Bước vào hạ tuần tháng Ba, các vụ truy tố Trump bắt đầu được phe cấp tiến đẩy mạnh, để có thể vồ Trump kịp thời trước ngày bầu cử TT tháng 11 cuối năm nay.
Đại đa số dân Mỹ không N.G.U., nhận định các truy tố này mang nặng hơi hám đàn áp chính trị chống một đối thủ chính trị, không hơn không kém, đó chính là kết quả của các thăm dò về các truy tố chống ông Trump đang diễn ra. Điểm đáng nói là đám dân cuồng ghét Trump dĩ nhiên không nhìn thấy những trò truy tố cuội này, mà còn tin chắc như đinh đóng cột đó chính là công lý Mỹ đang vận hành, hoàn toàn theo đúng các thủ tục, nguyên tắc luật pháp Mỹ đã quy định, từ Hiến Pháp tới các luật liên bang và cả tiểu bang. Nhiều người đã phán rất chí lý là không ai có thể tố cáo lung tung tư pháp Biden phe đảng mà không có bằng chứng cụ thể.
Chúng ta coi lại vấn đề.
Trước hết, phải ghi chú ngay là kẻ này không phải luật gia, chưa bao giờ học luật Mỹ, chỉ viết theo sự tìm hiểu cá nhân, phần lớn qua trang mạng ChatGPT là trang mạng AI -thông minh nhân tạo- rất có thể có nhiều điềm sai sót không cố ý. Quý độc giả am hiểu vấn đề cần chỉnh sửa giúp.
Trước khi vào đề, điều quan trọng nhất, có lẽ là ta thử tìm hiểu tổ chức tư pháp Mỹ ra sao. Không hiểu rõ tất nhiên có quyền nói ngang nói dọc, chẳng ai cãi lại.
Người ta thường nói nước Mỹ đặt nền tảng tổ chức chính trị trên nguyên tắc ‘tam quyền phân lập‘ nhưng lại thắc mắc sao có thể nói ‘tam quyền’ khi bộ trưởng Tư Pháp là thành viên nội các hoàn toàn do TT bổ nhiệm và có quyền sa thải bất cứ lúc nào. Có lẽ đó là điểm chính gây ngộ nhận lớn, vì đã không phân biệt được trách nhiệm truy tố và trách nhiệm kết án. Truy tố là trách nhiệm của hành pháp, của nội các, cấp liên bang cũng như tiểu bang, qua các cơ quan như bộ Tư Pháp, các công tố đặc biệt hay không; trong khi xử và kết án mới đúng là thuộc thẩm quyền ngành tư pháp độc lập với hành pháp. Ngay ở đây, cũng phải nói ngay, tính ‘độc lập’ của tư pháp ở đây cũng là chuyện tương đối thôi. Ta sẽ vào chi tiết sau trong phần dưới.
Dưới khía cạnh luật pháp, thể chế ‘tam quyền’ của Mỹ có nghĩa là quốc hội hay là lập pháp, là ‘quyền’ hay ngành đặt ra luật, hành pháp là ‘quyền’ hay ngành kiểm soát và bảo đảm việc tôn trọng luật, và tư pháp là ‘quyền’ hay ngành quyết định thật sự luật có bị vi phạm hay không và nếu vi phạm thì phải xử lý ra sao, trừng phạt hay sửa chỉnh ra sao.
Mỹ là một liên bang của 50 tiểu bang, độc lập phần nào trên phương diện tư pháp. Nghĩa là Mỹ có một hệ thống tư pháp liên bang, và… 50 hệ thống tư pháp tiểu bang, có nhiều điểm giống nhau nhưng cũng đầy những điểm khác biệt.
Hệ thống liên bang
1. Các tòa:
– Trên cùng là TCPV liên bang, gọi là Supreme Court. Có cả thẩy 9 vị thẩm phán, do TT bổ nhiệm, với phê chuẩn của thượng viện. Họ làm thẩm phán tới khi chết, hay tự ý từ chức, hay bị quốc hội đàn hặc và cách chức.
– Dưới một bực là tòa phúc thẩm liên bang, US Circuit Court. Các quan tòa cũng được TT bổ nhiệm với thượng viện phê chuẩn, và phục vụ mãn đời.
– Dưới nữa là tòa quận liên bang, US District Court. Các quan tòa cũng được TT bổ nhiệm với thượng viện phê chuẩn, và phục vụ mãn đời. Đây là tình trạng bà quan tòa Aileen Cannon thụ lý vụ giữ hồ sơ mật do Trump bổ nhiệm, và bà Tanya Chutkan thụ lý vụ Trump sách động nổi loạn, do Obama bổ nhiệm.
