Ảnh bìa sách “Ngo Dinh Diem – Une tragédie vietnamienne”. Nguồn ảnh: Amazon. (Đồ họa: Tùy Phong / Luật Khoa)
Với cuốn “Ngo Dinh Diem – Une tragédie vietnamienne” (tạm dịch là “Ngô Đình Diệm – Một bi kịch Việt Nam”), xuất bản năm 2018, luật gia Paul Rignac phản bác nhiều điều quan điểm ở Pháp về chiến tranh Đông Dương nói chung và ông Ngô Đình Diệm nói riêng. Paul Rignac cho rằng Pháp có quá nhiều thông tin không đúng về Ngô Đình Diệm. Tác giả viết: “Chúng tôi không bao che cho những sai lầm mà ông Ngô Đình Diệm đã phạm phải […] Chúng tôi muốn đánh giá ông một cách công bằng”.
Phần một của cuốn sách nói về xuất thân và quá trình bước vào con đường chính trị của ông Ngô Đình Diệm. Phần hai kể về thời điểm ông lên nắm quyền cùng các chính sách của ông. Đan xen các nội dung, Paul Rignac cũng lồng ghép các câu chuyện kể về bà Trần Lệ Xuân (vợ của Ngô Đình Nhu, tức em trai Ngô Đình Diệm), cuộc khủng hoảng Phật giáo ở miền Nam, sự suy thoái của chế độ và việc hai anh em nhà tổng thống bị ám sát.
Với nội dung lôi cuốn, ngôn ngữ dễ hiểu, quyển sách làm nổi bật lên hình ảnh của vị tổng thống quá cố và những ước mong về đất nước mà ông muốn xây dựng.
Tinh thần dân tộc dưới trướng Pháp
Thời Pháp thuộc, người Việt làm quan luôn cảm thấy bị xúc phạm danh dự, dù hưởng lợi từ nền bảo hộ của Pháp hay thân thiết với người Pháp đến cỡ nào. Điều này một phần vì tinh thần dân tộc, chủ quyền, phần khác vì thực dân luôn tỏ ra kiêu ngạo với lợi thế quân sự và công nghệ của mình.
Nhưng thời này làm quan không phải nhờ “cha truyền con nối” mà đều phải dựa vào khoa cử, có thực lực, tài năng. Đa số trí thức Việt lúc này nêu cao tinh thần dân tộc quyết liệt đến mức “không có chỗ cho chủ nghĩa cá nhân”. Với họ, yêu nước thể hiện ở sự học tập không ngừng nghỉ ở nhiều lĩnh vực vì mục đích cứu nước.
Trong số đó có Ngô Đình Diệm.
Ông được sinh ra trong một gia đình làm quan và theo đạo Công giáo lâu đời. Gia đình ông đều thành thạo tiếng Pháp và hiểu biết về chữ Hán và chữ Nôm.
Nhưng vừa làm quan, vừa theo đạo Công giáo là hiếm có và không dễ dàng trong xã hội bấy giờ. Thế nên, dòng họ Ngô Đình lúc nào cũng cố gắng giữ địa vị xã hội và truyền thống tôn giáo của mình. Như cha Ngô Đình Diệm là ông Ngô Đình Khả đã từ bỏ mọi bổng lộc để chống lại thực dân Pháp nhằm tỏ lòng trung thành với vua Thành Thái.
Địa vị xã hội, tài năng xuất chúng không phải là lý do chính để Paul Rignac cho rằng hiếm có ai xứng đáng hơn Ngô Đình Diệm để trở thành lãnh đạo miền Nam ở thời điểm đó.
Paul Rignac viết: “Cuộc nội chiến, chia cắt với miền Bắc; sự phân tán của các phong trào dân tộc; các cuộc lưu vong của phe đối lập là những lý do thực tế hơn nhiều để giải thích bối cảnh thiếu vắng một người lãnh đạo”.
Chưa kể, lúc Ngô Đình Diệm nhậm chức, chính trị trong và ngoài nước đầy biến loạn. Ngoài nước, thế giới bước vào giai đoạn Chiến tranh Lạnh, các cuộc đấu tranh chống cộng, cuộc phi thực dân hoá ở Đông Dương nổ ra. Còn trong nước bùng lên mâu thuẫn nội bộ Nam – Bắc, phe cộng sản và phe chống cộng sản hay giữa các nhóm chính trị tôn giáo và mafia.
Paul Rignac cũng dành nhiều trang để phân tích thái độ chống Pháp của Ngô Đình Diệm trong những chính sách quân đội. Ông muốn loại bỏ ảnh hưởng của Pháp khi “Việt Nam hóa” quân đội Việt Nam Cộng hòa bằng cách yêu cầu Pháp chuyển giao mọi công tác của Quân đội Quốc gia Việt Nam vốn khi đó còn phụ thuộc vào bộ chỉ huy của Pháp. Ông chủ trương đưa lính Pháp về nước một cách quyết liệt.
Nhưng tinh thần dân tộc trong con người ông cũng dẫn đến nhiều chủ trương kháng Pháp thái quá.
Điển hình là việc ông ra lệnh đốt cháy biểu tượng và huy chương Pháp; buộc binh lính Việt Nam phải thay đổi quân phục mới và đốt quân phục Pháp. Những chính sách này làm giảm uy tín của ông và gây tâm lý bất an cho binh lính Việt Nam, bởi họ được người Pháp đào tạo, coi nhiều lính Pháp là đồng đội trong suốt một thời gian dài.
