Một nhân viên điều hành “xưởng bấm chuột” ở Việt Nam (Hình:
Jack Latham/Courtesy Here Press)
HÀ NỘI (NV) – Jack Latham thực hiện nhiệm vụ chụp hình các trang trại ở Việt Nam – nhưng đó không phải là các đồn điền bao la hay ruộng bậc thang mà là những “trại bấm chuột máy tính”, phóng sự do CNN ghi nhận hôm Thứ Năm, 7 Tháng Ba.
Năm ngoái, nhiếp ảnh gia Anh Quốc từng dành một tháng ở thủ đô Hà Nội để ghi chép về một số doanh nghiệp mờ ám giúp khách hàng tăng lưu lượng truy cập trực tuyến và mức độ tương tác trên mạng xã hội một cách giả tạo, manh nha thao túng các thuật toán và nhận thức của người dùng. Những hình ảnh thu được trong tựa sách mới “Beggar’s Honey” của ông cho thấy cái nhìn sâu sắc hiếm có về các hang ổ kỹ nghệ trả lương thấp để thuê công nhân làm công việc tăng lượt thích, bình luận và chia sẻ cho các doanh nghiệp và cá nhân trên toàn cầu.
“Khi người ta dùng mạng xã hội, họ chẳng muốn gì ngoài nhận được sự chú ý – họ đang cầu xin điều đó,” Latham nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại, giải thích về tựa đề cuốn sách của ông. “Với mạng xã hội, cái mà chúng ta chú ý đó là tạo ra sản phẩm dành cho các nhà quảng cáo và tiếp thị.”
Vào những năm 2000, sự phổ biến ngày càng tăng của các phương tiện truyền thông xã hội – gồm có Facebook và Twitter, nay gọi là X – tạo ra thị trường mới cho các trương mục kỹ thuật số cần được quản lý tốt, trong đó các công ty và nhãn hiệu cạnh tranh nhau để tối đa hóa năng lực về hình ảnh và tầm ảnh hưởng. Mặc dù vẫn chưa rõ các hang ổ bấm chuột tự động bắt đầu sinh sôi nảy nở từ lúc nào, nhưng các chuyên gia kỹ nghệ từng cảnh cáo về “các ông trùm băng đảng ảo” vận hành các hang ổ này từ các quốc gia có lợi tức thấp ngay từ 2007.
Trong những thập niên tiếp theo, các xưởng bấm chuột tự động bùng nổ về số lượng — đặc biệt là tại Á Châu, nơi người ta nhìn thấy chúng có mặt nhan nhản trên khắp Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia, Philippines và còn nhiều hơn nữa. Quy định thường không bắt kịp tốc độ: Trong khi một số quốc gia, như Trung Quốc, nỗ lực hạn chế hoạt động này (Hiệp Hội Quảng Cáo Trung Quốc cấm doanh nghiệp thuê các xưởng bấm chuột để trục lợi thương mại vào năm 2020), chúng vẫn tiếp tục sinh sôi ồ ạt trên khắp lục địa, đặc biệt là ở những nơi mà chi phí lao động và điện năng thấp giúp cung cấp năng lượng cho hàng trăm dụng cụ điện tử cùng lúc.
Đề án của Latham đưa ông tới năm xưởng bấm chuột ở Việt Nam. (Latham nói, những người thợ bấm chuột mà ông hy vọng chụp được họ ở Hồng Kông “bị lạnh cẳng,” cùng những hạn chế đi lại liên quan tới đại dịch làm tiêu tan kế hoạch ghi lại hoạt động này ở Hoa Lục). Tại ngoại ô Hà Nội, Latham viếng thăm các xưởng bấm chuột trong các khu dân cư và khách sạn.
Một vài xưởng có cách thiết lập truyền thống với hàng trăm điện thoại được vận hành thủ công, trong khi những người khác thì dùng phương pháp nhỏ gọn, mới hơn có tên “box farming” – chữ được những người thợ bấm chuột mà Latham ghé thăm nói tới – ở đó, có vài cái điện thoại, không có màn hình và pin, được nối dây và liên kết với màn hình máy tính.
