Nhạc Vàng Boléro, Sến Hay Không Sến ?

“Nhạc Boléro có là nhạc sến?” Người bạn hỏi, trong một buổi họp mặt bạn bè có màn phụ diễn Karaoke.

“Có sến và không sến,” tôi nói.

Người bạn có vẻ không thỏa mãn câu trả lời vắn tắt và tôi cũng không tiện dông dài. Bài này, chỉ để nói thêm cho rõ hơn.

“Nhạc vàng Boléro” hay “dòng nhạc Boléro” trong bài là cách gọi ở trong nước, không chỉ dành cho những bài nhạc Việt thể điệu Boléro mà gồm cả các thể điệu khác như Rumba, Ballad, Habanera và cả Slow, Slow Rock đôi khi. Những người yêu chuộng “dòng nhạc” này gọi đấy là “nhạc trữ tình” hay “nhạc quê hương”, những người không yêu cũng chẳng ghét gọi là “nhạc đại chúng”, những người không yêu nổi gọi là “nhạc sến”.

Sến là sao, sao gọi là sến?

“Nhạc sến” là cách gọi chung chung, ngụ ý rẻ rúng, xem thường, hạ thấp giá trị. Nhiều người chỉ quen miệng gọi khơi khơi như vậy chứ cũng chẳng nói rõ là sến ở chỗ nào, vì sao gọi là sến.

– Sến ở thể điệu Boléro chăng?

Trước hết, nói về nhạc Boléro, chiếm phần lớn trong số “dòng nhạc” này và cũng là tiêu biểu cho dòng “nhạc vàng” miền Nam.

Nói nhạc Boléro là nhạc sến thì cũng oan cho thể điệu nhạc này.

Thứ nhất, một thể điệu nhạc tự nó không sến, cũng chẳng sang. Boléro là một thể điệu nhạc, được “Việt hóa” khi du nhập vào làng tân nhạc Việt với tiết tấu chậm rãi, nhịp phách kéo lơi ra, nghe xập xình, rỉ rả, khá phù hợp với tai nghe nhạc của người mình, vốn quen thuộc với điệu hát câu hò miền Nam, với dân ca và làn điệu cổ nhạc dân tộc.

Thứ hai, nếu có sến thì cũng tùy bài, không phải bài nào cũng sến. Nhiều bài nhạc boléro ở thời kỳ đầu của thể điệu này, như “Nắng Chiều” (Lê Trọng Nguyễn, 1953), “Các Anh Đi” (Văn Phụng, 1954), “Trăng Rụng Xuống Cầu” (Hoàng Thi Thơ, 1956), “Xóm Đêm” (Phạm Đình Chương, 1957), “Trăng Soi Duyên Lành” (Trịnh Hưng, 1958), “Thuyền Trăng” (Nhật Bằng & Thanh Nam, 1958), “Bến Giang Đầu” (Lê Trọng Nguyễn, 1959) hoặc những bài ở đầu thập niên 1960s như “Mười Thương” (Phạm Đình Chương), “Giã Từ Đêm Mưa” (Văn Phụng), “Cánh Hoa Xuân” (Nguyễn Hữu Thiết), “Ai Lên Xứ Hoa Đào” (Hoàng Nguyên), “Tôi Trở Về Thành Phố” (Y Vân & Hoàng Huy) và cả những bài “nhạc lính” như “Chiều Hành Quân” (Lam Phương), “Biệt Kinh Kỳ” (Minh Kỳ & Hoài Linh), “Chiều Biên Khu” (Tuấn Khanh & Châu Ngân), “Mười Sáu Trăng Tròn” (Trần Thiện Thanh), “Trăng Tàn Trên Hè Phố” (Phạm Thế Mỹ)… đều là những bài Boléro được yêu thích một thời, và thời ấy không nghe ai gọi những bài này là “sến” cả.

Vậy thì, nhạc Boléro bắt đầu “sến” từ lúc nào? Vì sao lại được/bị dán nhãn là “nhạc sến”?

