Ngày Columbus – Columbus Day

I. Christopher Columbus (1451–1506) là Ai? và Giấc Mơ Hải Hành

Thế nhân có trí nên mơ
Mơ là vô địch, mơ là siêu nhân
Mơ là thánh, mơ là thần
Mơ là Thượng Ðế hiện thân xuống trần

Một người tạo được một sự nghiệp vĩ đại thường phải có một giấc mơ và gặp may mắn. Giấc mơ là một thôi thúc không ngừng thúc đẩy con người tiến tới việc thực hiện giấc mơ. May mắn là một huyền duyên giúp con người biến giấc mơ thành sự thật. Không có giấc mơ sẽ không có sự kiện vĩ đại. Không có may mắn, giấc mơ khó thành tựu. Ðó chính là trường hợp của Christopher Columbus.

Ông xuất thân từ một gia đình trung lưu làm nghề dệt ở Genoa, Ý. Tuy vậy, ông vẫn được gửi đi University of Pavia học Văn Phạm, Hình Học, Địa Lý, Hàng Hải, Thiên Văn, và tiếng La Tinh. Nhưng tới năm 14 tuổi, vì say mê nghề hàng hải, ông rời trường và tự học thêm ở trường Đại Học đời rộng lớn hơn hướng về nghề thủy thủ. Ông nói:

“Tôi đã trải qua 23 năm trên biển cả. Tôi đã thấy hết miền Levant, bờ biển phía Tây và miền Bắc. Tôi đã thấy Anh Quốc (England). Tôi thường làm những cuộc hành trình từ Lisbon (Ý) tới bờ biển Guinea.”

Vào lúc ông trưởng thành thì ngành hàng hải viễn du thám hiểm đang nở rộ ở khắp Tây Âu đã mở ra những thử thách đầy quyến rũ cho các thanh niên trong huyết quản của họ tràn đầy dòng máu phiêu lưu:

Có ba điều kỳ diệu
Ta yêu thích nhất trên đời
Cánh ó lượn trên trời
Dáng rắn trường trên đá
Và cảnh con thuyền
Lướt sóng trên đại dương
(Cựu Ước xxx 18, 19)

Với sự thúc đẩy của giấc mơ hải hành, ông bỏ nhiều thì giờ để tự học tiếng Bồ Ðào Nha, Castilian, và Latin; nghiên cứu các sách về địa lý, thánh kinh, các bài viết về Marco Polo (nhà thám hiểm người Ý, đã đến Trung Quốc năm 1275; cuốn hồi ký của ông tác động mạnh đối với Columbus), và thu thập tất cả những tài liệu về thế giới. Ðặc biệt, ông nghiên cứu về hình thể thế giới và trở thành nhà vẽ bản đồ. Qua các cuộc nghiên cứu này, ông thấy trái đất có dạng trái cầu chứ không phải là phẳng. Do đó, ông tin rằng ông có thể tìm một con đường để đến Á Châu gần hơn bằng cách vượt Ðại Tây Dương về hướng Tây.

Thời đó người Âu Châu thường tìm đến Á Châu, tới các nước như là Ấn, Nhật, Trung Hoa, và các Quần Ðảo phương Ðông (East Indies) để trao đổi những sản phẩm, đặc biệt là các hương liệu gia vị như tiêu, quế, gừng, v.v. Nhưng các chuyến đi tới Á Châu rất là khó khăn, tốn nhiều thời gian, và gặp hải tặc.

Ðội thương thuyền của Bồ Ðào Nha lúc đó rất mạnh và người Bồ đã khám phá ra nhiều miền đất ở Á Châu. Do đó Columbus tìm tới Bồ Ðào Nha, yết kiến Vua John II để xin tài trợ các chuyến thám hiểm phương Ðông. Nhà Vua không chấp thuận.

