Những Nước Cộng Sản Chuyển Hóa Thành Dân Chủ Như Thế Nào? Việt Nam Có Thể Học Hỏi Được Những Gì?

Trong thời gian gần đây, thế giới đã chứng kiến cuộc khủng hoảng lãnh đạo chưa từng thấy ở Việt Nam kể từ ngày quốc gia Á châu này nằm trong tay thống trị của đảng Cộng Sản gần một nửa thế kỷ. Tính từ tháng Năm, 2022 đã có hai chủ tịch nước, hai phó thủ tướng, một trưởng ban kinh tế trung ương, chủ tịch quốc hội, và một thường trực ban bí thư kiêm trưởng ban tổ chức trung ương bị cách chức vì chiến dịch chống tham nhũng. Bộ Chính Trị Khóa 13 cũng bị mất năm ủy viên hiện chỉ còn 13 người.

Nhiều nhà quan sát chính trị tự hỏi đã đến lúc Việt Nam chuyển biến thành một nước dân chủ hay chưa? Kinh nghiệm những nước cộng sản Trung Âu và Đông Âu đã trải nghiệm qua tiến trình này khoảng bốn thập niên về trước có giúp gì cho Việt Nam ngày nay được không? Đây cũng là chủ đề của bài báo này.

1

CHUYỂN BIẾN Ở ÂU CHÂU

1. Liên Xô

Liên Xô là đầu mối cho sự xụp đổ của chế độ Cộng Sản ở Châu Âu. Liên Xô tan rã là do áp lực kinh tế, chiến tranh ở Afghanistan và cuộc nổi dậy ở Đông Âu.

Nền kinh tế Nga vào thập niên 1980 đang gặp khó khăn nghiêm trọng. Họ không có thể dành ngân sách cần thiết để duy trì cuộc chạy đua vũ trang với Hoa Kỳ. Mức sống ở Liên Xô đang giảm xuống, trong khi ở phương Tây lại tăng lên nhanh chóng. Hàng tiêu dùng có tiêu chuẩn kém hơn nhiều do sản xuất công nghiệp tụt hậu so với phương Tây.

Năm 1979, khối Minh Ước Bắc Đại Tây Dương (North Atlantic Treaty Organization – NATO) đã bố trí tên lửa tầm xa ở châu Âu. Năm 1983, Tổng thống Mỹ Ronald Reagan công bố Sáng kiến ​​Phòng thủ Chiến lược (SDI) tạo ra một lá chắn phòng thủ bằng laser để bảo vệ Hoa Kỳ khỏi cuộc tấn công hạt nhân.

Tổng Thống Hoa Kỳ Ronald Reagan hợp tác chặt chẽ với Thủ Tướng Anh Margaret Thatcher. Cả hai nhà lãnh đạo đều đồng ý rằng vũ khí hạt nhân của Mỹ có thể được đặt ở Anh. Điều này làm tăng khả năng NATO thực hiện “cuộc tấn công đầu tiên” ở châu Âu và gây thêm áp lực lớn hơn cho Liên Xô. Quốc gia đứng đầu khối cộng sản biết rõ thâm ý của Hoa Kỳ nhưng không có đủ tài chính hoặc chuyên môn để đối phó với kế hoạch của Mỹ.

Tổng Thống Mikhail Gorbachev muốn hiện đại hóa Liên Xô và cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ. Liên Xô không thể vừa chạy đua vũ trang vừa hiện đại hóa, Vì vậy ông tìm mọi cách để chấm dứt cạnh tranh quân sự và giảm bớt căng thẳng giữa các siêu cường. Ông đưa ra các chính sách glasnost và perestroika. Chính sách glasnot minh bạch hóa hoạt động của nhà nước và nới rộng quyền tự do thông tin và ngôn luận. Chính sách Perestroika tái cấu trúc nhằm cải thiện tình trạng kinh tế và chính trị.

Mặc dù Gorbachev đã thực hiện những cải cách kinh tế sâu rộng và đưa ra các cuộc bầu cử dân chủ có giới hạn, nhưng không có biện pháp nào của ông thành công trong việc ngăn chặn sự suy thoái kinh tế. Ông đã quá cam kết với ý tưởng về chủ nghĩa xã hội để đưa ra một hệ thống thị trường tự do thực sự.

