Tỷ Phú Forbes: Taylor Swift Gia Nhập; Tỷ Phú Việt Nam Gồm Những Ai?

Từ trái qua: tỷ phú Phạm Nhật Vượng (giàu nhất Việt Nam), tỷ phú Prajogo Pangestu (giàu nhất Indonesia), ca sĩ Taylor Swift, tỷ phú Elon Musk, tỷ phú Francoise Bettencourt-Meyers (người phụ nữ giàu nhất thế giới), tỷ phú Bernard Arnault (giàu nhất thế giới). (Nguồn hình ảnh: Getty Images)

Ca sĩ Taylor Swift đã gia nhập nhóm những người giàu nhất thế giới, nhóm có các tỷ phú như Elon Musk, Bill Gates, Mark Zuckerberg. Việt Nam có sáu tỷ phú.

Nữ ca sĩ người Mỹ đã lần đầu tiên xuất hiện trong Danh sách Tỷ phú Thế giới mới nhất của Forbes với gia tài 1,1 tỷ USD.

Cùng gia nhập đợt này có Sam Altman, nhà sáng lập chương trình máy tính ứng dụng trí thông minh nhân tạo ChatGPT với tài sản 1 tỷ USD.

Thành viên mới Taylor Swift

Bernard Arnault, chủ tịch tập đoàn hàng xa xỉ Pháp LVMH và gia đình, dẫn đầu bảng xếp hạng với gia sản ước tính 233 tỷ USD.

Forbes cho biết năm 2024 có 2.781 tỷ phú, một con số kỷ lục.

Con số này cao hơn 141 người so với năm ngoái và cao hơn 26 người so với kỷ lục trước đó được thiết lập vào năm 2021.

Forbes cũng cho biết nhóm người tinh hoa này đang giàu có hơn bao giờ hết – với tổng tài sản 14.200 tỷ USD.

Ca sĩ-nhạc sĩ Taylor Swift đã bước vào danh sách tỷ phú sau khi xác lập được vị thế siêu sao.

Cô đã thống trị Lễ trao giải Grammy năm nay, trở thành nghệ sĩ đầu tiên giành giải thưởng cho album của năm tới bốn lần.

Album mang tên 1989 (Taylor’s Version, Phiên bản của Taylor) cũng là album đĩa than bán chạy nhất của năm ngoái.

Thành công của Swift không chỉ giới hạn trong thế giới âm nhạc.

Sự hiện diện của cô tại các trận đấu bóng đá kiểu Mỹ để xem bạn trai của mình, Travis Kelce, đã được ghi nhận là một trong những yếu tố nâng cao chỉ số xem giải NFL.

Ca sĩ Taylor Swift đã gia nhập câu lạc bộ tỷ phú Forbes sau một năm thành công vang dội về danh hiệu và thương mạiCa sĩ Taylor Swift đã gia nhập câu lạc bộ tỷ phú Forbes sau một năm thành công vang dội về danh hiệu và thương mại. (Nguồn hình ảnh: Getty Images)

Trong nhóm 10 người giàu nhất hành tinh, tám người đến từ Mỹ – trong đó có sáu người làm giàu từ các ngành công nghệ.

Tiếp sau Arnault và gia đình là Elon Musk, chủ sở hữu của Tesla và X (trước đây là Twitter), người xếp thứ nhì với giá trị tài sản ròng ước tính 195 tỷ USD.

Jeff Bezos, ông chủ Amazon, xếp thứ ba.

Tài sản của tỷ phú Musk tăng 8% so với năm ngoái nhưng giảm so với giá trị tài sản của ông vào tháng 11 năm 2021, thời điểm ông trở thành người đầu tiên trên thế giới đạt giá trị tài sản 300 tỷ USD.

Người phụ nữ giàu nhất thế giới là Francoise Bettencourt-Meyers, chủ hãng mỹ phẩm lớn nhất thế giới L’Oréal. Trên danh sách tỷ phú, Francoise Bettencourt-Meyers và gia đình sở hữu 99,5 tỷ USD, xếp thứ 15 trên tổng thể.

Gia nhập danh sách tỷ phú của Forbes còn có huyền thoại bóng rổ Magic Johnson với tài sản 1,2 tỷ USD và nhà sản xuất truyền hình Dick Wolf, người đứng sau các loạt phim truyền hình Mỹ “Law and Order” “Chicago PD”, cũng với số tài sản 1,2 tỷ USD.

Chase Peterson-Withorn, biên tập viên cấp cao phụ trách mảng tài sản của tạp chí Forbes, cho biết năm nay là một “năm tuyệt vời” đối với những người giàu nhất thế giới.

