Trong Kiến Thức Không Có Bàn Trước Bàn Sau

Gs. Chu Phạm Ngọc Sơn,  qua đời lúc 2g02 sáng 11-8, thượng thọ 88 tuổi.

Ông Chu Phạm Ngọc Sơn sinh năm 1936, tại Sài Gòn, nguyên quán tỉnh Hưng Yên.

Chuyện đã lâu, ba mươi mấy năm rồi, không nhớ chi tiết, chỉ nhớ các nét chánh…

Chiều ấy, khoảng 4 giờ, anh Nghiêm Xuân Hải gọi hỏi có biết ông Chu Phạm Ngọc Sơn không. Chốc nữa ông ấy tới nhà tôi, Vân rảnh ghé chơi. Trước đó mấy năm tôi làm cầu nối giữa nhóm Cam Tuyền (của bác Hoàng Xuân Hãn) với thầy Chu Phạm Ngọc Sơn, nhóm Cam Tuyền trao Thầy học bổng chuyển cho một nghiên cứu sinh đang làm luận án với Thầy tại Việt Nam.

Tôi ghé nhà anh Hải ở Lozère, ngoại ô Paris, thấy anh đang trò chuyện với giáo sư André Loupy. Phòng thí nghiệm của ông Loupy kề bên phòng thí nghiệm Sinh học Tế bào của trường Đại học Orsay. Tôi thường gặp ông tại căng-tin. Một lúc sau Thầy Sơn từ phòng bên đi ra. Chắc các anh chị cùng lứa đại học Khoa học đều cảm nhận uy tín của các “Đại Sư Phụ” thời trước năm 1975. Các ông Lê Văn Thới, Nguyễn Chung Tú, Đặng Đình Áng, Phạm Hoàng Hộ thuộc bậc đó. Các Thầy có uy rất lớn, không chỉ vì chức tước mà vì tác phong mô phạm và khối kiến thức chuyên ngành. Xã hội thời ấy rất trọng kiến thức, trọng giới học thuật, hàn lâm! Thầy Chu Phạm Ngọc Sơn khá trẻ so với các vị trên nhưng vẫn được xếp vào hàng ngũ “đại sư phụ”!

Anh Nghiêm Xuân Hải là giáo sư Toán, ông Loupy và thầy Sơn ngành Hóa. Tôi ngành Sinh học ngồi nghe các ông bàn về một phản ứng hóa học. Đại để là phản ứng thuận nghịch, nhưng do nồng độ các chất tham gia phản ứng chênh lệch quá lớn nên sự thuận nghịch không đáng kể, về thực hành có thể xem như phản ứng một chiều. Các áp lực hóa, lý được tạo ra khiến phản ứng xảy ra thì kích thích phản ứng tiếp theo nhanh hơn. Thầy Sơn nhờ anh Hải xem công thức toán Thầy đặt ra để dự đoán nồng độ sản phẩm, trong giới hạn thời gian ngắn ngủi của tiến trình phản ứng, có hợp lý không. Sự đồng quy của các ngành khoa học thể hiện rõ trong buổi bàn luận đó.

Giải quyết vấn đề toán xong, thầy Sơn quay lại hỏi tôi có nhận vai trò phản biện khi Thầy có đề tài thích hợp hướng dẫn nghiên cứu sinh. Thú thực, lúc đó còn bị khớp bởi danh tiếng quá lớn của các Thầy, tôi nói em không dám đâu vì cách Thầy xa quá! Thầy Sơn nói giao thiệp cá nhân thì Thầy Trò, còn Kiến thức không có bàn trên bàn dưới! Tôi biết em từ lúc em chưa đi Pháp, giờ em vững vàng còn rụt rè gì nữa!

Khoảng chục năm sau đó, tôi có cơ hội làm việc với Thầy trong Khu Công Nghệ Cao Tp HCM. Dù thích sự nghiệp xây dựng Khu Công Nghệ Cao, một số việc xảy ra khiến tôi rất do dự. Bàn luận với Thầy, Thầy hỏi: Em có kinh nghiệm điều hành công ty, vị trí này phù hợp với em chớ? Dạ, điều hành công ty Mỹ, Tây Âu khác với điều hành công ty Việt Nam. Tâm lý nhân viên cũng khác! Thầy nói không thoải mái thì không làm, Lãnh Vân có cá tính độc lập, giờ vô khuôn khổ làm chi, phức tạp lắm, nhiều điều em không đoán trước được và phản ứng của em sẽ bất lợi cho em. Lúc đó em đâu còn đường lui! Thầy chưa điều hành công ty mà quen với các ông điều hành bên Hóa dầu cũng thấy không hạp! Thôi, Lãnh Vân thấy không thoải mái thì không làm. Mình khoa học về núp trong khoa học!

Mấy năm sau nữa, trong một lần Khu Công Nghệ Cao kỷ niệm ngày thành lập, Thầy Trò gặp nhau. Thầy nói, giờ thì Lãnh Vân khỏe rồi, ngon quá rồi! Đứng với Thầy giữa sân gió lộng, tôi thấy đời mình khỏe thiệt! Tự thấy hên quá, hồi đó chọn lối sống tự do chớ không đưa thân vào nhà nước! Được cái hên đó, cũng có lời Thầy giúp ý!