May mắn đến với ông, vào năm 1479 ông cưới được cô Dona Felipa Perestrello nguyên là con của một vị Thuyền Trưởng phục vụ Hoàng Tử Henry, Bồ Ðào Nha. Vị Hoàng Tử này được mệnh danh là Nhà Hàng Hải (The Navigator) vì ông rất say mê hàng hải và cố gắng cải thiện các hoạt động hàng hải: ông xây dựng một đài quan sát thiên văn; quy tụ những nhà đi biển nổi tiếng; các chuyên viên đóng tàu, tu chính các bản đồ nhằm mục đích tìm ra những hải lộ ngắn nhất đi tới Á Châu.

Với sự giúp đỡ của gia đình bên vợ, cánh cửa hải hành đã mở ra cho ông. Ông miệt mài học những kiến thức về hàng hải qua các tài liệu của bố vợ. Năm 1481, ông phục vụ cho Vua John II trong các chuyến hải du qua The Gold Coast of Africa. Ông vẫn ôm giấc mơ làm chuyến hải hành vượt Ðại Tây Dương theo hướng Tây để tới phương Ðông. Năm 1484, ông trình dự án lên Vua John II nhưng bị từ khước.

Cuối cùng ông tìm qua Tây Ban Nha, thuyết phục Vua và Hoàng Hậu Tây Ban Nha và được Hoàng Hậu chấp thuận ký một hợp đồng tài trợ và ban cho ông nhiều đặc quyền trên các miền đất mới khám phá. Những đặc quyền này đưa ông lên tột đỉnh vinh quang nhưng đồng thời cũng dẫn tới thảm cảnh tù tội, lãng quên, và nghèo khổ lúc sắp sửa từ giã cõi đời ở tuổi mới 55.

II. Hành Trình Khám Phá ra Tân Thế Giới

Vào thế kỷ 15, Âu Châu, đặc biệt là Tây Âu đã biết đến các nước ở Á Châu như Ấn Ðộ, Trung Hoa, Nhật, và các hòn đảo phương Ðông. Người Tây Phương đến các vùng Á Châu bằng đường bộ và đường biển đi theo hướng Đông để đổi chác hương liệu và mua bán nô lệ. Nhưng các chuyến đi thường kéo dài hai, ba năm và các dụng cụ hải hành như bản đồ, địa bàn, và đồng hồ còn rất thô sơ. Nguy hiểm nhất là nạn hải tặc rất tàn bạo trên những con thuyền trang bị hùng mạnh và hầu như không lúc nào vắng bóng trên mặt đại dương. Cũng với những kiến thức về hàng hải và dụng cụ đi biển còn thô sơ, Columbus lên đường vượt Ðại tây Dương theo hướng Tây tìm đến Á Châu.

Cuộc Hành Trình Thứ Nhất

Chiều ngày 3 tháng Tám năm 1492, ông lên đường từ hải cảng Palos với 3 con thuyền: Santa Maria, Pinta, và Nina theo hướng Tây Nam đi tới Canary Islands ở lại đó lấy thêm lương thực và sửa chữa tàu mãi tới ngày 6 tháng Chín mới tiếp tục hành trình.

Vào khoảng 2 giờ sáng ngày 12 tháng Mười, 1492, thủy thủ Rodrigo de Triana đang bám trên một cột buồm nhìn thấy một đốm sáng ở chân trời có ánh trăng soi và anh ta la to “Ðất liền! Ðất liền!”

Mảnh đất đó chính là một hòn đảo ở vùng West Indies được thổ dân gọi là Guanahani và bây giờ là Bahamas. Khi Columbus đổ bộ lên, ông mừng quá cắm lá cờ và đặt tên đảo đó là San Salvador nghĩa là Ðất Cứu Rỗi Thánh Thiện để tri ân Thượng Ðế đã cho họ tới chốn này mà ông đinh ninh là East Indies sau 33 ngày đêm ròng rã lênh đênh trên đại dương không thấy bóng đất liền. Có ba sắc dân ở đó gồm người Lucayan, Taino, và Arawak. Họ tỏ ra rất hiền lành và thân thiện.