Chưa kể, Ngô Đình Diệm còn đuổi những người Pháp có công với triều Nguyễn về nước, bất đồng với Thượng thư Bộ Lại Phạm Quỳnh vì chủ trương sẵn sàng hòa giải với Pháp, gây hiềm khích với Nguyễn Văn Hinh vì vị tướng này trung thành với Pháp.
Những hành động bài Pháp này của Ngô Đình Diệm, theo Paul Rignac, đã khiến cho sự chia rẽ trong nội bộ người Việt lúc bấy giờ sâu sắc hơn.
Nhưng có phải ông Ngô Đình Diệm là một nhà độc tài, độc ác, còn ông Hồ Chí Minh mới là lãnh đạo đức độ, đại lượng như đại đa số tài liệu Pháp khi đó mô tả không?
Paul Rignac nói không. Ông cho rằng hậu thế phải đánh giá khách quan hơn những chủ trương xóa sổ ảnh hưởng Pháp của Ngô Đình Diệm, nhất là thông qua so sánh hai miền Bắc, Nam.
Tại miền Nam, vẫn có hơn 10.000 người Pháp ở lại và phát triển sự nghiệp thành đạt. Ảnh hưởng của văn hóa Pháp, những ngôi trường nói tiếng Pháp không ngừng gia tăng ở vùng đất này. Trong khi đó, ở miền Bắc, những gì thuộc về giá trị Pháp bị chủ nghĩa Mác – Lênin thay thế hoàn toàn.
Rõ ràng, miền Nam Việt nam vẫn đối xử thân thiện với người Pháp và văn hóa Pháp hơn miền Bắc.
Mơ ước về một nhà nước vận hành tử tế
Ngay cả những người thân tín và trung thành cũng hoài nghi con đường chính trị đỉnh cao của ông Ngô Đình Diệm. Nhưng sự thành công ở thời kỳ đầu của Ngô Đình Diệm là đáng ghi nhận, và tất nhiên nó nhờ nhiều yếu tố.
Một mặt, ông Diệm có lòng quyết tâm sắt đá và đà chuẩn bị dài hơi. Mặt khác, sự nghiệp chính trị của ông còn nhờ công tác truyền thông xuất sắc, khả năng vận động ngoại giao quốc tế của các em trai Ngô Đình Cẩn, Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Luyện và sự hỗ trợ tài chính, quân sự nhanh chóng từ Mỹ.
Cuộc trưng cầu dân ý tháng 10/1955 diễn ra chóng vánh vào thời điểm Quốc trưởng Bảo Đại lưu vong ở Pháp, đã chính thức trao cho ông Diệm quyền tổng thống. Hai tháng sau đó, miền Nam Việt Nam chính thức rút khỏi Liên hiệp Pháp. Năm 1956, lực lượng quân đội cuối cùng của Pháp rút hoàn toàn khỏi miền Nam.
Ngô Đình Diệm chống Pháp cật lực, nhưng lại không đoái hoài đến sự can thiệp chính trị sâu sắc của Mỹ.
Paul Rignac dẫn chứng, trong khi ở miền Bắc dù đôi khi hai phe thân Liên Xô và phe thân Trung Quốc có mâu thuẫn nhau, nhưng nhìn chung mối quan hệ của miền Bắc và khối xã hội chủ nghĩa lại gắn bó hơn nhiều so với mối quan hệ phụ thuộc của Ngô Đình Diệm vào phương Tây, cụ thể là Mỹ.
Anh em Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu đã cố gắng tìm ra con đường trung gian giữa chủ nghĩa tập thể kiểu Mác – Lênin và chủ nghĩa tự do hoàn toàn kiểu Mỹ. Họ mơ ước gây dựng một nhà nước vận hành tử tế. Nhưng ước mơ này vẫn còn dang dở.
Toàn bộ cuốn sách mô tả sự đơn độc của cuộc đời Ngô Đình Diệm dù ông đã trưởng thành trong một gia đình đông anh chị em và xung quanh ông có nhiều người sát cánh.
Cuốn sách trích dẫn nhiều ý kiến khác nhau về vị tổng thống, trong đó có cả những người đi theo ông hay phản bội ông. Đặc biệt, cuốn sách sử dụng nhiều tư liệu lưu trữ cá nhân của tác giả, nhiều cuốn hồi ký của người Pháp và người Việt.
Sau tất cả, có thể thấy điểm cốt lõi mà Paul Rignac muốn truyền tải: Ngô Đình Diệm không phải là một chính trị gia hoàn hảo; nhưng vào thời điểm đó, khó có thể tìm kiếm người nào điều hành vận mệnh dân tộc xứng đáng hơn ông.
Ái Thư
Theo Luật Khoa tạp chí ngày 2/4/2024
Nguồn: Cuốn sách đòi lại công bằng cho Ngô Đình Diệm (luatkhoa.com)
Bạn có thể mua quyển “Ngo Dinh Diem – Une tragédie vietnamienne” bản tiếng Pháp tại đây. Luật Khoa được hưởng chiết khấu nếu bạn mua sách từ link của Amazon theo chương trình Amazon Associates
Be the first to comment