Phạm Duy – Nghìn Trùng Xa Cách Người Cuối Chân Trời

Ảnh (nhacxua.vn)

Thuở còn đi học, không biết các bạn thì sao, riêng tôi, khi nào trong vở chép bài của tôi cũng có vài chiếc lá thuộc bài, vài chiếc lá bồ đề chỉ còn xương và những cánh phượng đỏ được tỉ mỉ xếp thành hình con bướm.

Lớn hơn, biết đàn biết hát, tôi đặc biệt thích ca khúc Nghìn Trùng Xa Cách của Phạm Duy, được viết năm một ngàn chín trăm sáu mươi tám, chỉ vì trong đó có câu, vài cánh xương hoa nằm ép trong thơ.

Nó khiến tôi nhớ đến những kỷ niệm thời thơ bé. Cái thời được xem là đẹp nhất của một đời người.

* * *

Người ta kể nhiều về mối tình của Phạm Duy, hay nói một cách khác, người ta nói nhiều về nguyên nhân, lý do để Phạm Duy viết nên ca khúc này. Nhiều đến mức, vào google, đánh bốn từ Nghìn Trùng Xa Cách, là hàng loạt các bài viết giống hệt nhau, như copy từ một bản gốc rồi thêm thắt đôi dòng và hóa thành một bài viết được ký bởi những cái tên khác nhau.

Tôi thì không thích soi vào những riêng tư này. Phạm Duy viết hồi ký kể lại cuộc đời ổng, kể lại những chuyện tình của ổng, đó là chuyện khác, hồi ký thuộc về văn chương. Còn đây, tôi đang nghe những ca khúc để đời của ông ấy. Những ca khúc mà, khi ca sĩ cất lời lên, người nghe có cảm tưởng như, đó là chuyện tình của chính mình, đó là niềm vui nỗi buồn của chính mình, chớ không phải của nhạc sĩ hay ca sĩ nào.

Ca khúc cũng giống như hết thảy các loại hình nghệ thuật khác, thi ca, văn chương, hội họa, phim ảnh, sân khấu; tác phẩm chỉ hay, chỉ thành công khi làm cho người nghe, người đọc, người xem, người thưởng thức, có cảm giác như, họ mới là nhân vật chính trong tác phẩm ấy.

* * *

NGHÌN TRÙNG XA CÁCH

1.
Nghìn trùng xa cách người đã đi rồi
Còn gì đâu nữa mà khóc với cười
Mời người lên xe về miền quá khứ
Mời người đem theo toàn vẹn thương yêu

* * *

Khi tôi làm thơ mà phải sử dụng đến từ nghìn trùng, ngàn trùng, là khi đó, lòng tôi đã buồn lắm rồi. Nghìn trùng nghĩa là xa lắm, thăm thẳm, trùng muôn, trùng trùng, muôn lớp, không biết bao nhiêu mà kể.

Cái xa về địa lý, đã đành. Cái khiến người ta buồn hơn cả sự cách trở ấy, chính là lòng người. Ông bà xưa của mình, thiệt là hay lắm luôn, khi đưa ra lời cảnh báo, hay nói đúng hơn, đó chính là những điều họ đúc kết được, họ rút kinh nghiệm được, kinh nghiệm của cuộc đời chính họ – xa mặt, cách lòng.

Nghĩa là, không kề cận bên nhau, thì tình cũng theo đó mà nhạt phai nhiều lắm.

Người đi rồi. Người đi xa đến thế, thì khóc cười giờ này, liệu ý nghĩa chi. Có khóc, cũng mình mình biết. Có buồn, cũng mình mình hay. Thôi thì, mình tự mời mình, lên chuyến xe mồ côi, mà quay về miền quá khứ. Chỉ ở trong đó, mới có đôi, chỉ ở trong đó, mới có hai người, hai người từng quyến luyến, từng thương yêu.

* * *

2.
Ðứng tiễn người vào dĩ vãng nhạt màu
Sẽ có chẳng nhiều đớn đau
Nối gót người vào dĩ vãng nhiệm mầu
Có lũ kỷ niệm trước sau

* * *

Dĩ vãng mà nhạt màu, thì tình sẽ bớt đớn đau? Điều ấy có lẽ đúng. Tôi dùng từ có lẽ, là bởi vì, nó có thể đúng với người này, nhưng chưa chắc đúng với người khác.

