Cách đây hơn 100 năm, một văn-sĩ người Anh, Rudyard Kipling (1865-1936) viết bài thơ với câu mở đầu:
Oh, East is East, and West is West, and never the twain shall meet…
Đó là vì Đông Tây dặm ngàn cách trở, đi lại khó khăn nên cái khoảng cách đó tưởng như khó lắm mới nối nhau được. Nay thì thời đại tân tiến, có máy bay phản lực, có điện thoại vô tuyến, có internet, Đông Tây hẳn gần nhau hơn. Sự hoà hợp đó có khi làm cho ta khó phân biệt đâu là Đông, đâu là Tây nữa.
Dù vậy khi xét cho kỹ thì suy nghĩ Đông Tây còn rất nhiều khác biệt. Xin ghi lại đây một số nhận xét.
Khởi đầu với cách xã giao, người Tây phương gặp nhau chào hỏi thì bắt tay nhau. Người mình gặp nhau thì bắt tay của chính mình, tức là chắp tay vái một hai vái. Cách này nay ta còn thấy nơi mấy vị cao niên, nhất là các cụ bà.
Gặp những người quyền quý thì người Tây phương họ đứng dậy tỏ niềm kính trọng. Người Việt mình ngày xưa thì lại lạy xụp xuống để tỏ lòng cung kính.
Vào những chốn tôn nghiêm thì người Tây phương họ cởi mũ, giở nón ví dụ như khi vào nhà thờ. Người mình thì bỏ giày, tháo dép. Lệ này ta còn giữ đến ngày nay, thường được nhìn thấy ở những đền chùa.
Tây coi trọng ngày sinh nhật. Ta coi trọng ngày giỗ.
Về cách ăn mặc thì vào ngày cưới cô dâu Việt thường chọn màu áo đỏ, màu xanh. Cô dâu Tây phương thì muốn chọn màu áo trắng. Vào dịp tang thì bên Tây phương lấy màu đen nhưng người Việt lại cho màu trắng là màu tang.
Ngay cả bố cục ngôi nhà thờ, tượng trưng cho lối kiến trúc Tây phương thì thiết kế theo chiều dọc và chiều cao. Ngôi chùa, tượng trưng cho lối kiến trúc phương Đông thì bài trí theo chiều ngang và chiều sâu.
Về cách viết thì người mình xưa dùng chữ Nho và chữ Nôm viết theo hàng dọc, từ phải sang trái. Chữ người Tây phương thì viết theo hàng ngang từ trái sang phải. Sách xưa của người Việt thì lại giở trang từ trái sang phải, sách Tây thì giở trang từ phải sang trái.
Về tiền bạc khi nói đến in the red hay in the black thì người Tây phương coi màu đen là tốt, màu đỏ là xấu. Màu đen là bội thu, màu đỏ là lỗ lã. Người Việt trong vấn đề vận mệnh may rủi, thì ngược lại, xem màu đỏ là vận tốt, tiền tài dư giả, màu đen là vận xấu, thua thiệt, hao tốn.
Ngày Tết nhất thì cách ăn mừng của Ta và của Tây cũng khác nhau nhiều.
Đêm Giao thừa dương lịch, dân Tây đổ ra đường ăn chơi nhậu nhẹt rất náo nhiệt, đầy mùi trần tục. Có nơi mở tiệc lớn, chỗ thì bắn pháo bông. Trong khi đó Giao thừa âm lịch của người Việt tuy cũng có cái không khí mong đợi nhưng rất êm ả.
Người ta có nhóm họp thì tựu trung chỉ trong phạm vi gia đình hay là đi lễ đình chùa nhuốm chút thiêng liêng. Trong nhà có bận rộn thì chỉ vì việc bếp núc và sắm sửa làm cỗ cúng gia tiên chứ không ai khui rượu ăn mừng vào đêm Giao thừa. Ngược lại sang ngày Mồng Một thì tết tây im lìm, lặng lẽ, phố xá vắng ngắt. Các cửa tiệm thì hầu như đóng hết. Ta thì khác. Tuy không mấy ai mở hàng ngày mồng một nhưng người dân thì ùa ra đường “du xuân” dạo phố, thăm viếng nhau. Tiếng pháo lách tách nổ. Trong nhà thì rượu trà, bánh mứt ăn mừng no say, hoàn toàn trái ngược ngày Tết phương Tây.
Có lẽ điểm dị biệt đáng kể nhất giữa Ta và Tây là cách ăn uống.
Khi ăn, Tây để đĩa bát nguyên trên bàn, dùng dao nĩa mà ăn. Ta thì phải bưng bát lên miệng rồi và cơm. Nếu chỉ để bát trên bàn mà dùng đũa không thôi thì bị hỏi: “Tay đâu không bưng bát mà phải vục đầu xuống ăn như thế?” Người Tây phương thì bưng bát đĩa lên đến miệng là điều tối kỵ, vô phép.
Khi dùng bữa, Tây họ ăn món nước trước tiên (như súp là món khai vị), ta lại ăn món nước sau cùng (tức canh). Có lẽ là vì các cụ ta xưa có câu: “Khôn ăn cái, dại ăn nước” nên thường thì phần cái phải đi trước. Phần nước là thêm thắt. Hơn nữa ai lại muốn mang tiếng “dại” làm gì.
Các món ăn thì vậy nhưng cách phân biệt cái/nước, ăn/uống ta cũng thấy ngay cái ưu tiên trái ngược của thức ăn và thức uống khi so sánh lối ăn của người Việt và người Tây phương.
Vào tiệm ăn Âu tây, ta thấy ngay họ bưng nước uống ra trước, thức ăn ra sau. Ta thì khác. Các quán ăn Việt thì thường bưng thức ăn ra trước, thức uống ra sau. Cà phê, nước chè nếu gọi thì đợi ăn xong tô phở, đĩa cơm mới uống ngụm nước vậy.
Nói đến nước chè và cà phê thì người Âu Mỹ thích uống cà phê nhưng lại gọi cái muỗng nhỏ là muỗng nước chè/trà teaspoon. Ta thích uống nước chè/trà mà lại gọi cái muỗng nhỏ là muỗng cà phê!
Cái lớn, cái nhỏ, việc to, việc bé, quan điểm Đông Tây có khác nhau nhưng đối với người Việt hải ngoại sinh sống giữa phương trời Tây này thì Đông Tây dường như lẫn lộn, trộn vào nhau như một ổ bánh mì tây kẹp chả lụa ta, thêm đồ chua rồi rắc Maggi vậy! Mong rằng sự kết hợp đó đóng góp thêm phần đa dạng rực rỡ chứ không làm phai nhạt những đặc điểm văn hoá của chúng ta.
Duyệt Phố Nguyễn Anh Hoàng
Nguồn: https://www.toiyeutiengnuoctoi.com ngày 30/3/2024
Be the first to comment