Cảnh Giác: Nồi Cơm Điện Tách Đường ? ? ?

Trích nguồn quảng cáo: https://chanhtuoi.com/noi-com-dien-tach-duong.html

Đánh giá Top 4 nồi cơm điện tách đường tốt nhất hiện nay

Nồi cơm điện tách đường sẽ giúp bạn hạn chế lượng đường và tinh bột nạp vào cơ thể. Sản phẩm đặc biệt phù hợp với những bệnh nhân tiểu đường, người ăn kiêng, người cần giảm cân.
Vậy nên chọn nồi cơm điện tách đường của thương hiệu nào? Hãy cùng mình đánh giá TOP 5 sản phẩm bán chạy nhất hiện nay nhé!
Nồi cơm điện tử tách đường – sự lựa chọn cho người tiểu đường, tim mạch và béo phí

A/ ĐÁNH GIÁ NỒI CƠM ĐIỆN TÁCH ĐƯỜNG CÓ TỐT KHÔNG?

1. Công dụng của nồi cơm điện tử tách đường
Nồi cơm điện tách đường là 1 dòng sản phẩm mới nhất hiện nay. Về cơ bản chúng cũng giống như nồi cơm điện truyền thông của các thương hiệu mà mọi người vẫn thường. Điều đặc biệt ở chiếc nồi này chính là khả năng tách đường thừa trong gạo nấu lên – tác nhân gây ra bệnh tiểu đường, tim mạch và béo phì. Bên cạnh đó, cơm nấu từ dòng sản phẩm này sẽ có tỷ lệ amylose so với amylopectin càng cao càng tốt.
Dùng nồi cơm điện có chức năng tách đường sẽ giúp người bệnh kiểm soát lượng đường nạp vào cơ thể

2. Nguyên lý hoạt động của nồi cơm điện tách đường
Nguyên lý hoạt động của sản phẩm
Nồi cơm điện tử tách đường hoạt động theo 4 bước cơ bản dưới đây:
– Bước 1: Gia nhiệt
Gạo được nấu trong môi trường nước và nhiệt ở mức độ vừa phải, nồi cơm cơm điện sẽ loại bỏ lượng đường từ tinh bột xấu mà vẫn đảm bảo được các chất dinh dưỡng còn nguyên
– Bước 2: Phân tách Amylopectin tự động và giữ cho tỷ lệ Amylose cao hơn Amylopectin nhất có thể.
Trong quá trình nồi cơm điện hoạt động, chúng sẽ phân tách tự động kiểm soát nhiệt độ, lượng Amylopectin sẽ tự phân tách ra khỏi từng hạt gạo, còn hàm lượng Amylose trong gạo vẫn giữ nguyên.
– Bước 3: Loại bỏ đường Amylopectin tự động
Nồi cơm điện được tích hợp hệ thống thoát nước thông minh, tinh bột tiêu hóa nhanh Amylopectin sẽ tự động được loại bỏ và ngăn chặn hoàn toàn nước cùng Amylopectin trở lại vào cơm
– Bước 4: Nấu cơm thơm ngon và an toàn cho người dùng
Sau khi loại bỏ những thành phần không tốt cho sức khỏe, nồi cơm điện tử tách đường sẽ bắt đầu nấu chín gạo, cho bạn bữa cơm thơm ngon nhất!

(Tôi bỏ đoạn quảng cáo dài tiếp theo sau)

GS Huỳnh Chiếu Đằng: Thưa các bạn đây là một sản phẩm mới ra. Nó cũng như máy tạo ra nước hoàn nguyên quảng cáo 10 năm trước. Thông thường những sản phẩm liên hệ tới sức khoẻ thì bắt đầu ở xứ sâm Cao Ly.
Các bạn tin mà hỏi, tôi nhận xét (hay bàn Mao Tôn Cương) theo những gì tôi biết được về hoá học, còn trúng bao nhiêu phần trăm thì các bạn tự liệu.

Nhận xét dựa trên đặc tính của tinh bột trong gạo.
1. Trước tiên vật gì có đường hoà tan thì khi ngậm vào miệng sẽ thấy ngọt. Chúng ta ngậm một nhúm tinh bột (dù là bột mì bột gạo tinh khiết) cũng không thấy ngọt. Nhận xét nầy đưa tới cái kết luận là tinh bột không hoà tan trong nước nhiệt độ bình thường. Về hoá học thì tinh bột không hoà tan vào nước.

2. Kế tiếp chúng ta bỏ một nhúm tinh bột vào ly nước, uống vào cũng chẳng thấy ngọt. Tuy nhiên nếu nung nó lên tới khoảng 60 độ C thì tinh bột nở ra, trong suốt (khuấy hồ) bây giờ nếm thử thì thấy nó ngọt ngọt.

