Dollar Lên Hay Xuống Lợi Hơn?

Hình minh họa đếm tiền dollar tại một ngân hàng ở Westminster, Colorado, tháng 11, 2009.

Sáng ngày Thứ Hai 5, tháng 8, 2024, Chỉ số Dow Jones trên Thị trường Chứng khoán New York rớt 1000 điểm trước khi hồi phục một phần. Mọi người lo kinh tế Mỹ và thế giới sẽ đi xuống vì Ngân Hàng Trung Ương (Federal Reserve, Fed) chậm chưa cắt lãi suất, theo bản tin NBC. Đồng đô la Mỹ xuống giá so với đồng yen Nhật Bản, vì Ngân hàng Bank of Japan tuyên bố sẽ tăng lãi suất.

Nhưng tuần trước ông Jerome Powell, chủ tịch Fed đã loan báo sẽ cắt bớt lãi suất, có thể ba lần từ tháng Chín tới cuối năm, mỗi lần một phần tư của 1%. Ông đã bớt lo về lạm phát trước dấu hiệu kinh tế đang mất đà, có thể sẽ suy thoái. Trong tháng Bảy các xí nghiệp chỉ tạo thêm 114,000 việc làm mới, thay vì 175,000 như thị trường dự đoán. Tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 4.3%, cao hơn 4.1% trước đây.

Đô la Mỹ lên giá vào đầu tháng Tám. Giới có tiền các nơi mua đô la để đầu tư vì lãi suất ở Mỹ tương đối cao hơn Âu châu hay Nhật Bản. Ngân Hàng Trung Ương Mỹ đã giữ lãi suất từ 3% lên 5.5% trong hai năm qua để ngăn lạm phát. Họ tính khi lãi suất cao dân Mỹ sẽ ngưng phong trào “tiêu thụ trả thù” sau khi suốt thời bệnh Covid bị cấm cung phải nhịn tiêu xài! Dân bớt tiêu tiền thì giá hàng sẽ xuống, lạm phát sẽ nguội dần.

Nhưng ngay sau khi ông Powell báo tin sắp giảm lãi suất, đồng đô la Mỹ vẫn “bướng bỉnh” không chịu xuống mà còn leo lên. Nguyên nhân vì tình hình bất ổn ở Trung Đông. Ai cũng lo chiến tranh có thể lan rộng hơn, giữa Israel và các lực lượng thân Iran ở Giải Gaza, Lebanon, và cả Syria với Yemen. Khi lo chiến tranh, nhiều người thấy cần gom góp thêm tiền để dành. Cất tiền bằng đô la Mỹ là chắc ăn vì đó vẫn là đồng tiền an toàn nhất thế giới, mà khi cần bán mỹ kim thì thế nào cũng có người mua. Mua đô la rồi người ta không cất vô trong tủ mà đem đầu tư. Trước đây 20 năm, một phần năm số chứng khoán trên thế giới là đầu tư vào nước Mỹ; hiện nay tỷ lệ đó đã lên 25%, theo báo Economist.

Đô la Mỹ lên giá, nhiều nước sẽ bị thiệt vì hàng nhập cảng vào nước họ sẽ tăng giá. Hầu hết các giao dịch quốc tế đều thanh toán bằng đô la. Nhiều nước muốn bảo vệ giá trị đồng tiền chỉ để ngăn không cho lạm phát lên cao quá. Nước Mỹ cũng không muốn đồng tiền của mình lên cao quá, vì lo hàng xuất cảng sẽ đắt hơn khi tới dân tiêu thụ ở nước khác. Đồng sterling Anh Quốc và đồng yen Nhật Bản đã mất giá. Một người Nhật mua món hàng giá một đô la, trước đây chỉ trả 130 đồng yen, bây giờ phải trả 150 yen, họ sẽ tìm mua từ các nguồn cung cấp khác.

Vì vậy, khi giá trị mỹ kim leo cao thì chính phủ Mỹ cũng như các nước bạn hàng của Mỹ đều muốn ngăn cho đô la giảm tốc độ.

Năm 1985 họ đã họp nhau bàn chuyện này, sau khi đô la Mỹ lên giá 50% trong suốt bốn năm trước. Đô la lên giá khiến giá hàng nhập cảng quá rẻ khi tính ra mỹ kim, dân Mỹ mua nhiều hơn. Trong khi đó hàng Mỹ bán ra ngoài thì quá đắt khi tính ra tiền nước khác. Chính phủ Mỹ lo lắng vì cán cân mậu dịch khiếm hụt ngày càng nặng nề. Chính phủ các nước khác cũng lo ngại vì hàng nhập cảng cứ lên giá sẽ gây ra lạm phát triền miên.

Vì thế, các nền kinh tế lớn đã họp với Mỹ tại Khách sạn Plaza, New York, thỏa thuận với nhau cùng tìm cách cho mỹ kim xuống giá từ từ, miễn sao không xáo trộn thị trường. Bất cứ món gì nhiều người bán thì xuống giá, đồng tiền cũng vậy. Năm 1985, ngân hàng trung ương các nước giàu đem mỹ kim dự trữ ra bán; còn Fed ở Mỹ thì dùng mỹ kim mua tiền các nước khác. Hầu như họ đã thành công. Tới năm 1990, giá đô la Mỹ đã xuống, hối suất trở lại ngang bằng thời 1980.

