(Ảnh: TX)
Sau một thời gian lâm bệnh nặng, nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng, người được biết tới với danh xưng “Vua chuyển ngữ ca khúc nhạc ngoại” đã qua đời lúc 18 giờ ngày 1 Tháng Năm tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Sài Gòn, hưởng thọ 79 tuổi.
Nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng xuất thân là nghề giáo, ông từng giảng dạy các môn Ngoại ngữ, Triết học tại nhiều trường học ở Sài Gòn trước năm 1975. Ngoài ra, Vũ Xuân Hùng còn tham gia viết báo và từng làm Tổng thư ký cho tờ Tuần san kịch ảnh, một tờ báo chuyên san khá ăn khách tại Sài Gòn ngày đó.
Vũ Xuân Hùng là tác giả chuyển ngữ của hàng trăm ca khúc nổi tiếng của những thập niên 60-70, ca khúc của Vũ Xuân Hùng đã trở nên quen thuộc với khán giả yêu nhạc nhiều thế hệ.
“Phong Trào Nhạc Trẻ”
Cuối thập niên 1950 – đầu thập niên 1960 có thể nói nhạc trẻ Sài Gòn đã hình thành, nhưng nó thật sự gây được ấn tượng mạnh mẽ với công chúng trẻ là từ năm 1963. Giai đoạn 1968-1970, tại Sài Gòn sau khi nhạc Pháp ồ ạt xâm nhập vào Việt Nam.
Giới trẻ Việt Nam yêu nhạc Pháp lâm vào tình trạng bị Pháp hóa. Gia tài ca khúc nhạc trẻ thời bấy giờ tại Việt Nam còn khá nghèo nàn so với sự ra đời thật náo nhiệt của những ban, nhóm chơi nhạc kích động. Danh xưng Nhạc Trẻ do chính Trường Kỳ nêu ra và chủ xướng Việt Hóa Âm Nhạc, chủ động mời các bạn nhạc sĩ quan tâm về vấn đề này cùng gặp nhau thảo luận, trong số này gồm có: Jo Marcel, Nam Lộc, Vũ Xuân Hùng, Nguyễn Duy Biên, Lê Uyên Phương, Tùng Giang, Kỳ Phát…v.v.
Công sức đóng góp vào phong trào Việt Hoá Nhạc Trẻ là phần chuyển ngữ ca khúc từ tiếng Anh Pháp sang tiếng Việt của các nhạc sĩ Phạm Duy, Trường Kỳ, Nam Lộc, Tùng Giang, Kỳ Phát, Vũ Xuân Hùng, Nguyễn Duy Biên, Lê Hựu Hà, Tuấn Dũng.
Giới trẻ thời ấy rất say mê nhạc ngoại quốc du nhập vào Sài Gòn. Thậm chí những ca sĩ và ban nhạc Sài gòn lấy một cái tên nước ngoài đặt cho ban nhạc mình. Các nhạc sĩ Phạm Duy, Trường Kỳ, Nam Lộc, Tùng Giang, Kỳ Phát, Nguyễn Duy Biên phát động một phong trào Việt Hoá Nhạc Trẻ. Với mong ước giới trẻ Việt Nam sẽ tự sáng tác và trình diễn những ca khúc nước ngoài bằng ngôn ngữ Việt Nam.
(Ảnh: TL)
Kết quả sau đó là sự ra đời của ban Phượng Hoàng cùng những sáng tác thuần tuý, đậm chất Việt Nam của các nhạc sĩ Lê Hựu Hà, Nguyễn Trung Cang, Ban Mây Trắng (Tuấn Dũng, Trung Hành, Cao Giảng ). Đồng thời các ban nhạc, các nhóm ca cũng đã chuyển sang cái tên nghe Việt Nam hơn như Ba Con Mèo (The Cats Trio), Ba Trái Táo (The Apple Three), Ba Quả Chuông (The Golden Bells), Sao Xanh (The Blue Stars). Âm nhạc Việt Nam thêm đa dạng và phong phú hơn với nhiều ca khúc được chuyển ngữ, và những ca khúc mà nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng chuyển ngữ đã khiến công chúng cứ ngỡ do chính người Việt sáng tác. Trong đó, nhạc phẩm “Búp Bê Không Tình Yêu”, “Em Đẹp Như Mơ”, “Mong Manh”, “Nụ Hôn Dưới Mưa”, “Dòng Sông Tuổi Nhỏ”, “Anh Thì Không” đã được nhiều say mê yêu thích cho đến bây giờ.
