Thử Tìm Hiểu Các Tên Gọi Thảo Mộc Lạ Tai

Người, động vật và cây có đều có địa bàn sống riêng biệt.   
Người da trắng sống ở vùng khí hậu ôn đới.   
Người da đen sống ở miền khí hậu xích đới hay nhiệt đới.   
Người da vàng sống ở miền nhiệt đới hay bán nhiệt đới.   
Địa bàn sống của hà mã, tê giác, voi, cọp, beo là rừng, thảo nguyên xích-nhiệt đới Phi Châu và Á Châu.   
Lạc đà sống trong sa mạc nóng bức và khô hạn.
Ngỗng, thiên nga sống trong vùng ôn đới lạnh, bán hàn đới và hàn đới trong khi đà điểu sống trong vùng khí hậu sa mạc. 
Cây cao su gốc ở Nam Mỹ.   
Cây cà phê gốc ở Phi Châu.   
Đông trùng hạ thảo gốc trong vùng Hi Mã Lạp Sơn. 

Ở Việt Nam có một số thảo mộc có tên xa lạ với người Việt Nam. Trong bài viết này chúng tôi cố gắng tìm hiểu nguồn gốc của các tên gọi lạ tai bằng cách đi tìm xuất xứ của các loài thảo mộc đó.

* * *

Trái Lê-Ki-Ma

(Ảnh: internet)

Trái lê-ki-ma là một loại trái cây gốc ở Nam Mỹ. Trái to, láng bóng tựa như trứng gà, trứng vịt. Khi chín, trái có màu vàng cam. Cơm mỏng, nhiều bột màu vàng, vị ngọt lợ; hột to, cứng và bóng láng.

Tên khoa học của trái lê-ki-ma là Lucuma mamosa thuộc gia đình Sapotaceae của cây sa-bô-chê.

Tên gọi lê-ki-ma âm từ chữ LUCUMA của thổ dân Quechua ở Chile, Peru, Bolivia (Nam Mỹ) có nghĩa là trái hình trứng (eggfruit).

Quốc gia Tên gọi
Việt Nam Lê-ki-ma (âm từ chữ Lucuma)
Anh & Mỹ Mamey sapote, Eggfruit (dịch nghĩa từ chữ Lucuma của thổ dân Quechua có nghĩa là trái có hình quả trứng)
Pháp Sapotier à gros fruit (cây sa-bô trái to)
Indonesia Sawo mentega (Bơ của trái sa-bô-chê)

Miền duyên hải Bắc Bộ Việt Nam tiếp xúc với các giáo sĩ Tây Ban Nha dòng Dominican (Đa Minh) vào thế kỷ XVI thời nhà Mạc. Trung Mỹ và Nam Mỹ chịu ảnh hưởng của người Tây Ban Nha, ngoại trừ Brazil chịu ảnh hưởng của người Bồ Đào Nha. Ở Đông Nam Á Tây Ban Nha chiếm quần đảo Phi Luật Tân (được người Trung Hoa âm từ chữ Philippines có nghĩa là quần đảo của vua Philip II của Tây Ban Nha). Suy ra trái lê-ki-ma đến miền Bắc Việt Nam trước tiên vào thế kỷ XVI theo chân các nhà truyền giáo dòng Dominican.

Người Việt Nam không thích ăn trái lê-ki-ma nên loại trái nầy dần dần chìm trong lãng quên.

Trái Sa-Bô-Chê

(Ảnh: internet)

Cây sa-bô-chê gốc ở Mexico và các hải đảo trong biển Caribbean. Trái sa-bô- chê tựa như trứng gà, thơm và ngọt. Đó là một loại trái cây ngon.

