Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris (thứ 2 từ trái) tại một cuộc họp song phương với người đồng cấp Việt Nam tại Phủ Chủ tịch ở Hà Nội hôm 25/8/2021. Chuyến thăm của bà Harris đã bị hoãn vài tiếng vì sự cố sức khỏe bất thường được báo cáo ở Hà Nội lúc đó đối với các quan chức Mỹ.
Bằng chứng mới được tiết lộ trên đài CBS cho thấy Nga có thể có liên quan cùng với khả năng Việt Nam đã được cung cấp công nghệ được cho là gây ra thương tích cho các quan chức Mỹ trong vụ tấn công kiểu Hội chứng Havana trước chuyến thăm Hà Nội năm 2021 của Phó Tổng thống Kamala Harris.
Chuyến công du của bà Harris tới Hà Nội ngày 24/8/2021, được xem là lịch sử khi là chuyến thăm đầu tiên của một phó tổng thống Mỹ đương nhiệm tới Việt Nam, đã bị hoãn 3 tiếng do “một sự cố sức khỏe bất thường”, theo thông báo của Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội lúc đó. “Sự cố sức khỏe bất thường” là thuật ngữ mà chính phủ Mỹ thường dùng để mô tả Hội chứng Havana (Havana Syndrome) – được đặt tên như vậy vì nó lần đầu tiên được báo cáo bởi các quan chức Mỹ ở Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Cuba vào năm 2016.
Các tiết lộ trong Chương trình 60 Minutes của Đài truyền hình Mỹ CBS, phát sóng tối ngày 31/3, cho biết có 11 người đã bị tấn công trong các vụ riêng biệt trước khi bà Harris tới Việt Nam, trong đó có hai quan chức của ĐSQ Mỹ ở Hà Nội và 9 người khác thuộc nhóm của Bộ Quốc phòng Mỹ tới thủ đô Việt Nam chuẩn bị cho chuyến thăm của phó tổng thống.
Một số nhân viên của ĐSQ Mỹ bị ảnh hưởng đã được sơ tán ra khỏi Việt Nam sau đó và bà Harris đã tiếp tục chuyến đi tới Việt Nam vì vụ việc “không liên quan gì tới sức khỏe của phó tổng thống” như người phát ngôn của bà lúc đó cho biết.
Các triệu chứng của Hội chứng Havana thường bao gồm buồn nôn, chóng mặt, đau nửa đầu và các vấn đề về thị giác, thính giác có thể kéo dài trong một thời gian. Trong khi các quan chức của Mỹ không thể xác nhận nguyên nhân gây ra hội chứng này thì các chuyên gia được phỏng vấn trong chương trình 60 Minutes nói rằng các sự cố này liên quan đến các cuộc tấn công bằng sóng âm thanh hoặc vi sóng có chủ đích.
Theo CBS, chương trình 60 Minutes đã điều tra những cuộc tấn công này trong hơn 5 năm. Trong chương trình mới nhất được phát sóng hôm 31/3, các nhà sản xuất Micheal Rey và Oriana Zill de Granads đã hợp tác với nhà báo điều tra Christo Grozev, hiện đang phụ trách việc điều tra cho tạp chí The Insider – chuyên vạch trần những tin tức giả mạo trên truyền thông Nga. Ông Grozev nổi tiếng với cuộc điều tra vụ đầu độc cố lãnh đạo đối lập Alexey Navalny.
Trong điều tra của 60 Minutes ở Hà Nội, một nguồn tin cho rằng chính phía Việt Nam đã được cung cấp một loại công nghệ nào đó có thể gây ra vụ tấn công “Hội chứng Havana”. Theo nguồn tin này, phía Việt Nam có thể đã được yêu cầu sử dụng công nghệ này để nghe lén người Mỹ trước chuyến đi của bà Harris – nhưng họ có thể không biết rằng công nghệ này có thể gây hại cho những người mà họ đang sử dụng nó để nghe lén.
