Khoa học gia Marian Cleeves Diamond tại giảng đường Đại Học UC Berkeley, California, Hoa kỳ.
Marian Cleeves Diamond (1926-2017) là nữ khoa học gia người Mỹ chuyên về não. Bà và nhóm làm việc của bà lần đầu tiên đã công bố bằng chứng cho thấy não có thể thay đổi theo kinh nghiệm và cải thiện theo sự bồi bổ, điều mà ngày nay gọi là khả năng thay đổi của hệ thần kinh để đáp ứng với kích thích bên trong và bên ngoài (neuroplasticity), theo một bài viết đăng trên trang nhà Đại Học UC Berkeley.(1)
“Nghiên cứu của bà cho thấy tác động của việc bồi bổ lên sự phát triển của não – một sự hiểu biết đơn giản nhưng có sức mạnh mà đã thay đổi thế giới, từ cách chúng ta nghĩ về chính mình tới cách chúng ta nuôi dạy con cái của chúng ta,” theo giáo sư về sinh học của Đại Học UC Berkeley George Brooks, cũng là một đồng viện của bà Diamond. “Tiến Sĩ Diamond cho thấy về mặt cơ thể học, lần đầu tiên, những gì chúng ta hiện nay gọi là khả năng thay đổi để đáp ứng với kích thích bên trong và bên ngoài của não bộ. Khi làm như thế bà đã phá bỏ khuôn mẫu cũ của sự hiểu biết về não như là một thực thể tĩnh và không thể thay đổi mà chỉ thoái hóa khi chúng ta lớn tuổi.” (2)
Trong những phần tiếp theo của bài này sẽ tìm hiểu sơ lược cuộc đời của nữ khoa học gia người Mỹ này cùng với phương thức nghiên cứu, các kết quả ấn tượng, và những ảnh hưởng sâu rộng của chúng không chỉ trong khoa học não mà còn lan ra nhiều lãnh vực khác trong đời sống của nhân loại.
Sơ lược cuộc đời của Marian Cleeves Diamond
Marian Cleeves Diamond sinh vào ngày 11 tháng 11 năm 1926 tại Thành phố Glendale, California, Hoa Kỳ, là người con út trong 6 người con của Tiến sĩ Motague Cleeves, di dân từ miền bắc nước Anh, và Rosa Marian Wamphler, sinh viên Đại Học UC Berkeley là người đã bỏ việc theo học Tiến sĩ để nuôi các đứa con của bà tại Thành phố La Crescenta. (3) Giống như những anh chị em của mình, Marian vào học trường ngữ pháp La Crescenta, trường Trung Học Đệ Nhất Cấp Clark Junior High và trường Trung Học Đệ Nhị Cấp Glendale High School. Bà ghi danh học trường Cao Đẳng Cộng Đồng Glendale trước khi chuyển lên Đại Học UC Berkeley vào năm 1946, nơi bà chơi và học quần vợt. Sau khi tốt nghiệp cử nhân vào năm 1948, bà tiếp tục nghiên cứu tại UC Berkeley và trở thành nữ sinh viên đầu tiên học trong Khoa Cơ Thể Học. Luận án tiến sĩ của bà có chủ đề “Functional Interrelationships of the Hypothalamus and the Neurohypophysis” [Mối Tương Quan Chức Năng Của Khu Vực Não Kiểm Soát Nhiệt Độ, Đói, Khát Của Cơ Thể và Phần Nằm Ở Đáy Não và Là Thùy Sau Của Tuyến Nhầy], được xuất bản vào năm 1953. Trong lúc làm luận án Tiến sĩ, bà cũng bắt đầu dạy học, phát triển sự đam mê cả đời.
Sau khi làm phụ tá nghiên cứu tại Đại Học Harvard từ năm 1952 tới 1953, Diamond được bổ nhiệm làm nữ giảng viên khoa học đầu tiên tại Đại Học Cornell từ năm 1955 tới 1958, nơi bà dạy về sinh học con người và cơ thể học so sánh. Bà thường qua miền Tây để dạy cơ thể học cho các sinh viên y khoa tại Đại Học UC San Francisco.
