Ô Kìa Ai Như ‘AI’… ?!

Bức tranh của Van Gogh tạo bởi sự hỗ trợ của AI Nightcafe Creator. (Ảnh: Nightcafe)

Năm 1816, khi nhà phát minh người Pháp, Joseph Nicephore Niepce thành công chế tạo ra chiếc máy ảnh bằng gỗ có gắn thấu kính, cũng là lúc nghề vẽ tranh truyền thần của những họa sĩ thời đó bắt đầu gặp nguy hiểm. Đến khi công nghệ chụp ảnh hoàn hảo hơn ra đời vào khoảng 1839, thì những người vẽ tranh chân dung dần dần… thất nghiệp.

Lịch sử đang lặp lại, như một bước nhảy tự tái tạo cho một thế hệ mới, lần này, bao hàm rộng hơn với sức công phá mạnh hơn.

Năm 2001, tôi về Việt Nam lần đầu tiên, với chiếc máy ảnh kỹ thuật số Canon 2.1 megapixel. Vương Cung Thánh Đường ở trung tâm Sài Gòn vẫn còn nhiều những bác “phó nháy” mang trên người từ một đến ba cái máy ảnh to kềnh – chụp bằng phim – túc trực từ sáng đến chiều tối. Dù lúc đó, máy ảnh dùng thẻ nhớ bắt đầu nhen nhúm chen chân chiếm không gian của kỹ thuật phòng tối, nhưng nghề chụp ảnh dạo vẫn còn ở “thời kỳ vàng son” của nó. Câu thần chú “ba, hai, một” vẫn nghe thấy ở khắp khuôn viên trước nhà thờ. Hình ảnh các bác “phó nháy” ngồi trên bệ cỏ, mở lon gi-go cơm mang theo để ăn trưa, hay những nhóm sinh viên Mỹ Thuật, Kiến Trúc chăm chú ký họa trước Dinh Độc Lập cũ vẫn còn là một trong những hình ảnh hiếm hoi còn sót lại của Sài Gòn cũ.

Khi đó, dù là nhiếp ảnh hay hội họa, thì quá trình sáng tác và thành quả vẫn là một đặc ân tạo hóa dành riêng cho con người và đòi hỏi rất nhiều kỹ năng mềm chỉ có ở con người. Giờ đây, trong kỷ nguyên kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo (AI) đang phát triển thần tốc. Công cụ AI vẽ tranh đang được dùng phổ biến và ứng dụng nhiều vào thực tế. Chỉ vài cái nhấp chuột, một bức tranh màu sắc, có chủ đề, đúng kích thước mong muốn, hiện ra ngay. Thậm chí, nó còn được gọi là một “tác phẩm” của Van Gogh hay họa sĩ vĩ đại nào đó của thế giới.

AI vẽ tranh là công cụ tạo ra những bức tranh dựa trên yêu cầu của người dùng. Việc này thực hiện theo nhiều cách, nhưng phổ biến nhất là đào tạo thuật toán AI trên một tập dữ liệu lớn về các bức tranh hiện có. Sau đó thuật toán sẽ học cách xác định các mẫu và đặc điểm tạo nên những bức tranh này và cũng có thể sử dụng kiến thức này để tạo ra những bức tranh mới có phong cách tương tự.

Vấn đề còn lại là của những ai muốn trở thành một Pablo Picasso, một Michelangelo, hay một Van Gogh… hay chí ít cũng muốn tạo ra một “tác phẩm” mang hơi hướm của những họa sĩ này… Với AI, họ có thể là một Picasso đơn giản mà phức tạp vào buổi sáng và một Dalí điên loạn và huyền bí vào buổi chiều.

Bất cứ ai cũng có thể tạo ra một sản phẩm AI? Câu trả lời là ĐÚNG. Chỉ cần một chút quan sát, một chút kiên nhẫn, một chút tò mò, bạn có thể sử dụng AI để tạo ra các sản phẩm cơ bản bằng cách “gõ lệnh” hoặc kê mẫu của các tác phẩm gốc.