Columbus ghi lại trong nhật ký:
“Những người này tỏ ra lanh lợi và có thể là những những người đầy tớ tốt và tôi nghĩ là họ sẵn sàng trở thành Con Chiên vì họ không có tôn giáo nào.

Sau đó hai ngày, ông viết thêm:
“Tôi chỉ cần 50 người là có thể chinh phục toàn thể bọn họ và mặc sức mà cai quản.”

Trong lá thư ông gửi cho Luis de Sant’ Angel, có một vài chi tiết như sau:
Hòn đảo đầu tiên tôi tìm thấy tôi đặt tên là San Salvador để tưởng nhớ tới Vua và Hoàng Hậu.

Thổ dân ở các đảo này đều không mặc quần áo. Họ không có khí giới. Họ rất hiền lành: xin cái gì họ cho ngay cái ấy; không bao giờ nói không và còn mời lấy đi nữa. Họ không có tôn giáo và thần tượng gì. Họ thấy chúng tôi và những con tàu, họ tưởng chúng tôi từ trời xuống.

Ngày 15 tháng Ba, 1493, ông trở về tới Tây Ban Nha. Tiếng đồn ông tìm được đất mới truyền đi khắp Âu Châu rất nhanh. Bản tường trình của ông trước triều đình ở Madrid quá khoa trương. Ông cho rằng ông đã tới vùng Á Châu gần bờ biển Trung Hoa, nhưng thực ra đó là một hòn đảo gần Cuba và nay là Hispaniola. Sự mô tả của ông có khi là sự thực có khi là giả tưởng.

Cuộc Hành Trình Thứ Nhì

Ông hành ngày 24 tháng Chín, 1493 với 17 con tàu và khoảng 12 ngàn người đi lập thuộc địa. Ngày 3 tháng Mười Một, 1493, ông tới một hòn đảo đặt tên là Dominica (tiếng Latin là Sunday) và rồi tiếp tục thám hiểm quanh vùng đó và đổ bộ lên Puerto Rico (Rich Port) vào 19 tháng 11, 1493.

Một cuộc phục kích đầu tiên đã diễn ra ở đây để cứu hai cậu bé bị thổ dân bắt cóc đem thiến.

Ngày 22.11, ông trở lại Hispaniola với ý định thăm lại Pháo Ðài Fuerte de la Navidad (Christmas Fort) xây trong chuyến đi trước. Pháo đài đó đã bị thổ dân phá rụi. Nhân dịp đó ông di chuyển thêm hơn 100 kilomét về hướng Đông, thiết lập một khu định cư mới gọi là La Isabela. Ông rời Hispaniola ngày 24.4.1494 và đi tới Cuba ngày 30.4. Ông tới Jamaica ngày 5 tháng 5. Sau đó ông trở lại Hispaniola và về Tây Ban Nha.

Cuộc Hành Trình Thứ Ba

Ngày 30.05.1498, Columbus với 6 chiếc tàu rời Tây Ban Nha đi Tân Thế Giới, có em ông là Bartolomé de Las Casas đi theo. Ông ghé quê vợ ông là hòn đảo Porto Santo. Rồi thẳng tới Canary Island, từ đó đi tới bờ biển phía Nam của đảo Trinidad. Ông thám hiểm Gulf of Paria, vùng vịnh ngăn cách Trinidad và Venezuela. Ông thám hiểm miền đất liền của Nam Mỹ.

Ông trở lại Hispaniola vào 18 tháng 8 và thấy nhiều người Ý tỏ ra bất bình cho là ông đã dẫn họ tới một nơi tưởng là trù phú của tân thế giới. Ông phải liên tục đương đầu với các người lập nghiệp và thổ dân nổi loạn khiến ông phải cho treo cổ vài thủ thủy bất tuân lệnh. Một số thủy thủ và dân lập nghiệp Tây Ban Nha đã vận động hậu trường chống ông tại triều đình buộc tội ông và em ông là quản trị tồi và cho rằng họ bị cai trị bởi một người Ý rất độc đoán.