Hôm nay, Thầy mất rồi, em nhớ những tâm sự của Thầy mà chắc rằng cũng là tâm sự của không ít trí thức thời Khoa Học Đại Học Đường! Thầy sống êm lành, thuận theo thời thế, nhưng đời làm việc của Thầy đâu suôn sẻ như ngó từ bên ngoài! Sao trong xã hội này giới trí thức mình ai cũng có tâm sự gút mắc?

Ngày 14 tháng 8 năm 2024 này, em sẽ thắp nhang cho Thầy và gởi tất cả nỗi niềm theo hương khói vĩnh viễn bay xa… Ngày 12 tháng 8 năm 2024

Lê Học Lãnh Vân
Ngày 13/8/2024

Nguồn: https://vandoanviet.blogspot.com

* * *

Kỷ Niệm với Thầy Chu Phạm Ngọc Sơn 
(Nhóm cựu Sinh viên Đại học Khoa Học Sài Gòn)

Cô Lê Thu Vân

Dáng người cao với đôi mắt sáng, thông minh là hình ảnh của Thầy Chu Phạm Ngọc Sơn, người Thầy đã mang về cho Ban Hóa Học Đại Học Khoa Học Saigon một lối giảng dạy mới, dễ hiểu và có tính biện luận. Thầy đã tận tụy hướng dẫn đàn em và học trò những kiến thức cập nhật trong nghiên cứu cũng như trong học tập. Chúng tôi thật ngưỡng mộ.

* * *

Cô Trần Huê – Australia

Thầy CHU PHẠM NGỌC SƠN (CPNS)

Được tin buồn Giáo Sư Chu Phạm Ngọc Sơn vừa từ trần ngày 11 tháng 8 năm 2024 tại Sài Gòn, Huê vô cùng thương tiếc và tưởng nhớ Thầy.

Xin thành thật chia buồn cùng Ánh và thành kính phân ưu cùng đại gia đình Thầy Chu Phạm Ngọc Sơn.

Cầu xin hương linh Thầy Chu Phạm Ngọc Sơn sớm được siêu thoát về miền Cực Lạc.

Huê nhớ về Thầy Sơn với dáng cao ốm, rất giỏi, bền bỉ, đam mê trong công việc giảng dạy, hăng say nghiên cứu, không ngừng học hỏi, đọc sách báo, … để theo kịp tiến bộ hóa học xứ ngoài. Thầy đã từng nói: “Khoa học không biên giới, nhưng người làm khoa học có quê hương của mình.”

Huê được đào tạo và làm việc tại Ban Hóa Lý và Hóa Lý Hữu Cơ (1971-1978), nơi Thầy Chu Phạm Ngọc Sơn từng là Trưởng Ban và là Giáo Sư hướng dẫn sinh viên nghiên cứu sau Cử Nhân.

Huê (H) mang ơn Thầy đã nhận Huê vào nhóm nghiên cứu sau 1975. Thầy bình đẳng trong việc đào tạo học trò, rất kiên nhẫn, luôn tận tâm hướng dẫn, là tấm gương sáng cho học trò theo học và hành.

Khi Huê còn làm việc trong nhóm của Thầy, không những được Thầy giúp mà khi Huê đã qua Úc và tiếp tục học Hóa ở Úc, có thầy người Úc, Thầy vẫn tìm cơ hội động viên Huê.

Hơn 30 năm về trước, Huê gặp lại Thầy trong chuyến Thầy đến Úc viếng thăm các trường Đại Học, một số cơ sở nghiên cứu (như Trung Tâm Phân Tích Thử Nghiệm). Thầy vẫn vậy, vẫn làm việc quá tải!

Huê luôn rất ngưỡng mộ Thầy, và rất may mắn đã một thời được theo học và làm việc với Thầy.

Huê luôn quý mến và biết ơn Thầy Chu Phạm Ngọc Sơn.

Trân Trọng,
Học Trò Trần Huê 

* * *

THANG HOA SAN – MELBOURNE AUSTRALIA

Thang Hoa San xin thành kính chia buồn với cô Ánh và gia quyến Thầy Giáo Sư Chu Phạm Ngọc Sơn (các em Xí, Đạt và Bi sinh sống ở Mỹ).

Khi nhận được tin sự ra đi một ông Thầy kính yêu, San rất buồn và thương tiếc cùng mang sâu trong lòng sự biết ơn một người Thầy đã từng giúp đở San khi San tốt nghiệp năm 1976. Không những được Thầy giới thiệu đi làm việc tại nhà máy sản xuất máy may SINCO để được ở lại Sài Gòn không bị đưa đi làm giáo viên ở quê, mà ban đêm còn được Thầy cho phép vô phòng thí nghiệm để được học thêm với Thầy (và chị Nhất Hoa) về hóa lý, hóa lý hữu cơ và hóa lượng tử.

Hôm nay tất cả mọi thành quả đạt được của San về lãnh vực hóa polyme (Polymer Chemistry), bao gồm sự phát minh một cách mới về tổng họp polyme sống gốc tự do theo cơ chế RAFT (Reversible Addition-Fragmentation Chain Transfer) đều là nhờ nỗ lực đào tạo của người Thầy kính yêu trong những ngày học tại trường ĐHKHSG năm 1973-1975.

Xin nguyện cầu linh hồn Thầy luôn được yên nghỉ nơi vĩnh hằng và vĩnh lạc.