Latham cho biết một trong những xưởng bấm chuột mà ông tới thăm là một doanh nghiệp do gia đình điều hành, mặc dù các xưởng khác có vẻ giống công ty kỹ nghệ hơn. Phần lớn công nhân đều ở độ tuổi 20 và 30, ông nói thêm.
“Tất cả các công ty đều trông giống như những công ty khởi nghiệp ở Thung Lũng Silicon,” ông nói. “Có rất nhiều dụng cụ và thiết bị điện tử… tường thì treo đầy điện thoại.”
Một vài tấm hình của Latham chụp được những công nhân – mặc dù ẩn danh – được giao nhiệm bấm chuột càng nhiều lần càng tốt. Trong một tấm hình, người ta thấy một người đàn ông đang ngồi giữa một mớ các thiết bị với một công việc có vẻ cô đơn và buồn tẻ.
“Chỉ cần một người là có thể kiểm soát toàn bộ xưởng điện thoại,” Latham nói. “Một người có thể nhanh chóng (làm được công việc) của 10,000 người. Nó vừa buồn tẻ vừa ồn ào.”
Tại các hang ổ mà Lathan ghé thăm, mỗi nhân viên thường đảm trách một nền tảng truyền thông xã hội cụ thể. Ví dụ, một “người bấm chuột” sẽ chịu trách nhiệm đăng và bình luận hàng loạt trên trương mục Facebook hoặc thiết lập nền tảng YouTube nơi họ đăng và xem các đoạn phim liên tục. Latham nói thêm rằng TikTok hiện là nền tảng phổ biến nhất tại các xưởng bấm chuột mà ông từng ghé qua.
Thông qua 134 trang sách, “Beggar’s Honey” gồm có một bộ sưu tập các tấm hình trừu tượng – một vài hình thì cám dỗ, một số khác mang tính chiêm nghiệm – mô tả về các đoạn phim xuất hiện trên nguồn cung cấp tin tức TikTok của Latham. Ông đưa chúng vào cuốn sách để cho thấy kiểu nội dung mà ông cho rằng đang được các xưởng bấm chuột đẩy mạnh.
Các xưởng bấm chuột trên khắp thế giới cũng được dùng để khuếch đại các thông điệp chính trị và truyền bá thông tin sai lạc trong các cuộc bầu cử. Năm 2016, Thủ Tướng Cambodia lúc bấy giờ là Hun Sen bị cáo buộc mua số lượt kết bạn và lượt thích trên Facebook, điều mà theo BBC thì ông phủ nhận, trong khi các hoạt động mờ ám tại Bắc Macedonia cũng bị phát giác, đó là lan truyền các bài viết và bài báo ủng hộ cựu Tổng Thống Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng Thống Mỹ năm đó.
“Thử so sánh chuyện này với chế độ ăn uống, nếu người ta chỉ ăn theo kiểu này trong thời gian dài, thì chuyện bị bệnh tiểu đường chỉ còn là vấn đề thời gian,” Latham nói. “Việc lan truyền thông tin sai lạc là thứ tồi tệ nhất. Nó xảy ra chính trong túi của người ta chứ không còn là vấn đề báo chí nữa, và thật đáng sợ khi những chuyện như thế này là lời báo động cho một căn bệnh thần kinh.”
Với hy vọng nâng cao nhận thức về vấn nạn này và sự nguy hiểm của nó, Latham đang lập kế hoạch trưng bày phiên bản xưởng bấm chuột ông làm tại nhà – một cái hộp nhỏ có nhiều điện thoại liên kết với màn hình máy tính – tại Lễ Hội Hình Ảnh Vevey năm 2024 ở Thụy Sĩ. Ông mua thiết bị này ở Việt Nam với giá khoảng $1,000 và thỉnh thoảng thử nghiệm nó trên các trương mục mạng xã hội của ông.
TTHN
Theo Người Việt online ngày 8/3/2024
Be the first to comment