Thời gian có thể qua đi. Hương sắc có thể tàn phai. Kỷ niệm có thể mờ nhạt. Nhưng trái tim, nhưng tình yêu, vẫn có thể vẹn nguyên, không thay, không đổi.

Thì, các bạn thử nghĩ coi, nếu tình không vẹn nguyên, thì làm sao mà có những cuộc chờ đến hóa đá? Không tính những cổ tích, những thần thoại, trong tôi vẫn luôn có một niềm tin tuyệt đối rằng, có những người, họ yêu nhau, họ mang nhau trong tim đến suốt kiếp!

* * *

3.
Vài cánh xương hoa nằm ép trong thơ
Rồi sẽ tan như bụi mù
Vạt tóc nâu khô còn chút thơm tho
Thả gió bay đi mịt mù

* * *

Nếu xem Nghìn Trùng Xa Cách là một bài thơ, thì ở khổ thứ nhứt, Phạm Duy viết bốn câu tám chữ, khổ thứ hai thì lần lượt tám chữ rồi sáu chữ, và ở khổ thứ ba, cũng hệt thế, câu tám trước, câu sáu theo sau, nhịp nhàng, đều đặn.

Tôi vẫn thường khen, Phạm Duy khi viết lời nhạc cũng giống như thi sĩ khi họ làm thơ. Lời nhạc của ông khi đọc lên, nó cũng đã rất thơ, bởi ông rất tuân thủ theo luật vần, theo luật bằng trắc.

Ông cho rằng, vài cánh xương hoa đang nằm ép trong tập thơ kia, rồi sẽ một ngày, tan như bụi mù. Và nhúm tóc nâu khô còn chút thơm tho kia, rồi sẽ một ngày, theo gió, bay đi mịt mù.

Không chỉ trong ca khúc này, ông mới đầy lòng nghi ngờ về sự tàn phai nhanh chóng của tình yêu, mà ngay trong ca khúc ông viết sau đó – Chỉ Chừng Đó Thôi – lại một lần nữa, ông quả quyết, khi xa nhau, sớm muộn gì, con người ta sẽ rồi quên hết: Chỉ chừng một năm trôi / Là quên lời trăn trối / Ai nuối thương tình đôi / Chỉ chừng một năm thôi / Chỉ cần một năm qua / Là phai mờ hương cũ / Hoa úa trong lòng ta / Chỉ cần một năm xa.

Chỉ một năm thôi, ba trăm sáu mươi lăm ngày thôi, là tình sẽ phai mờ. Đó là suy nghĩ của Phạm Duy. Còn tôi, còn riêng tôi, yêu mãi một người, dẫu có muôn nghìn trùng xa cách, là điều mà tôi vẫn đang.

Khi nghìn trùng xa cách, tình hết hay tình còn, nó phụ thuộc vào duyên nợ. Còn duyên còn nợ, thì có hết đời, cũng vẫn chờ nhau. Hết duyên hết nợ, chẳng cần tới một năm, thậm chí, một tháng.

Thậm chí, quay lưng bước đi, là quên hết!

* * *

4.
Nghìn trùng xa cách người đã đi rồi
Còn gì đâu nữa mà giữ cho người

* * *

Là lẫy thôi. Là hờn thôi. Là dỗi thôi.

Nghĩa là, khi nói tình rồi sẽ phai, tình rồi sẽ bay, là Phạm Duy đang nói lẫy, nói hờn, nói dỗi. Người ta đã đi rồi, thì giữ làm chi nữa những bài thơ kỷ niệm, giữ làm chi nữa những cánh xương hoa, đang còn ép trong tập thơ kia, giữ làm chi nữa vạt tóc nâu khô, người gửi trao hôm nào, dặn dò nhau gìn giữ.

Đi là hết, đi là chấm dứt, hết một cuộc tình, chấm dứt một cuộc tình, Phạm Duy nghĩ vậy, nên mới xót xa viết ra lời đớn đau, nên chúng ta mới có, hôm nay, ca khúc Nghìn Trùng Xa Cách.

Nên, theo lời ông kể trong hồi ký của mình, mỗi lần Thái Thanh hát bài này, là mỗi lần giọng ca vàng rơi lệ.

Tôi tuy không rơi lệ, nhưng thiệt là nghe lòng cũng buồn thỉu buồn thiu, mỗi khi nghe Nghìn Trùng Xa Cách.