* * *

Nguyễn Bá Hiệp

1975 – Tôi rời bỏ bút tập để hòa mình vào công tác xã hội, chiến dịch, lao động cũng như hàng ngàn sinh viên, bạn bè cùng trường. Các buổi tối gác trường cuối năm tôi thường thấy một ông thầy cao dong dỏng, gầy gò rời phòng thí nghiệm trường đạp xe ra về khi trời đã vào khuya 9, 10 giờ. Hỏi ra mới biết đó là Giáo Sư Chu Phạm Ngọc Sơn. Tôi thường tự hỏi sao ông thầy này làm việc khuya thế!

1976 – Chúng tôi trở về trường lớp để hoàn tất năm học và tôi tiếp tục theo học khoa Hóa Đại Học Tổng Hợp. Tôi có dịp gặp lại Thầy Sơn qua các lớp Hóa Lý 1 và 2, rồi Hóa Lý Hữu Cơ. Cách giảng dạy đặc thù của Thầy – nêu vấn đề rồi suy luận, giải thích rõ ràng từng điểm – như mê hoặc và giúp tôi hiểu bài thông suốt tuy rằng Hóa Lý là môn khó nuốt. Qua các bạn bè đàn anh, tôi được biết sơ về nhóm các thầy cô dưới sự hướng dẫn nghiên cứu của Thầy. Như các sinh viên cùng lớp, tôi có mơ ước được làm học trò và làm việc với Thầy. Tôi chỉ biết cố học chăm để có hy vọng Thầy để ý. Năm thứ ba tôi xin được vào làm phụ thí nghiệm cho nhóm của Thầy qua sự giúp đỡ của các Cô Nhất Hoa và Cô Kim Dung. Được gặp và nói chuyện với Thầy trong phòng thí nghiệm làm tôi hãnh diện và vui thích lắm. Thầy hiền lành, bình dân và vui vẻ với học trò không phải như tôi thường nghĩ về các thầy thật nổi tiếng.

1979 – Tôi tốt nghiệp và may mắn được giữ lại trường tại bộ môn Hóa Lý và làm việc trong nhóm Hóa Lý Hữu Cơ của Thầy. Thầy là người dìu dắt và hướng dẫn từng bước phát triển con người của tôi. Từ đề nghị đề tài đến phương pháp, làm thí nghiệm phản ứng hóa học, cô lập sản phẩm và phân tích nhận danh cấu trúc, tôi say mê bên Thầy và Cô Nhất Hoa. Thầy thường bận rộn đi họp và chỉ về phòng thí nghiệm rất khuya 8-9 giờ tối. Thầy hỏi tôi kết quả cô lập sản phẩm ra sao và cùng tôi lên phòng Quang Phổ để nhận danh và theo dõi sản phẩm bằng phổ hồng ngoại. Có những đêm Thầy và tôi ở lại thư viện rất khuya. Thầy hướng dẫn tôi các đề án nghiên cứu về cơ chế phản ứng, phản ứng xúc tác chuyển pha. Thầy cho phép tôi sử dụng cái máy vi tính Apple trong phòng Thầy – là máy tính “quý báu” tại Việt Nam thời bấy giờ – nhờ vậy tôi học thêm thảo chương và được dịp làm việc với Thầy Bang về tính toán hệ thống chưng cất nhà máy rượu Bình Tây. Con người tôi trưởng thành dần qua các năm tháng làm việc với Thầy. Không có các năm tháng học hỏi và làm việc bên Thầy thì tôi không thể là tôi ngày hôm nay. Tôi coi Thầy không chỉ là người Thầy mà quan tâm với Thầy như một người thân của mình. Không biết bao kỷ niệm tôi có được bên Thầy tới giờ tôi vẫn nhớ như in trong óc.

Trường ta còn khổ và nghèo lắm vào các năm 1980, phòng thí nghiệm không có đủ nước bơm lên lầu cao nên chúng tôi phải “dã chiến” dùng xô nước đặt lên ghế cao và dẫn nước xuống để làm lạnh cho phản ứng và chưng cất dung môi. Một hôm học trò quên đổ thêm nước lại trên cao và hơi dung môi phựt cháy. Tất cả trong phòng đều đứng người không biết xử trí ra sao thì Thầy kêu to “Bình chữa lửa!” Lời nhắc và sự xử lý nhanh nhẹn của Thầy đã giúp chúng tôi tránh khỏi một tai nạn.

Ngoài việc nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, thầy trò còn tham gia sản xuất vẹc-ni và ly trích dầu hạt điều. Chúng tôi thường ở lại khuya trông coi và cô lập sản phẩm từ nồi phản ứng. Có những buổi chiều xe tải chở những bao hạt điều 25 kg đến, chúng tôi cùng bác Giao khiêng các bao hạt điều lên vai trần để chứa vào kho trên lầu, không quản ngại những hạt dầu loang trên người gây ngứa ngáy vô cùng. Thỉnh thoảng thầy bận đi họp gấp nên nói tôi chở bằng chiếc xe Honda dame của Thầy.

Chúng tôi trong nhóm kính trọng và lo cho Thầy như một gia đình nhỏ. Có buổi tối gia đình Thầy có chuyện, các học trò đều đạp xe đến nhà Thầy, và Cô Dung không quên dặn dò tôi là ở lại với Thầy cho đến xong việc hãy về nhé. Có lần Thầy đến tận nhà anh của tôi là thú y để anh chữa bệnh con chó của Thầy đi cầu ra máu.