Tên khoa học của sa-bô-chê là Sapotilla zapota, gia đình Sapotaceae. Tên gọi thông thường là:

Quốc gia Tên gọi
Tây Ban Nha Chico zabot (1)
Anh & Mỹ Sapodilla
Pháp Sapote, Sapotier (cây sa-bô-chê)
Indonesia Sawo manila (2)
Việt Nam Sa-bô-chê, Hồng Xiêm

Cây sa-bô-chê được người Tây Ban Nha du nhập vào Phi Luật Tân nên người Indonesia gọi là Sawo manila. Từ Phi Luật Tân nó được đưa vào Mã Lai, Xiêm La (Thái Lan). Có thể nó đến Nam Bộ vào thế kỷ XIX cùng lúc với cây sầu riêng, măng cụt mà các chủng sinh từ tu viện Thiên Chúa giáo ở Penang (Mã Lai) mang về. Nó mang tên sa-bô-chê âm từ tiếng Pháp Sapotier (cây sa-bô-chê).

Lộ trình di chuyển của cây sa-bô-chê tóm tắt như sau:
Mexico – Phi Luật Tân – Mã Lai – Xiêm La (Thái Lan) – Nam Bộ Việt Nam.

Vào năm 80 của thế kỷ XVIII, sau khi bị quân Tây Sơn đánh bại, chúa Nguyễn Ánh và tàn quân chạy sang Xiêm lánh nạn. Đến thế kỷ XIX có sứ bộ Việt Nam sang Xiêm (Thái Lan bây giờ) để tìm hiểu do đâu nước Xiêm không bị các nước phương Tây xâm chiếm tức là đi tìm hiểu chánh sách “dĩ Di chế Di” của nước này. Từ đó ở Việt Nam, nhất là Nam Bộ có: cá Xiêm, chuối sứ hay chuối Xiêm, mãng cầu Xiêm, vịt Xiêm, Hồng Xiêm, canh Xiêm Lo (Xiêm La) v.v.

(1) Chữ zabot hay sapote xuất phát từ chữ Tzapot của người Aztecs ở Mexico. Tzapot có nghĩa là trái chín mềm. 
(2) Manila: tên của thủ đô Phi Luật Tân. 

Trái Na

(Ảnh: internet)

Trái na là một loại trái tròn, có mắt, vị ngọt, gốc ở Mexico, các hải đảo Caribbean. Giống trái nầy được người Tây Ban Nha đưa sang Phi Luật Tân rồi từ đó nó được đưa sang các nước láng giềng của Phi Luật Tân trong vùng Đông Nam Á.

Tên khoa học của na là Annona squamosa, gia đình Annonaceae. Tên gọi thông thường là:

Quốc gia Tên gọi
Việt Nam Na (Bắc Bộ), mãng cầu ta (Nam Bộ)
Anh & Mỹ Custard apple, sugar apple, sweet sop
Pháp Pomme cannelle (Táo quế)
Tây Ban Nha Annona
Bồ Đào Nha Anon
Mã Lai Nona
Thái Lan Noina

Na là âm cuối của Annona của tiếng Tây Ban Nha. Chữ ANNONA của Tây Ban Nha bắt nguồn từ chữ ANNON của người Taino sống trên các hải đảo trong biển Caribbean như Cuba, Puerto Rico, Jamaica. Người Mã Lai gọi trái na là NONA (hai âm cuối của ANNONA). Người Thái gọi trái na là NOINA (âm trại của NONA).

Các giáo sĩ Tây Ban Nha dòng Dominican truyền giảng đạo Thiên Chúa ở miền Bắc nước ta. Trái na được du nhập vào miền Bắc nên tên gọi của nó là âm cuối của tên gọi ANNONA của người Tây Ban Nha.

Các giáo sĩ Bồ Đào Nha thuộc dòng Franciscan hay Jesuit truyền giảng đạo ở phía nam vĩ tuyển 18. Người Bồ Đào Nha gọi trái na là ANNON như cách gọi của người Taino. Như vậy trái na đến miền Bắc trước khi đến miền Nam, nơi dân chúng ở miền Nam gọi trái Na là trái Mãng Cầu Ta, tức mãng cầu ngọt (sweet sop) đối lại với trái mãng cầu Xiêm chua (sour sop). Trên thực tế mãng cầu Xiêm cũng được người Tây Ban Nha du nhập vào thuộc địa của họ ở Đông Nam Á từ Mỹ Châu. Giống trái cây này được du nhập vào Nam Bộ từ Xiêm nên người Việt Nam ngỡ rằng xuất xứ của nó là nước Xiêm, tức Thái Lan bây giờ.