– Cấp thấp nhất là các tòa liên bang, US Magistrate judges. Họ được các quan tòa quận liên bang bổ nhiệm và có nhiệm kỳ nhất định là 8 năm.
2. Tòa kháng án:
Ở cấp liên bang, cao nhất dĩ nhiên là TCPV liên bang, nhưng dưới một cấp là tòa kháng án liên bang, US Court of Appeals. Hiện nay có 13 tòa kháng án liên bang phụ trách 13 khu vực pháp lý, ngoài ra, cũng có một tòa kháng án đặc biệt có quyền hạn trên cả nước trong một số vụ án đặc biệt. Điểm đặc biệt là tòa kháng án có hai cách họp: một là tất cả trên dưới một tá quan tòa họp chung để ra phán quyết, hai là chỉ có ba quan tòa đại diện, họp chung lấy phán quyết. Không rõ trường hợp nào chỉ cho ba quan tòa, trường hợp nào có tất cả.
3. Công tố: công tố liên bang, gọi là ‘attorneys’, là những viên chức chuyên đi truy tố phạm nhân, cũng có nhiều cấp.
– Cao nhất là công tố liên bang, gọi là US Attorneys, bổ nhiệm bởi TT với phê chuẩn của thượng viện. Họ có quyền hạn trên các quận pháp lý -judicial districts-. Hiện nay, có tổng cộng 93 US attorneys lãnh trách nhiệm trên 93 quận pháp lý, tuy con số này có thể thay đổi thường xuyên. US attorneys thường có quan hệ chính trị với TT đương nhiệm, nghĩa là nếu có TT mới đắc cử, họ đều phải từ chức hết hay bị sa thải hết, để tân TT bổ nhiệm người thay thế, tuy TT cũng có thể tái bổ nhiệm họ lại. Đây là nguyên tắc đã có từ hồi nào tới giờ, tuy nhiên, khi Trump thay thế hầu hết các US attorneys khi ông mới lên nắm quyền, thì truyền thông loa phường nhẩy nhổm, ồn ào tố cáo Trump mang phe đảng chính trị vào tư pháp. Tính tới tháng Hai, Biden đã thay thế 76 công tố liên bang, không một cơ quan truyền thông loa phường nào tố cáo hay loan tin gì.
– Dưới họ một cấp là những ‘phó công tố liên bang’, gọi là Assistant US attorneys, cũng được bổ nhiệm bởi TT với phê chuẩn của thượng viện. Khác với US attorneys, đây thường là các chuyên gia luật, ngồi ghế này rất lâu, không bị thay thế khi có TT mới.
– Ngoài ra còn có các công tố đặc biệt do bộ Tư Pháp liên bang bổ nhiệm, với trách nhiệm và thời hạn nhất định. Nhưng các công tố Jack Smith và Robert Hur.
Hệ thống tiểu bang
1. Các tòa:
Ở đây, vấn đề hết sức rắc rối vì không thuần nhất trong tất cả 50 tiểu bang, có rất nhiều khác biệt lớn từ tiểu bang này qua tiểu bang nọ.
– Trên cùng là Tối Cao Pháp Viện tiểu bang, là State Supreme Court. Con số thẩm phán thay đổi tùy tiểu bang. Có tiểu bang theo thủ tục thống đốc bổ nhiệm với phê chuẩn của thượng viện tiểu bang, cũng có tiểu bang theo thủ tục dân bầu.
– Dưới một cấp là tòa sơ thẩm tiểu bang, gọi là State Trial Court. Như trên, quan tòa có thể do thống đốc bổ nhiệm hay dân bầu. Đây là quan tòa đang thụ lý các vụ xử ông Trump ăn bánh trả tiền là ông Arthur Engoron, là người được dân bầu.
– Tòa chuyên ngành: đây là các tòa đặc biệt chuyên về một ngành pháp lý nào đó, chẳng hạn như Tòa Di Trú, Tòa Gia Đình,…
2. Tòa kháng án
Cũng như ở cấp liên bang, cao nhất, dĩ nhiên là TCPV tiểu bang.
– Dưới một bực là tòa kháng án tiểu bang –State Appellate Court-. Tùy tiểu bang, có thể có một hay nhiều tòa kháng án, và các quan tòa có thể được thống đốc bổ nhiệm, hay do dân bầu. Có vài tiểu bang nhỏ không có tòa kháng án, và tất cả những kháng cáo đều lên thẳng TCPV tiểu bang.
3. Công tố
– Cao nhất là công tố tiểu bang –State Attorney General-, mà có nhiều người dịch là ‘bộ trưởng Tư Pháp’ tiểu bang. Có thể do thống đốc bổ nhiệm hay được dân bầu. Đây là trường hợp bà Letitia James của New York đang truy tố ông Trump về vụ phóng đại tài sản, và bà James được dân New York bầu sau khi cam kết với cử tri sẽ truy rượt ông Trump tới phá sản.