Columbus buồn bã, lo lắng, rồi nhuốm bịnh. Tháng 10, 1499, ông phái hai tàu về Tây Ban Nha xin triều đình cử người giúp ông cai quản thuộc địa. Triều đình cử Francisco de Bobadilla với một đặc quyền quá sự yêu cầu của ông. Khi tới Santo Domingo, trong lúc Columbus còn đi vắng, Bobadilla nhận được rất nhiều khiếu nại về ba người: Columbus, Bartolomé, và Diego. Vì thế, khi Columbus trở về, lập tức ông bị xích tay, xiềng chân không được phép nói một lời bào chữa, và bị bỏ bào ngục chờ ngày đưa về Tây Ban Nha. Lúc đó ông được 53 tuổi. Ngày 1 tháng 10, năm 1500, ông và các em ông bị giải về Tây Ban Nha trong xiềng xích.

Trong một lá thư ông viết cho một người bạn ở triều đình, ông giãi bày như sau:

Bây giờ là đã 17 năm qua kể từ khi tôi phục vụ các vị Hoàng tử… Tôi đã tìm ra hơn 1 ngàn 700 hòn đảo cho vương quốc. Trong 7 năm, với một ý chí thánh thiện, tôi đã tiến hành cuộc chinh phục đó. Vào lúc mà tôi được quyền được tưởng thưởng và nghỉ hưu thì tôi lại bị bắt giam và giải về trong xiềng xích. Lời tố cáo chỉ là ác ý từ những người họ muốn chiếm quyền sở hữu đất đai.

Với tấm lòng nhiệt thành của những con chiên ngoan đạo mà nhà Vua đã tin tưởng, tôi cầu xin Ngài hãy đọc hết những tường trình của tôi để cứu xét cho tôi rằng thế nào mà tôi đã từng phụng sự các vị hoàng tử và bây giờ vào lúc cuối cuộc đời, tôi lại bị tước đoạt hết tất cả danh dự và tài sản không nguyên cớ và chẳng có công bằng hay thương xót.

Ông, người em, và con ông bị giam trong sáu tháng trước khi Vua Ferdinand ra lệnh tha. Sau đó, Nhà Vua và Hoàng Hậu cho gọi các em của Columbus lên chất vấn. Nhà Vua và Hoàng Hậu cho họ tự do và lấy lại của cải, an ủi họ, và chấp thuận tài trợ cho Columbus làm cuộc hành trình thứ tư, nhưng Columbus sẽ không còn được làm vai trò Thống Đốc nữa.

Cuộc Hành Trình Thứ Tư

Columbus tiến hành cuộc hành trình trình thứ tư cùng với Bartolomeo và Fernando, con trai 13 tuổi của ông. Khởi hành từ Tây Ban Nha vào ngày 11.5.1502 với 4 con tầu. Vào ngày 15 tháng 6, một cơn bão sắp nổi lên, ông hy vọng ghé núp ở Hispaniola nhưng bị từ chối. Ðoàn tầu phải ghé Rio Jaina, nhờ đó mà tránh thiệt hại do cơn bão gây nên. Trong khi đó thì đoàn thuyền của Thống đốc bị bão đánh chìm mất 29 chiếc trong tổng số 30 chiếc tầu. Ngoài số tầu, có khoảng 500 nhân mạng kể cả Thống đốc Francisco de Bobadilla cùng rất nhiều vàng bạc bị chìm xuống đáy biển.

Sau đó ông tiếp tục khám phá thêm nhiều vùng đất nữa. Ngày 5 tháng 12, 1502, đoàn thuyền lại gặp một cơn bão lớn chưa từng thấy. Ông viết trong nhật ký:
“Bầu trời trông thật khủng khiếp. Chớp lóe lên xé nát buồm. Không phải là mưa mà là cơn lụt. Mọi người bị tơi tả hết quần áo và họ chỉ mong cho được chết đi.”