Vào khoảng thời gian 1972 nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng là giáo sư. Ông là giáo sư dạy ngoại ngữ và triết học tại trường Trần Hưng Đạo, Bùi Thị Xuân, Đồng Tiến. Ông được ông Quốc Phong giám đốc hãng phim Liên Ảnh mời về làm Tổng Thư Ký cho tờ tuần san Kịch Ảnh để cùng nhà văn Mai Thảo lúc đó là chủ bút, làm mới cũng như trẻ trung hoá tờ báo Điện ảnh.
Vào thời gian đó ông có suy nghĩ là muốn đẩy phong trào Việt hoá này mạnh lên hơn nữa thì phải phát hành những tập nhạc những đĩa nhạc dành cho giới trẻ, để họ có thể thưởng thức hoặc trình diễn bằng ngôn ngữ Việt nên ông đã cùng Nguyễn Duy Biên một người bạn nối khố từ thời Trung học bắt tay vào thực hiện những cuốn Tình Ca Nhạc Trẻ. Trong băng nhạc này ông mời nhạc sĩ Nam Lộc, Trường Kỳ, Lê Uyên Phương, Kỳ Phát, Tuấn Dũng, góp bài cho thêm phong phú. Sau đó chọn ban nhạc Dreamers, CBC, Mây Trắng, Hammers và các ca sĩ nổi tiếng Sài gòn thu âm. Nguyễn Duy Biên là người bỏ tiền đầu tư nên là nhà sản xuất, kỹ thuật âm thanh. Tình Ca Nhạc Trẻ ra đời và Trung tâm Thuý Nga đã nhận lời phát hành đồng thời mua đứt những cuốn băng thứ 2, và thứ 3.
Nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng định cư tại Mỹ
Năm 1997, ông cùng vợ là Xuân Hòa trở về Việt Nam và thành lập “Phòng trà ca vũ nhạc kịch Tiếng Xưa”. Tại “Tiếng Xưa”, ngoài việc biên tập và tổ chức các đêm nhạc, ông còn dựng các vở nhạc kịch dựa theo các bài hát nổi tiếng như: “Hòn Vọng Phu”, “Trầu Cau”, “Cung Đàn Xưa”, “Tiếng Đàn Tôi”, “Tiếng Sáo Thiên Thai”, “Lưu Nguyễn Lạc Thiên Thai”, “Mối Tình Trương Chi”, “Lan và Điệp”. Mặc dù đã qua thời hoàng kim của những ca khúc nhạc ngoại chuyển ngữ qua lời Việt nhưng không thể phủ nhận được giá trị một thời của những ca khúc này.
Trước sự xâm thực của văn hóa phương Tây những năm 50-70 thế kỷ trước, những nhạc sĩ như Trường Kỳ, Vũ Xuân Hùng đã nỗ lực thổi hồn Việt vào các nhạc phẩm ngoại nhập để kích thích sáng tạo những ca khúc thuần Việt. Với những người thuộc thế hệ ông bà, cha mẹ, những bản nhạc ngoại lời Việt còn là một phần kết nối quá khứ xa xưa, với những ký ức đẹp thời thanh xuân, những dư âm ngọt ngào của gia đình thân thương với tình yêu, tình bạn bè thuần khiết, để nhắc những người trẻ biết trân trọng những giá trị cuộc sống.
Gần nửa thế kỷ nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng đã góp phần làm phong phú âm nhạc Việt Nam và giúp nhiều thế hệ ca sĩ tạo dấu ấn trong lòng công chúng mộ điệu. Ông mong ước giới trẻ Việt Nam sẽ tự sáng tác và trình diễn những ca khúc trẻ nước ngoài bằng ngôn ngữ Việt Nam.
Lê Xuân Trường
Theo https://saigonnhonews.com/tacgia/le-xuan-truong/ ngày 2 tháng 5, 2024
* tựa do Sài Gòn Nhỏ đặt
Be the first to comment