Mãng cầu Xiêm (Ảnh: internet)

Tên khoa học của mãng cầu Xiêm là Annona muricata, gia đình Annonaceae.

Cây Bồ Đề

(Ảnh: co.pinterest.com)

Nói đến cây bồ đề chúng ta liên tưởng ngay đến Ấn Giáo và Phật Giáo. Tên gọi BỒ ĐỀ âm từ chữ BODHI mà ra. Người Ấn Độ gọi cây Bồ Đề là CÂY GIÁC NGỘ.

Tên khoa học của cây bồ đề là Ficus religiosa, gia đình Moraceae. Tên gọi thông thường:

Quốc gia Tên gọi
Ấn Độ Mahabodhi
Sanskrit (Phạn) Bodhivriksa
Việt Nam Cây Bồ Đề
Sri Lanka Bo tree, Bodhi tree
Miến Điện Bodhi
Thái Lan Bodhi
Anh & Mỹ Bo tree, Bodhi tree
Pháp Arbre de bodhi

Trái Cà Na

 Trái cà na trắng và đen (Ảnh: internet)

Chữ CÀ NA là hai chữ đầu của tên khoa học La Tinh của cây cà na: Canarium album (cà na trắng tức cảm lãm theo cách gọi của người Trung Hoa) và Canarium nigrum (cà na đen). Người miền nam Việt Nam gọi là Cây Trám nhưng trái Cà Na.

Tên khoa học Canarium album (cà na trắng – cảm lãm) hay Canarium nigrum (cà na đen), gia đình Burseraceae.

Tên gọi thông thường:

Quốc gia Tên gọi
Việt Nam Cà na, Trám
Trung Hoa Galan (Cảm lãm)
Anh & Mỹ Chinese olive (Ô-liu Trung Hoa)
Pháp Olivier chinois (Cây ô-liu Trung Hoa)

Trung Hoa có nhiều cà na trắng (Canarium album).
Bắc Bộ Việt Nam có nhiều cà na đen (Canarium nigrum).

Trái Sơ-Ri Gò Công

(Ảnh: internet)

Chữ Sơ-ri âm từ tiếng Pháp Cerise (Anh: cherry). Tựa đề Trái sơ-ri Gò Công vì nó được trồng trước tiên ở Gò Công sau khi tiếp xúc với người Pháp. Trong Thế Giới Thảo Mộc Tự Điển chúng tôi cho trái sơ-ri Gò Công vào Cây Sơ-ri Barbados, tên một hải đảo trong biển Caribbean (Tây Ấn).

Tên khoa học của cây sơ-ri Gò Công là Malpighia glabra, gia đình Malpighiaceae. Trái sơ-ri nầy chua, màu đỏ, có nhiều sinh tố C (ascorbic acid – C6H8O6) và sinh tố A C20H30O có nhiều retinoic acid C20H28O2.

Trái Ô-Liu

(Ảnh: vdberk.nl)

Chữ Ô-liu được âm từ tiếng Pháp OLIVE. Cây ô-liu gốc ở vùng Địa Trung Hải.

Tên khoa học của ô-liu là Olea europaea, gia đình Oleaceae. Tên gọi thông thường:

Quốc gia Tên gọi
Pháp Olive (trái), Olivier (cây)
Anh & Mỹ Olive
Nhật Bản Oriibu
Trung Hoa Ganlan (cảm lãm như đã gọi trái cà na)

Trái Su

(Ảnh: Shutterstock.com)

Trái su gốc ở Mỹ Châu được người Tây Ban Nha đưa về trồng ở Âu Châu. Ở Pháp người ta gọi là Chou Chou. Khi tiếp xúc với người Pháp, người Việt Nam gọi là trái SU (âm từ Chouchou).