– Dưới một cấp là công tố quận –State District Attorney-, cũng có thể được bổ nhiệm hay dân bầu. Đây là trường hợp của hai công tố, ông Alvin Bragg của New York đang truy tố Trump về tội dùng tiền bịt miệng cô đào đóng phim sex, và bà Fani Willis của quận Fulton, tiểu bang Georgia, đang truy tố Trump về tội can thiệp vào bầu cử TT tại Fulton. Ông Braggs và bà Willis đều được dân bầu.
– Dưới nữa là các phó công tố quận –Assistant State District Attorney-
– Công tố quận thường trao trách nhiệm truy tố cho một công tố đặc biệt –Special Prosecutor – trong một vụ án đặc biệt nào đó. Đây là trường hợp công tố đặc biệt Nathan Wade được bà Willis bổ nhiệm để điều tra và truy tố ông Trump.
Vấn đề nguyên tắc và thực tế
1. Diễn giải luật
Trên nguyên tắc, các quan tòa có trách nhiệm khá đơn giản, rõ ràng và khó tranh cãi: cứ y theo luật mà thi hành thôi. Trên thực tế, nếu đơn giản như vậy thì đã chẳng ai cần quan tòa. Thực tế là luật, bất cứ luật lớn nhỏ nào cũng không thể bao phủ tất cả mọi trường hợp, mọi kịch bản vì luật nào cũng mang tính tổng quát, khi đi vào chi tiết bối cảnh vấn đề thì cần phải có quan tòa diễn giải. Mà quan tòa không ai là cái máy ‘remote control’, chỉ cẩn bấm nút là tự động có ngay kết quả 1+1=2! Kiểu như phán quyết của 100 ông quan tòa đều sẽ giống nhau hết khi xử một vụ. Họ cũng là người như tất cả mọi người khác, cũng bị hỷ nộ ái ố chi phối mọi phán quyết. Các quan tòa Mỹ có toàn quyền ra phán quyết có tội hay không, phát nặng hay phạt nhẹ, chỉ bị trói tay phần nào bởi việc phán quyết của họ có thể bị xét lại bởi một tòa cao hơn, bị tòa kháng án bác bỏ nhiều thì sẽ khó thăng quan tiến chức; hay họ có thể bị chi phối bởi lương tâm chính họ.
Từ ngày lập quốc tới nay, các quan tòa đã bị phe cấp tiến cũng như bảo thủ, áp lực nặng nề trong việc diễn giải và áp đặt luật. Có hai sự kiện rất điển hình: chuyện quan điểm của TCPV, và ví dụ đơn giản của trường hợp một quan tòa di trú gốc Việt.
Tối Cao Pháp Viện liên bang
TCPV liên bang là cơ quan có tiếng nói cao nhất, cuối cùng, trong mọi vấn đề pháp lý và diễn giải tất cả mọi luật. Các thẩm phán đều do TT bổ nhiệm, với sự phê chuẩn của thượng viện. Đưa đến tình trạng các thẩm phán thường được bổ nhiệm theo quan điểm chính trị của hành pháp -Tổng Thống- và lập pháp -thượng viện-. Hành pháp và lập pháp bảo thủ dĩ nhiên sẽ bổ nhiệm các thẩm phán có khuynh hướng bảo thủ, và ngược lại hành pháp và lập pháp cấp tiến sẽ bổ nhiệm các thẩm phán cấp tiến.
Ở đây, có hai điểm cần phải nói ngay cho rõ và cho công bằng với các thẩm phán, bất kể cấp nào.
– Thứ nhất, trên căn bản, không có thẩm phán hay quan tòa theo đảng DC hay đảng CH gì hết, họ có thể có quan điểm cấp tiến hay bảo thủ, nhưng hầu hết rất ưu tư, lo sợ bị dán nhãn hiệu chính trị là DC hay CH lên trán.