Bà trở lại UC Berkeley vào năm 1960 để làm giảng viên và tiếp tục nghiên cứu về cấu trúc của não. Vào năm 1964, Diamond đã có bằng chứng thực sự đầu tiên – những phương thức giải phẫu thực sự — cho thấy tính dễ thay đổi qua sự giải phẫu vỏ não động vật có vú.
Năng khiếu làm giáo sư và những phát hiện nghiên cứu mang tính cách mạng của bà khiến bà được bổ nhiệm làm phụ tá giáo sư về cơ thể học vào năm 1965 và sau đó là giáo sư thực thụ. Bà lần lượt làm phụ tá và phó khoa trưởng Cao Đẳng Văn Học và Khoa Học và giám đốc Lawrence Hall of Science từ 1990 tới 1996, nơi bà có thể dùng các phát minh của mình vào các môi trường phong phú để phát triển các chương trình giáo dục trong khoa học và toán học cho học sinh từ mẫu giáo tới trung học.
Trong bài báo năm 1964, Diamond lần đầu cho thấy rằng cấu trúc của vỏ não của các động vật trẻ có thể thay đổi để đáp ứng với tác động của môi trường. Trong bài báo năm 1983, lần đầu tiên bà cho thấy hiện tượng lưỡng hình giới tính, có nghĩa là những khác biệt giữa các động vật đực và cái trong cấu trúc của vỏ não của những động vật trẻ và già. Trong bài báo năm 1985, lần đầu tiên bà cho thấy cấu trúc của vỏ não của các động vật già hơn có thể thay đổi để đáp ứng với tác động của môi trường và ảnh hưởng tới khả năng học tập.
“Trong công trình then chốt của bà về sự bồi bổ môi trường và tính có thể thay đổi của thần kinh đã tạo ra lãnh vực hoàn toàn mới trong khoa học thần kinh hiện đại,” theo giáo sư tâm lý học và là nhà khoa học thần kinh Robert Knight của Đại Học UC Berkeley. (4)
Vào năm 1984, Diamond nhận được 4 khối não được lưu trữ của nhà bác học Albert Einstein. Nghiên cứu bộ não của Einstein đã giúp bà nổi tiếng trên truyền thông báo chí. Bằng cách so sánh các kết quả với những phân tích trước đó về bộ não kiểm soát, phòng thí nghiệm của Diamond nhận thức rằng vỏ não phía trước có nhiều tế bào không phải tế bào thần kinh, hay các tế bào thần kinh đệm, trên mỗi tế bào thần kinh hơn vỏ não trên đỉnh đầu. Sau nhiều năm nghiên cứu, Diamond và nhóm của bà đã khám phá rằng sự khác biệt lớn lao trong tất cả 4 khu vực là trong các tế bào thần kinh đệm: Einstein có nhiều tế bào thần kinh đệm trên mỗi tế bào thần kinh trong khu vực đỉnh dưới hơn não đàn ông trung bình của nhóm người được kiểm soát. Công trình quan trọng này làm nổi bật nhóm nhiều tế bào chưa được nghiên cứu và mở đường tới khu vực nghiên cứu khoa học thần kinh mới – sinh học thần kinh đệm.
Trong sự nghiệp kéo dài nửa thế kỷ tại UC Berkeley, Diamond đã tạo cảm hứng cho hàng ngàn sinh viên thuộc nhiều thế hệ.
Diamond là thành viên của Hội Người Mỹ Vì Sự Tiến Bộ Khoa Học, được vinh danh là Giáo Sư Xuất Sắc Trong Năm tại California, được trao Huy Chương Vàng Quốc Gia từ Hội Đồng Vì Tiến Bộ và Hỗ Trợ Giáo Dục, là Cựu Sinh Viên UC Berkeley Xuất Sắc Trong Năm, được trao Giải Thưởng Clark Kerr Award năm 2012 vì Lãnh Đạo Xuất Sắc trong Đại Học, Giải Thưởng Dạy Xuất Sắc năm 1975 từ Đại Học UC Berkeley.
Bà cũng là tác giả của cuốn sách “Enriching Heredity: The Impact of the Environment on the Anatomy of the Brain” [Làm Giàu Di Truyền: Tác Động Của Môi Trường Lên Cấu Trúc Của Não] được xuất bản năm 1988, và là đồng tác giả của cuốn sách “The Human Brain Coloring Book” được xuất bản năm 1985.
