa và tiêu chảy. Listeria có thể không gây ra điều đó. Nó chỉ có thể biểu hiện dưới dạng nhiễm trùng toàn thân hoặc viêm màng não.”
Dưới đây là danh sách các triệu chứng mà từng loại vi khuẩn này có thể gây ra và ai có nguy cơ cao nhất:
Vi khuẩn Listeria
- Triệu chứng: Sốt, đau nhức cơ, buồn nôn và tiêu chảy
- Những người có nguy cơ cao nhất: Người mang thai, trẻ sơ sinh, người trên 65 tuổi và những người có hệ miễn dịch suy yếu
- Biến chứng nghiêm trọng: Listeria có thể gây sảy thai và thai chết lưu ở phụ nữ mang thai, cũng như nhiễm trùng nghiêm trọng ở trẻ sơ sinh. Ngoài ra, nó có thể dẫn đến nhiễm trùng máu và nhiễm trùng não như viêm màng não ở người lớn. Các triệu chứng bao gồm co giật, cứng cổ và đau đầu dữ dội có thể là dấu hiệu của viêm màng não.
- Điều trị: Thuốc kháng sinh
Salmonella
- Triệu chứng: Tiêu chảy, sốt, buồn nôn và chuột rút
- Những người có nguy cơ cao nhất: Trẻ em dưới 5 tuổi, trẻ sơ sinh, người trên 65 tuổi, người có hệ miễn dịch suy yếu, người dùng thuốc làm giảm axit dạ dày
- Biến chứng nghiêm trọng: Có thể có nhiễm trùng hiếm gặp ở các bộ phận khác của cơ thể bao gồm gan và hệ thần kinh. Một số người cũng có thể bị viêm khớp phản ứng, biểu hiện là đau khớp.
- Điều trị: Thuốc kháng sinh có thể được sử dụng cho các trường hợp nghiêm trọng và khuyến cáo nên truyền dịch để giải quyết tình trạng mất nước tiềm ẩn.
Vi khuẩn E. coli
- Triệu chứng: Đau bụng, tiêu chảy và nôn mửa
- Những người có nguy cơ cao nhất: Trẻ em dưới 5 tuổi, người trên 65 tuổi và những người có hệ miễn dịch suy yếu
- Biến chứng nghiêm trọng: Một tình trạng hiếm gặp có thể dẫn đến tổn thương thận.
- Điều trị: Nên uống nhiều nước để giải quyết tình trạng mất nước.
Tại sao lại có đợt thu hồi thực phẩm hàng loạt như hiện nay?
Các cảnh báo mới nhất góp phần vào sự gia tăng ổn định trong các đợt thu hồi thực phẩm kể từ khi đại dịch xảy ra. Theo báo cáo từ Nhóm nghiên cứu vì lợi ích công cộng Hoa Kỳ, một nhóm bảo vệ người tiêu thụ, vào năm 2023, tổng số đợt thu hồi thực phẩm và cảnh báo sức khỏe cộng đồng của USDA và FDA là cao nhất trong vài năm trở lại đây. (Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn so với giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2020.)
Những đợt thu hồi này phần lớn là do các công ty không tiết lộ đầy đủ về các chất gây dị ứng trong các loại thực phẩm khác nhau, một phần nhỏ là do phát giác ra vi khuẩn trong các sản phẩm. (USDA và FDA cho biết số lượng sản phẩm thực phẩm mà họ thu hồi trong năm 2024 không tăng so với năm 2023.)
Sự thịnh hành của thực phẩm chế biến sẳn, là nguồn chính của các tác nhân gây bệnh như vậy. Và việc xét nghiệm nhiều hơn có nghĩa là các cơ quan chức năng có thể xác định những vấn đề này thường xuyên hơn. Darin Detwiler, chuyên gia chính sách thực phẩm tại Đại học Northeastern, phát biểu với Vox rằng: “Hệ thống cung ứng của chúng ta đã trở nên phức tạp đến mức ngày càng có nhiều điểm mù bị bỏ qua trong toàn bộ hệ thống”.
Ngoài ra, các cơ quan chính phủ cũng ngày càng sử dụng nhiều hơn các xét nghiệm chẩn đoán không phụ thuộc vào nuôi cấy, chúng nhạy hơn kết quả nhanh hơn các phương pháp trước đây. Việc sử dụng rộng rãi các xét nghiệm này góp phần tạo nên cảm giác rằng có nhiều đợt bùng phát hơn đang diễn ra.
Công nghệ thông tin cũng đóng một vai trò, Detwiler lưu ý. FDA đang thúc đẩy số hóa nhiều hơn trong việc theo dõi các đợt bùng phát bệnh do thực phẩm, cho phép phản ứng nhanh hơn với vấn đề này.
Có thể có hậu quả đối với những người chịu trách nhiệm về các đợt bùng phát, mặc dù thường là dưới hình thức phạt tiền, có thể không đáng kể đối với các tập đoàn lớn. Boar’s Head đang phải đối mặt với một loạt các vụ kiện liên quan đến đợt bùng phát vi khuẩn listeria, và Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, cơ quan chịu trách nhiệm kiểm tra các hãng sản xuất thực phẩm, hiện đang phải đối mặt với một cuộc điều tra nội bộ về vai trò của mình.
Detwiler cảnh báo rằng: “Mặc dù gánh nặng đảm bảo thực phẩm an toàn phải thuộc về các công ty sản xuất và chế biến thực phẩm, cũng như các cơ quan chính phủ có nhiệm vụ thanh tra, người tiêu thụ nên nhận thức rõ hơn về những rủi ro do thực phẩm gây ra.”
Ông nói: “Chúng ta cần phải thừa nhận rằng thực phẩm luôn bị ô nhiễm. Chúng ta luôn phải cảnh giác về… nơi chúng ta mua, những gì chúng ta mua, những gì chúng ta ăn, cách chúng ta chế biến thực phẩm, những câu hỏi chúng ta đặt ra, những thứ đại loại như vậy, để trở thành một bên liên quan trong quá trình đó nữa”.
Ngày 23 tháng 10 năm 2024
Nguồn tin và chi tiết: https://www.vox.com/food/379474/mcdonalds-e-coli-boars-head-listeria-salmonella-outbreak?
Be the first to comment