Cổng chùa Vĩnh Nghiêm ở Sài gòn ngày nay.
WASHINGTON DC — Những tai tiếng xoay quanh các trụ trì và các ngôi chùa quốc doanh được phơi bày cùng với sự xuất hiện của nhà sư Thích Minh Tuệ đã khiến cho nhiều Phật tử thay đổi thói quen và nhận thức trong việc lễ chùa và cúng dường, theo chia sẻ của một số Phật tử trong nước mà VOA phỏng vấn.
Bà Nguyễn Lan Hương, một chủ nhà hàng có tiếng ở Hà Nội, cho VOA biết nay bà không còn thường xuyên viếng thăm các ngôi chùa nổi tiếng xung quanh thủ đô nữa. Bà nói, trong suốt nhiều năm qua, bà đã u mê khi cúng dường làm giàu cho ‘những kẻ đội lốt tu hành’.
“Chùa nào mình cũng cung tiến nhưng có nhiều chùa thì mình thấy rằng cũng không cần thiết như thế. Bởi mình đưa mà mình chả biết người ta có làm không, ví dụ như dâng tượng ngày xưa là toàn mấy trăm triệu cả. Bốn, năm trăm triệu dâng vào một chùa nhưng chả biết người ta có làm tượng không, hay người ta nói tam bảo đổ, cần tu sửa, nhưng người ta có làm hay không. Bây giờ thì mình phải cân nhắc nhiều.”
Bà Hương cho biết bây giờ, chỉ những dịp thật đặc biệt như lễ Phật đản chẳng hạn thì bà mới ghé tới chùa, mà bà cũng chỉ chọn những chùa nghèo và thanh vắng đến lễ và cúng dường cho thanh thản, chứ chùa càng to, càng nổi tiếng thì bà càng tránh xa. Bà nói sau ‘hiện tượng Thích Minh Tuệ’, bà thấy rằng mình đã có nhiều thay đổi trong nhận thức.
“Tất nhiên là phải khác rồi. Suy nghĩ cũng khác chứ. Bây giờ mình thấy việc gì cần làm thì mới làm chứ không thì thôi, đừng làm để mà lãng phí. Ví dụ như bản thân mình thì khẩu nghiệp bớt đi. Có những điều hay nói thì giờ không nói nữa. Tức là bản thân mình phải sửa mình trước đã,” bà Hương chia sẻ.
Không có nhiều tiền bạc để công đức như bà Hương, nhưng bà Nguyễn Thanh Tâm sinh sống ở quận Hoàn Kiếm là một Phật tử thuận thành. Hàng tháng, ít nhất hai dịp vào ngày rằm và mùng 1 là bà tới chùa Quán Sứ tụng kinh, lễ Phật, ăn chay, làm công quả và công đức chút ít tiền hương hoa. Trước những vụ ‘quá quắt của một số người khoác áo tu hành’ bị phanh phui trong thời gian vừa qua như vụ tai tiếng ‘thỉnh vong’ hay ‘xá lợi tóc’ ở chùa Ba Vàng hay nghi án bằng giả của trụ trì chùa Phật Quang, bà Tâm đã thay đổi thói quen lễ chùa của mình.
“Thỉnh thoảng, cũng có qua chùa chứ không phải là hoàn toàn không qua nữa. Nhưng khác với ngày xưa hay ra chùa tụng kinh, bây giờ thì thôi, mình tự lễ ở nhà là chính thôi,” bà Tâm cho biết.
Bà Tâm nói bây giờ có nhiều người thỉnh tượng Phật về nhà để tự chiêm bái tại gia cho thanh tịnh như bà và rằng nhiều người cũng đã thay đổi thói quen tới chùa thực hành tính ngưỡng.
“Những người buôn bán, người ta cần xin điều này điều kia thì họ mới tới thôi. Còn những người thực sự đến chùa để chiêm bái và lễ Phật thì họ không tới nữa. Mà nếu có tới thì họ cũng chọn những chùa thanh vắng thôi,” bà Tâm cho VOA biết thêm.
Cũng giống như bà Tâm, bà Đỗ Thị Cầm, một cán bộ về hưu hiện sinh sống tại quận Ba Đình, cho biết thời gian gần đây bà bỏ hẳn việc đi lễ chùa ngày rằm và mùng 1 hàng tháng. Bà tự nhận mình là một người hâm mộ sư Thích Minh Tuệ. Bà nói sự xuất hiện của ông với hành trình khất thực không nhận một đồng tiền nào đã soi sáng nhiều điều.
“Một cái xã hội kim tiền. Không còn có thể tin vào chùa được. Chùa bây giờ rất nhiều vong mà quan trọng là nó diễn ra rất nhiều sự việc không minh bạch nữa. Cho nên đến làm gì nữa,” bà Cầm nói.
Email của VOA đồng gửi tới Văn phòng Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ban Tôn giáo Chính phủ hôm 15/7/2024 để yêu cầu bình luận về những bức xúc của Phật tử, tới nay không được phúc đáp.
Từ ngày 22/7/2024 đến ngày 31/7/2024, VOA nhiều lần gọi điện đến Văn phòng Giáo hội Phật Giáo Việt Nam tại Hà Nội và Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Vũng Tàu với mong muốn ghi nhận phản hồi của giới hữu trách, nhưng không liên lạc được.
Trên cả nước hiện có 18.491 ngôi chùa, tịnh xá, thiền viện, tịnh thất, niệm Phật đường, tu viện và 54.733 tăng ni, theo báo cáo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Tín đồ Phật giáo hiện chiếm tới 60% trong tổng số gần 100 triệu dân số cả nước.
Nguyễn Lại
Theo https://www.voatiengviet.com ngày 8/8/2024
Be the first to comment