Khi nhà thiết kế đồ họa Eyal Carmi ở Tel Aviv, Israel, đưa vào trang Paintings những tấm ảnh chân dung lập thể với những nét cọ độc đáo, sắc đến từng mm, ngay lập tức nhiều tin nhắn để lại: “Anh đã dùng văn bản (prompts) gì? Có thể cho tôi mã của những văn bản đó được không?” Eyal hào phóng gửi cho mọi người trong nhóm những câu lệnh anh đã viết.  Kết quả là hàng loạt tấm tranh mang phong cách “song sinh” ra đời.

Điều này cũng đặt ra câu hỏi nghệ thuật tốt và xấu, nghệ thuật là gì và nghệ thuật này có độc đáo không?

Nếu một người nghệ sĩ sử dụng AI, toàn bộ hoặc một phần để tạo ra tác phẩm nghệ thuật của mình, vậy có nghĩa là nghệ sĩ ấy hoàn toàn có thể gặp “anh chị em sinh đôi” của những tác phẩm của họ bên thế giới ngoài kia. Vì sẽ có người sử dụng thuật toán y như thế để tạo ra thứ gì đó giống như vậy hoặc thậm chí tốt hơn?

Thực tế đã cho thấy, hiện nay trên những nhóm mang tên “Van Gogh” hay “Passion For Paintings” đầy rẫy những bức tranh do AI thực hiện. May mắn thay, một số không ít những thành viên trong các nhóm đó đủ kinh nghiệm để nhìn ngay ra và lên tiếng: “Thôi đi nào, đây là AI vẽ. Đừng lừa chúng tôi chứ bạn.”

Cũng không ít người cho rằng “Nghệ thuật AI không phải là không có linh hồn.” Nhưng gọi thứ được khai sinh từ những thuật toán vô tri vô giác là linh hồn thì có lẽ đã đến lúc tự điển cần viết lại định nghĩa.

Khi một người yêu tranh, hay một họa sĩ nhìn vào một tác phẩm, họ có thể nói “đây là tranh của Picasso” hoặc “đây là tranh của Van Gogh.” Đây chính là “linh hồn.” Còn với một sản phẩm của AI, câu nói sẽ là: “đây là AI” dù đó có là bức tái họa Hoa Diên Vĩ của Van Gogh hay “Lady with an Ermine” của Leonardo De Vinci.

Lướt nhanh qua để thấy, Midjourney, một công cụ vẽ AI mới được phát triển và phổ biến từ năm 2022, tích hợp trên ứng dụng Discord. Công cụ này được tạo ra nhằm mục đích giúp mọi người tạo ra những hình ảnh “nghệ thuật” đẹp và độc đáo từ các mô tả văn bản – tức các lệnh.

Kế đến là DALL-E3, một hệ thống trí tuệ nhân tạo phát triển bởi OpenAI, mang đến cho người dùng cơ hội tạo ra tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời bằng ngôn ngữ mô tả tự nhiên.  DALL-E3 tạo ra các thay đổi đối với các hình ảnh gốc bằng cách lấy các nhúng clip của hình ảnh và chuyển chúng qua bộ giải mã khuyếch tán.

Chưa kể đến Microsoft copilot, Getimg.ai, Lexica Art, Deep Dream Generator, Nightcafe, Stable Diffusion, Canva… và danh sách sẽ dài thêm chỉ trong một, hai năm nữa.

Tại sao nghệ thuật AI không phải là nghệ thuật nếu như tôi, hay bạn, là người nghệ sĩ sáng tạo? Có lý do và nguyên tắc… mặc dù những nguyên tắc này được viết trong bất kỳ cuốn sách nào về nghệ thuật, ít nhất là đến thời điểm này. Và vâng, bồi thẩm đoàn chưa có luật để “xử” một sản phẩm AI như cảnh sát thổi phạt một người chạy xe với cái hình nộm bên cạnh khi chạy vào lằn đường ”carpool”.