Tầu hư hỏng hết, ông phải ở lại Jamaica khoảng một năm và phái hai người đi ca nô tới Hispaniola cầu cứu, nhưng Thống đốc ở đó ngăn cản mọi nỗ lực cứu cấp. Cuối ngày, ngày 29 tháng 6, 1504 mới có tầu đến cứu đưa ông về Tay Ban Nha 7 tháng 11.

III. Thất Sủng và Chết trong Lãng Quên

Khi chim đã hết thì cung tên bị bẻ; khi con mồi không còn thì chó săn bị giết. Ðó chính là những sự thật ứng dụng cho trường hợp của Columbus.

Sau chuyến đi lần thứ tư, của cải của Columbus hầu như bị khánh kiệt và ông đã qua đời vào ngày 20 tháng 5 năm 1406 ở tuổi mới 55. Tại sao một con người đầy nhiệt huyết, quả cảm, và đầy công lao như thế lại có thể bị chết trong nghèo khổ và quên lãng như vậy? Ðó có lẽ là cái giá mà những con người vĩ đại phải trả cho tên tuổi của mình mãi mãi tồn tại trong sự kính phục hay thương yêu của mọi người.

Theo một cuộc nghiên cứu của Antonio Rodriguez Cuartero thuộc Y Tế Nội Khoa của Ðại Học Granada đăng trong tháng Hai, 2007 thì Columbus đã chết vì bị nhồi máu cơ tim (heart attack) gây ra bởi Reiter’s Syndrom (còn gọi là reactive arthritis). Theo sự ghi chép trong nhật ký của chính Columbus và các ghi chép của người đương thì khoảng ba năm trước khi mất, Columbus bị nóng rát ở đường tiểu tiện, đầu gối sưng, viêm màng kết ở mắt.

Tại sao cuộc đời của một con người đầy quả cảm, ngay thẳng, tận tình phục vụ cho Vua và Hoàng Hậu Tây Ban Nha, đem lại những khám phá quan trọng và những tài nguyên vô giá cho Âu Châu, và đã từng đạt tới chức vị Thống Ðốc hay Phó Vương mà mới quá nửa đời người đã bị thất sủng, chết trong cảnh nghèo và lãng quên?

Rất có thể vì quá uất ức mà ông sinh bịnh như trên vừa nêu ra. Ông vốn xuất thân từ giai cấp bình dân lại leo tới tột đỉnh danh vọng và giầu có, tất nhiên ông không thể không bị ganh ghét và hãm hại. Trong những đơn khiếu nại có những lời tố cáo ông giấu cất nhiều vàng bạc châu báu quý không nạp cho Vua và Hoàng Hậu. Trong những lá thư trần tình, ông đã một mực kêu oan và lấy sự thánh thiện của Chúa mà thề như vậy. Có lẽ Vua và Hoàng Hậu cũng hiểu lòng ông nhưng trước một đám quần thần tham nhũng đông đảo chống lại ông, Vua và Hoàng Hậu cũng không thể trả lại tất cả những gì ông đã mất kể cả danh dự.

Tham vọng quá cao và tính tình quá ngay thẳng là nguyên nhân dẫn đến việc ông bị hãm hại. Nếu ông đừng đòi làm thống đốc và đòi hưởng 10% số thu hoạch từ những miền đất mới khám phá thì có lẽ ông đã không sống trong đau khổ và chết trong lãng quên ít ra là vào thời đó.

Ông được chôn cất đầu tiên tại Valladolid. Rồi theo di chúc của Diego, con ông, mộ của ông chuyển qua tu viện La Cartuja ở Seville, miền Nam Tây Ban Nha. Rồi vào năm 1542, hài cốt của ông lại dời tới Santo Domingo ở phía đông Hispaniola (hòn đảo gần Cuba) nơi ông đặt chân đầu tiên trong chuyến thám hiểm lần thứ nhất. Năm 1795, Pháp chiếm Hispaniola, hài cốt của ông lại dời đi Havana, Cuba. Năm 1898, sau khi Cuba được độc lập, hài cốt của ông lại dời về Cathedral of Seville, Tây Nha Nha.