Tên khoa học của trái Su là Sechium edule, gia đình Cucurbitaceae. Tên gọi thông thường:

Quốc gia Tên gọi
Tây Ban Nha Chayote (gọi theo người bản địa ở Mỹ Châu)
Brazil Chuchu
Pháp Chou chou
Anh Chayote
Ấn Độ Chow chow
Nhật Bản Hayatouri
Trung Hoa Fo shu gua (Phật thủ qua)  (qua: melon)

Su Hào

(Ảnh: internet)

Su hào là cải có củ tròn như cái chén. Đó là tên gọi âm từ chou-rave của tiếng Pháp.

Tên khoa học của cây su hào là Brassica oleracea, gia đình Brassicaceae. Tên gọi thông thường là:

Quốc gia Tên gọi
Pháp Chou-rave
Anh Turnip cabbage
Việt Nam Su hào
Trung Hoa Juan xin cai

Cà Tô-Mát

(Ảnh: botanic.cam.ac.uk)

Chữ Tô-Mát âm từ chữ Tomate của tiếng Pháp mà ra. Khi ăn thấy có vị chua nên gọi là cà chua.

Tên khoa học của cà tô-mát là Solanum lycopersicum, gia đình Solanaceae.

Quốc gia Tên gọi
Pháp Tomate
Anh Tomato
Tây Ban Nha Tomate
Mexico Jitomate
Trung Hoa Xi hong shi

Cải Xà-Lách

Chữ Xà-lách âm từ chữ Salade của Pháp.

Tên khoa học của cải xà-lách là Lactuca longifolia (cải lettuce lá dài), gia đình Asteraceae của hoa cúc.

Pháp gọi là Laitue, Anh: Lettuce, Tây Ban Nha: Lechuga.

Cải Xà-Lách-Son

(Ảnh: amazon.com)

Xà-lách-son âm từ chữ Cresson của tiếng Pháp.

Tên khoa học của xà-lách-son là Nasturstium microphyllum (lá nhỏ), gia đình Brassicaceae. Tên gọi thông thường là:

Quốc gia Tên gọi
Pháp Cresson
Anh Watercress
Tây Ban Nha Berro
Trung Hoa Xi yang cai (Tây Dương cải)

Củ cải Cà-Rốt

(Ảnh: internet)

Chữ Cà-rốt được âm từ tiếng Pháp Carotte.

Tên khoa học của củ cải cà-rốt là Daucus carota sativus, gia đình Apiaceae. Tên gọi thông thường là:

Quốc gia Tên gọi
Pháp Carotte
Anh Bird’s nest (vì hoa kết tủa như ổ chim), Carrot
Tây Ban Nha Zanahoria
Brazil Cenoura (tiếng Bồ Đào Nha ở Brazil)
Trung Hoa Hu Luo Bo

Hoa Ọt-Tăng-Si-A

(Ảnh: vanklaverenplant.nl)

Ọt-tăng-si-a là chữ dịch âm từ chữ Hortensia, tên gọi Pháp ngữ gốc La Tinh của một loại hoa tú cầu.

Tên khoa học của hoa Hortensia (1) là Hortensia macrophylla (lá to), gia đình Hydrangeaceae (gia đình hoa tú cầu).

Hoa Hortensia to như cái chén, được cấu tạo bởi nhiều tai hoa nhỏ. Hoa có nhiều màu sắc khác nhau: xanh, đỏ, hồng, tím, trắng. Hoa Hortensia gốc ở Nhật và được tìm thấy nhiều ở Triều Tiên, Trung Hoa và các quốc gia miền ôn đới. Tên gọi thông thường:

Quốc gia Tên gọi
Nhật Bản Ajisai
Trung Hoa Ziyang (Hoa Tử Dương)
Pháp Hortensia
Anh & Mỹ Hydrangea
Tây Ban Nha Hydrangea