1989 – Tôi sang Pháp thực tập. Lần cuối tôi làm việc và ăn tối với Thầy vào cuối tháng 12/1991. Tôi luôn tiếc nuối và cảm thấy mình có lỗi với Thầy tuy biết rằng Thầy còn rất nhiều học trò khác bên Thầy. Không còn làm việc với Thầy nhưng tất cả những gì tôi đã học hỏi từ Thầy đã giúp tôi tiến xa và trở thành người có ích cho xã hội.

Mười mấy năm sau tôi có dịp thăm lại Thầy tại Trung Tâm Sắc Ký. Thầy lúc đó tuy tuổi đã cao nhưng đầu óc rất sắc bén như xưa. Thầy dắt tôi đi thăm phòng thí nghiệm của Thầy.

Cảm ơn Thầy và tôi luôn kính trọng, biết ơn Thầy đã đào tạo tôi nên người. Bao kỷ niệm với Thầy luôn giữ trong lòng tôi. Hôm nay Thầy đã ra đi về cõi vĩnh hằng, em xin vĩnh biệt Thầy.

8/11/2024

* * *

Nguyễn Tuấn

Hello Lê Chi,

Tôi cũng có chút kỷ niệm vui với Thầy.

Sau năm 1975, một hôm tôi đang ở trong phòng trên lầu 3 của phòng mạch thú y ở khu Hòa Hưng thì nghe tiếng gõ cửa. Tôi hé cửa nhìn xem ai thì vô cùng ngạc nhiên khi biết người gõ cửa là Thầy Chu Phạm Ngọc Sơn. Tuy hồi tôi học MPC năm 1962 thì Thầy chưa về trường dạy nhưng sau đó thì Thầy nổi tiếng nên sinh viên ai cũng biết Thầy. Thầy nói với tôi: “Nhà tôi mới xuất ngoại và bà ấy quý bầy chó này lắm. Bây giờ chúng bị bệnh, tôi mang chúng đến đây anh chữa cho chúng nhé”. Có lẽ Hiệp nói với Thầy tôi là bác sĩ thú y nên Thầy mới đến kiếm tôi. Tôi vội trả lời ngay: Thầy không phải đem chúng tới, em sẽ tới nhà Thầy khám bệnh cho chúng.

Thế là tôi đến nhà Thầy. Cả bầy chó nằm chèo queo, phân be bét máu và ký sinh trùng ngoài da bò lổn ngổn! Thầy dặn tôi cứ dùng thuốc ngoại cho mau khỏi. Thế là tôi chữa khoảng 1 tuần thì bầy chó khỏi hẳn. Tôi tưởng thế là hết nhiệm vụ. Nào ngờ Thầy phán thêm: Tôi không muốn con chó này đẻ nữa. Anh thiến nó cho tôi! Thế là tôi phải nhờ một ông bạn đến phụ vì thiến chó cái cũng hơi nhiêu khê.

Cuối cùng cũng xong nhưng làm cho Thầy… đâu dám tính tiền!

* * *

Ngô Ánh Tuyết – Australia

Thầy tôi, đã ra đi … thật là buồn, mặc dù cuộc đời là vô thường, sinh lão bệnh tử, ai rồi cũng phải ra đi.

Khi nghe tin thầy mất, lòng tôi chùng xuống, một chút nuối tiếc, tôi đã lỡ cơ hội thăm thầy khi tôi về Saigon thăm gia đình tháng mười hai vừa qua.

Lúc đấy thầy bệnh khá nhiều nên cô Sơn bảo cần để thầy yên tĩnh.
Từ khi tốt nghiệp, rời trường đến nay, gần nửa thế kỷ, tôi chưa trở về thăm trường, thăm các thầy trong ngày đầu năm “Ngày truyền thống Khoa Hóa” nhưng tôi vẫn nhớ như in hình ảnh người thầy dong dỏng cao, đôi mắt sáng ngời, tầm nhìn xa xa, lời giảng rất hay và thật nhẹ nhàng.

Hồi tưởng lại, năm 1974, sau khi bị rớt vào Y Khoa, tôi tiếp tục ở lại với Khoa Học. Suy nghĩ phân vân rất nhiều, rồi tôi quyết định chọn khoa Hóa, thú thật vẫn hy vọng năm sau còn có dịp thi vào Y Khoa nữa.

Ngày đầu của môn Hóa Lý 1, thầy Sơn đã có rất nhiều lời với chúng tôi, tôi thật sự như bị lôi cuốn vào những điều thầy nói. Một điều làm tôi và một số bạn cảm thấy e ngại xấu hổ, khi thầy mới bước vào lớp học rất đông trong giảng đường E. Thầy nhìn thoáng qua lớp, chỉ chỏ đám sinh viên bên dưới rồi nói:

“mấy người” từ dự bị Sinh lý Sinh hóa, bị rớt Y Khoa, không nên theo khoa này, bây giờ hãy còn kịp để “mấy người” chuyển qua khoa Sinh, năm sau thi lại Y Khoa. Lớp này dành cho MPC tiếp tục chuyên ngành.

Tôi và các bạn hơi bị quê. Cô bạn tôi ấm ức sao thầy nói thế trong khi người em trai út của thầy cũng học từ Sinh lý ngồi cùng lớp với chúng tôi. Sau này cô ấy đậu vào Y Khoa, mỗi khi nhắc thầy, cô ấy nói ông thầy “mấy người”.