– Thứ nhì, cấp tiến hay bảo thủ trong khiá cạnh tư pháp này, hoàn toàn khác nghĩa với cách hiểu thông thường trong chính trị. Bảo thủ trong ngành tư pháp, đặc biệt là ở cấp TCPV, có nghĩa là tuyệt đối tuân theo bản văn của luật, từ Hiến Pháp đến bất cứ luật nào, bất kể bối cảnh thực tế và lịch sử; trong khi cấp tiến có nghĩa là tôn trọng ý định và mục tiêu của luật nhưng diễn giải du di theo các biến chuyển của văn hóa, tư tưởng, kinh tế, chính trị, thời thế,…
Thí dụ quan tòa thời DC
Gần đây, một ông quan tòa gốc Việt đã về hưu, đã viết một bài nhận định về vấn đề di dân lậu. Chuyện quái dị là ông tòa này là quan tòa chuyên về di trú, trên nguyên tắc, ông phải hoàn toàn vô tư xử lý các vụ truy tố di dân lậu theo đúng luật hiện hành, không phải theo quan điểm cá nhân, hay dựa trên các yếu tố ngoài luật như ‘nhân đạo’, ‘bác ái’, ‘thông cảm’,…
Kẻ này không biết khi còn làm quan tòa, ông này xử các vụ di dân theo đúng luật hiện hành hay không, chỉ biết sau khi về hưu, ông này đã viết bài nhận định, tuyệt đối kêu gọi nhận di dân lậu vào thả cửa vì lý do nhân đạo, rồi quay qua miệt thị, bôi bác luôn những người Việt tị nạn mà lại dám chống di dân lậu [ông tòa công kích dân Việt tị nạn chống ‘di dân’, cẩn thận KHÔNG kèm theo chữ ‘lậu’ theo sau, là một cách xuyên tạc tiêu biểu của những người muốn chấp nhận di dân lậu]. Hay là trong luật di dân, có điều khoản các quan tòa có thể du di nhận di dân vào bất hợp pháp vì lý do nhân đạo, kẻ này mù tịt, không biết? Một quan tòa chấp nhận hay chính xác hơn, kêu gọi chuyện… bất hợp pháp???
Kẻ này muốn nêu thí dụ trên để chứng minh các quan tòa ‘cấp tiến’ thường ra phán quyết có tính du di vì hoàn cảnh đặc biệt, không nhất thiết phải nhắm mắt theo đúng văn bản của luật.
2. Bồi thẩm đoàn
Trên căn bản, để tránh việc một quan tòa có quá nhiều quyền, nhiều khi tai hại khi quan tòa bất tài, hay có thành kiến, thành kiến về cách trừng phạt một tội hay thành kiến đối với một can phạm, các vụ án hình sự đều có một bồi thẩm đoàn với từ 9 tới 13 người. Họ là những người được coi các bằng chứng, nghe các nhân chứng, và hiện diện từ đầu phiên xử, và cuối cùng, phải lấy quyết định người bị truy tố có tội hay không. Nếu không thì can phạm được thả ngay, nếu có thì quan tòa có trách nhiệm tuyên án, rồi sau đó can phạm có thể kháng cáo. Bồi thẩm đoàn phải có quyết định nhất trí của tất cả, nếu chỉ một người không đồng ý thì phiên xử bị hủy bỏ, gọi là mistrial. Công tố có thể bỏ qua luôn, hay coi lại hồ sơ, điều chỉnh chuyện gì đó, rồi truy tố lại.
Bồi thẩm đoàn được quan tòa phỏng vấn và tuyển chọn trong số nhiều người được nhân viên tòa lấy tên một cách ngẫu nhiên. Tiêu chuẩn tuyển chọn là người được chọn không có thành kiến gì với vụ án hay với can phạm, hay ngay cả biện pháp trừng phạt (chẳng hạn những người chống án tử hình không được tham dự những vụ án có thể đưa đến án tử hình, hay những người chống phá thai không được tham dự vụ án có liên quan đến phá thai, hay những người có quan điểm bảo thủ hay cấp tiến không được tham gia một vụ án có tính chính trị,…), nếu không biết gì càng tốt.
Đó là chuyện nguyên tắc. Trên thực tế, không đơn giản như vậy. Có hai vấn đề chính:
– Quan tòa toàn quyền tuyển chọn thành viên bồi thẩm đoàn, do đó chẳng có gì bảo đảm người được chọn hoàn toàn công tâm, mà có thể được quan tòa cố ý chọn theo ý mình. Cũng trên nguyên tắc, việc chọn bồi thẩm đoàn phải có sự đồng ý của luật sư của cả hai bên, nhưng dù sao thì vai trò và ảnh hưởng của quan tòa vẫn mang thế chủ chốt.
– Trong thời buổi internet và trang mạng xã hội tràn ngập ngày nay, tìm được một người không có thành kiến gì, hay không biết gì về vụ án hay can phạm, khó hơn tìm kim dưới đáy biển.
3. Các công tố và quan tòa
Tất cả các vụ truy tố Trump, ngoại trừ vụ lưu giữ hồ sơ Tòa Bạch Ốc được thụ lý bởi một tòa Florida vì hồ sơ được tìm thấy tại tư dinh ông Trump tại Florida, đều được thụ lý bởi các tòa ở New York là nơi ông Trump cư trú trước khi làm TT, và tại Washington DC là nơi trú ngụ chính thức khi ông làm TT. Cả hai nơi này đều là những thành đồng kiên cố nhất của khối cấp tiến cuồng chống Trump.