Diamond kết hôn với Richard Martin Diamond vào năm 1950 và họ có với nhau 4 người con: Catherine Theresa (1953), Richard Cleeves (1955), Jeff Barja (1958), and Ann (1962). Diamond và chồng đã ly dị vào năm 1979. Cuối năm 1982, bà kết hôn với Arnold Bernard Scheibel, một giáo sư khoa học thần kinh tại Đại Học UCLA.
Diamond qua đời ngày 25 tháng 7 năm 2017 tại tư gia ở Thành phố Oakland, California, hưởng thọ 90 tuổi.
Những khám phá lịch sử về não
Trong tài liệu do chính bà viết có tựa đề “Marian Cleeves Diamond” được đăng trên trang mạng của Hội Khoa Học Thần Kinh (Society for Neuroscience), (5) Diamond kể rằng vào năm 1964, khi đã đăng các kết quả trên một tờ báo bởi Diamond, Krech, và Rosenzweig có tựa đề “Effect of Enriched Environments on the Histology of the Cerebral Cortex” [Ảnh Hưởng Của Các Môi Trường Phong Phú Đến Mô Học Của Vỏ Não] thì một năm sau bà có buổi thuyết trình về não tại một cuộc họp thường niên của Hội Các Nhà Cơ Thể Học Người Mỹ. Cuộc họp đó được tổ chức tại Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn và bà nói bà cảm thấy thực sự sợ hãi bởi vì có hàng trăm người có mặt trong phòng mà trong đó có rất ít phụ nữ. Đây là lần đầu tiên bà trình bày nội dung nghiên cứu nói trên tại một hội nghị lớn. Bà đã giải thích các đề án một cách bình tĩnh, mọi người vỗ tay một cách lịch sự, và rồi một người đàn ông đứng dậy từ phía sau phòng và nói lớn tiếng rằng, “Này người phụ nữ trẻ, não bộ không thể thay đổi!”
Bà kể tiếp rằng bà cảm thấy tốt về công trình này, và bà chỉ trả lời cho người đàn ông kia rằng, “Tôi xin lỗi, thưa ông, nhưng chúng tôi có thử nghiệm ban đầu và thử nghiệm lập đi lập lại cho thấy não bộ có thể thay đổi.”
Diamond đã nêu ra nhiều câu hỏi: Có phải các điều kiện môi trường kích thích làm gia tăng vỏ não đang phát triển hay đã trưởng thành, hay vỏ não đã đạt tới sự quân bình, hay vỏ não đang giảm, đang co cụm? Khi nào vỏ não ngừng phát triển, và nó già đi ra làm sao theo các điều kiện phòng thí nghiệm “bình thường”?
Để trả lời những câu hỏi trên, Diamond đã tích tập trong hơn 7 năm dài các thông tin về những mẫu phát triển và tuổi già trong vỏ não của đàn ông và phụ nữ. Bà cho biết điều đó không chỉ quan trọng để khảo nghiệm toàn thể vỏ não mà còn để biết phải chăng vỏ não bên phải và bên trái có theo những mô hình tương tự trong thời gian phát triển và già đi bởi vì thông tin mới tích tụ những khác biệt về chức năng trong hai bán cầu của não bộ con người. Bà nêu ra câu hỏi: Có phải những khác biệt về cấu trúc giúp chúng ta hiểu được cơ bản của các khía cạnh chức năng?
Diamond đề cập đến các kết quả của những đường cong gia tăng của bề sâu vỏ não của vỏ não phải và trái được kết hợp từ những phần mô của vỏ não trán, cảm giác, và sau ót. Ở đàn ông và phụ nữ, có 2 mức độ cơ bản: vỏ não phát triển tăng cường nhanh đối với tháng đầu sau khi sinh và rồi mức độ [phát triển] giảm dần dần qua suốt cuộc đời. Tuy nhiên, dù chiều hướng của những mức độ của các đường cong thì giống nhau, cho thấy mẫu phát triển khác biệt lúc sinh khi phụ nữ ban đầu phát triển cao hơn đàn ông nhưng [vỏ não] đàn ông trở nên dày hơn 3 tuần sau khi sinh.