Sau buổi học đó, tôi được chọn làm đại diện sinh viên cùng với một anh và một chị nữa. Ba chúng tôi được thầy gọi lên văn phòng của thầy nơi dãy giảng đường E, sau giờ học. Tôi hơi lo ngại nếu thầy biết tôi từ Sinh lý lên. Nhưng thầy rất ôn hòa, hướng dẫn chúng tôi xem phòng thí nghiệm, nơi thầy nghiên cứu các dự án. Thầy tận tình chỉ bảo thêm, khi tôi có thắc mắc bài học vì nhận trách nhiệm đại diện cho lớp, phải cố gắng học. Tôi thường gặp và rất ngưỡng mộ hai cô học trò cưng của thầy, nơi phòng thí nghiệm miệt mài học hỏi và làm việc sau giờ dạy. Thầy bảo nghiên cứu khoa học phải tận tụy chịu khó như thế.

Rồi năm 1975, và những năm sau đó, cơ cấu của lớp cũng thay đổi. Tôi không còn gặp thầy nữa.

Tôi cố học để xong cử nhân hệ chứng chỉ, cũng may những môn của thầy kết quả của tôi tương đối khá. Rồi tôi cũng hoàn tất được cử nhân Hóa Lý, cho dù là học ban A thời trung học.

Tôi luôn nhớ lời thầy, cố gắng và học hỏi khi không biết, thì sẽ đạt được điều mình muốn.

Sau này, khi định cư ở Sydney, tôi làm Quality control cho một công ty Mỹ, sản xuất những solar cell để làm panel cho thiết bị hấp thu năng lượng mặt trời. Đôi lúc tôi thầm ước nếu gặp được thầy, tôi sẽ học hỏi thêm về quang phổ,  giúp cho tôi rất nhiều trong công việc. Vài tháng sau, tôi đổi ngành, chấp nhận học lại từ đầu, thích hợp với xứ tư bản hơn. Từ đó Hóa học dần chìm vào quên lãng.

Thỉnh thoảng được tin thầy qua các bạn. Khi nghe tin thầy bệnh, tôi rất muốn gọi về thăm thầy, rồi được tin cô cho hay thầy tạm ổn.

Nay thầy ra đi, đã để lại biết bao công trình khoa học, biết bao học trò giỏi vẫn tiếp tục con đường của thầy.

Từ phương xa, em xin thắp nén hương, cùng cầu nguyện thầy được an nhiên nơi vĩnh hằng.

Vĩnh biệt thầy tôi.
Sydney, 14 tháng 8 năm 2024

Ngô ÁnhTuyết
Hóa CN2 – 1978

* * *

Tiền Anh Thơ – Australia

Nhớ Thầy

Khi các anh chị em trong nhóm cựu sinh viên Đại học Khoa học Saigon gởi email về việc viết về Thầy Chu Phạm Ngọc Sơn, rất nhiều kỷ niệm về Thầy ùa vào trong trí, nhưng trong cuộc sống bận rộn nơi xứ người, con vẫn không có sắp xếp thời gian để ngồi xuống viết về Thầy. Giờ đây, khi Thầy không còn trong cõi nhơn gian này nữa, con xin ghi lại ít nhiều kỷ niệm với Thầy trong vô vàn những giây phút được học hỏi khi làm việc với Thầy.

Là một trong những người trẻ sinh ra ở miền Nam Việt Nam lớn lên khi biến cố 1975 bít kín con đường vào Đại học, con phải đợi hơn mười năm sau khi tốt nghiệp phổ thông (tú tài 2) mới bắt đầu đại học. Khi đó, trường Đại học Khoa học cùng với Đại học Văn khoa đều mất tên và trở thành Đại học Tổng hợp. Ngoài hệ đại học chính quy dành cho những người đậu lý lịch học miễn phí, trường mở thêm hệ mở rộng cho sinh viên ghi danh và đóng học phí học. Con thuộc về nhóm mở rộng đó, nhưng cũng được học với những vị thầy nổi tiếng như thầy Chung Tú (vật lý), thầy Đỉnh (toán), thầy Khuyến, cô Sương (hóa hữu cơ), và dĩ nhiên là thầy Chu Phạm Ngọc Sơn (hóa lý). Rất kính và thương quý thầy xuất ngoại du học và khi thành tài trở về đất nước Việt Nam nghèo nàn này để giảng dạy sinh viên trong nước. Quý thầy đã trải qua những năm tháng khó khăn và sống cuộc sống bình dị như những người dân bình thường trong thời kỳ khốn khó sau chiến tranh. Quý thầy cũng đi những đoạn đường sinh viên phải đi khi lối đi vào giảng đường 2 ngập lụt sau những cơn mưa lớn của Saigon. Thầy Sơn đã ngưng giảng khi sinh viên phải đổi chỗ khi mưa tạt vào giảng đường, đôi mắt thầy đăm chiêu, có phải thầy liên tuởng đến những giảng đường đầy đủ tiện nghi nơi xứ xa?