– Sến ở người chuyên viết nhạc Boléro chăng?

Nếu không hẳn bài Boléro nào cũng sến thì cũng không hẳn bài nào được các nhạc sĩ sở trường thể điệu boléro viết ra cũng đều sến cả. Những bài như “Nỗi Lòng Người Đi” (Anh Bằng), hoặc “Cho Em Quên Tuổi Ngọc” (Lam Phương), hoặc “Chiều Trên Phá Tam Giang” (Trần Thiện Thanh & Tô Thùy Yên) vẫn được nhiều ca sĩ chọn hát trong các chương trình nhạc “sang”, khiến người yêu nhạc phải thay đổi cái nhìn về các nhạc sĩ “chuyên trị” sáng tác nhạc Boléro này.

Du Tử Lê là một trong những nhà thơ có nhiều bài thơ được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc nhất, nhưng chỉ ít bài phổ biến. Hai bài phổ thơ ông được yêu chuộng nhất, theo nghĩa được nhiều người hát nhiều người nghe nhất, một bài trước năm 1975 là “Trên Ngọn Tình Sầu” của Từ Công Phụng, một bài sau năm 1975 là “Khúc Thụy Du” của Anh Bằng, vẫn được biết đến như tác giả nhiều bài boléro quen thuộc.

Những nhạc sĩ như Y Vân, Nguyễn Hiền, Tuấn Khanh viết nhiều thể điệu nhạc, gồm cả những bài Boléro được yêu thích và phổ biến, cho thấy sến, sang gì cũng có cả, cứ món nào được ưa chuộng là dọn ra món nấy.

Nếu không phải sến ở thể điệu nhạc hay ở người viết nhạc, hẳn sến ở lời ca, giọng hát.

– Sến ở ca từ bài Boléro chăng?

Người Việt mình có khuynh hướng nghe nhạc là nghe lời ca hơn là điệu nhạc. Khi thích bài nhạc nào là thích những tình ý trong câu hát lời ca của bài nhạc ấy, khi nghe những lời ca sên sến thì gọi là “nhạc sến”. Những bài nhạc này thường là những lời kể lể than van, nỉ non ai oán. Nếu không là chuyện chúng mình, chuyện đôi ta, hoàng hậu quân vương, thiệp hồng nhẫn cưới, pháo hồng xe hoa thì cũng là chuyện tình dở dang, duyên phận lỡ làng, lỗi hẹn bội thề, kiếp này kiếp sau, tình đời đen bạc, thân phận nghèo hèn… cũng từa tựa cách gọi những “tiểu thuyết ba xu”, những “báo lá cải” để chỉ loại sách báo rẻ tiền, dành cho giới độc giả bình dân.

Đại để, những câu hát trong ít bài Boléro quen thuộc,

Anh ơi! Nếu mà sau này giấc mộng không thành
Thì đành đôi ngả chia ly / chớ đừng ưu sầu làm… chi
(“Đôi Ngả Chia Ly”, Khánh Băng), hoặc

Tình mình chia phôi nhưng tình đầu làm vơi / nên từ đó em… buồn
(“Từ Đó Em Buồn”, Trần Thiện Thanh), hoặc

Thời gian bôi xóa áo anh nhạt phai / chớ không phai nhạt… tình
(“Kể Chuyện Trong Đêm”, Hoàng Trang), hoặc

Nếu duyên không thành, Điệp ơi Lan cắt tóc quên đời vì… anh
(“Truyện Tình Lan Và Điệp”, Mạc Phong Linh & Mai Thiết Lĩnh)

Những chỗ xuống giọng ở cuối câu nghe mướt như xuống câu vọng cổ mùi rệu vẫn được người miền Nam yêu chuộng, chỉ thiếu tràng pháo tay lộp bộp tán thưởng.

“Nhạc vàng Boléro” từng được/bị gọi là “nhạc sến” một phần cũng từ những chỗ mùi mẫn này. Lời ca điệu nhạc gần gần những bài vọng cổ, cải lương. Những bài hát này thường được biên soạn, cho giao lưu với làn điệu cổ nhạc thành bài “tân cổ giao duyên”.

