Mạn Đàm Về Cương Lĩnh và Kế Hoạch Kinh Tế của Cựu Tổng Thống Donald Trump

MỞ ĐẦU:

Kính thưa quý vị đồng hương thân mến,

Vào ngày Chủ Nhật 8 Tháng 9 Năm 2024, một người bạn gửi điện thư chuyển cho người viết 1 bài nói chuyện của Cựu Tổng Thống Donald Trump khi ông được Câu Lạc Bộ Nữu Ước (The Club of New York) mời đến để thuyết trình về vấn đề kinh tế. Câu Lạc Bộ này gồm những doanh nhân nổi tiếng và giàu có ở Nữu Ước cũng như ở nhiều tiểu bang khác.

Mở đầu cuộc thuyết trình ông Trump đã nêu tên rất nhiều doanh nhân danh tiếng để chào hỏi và cảm ơn họ đã có nhã ý mời ông nói chuyện và trình bày Cương Lĩnh Kinh Tế của ông trong nhiệm kỳ II, 2024-2028.

Người viết nhận thấy trên căn bản lý thuyết, nguyên tắc và chính sách kinh tế, thì cương lĩnh và kế hoạch kinh tế của Cựu Tổng Thống Donald Trump rất thuyết phục, chắc chắn sẽ mang lại thành quả tốt đẹp cho đất nước cũng như cho nhân dân Hoa Kỳ trong bốn năm tới.

A. Cương lĩnh và kế hoạch kinh tế

Thưa quý vị đồng hương,

Như quý vị đã biết, cương lĩnh kinh tế của Cựu TT Donald Trump đã và vẫn được gói ghém một cách tổng quát trong khẩu hiệu Làm Cho Nước Mỹ Vĩ Đại Trở Lại và Tát Cạn Đầm Lầy tại Hoa Thịnh Đốn trong nhiệm kỳ I và II.

Làm Cho Nước Mỹ Vĩ Đại Trở Lại là làm cho Hoa Kỳ thịnh vượng và hùng cường trở lại, và sự thịnh vượng và hùng cường được thể hiện qua sự Tăng Trưởng Kinh Tế Tối Đa và Trường Kỳ, (A Maxima and Long Term Economic Growth) nói nôm na như người viết từng diễn tả, là để làm cho “đồng bánh” ngày càng lớn với phẩm chất cao để mỗi người dân Hoa Kỳ được hưởng một miếng bánh ngày càng to và thơm ngon hơn. Đây là mục tiêu tối hậu mà Cựu TT Donald Trump nhất quyết đạt tới trong một kế hoạch kinh tế tổng thể và chi tiết mà người viết trình bày dưới đây, gồm có:

1/ Độc lập nhiên liệu xăng dầu:

Keystone XL pipeline

Nhiên liệu “xăng dầu là dòng máu trong cơ thể kinh tế”. Ông sẽ cho các xí nghiệp khai thác dầu thô thuê mướn các khu đất công liên bang và thềm lục địa, đặc biệt thềm lục địa ở tiểu bang Alaska có trữ lượng dầu thô còn lớn hơn Nga và toàn vùng Trung Đông, theo các nhà nghiên cứu Địa Chất Học cho biết. Cựu TT Donald Trump cũng sẽ cho phép trở lại việc khai thác dầu thô qua kỹ thuật đá phiến vùng Pennsylvania và tiếp tục xây ráp các đường ống dẫn dầu như Keystone XL từ Canada xuống Texas.

Với chính sách ngu xuẩn của chính quyền Joe Biden và Kamala trong bốn năm qua, là cấm cho thuê đất công và thềm lục địa, khiến cho Hoa Kỳ chẳng những phải sử dụng gần phân nửa, khoảng 40% khối dầu thô dự trữ chiến lược, mà còn phải đi van nài khối OPEC của Trung Đông và địch thủ Venezuela gia tăng sản xuất dầu thô và bán với giá cắt cổ, từ 35 đô la 1 thùng dưới thời Donald Trump, lên tới khoảng 85 đô la 1 thùng như hiện nay. Trong khi đó Trung Cộng và Ấn Độ nhờ chiến tranh Nga-Ukraine đã mua của Nga và tích lũy được một khối lượng dầu thô khổng lồ với giá ưu đãi 35 đô la 1 thùng, là vũ khí chiến lược cho phát triển kinh tế và quân sự trường kỳ.