Bà cho biết tiếp rằng khi so sánh sự khác biệt độ dày vỏ não phải và trái thì không còn nghi ngờ rằng nói chung là có sự khác nhau theo giới tính đáng kể. Tổng quát, vỏ não nam giới dày hơn đáng kể ở bên phải, và vỏ não nữ giới thì không có sự bất đối xứng đáng kể. Tuy nhiên, có những ngoại lệ với khu vực 2 của vỏ não đàn ông thì đối xứng lúc còn trẻ, và vỏ não của đàn ông quá già trở nên đối xứng như vỏ não phụ nữ trẻ, có thể giải thích tại sao nhiều người đàn ông già thích ở nhà hay để vợ lái xe trong khi họ ngồi thư giãn bên cạnh bà vợ.
Não có thể được thay đổi
Nữ khoa học gia về não Diamond tiếp tục giải thích về sự thay đổi cấu trúc của não. Bà đã trình bày các tài liệu thử nghiệm ban đầu cho thấy rằng các môi trường phong phú và nghèo nàn có thể thay đổi cấu trúc vỏ não của chuột. Tại Berkeley, Diamond nuôi 12 con chuột trong một cái chuồng có môi trường phong phú với nhiều đồ vật mới lạ cho các con chuột khám phá. Ngược lại những con chuột khác được nhốt trong một cái lồng nhỏ và không có đồ vật, không có bạn bè, không có cả không gian sinh sống rộng lớn. Tất cả các con chuột đều tự do lấy thức ăn và nước uống. Tất cả các môi trường phòng thí nghiệm dù không thể làm giống y chang môi trường thiên nhiên bên ngoài trời cho chuột, nhưng môi trường trong phòng thí nghiệm thì tốt hơn nhiều so với thiên nhiên bên ngoài.
Sau thử nghiệm giải phẫu ban đầu, được công bố vào năm 1964, khi những con chuột được ở trong các môi trường tương ứng của chúng trải qua 80 ngày (từ 25 ngày lúc bỏ sữa mẹ cho đến 105 ngày tuổi) cho thấy sự thay đổi độ sâu vỏ não 6% trong các thí nghiệm lúc đầu và lập lại, bà thắc mắc không biết có thể tìm thấy những khác biệt trong não của những con chuột trước 25 ngày tuổi, là những con sống trong các điều kiện thử nghiệm cùng với mẹ của chúng không?
Thắc mắc của bà đã được sinh viên Dennis Malkasian (Tiến Sĩ năm 1969 và hiện là Phụ Tá Giáo Sư Lâm Sàng Thần Kinh Học tại Đại Học UCLA) giải đáp trong cuộc thử nghiệm của anh được công bố cùng với Diamond vào năm 1971 gồm một chuồng phong phú với 3 con chuột mẹ và 3 chuột con (nhiều gia đình) và một chuồng nghèo nàn với một con chuột mẹ và 3 chuột con (một gia đình). Tất tả chuột con đều là 6 ngày tuổi khi chúng được đưa vào các điều kiện và được lấy đi các điều kiện này lúc 14 ngày tuổi.
Bởi vì mắt của chúng chỉ mở trong thời gian các chuột con trong điều kiện phong phú trước bỏ sữa lúc 13 ngày tuổi và lúc 14 ngày tuổi với các chuột con trong điều kiện nghèo nàn, không tìm thấy có sự thay đổi bề sâu vỏ não thị giác. Tuy nhiên, thay đổi lớn nhất mà họ từng thấy trong vỏ não của những con chuột ở điều kiện phong phú đối với những con chuột ở điều kiện nghèo nàn là 16% khác biệt trong vùng liên kết 39 trong nhóm động vật thử nghiệm từ 6 đến 14 ngày tuổi.
Trở lại với nhóm chuột sau khi bỏ sữa đầu tiên trong nghiên cứu ban đầu được công bố vào năm 1964, nằm trong các điều kiện thử nghiệm trải qua 80 ngày từ 25 đến 105 ngày tuổi, bà Diamond nhắc lại vào thời gian này trong nghiên cứu phát triển của bà thì độ dày của vỏ não từ từ giảm dần. Theo bà, phát hiện mới này cho thấy việc làm phong phú giúp vỏ não chống lại chiều hướng sút giảm.