(1) Theo tiếng La Tinh Hortensia là vườn hoa. Cũng có người cho rằng loài hoa tú cầu này được đặt theo tên của bà Hortense Eugénie Cécile de Beauharnais (1783-1837), con gái của tướng Beauharnais và bà Joséphine. Tướng Beauharnais bị Robespierre xử tử vì thua trận. Năm 1796 bà Joséphine tái giá với tướng Napoléon Bonaparte. Năm 1804 bà là hoàng hậu của hoàng đế Napoléon I. Theo đề nghị của bà Joséphine, Hortense Eugénie trở thành vợ của Louis Bonaparte, em của hoàng đế Napoléon I và là vua Hòa Lan. Hoàng đế Napoléon III sau này là con của bà Hortense với Louis Bonaparte. Bà Hortense chỉ sống với Louis Bonaparte từ năm 1802 đến 1810. Mẹ bà, bà Joséphine, chung sống với Napoléon Bonaparte từ năm 1796 đến 1810. Bà là hoàng hậu từ năm 1804 đến 1810. Hoàng đế Napoléon I ly dị bà và cưới công chúa nước Áo là Marie Louise. Đế chế Napoléon sụp đổ hoàn toàn vào năm 1815 sau khi Pháp thua trận Waterloo. Napoléon I bị đày sang đảo St Hélène và mất ở đó năm 1821. 

Hoa Lay-Ơn

(Ảnh: strangewongerfulthings.com)

Tên gọi hoa Lay-ơn âm từ tiếng Pháp Glaïeul, một loại hoa gốc ở Nam Phi.

Tên khoa học của hoa Lay-ơn là Gladiolus Cardinalis, gia đình IridaceaeGladiolus vì hoa dài như cây kiếm; Cardinalis: hoa màu đỏ như màu áo của các Hồng Y (Cardinals).

Theo tiếng La Tinh GLADIUS là cây kiếm. Vì vậy người Anh gọi hoa Lay-ơn là Sword lily (Huệ kiếm), Waterfall gladiola (Huệ kiếm thác nước), Gladiolus (cây kiếm – huệ kiếm).

Người Pháp gọi là Glaïeul.
Người Tây Ban Nha gọi là Gladiolo.

Hoa Băng-Sê

(Ảnh: amazon.co.uk)

Băng-sê âm từ chữ Pensée của Pháp (Pensée: tư tưởng). Người Việt Nam gọi là Hoa Bướm hay Họ Băng-sê.

Tên khoa học của hoa Pensée (Hoa Bướm) là Viola tricolor hortensis, gia đình Violaceae (Viola: màu tím, Tricolor: ba màu, hortensis: hoa tú cầu). Tên gọi thông thường:

Quốc gia Tên gọi
Pháp Pensée
Anh Pansy, heartsease
Tây Ban Nha Pensamiento
Nhật Panji
Trung Hoa Tong xing lian nan zi
Việt Nam hoa Bướm, hoa Băng-sê

Hoa Ti-Gôn

(Ảnh: entroposene.it)

Hoa Ti-gôn là một loại hoa nhỏ hình trái tim màu đỏ.  Chữ Ti-gôn là âm của hai âm cuối của chữ ANTIGONE (1) của tiếng Pháp.

Tên khoa học của hoa Ti-gôn hay hoa Hiếu Nữ là Antigonon leptopus, gia đình Polygonaceae. Tên gọi thông thường:

Quốc gia Tên gọi
Pháp Liane antigone (dây hiếu nữ, dây ti-gôn)
Anh & Mỹ Chain of love (Chuỗi tình yêu); Mountain rose, Bee bush (vì loài ong thường đến giàn hoa Ti-gôn để hút mật),
Hearts on a chain.
Tây Ban Nha Rosa de montana (Hồng hoa sơn)

(1) Antigone là tên một thiếu nữ trong huyền thoại Hy Lạp được Sophocles (497 tr. TL – 406 tr.TL) viết thành kịch. Nàng là con gái của Oedipus và Jocasta.  Antigone bị tuyên án tử hình vì lén chôn cất em trai là Polyneices vì vua Creon ra lịnh cấm không cho chôn Polyneices do phạm tội bội phản. Antigone bị nhốt trong hang đá.  Cô thắt cổ tự tử. Antigone là thiếu nữ anh hùng bảo vệ luật bất thành văn và giá trị giáo dục gia đình chống lại sự bất công, phi lý và khắc nghiệt của luật pháp triều đình: cấm không cho chôn người chết vì phạm tội phản bội.