– Sến ở giọng ca “chuyên trị” nhạc Boléro chăng?

Liệu có những giọng ca, mỗi khi cất giọng là nghe sến sền sệt? Giọng sến dễ nhận ra, thường là giọng kém tự nhiên, nhừa nhựa, rền rĩ như băng nhạc bị nhão, ngân nga luyến láy tùy tiện và thường biểu diễn những kiểu rên xiết, những cú nấc nghẹn não nùng. Khi hát, thường vung vẩy tay chân hoặc nhắm tịt mắt lại với vẻ mặt sầu thảm,

Một bài hát sến đúng điệu là sến từ giọng hát đến lời ca.

Lại có khi, cùng một bài Boléro ấy, ca sĩ này hát nghe sến, ca sĩ kia hát lại không nghe sến hoặc bớt sến hơn, cho thấy một bài nhạc sến nhiều phần ở giọng hát hơn là lời ca.

Nhớ nhớ thuở nào, anh (đây) làm công, em (thì) gánh rong
miếng trầu cau nên đôi vợ chồng / đôi vợ (ừ) chồng

Bài “Tình Nghèo” của Phạm Duy (phổ thơ Hồng Nam) cũng nói về cuộc tình duyên của những lứa đôi thuộc tầng lớp lao động nghèo khó nhưng lại không nghe “sến”, do không được những giọng ca “sến” trình diễn.

Những bài Boléro được yêu thích thường là những bài buồn buồn, ít có bài nào vui vui. Nếu những bài hát có lời ca não nuột, than thân trách phận đều là sến cả thì không chỉ Boléro mà các thể điệu khác lắm khi cũng sến, có khi còn sến hơn cả nhạc Boléro nữa.

Slow, slow rock cũng sến,

Anh/em ơi, nếu mộng không thành thì sao?…
(“Duyên Kiếp”, Lam Phương)

Boston cũng sến,

Nếu biết rằng tình là dây oan…
Nếu biết rằng yêu là đau khổ / thà dương gian đừng có chúng mình
(“Sang Ngang”, Đỗ Lễ)

Những bài tiết tấu nhanh, như Tango cũng sến,

Em ơi! Lệ ướt hoen mi / còn ước mong chi
Kiếp sau chờ nhau em nhé / thôi sầu biệt ly
(“Nếu Đừng Dang Dở”, Hoài Linh)

Như Chachacha, hoặc chơi với thể điệu Chachacha, cũng sến,

Nhiều đêm chăn gối / bên người không quen biết
sao tim em cảm thấy như cô đơn
Tại em không nói / hay tại anh không biết
mà tình ta tan vỡ theo thời gian
(“Tình Nghĩa Đôi Ta Chỉ Thế Thôi”, Lam Phương)

Chỉ kể ra một vài. “Nhạc vàng” nói chung, có khi ca từ “sến” nhưng cất lên từ giọng hát nào đó lại không thấy sến, hoặc bớt sến, như Thái Thanh, Lệ Thu hát

Thôi nín đi em, lệ đẫm vai rồi
(“Sang Ngang”, Đỗ Lễ)

hay Anh Ngọc, Sĩ Phú hát

Lòng vẫn biết nếu yêu rồi một ngày / là đến với đớn đau…
(“Nỗi Lòng”, Nguyễn Văn Khánh).

Hoặc, cũng những giọng ca này,

Em ơi tình duyên lỡ làng rồi / còn đâu nữa mà chờ
Anh đi lòng vương vấn lời thề / nhớ kiếp sau chờ nhau
(“Gợi Giấc Mơ Xưa”, Lê Hoàng Long)

Cũng khổ vì yêu, cũng thề non hẹn biển, cũng duyên phận lỡ làng, cũng kiếp này kiếp sau nhưng không gọi là “nhạc sến” và còn được cho vào các chương trình… nhạc sang.