Chiến tranh ở Afghanistan là một gánh nặng kinh tế và chính trị quốc tế đối với Liên Xô. Do đó ông Gorbachev, sau khi nắm được quyền lực trong tay vào 1985, đã quyết định rút quân khỏi Afghanistan. Hiệp ước Geneva 1988 được ký kết giữa chính phủ Afghanistan của Mohammad Najibullah thân Nga và Pakistan, với Hoa Kỳ và Liên Xô đóng vai trò là nước bảo lãnh. Liên Xô đã rút hết quân ra khỏi nước Trung Á này vào năm 1989.

Vào mùa xuân năm 1990, Boris Yeltsin, một nhân vật có khuynh hướng kinh tế thị trường, được bầu làm Tổng thống Liên Bang Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Xô Viết (Union of Soviet Socialist Republics – USSR) trong một cuộc bầu cử tự do phổ thông. Yelsin tiến xa hơn Gorbachev, đã giúp các nước trong Liên Bang Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Xô Viết trở thành các quốc gia độc lập trong khối Commonwealth of Independent States – CIS. Kết quả là sự sụp đổ hoàn toàn của Liên Xô vào năm 1991 khiến nhiều người ở phương Tây ngạc nhiên.

Những cuộc nổi dậy tại các nước Đông Âu trước khi Liên Xô tan rã cũng đóng một vai trò quan trọng làm thay đổi thể chế của nước Nga. Sự phản đối các chính sách của Liên Xô ngày càng gia tăng ở các quốc gia liên kết khác ở Đông Âu. Đa số người dân phản đối sự can thiệp của Liên Xô và sự hiện diện của Hồng quân ở Khối phía Đông.

2. Ba Lan

2

Sự tức giận và bất ổn lan rộng ở Ba Lan vào đầu thập niên 1980. Đã có những cuộc biểu tình về tình trạng thiếu lương thực và giá cả hàng tiêu dùng. Một công đoàn mang tên Đoàn Kết được thành lập.

Đoàn Kết muốn chấm dứt sự kiểm soát của Liên Xô đối với đất nước. Được lãnh đạo bởi Lech Walesa, công đoàn khuyến khích tiếp tục phản đối chính phủ. Đoàn Kết nhanh chóng đạt được 10 triệu thành viên. Dưới sự chỉ đạo của Liên Xô, cuộc nổi dậy của Đoàn Kết đã bị quân đội đàn áp. Đến đầu năm 1982 Đoàn Kết bị cấm và các nhà lãnh đạo công đoàn bị bắt.

Nền kinh tế Ba Lan tiếp tục suy thoái. Vào năm 1988, các cuộc biểu tình lại lan rộng khắp cả nước. Nhiều công nhân đã đình công bất hợp pháp. Điều này dẫn đến các cuộc đàm phán giữa ban lãnh đạo Đoàn kết và chính phủ Ba Lan.

Đến đầu năm 1989, một thỏa thuận đã được ký kết nhằm tổ chức các cuộc bầu cử mới với sự đảm bảo giảm bớt ảnh hưởng của những người cộng sản. Đoàn Kết được hợp pháp hóa và có thể thành lập một liên minh không Cộng sản, thành lập một chính phủ chống cộng.

3. Đông Đức

Sự sụp đổ kinh tế của Đông Đức khiến ngày càng có nhiều người Đông Đức tìm cách di cư sang phương Tây. Hàng ngàn người tìm nơi ẩn náu trong các đại sứ quán Tây Đức ở các nước cộng sản khác, cuối cùng buộc chính phủ phải cho phép họ di cư bằng các chuyến tàu đặc biệt.

3

Đến thăm Berlin vào đầu tháng 10, 1989 Gorbachev cảnh báo lãnh đạo Đông Đức về sự cần thiết phải cải cách và thừa nhận với các cố vấn của mình rằng lãnh đạo Đông Đức Erich Honecker đã phải được thay thế. Hai tuần sau, Honecker buộc phải từ chức, trong khi hàng trăm nghìn người tuần hành phản đối khắp các thành phố lớn ở Đông Đức.

Vào ngày 9-11-1989 khi cả thế giới theo dõi trên truyền hình Đông Đức, chính phủ tuyên bố mở cửa toàn bộ biên giới Đông Đức. Trong tình thế thay đổi nhanh chóng, Bức Tường Berlin, một biểu tượng cho sự đàn áp tàn bạo của Liên Xô, đã sụp đổ. Vào cuối tháng 11, 1989, Thủ tướng Tây Đức Helmut Kohl đã công bố kế hoạch thống nhất hai nước Đức.

