Dễ gặp nhưng cũng dễ phòng tránh
Lão hóa sẽ đi kèm với những thay đổi lớn trong cơ thể và ảnh hưởng tiêu cực đến chức năng của nhiều bộ phận trên cơ thể. Người lớn tuổi thường bị giảm dần sức mạnh, khối lượng cơ thậm chí phải đối mặt với bệnh teo cơ hay còn gọi thiểu cơ.
Bệnh teo cơ ở người già là gì?
Sự giảm mô cơ vân theo tuổi tác là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây suy giảm chức năng cơ.
Bệnh teo cơ (thiểu cơ) ở người già còn có tên khoa học là sarcopenia. Bệnh gây mất sức mạnh và khối lượng cơ bắp. Chứng bệnh này thường khởi phát ở tuổi 75 nhưng có thể sớm từ 65 hoặc muộn ở tuổi 80. Đây là yếu tố hàng đầu gây ra tình trạng yếu cơ, dễ gây té ngã và gãy xương ở người lớn tuổi.
Tình trạng này tiến triển nhanh hơn ở những người cao tuổi ít vận động thể chất, nằm liệt giường hoặc có chế độ dinh dưỡng kém. Teo cơ ở người già là một trong những yếu tố nguy cơ cao gây tàn tật, thậm chí là giảm tuổi thọ ở người lớn tuổi.
Nguyên nhân gây teo cơ
Lão hóa là nguyên nhân thường gặp của bệnh teo cơ. Bên cạnh đó, chứng teo cơ ở người già còn đến từ các nguyên nhân sau:
Ít vận động
Không thường xuyên vận động, sử dụng cơ là một trong những nguyên nhân lớn nhất gây ra chứng suy giảm cơ bắp, dẫn đến tình trạng teo và yếu cơ nhanh hơn. Việc nghỉ ngơi hoặc nằm bất động trên giường sau một chấn thương hoặc bệnh tật dẫn đến teo cơ ở người già.
Chế độ ăn uống không đủ dinh dưỡng
Chế độ ăn uống không cung cấp đủ calo và protein sẽ dẫn đến tình trạng giảm cân và giảm khối lượng cơ. Ngoài ra, do gặp các vấn đề thay đổi về khẩu vị, răng, nướu khó khăn trong việc ăn uống, thưởng thức món ăn, nên người già dễ chán ăn, ăn uống không đầy đủ. Từ đó khiến cơ thể không được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cần thiết cho cơ bắp.
Béo phì
Việc giảm khối lượng cơ có thể liên quan đến việc tăng lượng mỡ trong cơ thể, do đó mặc dù cân nặng bình thường nhưng cơ vẫn yếu đi rõ rệt. Đây là tình trạng béo phì – một trong những nguyên nhân gây ra suy giảm thể chất và giảm sức mạnh cơ bắp. Ngoài ra, béo phì cũng là nguyên nhân gây nên bệnh xơ vữa động mạch, tiểu đường loại 2 và kháng insulin. Trong đó, kháng insulin có liên quan đến mất cơ do tuổi tác.
Các dấu hiệu của bệnh teo cơ
Bệnh teo cơ thường có những biểu hiện dễ nhận biết sau:
- Suy giảm thể chất, gặp khó khăn khi cầm nắm, nâng đỡ đồ vật
- Thao tác chậm chạp bất thường, dễ kiệt sức và ít hứng thú với các hoạt động thể chất
Tuy nhiên, các dấu hiệu này cũng có thể xảy ra ở các bệnh lý khác. Do đó, nếu người lớn tuổi xuất hiện một hoặc nhiều trong số các biểu hiện này và không có lý do rõ ràng, hãy gặp bác sĩ càng sớm càng tốt để được chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh.
Phòng ngừa bệnh teo cơ
Hiện nay không có thuốc đặc trị bệnh teo cơ ở người già. Mặc dù vậy, các hoạt động thể chất và dinh dưỡng hợp lý có tác dụng tích cực trong việc phòng ngừa và cải thiện chứng teo cơ. Tất cả hình thức tập thể dục đều mang lại lợi ích, nhưng rèn luyện sức bền là liệu pháp tốt nhất.
Tập luyện, vận động cơ thể
Khi vận động, các sợi cơ căng lên, tạo yếu tố tăng trưởng dẫn đến tăng sức mạnh và làm tăng hoạt động của các hormone thúc đẩy tăng trưởng. Những tín hiệu này làm cho các tế bào cơ phát triển và tự điều chỉnh nhóm cơ hiện có và tạo ra các sợi cơ mới.
Đi bộ và tập luyện cường độ thấp giúp giảm nguy cơ hạn chế vận động. Vì vậy, cách tốt nhất để tránh teo cơ ở người già là giữ cho cơ bắp được hoạt động. Các hoạt động thể chất có thể là thể dục nhịp điệu, tập luyện sức bền (ví dụ đi bộ) hoặc các bài tập thăng bằng, miễn sao phù hợp với tình trạng sức khỏe của người lớn tuổi. Người lớn tuổi nên dành từ 2 – 4 buổi tập trong tuần để đạt được hiệu quả tốt nhất.
Chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng
- Chất đạm
Chế độ ăn uống có ảnh hưởng lớn đến sự suy giảm khối lượng cơ và sức mạnh do tuổi tác. Trong đó, protein đóng vai trò quan trọng trong việc phân hủy thành các axit amin và sử dụng để phát triển cơ bắp. Các thực phẩm giàu protein nên được bổ sung trong chế độ ăn của người già bao gồm: thịt, cá, trứng, sữa, đậu nành…
- Omega 3
Omega 3 không chỉ giúp cải thiện sức khỏe thị giác, não bộ ở người lớn tuổi mà còn tác động tích cực đến sự phát triển của cơ bắp. Nguồn axit béo omega 3 dồi dào nhất có trong các loại hải sản như: tôm, cua, cá, nghêu, sò…
- Creatine
Creatine là một loại protein nhỏ được sản sinh tự nhiên trong gan. Để không bị thiếu hụt, bạn có thể bổ sung creatine bằng chế độ ăn uống từ thịt hoặc dưới dạng thực phẩm bổ sung để tăng cường phát triển cơ bắp. Tuy nhiên, creatine sẽ không mang lại hiệu quả nếu bạn không tập thể dục thể thao và thiếu hụt các dưỡng chất khác.
“Teo Cơ” là tình trạng phổ biến ở người già và có thể làm giảm tuổi thọ cũng như chất lượng cuộc sống. Vì vậy, để có hệ cơ bắp khỏe mạnh khi cao tuổi, bạn cần ăn đủ calo và protein chất lượng cao để làm chậm tốc độ mất cơ. Đồng thời, bổ sung các chất dinh dưỡng như omega 3 và creatine để chống lại chứng “teo cơ” ở người già. Đừng quên, tập thể dục, vận động cơ thể vẫn là cách tốt nhất để ngăn ngừa và đẩy lùi bệnh teo cơ nhé!
Nguồn: https://hellobacsi.com/lao-hoa-lanh-manh/co-the-lao-hoa/benh-teo-co-o-nguoi-gia/
Be the first to comment