Hàn Gắn Vết Thương 30/4/1975

Chỉ còn vài ngày nữa là đến Ngày Quốc Hận 30 tháng Tư!

Trong khi nhiều bài viết về Ngày Quốc Hận được bạn hữu chuyển đến tôi, tôi không dám đọc thì làm thế nào tôi đủ can đảm viết về 30/04/1975 để tự đào sâu vào vết thương không bao giờ lành trong trái tim mang nhiều thương tổn của tôi?

Rất nhiều người trong tập thể người Việt tỵ nạn và những người thoát khỏi ngục tù cộng sản Việt Nam (csVN) theo diện H.O. (Humanization Organization, tổ chức nhân đạo) hay diện Đoàn Tụ O.D.P. (Orderly Departure Program) cũng mang trái tim nhiều thương tổn như tôi. Nhưng, không hiểu tại sao tôi lại nghĩ rằng: Quý vị tỵ nạn theo điện H.O./O.D.P. được may mắn hơn chúng tôi – lớp người tỵ nạn đầu tiên được Hoa Kỳ và các nước Tự Do tiếp nhận.

Thật vậy, khi quý vị H.O./O.D.P. đến Hoa Kỳ hoặc các nước Tự Do khác thì những khó khăn và nhục nhằn mà chúng tôi phải gánh chịu lúc ban đầu đã được “hóa giải” rất nhiều.

Sự “hóa giải” đó là: Ngay sau khi rời bất cứ phi trường nào tại Hoa Kỳ, quý vị H.O./O.D.P. cũng có thể thoải mái vào chợ Việt Nam hoặc chợ Á Đông, mua chai nước mắm; vào tiệm phở gọi tô phở. Quý vị học lái xe hay bất cứ nghề gì hoặc cần liên lạc với văn phòng di trú/tòa đô chính/trường học, v.v… đều gặp được nhân viên người Việt hướng dẫn. Quý vị bị bệnh, cần bác sĩ/nha sĩ hoặc phải vào bệnh viện cũng có y tá/bác sĩ/nha sĩ người Việt…

Tôi vẫn nhớ, cuối thập niên 70, vài tờ báo ở California và Houston đã nhận xét rằng: Đa số người Việt tỵ nạn đầu tiên được xem là thành phần ưu tú của miền Nam Việt Nam. Nhớ lại, trong những lúc sắp hàng lãnh thức ăn tại trại tỵ nạn hoặc lên xe “bus” chuyển trại, quả thật, tôi đã gặp/thấy rất nhiều nhân vật ưu tú của miền Nam Việt Nam.

Theo tôi hiểu, đa số thành phần ưu tú của miền Nam Việt Nam thường xuất thân từ trường Pháp. Đã học chương trình Pháp mà còn mang trong lòng niềm tự trọng lớn lao của một công dân dưới chính thể Việt Nam Cộng Hòa (VNCH),  cho nên, đa số người tỵ nạn đầu tiên đều phải chấp nhận làm bất cứ ngành/nghề nào lương thiện, miễn có tiền nuôi gia đình bên này và gửi – qua ngã Canada và Pháp – nhờ chuyển về thân nhân còn “kẹt” bên Việt Nam chứ không hề “mánh mung” để xin tiền trợ cấp của chính phủ Hoa Kỳ.

Nhờ sự hy sinh vô bờ của những người tỵ nạn đầu tiên mà thế hệ người Việt di tản thứ II mới vươn lên, tạo được nhiều thành quả tốt đẹp!

Trong khi những người Việt tỵ nạn đầu tiên chưa kịp vui với thành quả ngoạn mục do thế hệ di dân thứ II tạo nên thì những người Việt tỵ nạn đầu tiên đã bị csVN sĩ nhục bằng những câu đầy xấc xược và vô giáo dục: “Bọn ‘niếm’ gót giày đế quốc Mỹ” / “‘Nũ’  phản động ‘đu càng’ theo bọn sen đầm quốc tế”/ “Bọn ‘nính’ ‘đánh thuê’” / “Bọn ‘Ngụy’ Saigon” / “Bọn ‘ba que’”…

Thế mà, khi Việt Nam gặp thiên tai, người csVN lại không biết ngượng, gọi người Việt tỵ nạn là “khúc ruột ngàn dặm”!

Nếu người Việt tỵ nạn thực hiện được khẩu hiệu Tam Vô – vô gia đình/vô Tổ Quốc/vô tôn giáo – như người csVN thì làm thế nào toàn nước Việt Nam “qua” được những cơn thiên tai và thời “bao cấp”?

Đến thập niên 90, nhận ra sự vươn lên rực rỡ của người Việt ty nạn, người csVN kêu gọi “Việt kiều” về Việt Nam góp sức xây dựng đất nước.