4. Hung Gia Lợi

Ở Hungary, những thay đổi mạnh mẽ cũng đang diễn ra. Chính phủ, vốn đã là chính phủ tự do nhất của cộng sản, cho phép tự do lập hội và hội họp, đồng thời ra lệnh mở cửa biên giới đất nước với phương Tây. Quyết định này đã tạo ra một con đường cho số lượng người Đông Đức ngày càng tăng trốn ra ngoài.

Đảng Hungary loại bỏ nhà lãnh đạo lâu năm của họ, Janos Kadar, đã đồng ý đàm phán bình đẳng với phe đối lập, và vào ngày 16 tháng 6, đã tổ chức an táng lại Imre Nagy, nhà lãnh đạo cộng sản theo chủ nghĩa cải cách của cuộc Cách Mạng Hung Gia Lợi năm 1956.

Đến ngày 23-10-1989, mười tháng sau khi cải cách chính trị bắt đầu, Hungary đã thông qua hiến pháp mới cho phép một hệ thống đa đảng và bầu cử cạnh tranh.

5. Tiệp Khắc

Cuộc cách mạng nhung là một cuộc chuyển giao quyền lực bất bạo động ở Tiệp Khắc diễn ra từ năm 17-11 đến 28-11, năm 1989. Cuộc cách mạng này bắt đầu bằng một cuộc biểu tình rộng lớn chống chính quyền độc đảng của Đảng Cộng Sản Tiệp Khắc bao gồm các sinh viên và những người bất đồng chính kiến. Kết quả là sự kết thúc của 41 năm cai trị của một đảng ở Tiệp Khắc và tiếp theo là việc dẹp bỏ nền kinh tế chỉ huy và chuyển tiếp thể chế độc tài sang cộng hòa nghị viện (parliamentary republic).

Vào ngày 17-11-1989 cảnh sát Tiệp Khắc chống bạo động đã trấn áp một cuộc biểu tình của sinh viên ở Praha để tượng niệm 50 năm bị Đức Quốc Xã đàn áp dã man một cuộc biểu tình phản đối cuộc tấn công của Đức Quốc xã tại Đại học Praha vào năm 1939 có 1,200 sinh viên đã bị bắt và 9 người bị giết.

Sự kiện năm 1989 gây ra một loạt các cuộc biểu tình từ ngày 17/11 đến cuối tháng 12, 1989 và biến thành một biểu tình chống cộng sản. Vào ngày 20/11, số lượng người biểu tình tập hợp ở Praha đã tăng từ 200,000 ngày hôm trước lên ước tính 500,000. Toàn bộ lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng Sản, trong đó có Tổng Bí thư Miloš Jakeš, từ chức vào ngày 24 tháng 11. Vào ngày 27/11, một cuộc tổng đình công kéo dài hai giờ.

Để đối phó với sự sụp đổ của các chính phủ khác trong Hiệp ước Warsaw và các cuộc biểu tình trên đường phố ngày càng gia tăng, Đảng Cộng Sản Tiệp Khắc tuyên bố vào ngày 28/11 rằng họ sẽ từ bỏ quyền lực và chấm dứt nhà nước độc đảng. Hai ngày sau, quốc hội liên bang chính thức xóa bỏ các điều khoản trong Hiến Pháp trao cho Đảng Cộng Sản quyền độc quyền. Dây thép gai và các vật cản khác đã được dỡ bỏ khỏi biên giới với Tây Đức và Áo vào đầu tháng 12. Vào ngày 10/12, Tổng thống Gustáv Husák bổ nhiệm chính phủ phi cộng sản đầu tiên ở Tiệp Khắc kể từ năm 1948, và từ chức. Alexander Dubček được bầu làm chủ tịch quốc hội liên bang vào ngày 28/12 và Václav Havel làm Tổng thống Tiệp Khắc vào ngày 29-12-1989. Vào tháng 6 năm 1990, Tiệp Khắc tổ chức cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên kể từ năm 1946.

6. Romania

Cách mạng Romania là một thời kỳ bạo lực và bất ổn ở Romania trong tháng 12 năm 1989, một phần về các cuộc cách mạng năm 1989 xảy ra chủ yếu ở các nước Đông Âu.

Cuộc cách mạng Romania bắt đầu ở thành phố Timișoara và sớm lan rộng khắp cả nước, cuối cùng đạt tới đỉnh điểm là xử tử Chủ Tịch Đảng Cộng sản Romania Nicolae Ceaușescu và phu nhân Elena và sự kết thúc 42 năm cai trị của Cộng sản ở Rumania.