3. Ngày xưa ở thôn quê khi tôi còn nhỏ thường nấu cơm bằng nồi đất, cứ đổ nước đại vô gạo, không cần để ý phân lượng chi nhiều. Bắt lên bếp đun sôi, dùng đủa bếp vớt hột gạo lên xem, thấy đã nở vừa đủ thì chắc hết nước trong nồi ra. Chúng ta được cái gọi là nước cơm. Gạo trong nối còn lại để “dần” trên lửa than thêm mươi phút. Nấu cơm kiểu nầy ngon hết biết so với kiểu nấu bằng nồi tự động hiện giờ. Dân sành điệu hiện giờ có người còn nấu cơm bằng nối đất, chắt nước, và dần trên lửa than cho tới khi hơi khét khét tí xíu. Giờ đây tôi có biết một người còn nấu cơm như vậy.
Nước cơm chắc ra. Uống thấy nó ngọt ngọt, nghĩa là có chút xíu đường trong đó. Đường ở đâu ra, thưa từ tinh bột bị thuỷ phân trong nước nóng thành glucose.

Trở lại: Chúng ta phân tách từ giai đoạn nguyên lý hoạt động của cái “máy” nấu cơm nói trên coi sao.

– Bước 1: Gia nhiệt
Gạo được nấu trong môi trường nước và nhiệt ở mức độ vừa phải, nồi cơm điện sẽ loại bỏ lượng đường từ tinh bột xấu mà vẫn đảm bảo được các chất dinh dưỡng còn nguyên

Chuyện nầy đúng chúng ta thấy là có đường tan vào nước, nước cơm uống thấy vị hơi ngọt. Còn nói từ tinh bột xấu thì chịu thua, tinh bột là tinh bột, làm chi có xấu hay tốt. Có lẽ chúng ta chưa hiểu tác giả nói gì.

– Bước 2: Phân tách Amylopectin tự động và giữ cho tỷ lệ Amylose cao hơn Amylopectin nhất có thể.
Trong quá trình nồi cơm điện hoạt động, chúng sẽ phân tách tự động kiểm soát nhiệt độ, lượng Amylopectin sẽ tự phân tách ra khỏi từng hạt gạo, còn hàm lượng Amylose trong gạo vẫn giữ nguyên.

Đây là chỗ quan trọng:
Chúng ta thử coi thành phần hoá học tinh bột của gạo gồm những chất gì, mời xem hình: 25% amylose và 75% amylopectin.
Tinh bột chứa hai nhóm phân tử amylose và amylopectin. Hai thứ nầy vẫn là glucose kết thành, amylose cấu trúc thẳng khó tan trong nước nóng; amylopectin cấu trúc vòng và về hóa học nó dễ tiêu hoá thành đường khi vào cơ thể hơn là amylose. Khi ăn một thứ vào cơ thể mà nó biến thành đường nhanh thì người ta nói thực phẩm đó có chỉ số GI cao. Còn như nó từ từ biến thành đường như khoai lang thì người ta nói chỉ số GI của khoai thấp. Biến thành đường chậm để cơ thể kịp thời gian đốt đường sinh ra, người tiểu đường cần thực phẩm GI thấp. (55 trở lại).
Công thức hoá học hai nhóm nầy:
Amylopectin dễ tan hơn, cho nên nấu cơm chắt nước như ngày xưa thì amylopectin tan vào nước cơm nhiều hơn là amylose.
Xin lưu ý là cả hai đều không tốt cho người tiểu đường vì khi ăn vào enzyme trong hệ tiêu hoá biến chúng thành đường. Amylose tiêu hoá chậm, cơ thể đủ thời gian sữ dụng. Còn amylopectin thì biến thành đường nhanh hơn. Người tiểu đường cử ăn tinh bột và tất cả mọi thực phẩm ngọt (như trái cây ngọt).

Về cơ chế hoá học chúng ta biết sơ như vậy, giờ trở lại nguyên lý hoạt động của cái máy được tác giả nói tới, mới nghe rất có lý phải không.
Thực tế thì thế nầy. Các chất hoà tan vào nước chứa trong thang thuốc bắc sẽ không bao giờ tan nhiều hay tan hết vào nước trong vòng vài mươi phút nấu nóng. Người ta sắc thanh thuốc bắc hàng vài tiếng đồng hồ mới lấy được ít nhiều hoá chất chứa trong đó vào nước để uống, thân cây, rể cây, lá cây trong thang thuốc sau vài tiếng vẫn cón chứa hoá chất hoà tan.
Như vậy muốn cho chất không chịu hoà tan như amylopectin trong hạt gạo tan được nhiều vào nước thì phải nấu lâu đến cái độ gạo thành cháo cũng chưa tan hết. Nấu thành cơm thì vô phương.
Nói cách khác mực in (của máy inkjet) tan trong nước, màu thực phẩm dùng làm bánh tan trong nước. Bây giờ các bạn lấy miếng vải như cái áo trắng chấm màu đó vào, mang đi ngâm cái áo, mang đi nấu cái áo dính mực, vết mực có ra hết không, thưa không. Bây giờ các bạn mua gói xôi nhuộm màu xanh đỏ bỏ vô nồi đổ nước nấu một lúc, những hạt xôi dính màu thực phẩm đó có trắng lại không. Các bạn trả lời rồi đó.