Khi học năm thứ ba, Trung tâm Phân tích do thầy Sơn sáng lập tuyển kỹ thuật viên, con đạp xe đạp đến Dakao tìm thầy xin việc. Thầy đi chiếc Honda dame cà tàng vào, con đến trước thầy tự giới thiệu là sinh viên năm thứ ba khoa Hóa chuyên ngành Hóa Lý, có biết tiếng Pháp, tiếng Anh và vi tính. Thầy cho ngày đi dự tuyển. Đến ngày dự tuyển, sân Trung tâm Phân tích xe đạp đậu đầy, số người dự tuyển có đến hàng trăm. Vậy mà con may mắn được trúng tuyển vào làm việc, được phân công vào phòng Vô cơ. Sau này nghe kể lại, khi tuyển con vào, những người thuộc thế giới bên kia không muốn tuyển vì nghi ngờ trước sau con cũng sẽ đi ra nước ngoài, nhưng thầy vẫn cho con vào làm việc. Trung tâm Phân tích là tâm huyết của Thầy. Nhờ quen biết chuyên gia các nước, thầy cho nhập vào nhiều máy móc tân tiến, và được làm việc với thầy là một vinh dự và cơ hội học hỏi rất lớn. Một buổi chiều, thầy điện thoại bảo con vào văn phòng thầy có chuyện. Khi thầy hỏi con có dự định đi định cư nước ngoài không, con thành thật khai báo là con có người thân bảo lãnh đi Úc. Thầy cho biết thầy sẽ cử con đi Singapore dự hội nghị về máy móc phân tích. Ngày đi phó hội cũng là ngày phái đoàn Úc phỏng vấn. Sáng đó, con đi gặp phái đoàn xong đạp xe về nhà, rồi lên xe cùng thầy và cô Nhất Hoa ra phi trường đi Sing. Bạn bè đi tiễn hỏi con đi đâu, gia đình nói con ra Hồ Con Rùa chơi. Trời! ra Hồ Con Rùa làm gì vậy?

Thấm thoát bốn năm đại học cũng xong, những học phần cũng hoàn tất. Trước khi ra trường, sinh viên phải hoặc là thi quốc gia và ôn lại những môn chính trong chuyên ngành của mình, hoặc làm đề tài nghiên cứu. Vì lười học bài, con chọn làm đề tài, dù phải thuộc về top ten mới được làm đề tài. Con may mắn được thầy cho đề tài là làm phản ứng thế ở vị trí meta trong khi ai cũng biết phản ứng thế thường dễ dàng hơn ở vị trí ortho hay para. Đề tài cũng được báo cáo trong vài hội nghị khoa học trong nước và ngoài nước. Được làm học trò của thầy càng biết rõ tấm lòng của thầy đối với thế hệ đàn em, thầy luôn chú tâm khuyến khích những học trò siêng năng chịu khó. Có lần thầy than thở: “Tôi cắc ca cắc củm xin được mấy chục cái học bổng đi Úc, tụi Hà Nội đi hết, Saigon không được cái nào!” Sự thật thì Saigon đi người nào mất người đó … Có người đi luôn, viết thơ tạ lỗi với thầy, anh em trong Trung tâm ai đọc cũng khóc …

Một buổi họp tất niên / tân niên (?) tại Trung tâm, con ra trò chơi bóc thăm đoán mệnh. Thầy bắt được câu “tha hương ngộ cố nhân” ai cũng cười hết vì thầy sắp đi Mỹ, thế nào cũng gặp lại cô.

Sau khi đi Úc rồi về thăm gia đình và thăm thầy, thầy bảo con trình bày cho Trung tâm một đề tài nghiên cứu của con tại Úc. Anh chị em trong Trung tâm gặp lại nhau tay bắt mặt mừng, biết bao kỷ niệm, biết bao nghĩa tình …

Thầy có rất nhiều học trò, học trò của thầy cũng đi khắp năm châu bốn biển … Tài năng, đóng góp của thầy cho khoa học không sao kể xiết, tình thương của thầy đối với thế hệ đàn em không sao tả hết được … Giờ đây, từ nước Úc xa xôi, một trong những học trò của thầy xin dâng nén hương lòng tưởng niệm một vị thầy khả kính, một nhà bác học tài ba, một nhân tài hiếm có của đất nước. Con tin chắc đời sau thầy sẽ tái sanh nơi cõi lành, tiếp tục công việc cống hiến cho khoa học.

Brisbane, 12/8/2024

* * *

Nguyễn Thành Lưu 

Mình may mắn được học Thầy Sơn, sau đó được làm nhân viên của Thầy trong 3 năm (1996-1999) Tại Trung Tâm Dịch Vụ Phân Tích Thí Nghiệm (CASE). Kỷ niệm làm việc với Thầy thì rất nhiều nhưng kỷ niệm mình nhớ nhất là:

Vào mùa hè năm 1998, bên Công An có gửi sang CASE một vali bị nghĩ là “USD nhuộm đen”, nhờ CASE xác định có phải đó là thật hay không? Mẫu đã được chuyển đến Labo Cộng Từ Hạt Nhân (RMN) do mình phụ trách. Đây là lần đầu, mình bó tay nên đành phải đợi Thầy Sơn đi họp Quốc Hội về để xin ý kiến… Ngay buổi sáng đầu tiên Thầy quay lại văn phòng CASE làm việc, Thầy đi thẳng đến Labo RMN và nói “Giả đó ông ơi”. Nói xong Thầy dùng hai ngón tay bóc tách làm đôi tờ giấy “nhuộm đen” dễ dàng trong khi không có ai có thể bóc tách như vậy với tờ 1 USD. Thật là kỳ diệu!