Cây Cao-Su

(Ảnh: horizon-custom-homes.com)

Cây cao su mọc thành rừng dọc theo thung lũng sông Amazon trên lãnh thổ Brazil. Người bản xứ gọi cây cao su là Cahuchu, nghĩa là cây khóc. Tên gọi Caoutchouc của người Pháp xuất phát từ chữ cahuchu mà ra. Tên gọi cao su của người Việt Nam là tên dịch âm từ chữ caoutchouc của người Pháp.

Tên khoa học của cây cao su là Hevea brasiliensis, gia đình Euphorbiaceae. Tên gọi thông thường:

Quốc gia Tên gọi
Bồ Đào Nha Seringueira
Tây Ban Nha Arbol de coma
Anh & Mỹ Rubber tree
Pháp Arbre à caoutchouc

Cây Cà-Phê

Cây cà-phê Coffea arabica (Ảnh: etsy.com)

Sinh quán của cây cà-phê là Kaffa, xứ Ethiopia, Phi Châu. Chữ Café của Pháp hay Coffee của Anh đều phảng phất tên của tỉnh KAFFA ở Ethiopia, Phi Châu.

Coffea là tên La Tinh của dòng họ cà-phê. Chúng ta có nhiều loại cà-phê với nhiều tên khoa học khác nhau. Thí dụ: Coffea arabica, Coffea liberica, Coffea robusta, Coffea canephora v.v. Tất cả đều thuộc gia đình Rubiaceae.

Tên gọi thông thường của cây cà phê:

Quốc gia Tên gọi
Pháp Cafeier
Anh & Mỹ Coffee plant, Coffee tree
Tây Ban Nha Planta del café
Bồ Đào Nha Pê de café

Cây Măng Cụt

(Ảnh: internet)

Indonesia là sinh quán của cây măng cụt. Từ đó cây măng cụt được đưa vào Mã Lai, Xiêm La (Thái Lan). Từ tu viện Thiên Chúa Giáo trên đảo Penang, Mã Lai, cây măng cụt được đưa vào Nam Bộ vào thế kỷ XIX.

Tên khoa học của măng cụt là Garcinia mangostana, gia đình Guttiferae. Tên gọi thông thường:

Quốc gia Tên gọi
Indonesia Manggis
Mã Lai Manggishutan
Hòa Lan Mangosteen
Miến Điện Mangu
Anh Mangosteen
Pháp Mangoustan
Thái Lan Mangkut
Lào Mangkut
Khmer Mongkut

Người Indonesia gọi măng cụt là MANGGIS. Người Mã Lai gọi măng cụt là MANGGISHUTAN (Rừng Cây Manggis). Manggis là trái có vỏ màu đỏ-tím sẫm, cơm có vị ngọt-chua.

Tên gọi MĂNG CỤT của Việt Nam giống cách gọi MANGKUT của người Thái và Lào. Hầu hết tên gọi của các nước về măng cụt đều có gốc chữ MĂNG, âm đầu của chữ MANGGIS của Indonesia và Mã Lai.

Việt Nam bắt chước Xiêm La (Thái Lan) hay Xiêm La bắt chước Việt Nam về tên gọi MĂNG CỤT?

Để trả lời câu hỏi này chúng ta chỉ cần đặt câu hỏi khác thì có ánh sáng cho câu trả lời:

  1. Về phương diện địa lý Mã Lai gần Xiêm La hay gần Việt Nam?
  2. Cây măng cụt được trồng ở nước nào trước? Việt Nam? Xiêm La?

Hai câu hỏi phụ này cho chúng ta câu trả lời chính xác 100%.

Phạm Ɖình Lân, F.A.B.I.

Nguồn: https://caidinh.com

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*