Mô hình con thuyền vượt biên do ông Trần Can làm tặng Viện Bảo Tàng Thuyền Nhân Việt Nam, San Jose, và được tặng lại cho The Carter Presidential Center. (Hình: Lê Hồng Thiện cung cấp)
ATLANTA, Georgia – “Muộn còn hơn không!” Đó là nhận xét của ông Lê Hồng Thiện, một nhà hoạt động trong cộng đồng Việt Nam ở Atlanta, Georgia, khi nói về chuyến thăm The Carter Presidential Center hôm Thứ Ba, 1 Tháng Mười, nhân ngày sinh nhật thứ 100 của cựu Tổng Thống Jimmy Carter (Dân Chủ).
Vị tổng thống thứ 39 của Hoa Kỳ chính là người ra lệnh tăng gấp đôi số thuyền nhân các quốc gia Đông Dương, trong đó đa số là người Việt, được nhập cảnh hồi Tháng Sáu, 1979, và cũng chính ông là người ký ban hành Đạo Luật “The Refugee Act of 1980” mở rộng cửa đón người Việt tị nạn vượt biên bằng đường biển và đường bộ vào Mỹ.
Cô Tana Thái Hà, thành viên Hội Đồng Quản Trị Viện Bảo Tàng Thuyền Nhân Việt Nam, San Jose, cho biết: “Hôm đó, chúng tôi đến theo lời mời của The Carter Presidential Center. Chúng tôi mang theo một con thuyền làm bằng gỗ, do anh Trần Can, một thuyền nhân ở San Jose, tự tay làm, theo mô tả con thuyền mà gia đình bốn người của anh vượt biển và cuối cùng được nhận vào Mỹ tị nạn. Anh tặng con thuyền này cho viện bảo tàng, và bây giờ chúng tôi đem đến tặng cho The Carter Center.”
Cô Tana cho biết, hồi năm 2008, vị cựu tổng thống có gởi một băng video cho viện bảo tàng, chúc mừng thuyền nhân Việt Nam.
Đồng tiền của hội thiện nguyện “Love Life Learnings Foundation” ở Westminster, đúc năm 1979, do ông Alan Ford Võ, đồng sáng lập hội, mang đến tặng The Carter Presidential Center. (Hình: Facebook Tana Thái Hà)
“Lúc đó chúng tôi cũng lơ là quá, không ai để ý. Bây giờ mới thấy là cộng đồng mình mang ơn ông quá. Tổng Thống Carter đúng là người mở rộng vòng tay đón cộng đồng chúng ta,” đại diện Viện Viện Bảo Tàng Thuyền Nhân Việt Nam nói tiếp.
Theo lời ông Thiện kể, hôm đó, nhóm người Việt Nam hẹn với The Carter Presidential Center và được bà giám đốc ở đây tiếp 3 tiếng đồng hồ. Ngoài đại diện Viện Bảo Tàng Thuyền Nhân ở San Jose, còn có người ở Boston, ở Nam California, khoảng hơn chục người, cùng nhau đến Atlanta để tri ân vị ân nhân của cộng đồng Việt Nam tại Hoa Kỳ, dù muộn gần 50 năm.
Ông Thiện giải thích: “Hồi đó, người Việt mình như bầy chim vỡ tổ, hầu như ai cũng lãng quên công ơn của ông Carter. Cho đến sau này, cựu Đại Tá Vũ Văn Lộc, giám đốc Viện Bảo Tàng Thuyền Nhân, mới nhớ. Thế là chúng tôi phối hợp làm một cử chỉ nào đó.”
Trang báo của Việt Nam Nhật Báo tri ân cựu Tổng Thống Jimmy Carter. (Hình: Facebook Tana Thái Hà)
“Dù tôi không phải là người vượt biên, nhưng tôi có nhiều bà con và bạn bè là thuyền nhân, nên sự có mặt của tôi cũng nói lên phần nào,” ông Thiện tiếp.
Ông kể thêm: “Ngay cả bà giám đốc, sau khi tiếp chúng tôi và nghe câu chuyện chúng tôi kể, bà không ngờ là chỉ một hành động của cựu Tổng Thống Carter mà có thể ảnh hưởng cả một cộng đồng tị nạn ở Mỹ.”
Ông Nam Phạm, một nhà hoạt động cộng đồng ở Boston, Massachusetts, cũng đồng tình với những ảnh hưởng của vị cựu tổng thống đối với người Mỹ gốc Việt.
Ông giải thích: “Nếu không có đạo luật đó, số người tị nạn Việt Nam vào Mỹ sẽ ít và đồng bào chúng ta chết trên biển sẽ nhiều hơn. Không chỉ ký luật, ông Carter còn ra lệnh cho Hải Quân Mỹ vớt người trên biển.”