Thể điệu Boléro tự nó không sến, chỉ sến khi được viết bằng giai điệu lóc ca lóc cóc lồng vào lời ca sướt mướt, nỉ non và được “biểu diễn” bởi những giọng ca thật mùi mẫn. Cần hội đủ những yếu tố này mới gọi là “tuyệt đỉnh nhạc sến”, như cách gọi ở trong nước.

Tên gọi khác cho “nhạc vàng Bolero”

Thể điệu Boléro Việt thích hợp với những câu chuyện kể, mang tính tự sự, những bài hát nếu không có cái tựa “Chuyện Hai Người”, “Chuyện Hẹn Hò”, “Chuyện Tình Đầu”, “Chuyện Một Người Đi”… thì cũng là những câu hát bắt đầu bằng “Người ơi” hoặc “Ngày xưa”…

Người ơi, tôi kể lại chuyện xưa / bao kỷ niệm êm ái lúc tuổi còn thơ…
(“Nhớ Một Người”, Hoài Linh & Mạnh Phát)

Người ơi, nếu thương rồi chớ để nhạt màu son trên đôi môi…
(“Chuyến Đi Về Sáng”, Mạnh Phát)

Người ơi, khi cố quên là khi lòng nhớ thêm…
(“Sầu Lẻ Bóng”, Anh Bằng)

Ngày xưa, tôi có quen một người em gái nhỏ…
(“Ngày Sau Sẽ Ra Sao?”, Vân Tùng)

Ngày xưa anh nói “Anh thương có em thôi, không ai ngoài em nữa”…
(“Ngày Xưa Anh Nói”, Thúc Đăng & Thanh Tuyền)

Vào chuyện ngày xưa, nàng yêu hoa sim tím khi còn tóc búi vai…
(“Những Đồi Hoa Sim”, Dzũng Chinh, ý thơ Hữu Loan)

“Màu Tím Hoa Sim” của Hữu Loan là một trong những bài thơ được các nhạc sĩ miền Nam phổ nhạc nhiều nhất. Tác giả bài thơ từng bộc lộ, trong số những bài nhạc phổ cùng bài thơ ấy, bài “Những Đồi Hoa Sim” của Dzũng Chinh gần với tâm tình của ông hơn cả. Giai điệu nghe man mác, vời vợi chứ không bi lụy, khá phù hợp với giọng thơ. Bài hát phổ biến rộng rãi, là một trong những bài Boléro được yêu thích nhất, cũng cho thấy thể điệu Boléro là thích hợp hơn hết để kể lại câu chuyện tình thời chiến ấy.

Một số ca sĩ được yêu chuộng ở những thể điệu nhạc khác, vẫn hát nhạc Boléro, tuy không phải sở trường, như Anh Ngọc hát “Các Anh Đi” (Văn Phụng); Sĩ Phú hát “Biệt Kinh Kỳ” (Minh Kỳ & Hoài Linh), “Tuyết Trắng” (Anh Chương); Duy Trác hát “Thuyền Trăng” (Nhật Bằng & Thanh Nam), “Múc Ánh Trăng Vàng” (Hoàng Thi Thơ); Lệ Thu hát “Đò Chiều” (Trúc Phương), “Sầu Lẻ Bóng” (Anh Bằng), “Cho Tôi Được Một Lần” (Bảo Thu); Khánh Ly hát “Chiều Cuối Tuần” (Trúc Phương), “Hoa Biển” (Anh Thy), “Hai Sắc Hoa Tigôn” (Trần Thiện Thanh); Thái Thanh hát “Xóm Đêm” (Phạm Đình Chương), “Ngày Tạm Biệt” (Lam Phương), “Chiều Biên Khu” (Tuấn Khanh & Châu Ngân), “Chuyện Tình TTKH” (Song Ngọc)… Riêng tôi vẫn thích nghe một bài Boléro, qua giọng nhấn, vuốt, láy lượn mượt mà của Thái Thanh, kể về niềm thương nỗi nhớ của người ở lại, mòn mỏi đợi chờ một người đi biền biệt đi xa, đi mãi không về.