Đó là lần loại bỏ cuối cùng một người theo chủ nghĩa Marx Lênin ở một quốc gia thuộc Hiệp ước Warsaw vào thời điểm 1989. Đây cũng là sự kiện duy nhất lật đổ lãnh đạo của một đất nước bằng bạo lực và xử tử thủ lĩnh. Theo ước tính thì hơn một nghìn người chết và hàng nghìn người nữa bị thương.

Nicolae Ceaușescu trở thành người lãnh đạo đất nước vào năm 1965. Dưới sự cai trị của ông, Romania đã trải qua một thời gian ngắn sự đàn áp nội bộ giảm bớt, tuy nhiên sự đàn áp lại gia tăng vào những năm 1970.

Giữa căng thẳng vào cuối những năm 1980, các cuộc biểu tình xảy ra ở thành phố Timișoara vào giữa tháng 12. Người Romania tìm cách lật đổ Ceaușescu và muốn thay đổi trong chính phủ trong bối cảnh tương tự ở các nước láng giềng. Cảnh sát mật thường xuyên đàn áp mạnh mẽ những người bất đồng chính kiến nhưng cuối cùng tỏ ra không có khả năng ngăn chặn đám đông và sau cùng cuộc nổi dậy thành công.

Tình trạng bất ổn về kinh tế và xã hội đã xuất hiện ở Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Romania trong một thời gian khá dài. đặc biệt là trong thời kỳ thắt lưng buộc bụng vào những năm 1980. Những biện pháp thắt lưng buộc bụng của Ceaușescu nhắm để thanh toán những khoản nợ nước ngoài.

Ngay sau bài phát biểu công khai thất bại của Ceaușescu ở thủ đô Bucharest được phát sóng tới hàng triệu người Romania trên truyền hình nhà nước, hầu hết những binh lính trong quân đội chuyển từ ủng hộ nhà độc tài sang ủng hộ những người biểu tình. Bạo loạn, bạo lực lan rộng ở một số thành phố trong khoảng một tuần đã khiến nhà lãnh đạo Romania phải bỏ trốn khỏi thủ đô vào ngày 22/12 cùng với vợ ông, Elena.

Cặp vợ chồng Ceausescu bị bắt lại ở Târgoviște và sau đó bị xử tại tòa án quân sự với tội danh diệt chủng, gây thiệt hại cho nền kinh tế quốc gia và lạm dụng quyền lực để thực hiện các hành động quân sự chống lại người dân Romania. Họ bị kết án kết án tử hình và bị xử tử ngay lập tức vào ngày Giáng sinh năm 1989.

VIỆT NAM HỌC HỎI ĐƯỢC NHỮNG GÌ?

Bài học đầu tiên là tất cả những nước Âu châu nào từng theo cộng sản hay bị Nga áp đặt chế độ cộng sản đều muốn từ bỏ chế độ tài này và thiết lập một thể chế đa đảng với tự do kinh tế và ngôn luận hơn. Ngay cả Nga, cái nôi của cộng sản quốc tế cũng đã đoạn tuyệt với ý thức hệ Marx-Lenin. Chính Putin, đương kim tổng thống Nga, cũng từng tuyên bố: “Không ai muốn tin chúng tôi, không ai muốn tin rằng chúng tôi không cố gắng mang Liên Xô trở lại.”

Việt Nam chịu ảnh hưởng trực tiếp của cuộc cải tổ của Nga qua chính sách “perestroika và glasnost” của Mikhail Gorbachev. Việt Nam buộc phải thực hiện chương trình cải tổ kinh tế gọi là “Đổi Mới” vào 1986 một phần vì mất hoàn toàn viện trợ từ Nga. Tổng Bí Thư lúc đó Nguyễn Văn Linh là người hỗ trợ Đổi Mới nên có người gọi ông là Gorbachev của Việt Nam. Ông Linh cũng từng tuyên bố: “Đổi mới hay là chết.”

Tuy nhiên Gorbachev là một nhân vật gây chia rẽ trong giới lãnh đạo. Những người cộng sản trung thành ở Việt Nam gọi Mikhail Gorbachev là kẻ phản bội vì đã gây ra sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991, nhưng những người khác trong nước vẫn ghi nhận những cải cách mà ông thực hiện đã đưa Việt Nam đi theo con đường hiện đại hóa của riêng mình.

