Cá bống mũn kho gừng
Bà Diên trở giấc giữa đêm khi nghe tiếng cu Mũn ọ ọe. Phía đằng xa ì ầm liên hồi lúc mau lúc thưa tiếng sấm. Cóc nhái, ễnh ương thi nhau èng ẹc èng ẹc kêu rộ lên ngoài bờ ao góc chuôm, họa theo nhau thành bè thành dàn có phường có hội giữa đêm nghe rát rạt.
Tiếng Liên con dâu bà chép miệng từ trong buồng, rồi gắt khẽ khi cu Mũn khóc ré lên:
– Điếc cả tai! Thế này thì sao mà ngủ được cơ chứ!
Bà Diên tỉnh hẳn, lò dò xuống giường xỏ chân vào đôi dép nhựa, loẹt quẹt lần đi vào buồng trong:
– Con để u đỡ cháu cho nào…
Liên cho con bú xong không đặt vào tay mẹ chồng khi bà đưa ra đỡ, mà đặt con xuống giường rồi nằm quay mặt vào trong như kiểu dằn dỗi, mặc kệ, bà Diên tự bồng cu Mũn lên, bế cháu về giường mình, vỗ vỗ nựng nựng, cất giọng ầu ơ…
Lũy tre, bụi cỏ, cánh cò theo nhau về trong lời bà ru cháu. Đong đưa đi qua thời con gái mỏng mày hay hạt. Đi qua thời một mình làm mẹ đơn thân nuôi đứa con trai độc nhất khôn lớn trưởng thành khi chẳng may chồng mất sớm.
Lúa mẩy hạt vàng ươm, quả ngọt trĩu trên đôi tay chai sần, nương theo dáng lưng còng mà chắt chiu thành ngọt lành, thơm mát.
Ngày Liên về làm con dâu bà, vui một bà buồn hai. Bà Diên vui vì con trai đã thành gia thất, vui vì có cháu ẵm bồng. Bà buồn vì cô con dâu phố thị, cái ghế trước khi ngồi cũng rút khăn ra lau, cái bát trước khi ăn cũng cho vào nồi luộc sôi, cái đũa không dùng chung mà tự mang theo từ ngoài thành phố về, loại đũa dùng một lần ăn xong là vứt bỏ.
Thương con trai nên bà nín. Cuối tuần nào trước khi các con về bà cũng lọ mọ dọn dẹp nhà, lau chùi từng cái xoong nồi, chén bát, giặt giũ chăn màn cho thơm tho, sạch sẽ để khỏi phải thấy con dâu nhíu mày, nhăn trán, mũi hít hít như con Vện đánh hơi lạ mỗi lần bước chân vào nhà.
Môn đăng hộ đối gì bà không biết, nhưng bà chỉ cần thấy con trai vui là bà hài lòng lắm rồi. Cả cuộc đời bà còn cho nó được, huống gì chịu nhịn tính khí của con dâu một chút cũng chẳng sao. Cứ nhìn cu Mũn toét miệng cười khi bà gọi hỏi, nhìn nó vén cái môi trên cong lên gẫu chuyện, chân tay khua khoắng liên hồi là bà vui lắm.
Liên tỏ vẻ coi thường mẹ chồng ra mặt. Cô chả vốn con nhà này nọ, có mỗi một mình thuộc dòng tiểu thư cảnh quất, tự cho mình là học cao hiểu rộng, bao trai phố không yêu lại chết mê chết mệt anh con trai xuất thân từ gốc rạ, lỗ cua. Liên nghĩ thôi thì được mặt nọ mất mặt kia, mẹ chồng cũng chẳng sống cùng, năm thì mười họa mới phải chạm mặt nhau nên chắc cũng không sao.