Gửi về anh một lá thư / em viết bên đèn khuya
Thời gian len lén đi mãi không ngừng / đêm tối mơ hồ…
(“Gửi Về Anh”, Đỗ Thu)

Có khi người ta thích bài nhạc nào chỉ vì thích câu hát nào trong bài nhạc ấy. Một cô bạn tôi thích câu hát trong một bài Boléro, chỉ câu ấy thôi và cũng chẳng biết tên bài hát, tên tác giả. Hẳn cô có nỗi niềm tâm sự nào đó gửi vào trong câu hát,

Từ giã thơ ngây em đi lấy chồng
Người ấy hay tin có buồn lắm không?
“Từ Giã Thơ Ngây” (Minh Kỳ & Nguyễn Hiền)

Trong những bài Boléro, ta nghe được những lời thật đẹp như,

Tình yêu như nụ hoa
chỉ nở một lần thôi / chỉ đẹp một lần thôi
(“Chuyến Đi Về Sáng”, Mạnh Phát), hay

Tìm nhau trong mầu hoa pensee tím chơi vơi
Tìm nhau trong mơ / dắt nhau sang bờ yên vui
(“Cánh Hoa Yêu”, Hoàng Trọng & Vĩnh Phúc)

Những câu hát như lời tình tự ngọt ngào dẫn người nghe đi vào những câu chuyện lòng qua giai điệu dặt dìu, để lại chút bâng khuâng. Có thể nói không người Việt yêu nhạc nào mà không từng buột miệng hát vu vơ một vài câu hát Boléro.

Thường thì khi mới tập tành chơi nhạc Việt, ai cũng chọn đàn hát những bài bản nếu không là Boléro thì cũng Ballad, Habanera…, vừa là những thể điệu xập xình dễ đàn dễ hát, vừa mượn những câu hát để trang trải nỗi lòng, như là

Thôi hết rồi người đã xa tôi / quên hết lời thề ngày xa xôi
(“Tình Yêu Trả Lại Trăng Sao”, Lê Dinh)

hay là

Anh sẽ đi tìm trong lãng quên / nhưng cố quên lại càng nhớ thêm / vì trót yêu rồi
(“Đoạn Tuyệt”, Phượng Linh)

Người ta thích nghe, thích hát “nhạc vàng Boléro” như thích đọc, thích xem những câu chuyện, bài thơ, bức tranh dễ hiểu, dễ gây cảm xúc. Những câu hát đi thẳng vào lòng người, chạm ngay vào trái tim, không phải vòng vèo bóng gió xa xôi. Những lời ca bình dị, ai nghe cũng hiểu được, không cần bóp trán suy gẫm cho nhức đầu mệt óc, như là

Không biết đêm nay vì sao tôi buồn!?
(“Đèn Khuya”, Lam Phương)

Nhạc boléro còn được gọi là “nhạc đại chúng”, tùy cách hiểu mỗi người, có điều “nhạc đại chúng” được yêu thích rộng rãi không phải là ai cũng sáng tác được, và hẳn là nhiều tác giả hoạt động trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật vẫn chỉ mong tác phẩm của mình đến được với đông đảo quần chúng.

Ngày trước người ta cũng chẳng xếp hạng, phân loại “nhạc sến”, “nhạc sang” (chữ “sang” chỉ để phân biệt với “sến”, nhiều bài không “sến” nhưng cũng chẳng “sang”), người yêu nhạc tùy nghi chọn “món” nào mình yêu chuộng.

Một cô ca sĩ trẻ ở hải ngoại khi được hỏi thích thể loại nhạc nào, trả lời, “Em thích hát nhạc thính phòng”, như một kiểu tạo dáng, và khi hát thì chẳng nghe ra chỗ nào gọi là “thính phòng” cả. Nhiều bài Boléro vẫn được cho vào các chương trình nhạc “sang” ấy, như “Giã Từ Đêm Mưa” (Văn Phụng), “Xóm Đêm” (Phạm Đình Chương), “Mùa Đông Của Anh” (Trần Thiện Thanh)… Nhạc thính phòng, rốt cuộc chỉ là cách gọi những bài bản mà người hát, người nghe có chọn lọc, không dành cho đối tượng bình dân, ít học, và đối tượng này cũng chẳng hứng thú gì để mà thưởng thức.