Những bài toán cũng hóc búa nhưng đến với Thầy nó đã trở nên thật nhẹ nhàng đơn giản, dễ hiểu và dễ làm… Thầy luôn luôn có cách tiếp cận vấn đề rất lạ, rất độc đáo. Em cảm ơn Thầy Sơn rất nhiều ạ.

Nguyễn Thanh Lưu
Cựu Trưởng Labo RMN/CASE,
Chủ Tịch Công Ty TNHH Bao Bì Ngân Hoa

* * *

Nguyễn Thị Mỹ Linh (1966-1970) 

Viết cho Thầy.

Kính gửi Thầy Chu Phạm Ngọc Sơn,

Đã lâu lắm rồi, người học trò của Thầy những năm 66-69 ở Dalat và 70-72 ở Saigon không có cơ hội về Việt Nam thăm Thầy, nhưng hình ảnh của vị giáo sư hóa học cao và ốm vẫn còn trong trí nhớ của em sinh viên MPC năm 1966. Em rất ngưỡng mộ Thầy, giảng bài mà không nhìn vào sách, vẽ công thức trên bảng với cả hai tay cùng một lúc! Tất cả sinh viên trong lớp đều khâm phục.

Khi nhóm sinh viên chúng em về Saigon tiếp tục học, chúng em đã được Thầy đặc biệt ưu ái, có lần Thầy chở cả nhóm về nhà Thầy ăn trưa. Bây giờ được tin Thầy đã lớn tuổi và không được khỏe, em viết bài này gửi Thầy, mong Thầy đọc được và hiểu rằng chúng em, nhóm sinh viên Dalat không bao giờ quên ơn Thầy và vẫn giữ những kỷ niệm đẹp về vị giáo sư khả kính của mình.

Cầu xin Ơn Trên phù hộ cho Thầy và gia đình.

Kính

Mỹ Linh

* * *

Trần Thị Huệ 

Đại Học Khoa Học Dalat 1968

Kính thăm Thầy Chu Phạm Ngọc Sơn,

Em là Huệ, Trần Thị Huệ, học Hoá Hữu Cơ với Thầy ở Viện Đại Học Đà Lạt năm 1967-1968.

Em là vợ của anh Trần Đình Thám. Thầy có thể không nhớ em nhưng em chắc Thầy có thể nhớ Anh Thám em.

Em đi vượt biên năm 1981, hiện đang sinh sống ở Canada, tỉnh bang Ontario.

Sau biến cố năm 1975, em không có dịp gặp lại Thầy nhưng lúc nào em cũng nghĩ về Thầy, vẫn quan tâm theo dõi tin tức của Thầy qua mạng. Em rất vui mừng thấy Thầy mạnh khỏe, vẫn còn được dạy học như ngày xưa.

Hôm nay Nguyên có nói chuyện với em, có gởi hình, và nói Thầy không được khỏe, em vội viết ít hàng thăm Thầy để tỏ lòng kính yêu và biết ơn đến Thầy.

Em xin cầu chúc Thầy được nhiều sức khỏe, vui vẻ và gia đình được vạn sự bình an.

Kính

* * *

Võ Thị Đào Nguyên (1966-1970) 

Thầy Sơn,

Bước vào ngưỡng cửa Đại Học năm 1966. Mộng ước vào trường Y Khoa bị vỡ tan vì trượt kỳ thi tuyển vào ngành này. Bạn bè cùng lứa, đứa đi Sư Phạm, đứa vào Văn Khoa, đứa học Luật. Nghe nói học Khoa Học chỉ cần đậu vài chứng chỉ, thì có thể xin đi dạy trung học đệ nhất cấp được rồi, nên nhắm mắt ghi danh học MPC. Vì nghe nói MGP khó lắm và chỉ có các anh thôi, nữ nhi khó chen chân. Hơn nữa Đại Học Khoa Học Dalat chỉ có hai chứng chỉ này cho lớp dự bị mà thôi, nên không có chọn lựa nào khác. Thời đó lối học thật từ chương, mình thì văn dốt, ghét học thuộc lòng, chỉ thích Toán và Vật Lý, và tối kỵ Hóa Học. Ngày đầu đi học, dòm qua dòm lại, chỉ có 5 mạng nữ còn lại khoản 60-70 các anh. Lòng hơi chùn, nhưng đã lỡ, thôi đành phó mặc cho số mạng vậy.

Trường Đại Học Dalat có nhiều phân khoa: Văn Khoa, Sư Phạm, Chính Trị Kinh Doanh và Khoa Học. Chính Trị Kinh Doanh nhiều sinh viên nhất, Khoa Học là ít sinh viên nhất. Các giảng sư của Đại Học Dalat phần lớn được mời từ Saigon hay ở Huế lên nên thường gọi là giáo sư bay. Thường thường giáo sư bay lên Dalat hai tuần một lần và thời khóa biểu là dạy 3 ngày liền (mỗi ngày 8-10 giờ) do đó thầy cũng mệt mà trò cũng muốn chết luôn. Năm ấy Thầy Sơn là vị giáo sư trẻ nhất của lớp tôi, học trò hay tò mò, nên lý lịch của các thầy cô đều được các bậc đàn anh cho biết hết. Biết Thầy tốt nghiệp ở Mỹ, đã có gia đình, dạy theo lối Mỹ, không bắt học thuộc lòng, nên yên chí cho môn học mà mình sợ và ghét nhất.