Tôi không rõ có bao nhiêu người Việt đã tin lời csVN, trở về Việt Nam giúp xây dựng quê hương. Nhưng tôi nhớ nhân vật Trịnh Vĩnh Bình – “vua chả giò” tại Hà Lan đã cùng gia đình vượt biên đến Hà Lan, năm 1976 – lại bán hãng chả giò, đem tài sản về Việt Nam đầu tư.

Chỉ sau một thời gian không dài, tin Trịnh Vĩnh Bình bị csVN bắt, nhốt tù, tài sản bị csVN tịch thu được loan truyền. Chính quyền Hà Lan phải can thiệp, Trịnh Vĩnh Bình mới được tại ngoại.

Tôi chưa kịp vui khi đọc tin Trịnh Vĩnh Bình được tại ngoại thì con tôi cho biết con tôi sắp về Việt Nam dạy tại đại học Kinh Tế trong ba tháng Hè!

Tôi hoảng hốt tột độ! Minh – Bố của các con tôi và cũng là cựu Hải Quân trung tá – và tôi đều hết lời khuyên ngăn; nhưng con tôi cũng vẫn không thay đổi quyết định! Tôi than:

– Con biết rồi, ông Ngoại đã bị Việt Minh – tiền thân của csVN – chiêu dụ, đi theo kháng chiến chống Tây. Sau khi csVN chiếm được miền Nam Việt Nam, ông Ngoại và các Cậu của con bị csVN nhốt tù; bà Ngoại, các Dì và cậu Út bị đuổi đi kinh tế mới; nhà/đất của ông bà Ngoại bị csVN tịch thu. Cậu Út và các Dì không được đi học; vì ông Ngoại là Phó Thị Trưởng Nội An thị xã Cam Ranh! Con đã về Việt Nam, đi ngang ngôi nhà của ông bà Ngoại và con cũng đã ghé nhà của mình ở Thị Nghè, con thấy ai ở trong đó rồi. Như vậy chưa đủ hay sao mà bây giờ con lại muốn quay về giúp những người đã cướp đoạt tất cả rồi đưa gia đình ông bà Ngoại đến đường cùng?

– Theo luật đào thải của thiên nhiên, thế hệ của người csVN đã tàn phá quê hương Việt Nam sẽ không còn. Con chỉ nghĩ đến những thế hệ người Việt kế tiếp. Mình nên tiếp xúc và hướng những thế hệ kế tiếp xa dần cái ác.

Minh và tôi chỉ biết đi chùa/cầu nguyện cho con tôi.

Hai mùa Hè, con tôi rời Hoa Kỳ và trở về bình an và đúng hẹn.

Mùa Hè thứ ba, lớp học chỉ mới bắt đầu được vài tuần, con tôi đột ngột trở về Mỹ và cho biết, sẽ không về Việt Nam dạy nữa.

Tôi mừng quá! Trong bữa cơm sum họp gia đình, con tôi kể lại:

– Sáng hôm đó, con đang giảng bài và sinh viên đang chăm chú nghe giảng bình thường như mọi ngày. Bất ngờ, một nhóm người mặc sắc phục công an xông vào, không nói năng gì cả, đi vòng quanh lớp, lục tung mọi thứ. Con bảo: “Đây là lớp tôi đang dạy, tôi chịu trách nhiệm. Các Bác/các Chú cần gì, phải cho tôi biết, trước khi các Bác các Chú hành động.” Một ông trả lời: “Cô dạy thì cô cứ dạy; kiểm soát là bổn phận của chúng tôi.” Con đáp: “Các Bác/các Chú vui lòng chờ một tý để tôi liên lạc với ông Hiệu Trưởng.” Nói xong con rời lớp, đến văn phòng Hiệu Trưởng, trình bày sự việc. Ông Hiệu Trưởng đáp: “Cô chờ cho nhân viên công quyền thi hành bổn phận xong rồi cô dạy cũng được, có sao đâu.” Con đáp: “Bao nhiêu năm dạy học tại một nước văn minh, tiên tiến nhất thế giới, chưa bao giờ tôi gặp trường hợp nào tương tự như trường hợp này. Tôi sẽ không dạy tại trường này nữa. Bye!”

Kể đến đây, con tôi nhìn tôi, đùa:

– “Bà Già” hết lo chưa?

Tôi cười vui. Minh hỏi:

– Con có biết tại sao công an bất ngờ vào lớp con đang dạy để lục tung mọi thứ như vậy hay không?

– Dạ, không.

Minh tiếp:

– Con có hiểu tại sao khi hay tin con nhận lời về Việt Nam dạy học Măng đã hoảng hốt/lo sợ hay không?