Để giải thích độ dày vỏ não và cái gì tạo ra độ dày vỏ não, Diamond nói rằng nhóm của bà đã đếm các tế bào thần kinh và các tế bào thần kinh đệm (6) trong từng vùng rất nhỏ, đọc theo chiều đứng từ bề mặt trên cao tới chất trắng nằm bên dưới. Các tế bào thần kinh chiếm ít hơn 7% mỗi vùng trong điều kiện phong phú so với trong điều kiện vỏ não sau ót nghèo nàn, cho thấy rằng sự phát triển phân nhánh nhiều hơn đã xảy ra. Nhóm cũng đã phát hiện rằng các phần của những tế bào thần kinh thì lớn hơn đáng kể trong các động vật ở điều kiện phong phú, theo báo cáo của Diamond vào năm 1967 và báo cáo của bà cùng các cộng sự năm 1975, và các phân nhánh gia tăng chiều dài và số lượng như được cho thấy bởi nhiều nhà nghiên cứu, theo báo cáo của Holloway năm 1966, theo báo cáo của Uylings và các cộng sự năm 1978, và theo báo cáo của Connor và các cộng sự năm 1981. Bà cho biết thêm rằng, tế bào thần kinh đệm so với tỉ lệ tế bào thần kinh thì lớn hơn với điều kiện phong phú, theo báo cáo của Diamond năm 1966, các gai chi nhánh gia tăng được ghi nhận, theo báo cáo của Globus và các cộng sự năm 1973, các điểm nối khớp thần kinh lớn hơn trong các não bộ được làm phong phú, theo báo cáo của Diamond và cộng sự năm 1975, cũng như các mao mạch, theo báo cáo của Diamond và các cộng sự năm 1964. (7)
Theo bà, sự thật là các tế bào thần kinh đệm đã gia tăng với việc làm phong phú đưa tới giả thuyết của bà rằng Albert Ainstein có thể có nhiều tế báo thần kinh đệm hơn trong vỏ não được làm phong phú của ông, đặc biệt các vùng liên kết phải và trái 9 và 39, khi so sánh với mức trung bình vỏ não trong những vùng này từ 11 người đàn ông khác. Nhóm của bà đã phát hiện tất cả 4 vùng đều có các tế bào thần kinh đệm nhiều hơn những đàn ông khác, nhưng chỉ vùng 39 trái có nhiều hơn đáng kể, theo báo cáo của Diamond và các cộng sự năm 1985.
Diamond cũng cho biết thêm rằng thực hiện việc thử nghiệm cùng các điều kiện như những thử nghiệm ban đầu qua nhiều khung thời gian mới khác nhau bằng cách giảm từ 80 ngày xuống còn các mức 30 ngày, 15 ngày, 7 ngày, 4 ngày hay 1 ngày đều đưa đến kết luận là đều có thể tạo ra những khác biệt thử nghiệm đáng kể trong bề dày vỏ não giữa những con chuột trong điều kiện phong phú và nghèo nàn ở mỗi khung thời gian ngoại trừ trong não của những con chuột được tiếp xúc chỉ một ngày. Như được dự đoán, độ dày vỏ não ít thay đổi hơn được ghi nhận trong những con chuột được tiếp xúc với các điều kiện riêng biệt của chúng trong khoảng thời gian ngắn hơn. Thời gian thử nghiệm 30 ngày từ 60 đến 90 ngày tuổi đã chứng minh cho thấy độ dày gia tăng trong nhiều vùng vỏ não hơn các khoảng thời gian khác. Do đó, khoảng thời gian này thường được áp dụng cho các nghiên cứu bổ sung.
Để trả lời câu hỏi là bằng cách nào nhóm của bà có thể kết luận rằng những con chuột trong điều kiện phong phú sống lâu hơn, Diamond cho biết nhờ bổ sung thêm “sự chăm sóc yêu thương dịu dàng” (tender loving care – TLC) thường ngày mà những con chuột ở điều kiện phong phú chứng minh được lợi ích sống lâu.
