Luật Sư Đặng Đình Mạnh (phải) là một trong số nhiều trí thức lần lượt bỏ nước ra đi trước sự áp bức của chính quyền. Thế thì Việt Nam kêu gọi “trí thức hải ngoại” về “hiến kế,” ai tin. (Hình: Jamie McCarthy/Getty Images for PEN America)
Tinh thần của Hội Nghị Diên Hồng “phiên bản gốc” năm 1284 là triều đình Vua Trần Nhân Tông xin ý kiến các bô lão trước hiểm họa giặc Nguyên Mông. Đến 740 năm sau, “triều đình Ba Đình” tổ chức “Hội Nghị Diên Hồng” phiên bản cộng sản, kêu gọi kiều bào về nước đóng góp xây dựng quê hương.
Có vẻ như tổ quốc đang lâm nguy? Hay đây là màn kịch vụng, được thực hiện trong bối cảnh cộng đồng hải ngoại vừa được xem là “khúc ruột ngàn dặm” vừa được coi là “thế lực thù địch?”
Báo Tuổi Trẻ ngày 5 Tháng Sáu cho biết, Bộ Ngoại Giao Việt Nam đang kêu gọi kiều bào về nước dự “Hội Nghị Diên Hồng” tổ chức ở Hà Nội. Mục đích là cần kiều bào “hiến kế.” Theo bài báo, chủ đề chung của hội nghị là “Người Việt Nam ở nước ngoài chung tay hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước.” Bên cạnh “Hội Nghị Diên Hồng” (tên chính thức là “Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ 4”), người ta còn tổ chức “Diễn đàn trí thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài” với chủ đề: “Trí thức và chuyên gia kiều bào hiến kế về các vấn đề phát triển xanh, bền vững của đất nước.”
Một số ý chính của “Hội Nghị Diên Hồng” gồm: Chuyên đề 1: “Kiều bào với sự phát triển công nghệ cao của Việt Nam.” Chuyên đề 2: “Doanh nghiệp, doanh nhân kiều bào đồng hành cùng đất nước.” Chuyên đề 3: “Đại đoàn kết dân tộc, công tác hội đoàn và vai trò của thế hệ trẻ kiều bào.” Chuyên đề 4: “Kiều bào – Sứ giả văn hóa và ngôn ngữ Việt.”
Theo ban tổ chức, quý “đại biểu kiều bào” sẽ được đài thọ kinh phí ăn ở, đi lại, trong thời gian dự hội nghị từ ngày 21 đến ngày 24 Tháng Tám. Vé máy bay đi về thì tự lo. Bà con nào quan tâm thì “vui lòng đăng ký” trước ngày 30 Tháng Sáu. Điều đó có nghĩa ban tổ chức, ở đây là Bộ Ngoại Giao Việt Nam, chỉ “cho phép” các “đại biểu kiều bào” vỏn vẹn ba tuần để suy nghĩ, để sắp xếp xin nghỉ việc, để dặn dò con cái, để mua quà cáp, để bàn giao công việc lại cho nhân viên công ty… Nói chung là “hơi bị gấp,” nói theo ngôn ngữ thời nay, cho nên kiều bào làm ơn lẹ lẹ giùm.
Gạt bỏ yếu tố thời gian, bản chất sự việc mới là điều đáng nói. Liệu chính quyền cộng sản Việt Nam có thật lòng muốn nghe ý kiến đóng góp của kiều bào? Nếu có kiều bào nào tình thật đặt vấn đề rằng, “Trước nhục nước, nên hòa hay nên chiến?,” trong bối cảnh Hà Nội vẫn khiếp nhược trước kẻ thù hiển hiện Trung Quốc, thì đạo diễn của chương trình “Hội Nghị Diên Hồng” sẽ giơ nắm tay mà thề vang “Quyết chiến?”
Mà cần gì ý kiến kiều bào vốn nơi xa xôi, chỉ cần chính quyền lắng nghe và chịu đối thoại với người dân trong nước là đủ mang lại hồng phúc cho dân tộc rồi. Giới trí thức vẫn lần lượt bỏ nước ra đi trước sự áp bức của chính quyền, từ Đặng Đình Mạnh đến Nguyễn Tiến Trung. Trí thức trong chế độ cộng sản chẳng là “cái đinh” gì. Thế thì Việt Nam kêu gọi “trí thức hải ngoại” về “hiến kế,” ai tin!