“Có một điều nghịch lý là nước Mỹ có nhiều người tị nạn nhất từ trước nay, nhưng đạo luật ông Carter ký năm 1980 là đầu tiên về người tị nạn, trong lịch sử Hoa Kỳ,” ông Nam nói thêm. “Nhờ đạo luật này, số người tị nạn Mỹ nhận tăng gấp đôi, từ 7,000 lên đến 14,000 người.”
“Di sản này của ông Carter rất lớn, không chỉ cho người tị nạn Việt Nam lúc đó mà cho cả người tị nạn của các quốc gia khác sau này,” ông Nam nói.
Tấm plaque của Viện Bảo Tàng Thuyền Nhân Việt Nam tri ân cựu Tổng Thống Jimmy Carter. (Hình: Facebook Tana Thái Hà)
Ông Thiện kể thêm, khi vào thăm The Carter Presidential Center, nơi trưng bày tất cả hiện vật và hình ảnh 100 năm cuộc đời của cựu tổng thống mới thấy ông can đảm như thế nào khi ký ban hành đạo luật năm 1980.
“Cả 100 năm như thế mà thời kỳ nói về chiến tranh Việt Nam chỉ có hai tấm hình, một tấm chụp chiếc trực thăng, một tấm chụp cảnh hippy Mỹ biểu tình phản chiến,” ông Thiện kể. “Khi nhìn trực thăng tôi hiểu ngay ám chỉ cuộc chiến tại Đông Nam Á, còn tấm hình biểu tình cho thấy người Mỹ lúc đó không có thiện cảm với cuộc chiến và có thể là với người Việt Nam, vì họ đâu có biết nhiều những gì thật sự xảy ra. Hơn nữa, người Mỹ lúc đó lo làm sao có công ăn việc làm, sau khi Hoa Kỳ rút ra khỏi cuộc chiến.”
Ông Thiện tiếp: “Với tình hình chính trị và xã hội như thế, ông Carter vẫn ký ban hành luật dù bị áp lực rất nhiều.”
“Ngoài cái dũng ông còn có cái tâm, nhờ thế mà thuyền nhân Việt Nam được ‘bốc,’” ông Thiện kết luận.
Cô Tana Thái Hà ngồi trên máy bay với “chiếc thuyền vượt biên” của người Việt Nam mang sang Atlanta để tặng The Carter Presidential Center. (Hình: Facebook Tana Thái Hà)
Không những thế, ông Carter còn là người thực sự quan tâm đến nhân quyền, qua cách làm việc của ông, theo nhận xét của ông Nam Phạm.
“Điều tôi thích nhất về cựu Tổng Thống Jimmy Carter là ông đặt nhân quyền vào chính sách ngoại giao. Trong khi những tổng thống khác chỉ nói, thì ông Carter thực hiện chính sách này thật sự,” ông Nam nói.
Trở lại với chuyện “mở vòng tay” đón người Việt tị nạn, tối Thứ Sáu, 29 Tháng Sáu, 1979, Tổng Thống Carter thông báo trước quốc dân quyết định tăng gấp đôi số thuyền nhân Đông Đương nhập cảnh vào Mỹ. Đây là một phần trong thỏa thuận đạt được tại Tokyo, Nhật, với bảy quốc gia khác trong nỗ lực cứu vớt người vượt biên.
Và Mỹ là quốc gia đầu tiên ban hành lệnh thực hiện, các quốc gia còn lại khác là Nhật, Canada, Anh, Pháp, Tây Đức, và Ý.
Như vậy, nước Mỹ mỗi tháng sẵn sàng “rước” 14,000 thuyền nhân lúc đó đang sống lây lất tại các trại tị nạn ở Đông Nam Á.
Từ trái, bà Meredith R. Evans (giám đốc The Carter Presidential Center), ông Nam Phạm, và cô Tana Thái Hà trò chuyện vào ngày 1 Tháng Mười. (Hình: Lê Hồng Thiện cung cấp)
Quyết định nhân đạo trên của Tổng Thống Carter đòi hỏi chính phủ của ông phải tìm ra thêm nguồn tiền khoảng $150 triệu/năm trước mắt để thực hiện, vào thời điểm mà ngân sách Mỹ vốn đã phải chi ra khoảng $200 triệu/năm cho chương trình cứu thuyền nhân sẵn có.
Để có được ngân sách này, một loạt vận động khác cần phải tiến hành để Quốc Hội thông qua luật mới, tiếp tục duy trì chính sách cứu thuyền nhân.
Đỗ Dzũng
Theo Người Việt online ngày 4/10/2024
Liên lạc tác giả: dodzung@nguoi-viet.com
Be the first to comment