Dân Biểu Mỹ Ra Nghị Quyết Lên Án Việt Nam Vi Phạm Nhân Quyền

Hai Dân biểu Michelle Steel (trái) và Lou Correa (phải), đại diện các khu vực bầu cử ở tiểu bang California, đồng Chủ tịch Uỷ ban Việt Nam tại Quốc hội Hoa Kỳ.

Hai dân biểu liên bang Hoa Kỳ vừa ra nghị quyết lên án chính phủ Việt Nam về vi phạm nhân quyền. Nghị quyết này được giới thiệu nhân dịp đánh dấu Ngày Nhân quyền Việt Nam 11/5, một nỗ lực pháp lý được Quốc hội Hoa Kỳ thông qua cách đây 30 năm nhằm yêu gọi Hà Nội cải thiện nhân quyền.

Hôm 10/5, Dân biểu Michelle Steel và Dân biểu Lou Correa, đại diện các khu vực bầu cử ở bang California, đồng thời là đồng Chủ tịch Uỷ ban Việt Nam tại Quốc hội Hoa Kỳ, trình ra nghị quyết lên án Đảng Cộng sản Việt Nam về việc bỏ tù các nhà báo độc lập, những người bảo vệ nhân quyền, các tín hữu tôn giáo và nhà bất đồng chính kiến ở Việt Nam.

Dân biểu Steel cho biết trong một thông cáo: “Hồ sơ nhân quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam là không thể chấp nhận được và khiến tất cả những người coi trọng tự do và dân chủ phải lên án hoàn toàn và toàn diện”.

“Với tư cách là Đồng Chủ tịch Uỷ ban Việt Nam tại Quốc hội Hoa Kỳ, tôi đã gặp gỡ những người tị nạn Việt Nam và gia đình các tù nhân chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam. Những trải nghiệm và câu chuyện của họ thật kinh hoàng và đau lòng”, Dân biểu Steel nói.

“Hoa Kỳ phải kiên quyết nỗ lực gây áp lực lên Đảng Cộng sản Việt Nam để cải thiện tình hình nhân quyền. Đó là lý do tại sao tôi tự hào được tham gia cùng với Dân biểu Correa trong nỗ lực buộc chính phủ Việt Nam phải chịu trách nhiệm và sát cánh cùng những công dân Việt Nam vô tội và người thân của họ ở Hoa Kỳ”.

“Trong 25 năm qua, cùng với Dân biểu Steel, tôi đã phục vụ Little Sài Gòn của Quận Cam—một trong những cộng đồng người Mỹ gốc Việt lớn nhất ở Hoa Kỳ—và tôi không lạ gì với những vi phạm nhân quyền ảnh hưởng đến bạn bè và gia đình ở Việt Nam của cử tri của tôi,” Dân biểu Correa phát biểu.

“Chúng tôi sẽ không bao giờ ngừng đấu tranh để buộc chính phủ Việt Nam phải chịu trách nhiệm về những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của họ – tranh đấu cả ở trong nước và tại nghị trường ở Quốc hội Hoa Kỳ”, vẫn lời của Dân biểu Correa.

VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam, đề nghị họ cho ý kiến về thông báo giới thiệu nghị quyết trên của hai dân biểu Mỹ, nhưng chưa được trả lời.

Hàng năm vào ngày 11/5, Quốc hội và Chính phủ Hoa Kỳ kỷ niệm Ngày Nhân quyền Việt Nam – một ngày để ghi nhớ tầm quan trọng của việc thúc đẩy các quyền tự do cơ bản bao gồm tự do ngôn luận, hội họp, lập hội và tự do tôn giáo.

Việt Nam vẫn là một quốc gia độc tài do một đảng duy nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam cai trị. Theo báo cáo nhân quyền gần đây nhất của Bộ Ngoại giao Mỹ về Việt Nam, “không có thay đổi đáng kể nào về tình hình nhân quyền ở Việt Nam trong năm qua”.

Báo cáo 2023 của Bộ Ngoại giao Mỹ dẫn số liệu của các phương tiện truyền thông, tổ chức phi chính phủ và các nhà quan sát khác, tính đến ngày 31/10, chính quyền Việt Nam đã giam giữ ít nhất 187 người vì hoạt động chính trị hoặc nhân quyền, trong đó có 162 người bị kết án và 25 người đang bị tạm giam chờ xét xử.

Theo các phương tiện truyền thông và các nhóm nhân quyền, từ ngày 1/1/2023 đến ngày 31/10/2023, chính quyền đã bắt giữ 25 cá nhân và kết án 23 người đang thực hiện các quyền con người được quốc tế công nhận như quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp ôn hòa và lập hội, vẫn theo báo cáo 2023 của phía Mỹ. Hầu hết các vụ bắt giữ và kết án này đều có liên quan đến việc viết blog trên mạng xã hội.

Từ năm 1994, Quốc hội Mỹ thông qua Nghị quyết được Tổng thống Bill Clinton ký thành Đạo luật chọn 11/5 làm Ngày Nhân Quyền cho Việt Nam với lời kêu gọi tranh đấu bất bạo động đòi tự do, dân chủ cho Việt Nam.

Từ đó đến nay, lễ kỷ niệm Ngày Nhân Quyền cho Việt Nam được tổ chức long trọng hằng năm tại Quốc hội Hoa Kỳ.

Chính quyền Việt Nam vào các dịp khác nhau luôn bác bỏ cáo buộc vi phạm nhân quyền, khăng khăng rằng các quyền con người của công dân luôn được đảm bảo, đồng thời nói thêm rằng họ chỉ bắt giam và xét xử những ai “vi phạm pháp luật”.

Theo VOA Tiếng Việt ngày 11/5/2024

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*