Giống như bất kỳ loại hình nghệ thuật nào khác, như âm nhạc, hội họa, phim ảnh v.v, nếu người sáng tác không kết nối được tác phẩm thì đó không phải là nghệ thuật. Hoặc, ít nhất, hiệu quả họ mong muốn đã không đạt được. Thuật ngữ AI dù đã xuất hiện trong các công ty công nghệ lớn hoặc những phòng nghiên cứu thuật toán từ rất lâu, nhất là trong phim ảnh, nhưng có lẽ người ta không hình dung được nó sẽ tấn công vào một lĩnh vực dành riêng cho thị giác, xúc giác, đôi khi cả vị giác. Nó tấn công, nó xâm lấn, nó tạo ra nhiều chiến binh ngoại đạo một cách ngạo nghễ.

AI sẽ có thể tạo ra các bài thuyết trình đồ họa về vẻ đẹp và cả những hình ảnh thiên nhiên phi thường trong khung thời gian vàng, nhưng điều đó dẫn đến câu hỏi nghệ thuật là gì? Nghệ thuật có là thứ truyền đạt cảm xúc và tinh thần một cách sâu sắc?  Đó là điều xảy ra khi bạn nhìn vào “Guernica” của Picasso và khiến bạn nghĩ về sự tàn ác của con người đối với con người, hoặc khi bạn nhìn vào một tác phẩm Monet, và bạn có thể thấy mình hòa lẫn vào thiên nhiên. Người thưởng lãm sẽ không có những điều đó vì AI tạo ra sản phẩm không phải từ những cái chạm, hoặc sự thấu hiểu vốn chỉ được khai sinh từ linh hồn và cảm xúc. Vòng tròn màu sắc qua bàn tay của người họa sĩ, không phải chỉ có bấy nhiêu màu.

AI có thể sáng tác một bản nhạc, nhưng liệu nó có thể tạo ra bản sonata cuối cùng của Beethoven? AI có thể bắt chước một tuyệt phẩm đã được con người sáng tác và tái sinh nó ở một định dạng khác, nhưng đó không phải là một tác phẩm gốc. Không phải là nghệ thuật.

Rõ ràng là AI đang nhanh chóng thay đổi xã hội của chúng ta và thay đổi những gì chúng ta coi là nghệ thuật. Chúng ta đều coi trọng sự tiện lợi và khả năng tiếp nhận khoa học kỹ thuật mới, nhưng chúng ta cũng cần nhận ra những tổn hại, nhất là về mặt giá trị và tinh thần. Một điều chắc chắn là không có gì thay thế được khi chúng ta dành thời gian ngồi xuống và vẽ, viết, hát và tạo ra một cái gì đó mà bạn có thể nhìn lại và tự hào nhận ra một phần vóc dáng của chính tâm hồn mình.

Sống trong thời đại AI, chúng ta được dự phần sử dụng nó như một phương tiện nâng cao phẩm chất đời sống ở bất kỳ lãnh vực nào, trong đó có nghệ thuật. Chúng ta chỉ cần bén nhạy với khả năng đánh giá nghệ thuật thực sự và suy nghĩ tri ân thời gian và nỗ lực mà các nghệ sĩ thực sự đã bỏ ra để sáng tác tác phẩm của họ. Đi đến một bảo tàng hoặc một phòng trưng bày nghệ thuật, nghe nhạc của các nghệ sĩ yêu thích, đọc một áng văn học cổ điển, chiêm ngưỡng một họa phẩm tuyệt tác và nhắc bản thân rằng “nghệ thuật thực sự là một ngôn ngữ mà chỉ trái tim hiểu.” (Rabindranath Tagore).

Chứ không phải “Ồ, ai kia như ‘AI’!!!

Kalynh Ngô
Theo https://vietbao.com ngày 11/10/2024

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*