2/ Gia tăng tối đa nguồn điện lực:

Song song với việc sẽ gia tăng sản xuất dầu thô, Cựu TT Donald Trump sẽ gia tăng tối đa nguồn “điện lực là sinh khí trong cơ thể kinh tế”. Ông dùng nhiên liệu xăng dầu để thiết lập các nhà máy sản xuất điện lực tối đa. Không một hoạt động sản xuất tài hóa kinh tế và dịch vụ trên bất cứ lĩnh vực nào mà không dùng điện lực. Ông còn nhắc tới sự tái thiết các lò nguyên tử sản xuất điện lực, cũng là khí cụ chiến lược cho tăng trưởng kinh tế.

3/ Tái thiết lập nền tảng sản xuất kỹ nghệ:

Với hai khí cụ chiến lược xăng dầu và điện lực, Cựu TT Donald Trump cũng chủ trương cấp bách thiết lập lại nền tảng sản xuất kỹ nghệ (Industrial Foundation) đã kiệt quệ trong bốn đời tổng thống Bill Clinton, Bush con, Obama và Joe Biden hiện nay, và chỉ may trong thời Donald Trump, nền tảng sản xuất kỹ nghệ được phục hồi một phần nào do áp dụng thuế quan cao đối với hàng hóa sản xuất bởi các công ty Mỹ chạy sang Hoa Lục đầu tư sản xuất, rồi tái xuất cảng về Hoa Kỳ qua Costco, Walmart, Target v.v… Nhờ áp dụng thuế quan cao mà một số công ty Mỹ đã từ Trung Quốc trở về tái đầu tư sản xuất tại nội địa.

Tóm lại, thưa quý vị đồng hương, xăng dầu, điện lực và nền tảng sản xuất kỹ nghệ là ba mũi dùi chiến lược cho sự tăng trưởng kinh tế để làm cho Hoa Kỳ vĩ đại trở lại.

B. Các chính sách kinh tế yểm trợ

1/ Chính sách tài chánh:

Cựu TT Donald Trump một phần nào áp dụng chính sách tài chánh trong chủ thuyết kinh tế Reaganomics, hay chủ thuyết kinh tế nghiêng về số Cung (Supply-side Economics) tức là giới sản xuất được nâng đỡ và ưu đãi qua việc hạ lãi suất thuế lợi tức doanh nghiệp (Corporate Profit) thuế trên tiền lời (Capital Gains) khi mua bán bất động sản như đất đai, cơ sở kinh doanh v.v.. Tuy nhiên Cựu TT Donald Trump còn đi xa và có nhiều chính sách tài chánh tích cực khác nữa. Tất cả các chính sách tài chánh gồm các mục sau đây:

a) Giảm thuế suất doanh lợi từ 28% hiện nay xuống 21% để kích thích đầu tư.

b) Giảm thuế suất từ 40% hiện nay xuống 15% trên tiền lời trong mua bán bất động sản như đất đai, cơ xưởng sửa, sản xuất máy móc v.v…

c) Bỏ đánh thuế trên tiền thưởng (tips) tại các nhà hàng, khách sạn v.v…và đề nghị mới đây là bỏ đánh thuế trên giờ làm thêm (over times)

d) Bỏ đánh thuế trên lợi tức An Sinh Xã Hội (Social Security Benefits) cho người về hưu.

e) Tăng thuế quan cao trên hàng nhập cảng, đặc biệt từ Trung Quốc sản xuất bởi các công ty Mỹ và tái nhập lại Hoa Kỳ khiến nhập siêu lên tới 500 tỷ đô la mỗi năm, khuyến khích các công ty Mỹ trở về nước đầu tư sản xuất vì không có lợi nữa và giúp đồng đô la không chảy ra ngoài nước quá nhiều gây ảnh hưởng xấu tới hối suất.
Nhiều người cho rằng thuế quan cao sẽ làm tăng giá bán hàng nhập cảng bởi Costco, Walmart, Target. Suy luận này đúng nhưng họ quên một điều là công ăn việc làm và lợi tức sẽ tăng đáng kể cho đại chúng nếu được các công ty trở về nước và sản xuất tại nội địa.

f) Giảm thuế suất lợi tức cá nhân (Individual Income Tax Rate) xuống mức thấp có thể cho giới trung lưu và dưới trung lưu của mọi sắc dân.