* * *

5.
Trả hết về người chuyện cũ đẹp ngời
Chuyện đôi ta buồn ít hơn vui
Lời khóc lời cười chuyện ngắn chuyện dài
Trả hết cho người cho người đi

* * *

Một hai đòi trả hết cho người, không giữ nữa, cả những kỷ niệm, cả những kỷ vật. Trả hết. Trả cho bằng hết.

Các bạn từng yêu, đã bao giờ trải qua cảm giác này chưa, cái cảm giác muốn gọi người lại, muốn dằn vặt người bằng đôi ba câu nói, muốn dỗi hờn, muốn bật khóc, muốn gào thét, trước người.

Yêu, thiệt là khổ, phải không các bạn.

Nhất là với những cuộc tình đã quá dài lâu!

* * *

6.
Trả hết cho ai ngày tháng êm trôi
Ðường em đi trời đất yên vui
Rừng vắng ban mai đường phố trăng soi
Trả hết cho người cho người đi

* * *

Giờ không gọi là em nữa, mà đã thay bằng tiếng “ai”, nghĩa là, tác giả, đang vừa buồn, vừa dỗi nhưng trong lòng vẫn còn yêu lắm lắm.

Không yêu ấy à, ai đi cứ việc đi, nhớ nhung chi, buồn sầu chi, thậm chí, còn mở tiệc ăn mừng nữa ấy chớ.

Chúc em, mà chúc bằng cái giọng trách hờn. Ngày tháng tới đây của em êm trôi nha. Trời đất nơi em đến từ đây yên vui nha. Còn cuộc đời tôi, tới đây, như rừng chẳng có ban mai. Đường phố nơi tôi về, từ đây, chỉ có trăng soi.

Tôi trả hết cho người, đặng người mang theo đó!

* * *

7
Trả hết cho ai cả những chua cay
Ngày chia tay lặng lẽ mưa rơi
Một tiếng thương ôi gửi đến cho người
Trả nốt đôi môi gượng cười

* * *

Ngọt bùi cũng trả, mà chua cay, cũng trả luôn. Tâm trạng lúc này của tác giả, thiệt là, ai có vô cảnh rồi, mới hiểu. Nó buồn thê buồn thảm. Nó chẳng nghĩ được gì ngoài nỗi đau, tưởng như vượt mức chịu đựng của mình.

Nó khiến mình lẩn thẩn. Nó làm mình mâu thuẫn. Khi thì muốn nói lời cao thượng. Khi lại ủ dột, nhìn đâu cũng chỉ thấy quắt quay, rã rời, khổ đau, chán chường, mệt mỏi.

Muốn đổ gục. Muốn trách trời. Muốn người đừng đi.

Rồi thì cái ngày chia tay cũng đến trong lặng lẽ mưa rơi. Một tiếng thương, chỉ duy nhứt một tiếng thương, gửi đến cho người.

Và, nốt một lần này nữa – đôi môi gượng cười!

* * *

8.
Nghìn trùng xa cách đời đứt ngang rồi
Còn lời trăn trối gửi đến cho người
Nghìn trùng xa cách người cuối chân trời
Ðường dài hạnh phúc cầu chúc cho người!

* * *

Như cuộc đời của mình bị đứt ngang, như cuộc đời của mình sắp chấm dứt, lời anh đang gởi tới em, chính là lời trăn trối – đường dài hạnh phúc cầu chúc cho người.

Em đã cuối chân trời.

Chúng mình đã nghìn trùng xa cách!

* * *

Có những nỗi đau lặng lẽ, thu vào, nhưng lại cũng có những nỗi đau, lặng lẽ chẳng được, thu vào chẳng xong, thì phải làm sao đây?

Thì phải khóc, khóc cho bằng hết nước mắt thì thôi. Thì phải kêu gào, kêu gào bằng cả trái tim đau, kêu gào bằng trọn niềm tuyệt vọng.

Chớ biết phải làm sao bây giờ.

* * *

Thời gian dành cho giải trí, tôi thường xem phim, hoặc đọc dăm ba gì đó, và thi thoảng, tôi nghe nhạc. Nghe đủ loại nhạc. Nhưng luẩn quẩn một hồi, kiểu gì, tôi cũng quay về Phạm Duy.

Phạm Duy ấy mà, tôi ngưỡng mộ ông ấy ghê lắm. Không nói về số lượng sáng tác, bởi với hơn hai ngàn ca khúc, ông không có đối thủ. Chỉ nói về những ca khúc được khán thính giả xưa và nay, trong và ngoài nước, yêu thích, thì bài nào, thú thực, cũng hay. Chúng một chín một mười với nhau. Bài nào, khi cất lên, cũng làm người nghe bồi hồi, hoặc sống lại những kỷ niệm cũ, hoặc nhắc lại, những buồn vui từng trải qua trong đời.