Nhóm của bà đã có kế hoạch thử nghiệm mới trong đó 3 con chuột sống trong một cái chuồng cho đến 766 ngày tuổi và rồi chúng được tách riêng vào các điều kiện phong phú hay nghèo nàn. Thực hiện cách “chăm sóc yêu thương dịu dàng,” nhóm của bà đã ôm những con chuột ở điều kiện phong phú vào ngực được che bởi các chiếc áo khoác phòng thí nghiệm và vuốt ve chúng trong vài phút trong khi chuồng được dọn dẹp sạch mỗi ngày. Việc “chăm sóc yêu thương dịu dàng” được bổ sung hàng ngày bởi kỹ thuật viên đáng tin cậy Ruth Johnson và bà Diamond. Vào lúc 904 ngày tuổi nhóm bà đã mất một con chuột nên đã ngưng việc “chăm sóc yêu thương dịu dàng” của cuộc thí nghiệm và đo lường độ dày của vỏ não. Ba sinh viên tận tâm Ann Marie Protti, Carol Ott, và Linda Kajisa trợ giúp việc đo lường mà qua đó cho thấy rằng vỏ não của những con chuột sống ở điều kiện phong phú đã dày hơn đáng kể tới 10% so với vỏ não của những con chuột sống trong điều kiện nghèo nàn, theo báo cáo của Diamond, Johnson, Protti, Ott, và Kajisa vào năm 1985.
Qua những kết quả nói trên, Diamond nhận định rằng theo bà biết thì chưa có ai đã từng cho thấy tính có thể thay đổi trong não bộ của những con chuột rất già như vậy hay ngay cả đối với bất kỳ những thú vật già nào khác.
Bà cũng nói rằng qua phát hiện đó giúp chúng ta có thêm lý do khác để tiếp tục “yêu thương” cùng với việc tạo điều kiện sống phong phú trong tiếp xử hàng ngày giữa con người với nhau. Bà nói tại sao phải đợi đến khi một người bạn quý báu của chúng ta qua đời rồi chúng ta mới nói yêu thương bạn rất nhiều.
Để làm cho não bộ khỏe mạnh và sống thọ
Hệ thống thần kinh não được tạo ra bởi AI. (www.pixabay.com)
Nữ khoa học gia về não Diamond cho biết nhóm bà đã thử nghiệm về ảnh hưởng của điều kiện sống quá phong phú đối với sự phát triển não trong những con chuột sống trong điều kiện được làm phong phú trải qua thử nghiệm 30 ngày, từ 60 đến 90 ngày tuổi. Qua thử nghiệm này cho thấy không có sự khác biệt đáng kể nào trong sự phát triển độ dày của não bộ, 4% tới 6% với 12 con chuột hay 36 con trong những chuồng phong phú với đồ chơi so với những con được kiểm soát, 3 con cho mỗi chuồng nhỏ không có đồ chơi. Nhóm của Diamond đưa ra giả thuyết rằng sự tương tác với đồ chơi có thể làm chuyển hướng sự chú ý của những con chuột hay việc giải trí chúng đủ để giảm căng thẳng của điều kiện quá phong phú.
Với việc quá nhiều đồ chơi bồi bổ của trẻ em thời đại này, các bác sĩ nhi khoa đặt ra câu hỏi: “Cái gì ảnh hưởng đến vỏ não vì kích thích quá nhiều được cung cấp bởi việc chơi quá nhiều đồ chơi?” Để trả lời câu hỏi này, nhóm của Diamond đã thực hiện thử nghiệm thay đổi đồ chơi mỗi giờ trong 3 giờ liên tiếp, 8, 9, 10 giờ đêm trong 4 tuần thay vì thay đồ chơi mỗi ngày hay vài lần mỗi 4 tuần. Nhóm bà đã không tìm thấy sự tăng trưởng quá mức với việc thay đổi đồ chơi nhiều lần. Thay vì thế nhóm này phát hiện vỏ não thay đổi ít với điều kiện sống siêu phong phú này hơn là với điều kiện phong phú thường lệ mà nhóm đã tạo ra. Những nhà nghiên cứu khác đã cho thấy rằng chất hóc-môn tuyến thượng thận liên quan đến căng thẳng, như hóc-mô chữa viêm và dị ứng (cortisone), sẽ làm giảm kích thước của vỏ não.