2/ Chính sách tiền tệ (Monetary Policies)

Để làm giảm nạn lạm phát, Joe Biden  áp dụng một chính sách “tiền tệ siết chặt” bằng cách tăng lãi suất chiết khấu từ 0.25 lên tới 5.0 hiện nay do Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang thực hiện khiến mọi lãi suất gia tăng, đặc biệt lãi suất cho vay tại hệ thống Ngân Hàng Tư Nhân. Sự tăng lãi suất này làm nản lòng các nhà đầu tư sản xuất và những người muốn mua nhà mới hay mua nhà lần đầu với lãi suất lên tới 7.5% hiện nay so với khoảng 3% vào cuối năm 2020.

Vì ít người có khả năng tài chánh để mua nhà lúc này nên kỹ nghệ xây nhà mới giảm xuống trầm trọng, một phần cũng vì giá vật liệu xây cất cao do tình trạng lạm phát hiện nay.

Cựu TT Donald Trump chủ trương áp dụng một chính sách “tiền tệ bành trướng” nhằm tăng trưởng kinh tế qua việc giảm lãi suất chiết khấu của FED xuống mức thấp dưới 3% để khuyến khích dân chúng mua nhà và phục hồi kỹ nghệ xây nhà mới, một kỹ nghệ chủ chốt trong nền kinh tế, thu dụng nhiều triệu công nhân.

3/  Những chính sách khác:

a) Cắt bỏ những thủ tục và luật lệ kinh doanh khắc nghiệt, rườm rà và kém hiệu năng làm nản lòng các nhà đầu tư sản xuất. Cựu TT Donald Trump hứa cắt giảm 50% các thủ tục và luật lệ kinh doanh khắc nghiệt này, và như vậy ông cắt bỏ được nhiều cơ quan điều hành và kiểm soát thiếu hiệu năng và thừa thãi, làm nhỏ gọn chính quyền liên bang và tiết kiệm được nhiều tiền thuế của dân.

b) Cựu TT Donald Trump đã đích thân mời nhà tỷ phú Elon Musk và được nhận lời, thiết lập một ủy ban chuyên biệt điều hành và kiểm soát tình hình tài chánh trong ngân sách liên quan tới thu hoạch thuế má và chi tiêu của chính phủ, nhằm tránh thất thoát thuế thâu và chi tiêu bừa bãi qua nạn tham nhũng của nhà nước ngầm.

c) Cựu TT Donald Trump cũng mời ông Robert Kennedy Jr. và được nhận lời thiết lập một ủy ban chuyên biệt về thực phẩm tại Hoa Kỳ nhằm nghiên cứu, kiểm soát và điều hướng kỹ nghệ thực phẩm, vì hiện nay tại Hoa Kỳ có rất nhiều người lớn và trẻ em mắc bệnh béo phì gây ra nhiều bệnh khác như tiểu đường, tự kỷ và các bệnh ung thư đủ loại. Các nhà nghiên cứu y tế cho biết sức khỏe của người dân Hoa Kỳ thua kém xa các dân khác ở Nhật Bản và Âu Châu.

d) Cựu TT Donald Trump chủ trương tiết kiệm tiền thuế của dân khi chấm dứt không còn là bầu sữa cho các thành viên NATO lợi dụng, không chịu đóng 2% tổng sản lượng quốc gia, không đứng trên đôi chân để bảo vệ cho chính họ trước, rồi sau mới nhờ đến ngoại viện. Ông tiếp tục không gia nhập Hiệp Định Khí Hậu Paris vì sự đóng góp bất công, không tài trợ cho một số cơ quan của Liên Hiệp Quốc như cơ quan y tế WHO  tham nhũng, bị Trung Cộng mua chuộc và lũng đoạn như trong trường hợp Covid 19 phát xuất từ Vũ Hán. Ông tiếp tục xóa bỏ thương ước NAFTA với Mễ Tây Cơ và Gia Nã Đại và theo thương ước mới được ký trong nhiệm kỳ đầu, ông bác bỏ tham gia hiệp ước nguyên tử quốc tế với Iran vì chẳng đi đến đâu và bị Iran lừa bịp.
Tất cả số tiền tiết kiệm được từ các vụ trên lên đến nhiều chục tỷ đô la sẽ được ông đầu tư vào việc tu bổ và sửa chữa hạ tầng cơ sở, cung cấp rất nhiều việc làm cho dân chúng.