Dưới đây là một nhận xét vừa tinh tế vừa cảm động của giáo sư tiến sĩ Trần Văn Khê, nhà nghiên cứu văn hóa và âm nhạc cổ truyền Việt Nam về Phạm Duy, người bạn vô cùng thân thiết, người nhạc sĩ tài hoa số một của Việt Nam trong thế kỷ thứ hai mươi và một phần của thế kỷ hai mươi mốt, trong bài viết Đến Khi Trăm Tuổi Còn Ngồi Bên Nhau:

Đối với tôi, Phạm Duy là một người nhạc sĩ toàn diện về mọi mặt (toàn diện theo nghĩa đầy đủ nhất của hai từ “nhạc sĩ”). Duy có những khả năng rất đặc biệt trong âm nhạc mà không phải bất kỳ người nhạc sĩ nào cũng có thể hội tụ đầy đủ, và sự cảm thụ âm nhạc nghệ thuật của Duy cũng mang tánh cách rất riêng, rất “Phạm Duy”, nhưng cái riêng đó không hề lạc ra khỏi cái gốc rễ tình cảm chung của người Việt Nam.

Duy đã làm những cuộc phiêu lưu “chiêu hồn nhạc” hết sức đậm đà, huyền diệu, đầy thơ mộng mà cũng đa dạng và phong phú vô cùng! Duy “chiêu” được “hồn” ông thần Nhạc và thành công trong nhiều thể loại, có lẽ bản thân ông thần Âm nhạc cũng “mê” lối “chiêu hồn” của Duy rồi chăng? Thành công – đối với Duy mà nói – không phải chỉ sớm nở tối tàn, mà phải nói rằng những nhạc phẩm đó, đã và vẫn mang nhiều giá trị về ngôn ngữ âm nhạc lẫn ca từ, không lẫn với bất cứ ai, đặc biệt là những nhạc phẩm ấy sống mãi trong lòng người Việt, say mê âm nhạc, nghệ thuật. Có những thể loại nhạc đối với người nhạc sĩ này là sở trường, nhưng với người khác nó lại không phải là thế mạnh. Còn Duy có thể làm cho những thể loại âm nhạc khác nhau “chịu” đi theo mình, nghe lời mình uốn nắn và đưa vào tâm hồn tình cảm của Duy.

Duy viết tình ca đi vào lòng người bao thế hệ, viết hành khúc sôi nổi một thời cũng làm cho thính giả khó quên, hay viết trường ca, tổ khúc, cũng làm lay động con tim âm nhạc của bao người. Những thể loại Duy làm ra đều được sự tán thưởng của giới mộ điệu âm nhạc, lấy được nhiều tình cảm từ công chúng. Điều đó không hề dễ có đối với một tác giả. Nó tồn tại cho tới bây giờ cũng đủ để thấy giá trị âm nhạc Phạm Duy mang một dấu ấn khó phai trong dòng chảy âm nhạc Việt, và hạnh phúc hiếm có nhất: vẫn vững chãi trước ba đào thời gian.

Duy không chỉ sáng tác được nét nhạc hay bằng khả năng cảm nhạc thiên bẩm, mà còn có thể tự mình đặt lời nhạc rất đẹp, rất thi vị, mang đậm tâm hồn, tư tưởng của người Việt Nam. Đó không phải là khả năng tự có một sớm một chiều, mà do sự quan sát, học hỏi, rèn luyện của Duy, cộng thêm cái khiếu cảm nhận tinh tế trong đời sống hằng ngày, trong những cuộc “phiêu lưu” đó đây, rong ruổi khắp bốn phương trời từ Đông sang Tây, để góp nhặt từng câu chuyện từ chính mình, góp nhặt những câu chuyện của quê hương, dân tộc, phận người, mà dệt nên những lời tình tự xứng đáng được lưu vào trang nhạc sử Việt.
(Trần Văn KhêĐến Khi Trăm Tuổi Còn Ngồi Bên Nhau).

Sài Gòn 18.3.2024
Phạm Hiền Mây

Nguồn: https://t-van.net/pham-hien-may-pham-duy-nghin-trung-xa-cach-nguoi-cuoi-chan-troi/

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*