Khi tuyến thượng thận được lấy ra trong các động vật trẻ, nhóm của Diamond chứng kiến sự tăng trưởng rất lớn trong độ dày của vỏ não được phát triển trong bất kỳ điều kiện thử nghiệm nào của họ, cho thấy một lần nữa rằng hóc-môn tuyến thượng thận có thể ngăn cản sự gia tăng vỏ não.
Theo nhà vật lý trị liệu thực hành Alison Mckenzie sau khi thử nghiệm 30 ngày tiếp xúc với môi trường phong phú, những con chuột bị thương vỏ não có sự gia tăng đáng kể trong sự phát triển nhánh chung quanh phần tổn thương trong vỏ não vận động bên trái, cũng như trong vỏ não vận động không bị tổn thương bên phải. Bất ngờ, vỏ não cảm giác nằm gần vỏ não vận động bên phải và trái cũng cho thấy sự gia tăng trong phát triển nhánh như là hậu quả của môi trường được làm phong phú. Thực tế sự gia tăng lớn các nhánh là hiển nhiên với việc bồi bổ theo sau tổn thương đối với vỏ não vận động và vỏ não cảm giác.
Bà Diamond cho biết trong bản tóm tắc theo nghiên cứu của nhóm của bà rằng những kết quả thử nghiệm cho thấy ít nhất 5 yếu tố sau đây là quan trọng cho não bộ khỏe mạnh:
1- Ăn kiêng,
2- Tập thể dục,
3- Thử thách,
4- Sự mới lạ, và
5- Yêu thương.
Theo Robert Sanders, (8) những bài giảng về cơ thể học của Diamond vẫn còn trên YouTube đã gây cảm hứng cho thế hệ sau đã có hơn một triệu người vào xem trong hơn 10 năm qua.
Trên mặt quốc tế, những ý tưởng của Diamond đã củng cố các nỗ lực của các bác sĩ và những nhà giáo dục trong việc đẩy mạnh sự nuôi dưỡng và bồi bổ giáo dục sớm cho trẻ em. Học bổng và những nỗ lực cá nhân của bà đưa tới việc xây dựng và điều hành các cô nhi viện, gồm một cái ở Cam Bốt, nơi bà đã làm việc để bồi bổ tâm thức cho trẻ em nghèo. Công trình của bà về việc làm phong phú môi trường đã không những được chấp nhận rộng rãi mà còn dẫn tới những cải thiện đáng kể trong lao động và chăm sóc sở thú, theo giáo sư về sinh học tổng hợp tại Đại Học UC Berkeley Daniela Kaufer cho biết. (9)
Diamond đã tận dụng mọi cơ hội để khuyến khích các hoạt động, tinh thần và thể chất, bồi bổ não bộ, và bản thân bà đã tiếp tục nghiên cứu và dạy dỗ cho đến khi về hưu ở tuổi 87 vào năm 2014.
Huỳnh Kim Quang
Theo https://vietbao.com/a319517/yeu-thuong-lam-nao-bo-khoe-manh-va-song-tho ngày 12/7/202
Chú thích:
(1) Robert Sanders, Marian Diamond, known for studies of Einstein’s brain, dies at 90, https://news.berkeley.edu.
(2) ibid.
(3) ibid.
(4) ibid.
(5) Marian Cleeves Diamond, Society for Neuroscience – www.sfn.org.
(6) Tế bào thần kinh đệm (glial cells hay neuroglia) là những tế bào không phải tế bào thần kinh trong hệ thống thần kinh trung ương (não và tủy sống) và hệ thống thần kinh ngoại biên không tạo ra các xung điện. Các tế bào thần kinh đệm chiếm hơn một nửa thể tích của mô thần kinh trong cơ thể con người. Tế bào thần kinh đệm giữ các tế bào thần kinh ở nguyên vị và giúp chúng hoạt động theo chức năng của chúng, theo www.en.wikipedia.org.
(7) Marian Cleeves Diamond, Society for Neuroscience – www.sfn.org.
(8) Robert Sanders, Marian Diamond, known for studies of Einstein’s brain, dies at 90, https://news.berkeley.edu.
(9) ibid.
Be the first to comment