Trong khi các nước cộng sản Âu Châu đều cải tổ cùng một lúc cả hai lãnh vực kinh tế và chính trị, chính thức chấp nhận thể chế đa đảng, Việt Nam là một trong bốn nước Cộng Sản không chấp nhận “glasnost” tiếp tục duy trì độc quyền về chính trị. Ba nước còn lại là Trung Quốc, Lào, và Cuba. Điều phe bảo thủ CSVN lo lắng là mở cửa chính trị.

Điều 4 Hiến Pháp của Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, vị trí, quan hệ giữa Đảng với đất nước và dân tộc. Cho đến nay, không một lãnh đạo cao cấp CSVN nào công khai đề xướng bỏ Điều 4 Hiến Pháp và cho phép đa đảng.

Trong gần hết ba nhiệm kỳ làm tổng bí thư, ông Nguyễn Phú Trọng chuyên chú vào việc làm trong sạch hình ảnh của Đảng, kiềm chế chủ nghĩa tư bản bè phái dưới thời cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, và giải quyết những “thiếu sót” về nhân sự trong Đảng trong khi chống lại tiến trình dân chủ hóa. Tuy nhiên, nhiệm kỳ III của ông Trọng cũng sắp hết, công việc đốt lò của ông ngày càng khó khăn hơn và có thể đi đến chỗ thất bại.

Thật sự Việt Nam từ 1986 đến nay chỉ còn cái vỏ là cộng Sản. Cái ruột đã biến thành tư bản đỏ với 100% quyền lực nằm trong tay Đảng Cộng Sản và hầu hết lợi ích kinh tế nằm trong tay các đảng viên gộc và tham nhũng lan rộng trong khắp guồng máy chính quyền. Stephen Kotkin, nhà sử học của Đại học Princeton, lập luận rằng: “Bạn không thể là một nửa cộng sản”. Trớ trêu là CSVN vẫn lấy búa liềm là biểu hiệu của đảng.

Trong tình trạng hiện nay, Việt Nam không có khó khăn kinh tế như ở Liên Xô, Ba Lan, hay Romania trong thập niên 1980. Việt Nam cũng không có đảng phái đối lập như ở Ba Lan, Tiệp Khắc, Hung Gia Lợi, và Đông Đức với Tây Đức. Việt Nam có một hệ thống công an dầy đặc như các nước cộng sản Trung Âu và Đông Âu và một tệ nạn tham nhũng khá nghiêm trọng vô phương cứu chữa. Dù lương chỉ bằng khoảng 1,000 USD / tháng, nhưng họ có thể gửi con cháu đi du học nước ngoài, không phải tại Nga hay Trung Quốc mà tại các nước Tây phương.

Việt Nam kiểm soát tất cả những cơ quan truyền thông trong nước, nhưng không thể ngăn chặn mọi thông tin như những năm 1980 với kỹ thuật thông tin tân tiến hiện nay với điện thoại di động, Internet, Youtube, Zoom, Skype, Signal, Zalo. Những nhà lãnh đạo CSVN trước đây đoàn kết vì ý thức hệ, ngày nay họ chống lẫn nhau vì tranh giành quyền lực và lợi ích phe phái. Quan trọng không kém là khối Cộng Sản quốc tế ngày nay đã hoàn toàn sụp đổ và ở hải ngoại có khoảng 5.5 triệu người Việt sinh sống.

Hoàn cảnh hiện nay đã chín mùi cho một cuộc cách mạng ở Việt Nam. Tự do dân chủ chính là ý thức hệ cao quý và thực tế. Việt Nam cần một cuộc đổi mới về chính trị. Mọi sự trì hoãn chỉ làm cho đất nước tiến chậm lại và các cuộc khủng hoảng chính trị và tham nhũng sẽ lại tái diễn.

Winston Churchill, Thủ Tướng Anh, từng nói về chế đô dân chủ một cách châm biếm như sau:
“Nhiều hình thức chính quyền đã và sẽ bị thử trong thế giới tội lỗi và đau khổ này. Không ai giả vờ rằng nền dân chủ là hoàn hảo hay hoàn toàn khôn ngoan. Quả thực, người ta đã nói rằng dân chủ là hình thức chính quyền tồi tệ nhất, ngoại trừ tất cả những hình thức khác mà đôi khi đã được thử nghiệm.”

So sánh tư bản và cộng sản, Churchill nói:
“Thói xấu cố hữu của chủ nghĩa tư bản là sự chia sẻ phúc lợi không đồng đều; đức tính vốn có của chủ nghĩa xã hội là sự chia sẻ đau khổ một cách bình đẳng.”

Nguyễn Quốc Khải
Theo https://vietbao.com ngày 24/5/2024

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*