Các quan tòa ở đây đều do dân cấp tiến nhất bầu lên, tuy không mang nhãn hiệu CH hay DC, nhưng đều có quan điểm cấp tiến nhất. Các quan tòa Arthur Engoron, Tanya Chutkan, công tố Letitia James đều thuộc loại cấp tiến cuồng. Trong các vụ truy tố Trump hiện nay, đây cũng là dịp may hy hữu cho họ nổi tiếng để đời vì đang xử một cựu tổng thống mà lại có thể là tổng thống tương lai nữa. Họ có thể sẽ vồ lấy dịp may thanh toán Trump tới cùng, hay cân nhắc để lấy quyết định đi vào lịch sử.
Ngay cả các quan tòa cấp kháng cáo cũng nặng thành kiến chống Trump. Như trong vụ truy tố Trump sách động nổi loạn, ông Trump đã kháng cáo ngay trước khi tòa xử trên căn bản TT bất khả truy tố khi đang thi hành trách nhiệm, và 3 bà quan tòa kháng án đã nhất trí phán TT có thể bị truy tố; một bà do TT Bush cha bổ nhiệm, một bà do Obama, và một bà do Biden , toàn là những TT đối nghịch với Trump. Trump ngay từ đầu coi như vô vọng rồi.
Về bồi thẩm đoàn, họ được tuyển chọn trong đám dân thường, nhưng New York là nơi trong cuộc bầu TT năm 2020, Trump lãnh chưa tới 30% phiếu, và Washington DC là nơi chưa tới 10% cử tri bầu cho Trump. Trump ngay từ đầu coi như vô vọng rồi.
Các vụ truy tố Trump
Kẻ này xin nói ngay, trong cái nhìn của kẻ này, tất cả các vụ truy tố Trump đều là truy tố cuội mà tiếng Mỹ gọi là ‘kangaroo trials‘. Quý độc giả bình tĩnh, kẻ này sẽ trình bày quan điểm của mình thất rõ ràng.
Tại sao cuội? Cuội ở đây có nghĩa là … bố láo, chẳng theo đúng ý nghĩa và mục tiêu của luật, chẳng theo đúng thủ tục pháp lý, và từ công tố tới quan tòa tới bồi thẩm đoàn, chẳng có ai công tâm gì mà tất cả đều đầy thành kiến, với mục đích và kết quả của vụ án đã được ấn định từ trước ngày xử, và cả thế giới đều biết phán quyết cuối cùng: có tội! Và những thành kiến này được công khai biểu lộ trước phiên xử và ngay trong phiên xử.
Tại sao kẻ này dám khẳng định tất cả đều là tòa cuội? Tại vì kẻ này cuồng mê Trump nên cuồng bảo vệ Trump chăng? Muốn có câu trả lời, xin mời quý độc giả theo dõi phần giải thích dưới đây, rồi nếu quý vị vẫn nghĩ kẻ này cãi bướng vì cuồng mê Trump, thì chúng ta có thể thảo luận tiếp. Ta hãy nhìn qua từng vụ truy tố. Xin lưu ý Diễn Đàn Trái Chiều có viết qua về những vụ truy tố này và đã nêu lên cả lô câu hỏi, nhưng cho đến nay, chưa có một con vẹt già hay trẻ nào đã trả lời các câu hỏi đó, mà vẫn chỉ biết lải nhải nhai lại những tố giác của Biden và phe cấp tiến. Bài này sẽ không lập lại nhưng câu hỏi đó, mà chỉ muốn nhấn mạnh vào khía cạnh ‘lủng củng pháp lý’, hay chính xác hơn, bất tuân theo luật hay thủ tục pháp lý, hay công khai thiên vị.
[https://diendantraichieu.blogspot.com/2024/01/bai-318-cong-ly-thoi-biden.html]
1. Vụ bịt miệng chuyện ăn bánh trả tiền
Vụ án này ly kỳ vì cách hành xử bất nhất của công tố quận của tiểu bang -State District attorney- Alvin Bragg. Ông này ra tranh cử chức này để thay thế công tố Cyrus Vance Jr [con của ông Cyrus Vance, người cầm đầu phái đoàn Mỹ điểu đình với Hà Nội tại Paris, sau đó làm ngoại trưởng cho TT Carter, mở liên lạc thảo luận với VC về việc tìm xác lính Mỹ chết tại VN] đang điều tra về Trump. Ông Bragg đi vận động tranh cử, cho biết sẽ tiếp tục điều tra Trump tới cùng. Ông đắc cử và nhận trách nhiệm ngày 1/1/2022. Ba ngày sau, ông ra lệnh chấm dứt cuộc điều tra về Trump vì theo ông, không có bằng chứng hay tội danh gì để có thể truy tố Trump. Bất thình lình, 10 tháng sau, ngày 21/11/2022, ông Bragg cho mở lại cuộc điều tra về Trump, sau những áp lực lớn của Tòa Bạch Ốc và của quốc hội tiểu bang New York. Hai tháng sau, cuối tháng Giêng 2023, ông Bragg triệu tập đại bồi thẩm đoàn, và họ mau mắn kết tội ông Trump ngay. Hai tháng sau, cuối tháng 3/2023, ông Trump chính thức bị ông Bragg truy tố.