Sau khi ông qua đời, các con ông – Diego và Fernando – làm đơn kiện đòi thi hành hợp đồng ký kết giữa hoàng gia Tây Ban Nha và Columbus. Nhiều những lời bôi nhọ Columbus được hoàng gia khởi xướng trong những vụ kiện kéo dài này. Gia đình có được một số kết quả trong vụ kiện lần đầu, như trong phán quyết năm 1511 xác nhận vị trí của Diego là Phó Vương (viceroy), nhưng quyền hạn bị giảm bớt. Năm 1512, Diego tái tranh tụng và vụ kiện kéo dài tới 1536 và nhiều tranh cãi còn tiếp diễn tới 1790.

IV. Vinh Danh Columbus

Columbus không phải là người đầu tiên đặt chân lên Tân Thế Giới hay Mỹ Châu, nhưng ông là người đầu tiên chính thức mở ra kỷ nguyên khám phá và khai thác một lục địa rộng lớn tới 16 triệu dặm vuông lớn hơn ¼ toàn bộ diện tích đất trên thế giới với rất nhiều nguồn tài nguyên đa dạng và phong phú.

Sự khám phá của ông đã dẫn đến một cuộc di dân vĩ đại từ Âu Châu và sau đó là Phi Châu và các nơi khác vào Tân Thế Giới. Tới năm 1600, khoảng 240 ngàn người Ý đã nhập Mỹ Châu. Số di dân tiếp tục cho đến ngày hôm nay vẫn còn, đặc biệt đối với người tị nạn kỳ thị chủng tộc, tôn giáo, hay chính trị, và kể cả những người ra đi vì lý do kinh tế.

Mặc dầu có một số người phản đối vinh danh Columbus vì cho rằng Columbus phải chịu trách nhiệm về việc người Âu Châu tàn sát các sắc dân bản xứ và chiếm hữu đất của họ, nhưng tại đa số các quốc gia trên thế giới, người ta vẫn phải nhìn nhận công lao và thiện chí to lớn của ông đã đóng góp cho nhân loại.

Rất nhiều di tích lịch sử về Columbus đã được dựng lên:

• Tượng con tàu chỉ huy Santa Maria trong cuộc hành trình đầu tiên của Columbus được dựng ở Hạ Viện Columbus, Valladoid, Tây Ban Nha, nơi Columbus qua đời.
• Mộ của Columus ở Nhà Thờ Seville
• Tượng bằng đồng tại Kentral Park, New York City (1894).
• Dựng lại ba con thuyền Pinta, Santa Maria và Nina ở Khu Triển Lãm Columbus tại Chicago.

Ngày Lễ Columbus đầu tiên ở Hoa Kỳ được cử hành vào năm 1792 khi thành phố New York City tổ chức lễ kỷ niệm 300 năm ngày Columbus tới Tân Thế Giới (10.12.1492 – 10.12.1792). Tổng Thống Benjamin Harrison kêu gọi dân chúng HK cử hành Ngày Columbus vào năm thứ 400 tức 1892.

Năm 1937, Tổng Thống Franklin Delano Roosevelt dành Ngày Columbus là ngày nghỉ của liên bang.

Kể từ năm 1971, Ngày Columbus được ấn định vào ngày Thứ Hai của tuần lễ thứ nhì trong tháng Mười cùng với Ngày Thansgiving ở Canada.

Ngày Columbus năm 2003, Tổng Thống George W. Bush đọc bản tuyên bố như sau:

Khi Christopher Columbus khởi hành từ Tây Ban Nha vào Tháng Tám năm 1492, ông ta đã mở ra một kỷ nguyên về thám hiểm khám phá cho tới ngày hôm nay. Vào Ngày Columbus, chúng ta vinh danh sự can đảm và cái nhìn của nhà thám hiểm người Ý, và nhìn nhận bốn cuộc hành trình của ông tới Tân Thế Giới.