Cũng cần nhắc lại, có không ít kiều bào hiện vẫn nằm trong danh sách bị cấm nhập cảnh, từ Luật Sư Trịnh Hội ở Mỹ, nhà bình luận Nguyễn Hưng Quốc ở Úc, nhà văn Dương Thu Hương ở Pháp, đến nhà văn Phạm Thị Hoài ở Đức… Cần hiến kế ư? Những người này có thừa “kế” để “hiến.” Liệu có dám cho họ về để trực diện đối thoại với họ?
Nói về sự “lâm nguy quốc gia” để tổ chức “Hội Nghị Diên Hồng” thì đúng là Việt Nam đang lâm nguy, xét ở nhiều góc độ. Chính trường hỗn loạn, xã hội nhiễu nhương, kinh tế trì trệ, giáo dục bê bối, môi trường nhếch nhác… Vấn đề lớn nhất và quan trọng sống còn là sự khủng hoảng niềm tin. Ở Việt Nam, bạn có thể mua được rất nhiều thứ. Tiền nhiều giải quyết được hết. Bạn có thể sống trong căn nhà triệu đô. Bạn có thể cho con học trường quốc tế. Bạn có thể đi nghỉ ở những khu resort đẳng cấp thế giới. Tuy nhiên, niềm tin là thứ mà bạn không bao giờ có thể mua được. Đơn giản, nó không tồn tại.
Một tổ chức quốc tế – gồm Gallup, Oxford Wellbeing Research Centre, UN Sustainable Development Solutions Network – hằng năm thực hiện một báo cáo… tào lao về chỉ số (xếp hạng) hạnh phúc thế giới (World Happiness Report). Từ năm 2024, World Happiness Report được xuất bản từ Wellbeing Research Centre thuộc Đại Học Oxford (Anh). Trong bảng xếp hạng mới nhất công bố ngày 20 Tháng Ba, Việt Nam lọt vào top 10 quốc gia hoặc vùng lãnh thổ hạnh phúc nhất Châu Á, tăng 11 hạng so với năm trước và giữ vị trí thứ 54 trên toàn cầu.
Để xác định quốc gia hạnh phúc nhất thế giới, các nhà nghiên cứu phân tích dữ liệu thăm dò toàn diện của Gallup từ 149 quốc gia trong ba năm, đặc biệt theo dõi hiệu suất trong sáu hạng mục cụ thể: Tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người, mức độ hỗ trợ xã hội, sức khỏe của tuổi thọ, quyền tự do lựa chọn cuộc sống riêng, sự hào phóng của người dân nói chung và nhận thức về mức độ tham nhũng.
Xét theo đó, Việt Nam chẳng nằm ở đâu cả. Khi bị bệnh, bạn sẽ nếm mùi cay đắng của hệ thống y tế và bệnh viện như thế nào; khi phát biểu “trái ý nhà nước,” bạn sẽ biết tự do ngôn luận được tôn trọng như thế nào; khi cần phải “chạy” giấy tờ, từ quyền sở hữu nhà đất đến thậm chí xin chuyển trường cho con, bạn sẽ hiểu tham nhũng đã ăn sâu vào máu cơ thể Việt Nam như thế nào. Ở một đất nước mà bạn không có quyền chọn “tứ trụ,” lá phiếu của bạn là mảnh giấy vô giá trị, tiếng nói của bạn có thể dẫn bạn đến nhà tù, thì “quyền tự do lựa chọn cuộc sống” làm gì tồn tại để có thể được xếp hạng vào cái gọi là danh sách các quốc gia hạnh phúc?!
Cần gì tổ chức “Hội Nghị Diên Hồng.” Muốn nghe hiến kế, cứ hỏi ý kiến hàng người xếp hàng rồng rắn mỗi ngày trước Lãnh Sự Quán Hoa Kỳ ở Sài Gòn để chờ được phỏng vấn xin visa. Có người đi du lịch, có người “đi luôn.” Tại sao họ phải đi, trong khi “Việt Nam lọt vào top 10 quốc gia hoặc vùng lãnh thổ hạnh phúc nhất Châu Á?”
Tr. Tiến Minh
Theo Người Việt online ngày 7/6/2024
Be the first to comment