Câu hỏi: sau khi ông Bragg chấm dứt điều tra vì không thấy có bằng chứng hay tội danh gì, thì tại sao bất ngờ ông lại thấy rõ tội danh và có cả lô bằng chứng, rồi truy tố.
Ở đây cũng cần lưu ý một chuyện căn bản: vụ ông Trump bị tố lấy tiền yểm trợ tranh cử TT liên bang ra đấm mõm cô đào phim XXX thuộc thẩm quyền Ủy Ban Giám Sát Bầu Cử liên bang có đại diện của cả hai chính đảng và một số luật gia không đảng nào, chứ không thuộc thẩm quyền bất cứ tiểu bang nào, và ủy ban này đã mở cuộc điều tra cả mấy tháng trời và kết luận Trump không hề vi phạm luật gì và tiền trả cho cô đào bằng tiền túi của Trump. Ông Bragg tố Trump vì tội này, bất chấp kết luận của ủy ban.
2. Vụ phóng đại tài sản
Vụ án này do bà State Attorney Letitia James của New York chủ động. Bà này ra tranh cử chức vụ này với một lời hứa hẹn duy nhất: sẽ truy rượt ông Trump tới phá sản. Và bà đã giữ đúng lời hứa với cử tri.
Trong khi đó, quan tòa Engoron do dân New York bầu, ngay trước khi được trao cho trách nhiệm xử vụ Trump, đã công khai lên tiếng tố cáo Trump là vua lừa đảo, cần phải bị trừng phạt nặng. Chưa xử nghĩa là chưa coi hồ sơ, chưa biết gì về bằng chứng, chưa nghe nhân chứng nào, vậy mà đã ‘hoành tráng’ kết tội Trump rồi, thế thì còn xử gì nữa cho mất thời giờ và tiền thuế dân? Có lẽ đó chính là lý do tại sao ông được cho thụ lý vụ xử ông Trump.
Quan tòa Engoron đã tuyên phạt Trump một số tiền khổng lồ là 350 triệu đô, phải nộp trong vòng 30 ngày, cộng tiền lãi tích lũy 9% mỗi ngày, tổng cộng là 464 triệu. Một số tiền chưa ai thấy trong lịch sử tư pháp Mỹ, cho dù không ai bị mất một xu nào, không ai kiện cáo gì vì bị Trump lừa. Mà rắc rối lớn cho Trump là nếu không đóng đủ số tiền này bằng tiền mặt trong một tháng làm thế chân thì sẽ không được quyền kháng cáo. Ông Don Peebles, một cố vấn da đen của TT Obama nhận định phán quyết của quan tòa Engoron, hiển nhiên hợp tác với bà James, là một nỗ lực có 3 mục đích: thứ nhất không cho Trump cơ hội kháng cáo vì họ sợ nếu kháng cáo, họ sẽ thua, phán quyết bị hủy; thứ nhì, họ quyết tâm ép Trump phá sản, đóng cửa đại tập đoàn Trump Organization; thứ ba họ cũng quyết tâm tìm đủ cách chặn không cho Trump tranh cử trong cuộc bầu TT cuối năm nay.
3. Vụ can thiệp bầu cử TT tại quận Fulton
Đây là vụ án ‘ngộ nghĩnh’ nhất. Cuối ngày bầu TT năm 2020, TT Trump theo dõi kết quả bầu cử trên toàn quốc, thấy ông có thể thua tại Georgia, thua đâu hơn một chục ngàn phiếu. Ông điện thoại cho bộ trưởng Nội Vụ Georgia, ông CH Brad Raffensberger, kêu gọi ông này kiểm tra phiếu cho kỹ, làm sao tìm được đủ số phiếu cho ông đắc cử tại đây. Dù vậy, kết quả, TT Trump vẫn thua.
Bà Fani Willis, công tố quận Fulton -State District attorney- là vùng có thủ phủ Georgia Atlanta, dựa trên cú điện thoại này, truy tố ông Trump gần 40 tội, đại để tố ông Trump và 18 quan chức CH là một đám thảo khấu mafia, dùng luật RICO truy tố, là luật dùng để bắt mafia và các băng đảng ma tuý cũng như đám quan chức biểu thủ hay ăn hối lộ.
