Linh mục Jean-Pierre Idiart Alhor (1904–1948). Nguồn: CGVN
Mình đi Sapa bốn lần rồi, hầu như đều lượn qua nhà thờ ngó nghiêng, nhưng lần này mới để ý tới hai ngôi mộ phía sau nhà thờ.
Nhìn một cái bia mộ, thấy ông cha chết trẻ quá, mà chết đúng năm 1948, nên đầu nảy số ngay, chắc bị Việt Minh ám sát.
Google năm phút thì thấy đoán chuẩn luôn, Việt Minh chém đầu ông ấy vứt ra sau rừng, một tuần sau mới tìm được để chôn. Ông cha này còn là một kiến trúc sư.
Năm 1948 thì đây là thuộc chiến khu, nên có lẽ Việt Minh không muốn sự tồn tại của một linh mục ở chiến khu. Có thể họ lo ngại rằng những người này sẽ do thám tin tức cho quân Pháp. Hồi đó thì không cần biết có tội gì không, việc ám sát khá là phổ biến, cả ở miền Nam cũng vậy thôi, giai đoạn tướng Nguyễn Bình làm tư lệnh thì những ai cộng tác với Pháp là rất dễ bị ám sát.
Có chi tiết này người ngoại đạo có lẽ dễ nhầm. Đó là khi Cách Mạng Tháng Tám diễn ra, các linh mục không bỏ chạy khỏi vùng Việt Minh chiếm được. Hay năm 1954, khi Hiệp định Geneva được ký, các linh mục cũng không bị buộc phải di cư vào Nam. Hình như tầm năm 1956 gì đó Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới chính thức trục xuất Khâm sứ Vatican, không còn quan hệ ngoại giao với toà thánh nữa. Gần đây mới có rục rịch tái quan hệ với Vatican nhưng chưa xong.
Năm 1995, nhà thờ này mới được trả về cho bên Công giáo. Giống như nhà thờ đá Tam Đảo, nhà thờ đá Sapa không bị tiêu thổ kháng chiến, nên mới còn nguyên vẹn tới giờ.
Sáng nay mình mới đến cái tu viện cổ bị bỏ hoang, đang nghiên cứu xem lịch sử nó thế nào. Mình bị cái tật rất mất thời gian là đi đâu cũng tìm hiểu lịch sử những nơi mình đến.
_______
Một số hình ảnh của tác giả đăng kèm bài viết:
Dương Quốc Chính
Theo https://baotiengdan.com ngày 11-3-2024
Be the first to comment