Trong nghiên cứu của mình, ông Grozev đã tìm thấy một tài liệu dường như cho thấy lý thuyết này có thể đúng. Theo nhà báo điều tra này cho biết trong 60 Minutes, 5 tháng trước chuyến thăm của bà Harris tới Hà Nội, một email đã được gửi tới Hội đồng An ninh Nga, cơ quan có các quan chức hàng đầu của Moscow, gồm nhưng người đứng đầu các cơ quan quốc phòng và an ninh của Nga.
Ông Grozev cho biết một tài liệu trong email này cho thấy tình báo Nga đã vận động và nhận được sự cho phép của Tổng thống Valadimir Putin để cung cấp công nghệ độc quyền cho các cơ quan an ninh Việt Nam. Trong số danh sách các công nghệ được đề xuất để chia sẻ cho phía Việt Nam có “bộ phát âm thanh LRAD” và “thiết bị sóng ngắn để quét cơ thể con người.”
LRAD, tên viết tắn tiếng Anh của “thiết bị âm thanh tầm xa”, là vũ khí âm thanh cấp quân sự có thể phát ra chùm âm thanh mục tiêu ở âm lượng cực cao. Theo CBS, một thiết bị LRAD đã được sử dụng để ngăn chặn cuộc tấn công của cướp biển vào tàu du lịch vào năm 2005 và kể từ đó, quân đội Mỹ đã sử dụng các thiết bị này để gửi cảnh báo tại hiện trường, chẳng hạn như cảnh báo mọi người tránh xa vành đai căn cứ của quân đội. Nhưng khi để mức âm lượng cao nhất, một số hệ thống LRAD có thể tạo ra mức áp suất âm thanh là 162 decibel trong khi ngưỡng chịu đau của con người là khoảng 130 decibel.
Dựa trên nghiên cứu của mình, nhà báo điều tra Grozev cho biết ông nghi ngờ Nga đang gửi công nghệ vũ khí như thế này, có thể được sử dụng trong các cuộc tấn công kiểu Hội chứng Havana, đến các chính phủ nước ngoài.
“Tôi tin rằng Nga đang hỗ trợ các chính phủ khác thực hiện một số hoạt động mà các chính phủ đó có thể muốn tự làm, và bằng cách này tạo dựng lòng trung thành từ những chính phủ đó đối với các hoạt động trong tương lai mà Nga có thể cần thực hiện trên lãnh thổ của những nước đó,” ông Grozev nói với 60 Minutes.
Trung tá quân đội Mỹ đã nghỉ hưu Greg Edgreen từng tiến hành một cuộc điều tra cho Cơ quan Tình báo Quốc phòng Hoa Kỳ về các sự cố sức khỏe bất thường. Ông nói với 60 Minutes rằng ông cũng tin là người Nga có liên quan đến vụ tấn công năm 2021 ở Việt Nam.
“Họ thấy chúng tôi ngày càng tiến gần đến Cuba và họ muốn ngăn chặn điều đó…,” ông Edgreen nói. “Sau đó, họ tìm cách tiếp tục và làm điều tương tự với Việt Nam, một đồng minh chiến lược lâu dài khác của Nga, bằng cách cản trở chuyến đi Việt Nam của Phó Tổng thống Kamala Harris.”
Việt Nam là đồng minh thân cận của Nga, nước đang cung cấp phần lớn thiết bị quân sự cho quốc gia Đông Nam Á. Việt Nam tiếp tục mối quan hệ thân thiết với Nga trên hầu hết mọi mặt bất chấp Moscow bị chế tài của phương Tây, dẫn đầu là Mỹ, kể từ cuộc chiến của Ukraine cách đây hơn 2 năm. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa mới đưa ra lời mời Tổng thống Putin tới thăm Hà Nội dù tổng thống Nga đang bị Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) phát lệnh bắt giữ.