Hai điều đáng để ý, thứ nhất, một cú điện thoại của TT nói chuyện với bộ trưởng Nội Vụ của tiểu bang Georgia lại biến thành nguyên cớ để truy tố một cựu tổng thống và 18 quan hình sự tầy trời; thứ nhì bà Willis dùng luật RICO chống tham nhũng để vồ Trump, nhưng chính bà lại phạm tội tham nhũng công khai: thuê ông kép Nathan Wade -đang có vợ chính thức- làm công tố đặc biệt đi lùng bắt Trump, trả lương trên trời cho ông này dù ông này hoàn toàn không có khả năng vì trước đó, chỉ là luật sư chuyên cãi các vụ vi phạm luật lưu thông. Lương trên trời của ông Wade được hai người dùng làm tiền đi du hý Âu Châu.
4. Vụ lưu giữ hồ sơ mật khi rời Tòa Bạch Ốc
Vụ án này là kết quả hai năm điều tra của công tố đặc biệt Jack Smith do bộ trưởng Tư Pháp của Biden bổ nhiệm. Trên nguyên tắc, có thể nói ông Trump đã vi phạm luật, tuy nhiên đúng như bà quan tòa Aileen Cannon đã hỏi, tại sao chỉ có một mình Trump bị truy tố trong khi nhiều tai to mặt lớn khác vi phạm đều chẳng ai bị gì?
- Bà Hillary rinh nguyên giàn máy email gắn trong phòng ngủ, trao đổi cả vạn tin tối mật an ninh quốc gia, bị giám đốc FBI James Comey nhận định rõ ràng đã phạm tội, nhưng bà không bị bộ Tư Pháp của Obama truy tố bất cứ tội nào. Chưa kể bà tự ý thiêu hủy hơn 30.000 emails, và ra lệnh lấy búa đập nát một chục điện thoại cầm tay bà đã xử dụng khi làm ngoại trưởng và thượng nghị sĩ.
- PTT Mike Pence nhìn nhận đã mang theo cả lô hồ sơ tối mật theo về nhà riêng sau khi hết làm PTT, không bị điều tra gì hết.
- Cụ Biden thú nhận đã mang theo cả vạn hồ sơ an ninh tối mật từ những ngày cụ còn làm trong các ủy ban đối ngoại và tư pháp của thượng viện, và PTT [tổng cộng khoảng 40 năm] mang về nhà vứt ngổn ngang trong nhà để xe, đã bị công tố Hur xác nhận vi phạm đủ thứ luật, nhưng cũng không bị truy tố bất cứ một tội nào.
5. Vụ sách động nổi loạn 6/1/2021
Đây là vụ án do công tố đặc biệt Jack Smith truy tố và bà quan tòa Tanya Chutkan thụ lý. Ông Smith kín đáo không rình ràng tuyên bố gì, là công tố của tòa hình sự Quốc Tế La Haye tại Hòa Lan, nhưng bà vợ là một người tích cực hoạt động trong đảng DC. Cả hai vợ chồng tuy không chính thức mang danh đảng DC nhưng luôn đóng góp tiền cho đảng này. Bà vợ ông Smith là người đã từng bỏ tiền sản xuất một phim thời sự tâng bốc bà Michelle Obama lên 9 tầng mây.
Trong khi đó, bà quan tòa Chutkan là người công khai lên án vụ biểu tình nổi loạn bao vây quốc hội ngày 6/1/2021, và đòi trừng phạt tối đa những người tham gia. Nghĩa là trước khi xử bất cứ vụ nào, bà Chutkan đã mang đầy thành kiến và quyết tâm trừng phạt nặng nề nhất. Tất cả các can phạm liên quan đến vụ biểu tình đều ra trước tòa của bà Chutkan, và đều bị bà trừng phạt nặng hơn xa yêu cầu của các công tố.
Hai điểm hết sức đặc biệt:
- Bất kể nội vụ xẩy ra năm nào, tất cả đều được tập trung truy tố ngay đúng mùa vận động tranh cử, sau khi ông Trump chính thức nhẩy ra tranh cử TT chống đương kim TT Biden.
- Chuyện lem nhem tiền bạc của cha con Biden rõ ràng hơn ban ngày, từ vụ Biden ép sa thải một công tố đặc biệt Ukraine đổi lấy cái job ngồi chơi xơi nước lãnh 80.000 đô một tháng cho cậu ấm Hunter Biden trong công ty dầu khí Burisma của Ukraine, tới cả lô chuyện ‘làm ăn’ mờ ám giữa cha con Biden với cả lô đại tài phiệt Tầu đỏ, nhưng không có một công tố nào, một quan tòa nào dám hó hé lại gần, khoan nói tới truy tố.