Câu chuyện đô la lên xuống diễn ra trong hai hồi. Hồi đầu, 1980 lạm phát phi mã ở Mỹ lên cao vọt khiến Ngân Hàng Trung Ương (Fed) phải ngăn chặn, đã tăng lãi suất để dân bớt xài tiền. Có lúc lãi suất cơ bản ở Mỹ đã lên tới 20% một năm (hiện giờ là 5.5%). Thấy được trả lãi suất cao, dân các nước khác bèn đem tiền cho Mỹ vay. Họ mua công trái của chính phủ Mỹ, mua trái phiếu các công ty tư. Họ đua nhau mua đô la khiến giá đồng tiền Mỹ tăng thêm 50% chỉ trong vòng 4 năm.

Hồi hai, sau mười năm, chiến thuật của Fed thấy kết quả, lạm phát xuống mức bình thường. Fed bèn cho lãi suất xuống từ từ; giới đầu tư quốc tế cũng rút tiền về, giá trị đồng đô la xuống theo. Hồi 1980 thị trường đã đẩy giá đô la lên, đến 1990 cũng thị trường buông cho nó rớt xuống. Nói rằng “Thỏa hiệp Plaza” giúp đô la Mỹ xuống giá, chắc cũng có phần đúng. Nhưng vai trò chính là những vận hành của thị trường, chứ không phải nhờ các chính phủ can thiệp.

Trong cuộc tranh cử năm nay, việc giữ giá trị đồng đô la cao hay thấp chắc sẽ là một vấn đề sôi nổi. Có ứng cử viên sẽ đề nghị phải dìm giá đô la xuống thấp hơn để cán cân mậu dịch được thăng bằng. Đô la thấp sẽ giúp nước Mỹ xuất cảng được nhiều hơn và bớt mua hàng nhập cảng.

Nhưng hạ giá đô la bằng cách nào? Chính phủ có thể ra lệnh Bộ Tài chánh bán đô la, mua ngoại tệ. Muốn có đô la bán thì phải vay nợ, sẽ tới lúc “đụng trần” vì quốc hội đã đặt giới hạn chính phủ không được vay nhiều quá. Chính sách này còn tốn rất nhiều tiền, trong khi ngân sách nhà nước đã thâm thủng nặng, vì cắt giảm thuế từ năm 2017 đến nay, cộng thêm các món chi ra khi phát tiền cho dân trong thời gian bệnh Covid. Kinh nghiệm ở Trung Quốc cho thấy từ năm 2014 đến 2017, Bắc Kinh đã tốn hàng ngàn tỉ mỹ kim mỗi năm, bằng 3% Tổng Sản Lượng Nội Địa, chỉ để mua đô la về cất trong kho dự trữ, nhằm hạ giá đồng nguyên.

Chính phủ có thể ép Ngân Hàng Trung Ương (Fed) hạ thấp lãi suất hoặc in thêm tiền để giá đô la rẻ hơn. Nhưng hành động đó sẽ vi phạm tư cách độc lập của Fed, chưa chắc họ sẽ làm theo. Cách chức và thay thế ông chủ tịch Fed không dễ dàng, vì quốc hội có thể chống lại. Bổn phận của Ngân Hàng Trung Ương Mỹ là ngăn ngừa lạm phát, bảo đảm giá trị đồng mỹ kim. In thêm tiền tức là gây lạm phát, các vị chủ tịch Fed sẽ không chấp nhận.

Một phương pháp giảm giá đồng đô la là hạn chế số tiền người nước ngoài đầu tư vào nước Mỹ. Người ta sẽ bớt mua đô la, do đó giá đô la sẽ xuống. Ông Robert Lighthizer, cựu đại diện thương mại, giống như một bộ trưởng ngoại thương trong chính phủ, đã đề nghị một cách hạn chế là đánh thuế trên các số vốn đầu tư vào nước Mỹ. Ai muốn mua trái phiếu hay cổ phần ở Mỹ sẽ phải trả thuế. Nếu đem thi hành thì giá chứng khoán ở Mỹ sẽ xuống thấp, một điều các chính quyền đều không muốn diễn ra!

Vả lại, đồng đô la mạnh cũng có nhiều thứ lợi. Đô la cao khiến hàng Mỹ bán ra ngoài đắt hơn, giảm số xuất cảng, các nhà sản xuất bị thiệt. Nhưng giới tiêu thụ thì hưởng lợi vì hàng nhập cảng rẻ hơn – họ mua được nhiều hàng hóa hơn thì coi như tất cả mọi người được tăng lợi tức. Tính hơn bù kém, số người được lợi lộc cao hơn số người bị thiệt thòi. Ngay các nhà sản xuất cũng được hưởng giá rẻ hơn khi họ nhập cảng nguyên liệu hoặc các bộ phận từ nước ngoài. Đồng đô la mạnh là lý do khiến người nước ngoài muốn mua, họ đem tiền đầu tư vào Mỹ. Nguồn “vốn” này giúp cho dân Mỹ vay nợ dễ dàng, lãi suất không lên cao. Đặc biệt, khi chính phủ Mỹ vay nợ, chi phí trả tiền lãi được giảm bớt! Người ta đã tính, nếu lãi suất giảm bớt một phần ba của 1% thì mỗi năm phí tổn tiền lãi sẽ bớt được $100 tỷ mỹ kim.

Cho nên dân Mỹ không cần lo lắng khi thấy đô la lên giá. Nó vẫn lên giá hoài, cản không được. Nhưng khỏi lo con bò trắng răng. Lương bổng của người lao động Mỹ tăng nhanh nhất so với các nền kinh tế lớn; tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn ở Âu châu. Năm 1990, Tổng Sản Lượng Nội Địa của Mỹ lớn bằng 43% của Tổng Sản Lượng bảy nước trong khối G-7. Năm ngoái, tỷ lệ này đã lên 52%! Đòi gì hơn nữa?

Ngô Nhân Dụng
Theo https://www.voatiengviet.com ngày 7/8/2024

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*