VOA đã gửi yêu cầu bình luận tới Đại sứ quán Mỹ và Đại sứ quán Nga ở Hà Nội cũng như Bộ Ngoại giao Việt Nam trước những thông tin được tiết lộ trong 60 Minutes. Bộ Ngoại giao Mỹ ở Washington chưa trả lời yêu cầu bình luận của VOA qua email.
Việt Nam chưa bao giờ công khai cho biết lý do vì sao chuyến thăm của bà Harris vào năm 2021 bị hoãn vài tiếng đồng hồ và cũng không đưa ra bình luận gì trước thông báo của Đại sứ quán Mỹ lúc đó về sự cố sức khỏe bất thường được ghi nhận ở Hà Nội.
Điện Kremlin hôm 1/4 bác bỏ thông tin cho rằng tình báo quân sự Nga có thể đứng đằng sau căn bệnh bí ẩn “Hội chứng Havana” khiến các nhà ngoại giao và điệp viên Mỹ tại nhiều nơi trên thế giới phải chịu đựng, theo Reuters.
Hãng tin Anh trích dẫn điều tra của The Insider, có trụ sở ở Riga của Latvia, hợp tác với chương trình 60 Minutes và báo Der Spiegel của Đức, trong đó nói rằng một đơn vị tình báo quân sự Nga được bố trí tại hiện trường có các sự cố được báo cáo về sức khỏe liên quan đến các nhân viên Mỹ. Theo điều tra được Reuters trích dẫn, các thành viên thuộc đơn vị của Nga được thăng chức cho công việc liên quan đến phát triển “vũ khí âm thanh không gây chết người.”
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng “chưa có ai công bố hoặc cho thấy bất kỳ bằng chứng thuyết phục nào của những cáo buộc vô căn cứ này ở bất cứ đâu” và cho rằng đây là “những lời cáo buộc vô căn cứ của giới truyền thông,” theo Reuters.
Ngay sau khi có báo cáo về thương tích kiểu Hội chứng Havana ở Hà Nội hồi tháng 8/2021, Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), William Burns, lúc đó được Reuters trích lời cho rằng có “khả năng rất cao” hội chứng này là do cố ý gây ra và Nga có thể phải chịu trách nhiệm. Moscow lúc đó cũng đã phủ nhận bất cứ sự liên quan nào đến việc này.
Tuy nhiên, một cuộc điều tra tình báo trên toàn cầu của Mỹ được giải mật và công bố hồi tháng 3 năm ngoái kết luận rằng “rất khó có khả năng” một nước thù địch nào chịu trách nhiệm về “Hội chứng Havana.” Bản đánh giá này đã không tìm thấy “bằng chứng đáng tin cậy” nào về bất kỳ nước thù địch nào của Mỹ có sở hữu “vũ khí hoặc thiết bị”, bao gồm cả bộ phát xung năng lượng điện từ, có thể gây ra các triệu chứng trên.
Khi tiến hành điều tra cho quân đội Mỹ về các sự cố sức khỏe bất thường, ông Edgreen cho biết trong 60 Minutes rằng Lầu Năm Góc ủng hộ cuộc điều tra của ông về việc liệu Nga có đứng đằng sau các vụ tấn công hay không. Tuy nhiên theo ông cho biết, chính quyền Trump và Biden đặt ra tiêu chuẩn quá cao về bằng chứng.
Bình luận về tiêu chuẩn được cho là “không thể đạt được” về bằng chứng của chính quyền Mỹ trước khi có thể thừa nhận vai trò của Kremlin trong vụ việc, nhà báo điều tra Grozev nói với 60 Minutes rằng “một khi anh thừa nhận rằng điều này đã xảy ra” thì “anh phải đối mặt với thực tế rằng anh có kẻ thù truyền kiếp đang hành động chống lại chính người dân, nhân viên tình báo của chính anh, trên chính lãnh thổ của anh và đây không gì khác hơn là một lời tuyên chiến.”
Theo VOA Tiếng Việt ngày 1/4/2024
Be the first to comment