Một trong ngững ngày lễ đầu tiên vinh danh những thành tựu của Christopher Columbus được cử hành vào năm 1792 tại New York nhân dịp kỷ niệm 300 năm ông đặt chân lên Bahamas. Những người Mỹ gốc Ý bắt đầu đều đặn vinh danh ông vào những năm 1860. Năm 1892, Tổng Thống Benjamin Harrison đưa ra một tuyên bố nhân kỷ niệm 400 năm cuộc hành trình đầu tiên của Columbu và đã mô tả Columbus như là “người tiên phong của tiến bộ và đại ngộ” (the pioneer of progress and enlightenment). Hoa kỳ ngày nay cử hành quốc lễ để vinh danh Columbus.

Tấm lòng của Columbus mong muốn hy sinh sự yên ấm của gia đình để theo đuổi những nơi chưa ai biết đã tạo hứng khởi cho nhiều thế hệ thám hiểm gan dạ. Hoa Kỳ, trong những năm qua, đã theo tinh thần của Columbus, tiếp tục thám hiểm trên mặt đất, trên biển, và trên không trung, và đang làm tròn đầy di sản vĩ đại của Columbus. Từ những ngày đó của Columbus, hàng triệu những di dân người Ý đã vượt đại dương tới Hoa Kỳ. Những người Mỹ gốc Ý này và những con cháu của họ đã làm cho nước Mỹ này giàu mạnh hơn và tốt đẹp hơn.

Ðể tưởng nhớ cuộc hành trình của Columbus, Quốc Hội, cùng với Nghị Quyết ngày 30 Tháng Tư, 1934 được sửa đổi vào năm 1968, đã yêu cầu Tổng Thống tuyên bố ngày Thứ Hai, tuần lễ thứ nhì của tháng Mười hằng năm là “Ngày Columbus”.

Do đó, hôm nay, Tôi, George W. Bush, Tổng Thống của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, tuyên bố Ngày 13 Tháng Mười, 2003 là Ngày Columbus. Tôi kêu gọi dân chúng Hoa Kỳ tôn trọng ngày này với những lễ nghi và hoạt động thích hợp. Tôi cũng trực tiếp chỉ thị cho quốc kỳ Mỹ phải được treo ở tất cả các công ốc để vinh danh Chiristopher Columbus.

Tóm lại, Christopher Columbus là một trong những con người có giấc mơ khám phá đại dương và những vùng đất mới trên thế giới. Nhờ có duyên may lấy được người vợ mà gia đình có người phục vụ cho Hoàng gia Tây Ban Nha, ông đã thực hiện giấc mơ đó.

Cái gì sẽ xảy ra nếu Columbus thất bại trong các cuộc hành trình khám phá của ông?

Tất nhiên là ông sẽ bị nhiều nhục nhã và quá trình khám phá ra Tân Thế Giới sẽ bị chậm lại ít ra là vài thập niên.

Ông có chịu trách nhiệm gì trong những vụ sát hại dân bản xứ không?

Ông không hề có chủ trương tận diệt các sắc dân bản xứ mà chỉ có chủ trương truyền đạo hay cải giáo. Việc tàn sát thổ dân là hành đông của một số thực dân bẩn thỉu làm theo chủ trương của một số quan đê tiện của triều đình nhằm chiếm đoạt đất đai và của cải. Ðó là những vết nhơ trong lịch sử văn minh của loài người vẫn còn kéo dài tới thế kỷ này.

Ngày nay, sau hàng mấy trăm năm cân nhắc, các nước Tây Âu và Hoa Kỳ quyết định tri ân ông. Hàng năm, Hoa Kỳ dành một ngày lễ để vinh danh ông, đó là ngày Thứ Hai tuần lễ thứ nhì trong tháng Mười bởi vì ông là biểu tượng của tinh thần phục vụ cho hiểu biết và mở mang cộng đồng thế giới.

Hải Bằng. HDB
Ngày 14 Tháng Mười, 2024

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*