Thực tế, những bài nhạc “sang” không làm người hát, người nghe “sang” hơn.

Dù yêu hay ghét, dù thích hay không thích, cũng phải nhìn nhận rằng “nhạc vàng Boléro” vẫn gắn bó, quen thuộc trong những sinh hoạt đời thường của người Việt mình hơn bất kỳ dòng nhạc nào khác. Không thấy ai làm thống kê, nhưng có vẻ hơn một nửa người yêu nhạc Việt đều yêu chuộng “dòng nhạc” này và gạt bỏ ngoài tai những khen chê, dè bỉu. Như thế, “sến” thì đã sao! Ai không thích hát thì vẫn có nhiều người hát, ai không thích nghe thì vẫn có nhiều người nghe.

Gần đây ở trong nước có nhiều ca sĩ trẻ trung hát “nhạc vàng Boléro” được yêu thích với giọng trong trẻo, ngọt ngào tự nhiên, không uốn éo lê thê, không có những thủ pháp rên xiết, nấc nghẹn đầy “kịch tính”.

Có thể ví “nhạc vàng Boléro” như những món ăn ngon, dân dã trong những quán ăn bình dân ven đường hay trong những hẻm hóc nào mà thực khách vẫn chịu khó lùng sục để thưởng thức.

Lạ một điều, những bài Boléro phổ biến trong nước hiện nay hầu hết là nhạc cũ trước năm 1975 ở miền Nam, ít có bài bản mới. Nói cho cùng, người Việt trong nước yêu chuộng những bài nhạc Boléro của miền Nam tự do thì cũng tốt thôi, như một sở thích, thú vui lành mạnh và cũng là cách chọn lựa như chọn người mình thực sự thương yêu. Khi người ta cùng yêu, cùng chia sẻ sự yêu thích về điểm chung nào trong âm nhạc thì cũng dễ tìm được sự đồng cảm, gần gũi.

Người Việt gặp nhau, gần nhau trong tiếng nhạc Boléro.

Gọi “nhạc vàng Boléro” là nhạc đại chúng, nhạc trữ tình hay nhạc quê hương đều là những cách gọi chung chung, không “chuẩn” lắm. Thay cho chữ “nhạc sến” dễ đụng chạm, dễ làm tổn thương những ai yêu thích dòng nhạc này, có thể gọi là “Nhạc mùi”, vừa dễ nghe hơn lại vừa nêu bật tính “đặc trưng” của dòng nhạc. Hoặc, cách gọi khác, “Nhạc đường phố”, kể từ khi dòng nhạc này tuôn chảy tràn lan từ trong nhà ra ngoài phố.

“Nhạc đường phố”, sao không? “Nhạc vàng Boléro” nô nức xuống đường. Đến đây lại nhớ một chiều nào tạt ngang quán cà-phê vỉa hè, nghe tiếng đàn guitar bập bùng, tiếng vỗ tay theo nhịp, tiếng muỗng gõ lách cách hòa cùng tiếng hát đường phố,

Tình người sau cơn mê vẫn xanh
dù bao tháng năm đau thương dập vùi
Trường quen vắng ta mai ta lại về
cùng theo lũ em học hành như xưa
“Qua Cơn Mê” (Trần Trịnh & Nhật Ngân)

Nghe, thấy tâm hồn như trẻ lại, muốn lẩm nhẩm hát theo.

“Gửi Về Anh” (Đỗ Thu), Thái Thanh hát nhạc Boléro:

Lê Hữu
Nguồn: Tác giả gởi

Theo http://tongphuochiep.com ngày 12 Tháng Tám, 2024

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*