Ai ngờ cưới nhau xong, tuần nào cũng thành nếp trừ khi đi đâu xa có công có việc, còn không thì cứ chiều thứ bẩy là chồng Liên đều muốn về quê với mẹ. Liên bắt buộc phải chiều theo ý chồng. Cô nhìn cách anh gù lưng xuống ôm mẹ từ phía sau, dụi mặt vào lưng áo. Nhìn cách anh ngồi vụng về vấn tóc cho mẹ mà thấy khó chịu trong lòng. Bữa ăn miếng ngon anh gắp cho mẹ trước, Liên sau, cũng làm cô ấm ức.
Tệ nhất là đồ ăn thức uống, cô ở nhà đã phải bỏ công ra học nấu nướng kể từ hồi lấy anh. Vậy mà đụng đũa cái gì anh chê cái đấy. Về nhà với mẹ, đồ ăn gì lấy từ mấy cái nồi nhôm đen kịt từ thành nồi xuống đáy, vẫn ám cả mùi khói rơm mà anh cũng nắc nỏm khen ngon, ăn hết cả phần cơm người khác, thậm chí còn rảy thứ nước mắm cáy hôi mù vào đáy nồi gang cạo cháy xoèn xoẹt, bốc bải ngon lành…
Sinh cu Mũn được đầy tháng anh đưa hai mẹ con về quê cho bà Diên chăm bẵm để đi công tác xa. Mẹ đẻ Liên cũng phát oải vì chăm con gái hết đồ nọ thức kia bồi bổ mà cô mãi dặt dẹo, ăn gì cũng không thấy ngon miệng. Cô phát buồn nôn khi ngày nào cũng chân giò hầm đu đủ, thịt nạc, thịt gà kho gừng ăn đau hết cả răng, hay gà tần, chim hầm nhìn đã thấy ớn. Thành thử sữa mỗi ngày mỗi ít, cu Mũn lại háu ăn, sữa ăn ngoài pha không kịp là cu cậu la toáng lên ngay, chậm tí là hờn đỏ mặt tía tai không sao dỗ được.
Về với mẹ chồng, cơm nấu nồi gang. Cũng thịt nạc thăn như ở phố mà bà Diên làm sao nó lại mềm, lại thơm thơm mùi lá gừng dìu dịu. Canh rau ngót nấu với lạc non giã dập ăn vừa bùi vừa ngậy. Trứng gà con so dầm mắm ăn lòng đỏ thơm phức không bị tanh làm cái mồm bà đẻ ăn thun thút cả tô cơm vật. Đêm con khóc quấy đã có bà Diên ôm nựng, Liên cứ việc nằm ngủ đến sáng. Ăn thế, ngủ thế nên cô lại sức, sữa về căng nhưng nhức hai bầu ngực, cu Mũn no nê phỉnh phao tròn trịa.
Bà Diên cứ mặc kệ con dâu phủi ghế, kệ con dâu tráng bát nước sôi, giặt riêng đồ bằng cái máy giặt con trai bà mua để trong cái nhà tắm mới xây. Bà ý tứ rửa tay chân, thay quần áo mới trước khi bế cháu vì có lần Liên bóng gió với mấy bà hàng xóm sang chơi, sờ tay nắn chân cu Mũn:
– Các bà vừa đi làm đồng về, đừng sờ cháu nó dặm bụi rơm bụi thóc ạ.
Bà mua đồ ăn thức uống, món gì định làm cũng kê ca nói chuyện với cu Mũn, làm như Mũn lớn lắm bà nói sẽ biết cách làm theo ngay ấy.