Tuy biết trước Thầy còn trẻ nhưng thâm tâm đã là thầy bậc đại học thì có trẻ mấy cũng sẽ đạo mạo và nghiêm nghị của một bậc thầy, ai dè Thầy bước vào lớp từ dáng dấp đến phong thái giống ông anh cả đi xa mới về, Thầy tạo một bầu không khí thật thân thiện và trò cảm Thầy như tìm được một người dẫn đường đáng tin cậy để giao phó tính mạng trong cuộc phiêu lưu đầy gian nan trước mắt.

Lời Thầy giới thiệu Hóa Hữu Cơ cho chúng tôi, là Hóa Hữu Cơ rất giản dị, hợp chất hữu cơ căn bản phải chứa Carbon, và có 4 nguyên tố chính trong Hóa Hữu Cơ là Carbon, Hydrogen, Oxigen và Nitrogen, các anh chị học về cấu trúc, phản ứng, tính chất vật lý và tính chất hóa học là xong ngay. Cách dạy của Thầy đã mở óc cho chúng tôi, và làm tôi thích Hóa Hữu Cơ hồi nào không hay. Tôi nhớ mãi khi vào thi vấn đáp của MPC, Thầy hỏi tôi Acid cộng Base thì ra gì, tôi trả lời muối và nước. Thầy lại hỏi đây có phải là phản ứng hai chiều không? Tôi trả lời dạ phải. Thầy nhìn tôi và nói: Chị ăn muối uống nước thì thành acid lủng bụng chị sao? Tôi tái mặt, chắc trượt rồi, tiu nghỉu đi ra, mặc dù trong bụng nghĩ mình nói trúng nhưng không biết giải thích ra sao.

Năm kế đó Đại Học Khoa Học Dalat mở thêm hai Chứng Chỉ Hóa Hữu Cơ và Hóa Vô Cơ. Lớp Hóa Hữu Cơ do Thầy Sơn phụ trách và Hóa Vô Cơ thì do Thầy Nguyễn Thanh Khuyến và Nguyễn Văn Hoàng dạy. Chứng Chỉ Hóa Hữu Cơ có khoảng 15 sinh viên, cuối năm còn lại 12. Vì không có bao nhiêu người nên thầy trò thật gắn bó và thân mật, Thầy Sơn lúc nào cũng động viên và theo sát chỉ dẫn từng người một và kết quả cuối năm là cả 12 người đều đậu. Chúng tôi rất biết ơn Thầy, vì biết Thầy rất lo cho các nam sinh viên, nếu không đậu thì phải bỏ ngang mà đi lính thôi. Đại Học Dalat lúc ấy chưa có chương trình cử nhân, nên cả 12 chúng tôi khăn gói đi về Saigon.

Có lẽ vì Thầy từ tư cách đến cách dạy và sự đam mê, hiểu biết của môn Hóa Hữu Cơ mà đã đưa môn này âm thầm vào đầu chúng tôi, nên cả 12 chúng tôi đều quyết định theo Thầy và hoàn tất văn bằng Cử Nhân Hóa Hữu Cơ.

Dân tỉnh nhỏ về Saigon hơi khớp, nhưng nhờ học chung 2 năm nên chúng tôi hiểu, thân nhau và tạo thành một gia đình nhỏ hồi nào không hay. Sống nương tựa và đùm bọc lẫn nhau và trở thành “gà” của thầy Sơn. Hằng năm, trước khi có kết quả của kỳ thi cuối năm, Thầy đều gọi chúng tôi đến nhà và chính tay Thầy đi chợ nấu nướng, rồi thầy trò ngồi trên bàn nhậu đến khuya.

Lúc ấy chúng tôi phục Thầy sát đất và thầm nghĩ nước Mỹ hay thật, vừa đào tạo nhân tài vừa luyện con người sống bình dị, Thầy vừa là một ông thầy, một ông cha và một người anh cả của gia đình. Ngoài sự truyền đạt về kiến thức, Thầy đã cho chúng tôi một bài học quý giá về tình người.

Dù thời gian trôi qua hơn 60 năm, nhưng chúng tôi quả quyết rằng Thầy là một yếu tố chính trong cuộc đời của 12 đứa chúng tôi, như nguyên tử Carbon trong phân tử Hóa Hữu Cơ vậy. Chúng tôi rất hãnh diện đã một thời được làm học trò của một nhân tài Việt Nam và trân quý tình cảm Thầy đã dành cho trong thời gian niên thiếu. Học trò Thầy mãi mãi quý trọng Thầy và không bao giờ quên ơn Thầy đã dạy dỗ.

Cầu chúc Thầy luôn luôn khỏe mạnh và bình an.

Đàn gà của Thầy,

Trần Đăng Thành, Nguyễn Văn Minh, Lê Văn Thiện, Nguyễn Hữu Sự, Frere Triều, Lê Văn Túc, Nguyễn Quang Vinh, Thọ đen, Thọ đỏ, Nguyễn Thị Mỹ Linh, Bùi Thị Xuân Hoa, Võ Thị Đào Nguyên (Trẩn Thị Huệ ở lại Dalat)

Nguồn: Kỷ Niệm với Thầy Chu Phạm Ngọc Sơn, Nhóm cựu Sinh viên Đại học Khoa Học Sài Gòn, 11.08.2024

—-

Bài có liên quan: Giáo sư Chu Phạm Ngọc Sơn qua đời (Báo Tuổi Trẻ)

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*