Trở lại: Bài viết cũng một đại lý bán nồi liên hệ ghi cái tiểu tựa làm khách hàng hiểu lầm: Ghi là “NỒI CƠM ĐIỆN TÁCH ĐƯỜNG” thưa không có chuyện gạo chứa đường, không có chuyện tách đường kiểu đó được.
Nghĩa là sao? Dễ ẹt, gạo không chứa đường mà chứa tinh bột (không tan) vậy là không có vụ tách đường rồi.

Vậy bây giờ mình sang thực phẩm chứa đường hẳn hòi, đường là chất tan vào nước. Các bạn lấy mấy khúc mía, nó chứa đường chẻ ra bỏ vô nồi nấu mươi phút cở nấu cơm. Đường trong mấy lóng mía có ra hết không, mấy lóng nầy còn ngọt không. Các bạn trả lời rồi đó.

Viết như vậy có khi làm bà con tưởng là cái nồi trên vô ích. Thật sự thì nó có làm cho một chút xíu (một chút xíu, thí dụ không chính xác là 10%) amylopectin tan vào nước cơm, và nó xã bỏ nước ra ngoài, thì cũng giống như ngày xưa tôi nấu cơm bằng nồi đất và chắt nước cơm.
Số lượng amylopectin tan vào nước không nhiều (tôi thí dụ 10%), không bù với giá cái nồi mắc gấp bình thường nhiều lần. Nếu cái nồi mắc hơn 10% thì có lẽ mua xài cũng tốt. Còn như nó mắc hơn 4 lần thì … uổng tiền.
Gọn nhất là ăn ít cơm lại 10%, nấu bằng nối thường.

Xin quí bạn hiểu cho rằng tôi là tay ngang biết chi nói nấy, tôi dựa vào thực tế và về đặc tính của tinh bột mà nói. Các bạn đừng có tin tôi mà tin ở chính mình.

* * *

Dược Sĩ Bùi Kim Tùng
Xin góp ý thêm về cái gọi là “Nồi cơm tách đường”

Gần đây tràn lan quảng cáo nồi cơm tách đường, giúp người bệnh tiểu đường ăn cơm thoải mái. Chúng ta thử tìm hiểu.

a- Hạt gạo không có đường, chỉ có tinh bột. Tinh bột gạo là đại phân tử do liên kết nhiều hexose; nếu liên kết thành chuỗi (nối mạch 1-4) gọi là amylose; nếu thành vòng (do có nối mạch ngang 1-6) gọi là amylopectin.
b- Khi nấu cơm, nước sôi khiến amylopectin trương nở bên cạnh dẫn chất cellulose, pectin, gluten; hạt gạo nở và mềm. Amylopectin trương nở, có thể cắt thành mảnh nhỏ hơn (polysaccharid, maltodextrin…), nhưng còn lâu mới thành đường (monosaccharid).
c- Theo tài liệu sinh hóa, ptyalin của nước bọt chỉ có khả năng thủy phân amidon (đại phân tử) thành phân tử nhỏ hơn; mãi tới khi xuống dạ dày-ruột, nó bị chuyển hóa lần lượt thành maltoz-dextrin rồi glucoz nhờ amylaz của tụy tạng (cắt nối 1-4) và tạp khuẩn saccharolytic (cắt nối 1-6).
Nói rõ hơn, quá trình chuyển hóa từ tinh bột thành đường phải qua nhiều công đoạn, hạt gạo trương nở chỉ tạo thuận lợi có các phản ứng về sau.
d- Cơm không có đường, chẳng cần ‘tách’.
e- Nguy hại. Người bệnh tiểu đường tưởng ‘cơm đã tách đường’ an toàn nên ăn thoải mái, thế là glucoz-huyết tăng vọt, hậu quả khó lường.

1 Comment

  1. Các ý của 2 vị trên có hơi khác,người thì cho là 10%,người thì cho là không bao giờ tách được “d- Cơm không có đường, chẳng cần ‘tách’.
    e- Nguy hại. Người bệnh tiểu đường tưởng ‘cơm đã tách đường’ an toàn nên ăn thoải mái, thế là glucoz-huyết tăng vọt, hậu quả khó lường”
    Vậy các hãng hoàn tiền 200% nếu đo đường không xuống là sao ?,họ không nói là xuống bao nhiêu,nhưng họ nói là sẽ xuống có thể là 1 vài % nhưng như vậy là có xuống chứ nếu không xuống như ý 2 là họ dẹp tiệm rồi?

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*