Ví như đêm hôm qua trời dọa mưa, sáng nay bà ra chợ mua được mẻ bống mũn của bà Mại vừa đi đánh dậm về, 10 con thì cả 10 vẫn cong mình lên quẫy trong giỏ:
– Bà bảo Mũn này nhé! Cá bống mũn này đang tức đẻ chờ mưa rào này. Bụng con nào cũng đầy trứng nhé…
– Mũn có biết cá bống vùng nào nhiều nhất không? Hải Phòng quê mình đấy nhé, chả là vùng nước lợ nên bống nhiều lắm Mũn nhé…
– Cá bống mũn này bà rửa sạch, nhặt bẫn, ướp muối để hẳn hai canh giờ cho cá cứng rồi lá gừng lót đáy nồi, thêm chay thêm ớt kho nỏ trên bếp rồi ủ trấu hun Mũn nhé…
– Mũn biết sao phải ướp lâu không? Tôm sống bống chết Mũn nhé! Cá bống phải cứng kho mới đanh thịt Mũn rõ chưa?
Mũn chả biết có hiểu gì không, thấy bà nói chuyện thì mắt tít lại, tay khua chân đạp, miệng a gừ… a gừ liên hồi. Trong khi đấy thì Liên đang ngồi gấp quần áo cho con trong buồng. Cô lắng nghe hết tất cả những lời bà Diên nói, nhủ thầm trong đầu:
– À thì ra cái thứ cá bé tí din mà chồng mình thích ăn là bống mũn. Cách làm cũng chả khó mấy nhỉ…
Rồi cô cũng háo hức thầm chờ đến bữa cơm trưa. Chờ bà Diên bê riêng mâm cơm vào buồng cho mình. Chờ bóng mẹ chồng khuất qua cái cửa ngang là thò đũa gắp cá bống mũn kho đưa lên miệng. Chao ôi! Con cá bé xíu mà ngậy mà bùi, mà thơm mùi lá gừng, đá chút cay nhè nhẹ, cõng chút chua ngọt của chay đưa cơm thun thút.
Ở nhà bố mẹ cô làm gì có ai nấu món này. Toàn thịt tảng cá to, nhìn đã thấy ngán nói gì đến ăn. Thêm nữa ai cũng bận nên ăn ngoài hàng là chính, bếp một năm đỏ lửa được mấy lần vào ngày Tết khi chả có hàng quán nào người ta bán.
Liên mỗi ngày mỗi quen đồ ăn mẹ chồng nấu. Cô lẩm nhẩm lại cách bà chế biến nấu nướng qua câu chuyện bà nói với cu Mũn. Cô hiểu là bà nói với cô đấy, không trực tiếp mà là gián tiếp nên trong bụng cũng thầm ấn tượng với bà mẹ chồng tưởng quê mùa mà lại tinh ý và tế nhị.
Bà Diên thì để ý thấy sau bữa cơm cá bống mũn kho, Liên có lúc ngồi xuống ghế cho cu Mũn bú không lấy khăn lau ghế nữa. Giặt quần áo cho hai mẹ con thì cũng tiện tay giặt luôn cho bà mấy cái áo cánh đang ngâm trong chậu. Bà còn thấy cô giơ giơ cái áo lên ngắm nghía, săm soi rất kỹ nhưng cũng kệ.
Hết cữ cu Mũn thì chồng Liên về. Anh xin phép mẹ đón vợ con trở lại thành phố.
Bà Diên ngạc nhiên khi thấy con trai nói nhỏ vào tai nhờ bà xát rối cho ít gạo để mang ra ngoài đấy ăn. Đong cho mấy chai mắm cáy, thêm mấy túi lạc, chục trứng gà để mang đi. Những thứ đấy trước nay bà có chuẩn bị sắp sẵn thì Liên cũng từ chối vì nhà không dùng đến.
Các con đi hết rồi. Vắng tiếng cười của cu Mũn. Nhà vắng, vườn vắng nhưng bà Diên thấy vui vui, khấp khởi trong lòng.
Đi hôm trước thì hai hôm sau con trai bà về một mình, đưa cho bà gói giấy vuông to:
– Liên mua biếu mẹ mấy cái áo. Cô ấy bảo áo mẹ sờn hết rồi, bỏ đi đừng mặc nữa mẹ nhé!
Song Anh DC
Be the first to comment