Câu hỏi chung: tại sao các công tố và quan tòa quá hăng say truy tố Trump đủ thứ tội trong khi cha con cụ Biden thì không một ai dám dòm ngó tới? Không truy tố ai mà cũng chẳng điểu tra gì ráo?
Vũ Linh
Diễn Đàn Trái Chiều ngày 23/3/2024
———————
Chỉnh sửa về bài viết tuần rồi về hệ thống Tư Pháp Mỹ
Tuần rồi, tôi có viết bài về hệ thống Tư Pháp Mỹ, sau đó đã nhận được email của bà Wendy Dương, là một luật gia có bằng JD -tiến sĩ luật- và từng hành nghề ở Mỹ. Bà chỉ ra nhiều sai sót trong bài của tôi. Được ngay bà ‘đầm già’ Quản Mỹ Lan từ Pháp hoan nghênh, vì dân bên Tây Âu mà thấy VL này bị bắt bẻ, chỉ trích, công kích,… thì khó tự kềm chế, phải nhẩy vào tung hô ngay. Dù sao, xin có lời cám ơn bà Wendy Dương.
Như tôi đã viết rõ ràng, tôi không phải chuyên gia luật nên bài viết tuần rồi có thể có nhiều sai lầm, và quả nhiên đã bị bà luật gia sửa chỉnh nhiều điểm. Tôi xin tóm lược lại những điểm quan trọng nhất.
– Điểm sai sót, thật ra không phải là sai sót mà vì cách trình bày bài có thể đã tạo hiểu lầm, là tôi tách riêng phần ‘Tòa Kháng Án’ khiến người đọc có thể ngộ nhận là hệ thống tòa kháng án được tách riêng ra một hệ thống riêng rẽ, trong khi tất cả các tòa trên đều là tòa kháng án, không khác gì các tòa của tất cả các nước khác, kể cả VNCH trước. Do đó, US Circuit Court -trên tòa District Court- cũng là toà kháng án, và US Circuit Court với US Court of Appeals chỉ là một tòa.
– Ngoài hệ thống tòa liên bang và tòa tiểu bang, còn có tòa của các cơ cấu hành chánh đặc biệt của thành phố -municipals-, quận học chính -school districts,…
– District court không nên dịch là tòa quận, mà phải gọi là tòa của ‘địa phận tư pháp’. Tiếng Viết thường dịch ‘county’ là quận, trong khi ‘district’ lớn hơn quận nhiều, có thể bao phủ rất nhiều counties.
– Federal District courts -các bà Aileen Cannon, Tanya Chutkan- là các tòa ‘sơ thẩm’ liên bang, là tòa đầu tiên thụ lý -xử- các vụ án cấp liên bang. Các tòa trên là Circuit Court và Supreme Court không xử mà chỉ cứu xét các kháng cáo.
– Các tòa đặc biệt chuyên đề, tôi ghi là thuộc cấp tiểu bang, tuy nhiên cũng có những tòa đặc biệt cấp liên bang, như tòa Di Trú là cấp liên bang.
Đó là vài điểm quan trọng chính. Bà Wendy Dương cũng ghi thêm nhiều chi tiết mà tôi nghĩ không cần thiết cho DĐTC và cho độc giả, chỉ gây thêm rối trí vì tính phức tạp của vấn đề. Bài viết chỉ muốn lướt qua tổ chức tư pháp để độc giả có một khái niệm khi đọc về các truy tố chống Trump, cách chính quyền Biden khai thác tổ chức tư pháp để bắt nhốt đối lập chính trị, và quan trọng hơn, giúp độc giả hiểu tòa nào là tòa nào đang truy rượt Trump, tại sao lại có công tố và quan tòa công khai biểu diễn tinh thần chống Trump chết bỏ mà vẫn có quyền truy tố hay ngồi xử Trump (vì họ được dân chống Trump bầu, hay được các thống đốc DC bổ nhiệm). Tuyệt đối không có mục đích là một tiểu luận trình bày chính xác hay giải thích chi tiết tổ chức tư pháp Mỹ, cũng chẳng có tham vọng biểu diễn “kiến thức luật pháp” gần mức zero của tôi, nên việc bắt bẻ chi tiết tổ chức tư pháp thật sự không cần thiết. Tôi bàn luận về chính trị nhưng mù tịt về tổ chức luật pháp Mỹ, mà đúng như bà Wendy Dương chỉnh, “đâu có ai đòi hỏi phải biết luật để hiểu chính trị“.
Vũ Linh
Diễn Đàn Trái Chiều ngày 30/3/2024
Be the first to comment