e) Trong năm đầu tiên nếu đắc cử, TT Donald Trump sẽ trục xuất hàng triệu người di dân bất hợp pháp, trong đó có tội phạm đủ loại, buôn bán ma túy, phụ nữ và trẻ em, hãm hiếp, trộm cướp, mắc bệnh thần kinh, tù nhân từ các nhà tù của nhiều quốc gia thả ra. Ông sẽ đuổi nhóm này về Mexico, cửa ngõ xâm nhập vào Hoa Kỳ một cách tự do. Ông sẽ dùng thuế quan cao đánh vào hàng của Mexico xuất cảng vào Hoa Kỳ như trong nhiệm kỳ đầu, khiến nền kinh tế Mexico chao đảo, phải gửi ngay Thứ Trưởng Ngoại Giao sang Hoa Kỳ xin thương thảo.

f) Cựu TT Donald Trump chống phong trào toàn cầu hóa trong vấn đề sản xuất. Ông đưa ra một thí dụ về việc chế tạo một chiếc máy bay dân sự của hãng Boeing. Vì ham rẻ, các bộ phận được sản xuất tại nhiều quốc gia có kỹ thuật kém hoặc vật liệu kém nên không bảo đảm phẩm chất. Ông nói, đầu máy thì sản xuất ở Anh Quốc, cánh máy bay ở Nam Hàn, thân máy bay ở Mỹ, cơ phận điện tử thì ở Đài Loan hay Nam Hàn v.v… Phương thức chế tạo này đã gây ra những tai nạn đáng tiếc mấy năm trước đây của hãng hàng không Delta gây tử thương cho nhiều hành khách và gần đây xảy ra vụ cánh cửa thoát hiểm rơi ra trên không, bánh xe rớt khi vừa cất cánh v.v…

Cựu TT Donald Trump chủ trương ít nhất 95% các bộ phận của một máy bay phải được sản xuất và lắp ráp ngay tại Hoa Kỳ để bảo đảm phẩm chất. Những gì sản xuất ở Mỹ (Made in USA) phải là tốt nhất thế giới để giữ gìn danh tiếng của cường quốc số một trên hoàn cầu. Ngoài ra, việc chế tạo tập trung tại Mỹ bảo đảm không có giai đoạn sản xuất nào bị chậm trễ hoặc bị trục trặc, thời gian hoàn thành bảo đảm và nhất là giữ việc làm cho công nhân trong nước.

LỜI KẾT

Thưa quý vị đồng hương thân mến,

Người viết đã từng tự nhận mình chỉ là một cái loa phóng thanh truyền đạt các tin tức về nền chính trị và kinh tế Hoa Kỳ trong mấy năm gần đây, kể từ năm 2020.

Trong bài tường thuật này người viết ghi chép tất cả những vấn đề mà Cựu TT Donald Trump đã thuyết trình, một cách hết sức trung thực trong khả năng Anh Ngữ của mình cho phép. Với chút khả năng Anh Ngữ, người viết nghe toàn bài nói chuyện và ghi chép xuống giấy ngay, nên có thể thiếu sót, mong quý vị bổ túc thêm cho trọn vẹn.

Theo người viết, 3 chủ điểm chính yếu, hay 3 mũi dùi chiến lược hoặc 3 cột trụ của kế hoạch kinh tế toàn diện của Cựu TT Donald Trump là: sự độc lập nhiên liệu xăng dầu, nguồn điện lực dồi dào và sự phục hồi nền tảng kỹ nghệ sản xuất, để tạo ra mức tăng trưởng kinh tế tối đa và trường kỳ, khiến cho  tổng sản lượng nội địa xổi GDP cũng gia tăng tối đa và trường kỳ, làm cho Hoa Kỳ vĩ đại trở lại trong thịnh vượng và phú cường. Đây là một kế hoạch kinh tế tổng thể và toàn diện có mục tiêu chính yếu và tối hậu rõ ràng.

Người viết tin tưởng Cựu TT Donald Trump sẽ đắc cử để thực hiện thành công những gì ông đã hứa trong kế hoạch kinh tế này và tin chắc rằng ông sẽ thực hiện toàn vẹn như ông đã chứng minh trong nhiệm kỳ đầu 2016-2020.

Người viết cũng xin quý vị người đọc vui lòng phổ biến rộng rãi bài viết này.

Mong lắm thay!
Kính chào,

Garden Grove, ngày 16 Tháng 9 Năm 2024

Đỗ Ngọc Hiển
Cựu Giáo Sư Kinh Tế Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*