“Đã có 14 tỷ phú trăm tỷ đạt được tài sản có 12 chữ số. Ngay trong giai đoạn bất ổn tài chính đối với nhiều người thì những người siêu giàu vẫn tiếp tục giàu lên,” ông nói thêm.

Forbes cho biết nhóm tỷ phú này (nhóm sở hữu từ 100 tỷ USD trở lên) của năm 2024 giàu hơn 255% so với cách đây một thập kỷ, hiện giờ có tổng tài sản là là 2.000 tỷ USD. Nhóm này chỉ chiếm 0,5% trong số 2.781 tỷ phú trên thế giới nhưng nắm giữ 14% tổng tài sản của tất cả tỷ phú.

Về mặt địa lý, Mỹ vẫn có nhiều tỷ phú hơn bất kỳ quốc gia nào khác, với con số kỷ lục là 813 trên danh sách. Trung Quốc vẫn giữ vị trí thứ hai, tiếp theo là Ấn Độ.

Ở Vương quốc Anh, nhà quản lý quỹ đầu tư Michael Platt là người giàu nhất, tiếp theo là Sir Jim Ratcliffe, một trong các chủ sở hữu của Manchester United, và nhà phát minh Sir James Dyson.

Việt Nam có sáu tỷ phú

Việt Nam có sáu người góp mặt trong Danh sách Tỷ phú Thế giới 2024 của Forbes.

Xếp thứ hạng cao nhất vẫn là ông Phạm Nhật VượngChủ tịch Hội đồng quản trị Vingroup và CEO của VinFast. Với gia tài 4,4 tỷ USD, ông Vượng xếp thứ 712 thế giới.

Tiếp theo, ở vị trí 1.187 là bà Nguyễn Thị Phương ThảoChủ tịch Hội đồng quản trị Vietjet, với 2,8 tỷ USD.

Ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát, đứng thứ 1.286 với 2,6 tỷ USD.

Ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Techcombank, xếp thứ 1.851 với 1,7 tỷ USD.

Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Masan Group, xếp tiếp theo ở vị trí 2.410 với 1,2 tỷ USD.

Ông Trần Bá Dương (Trường Hải Auto) và gia đình sở hữu 1,2 tỷ USD, xếp thứ 2.410 thế giới.

Ông Phạm Nhật Vượng vẫn là người giàu nhất Việt NamÔng Phạm Nhật Vượng vẫn là người giàu nhất Việt Nam. (Nguồn hình ảnh: Getty Images)

Danh sách tỷ phú của Forbes có nhiều khác biệt so với Danh sách Tỷ phú Hurun (Hồ Nhuận) được công bố cách đây ít ngày

Theo danh sách của Hurun, thứ hạng các tỷ phú Việt Nam như sau:

  • Phạm Nhật Vượng xếp hạng 678 với 4,8 tỷ USD;
  • Hồ Hùng Anh xếp thứ 1.787 với 2 tỷ USD;
  • Trần Đình Long xếp thứ 1.855 với 1,9 tỷ USD;
  • Nguyễn Thị Phương Thảo xếp thứ 2.038 với 1,7 tỷ USD;
  • Trần Bá Dương xếp thứ 2.573 với 1,3 tỷ USD.

Ông Nguyễn Đăng Quang không có trong danh sách của Hurun.

Ai giàu nhất Đông Nam Á?

Ở trong khu vực Đông Nam Á, tỷ phú Việt Nam lép vế hoàn toàn so với Indonesia, Singapore, Malaysia, Thái Lan và Philippines, xét cả về độ giàu có lẫn tổng số tỷ phú.

Indonesia có 35 tỷ phú

Người giàu nhất Indonesia và Đông Nam Á là ông Prajogo Pangestu, một doanh nhân ngành hóa dầu, năng lượng có gốc gác Quảng Đông (Trung Quốc). Ông này sở hữu 43,4 tỷ USD, xếp thứ 27 thế giới.

Philippines có 16 tỷ phú

Giàu nhất Philippines là trùm bất động sản Manuel Villar, cựu Chủ tịch Thượng viện Philippines, sở hữu 11 tỷ USD, xếp thứ 190 thế giới.

Singapore có 39 tỷ phú

Giàu nhất Singapore là ông Li Xiting (Lý Tây Đình), một doanh nhân sinh tại Trung Quốc và là nhà sáng lập kiêm chủ tịch Mindray, công ty thiết bị y tế lớn nhất Trung Quốc. Ông này sở hữu 15,1 tỷ USD, xếp thứ 126 thế giới.