– Dạ, bây giờ thì con hiểu!

– Con hiểu như thế nào?

– Dạ, vì Ba từng là một sĩ quan cao cấp và Măng viết báo, có thể csVN sẽ không để con yên!

Trên đây là hai câu chuyện thật về những người Việt tỵ nạn đã tin theo lời kêu gọi của người csVN để trở về Việt Nam xây dựng lại quê hương; còn bao nhiêu người tỵ nạn khác bị csVN lừa, tôi không biết, tôi không viết.

Gần đây, bạn hữu chuyển đến tôi Quyết Định số 1334-QĐ-TTg, ký tại Hà Nội ngày 10 tháng 11 năm 2023, nhưng tôi không đọc; vì tôi không muốn bị csVN lừa.

Viết đến đây, tôi chợt nghĩ, có thể người csVN – sau thời gian dài tiếp xúc với nền văn minh Tây phương – đã bớt xảo trá. Thế là tôi đọc Quyết Định 1334.

Đọc xong Quyết Định số 1334 của csVN, tôi cười mỉm, lắc đầu! Tổng thể của Quyết Định số 1334 gồm gần 5,000 – năm ngàn – chữ, tôi không thấy được dòng nào nhắc đến nỗi bi thương/sầu thảm/uất hận của người Việt tỵ nạn trong giai đoạn đầu khi phải lìa xa quê hương, đi làm với đồng lương tối thiểu $2.10 đô la một giờ! Chưa có ai trong chúng tôi có được chiếc xe hơi “cà tàng”! Đi làm, có người phải đi bộ/đi xe “bus”/đi xe đạp “mượn”, như Minh và tôi.

Tôi cũng không thấy Quyết Định 1334 đề cập đến số tài sản khổng lồ của người miền Nam Việt Nam mà người csVN đã tịch thu và chiếm ngụ.

Số tài sản này tuy vô cùng lớn lao và quý giá, nhưng, tôi không tiếc bằng sức khỏe/kiến thức/tuổi thanh xuân/và cuộc đời của không biết bao nhiêu trí thức và tinh hoa của miền Nam Việt Nam phải bị hao mòn/tàn tạ/hủy hoại dưới bàn tay sắt máu của người csVN trong các trại tù trá hình, gọi là trại cải tạo!

Tôi cũng không thấy Quyết Định 1334 nhắc lại lời csVN kêu gọi “Ngụy quân/Ngụy quyền” trình diện “học tập” đem theo tiền ăn cho 10 ngày!

Năm 1975, người csVN xâm phạm Hiệp Ước đình chiến, vượt vĩ tuyến 17 giết hại chúng tôi; chúng tôi đã “bỏ của chạy lấy người”. Nhờ Hải Quân VNCH cứu và chúng tôi trở thành người Việt tỵ nạn tại Hoa Kỳ. Người csVN dùng nhiều danh từ rất hạ cấp để mạc xác chúng tôi.

Gần nửa thế kỷ sau, năm 2024, con cháu của người Việt tỵ nạn thành đạt; chúng tôi đang nhàn hạ hưởng già, thì, một lần nữa, người csVN lại dồn toàn lực với ý đồ cưỡng đoạt tất cả tài sản vật chất và tài sản trí tuệ mà chúng tôi đã đổ mồ hôi và nước mắt để tạo dựng nên!

Sự tham tàn của người csVN được ghi rõ trên Quyết Định 1334, bằng những “cụm từ” (danh từ của csVN) mạnh bạo như sau: “Phát huy nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN)…” / “Bám sát chủ trương tranh thủ tối đa nguồn lực của NVNONN…” / “Thu hút nguồn lực NVNONN…” / “Xác định nguồn lực kiều bào là một nguồn lực có ý nghĩa quan trọng trong tổng thể các nguồn lực từ bên ngoài, cần được tranh thủ để phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.”/ “Tăng cường thống nhất nhận thức NVNONN là nguồn lực ngày càng quan trọng …” / “Thu hút chuyên gia, trí thức, nhân tài NVNONN và lao động người Việt trở về nước…” v.v.

Nguồn lực và tiềm năng của “người Việt Nam ở nước ngoài” – cũng như sự thành đạt tuyệt vời của thế hệ Việt Nam di dân thứ II / thứ III tại hải ngoại – không dễ gì để người csVN “tịch thu” đâu!

Nếu người csVN thật tâm muốn hàn gắn vết thương còn mưng mủ giữa người Việt trong nước và người Việt tỵ nạn thì người csVN – bắt đầu từ năm nay, 2024 – hãy thể hiện bằng thái độ/ngôn từ và hành động khi người csVN tổ chức mừng ngày 30 tháng Tư!

Tạp ghi của Điệp Mỹ Linh

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*