Tỷ phú Dhanin Chearavanont là người giàu nhất Thái LanTỷ phú Dhanin Chearavanont là người giàu nhất Thái Lan. (Nguồn hình ảnh: Getty Images)

Thái Lan có 26 đại diện góp mặt

Tỷ phú gốc Hoa Dhanin Chearavanont là người giàu nhất Thái Lan với gia tài 12,5 tỷ USD, xếp thứ 159 thế giới. Ông này là chủ tịch cấp cao của C.P. Group.

Malaysia có 17 tỷ phú

Giàu nhất Malaysia là một người gốc Hoa khác, tỷ phú Robert Kuok (Quách Hạo Niên), nay đã 100 tuổi. Họ Quách hoạt động trong nhiều lĩnh vực, từ mía đường tới bao bì, khách sạn, nhưng nay tập trung chủ yếu các lĩnh vực dầu cọ, tàu biển và bất động sản. Ông có gia tài 11,4 tỷ USD, xếp thứ 176 thế giới.

Các nước còn lại trong khu vực Đông Nam Á không có đại diện góp mặt, có thể do chưa có tỷ phú hoặc Forbes không thống kê.

Giàu nhất châu Á là Mukesh Ambani người Ấn Độ, với 116 tỷ USD, xếp thứ 9 thế giới. Ambani là ông chủ của Reliance Industries, hoạt động trong nhiều lĩnh vực như hóa dầu, dầu khí, viễn thông, bán lẻ và dịch vụ tài chính.

Từ trái qua: tỷ phú Mukesh Ambani, cùng con gái Isha Ambani và vợ Nita AmbaniTừ trái qua: tỷ phú Mukesh Ambani, cùng con gái Isha Ambani và vợ Nita Ambani. (Nguồn hình ảnh: Getty Images)

Những người hẩm hiu

Bên cạnh những người phất lên, cũng có không ít người đã trải qua một năm sa sút, bị rơi khỏi danh sách của Forbes.

Forbes cho biết có 189 người đã rơi khỏi danh sách, bao gồm 129 người từ Trung Quốc đại lục, nơi tiêu dùng yếu và sự sụp đổ của thị trường bất động sản đã xóa sạch hàng tỷ đô la khỏi các danh mục đầu tư.

Có 32 tỷ phú qua đời, bao gồm nhà tài phiệt Ai Cập Mohamed Al-Fayed, cựu Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi, cựu Tổng thống Chile Sebastián Piñera và ca sĩ Jimmy Buffett.

Đáng chú ý, David Tran và gia đình, chủ nhân của Huy Fong Foods với sản phẩm tương ớt Sriracha nổi tiếng, cũng rơi khỏi danh sách này. Doanh nhân sinh tại Sóc Trăng (Việt Nam) và thành công tại Mỹ này có gia tài 1 tỷ USD cách đây một năm.

Byju Raveendran từng có tài sản 2,1 tỷ USD vào năm ngoái nhưng giờ Forbes ghi chú tài sản ròng của ông bằng 0Byju Raveendran từng có tài sản 2,1 tỷ USD vào năm ngoái nhưng giờ Forbes ghi chú tài sản ròng của ông bằng 0. (Nguồn hình ảnh: Getty Images)

Một gương mặt đáng chú ý nữa là Hui Ka Yan (Hứa Gia Ấn), Chủ tịch và Bí thư đảng ủy Tập đoàn Evergrande (Trung Quốc). Giữa lúc tập đoàn bất động sản lớn nhất Trung Quốc này chìm trong nợ nần, họ Hứa cũng rơi khỏi danh sách tỷ phú, dù trước đó từng có tài sản 36,2 tỷ USD vào năm 2019 và giảm xuống còn 3 tỷ USD vào năm 2023.

Doanh nhân ngành đồng và dây cáp điện Wang Wenyin (Vương Văn Ngân) từng có 19 tỷ USD vào năm ngoái nhưng nay cũng rời danh sách sau khi một tòa án tại Trung Quốc phong tỏa cổ phần của ông trong công ty Amer International Group.

Trường hợp gây sửng sốt nhất có lẽ là doanh nhân người Ấn Độ Byju Raveendran, người đứng đằng sau ứng dụng dạy học Byju’s. Ông này có 2,1 tỷ USD vào năm ngoái nhưng năm nay Forbes ghi chú tài sản ròng của ông này bằng 0.

Theo https://www.bbc.com ngày 2/4/2024

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*